Hồ Quý Ly - Chương 03 - Phần 3

Nhờ có chính sách rộng rãi tích cực như vậy, nên người trong nước nô nức đầu quân, chỉ trong vòng một năm, Đại Việt đã có trong tay gần hai chục vạn quân bừng bừng khí thế.

Nghe tin Đại Việt tích trữ lương thảo sửa soạn binh mã chiến thuyền sắp sửa đem đại quân vào đánh thành Đồ Bàn, vua Chiêm bàn với La Ngai là tướng thân tín:

- Trận đại huyết chiến Chiêm - Việt sắp xảy ra. Trận này cực kỳ hệ trọng. Vận mệnh của hai nước nằm trong trận này, kẻ nào thua sẽ hoàn toàn mất thế thượng phong, sau này sẽ khó mà ngóc đầu lên được.

La Ngai nói:

- Theo tin mật báo, trận này Đại Việt sẽ tung hết lực lượng, đem hơn chục vạn quân vào, dùng số đông đè bẹp quân số nhỏ bé của ta.

- Họ có số đông nhưng cũng có nhiều nhược điểm. Thứ nhất, không thông thuộc địa thế nước ta. Thứ hai, quân của họ mới thành lập, quân sĩ phần lớn chưa tham gia chiến trận. Thứ ba, vua nước họ là người kiêu ngạo,...

- Đỗ Tử Bình quan hành khiển Đại Việt trấn thủ Châu Hóa là kẻ tham bỉ. - La Ngai nói. - Ta có thể dùng vàng bạc lung lạc hắn.

- Trẫm thấy ý của nhà ngươi rất hay. Hãy đem mười mâm vàng đến gặp Bình, để hắn tâu với vua nước Việt rằng người Chiêm nghe tin chinh phạt của Đại Việt rất lo sợ, rằng người Chiêm không có lòng dạ chống lại quân Việt. Làm như thế để tăng lòng kiêu ngạo sơ hở của đối phương. Ngoài ra, phải cấp tốc chuẩn bị đề phòng. Một trăm năm trước đây, quân Mông Cổ do Toa Đô chỉ huy thiện chiến hung ác đến thế, vua Chế Mân còn chả chịu khuất phục, huống hồ đám binh lính Đại Việt hữu danh vô thực này, ta há chịu thua ư? Ta sẽ chuẩn bị làm kế thanh dã, khi giặc đến, dân chúng sẽ trốn hết lên rừng...

Đỗ Tử Bình nhận mười mâm vàng của Chiêm Thành, liền ỉm đi làm của riêng, sau đó làm mật tấu về triều, nói rằng quân Chiêm vẫn thường xuyên quấy rối Hóa Châu, và nói năng rất nhiều điều vô lễ với Đại Việt, Tử Bình xin vua Duệ Tông đem quân đi chinh phạt, để vứt bỏ hẳn mối họa phương Nam. Tử Bình còn nói thực lực quân Chiêm không có gì, chẳng qua vua tôi Chiêm chỉ là lũ giặc cỏ.

Qua tờ mật tấu của Đỗ Tử Bình, triều đình Việt dấy lên hai luồng ý kiến: một ý kiến cho rằng trừng phạt Chiêm Thành là cần thiết nhưng chỉ nên cử một viên tướng đi là đủ; ý kiến thứ hai cho rằng cần phải đè bẹp hoàn toàn sự chống cự của Chế Bồng Nga, muốn vậy, đức vua Duệ Tông cần phải thân chinh cầm quân di dẹp giặc. Cần phải làm mạnh mẽ như Lê Đại Hành hoàng đế và Lý Thánh Tông hoàng đế khi xưa, nghĩa là đem đại quân đánh thẳng vào thành Đồ Bàn.

Đứng về phía ý kiến thứ nhất, có Trương Đỗ, quan ngự sử là người can ngăn quyết liệt nhất. Đỗ dâng sớ:

Chiêm Thành trái lệnh, tội ấy giết chết cũng chưa đáng, song ở cõi Tây xa lánh, núi sông hiểm trở, nay bệ hạ mới lên ngôi, chính hóa chưa thấm nhuần đến phương xa, nên sửa văn đức cho họ tự phải phục. Nếu không theo, sẽ sai tướng đi đánh cũng chưa muộn gì.

Đỗ dâng sớ ba lần, Duệ Tông cũng không nghe. Ngự sử đại phu liền treo mũ từ quan: trở về quê cũ là phường Cơ Xá Nghi Tàm, làm nghề trồng hoa, chịu sống thanh bạch nghèo túng. Việc làm của tiến sĩ Trương Đỗ gây tiếng vang lớn trong triều đình.

Việc can ngăn của Đỗ lan sang cả bà phi Bích Châu là người đàn bà thục hạnh được vua Duệ Tông rất yêu. Bích Châu hay chữ có bài văn “Kê Minh thập sách” khuyên nhủ nhà vua rất nổi tiếng đương thời.

Đọc xong bài sách Kê Minh, vua Duệ Tông gõ mạnh vào chiếc phách gỗ, rồi cười ha hả: “Không ngờ một người đàn bà mà lại thông tuệ đến thế! Thật là một từ phi ở trong cung của trẫm vậy?” Nay, nghe tin nhà vua muốn đi đánh Chiêm Thành, triều thần can ngăn không được, bà Bích Châu liền viết một bài biểu dâng lên. Bài biểu viết:

- Thiếp trộm nghĩ, rợ Hiếu Doãn ngang tàng quá lắm, từ trước quen thân; rợ Hung Nô kiệt hiệt gớm ghê, đến nay càng tệ. Vì cướp bóc là cái thói thường của lũ man di, mà dùng binh không phải ban tâm của người vương giả. Nước Chiêm Thành nhỏ xíu ở nơi hải đảo, năm xưa kéo quân vào sông Nhị Thủy, nhóm thấy nước ta bất hòa; khi ấy tiếng trống ran ngoài biển chỉ vì lòng dân ta chưa an, cho nên chúng dám tung đàn ruồi nhặng múa ngoài bãi cỏ, có khác nào dơ câng bọ ngựa ngăn xe. Nhưng thánh nhân rộng lượng bao dung, không thèm so sánh. Việc trị đạo, trước gốc sau ngọn, xin nghỉ binh cho dân chúng yên hàn, trị cái rắn nên dùng cái mềm, hàng phục chúng nên cốt ở đức...”

Lý lẽ trong bài biểu ngăn vua đi đánh Chiêm Thành thật cứng cõi, có tình có lý. Nhưng Duệ Tông, từ khi lên ngôi vua đã được bốn năm, trong bốn năm ấy trí óc nhà vua lúc nào cũng chỉ chăm chăm muốn làm cho Đại Việt được cường thịnh; và việc biểu hiện ý chí ấy không gì khác hơn là chuyện đè bẹp Chiêm Thành. Vua Nghệ Tông chưa làm được việc ấy mới giao lại ngôi báu cho ông, chẳng lẽ ông lại phụ lòng người anh tốt bụng đó sao. Chẳng lẽ, chỉ vì một vài lời can ngăn của những con người thiển cận, ông lại dễ dàng từ bỏ cái chí lớn đau đáu trong lòng suốt mấy năm ròng hay sao? Nghĩ mãi, cuối cùng ông tìm ra được một cách để quay trở lại thuyết phục triều đình. Ông cho vời Sử Văn Hoa vào cung. Lúc đó, ngoài việc viết sử, Sử Văn Hoa còn rất nổi tiếng về tài đoán số, nhất là đoán mộng. Vua Duệ Tông bảo Sử:

- Đêm qua, trẫm mơ một giấc mơ thật là kỳ lạ. Sau đó suốt đêm không tài nào ngủ lại được. Cứ trằn trọc nghĩ mãi, chẳng biết hung mộng hay là cát mộng. Ta nóng lòng chờ cho chóng sảng để gọi khanh vào giải mộng.

Sử nhìn vào đôi mắt Duệ Tông, thấy đôi mắt long lanh ánh sáng, lại thấy tròng mắt có sắc đỏ, biết Duệ Tông có niềm ưu tư thực sự, thầm nghĩ: “Phen này ta gặp rắc rối mất thôi. Đoán mộng cho bậc quân vương, đâu phải chuyện chơi. Chiều theo ý người ta cũng không được. Nói thẳng băng cũng dễ mất mạng như chơi. Chẳng hiểu ông ta định dùng phép giải mộng của mình để làm trò điều khiển chính trị, hay thực lòng ông ta muốn dự đoán tương lai?” Sử liền dùng kế hoãn binh:

- Đoán mộng muốn cho chính xác, cần phải tĩnh tâm trai giới. Thần xin phép bệ hạ được tắm gội sạch sẽ bằng nước thơm trước khi đánh bạo tâu bày trước bệ Duệ Tông chuẩn tấu.

Sử Văn Hoa vội về nhà tắm nước lá chanh lá bưởi. Trong khi ngồi bên nồi nước thơm bốc ngói nghi ngút, ông suy ngẫm và đầu óc sáng ra. Ông chợt hiểu Duệ Tông muốn gì ở mình. Khi Sử trở vào cung, Duệ Tông kể giấc mộng:

- Đêm qua, ta mơ gặp một cơn giông bão rất to. Lúc đó, bầu trời sầm xịt. u tối. Có một người đầu đội mũ kim khôi, mình mặc giáp trụ xăm xăm đi đến trước mặt ta. Nhìn kĩ hóa ra Chế Bồng Nga. Ta và Chế liền xông vào nhau vật lộn dữ dội. Vừa vật nhau, vừa hò hét, quyết một phen còn mất. Rồi cuối cùng, ta bị ngã. Chế Bồng Nga cũng ngã theo. Chế Bồng Nga nằm đè lên ta, hắn cắn vào vai ta. Còn ta thì ngẩng mặt lên trời, và nghiến răng dùng hết sức hai tay bóp cổ nó. Vừa đến lúc đó, ta bỗng choàng tỉnh giấc, mồ hôi vã ra khắp người, tỉnh dậy mà vẫn còn thở hồng hộc. Sử Văn Hoa, ngươi nổi tiếng có tài giải mộng. Thử đoán xem đó là hung mộng hay cát mộng?

Sử Vàn Hoa lạnh toát chân tay, im lặng ngồi nghe Duệ Tông kể mộng. Ông ngẫm nghĩ hiểu ngay đó là giấc mộng điển hình đã được ghi chép trong sách “Mộng Kinh”. Cả sách sử cũng ghi lại mấy giấc mộng này. Người nào chỉ có sơ học về phép giải mộng cũng thuộc lòng chuyện này. Sách chép rằng:

“Năm Hy Công thứ 28, Tấn Vương nằm mơ thấy mình đánh nhau với Sở Vương. Sở Vương nằm đè lên Tấn Vương và cắn vào ngực Tấn Vương. Vua Tấn tỉnh mộng lấy làm kinh sợ. Tử Phạm đoán mộng nói rằng Tấn Vương đã gặp mộng lành. Bởi vì tuy Sở Vương nằm đè ở trên nhưng mặt lại nhìn cúi xuống đất, đó là động tác của kẻ quỳ lạy. Còn Tấn Vương lại ngẩng mặt nhìn lên trời, đó là tư thế của kẻ chiến thắng.”

Sử Văn Hoa biết Duệ Tông là người thông minh. Có lẽ ông ta muốn dùng uy tín của Sử Văn Hoa để tuyên truyền cho sự tất thắng Chế Bồng Nga của ông, buộc triều đình phải tin tưởng vào sự thân chinh tiểu phạt Chiêm Thành của ông.

Tuy nhiên. Sử Văn Hoa lại quỳ lạy và tâu với vua Duệ Tông:

- Tâu bệ hạ, mộng này là mộng dữ.

Duệ Tông đứng phắt dậy:

- Khanh nói lại đi. Cớ sao là hung mộng? Ta không tin! Ta không tin!

Sử Văn Hoa vẫn quỳ rạp, không dám ngẩng đầu:

- Tâu bệ hạ, giấc mộng giống hệt giấc mộng Tấn Vương và Sở Vương đánh nhau. Tuy nhiên vẫn có một điều rất khác.

- Thế nào là khác? Vô lý! Cả hai giấc mộng đều giống hệt nhau. Tấn Vương và ta đều ngẩng mặt nhìn lên trời. Còn Sở Vương và Chế Bồng Nga cả hai đều úp mặt xuống đất...

Lúc này, Sử Văn Hoa mới ngẩng đầu lên:

- Tâu bệ hạ, đó chính là điều kỳ bí của phép giải mộng.

- Ngươi thử chỉ ra cho ta xem, cái kỳ bí đó ở đâu? Nếu không đúng, coi chừng cái đầu trên cổ ngươi đó.

- Thưa, ở chỗ lúc bệ hạ ngẩng mặt lên trời, thì bầu trời tối tăm u ám. Bệ hạ đã nói: “Lúc đó, bầu trời sầm xịt u tối.” Điềm hung chính ở chỗ đó. Màu đen thuộc về âm, âm thuộc về đất. Vậy, nhìn lên trời khác gì nhìn xuống đất. Chế Bồng Nga nhìn xuống đất, cả bệ hạ cũng nhìn xuống đất. Điều đó chỉ ra rằng cả hai bên đều tan nát đau khổ...

- Không đúng? Ngươi chỉ là kẻ học trò mặt trắng, dùng lời bẻm mép làm rối lòng tướng sĩ của ta trước khi lên đường ra trận. Ta quyết không thể tha cho ngươi.

Bà quý phi Bích Châu lúc đó có mặt, bèn quỳ xuống xin tội cho Sử Văn Hoa:

- Cúi xin bệ hạ nguôi cơn thịnh nộ. Bệ hạ cầu người đoán mộng. Kẻ sĩ đoán có chỗ lạ đời, nhưng thực ra thế mới là giải mộng. Ông ta là người trung mới dám nói thẳng. Con người như vậy thực đáng quý.

Ngày hôm sau, Duệ Tông mới nguôi cơn giận. Ông gọi Sử Văn Hoa đến và bảo:

- Ta muốn biết lời đồn đại của thiên hạ về ngươi có thực hay không. Đúng ra, không phải là giấc mơ. Ta mượn giấc mơ xưa, nói thác là mơ, chứ bình sinh, chưa bao giờ ta mộng mị.

Sử Văn Hoa nói:

- Tâu bệ hạ, tuy chưa phải giấc mơ, nhưng thực ra lại là mơ. Bởi vậy, khi bệ hạ thốt thành lời đã buột miệng nói ra: “Lúc đó trời xám xịt, u tối.” Câu nói đó chính là giấc mộng. Con người ta có thể đang thức mà vẫn mơ. Cúi xin bệ hạ lưu tâm xem xét đến lời giải mộng của kẻ hèn mọn này.

Duệ Tông im lặng, xua tay ra hiệu cho Sử Văn Hoa lui ra.

***

Mặc những lời can ngăn, cuộc hành quân bình Chiêm mà Duệ Tông trù tính vẫn được gấp rút chuẩn bị. Tháng tám vua xuống chiếu cho dân Thanh Hóa, Nghệ An, Diễn Châu tải năm vạn hộc lương đến Châu Hóa. Lại sai Lê Quý Ly đi dốc xuất Nghệ An, Tân Bình, Thuận Hóa có đủ thuyền bè để tải lương cấp cho quân.

Tháng chạp năm ấy, vua Duệ Tông thân chinh mang mười hai vạn quân đi đánh Chiêm Thành. Ngày xuất quân vua làm lễ tại Thái miếu. Thái thượng hoàng Nghệ Tông từ phủ Thiên trường về kinh đô tiễn em trai lên đường. Duệ Tông nói với thượng hoàng:

- Xin hoàng huynh yên tâm ở nhà coi việc nước. Trẫm ra đi chuyến này quyết phá tan giặc nước, toàn thắng mới trở về.

Vua ngồi thuyền rồng xuôi theo sông Hồng. Đoàn chiến thuyền có trống thúc quân, cờ xí rợp cả một quãng sông dài. Dân Thăng Long đứng kín trên đê reo hò tiễn quân đi.

Lại nói đến bà quý phi Bích Châu, từ khi ngăn vua chinh chiến không được, đã ăn ngủ không yên, bỏ cả trang điểm, thân hình gầy héo, nhà vua rất lấy làm thương xót. Khi nhà vua sắp lên đường, Bích Châu van nài xin vua được đi theo quân đội. Nàng nói:

- Đạo vợ chồng là trọng. Nay nhà vua vì dân vì nước, đem thân vàng ngọc ra chốn xa trường, thiếp không thể yên tâm ngồi nhà, xin được đi theo để ngày đêm hầu hạ, mong giúp nhà vua được phần nào yên tâm, lo việc lớn. Xin bệ hạ cho thần thiếp giữ được vẹn đạo phu thê.

Nghe quý phi nói, nhà vua lấy làm cảm động, bèn chuẩn tấu.

Đoàn chiến thuyền ra khỏi cửa Đại An, men theo bờ biển Thanh Hóa đến Nghệ An. Thật không may, năm ấy đến tháng chạp còn bão muộn. Đoàn thuyền đến cửa biển Kỳ Hoa (nay là huyện Kỳ Anh) thì trời nỗi cơn giông bão. Sóng to, gió lớn. Suốt ngày đêm quân sĩ vật lộn với giông bão. Vài chiếc thuyền bị sóng dồi va phải đá chìm nghỉm xuống biển. Vua Duệ Tông rất lo lắng. Chẳng lẽ chỉ vì một trận bão mà kế hoạch to lớn của ông sụp đổ tan tành hay sao. Đêm hôm ấy, trong cơn giông bão, vua nửa mê nửa tỉnh, thấy thần biển hiện lên, đòi nhà vua gả cho một cung phi làm vợ, sẽ làm yên bão biển. Vua tỉnh dậy, thắp đèn ngồi thở dài.

Nàng Bích Châu hầu hạ bên vua, bèn hỏi nguồn cơn. Vua kể lại giấc mộng. Nàng liền quỳ xuống:

- Thần thiếp từ khi vào cung, được bệ hạ sủng ái, ơn ấy chưa biết lấy gì báo đáp. Nay, quân sĩ gặp nạn, thần thiếp xin hi sinh để nguôi cơn giận của thần biển... Thiếp chỉ cầu xin sau khi thiếp chết, bệ hạ hãy sửa văn, nghỉ võ, tìm dùng người hiền, làm điều nhân nghĩa, nghĩ kế lâu dài cho trăm họ...

Nói xong, nàng Bích Châu ra đầu thuyền rồng, nhảy xuống biển. Sáng hôm sau, quả nhiên biển yên sóng lặng. Vua Duệ Tông thương tiếc vô cùng, cho lập đàn cúng tế, và xây miếu thờ trên bờ biển.

Đoàn chiến thuyền tiếp tục vượt biển đến cửa Nhật Lệ. Vua lên bộ, cưỡi ngựa đi trên bờ. Nhà vua cưỡi con ngựa đen, mặc giáp màu đen, trông oai phong lẫm liệt.

Đại sai Ngự Câu Vương Trần Húc, con trai thượng hoàng Nghệ Tông, và là con rể của vua, mặc quần áo trắng cưỡi con ngựa trắng đi bên cạnh. Duệ Tông vui vẻ nói với tả hữu:

- Dòng dõi anh ta là dòng văn. Dòng dõi của ta là dòng võ. Họ nhà Trần ta văn võ song toàn. Phen này, ta ra quân cả văn cả võ, chắc chắn giặc nước phải dẹp yên.

Ba quân trên thuyền nhìn vua và Ngự Câu Vương một đen một trắng song song bên nhau liền reo hò: Nhà vua vạn tuế.

Duệ Tông lấy làm đẹp lòng, cho quân sĩ đóng quân ở cửa Nhật Lệ, thao diễn tập thủy quân, quân đội tập luyện rất quy củ. Tin vua Đại Việt quân tướng tập luyện, khí thế rất hùng mạnh, lan cả vào đất Chiêm Thành, làm dân nước nọ xáo xác, chuẩn bị chạy trốn. Nhiều nhà buôn ở thành Đồ Bàn đến quân doanh Đại Việt xin đầu hàng và thông báo tin tức về quân Chiêm. Vua Duệ Tông cả mừng:

- Phen này trời giúp ta rồi?

Tháng giêng, đoàn chiến thuyền vượt bờ biển Tân Bình và Hóa Châu tiến sâu vào đất Chăm Pa. Dân Chiêm phần lớn bồng bế nhau chạy lên núi. Một số quan lại địa phương bày hương án ngoài bờ biển, mang rượu thịt đến khao quân Việt và xin được đầu hàng. Vua Duệ Tông vui mừng, sai người ra vỗ về họ. Vua hỏi:

- Tình hình Chế Bồng Nga ra sao?

- Tâu bệ hạ, vua nước tôi không tự lượng sức mình đã làm nhà vua tức giận động binh. Nay, nghe đại quân kéo đến, vua nước tôi đã trốn khỏi kinh thành.

Mười hai vạn quân Đại Việt rầm rộ tiến vào kinh thành Đồ Bàn. Suốt dọc đường hành quân, không hề có một chút kháng cự. Những xóm làng không có bóng người, không cả tiếng gà tiếng chó. Ngay cả kinh thành Đồ Bàn cũng chỉ là một tòa thành rỗng không.

Đoàn quân tiên phong vào thành trước, thấy không có cạm bẫy. Vua sai tướng Đỗ Bình đóng hậu quân chung quanh thành. Duệ Tông cưỡi con ngựa đen. Ngự Câu vương cưỡi con ngựa trắng theo cửa hướng đông đi vào trung tâm. Quân tiên phong về báo cung điện của Chế Bồng Nga không thấy có người. Vua chỉ ngọn núi cao ở giữa thành trên có ngọn tháp đỏ au như một ngọn lửa vươn lên trời cao. hỏi:

- Nơi kia là gì?

- Tâu bệ hạ, đó là ngọn tháp cao hai mươi trượng hình vuông, bốn góc có những cánh xòe ra nên dân Việt đến đây buôn bán vẫn gọi là Tháp cánh tiên: Tháp thờ thần, nên nằm ở nơi cao nhất giữa kinh đô.

Vua bảo:

- Trẫm muốn đóng quân nơi đó. Ở trên cao có thể nhìn ra bốn phía, phòng động tĩnh của giặc.

Ở cửa ra vào, có hai con voi lớn bằng đá, đang tung vòi như muốn bay lên phía trước. Đôi voi đá như đang xung trận, dáng hùng vĩ rất sinh động. Vua sai lấy thang trèo lên lưng voi, rồi đứng lên đầu voi nhìn ra chung quanh thành Đồ Bàn. Ông nói với Ngự Câu vương, đứng dưới đất.

- Trẫm không ngờ lại có ngày hôm nay. Chế Bồng Nga chẳng qua chỉ là một con thỏ hang.

Hôm sau, tướng Chiêm là Thu Bà Ma tự trói hai tay đến xin đầu hàng:

- Vua nước tôi là Chế Bồng Nga như con chuột nhắt đã trốn lên núi. Chế bắt trai tráng nước tôi phải liên miên chiến tranh với Đại Việt. Cho nên, khi quân Việt đến họ bỏ trốn cả. Vua Chiêm thế cô phải chạy vào rừng. Bệ hạ hãy đuổi theo mà giết đi. Người dân nước tôi ai cũng đồng tình.

Đại tướng Đỗ Lễ, thấy vậy can ngăn:.

- Chế Bồng Nga trốn chạy, ý nó muốn vẹn nước là hơn cả. Quân ta vào sâu đất người, đánh thành là bất đắc dĩ. Xin hãy sai một người giỏi ăn nói, cầm thư đến hỏi tội, để xem tình hình giặc thế nào đã. Người xưa nói: “Lòng giặc khó lường!” Xin bệ hạ nghĩ lại.

Duệ Tông cười:

- Ta mình mặc áo giáp, tay cầm gươm, dãi gió dầm mưa, lội sông trèo núi, vào sâu đất giặc, không thấy kẻ nào dám chống cự. Đó là vì trời giúp cho. Cổ nhân có câu: “Dụng binh cốt ở thần tốc.” Nay lại dùng dằng không dám tiến nhanh. Thế là trời cho mà không lấy. Nhà ngươi chỉ là hạng đàn bà nhút nhát.

Nói rồi, nhà vua sai lấy váy áo của đám thị tì mặc cho Đỗ Lễ.

Hôm ấy Duệ Tông cưỡi con ngựa đen và Ngự Câu Vương lại cưỡi con ngựa trắng oai phong theo con đường núi truy bắt Chế Bồng Nga.

Quân Việt tiến lên Tây Nguyên hiểm trở toàn núi cao rừng già. Họ đã rơi vào ổ phục kích của Chế Bồng Nga. Duệ Tông bị trúng tên độc tử trận. Tướng Đỗ Lễ con người bị chê là nhút nhát như đàn bà đã chiến đấu suốt ngày ròng rã để bảo vệ xác vua Duệ Tông. Cuối cùng, ông cũng ngã xuống.

Chế Bồng Nga bắt được Ngự Câu vương cưỡi con ngựa trắng:

- Có phải ngươi là con trai Nghệ Tông? Chớ có sợ. Ta sẽ gả công chúa cho người và phong người làm An Nam quốc vương.

Lê Quý Ly đang trên đường tải lương vào cho đại quân, nghe tin Duệ Tông tử trận, ông đứng ở đầu thuyền than thở:

- Thế là bao công sức ta bỏ ra xây dựng cho quân đội nhà Trần, nay bỗng chốc tan tành. Nhà Trần đã hết vượng khí rồi sao? Văn ư? Võ ư? Văn cũng đã dứt mà võ cũng đã kiệt rồi sao?

Chỉ biết rằng sau trận tan tác mười hai vạn quân dưới tay Chế Bồng Nga ấy, Nhà Trần đã không tài nào ngóc đầu lên được nữa. Ông vua hiền Trần Nghệ Tông lại phải gồng đôi vai già gánh vác việc non sông.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay