Hồ Quý Ly - Chương 09 - Phần 2

2

Chỉ riêng Đoàn Xuân Lôi, trợ giáo Quốc Tử Giám, phản đối cuốn Minh Đạo của Hồ Quý Ly kịch liệt nhất. Ông viết hẳn một lá thư dài, dâng vua để phản đối cuốn sách đó.

Ông là người kiên trì đạo Khổng hiếm thấy. Từ trẻ đi học đã nổi tiếng liêm chính ngay thẳng, đói sạch rách thơm. Mọi thứ với ông đều phải hài hòa nghiêm chỉnh. Nhà ở thì cửa phải chính giữa không được sai một phân. Cửa sổ phải cân đối, đều đặn ở hai bên. Nhà lệch lạc không ở. Bát không sạch không ăn, áo bẩn không mặc. Nét mặt ông bao giờ cũng nghiêm trang, ăn nói từ tốn, chọn từng chữ để nói. Vua Nghệ Tông có một người thầy đàn rất giỏi, biết sử dụng mọi thứ nhạc cụ một cách tinh vi. Nghệ Hoàng rất yêu quý; người thầy đàn thường được gọi vào cung đánh đàn cho vua nghe. Một bận Đoàn được Nghệ Hoàng triệu tập. Ông vào cung Thánh Từ, lúc đi qua khu nhạc đường là nơi tập luyện ca múa của cung nữ. Ông chợt nghe thấy một điệu hát nỉ non ai oán. Nhìn vào thấy người thầy đàn đang dạy các cô cung nữ múa hát một điệu Chiêm Thành. Ông bèn về viết bản tấu về lễ nhạc, quyết gìn giữ sự trong sạch của cung cấm, không cho phép thứ nhạc sầu thảm ấy được lọt vào tai thiên tử:

Thiên tử là bậc tôn quý. Cung vua là nơi ngự trị thái hòa. Bất cứ một điều gì làm hại đến sự hài hòa của nơi tôn nghiêm đều phải loại bỏ. Kìa, xem nhu trên nóc điện Đại Minh, rồng chầu còn phải có đôi mà vầng nhật nguyệt biểu tượng cho bậc thánh thiên tử thì phải nằm ngay chính giữa.

Thần trộm nghĩ: tiếng nhạc ai oán ấy là một điều xộc xệch. Xưa kia, Lý Cao Tông nghe gẩy đàn Bà Lỗ, nhạc Chiêm Thành mà nhà Lý mất ngôi. Gần đây Dương Nhật Lễ vì biến cung đình thành một chốn hát xuống nên đất nuộc ta phải trải qua một thời nghiêng ngả...

Nghệ Hoàng tiếc tài người thầy đàn, không nỡ loại bỏ. Xuân Lôi dâng biểu ba lần, cuối cùng người thầy đàn buộc phải trở về nơi quê cũ vùng núi Lạn Kha. Những năm vừa qua, giặc Chiêm Thành liên tục ra đánh phá Đại Việt, khi giặc đến, nhân dân chạy hết vào rừng núi, hoặc trú ẩn ở những đầm lau sậy. Quê ông cũng phải chạy giặc như vậy. Giặc tiến công mạnh quá, do đó một số người đầu hàng, theo giặc. Làng ông nằm trong vùng điền trang của hoàng thân Nguyên Diệu. Diệu đầu hàng Chế Bồng Nga nên một số dân làng cũng theo chủ hàng Chiêm. Sau khi Trần Khát Chân diệt được họ Chế, Lôi về làng và thề rằng: “Đất làng này theo giặc, ta thề suốt đời sẽ không bao giờ giẫm chân lên đất này nữa.” Quả nhiên, suốt đời ông giữ vững lời thề ấy. Vì mồ mả tổ tiên Lôi đều ở làng quê nên người cháu trưởng của ông phải ở lại coi sóc mồ mả, khói hương ở nhà thờ họ. Do đó, tết Nguyên Đán, ngày giỗ tổ tiên, Lôi vẫn phải về quê. Đã thề không thèm đặt chân lên đất làng, nên ông phải giữ chữ tín. Ông bèn giải quyết bằng cách đi kiệu về làng. Kiệu vào thẳng trong nhà, sát chiếc giường ngủ; hạ kiệu ông lên giường ngay. Thậm chí, ra thăm ao thăm vườn, đi tảo mộ, ông cũng ngồi trên ghế kiệu, không hề giẫm chân xuống đất.

Người đời bảo ông là đồ gàn, nhưng vẫn phải nể trọng. Ông nói:

- Kẻ sĩ đâu chỉ nói thao thao những lời thánh hiền. Cái chính là việc làm. Việc gì đúng lời thánh hiền, chết cũng làm. Việc gì sai với lời thánh hiền, chết cũng không khuất phục.

Lá thư ông dâng Nghệ Hoàng để phản đối cuốn Minh Đạo có đoạn viết:

Đức Khổng Phu Tử là bậc thầy của ngàn đời. Hành vi của người là khuôn vàng thước ngọc cho hậu thế. Quan thái sư trách nhiệm điều hòa âm dương, ngày đêm ở bên cạnh thiên tử, việc ăn nói phải cân nhắc kĩ lưỡng; cớ sao dám khinh xuất bàn đến... Thật là không biết tự lượng sức mình.

Trong sách có thiên bàn về kế sách, Thái sư đưa ra những chính sách như ruộng đất, hộ khẩu, tiền tệ v.v... hoàn toàn trái ngược với kế sách của tổ tiên. Há chẳng nghe thấy câu chuyện đức Trần Minh Tông nói với bọn Lê Quát, Phạm Sư Mạnh hay sao: “Không thể tin nghe theo bọn học trò mặt trắng để làm loạn nề nếp tô tiên.” Nay, đất nước ta đang gặp cơn khó khăn, mất mùa, bão lụt. Nông dân đói khát nghe lời xúi giục của bọn phản loạn, rủ nhau kéo bè kéo đảng đi ăn cướp. Những kế sách của thái sư phải chăng như lửa đô thêm dầu, gây thêm mầm phản loạn. Trộm nghĩ: dục tốc bất đạt. Những ý kiến của thái sư chẳng hợp với đạo Trung Dung. Nay, thái sư xem xét lại tiên thánh, chê bai đức Phu Tử, phê phán các bậc đại nho Chu Trình, rồi đảo lộn nề nếp tổ tiên, có lẽ nào vì trong lòng quá ư nôn nóng. Nếu như vậy còn có điểm khả dĩ, có thể sửa mình. Còn nếu như chỉ là ngông cuồng, điếc không sợ sấm, lại bàn đền những điều quá u to tát, thì thần nghĩ việc đầu tiên phải hủy cuốn sách, sau đó thiên tử phải ra tay sấm sét, quở trách, biếm chức, xử tội, để làm gương cho hậu thế...

Hồ Quý Ly được Nghệ Hoàng cho đọc lá thư. Đọc xong, ông vừa buồn, vừa tức giận. Buồn vì con mắt của bọn nho gia sao mà hạn hẹp. Đoàn Xuân Lôi đỗ Thái học sinh, được người đời khen là kẻ sĩ có tư cách. Cứng cỏi thật! Chính trực thật! Dám chống lại ta lúc này quả là có dũng khí. Chỉ đáng tiếc, tầm mắt ngắn quá. Kẻ sĩ đại phu mà như thế sao? Chẳng lẽ lại chỉ như thứ cuốc kêu ra rả, cúi đầu tầm chương trích cú người xưa? Bước ra khỏi nhà là sợ, bước ra khỏi sách là run rẩy. Than ôi? Sách là lầu vàng, nhưng sách cũng là tù ngục. Thế mới biết, Nghệ Hoàng có con mắt tinh đời. Cũng là một câu của Trần Minh Tông: “Đừng nghe theo bọn học trò mặt trắng làm loạn nề nếp tổ tông.” Ông đã hiểu khác hẳn Xuân Lôi. Ta đổi thay nề nếp xưa, Nghệ Hoàng không cho là loạn, bởi vì ông hiểu thời thế đã xoay chuyển, chính sách phải thay đổi. Cũng bởi vì ông hiểu ta không muốn nước Đại Việt giống phương Bắc; nước non một cõi, văn hiến phải khác. Có lẽ kẻ đọc sách Minh Đạo, Nghệ Hoàng là người tri âm tri kỉ nhất của ta. Cũng chính vì vậy - Quý Ly thở dài - nên ta cứ dùng dằng... không nỡ...

Đưa cho Quý Ly đọc xong lá thư, Nghệ Hoàng bảo:

- Ý nghĩ của Bình Chương khác người, táo bạo...

- Phàm cái gì mới lạ, người ta hay chống lại. Đó là lẽ thường tình. Xuân Lôi học rộng, có khí tiết, nhưng chưa thuần. Thái sư chỉ cần quở trách nhẹ nhàng là đủ. Quý Ly thấy phải, không trị tội nặng, chỉ biếm chuyển Đoàn Xuân Lôi ra châu gần. Lôi làm trợ giáo Quốc Tử Giám nên được cử đi trông coi việc học của Châu Vạn Ninh vùng Vân Đồn.

Quan thái sư rất quan tâm tới việc học. Ông thấy các lộ, phủ, châu việc học chưa vào nền nếp, ông bèn đặt ra chức học quan, đề bạt một loạt những nhà khoa bảng, đưa về các địa phương trông coi việc học hành của dân. Ông chú ý đến những người đỗ đạt có tài nhưng chưa được cất nhắc đúng mức. Vừa qua Trần Mộng Dữ, con rể ông và là con trai quan tư đồ Trần Nguyên Đán về Côn Sơn thăm gia đình. Ông viết riêng một lá thư gửi cho Nguyễn Ứng Long, anh rể của Dữ. Ứng Long lấy Trần Thị Thái con gái quan tư đồ Nguyên Đán. Ứng Long cũng đỗ Thái học sinh cùng khoa với Đoàn Xuân Lôi.

Vì Ứng Long là dân thường lại lấy con gái hoàng tộc, Nghệ Hoàng cho rằng như vậy là bất kính, nên bỏ đi không dùng. Nay, Nghệ Hoàng đã băng, thái sư thấy đã đến lúc nên chuẩn bị dùng Nguyễn Ứng Long.

Nhận được thư của thái sư, Ứng Long viết một lá thư hồi đáp:

- Kẻ hàn sĩ quê mùa này nhận được lá thư của ngài gửi lời lẽ vỗ về an ủi, lòng dạ chợt vô cùng cảm kích, biết ơn.

Tiểu nhân may mắn được đọc cuốn Minh Đạo của ngài, thấy từng dòng, từng chữ đều là những lời tâm huyết, mong cho nước mạnh dân giầu, mong cho cõi trời Nam ta sáng ngời văn hiến... Kẻ hàn sĩ xem Kinh Dịch thấy sau quẻ Tỉnh (giếng) đến quẻ Cách (thay đổi). Giếng để lâu ngày nước tù đọng, thiếu phần trong sạch. Nay phải thau nước cũ, để dòng mạch mới chảy vào... Trong thư, đại nhân có khuyên tiểu nhân nên dùng tình đồng khoa để khuyên nhủ giúp những người còn mê lầm (ám chỉ đến Đoàn Xuân Lôi).

Trộm nghĩ: lời thoán từ quẻ Cách có nói: “Cách, dĩ nhật nãi phu...” Việc đổi thay, phải lâu ngày con nuôi mới hiểu được... Vậy nên, việc thay cũ đổi mới, ngược với thói quen cũ, con người, dù có được học hành, cũng dễ thủ cựu, cho là đa sư. Những kẻ như vậy chỉ là lẽ thường tình... chắc rằng chẳng chóng thì chày sẽ thay đổi... Xin đại nhân hãy rủ lòng kiên nhẫn... Việc đổi đời, làm thay sông đổi núi, công việc nhiều và nặng tựa thái sơn cần phải có nhiều người tài trí đồng lòng ra tay gánh vác.

Nay, đại nhân lấy việc nuôi dưỡng, khuyến khích kẻ hiền tài làm trọng... tiểu nhân trộm nghĩ tấm lòng âu lo ấy, tấm lòng đau đáu vì non sông ấy chắc chắn sẽ được thiên hạ ủng hộ, hưởng ứng...

Chỉ cúi xin đại nhân nghĩ tới câu: “Cổ lai thức tự đa ưu hoạn.” Từ xưa đến nay, kẻ sĩ bao giở cũng nhiều suy nghĩ lo lắng. Chúng tôi đi đâu, về đâu? Đó là câu hỏi của kẻ sĩ trong thời đại loạn. Cúi mong đại nhân thấu đến một câu nhân tình, mở rộng lượng bao dung chờ đợi. Được như vậy, loài ngựa ký ngựa kỳ hẳn không phải là thiếu. Kẻ sĩ như vậy cũng được nhờ, mà đất nước cũng có điều kiện bước vào thịnh hội...

Lá thư ấy, tối qua, thái sư vừa mới nhận được. Làm ông suy nghĩ mãi. Đến lúc này, trong giờ phút mất ngủ, ông lại liên miên nghĩ tới nó. Làm sao để thu phục được kẻ sĩ, một chiến lược lớn đã làm ông mất bao tâm huyết. Tại sao ông đã cố gắng hết sức chiều chuộng họ mà họ cứ mãi xa rời ông. Tại sao Hán Cao Tổ đã đái cả vào mũ của kẻ sĩ mà cuối cùng kẻ sĩ vẫn theo ông? Tại sao Trần Thủ Độ đã tuyệt diệt hoàng tộc nhà Lý, hành động tàn ác hơn cả loài cầm thú, mà cuối cùng nhà Trần cũng được trăm họ đồng lòng ủng hộ, ba lần phá tan được giặc Nguyên hung ác? Đó là câu hỏi lớn mà ông nhất quyết phải tìm cho ra.

Hồ Quý Ly cứ chong mắt ra, nghĩ mãi, nghĩ mãi... Chợt một tiếng gà gáy làm ông giật mình. Trong hoàng thành nuôi rất nhiều gà chọi. Đó là tiếng con đầu đàn vang lên lẫm liệt, uy nghi. Tiếng gà oai hùng ấy vang lên ba lần rồi ngừng bặt. Sau đó, đủ trăm giọng gáy nối tiếp theo... Giọng sang, giọng hèn, giọng vang vang, giọng cụt lủn, giọng dõng dạc, giọng nhỏ nhoi... thậm chí cả tiếng ọ ẹ của những chú trống choai...

Thái sư Quý Ly bỗng ước ao mình cũng có được những tiếng gáy đồng ca đủ màu sắc như vậy...

3

Con gà chọi của quan cai ngục gáy dồn báo hiệu bình minh. Có lẽ con gà xoàng nhất trong lũ gà ở đây, bởi vì nó gáy muộn nhất. Tiếng gáy lại quê mùa, như tiếng ho sù sụ của một ông già, chẳng có khí thế gì hết. Nhưng nghe nói nó lại là con gà chọi hay... Thời nhà Trần, cái thú chơi gà chọi được mọi người ưa chuộng. Tại Thăng Long, từ nhà quan đến nhà dân, không mấy nhà không nuôi gà chọi. Gặp ngày lễ tết, ngoài chợ, ngoài chùa, dưới gốc đa đầu làng, đâu đâu cũng có đám chọi gà. Gặp buổi thanh bình, con gà chọi hay, có nhà giầu mua tới vài chục quan tiền. Sử Văn Hoa chợt thở dài: “Rõ thật lẩm cẩm! Sao lại nghĩ tới gà chọi. Mình có thời giờ đâu, mà cũng có tiền đâu, để nghĩ tới việc chơi gà,” Bỗng nghĩ miên man, bỗng nhớ tới người vợ già cô đơn ở cái làng heo hút phía nam kinh thành.

Ngày xưa, hồi trẻ, ông nghèo lắm. Cha mẹ mất sớm, một nhà sư ở vùng Hải Đông đem ông về nuôi. Thấy ông thông minh, Thiền sư Vân Tiên dạy ông học. Dạy đủ tam giáo, Nho, Phật, Lão. Sắp đến kỳ vua mở khoa thi, Sư Vân Tiên bảo:

- Số của con còn nhiều duyên nợ trần gian. Con phải đi thi để gánh hết duyên nghiệp của mình. Đạo là con thuyền lớn để mọi người cùng đi. Tăng và tục cũng chẳng khác gì nhau. Con nên nhớ câu: ở đâu có tâm tức là có đạo.

Văn Hoa lạy tạ thiền sư, khăn gói lên đường ra Thăng Long. Gần đến khoa thi, anh học trò nghèo Văn Hoa phải đến nghe giảng tại trường học của một bậc đại nho mở bên bờ sông Tô Lịch, phường Giang Khẩu.

Hàng ngày, Văn Hoa vẫn thường gặp một cô hàng bán rượu đến cửa trường bán cho các thầy khóa. Thấy một anh học trò nghèo, quần áo rách, mặt mũi sáng sửa, không bao giờ mua rượu, cô lấy làm lạ, bèn lân la hỏi chuyện. Anh trả lời:

- Quê tôi miền Hải Đông, tiền bạc chẳng dư dật, lấy đâu ra để tiêu xài chè rượu. Vả lại, tôi ở chùa từ nhỏ... Nhà chùa có ngũ giới, trong đó cấm rượu là một...

- Thầy ra Thăng Long có nơi nào ở trọ?

- Tôi trọ ở chùa Tiên.

Ngôi chùa này ở nam kinh đô, nằm cạnh Thái Hồ, trước có hòa thượng người Chiêm Thành trụ trì. Các sư thầy cũng người Chiêm có nghề đục đá. Họ đục hình những con voi, con hươu, con trâu... đặt hai hàng từ cổng chùa đi vào và trong vườn chùa. Tượng hình khéo léo tinh xảo, tạo nên một nét riêng, không giống mọi ngôi chùa khác: Hòa thượng bị giết khi Chế Bồng Nga ra đốt phá Thăng Lon, các sư thầy sợ hãi nên cũng bỏ đi hết cả. Ngôi chùa Chiêm Thành biến thành ngôi chùa hoang, làm nơi trú ngụ cho những kẻ phiêu bạt vô gia cư và những thầy khóa ở tỉnh xa về Thăng Long trọ học. Cô hàng rượu đến thăm, thấy cảnh đổ nát của ngôi chùa, và cảnh cơm niêu nước lọ của Văn Hoa nên động lòng thương, vẫn thường qua lại giúp đỡ.

Văn Hoa thi đỗ. Nhiều nhà tai mắt ở Thăng Long gọi đến gả con cho nhưng Văn Hoa không nhận. Ông đến làng Mơ hỏi cô bán rượu làm vợ. Nhà vợ nghèo, ông làm quan cũng thanh bạch, nên khi làm nhà viết sử danh tiếng, được vua đặt cho họ Sử, ông cũng chẳng biết hưởng thụ ăn chơi gì. Cũng bởi vậy nên ông mới thở dài khi nghe tiếng gà và nghĩ đến thú chơi gà chọi. Nói đúng sự thực, từ khi làm quan ông cũng có hưởng thụ một chút: đó là thú uống rượu. Ông đã phá một trong ngũ giới. Đặc biệt, ông chỉ uống rượu làng Mơ, do chính tay vợ nấu.

Hồi mới bị bắt, Sử Văn Hoa trằn trọc mấy ngày đêm không ngủ, suốt ngày đêm ngồi lặng im, mắt thao láo nhìn chòng chọc vào không trung, cứ như thể đôi mắt mở to ấy không hề biết chớp. Ngục quan vốn là người quen, liền mang một bình rượu Kẻ Mơ đến, rồi lén đem vào cho ông.

- Này, tiên sinh uống đi cho nó hạ cái uất xuống.

- Không uống?

- Rượu Kẻ Mơ đấy.

- Hả?

- Vợ ông mang đến đấy.

- Thế hả?

- Uống đi? Kẻo phụ lòng bà ấy.

- Ừ, thì uống...

Sử Văn Hoa bưng vò rượu lên uống ừng ực như tu nước lã. Đôi mắt ông vẫn chòng chọc như mất hồn. Lúc đó ngục quan mới tỉ tê.

- Ông có biết con gà chọi của tói không?

- Sao lại gà chọi hở?

- Trông nó như con gà gỗ ấy!

- Sao lại gà gỗ hử... à... à... Nó đá hay hả...

- Lúc tôi mới mua về, nó hăng lắm. Nghe thấy tiếng gà lạ, là nó giương cổ gáy đáp lại. Tôi nghĩ nó vẫn còn hăng lắm, chưa đá được. Một tháng sau, trông thấy bóng gà lạ, nó vẫn còn sục sặc lồng lộn. Tôi lại nghĩ: nó vẫn còn hăng, Chưa được! Ba tháng sau, nó như con gà gỗ, nghe gà lạ, trông thấy gà lạ, nó cứ dửng dưng như không. Lúc đó tôi mới bảo: Được rồi đây... Từ đó con chọi của tôi đá rất hay, nổi tiếng khắp kinh thành...

Nghe ngục quan nói, đôi mắt Sử Văn Hoa như dần dần hồi tỉnh. Nét mặt bừng bừng nhìn vào không trung của ông dãn ra. Ông lặng lẽ ngồi rất lâu, rồi bỗng giật mình. Ông quay lại, lấy hai cái chén rót rượu và đưa cho ngục quan một chén.

- Kẻ tù tội này đã cả đời đèn sách mà không đạt đạo được như bác. Nhờ bác đem lời vàng ngọc của Nam Hoa Kinh ra chỉ dẫn, tôi mới giật mình tỉnh ngộ. Xin bác nhận cho một lạy này để tỏ lòng cảm tạ của tôi.

Sử Văn Hoa cúi xuống vái. Ngục quan đỡ dậy:

- Bác là người chép sử cả một thời. Điều ấy mấy ai làm được. Mong bác bình tĩnh giữ gìn. Chẳng nên để chuyện không may làm rối trí...

***

Cũng từ hôm đó, Sử thay đổi hẳn. Ông đã bình tĩnh trở lại. Và ở ngay trong ngục thất, ông đêm ngày suy ngẫm về cuốn sách mà cả đời ông ao ước viết. Lúc này đây, ông viết nó trong óc, viết nó trong tưởng tượng. Ông dàn ý, ông tính toán phần dài phần ngắn, ông xem xét lại các sự việc, các nhân vật, các chi tiết, ông luận bàn, ông đánh giá... Thật điên rồ. Trong một hoàn cảnh ngặt nghèo như thế này... Và mạng sống như treo đầu sợi tóc. Thế mà lại viết sách... Không giấy... Không bút... Thật hoang đường? Nhưng có lẽ nhờ sự hoang đường ấy nên ông còn bám vào cuộc sống. Có lẽ nhờ nó nên ông không tự vẫn, cái điều mà khi mới sa ngục thất ông vẫn hằng trông thấy ở cuối chân trời, nơi con mắt chòng chọc điên rồ của ông vẫn thường chằm chằm nhìn vào. Ông thở dài. Số phận thật kỳ lạ, tại sao ông sinh ra đời lại để làm một sử quan, người chép sử. Cả một đời ông mê man trong đống sách. Ông vui buồn, giận hờn, căm tức, bi ai, sống cùng số phận của biết bao nhân vật lịch sử từ xưa tới nay. Ông đã nhìn thấy trong đống giấy biết bao nhiêu cuộc hưng vong. Ông đã từng nghiên cứu về cuộc đời của biết bao nhân vật kiệt xuất. Chợt thấm thía nghĩ tới câu: “Thiên địa bất nhân, dĩ vạn vật vi sô cẩu.”

Mưu sâu kế lạ ư? Tàn bạo giết chóc đến sởn gáy ư? Tư tưởng thâm trầm nhân nghĩa ư? Cứu dân độ thế ư?... Tất cả rút cuộc cũng chỉ có thể làm cho cái khí âm dương của đất trời ngơi nghỉ lại trong chốc lát, trong cái thế hòa hoãn. Cũng ví như kẻ du hành đi trên cánh đồng nắng chang chang bỗng gặp một gốc cổ thụ bên đường, anh ta dừng chân ngơi nghỉ, để rồi lại tiếp tục dấn thân vào con đường nắng chang chang trước mặt. Cánh đồng nắng là chủ yếu, gốc cây bên đường là chốc lát. Điều kỳ lạ: con người phải mất bao tâm huyết vật lộn để tìm bóng mát ấy, nhưng tại sao phút mát mẻ kia, cái bóng cây an dịu kia lại chỉ là thoảng qua, chỉ là ngắn ngủi.

Trong cuộc vật lộn lịch sử dài dàng dặc ấy, nhà chép sử chỉ là kẻ vật lộn trên đống giấy. Ông trói gà không chặt, ông chưa bao giờ biết đến trận mạc gươm đao, ông chưa bao giờ trải hiểm nguy. Ấy thế mà cái hiểm nguy trên đống giấy, nghĩ cho kĩ, lại còn gớm ghê hơn cả cái hiểm nguy chốn trận tiền. Sau khi thi đỗ ông được bổ làm một chức quan khiêm nhường, người chép sử. Văn Hoa là người nhẫn nại, tỉ mỉ, chăm chỉ đều đặn như một cỗ máy. Hàng ngày, hàng tháng, hàng năm, ông cặm cụi ghi chép những sự việc xảy ra cả trên trời, cả dưới đất, không bỏ sót việc gì. Ngòi bút của ông có lúc là sâu bệnh, châu chấu, bão lụt, mất mùa; có lúc là náo động cung đình, tranh quyền cướp vị; có lúc là thắng giặc khải hoàn; có lúc ngòi bút ông run rẩy theo chân của Chế Bồng Nga vào điên đảo Thăng Long; có lúc nó ghi tội giết vua; nhưng nó cũng không quên những vụ án oan khuất kêu trời chẳng thấu...

Hồi Nghệ Hoàng ốm nặng cho vời Sử vào cung đoán mộng và giải bài thơ: “Con khỉ mõm đỏ, leo lên lầu gà trắng.” Hồi ấy, Hồ Quý Ly đã căm ông lắm. Bởi vì trong triều người ta đồn rằng Sử Văn Hoa đã tiết lộ tuổi của Quý Ly là tuổi khỉ và hé ra bằng cách bóng gió rằng Quý Ly định cướp ngôi nhà Trần. Nhưng Sử được Nghệ Hoàng che chở, vả lại nếu bắt Sử chẳng hóa ra có tật giật mình, do vậy bận ấy Sử Văn Hoa thoát nạn. Tuy nhiên, nhà chép sử vẫn luôn luôn nằm dưới con mắt theo dõi chặt chẽ của những người thân tín của thái sư. Nhưng đến khi Sử dâng tấu biểu can ngăn việc xây dựng Tây Đô thì Hồ Quý Ly không thể chịu đựng nổi ông ta nữa. Như ta đã biết, Sử viết: “Động An Tông là nơi nhỏ hẹp, hẻo lánh, là chốn sơn cùng thủy tận, không thể định cư được. Trông cậy vào chốn hiểm trở phỏng có ích gì? Cổ nhân có câu: “Cốt ở đức, không cốt ở nơi hiểm trở.”.” (bở bớt một dấu ngoặc kép)

Thật hỗn xược? Hắn dám chê ta không có đức: Hắn muốn bóng gió đến chỗ lòng dân chẳng theo ta. Chưa ai nói, hắn đã nói. Việc chưa làm, hắn đã lu loa. Không thể để yên cho một kẻ dám ngang nhiên chê bai ta. Hồ Quý Ly sai bắt Sử Văn Hoa, tống giam vào ngục tối. Hồ Nguyên Trừng xin nhận xét xử vụ này. Khi điều tra, một số người muốn ngoắc vụ Văn Hoa vào vụ cô cung nữ Ngọc Kiểm, bởi vì gốc rễ cũng là chuyện dời đô. Có người còn định tạo chứng cứ giả, nhưng Nguyên Trừng không cho:

- Ông ta ngay thẳng, thấy không bằng lòng thì nói. Đừng làm chuyện ám muội, oan uổng. Ông ta là người viết sử. Giết oan ông ta sẽ để tiếng xấu ngàn thu đấy.

Chính vì vậy, Sử cứ bị giam hoài, dằng dai mãi vẫn chưa xử án được.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay