Hồ Quý Ly - Chương 12 - Phần 3

3

Nguyên Trừng, Thanh Mai ngồi trên bành con voi trắng. Ông già Lặc ngồi trên đầu voi điều khiển. Lộ trình của họ dài và quanh co. Đường đi phải qua nhiều núi cao, suối sâu, rừng rậm, vì vậy nên phải đi bằng voi; chỉ có voi mới có sức chịu đựng dẻo dai, leo dốc cũng được, lội suối cũng được, mà thức ăn là lá cây, trên rừng vốn sẵn.

Địa điểm đầu tiên hai người đến là núi Đạm Thủy vùng Đông Triều.

Như đã nói, Trần Thuận Tông từ lâu đã chán cảnh bon chen trần thế. Quý Ly đã ngầm sai đạo sĩ Nguyễn Khánh nói với vua:

- Cõi tiên thanh nhã, thơm tho, khác hẳn cõi phàm trần. Các tiên đế bản triều ta đều thờ Phật, chưa ai từng theo chân tiên. Bệ hạ ở ngôi tôn quý nhưng khó nhọc muôn việc, chi bằng nhường ngôi cho thái tử để theo tiên tu đạo.

Vua Trần Thuận Tông đã làm đạo quán trong vườn ngự uyển, quyết tâm tu đạo. Sau đó làm chiếu nhường ngôi cho con là thái tử An. Lúc đầu vua tu ở cung Bảo Thanh vùng núi Nhồi Thanh Hóa. Nơi đó cung điện nguy nga, vẫn gần triều đình, chưa phải nơi thanh tịnh. Vùng Đông triều vốn là căn cứ của nhà Trần, làng mộ tổ tiên nhà Trần cũng ở đó. Hơn nữa ở đấy có nhiều danh sơn, phong cảnh như gấm như hoa. Mấy năm trước, vua đến núi Đạm Thủy thăm mộ cha thấy có quán Ngọc Thanh, hang động, cỏ hoa tươi tốt, hình như trong lòng đã thầm hẹn ước. Vì vậy, Thuận Tông quyết định dứt bỏ hoàn toàn với thế gian. Vua rời Thanh Hóa về tu ở quán Ngọc Thanh trên núi Đạm Thủy.

***

Núi Đạm Thủy là một danh sơn của vùng Đông Triều lộ Hải Đông. Thời xưa ở các danh sơn người ta hay xây chùa, bởi vì danh sơn thường phong cảnh đẹp, hơn nữa lại là những đỉnh chóp cao, nơi đất chạm mây, nơi khí thiêng đất trời tụ hội. Người ta hành ở đó có thể sử dụng được khí thiêng sông núi để cho mình chóng thành chính quả. Theo cách nghĩ đó, trên núi Đạm Thủy người ta dựng quán Ngọc Thanh; chỉ có khác, nơi đây tu tiên chứ không tu Phật.

Để đón Trần Thuận Tông về tu đạo, người ta đã cho sửa sang lại đạo quán. Ngôi quán tám mái, ngói đỏ au. nằm cheo leo sườn núi, tòa lâu đài của tiên ẩn hiện trong những làn mây trắng. Có cả lầu chuông, lầu khánh. Chiếc khánh bằng đả xanh ngân nga mỗi buổi chiều về. Tiếng khánh đá trầm khua lanh canh như tiếng người nức nở, đó là đặc điểm riêng vùng này, mỗi khi khách qua đây đều nhận thấy.

Ở phía bên phải, quán dẫn tới một hang đá, có dây leo làm mành che, có khóm trúc vàng làm bình phong, có tảng đá nhẵn làm bàn trà ẩm, Thuận Tông sung sướng vô cùng, từ đó an tâm ẩn tu ở chốn thần tiên. Một con đường mòn nhỏ đi xuống chân núi, nơi đây có một chiếc ao trên đá, nước trong suốt nhìn đến tận đáy. Một đàn cá chép đỏ sống ở đây; mỗi chiều Thuận Tông vẫn cho cá ăn. Ao đó tên gọi ao Tích Lịch. Người ta kể khi xưa, một đêm mưa to gió lớn, sét đã đánh xuống núi, đã hõm xuống và tạo thành cái ao nước trong vắt, ngọt ngào. Cũng vì dòng nước lạ lùng này nên có tên núi Đạm Thủy.

Vùng Đông Triều, xã Yên Sinh chính là quê gốc của họ Trần. Tiên tổ nhà Trần vốn người Yên Sinh, sau mới dời đến ở hướng Tức Mặc phủ Thiên trường; điều này có ghi trong bia thầu đạo của xã. Cũng chính vì vậy, nên khi chết các vua nhà Trần đều chôn ở Yên Sinh hoặc vùng quanh đó. Lăng Tự Phức là lăng tẩm của Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông. Tháp cổ trên núi Yên Tử là nơi để xá lị của Trần Nhân Tông. Ta còn thấy lăng Đồng Thái, lăng Đồng Mục, lăng Ngải Sơn, lăng Phụ Sơn, đó là những mộ của Anh Tông, Minh Tông, Hiến Tông, Dục Tông. Hầu hết tất cả các vua Trần trở về với tổ tiên, đều gửi nắm xương tàn ở vùng Yên Sinh. Vua Nghệ Tông cha của Thuận Tông cũng không ra ngoài thông lệ. Sau khi ông mất, Thuận Tông đưa cha về chôn ở chân núi Đạm Thủy. Trần Nghệ Tông đã tự đặt tên trước cho lăng mộ của mình: lăng Đồng Hy. Ta có thể hiểu khi Thuận Tông trở về tu tiên ở quán Ngọc Thanh trên núi Đạm Thủy; cũng chỉ vì ông muốn chăm sóc cho phần mộ của cha mình tổ tiên mình. Và trong thâm tâm ông cũng dự kiến: nếu chết sẽ được chôn bên cạnh cha.

Từ khi trở về núi Đạm Thủy, Thuận Tông như thấy lòng mình vơi nhẹ hơn nhiều. Suối rừng, hoa cỏ đã an ủi được ông. Ông sợ sự huyên náo, sự xao động. Mỗi lần nó đến lòng ông lập tức chao đảo. Lại thấy nôn nao như muốn lên cơn rồ dại. Do vậy, ông cấm các quan lại địa phương không được đến thăm viếng. Ở nơi ông ẩn tu, chỉ có một chú tiểu đồng và con vượn nhỏ. Từ ngày trở về rừng, con vượn nhỏ cũng tươi tỉnh hẳn lên. Nó quấn quýt đi theo ông suốt ngày. Buổi sáng, sau khi tĩnh tọa, ông xuống núi thắp hương ở Hy Lăng, mộ cha. Sau đó ra ao Tích Lịch thả những hạt cơm, vui vầy cùng đàn cá chép đỏ, và để tự ngắm mình dưới nước. Ông để tóc, để râu, nên mới hai mươi tuổi trông đã như một người già, râu dài trước cằm, tóc búi trên chỏm đầu. Mặc chiếc áo đạo sĩ màu xanh, trông ông rất tiên phong đạo cốt, giống như một vị tiên. Chỉ có điều, một ông tiên buồn. Thanh Hư đạo trưởng trước kia đã nói với ông: bao giờ con ngắm mình dưới nước, thấy nét mặt hết buồn, và lòng hết giận, lúc đó con đã trai lòng, tức là đã đắc đạo. Hôm nay, tự ngắm mình trong ao Tích Lịch, ông nhủ thầm: lòng ta đã lặng, nhưng vẫn không hết phảng phất một nét tư lự. Con vượn nhỏ đứng bên cạnh, từ lúc nãy cứ lồng lộn tỏ vẻ sốt ruột. Thuận Tông vuốt ve đầu nó và hỏi.

- Con làm sao thế? Sao con lại kêu lên những tiếng xáo xác? Hay con đói? Con không đói ư?... Con muốn trở về? Về làm gì? Trời cao lắm. Sẽ chẳng có mưa sớm. Trời quang... mây tạnh... thầy trò ta ngồi đây đùa vui cùng đàn cá... chẳng thích lắm sao... Ôi? Con vẫn muốn về. Chẳng lẽ... hay là ta có khách?

Ông vua đạo sĩ đứng lên. Con vượn hết quạu quọ, nó tươi tỉnh lại, nhảy phóc lên cành cây, rồi chuyền ra lối mòn trở về quán Ngọc Thanh trên núi. Ông sung sướng nhìn con vật. Nó là người bạn trung thành nhất mà ông từng thấy. Đêm, con vật bé bỏng ấy nằm trong lòng ông. Có đêm, nhớ tới hoàng hậu Thánh Ngẫu và thái tử An, ông đã khóc thầm, khóc không ra tiếng. Đang ngủ, con vật cũng vùng tỉnh dậy. Có lẽ nó nghe được tiếng thổn thức của trái tim ông. Nó áp bộ lông mượt vào má ông để lau khô những giọt nước mắt. Vừa nghĩ, ông vừa leo dốc. Đến trước quán, ông ngồi trên tảng đá nghỉ cho hết mệt. Chợt con vượn nhỏ từ trên cành cây nhảy xuống, kéo tay ông đi. Ông muốn nghỉ nhưng con vật không nghe. Nó bắt ông đứng dậy bằng được, để dắt ra đứng trước bức tường quét vôi trắng, trên đó còn tươi những nét chữ của một bài thơ vừa mới viết sáng nay: Thơ rằng:

Lâu đài phủ tía dựa non cao

Xuân quang tươi tốt đến thăm chào

Hoa tùng rụng đất, đàn xưa lặng

Đạo viện thâm sâu, khánh biếc reo

Đỉnh vàng nấu thuốc, tiên đâu tá

Mộng tỉnh kê vàng, dạ nao nao

Vượn sầu hạc oán tình khôn xiết

Đêm lạnh bên rừng trúc lao xao...

Cùng lúc đó, tiểu đồng bước ra thưa:

- Ban sáng, lúc nguyên quân xuống núi thắp hương, có một nho sinh đến vãn cảnh, anh ta dáng trầm tư bồn chồn đi lại trước quán hồi lâu. Sau lại ngồi trên tảng đá buồn rầu suy nghĩ, rồi làm bài thơ đề trên vách. Bảo rằng: Vì không tiện quấy quả, làm rối sự u tĩnh, làm bận lòng nguyên quân, nên xin cáo từ, chỉ để lại bài thơ này gửi tặng...

Thuận Tông đọc lại bài thơ, rồi thở dài:

- Ý người này có nhiều đồng cảm. Chỉ tiếc rằng hơi u buồn... Nhưng mà... cảnh này, người này, tình này... đúng là buồn thơ mới hay... Thế nhà ngươi có hỏi họ tên? Hình dáng anh ta ra sao?

- Đệ tử có hỏi. Nho sinh tên là Nguyễn Trãi. Tuổi trạc đôi mươi. Dáng người gầy gò, thanh tú.

- Nguyễn Trãi... Nguyễn Trãi... Thế ngươi có hỏi gia thế anh ta?

- Bẩm nho sinh ấy là cháu của Băng Hồ tướng công.

Ông vua đạo sĩ ngồi xuống tảng đá, lặng lẽ suy nghĩ:

... Thảo nào? Ta hiểu. Trãi là cháu ngoại quan Tư đồ Trần Nguyên Đán. Họ ngoại nhà Trần. Đứng về thế thứ Trãi gọi ta bằng bác... Thảo nào? Cháu đến thăm ta... nhưng sợ ta buồn... Nó gửi thơ tặng ta... Thì ra... Ở đời vẫn còn người cảm thương tới số phận của ta.

Mấy tháng ở rừng hầu như xóa dần quá khứ nhưng chỉ đọc một bài thơ, những xót xa cay đắng lại giật mình thổn thức trong ông.

Đêm hôm ấy, Thuận Tông tỉnh giấc lúc quá nửa đêm. Ngoài rừng, có tiếng nai kêu thảm thiết, cả tiếng những con khỉ tíu tít gọi nhau, rồi tiếng những con chim vô cánh xào xạc... Tất cả như muốn báo hiệu có loài thú ác đương lởn vởn. Sau đó lại im ắng. thứ im ắng lạnh tanh đến sởn tóc gáy. Từ phút đó, Thuận Tông không ngủ lại được. Chợt lại suy nghĩ miên man, dẫn tới một nỗi buồn mênh mang không tài nào chịu nổi. Ông ngồi dậy, và không thể nào xóa được nỗi phiền muộn trong lòng; chỉ còn một cách ngồi tĩnh tọa, đọc kinh, đọc những câu thần chú, cố thoát xác, cố đưa mình vào cõi hư vô. Sự cố gắng thoát vượt số phận ấy làm người ông dần dần như đông cứng lại. Hơi nóng dần tỏa đi, chỉ còn để lại một thân xác lạnh băng. Con vượn nhỏ vẫn trung thành ngồi bên. Nhìn gương mặt buồn bã với đôi mắt nhắm nghiền của thầy, con vật có vẻ sửng sốt. Sờ vào bàn tay lạnh ngắt của thầy, con vật chừng như lo lắng. Nó kêu lên khe khẽ và ngả đầu vào lòng ông, nhưng khí lạnh ở người ông toát ra làm nó giật mình kêu tíu tít. Nó chạy vòng quanh ông vua bạc phận, ngó nghiêng. Nó tưởng ông chết rồi chăng? Nhưng ông vẫn ngồi trơ trơ ở tư thế tĩnh tọa thế kia, bộ óc thô sơ chắc cũng mách bảo nó rằng ông chưa chết. Thế là, với bản năng của loài động vật, nó nhảy lên ngực ông, giơ hai cánh tay bé nhỏ ôm chặt cổ ông, áp má vào má ông, áp ngực vào ngực ông, rồi dùng đôi chân quặp chặt quanh người ông, như tư thế mà nó vẫn còn nhớ được khi ngày xưa nó vẫn ôm lấy mẹ. Bằng cách áp chặt người như vậy, nó đã che chở được trái tim ông, giữ cho chút hơi nóng cuối cùng khỏi tan đi và truyền được một chút hơi ấm áp vào tấm thân mong manh kia đang dần dần chuyển vào cõi hư vô. Chính lúc đó, Thuận Tông như thấy mình thoát ra khỏi cái hình hài gầy guộc, ông lơ lửng trên cao, nhìn xuống con người thảm thương đang ngồi dưới đất. Giá lúc đó chẳng có bóng con vật nhỏ bé đang ôm lấy thân xác ông, dáng xót thương trìu mến, giá lúc đó chẳng có chút hơi ấm nhỏ nhoi của con vật truyền vào trái tim ông... có lẽ linh hồn trên cao của ông đã bay thẳng đi xa vào cõi khôn cùng. Chợt thấy thương mình, thương tất cả, ông chưa ra đi được. Còn phải ở lại mà chịu hết cái cộng nghiệp mà toàn thể dòng họ nhà Trần của ông đã để lại cho ông. Một dòng họ hiển hách với bao công đức cho non sông. Nhưng phúc, tổ tiên ông đã hưởng hết rồi phần gia tài mà ông được hưởng nay chỉ còn chút dư hương thê thảm... Nhưng, nghĩ cho cùng, số phận của những hậu duệ cuối cùng của một triều đại bao giờ chẳng thế. Như ông Lý Huệ Tông, bà Lý Chiêu Hoàng ngày xưa chẳng đã được các bậc tiên tổ nhà Trần dành cho những số phận thê thảm hay sao?... Nghĩ như thế, nên linh hồn ông bỗng thở dài. Thuận Tông đã quay trở về với thân xác mình để hưởng cho hết những nghiệp quả, dù cho nó đắng cay.

Da thịt ông từ từ nóng ấm trở lại.

***

Khi nội tẩm học sinh Nguyễn Cẩn tới núi Đạm Thủy nhà vua không hề ngạc nhiên. Thuận Tông tự nhủ với mình: “Đến rồi đấy.” Nguyễn Cẩn quỳ dưới đất làm lễ, ông vua đạo sĩ nói:

- Đêm qua, khi tĩnh tọa, ta nhìn thấy trong tâm tưởng có những con người đi theo những lối mòn trong rừng tiến tới núi Đạm Thủy. Ta còn nhớ một dáng người rất giống ông. Ta tự nhủ thầm: Nguyễn Cẩn đến gặp ta, chẳng biết đã có chuyện gì xảy ra?

Vị quan trẻ sau khi được phép ngồi dậy, kính cẩn thưa:

- Tâu thái thượng nguyên quân, thần được sai đến để tấu trình về lễ đăng quang của thái tử... lễ được cử hành rất trọng thể ở Tây Đô... Dạ, hoàng cung Tây Đô đã hoàn thành... rất nguy nga tráng lệ... Lễ được cử hành ở điện Minh Đạo... Lúc đầu triều đình có chút lo lắng, thái tử còn nhỏ tuổi quá, sợ có điều gì sơ suất, mà lễ đăng quang là một đại lễ ảnh hưởng lâu dài tới cả triều đại. Nhưng khi tân hoàng đế xuất hiện giữa hai con rồng đá thì... mọi người thở phào nhẹ nhõm. Bởi vì mới ba tuổi thôi nhưng người đã rất đĩnh đạc. Bẩm, hoàng thái hậu Thánh Ngẫu định dắt tay người bước lên thềm rồng, nhưng tân vương đã buông tay thái hậu, một mình chững chạc bước lên từng bậc. Riêng chỉ lúc làm lễ quỳ lạy trước bàn thờ ở thái miếu, hoàng thái hậu phải ngồi kề bên, hoàng hậu làm lễ thế nào, tân vương nhất nhất làm theo giống hệt...

Thuận Tông thở dài:

- Nghi lễ làm lâu suốt buổi... Thế... Con ta có bị ốm không?

- Dạ, tân vương có mệt chút ít, đêm ấy phải dỗ ngài đi ngủ sớm... Nhưng sáng hôm sau đã hoàn toàn tỉnh táo. Tướng quân Trần Khát Chân vào vấn an, hoàng thượng còn bắt thượng tướng cõng mình trên lưng... ngài cười như nắc nẻ.

Thuận Tông im lặng hồi lâu, rồi hỏi:

- Ta nhớ trong tâm tưởng đêm qua, còn nhìn thấy cả một đoàn người ngựa.

- Dạ. Chúng thần đi một đoàn, nhưng sợ làm kinh động đến sự thâm u của nơi tu hành thanh tịnh... Đức nguyên quân lại cấm người đến viếng thăm... nên thần đã bố trí họ ở trong làng gần đây...

Nguyễn Cẩn dâng quà biếu của thái sư gồm các thứ thuốc quý, sâm, nhung, quế phụ, cả trà ngon, đồ cống của các tù trưởng miền biên viễn.

Tiểu đồng pha trà tuyết, dùng nước trong lấy từ nguồn nước ao Tích Lịch. Ông vua đạo sĩ vốn chẳng ưa Nguyễn Cẩn nhưng vì không có ai trò chuyện lâu ngày, nên Thuận Tông vẫn nói chuyện với vị học sĩ suất một buổi ròng. Nguyễn Cẩn vốn tinh ý, ông ta khôn khéo đưa đẩy. Chẳng phải những chuyện tâm sự, cũng chẳng phải những chuyện trọng đại, chỉ là những điều vụn vặt. Ví dụ, chuyện người thợ đá làng Nhồi, tạc đôi rồng đá ở Tây Đô, có lẽ đó là đôi rồng đá tuyệt đẹp chưa từng thấy. Ví dụ, cổng Nam của thành mới nhìn thẳng vào núi Đún, đó cũng là cái cổng đá hùng tráng lớn chưa từng thấy. Cũng có lúc họ nói sang chuyện sách vở.

- Lúc còn ở ngôi, ta có đọc “Nhật tân thập nhị sách” của khanh. - Thuận Tông vừa nói vừa nhìn thẳng vào mắt Nguyễn Cẩn. - Đọc xong bài sách, ta nghĩ bụng: Con người này đáo để đây, một con người cuồng nhiệt với chuyện cách tân. - Nói tới đây cựu vương cười giòn. - Vả lại ta cũng là người cách tân. Việc thoái vị của ta chẳng là một việc cách tân hay sao?

- Thưa nguyên quân, thần trộm nghĩ, việc người theo lẽ tùy thời, đó là điều đáng kính.

- Ta chẳng muốn bàn về chuyện đó. Chỉ xin hỏi ngươi một điều: Trong thập nhị sách kế sách, ngươi đặt lên hàng đầu là sĩ sách; ngươi luận bàn nhiều về kẻ sĩ; có một điều ngươi không bàn tới, bậc quân vương có phải là kẻ sĩ không?

Nguyễn Cẩn ngẫm nghĩ hồi lâu rồi nói:

- Nên chia các bậc vua chúa ra làm ba loại: hôn quân, hiền quân, và minh quân. Khỏi cần nói tới hôn quân, còn lại hai bậc hiền quân và minh quân. Thần run sợ mà xin luận bàn...

- Ngươi cứ thành thật, bạo dạn mà nói - Ở nơi rừng núi này, nào ai còn có thể bắt tội nhà ngươi.

Thực ra, vua là người cầm đầu kẻ sĩ trong thiên hạ, sử dụng kẻ sĩ, điều hành kẻ sĩ, nếu không phải là một kẻ sĩ, thì đó là điều bất hạnh cho dân. Biết tôn trọng một kẻ sĩ làm thầy mình. Làm bạn mình, điều đó chỉ có được ở một ông vua mắt biếc.

- Ta biết, ông vua bích nhãn là đấng minh quân.

- Thực ra, trong sử sách thấy hiếm khi ghi lại một ông vua nào là kẻ sĩ. Nhưng một bậc minh quân bao giờ cũng là một kẻ sĩ lớn. Không những bích nhãn mà còn thiên nhãn. Nhìn thấy rất xa, mà cũng nhìn thấy rất gần. Thấy được cái bất biến mà cũng thấy được cả cái hằng biến...

- Còn bậc vua hiền?

Mắt Nguyễn Cẩn chợt sáng lên. Ông ta đã nhập cuộc vào những ý tưởng thường nung nấu. Bao nhiêu dồn nén bỗng được bung ra. Hầu như Cẩn đã quên mất trước mắt mình là một ông vua mới thoái vị; hoặc giả ông còn nhớ, nhưng đó là một vua thoái vị sa cơ; hoặc giả ông không có tâm địa coi thường, nhưng trong lòng Cẩn lúc này ý tưởng đang sục sôi, chúng cần bộc lộ:

- Ông vua hiền ư? Có thể đôi khi cũng là kẻ sĩ, nhưng thứ kẻ sĩ bất túc. Bởi lẽ, thông thường họ chỉ biết đến cái lý nhu yếu. Lúc nào trên cửa miệng cũng chỉ có câu: nhu nhược thắng cương cường. Những con người của thời rủ áo, tọa hưởng kỳ thành. Đất nước ta cũng chẳng thiếu... các vị vua hiền... kiểu như vậy.

Nhưng tại sao đất nước vẫn rơi vào loạn lạc? Vua không thương dân ư? Thương chứ! Vua giảm cả sự xa hoa, yến tiệc của riêng mình, sao nơi hang cùng ngõ hẻm vẫn vang lên lời kêu than đói khát? Bởi vì các ông vua đó không biết tới sự sấm ran chớp giật; nói đến chuyện thay da đổi thịt là xám ngoét, run rẩy. Non sông, qua một thời gian dài trơ ì, đã trở nên cứng quèo, thối rữa. Hồn núi sông như ngủ mơ trên đống vàng. Tất cả trở nên ù lỳ, hèn yếu; đâu đâu cũng bốc lên mùi xác rữa. Cần phải lột xác. Non sông gấm vóc cần phải hồi xuân, dù phải qua máu lửa, chết chóc, tàn phá, lụi tàn...

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay