Hồ Quý Ly - Chương 03 - Phần 2

2

Trần Nghệ Tông chú trọng nhất tới văn hiến. Qua thời Trần Dụ Tông rồi Dương Nhật Lễ, triều đình không chú ý gì tới chính sự, chỉ lo hưởng lạc, nên dân rất nghèo và triều chính thì thối nát, tất cả cái cơ nghiệp điêu tàn ấy đổ hết xuống vai Trần Phủ.

Chu Văn An dạy học ở núi Chí Linh, nghe tin đảng giặc đã tan, bọn gian thần xiểm nịnh đều đã chết cả và Thăng Long nô nức đón vua mới Nghệ Tông, ông thầy già đang ốm cũng khỏe hẳn lại. Ông chống gậy về kinh đô chúc mừng vua mới. Ông thầy già quỳ giữa sân rồng nước mắt đầm đìa sung sướng, Nghệ Tông lật đật xuống ngai vàng đến đỡ ông dậy. thuở còn là hoàng tử. Ông được thầy Chu dạy dỗ nên vẫn lấy tình thầy trò cung kính với ông:

- Thưa thầy, học trò tài hèn đức mỏng, mới lên ngôi, nếu được thầy dạy dỗ bổ khuyết cho những chỗ non nớt của công việc chính sự...

- Tâu bệ hạ, thần nay đã quá già, lại ốm yếu luôn e không đương nổi công việc. Bệ hạ là người sáng suốt nhân từ, đó là điều đại phúc cho dân. Bệ hạ lại đã trải qua nhiều năm làm quan đầu triều, hiện nay. lại xuất hiện nhiều nhân tài... Thần chỉ mong bệ hạ coi dân như con, cùng chia sẻ vui buồn với dân... lấy vương đạo làm con đường hướng thượng.

- Thưa thầy, học trò xin lấy lời thầy dặn làm châm ngôn chính sự.

Tuy Chu Văn An không ở lại triều mà quay về làng, nhưng câu chuyện vua Nghệ Tông không lấy lễ vua tôi, mà là lấy lễ học trò đối với thầy ra tiếp đón Chu Văn An đã làm dân Thăng Long nức lòng khâm phục và từ đấy Nghệ Tông nổi tiếng vua hiền. Khi Chu Văn An ốm tại quê Thịnh Liệt, vua thân hành đến thăm tại nhà. Đó là nghi lễ chỉ dành riêng các đại công thần. Khi chết, lại sai quan tư đồ Trần Nguyên Đán đến dụ tế, tặng thụy, rồi có mệnh lệnh cho tòng tự ở Văn Miếu. Tất cả sự trân trọng của Nghệ Tông đối với Chu Văn An đã làm kẻ sĩ khắp nước phấn khởi. Nghệ Tông hỏi Quý Ly:

- Khanh nghe ngóng thấy tình hình phục hưng đất nước ra sao?

- Tâu bệ hạ, vừa qua nhà vua xử sự rất trọng thị với bậc danh nho, đã làm phấn chấn các nho sĩ. Ở Thăng Long, những kỳ giảng văn tại Văn Miếu, học trò kéo đến nghe đông nghịt. Ai cũng biết bệ hạ mong người hiền như hạn mong mưa... Tuy nhiên...

- Khanh cứ thật lòng, ý thế nào cứ nói cho hết.

Quý Ly lúc đó đang sung sức, năng nổ. Vị quan trẻ mắt sáng lên nói với vua:

- Thần trộm nghĩ nước ta như cái giếng khơi để lâu năm, dưới đáy có nhiều bùn nhơ lắng cặn...

Quý Ly trong khi nói vẫn chú ý theo dõi sự thay đổi trên nét mặt Nghệ Tông. Ông thấy vầng trán nhà vua nhíu lại một hồi lâu mới dãn ra. Quý Ly cũng cắn môi, nhưng cuối cùng ông quyết định giáng một đòn sấm sét:

- Thần liều chết xin tâu: Có thể nói, cái giếng cũ toàn một thứ nước tanh tưởi, những nguồn sinh thủy, những mạch nước ngầm trong và mát đều đã bị bịt kín. Vừa qua, bệ hạ lên ngôi, đó là trận mưa rào. Nước dâng cao trong lòng giếng. Hiện nay thứ nước mới vừa thơm vừa lành là chính. Thứ nước cũ chở đầy xú khí, nó nặng nề và khôn ngoan nép mình dưới đáy, nhưng rồi đây, mưa rào qua đi, mặt nước phẳng lặng sẽ là dịp cho thứ nước tanh hôi len lén bò lên và hòa vào nước mới. Một tháng, hai tháng, một năm, hai năm... cuối cùng nước mới cũng thành nước cũ...

- Khanh nói khéo lắm! Chuyện cái giếng của khanh ta nghe cũng được đấy. Ý khanh thế nào? Phải tát hết nước cũ đi chứ gì? Phải khơi lại các mạch ngầm, các dòng sinh thủy. Phải vét hết bùn tanh. Thậm chí phải đào rộng giếng ra, phải khoét sâu xuống lòng đất sét để tìm ra những nguồn mạch to lớn hơn được đùn lên ào ào từ dòng sông ngầm, dòng sông âm ty bí ẩn dưới sâu mà sức mạnh của nó thì vô cùng dữ dội... Có đúng như vậy không? Hỡi ông em yêu quý của ta? Hỡi ông em đầy táo bạo của ta?

Nghệ Tông càng nói giọng càng to, càng nói càng làm bật tung những dòng suy nghĩ từ lâu nay Quý Ly vẫn âm thầm nung nấu một mình. Nghệ Tông nắm lấy tay em rể:

- Bao lâu nay, khanh đã đưa ra nhiều ý kiến, thú thực, những ý kiến làm ta phải đắn đo. Có ý kiến ta đã bắt đầu cho thi hành, nhưng có ý kiến ta còn cần suy nghĩ. Bởi vì ý khanh muốn phải làm xáo động tất cả, muốn phải chạm tới con sông âm ty hung dữ, ẩn ngầm. Ta biết, sức của con sông ngầm ấy là vô biên, có thể đào núi và lấp biển. Nhưng nó cũng là loài bất kham, có thế dìm cả ta xuống vực sâu...

Quý Ly cảm kích xúc động nắm lấy bàn tay ấm áp của Nghệ Tông. Ông cũng không ngờ Nghệ Tông lại có thể hiểu ông đến mức ấy. Quý Ly vốn khôn ngoan mà đức độ, ông nói:

- Thực ra, có nhiều điều thần muốn tâu bày, nhưng trước hết, lúc này thần chỉ xin bệ hạ có một điều hệ trọng nhất.

Nghệ Tông ngẩng đầu lên, chăm chú bảo:

- Khanh cứ nói.

- Đó là điều bệ hạ đã làm một phần với quan tư nghiệp quốc tử giám Chu Văn An. Bệ hạ đã tôn vinh đạo Nho. Tông vinh đạo Nho chính là khơi nguồn cho cái khí thiêng sông núi tuôn chảy. Khí của núi sông đã ngưng trệ mất bao năm nay. Bây giờ ở nơi hang cùng ngõ hẻm nào cũng chỉ thấy chùa. Chùa quốc tự, chùa danh lam, chùa xã, chùa thôn, chùa đồng, chùa núi... Tiền bỏ ra xây chùa, đắp tượng, giá mà ta khuyên dân dùng để làm trường dạy học thì đất nước ta đâu thiếu nhân tài. Sư sãi trốn việc quan đi ở chùa, giá mà ta thu dụng lại, cũng đủ lập thành một đạo quân hùng mạnh. Ruộng đất nhà chùa, nếu ta gom lại cũng đủ nuôi hàng chục vạn người nghèo đói manh lệ. Nhưng cái hại nhất của cái tệ chùa sãi tràn lan, đó là tư tưởng yếm thế. Ai ai cũng chỉ lo xuất thế gian đi tìm cực lạc. Dòng khí âm ào ạt chảy thì dòng sinh khí hạo nhiên của núi sông phải ngưng trệ. Dòng từ bi miên trường sẽ làm lòng người dân mềm yếu hết sức đối kháng. Kẻ ngoại bang lăm le nhòm ngó, ta biết lấy gì để chống đỡ non sông.

***

Nghệ Tông là người thuần hậu, chăm chỉ. Nghe Quý Ly nói, ông hiểu đất nước đang có rất nhiều vấn đề cần phải chỉnh đốn, thay đổi, mà phải thay đổi đến tận gốc rễ. Tuy nhiên, ông không muốn làm, ông sợ nhiễu sự. Ông muốn mọi việc cứ được giải quyết theo nề nếp tổ tông. Cái nề nếp từ thời nhà Trần đang thịnh trị của Thánh Tông, Nhân Tông, Anh Tông... mà Chu Văn An đã dạy ông và gọi đó là vương đạo. Ông vua phải là khuôn mẫu của con người hiền, nhân từ, thương dân, không bày vẽ thêm việc cho người dân thêm khổ. Ông ban yến cho người già, phát chẩn cho người nghèo, trân trọng với kẻ sĩ, chăm sóc đề bạt đối với hoàng thân quốc thích... Và triều đình trong ba năm cai trị của ông mọi việc đều suôn sẻ thật. Mưu sâu kế lạ ư? Ông đã có Quý Ly sát cánh làm chân tay thủ túc, người em rể của ông đã được phong Trung Tuyên Quốc thượng hầu. Việc gì ông sai làm, Quý Ly đều làm tròn rất chu đáo. Công việc triều chính khó khăn ư? Ông đã có Cang Chính Vương Trần Sư Hiền, và Tư đồ Trần Nguyên Đán phò tá, nhất là Nguyên Đán, con người đức độ và trầm tĩnh. Việc khó đến đâu vào tay ông ta cũng được giải quyết thấu đáo và nhẹ nhàng, cứ tưởng như với ông Đán không có việc gì được gọi là khó. Còn việc quân sự, ông giao hết vào tay Phủ quân tướng quân Trần Nguyên Uyên. Con người này thật tài hoa. Luôn luôn thấy ông treo đèn kết hoa, thả chiếc du thuyền ở Hồ Tây, cùng với một bầy kĩ nữ đàn hát thâu đêm. Có lần Nguyên Uyên mở tiệc mời Hàn lâm học sĩ Hồ Tông Xác, Ngự Câu vương Trần Húc, con cả Nghệ Tông và Hồ Quý Ly.

Tiệc đêm trên thuyền hoa Tây Hồ. Hồ Tông Xác giỏi làm thơ. Riêng đêm ấy làm một trăm bài thơ. Sáng hôm sau, Trần Húc về cung hoàng tử, Nghệ Tông mắng:

- Ngươi chỉ biết chơi bời. Không nhớ tới mấy năm loạn lạc vừa qua hay sao?

Những năm đó dân Thăng Long kính trọng những người có văn tài, nhất là những người làm thơ giỏi. Ngự Câu Vương Húc được Hồ Tông Xác nhận là bạn thơ, lại được tướng quân Nguyên Uyên xếp vào hàng tài tử, sành điệu đàn câu hát. Cái thi xã uống rượu ngâm thơ của họ trên Hồ Tây được nhân dân kinh đô gọi là thi xã Vân Yên (mây khói). Ngự Câu Vương Húc bị cha mắng, nhưng lại rất vui trả lời:

- Phụ vương ơi! Mắng con làm gì. Bận trước, chú Quý Ly tâu với cha về việc quân sĩ Thăng Long trễ nải việc canh phòng, và chú Nguyên Uyên hay rượu chè ca hát trên Hồ Tây, cha nói rằng: “Không có người đàn địch hát ca như vậy, sao gọi là đời thái bình.” Vả lại, chính quan tư đồ Trần Nguyên Đán cũng viết những vần thơ:

Trung hưng văn vận vượt đời xưa,

Thời thịnh, muôn dân ngợi hát ca.

Tướng võ quan hầu đều biết chữ,

Thợ thuyền, thư lại cũng làm thơ...

Quả là ba năm trung hưng nhà Trần của Nghệ Tông, đất nước Đại Việt vô sự, lại không đói kém mất mùa có cơ hưng thịnh. Đúng như câu thơ của Nguyên Đán: “Triệu tính âu ca lạc thịnh thì” (Triệu người dân hát lên ngợi ca thời thịnh trị). Nhưng đúng đến năm thứ ba thời Nghệ Tông, bắt đầu có biến. Mẹ Nhật Lễ vua phường chèo, là Dương Thị, sau khi Lễ bị giết, liền chạy sang Chiêm Thành cầu cứu. Vua nước Chiêm mới nổi lên lúc đó là Chế Bồng Nga là người tài giỏi, có nhiều tham vọng. Tuy nhiên, Chế vẫn còn gờm. Nay, nghe Dương Thị sang cầu cứu, Chế nghĩ Đại Việt đã đến hồi suy yếu. Chế Bồng Nga là con người mưu lược, táo bạo. Lần này là lần đầu tiên, Chế đem một đạo quân tinh nhuệ đánh thẳng vào đồng bằng sông Hồng. Ông theo cửa Đại An tiến vào sông Hồng. Tháng ba, thuyền của ông tiến sát đến kinh đô. Chưa biết được tường tận thực lực của Thăng Long, Chế sợ rơi vào phục kích, nên chỉ chờ đội du binh thiện chiến đi thuyền nhẹ đang đêm lọt vào kinh đô, cướp của cải bắt đàn bà con gái, rồi lại rút ngay ra sông Cái cùng đại quân, trống dong cờ mở trở về thành Đồ Bàn, khuếch trương trận đánh thắng Đại Việt đầu tiên để làm nức lòng tướng sĩ Chiêm Thành.

***

Đang đêm, nghe tin quân Chiêm Thành đã lọt vào Thăng Long, Nghệ Tông rụng rời, không hiểu sao giặc đến nhanh như vậy. Cung Tuyên Vương Trần Kính đến trước long sàng tâu:

- Tính mệnh vua một nước là tối hệ trọng, xin bệ hạ tạm trốn sang Đông Ngàn, còn việc bảo hộ kinh đô hạ thần xin liều thân cáng đáng.

Nghệ Tông gạt nước mắt, chia tay em trai, lên thuyền rồng vào sông Thiên Đức, có Quý Ly dẫn quân đi hộ giá. Ba hôm sau, khi quân Chiêm rút, ông lại quay về Thăng Long. Vua hỏi riêng Quý Ly:

- Hiện nay, khanh thấy mặt Bắc hay mặt Nam nước ta đáng lo ngại hơn?

- Tâu đức vua, nhà Minh phương Bắc, đông hơn ta, mạnh hơn ta gấp mười lần; còn Chiêm Thành phương Nam nhỏ hơn, yếu hơn, chỉ bằng nửa quân ta. Nhưng hiện nay, mặt Bắc là mối lo hàng đời, còn mặt Nam lại trở thành mối lo hàng ngày, nhất là từ khi Chế Bồng Nga lên ngôi.

- Chế là người thế nào?

- Một ông vua kiệt hiệt!

- Còn ở nước ta, khanh xem ta có kiệt hiệt không?

Quý Ly ngẫm nghĩ một lúc:

- Bẩm, bệ hạ là đức vua nhân từ văn hiến, nhưng không vũ dũng. Tuy nhiên nếu nhà vua có trong tay tướng giỏi thì vua văn nhã sẽ trở thành kiệt hiệt...

Nhà vua cười:

- Tướng quân Nguyên Uyên ra sao?

- Ông ấy chỉ làm tướng lúc thời bình được thôi.

- Còn Cung Tuyên Vương Trần Kính.

- Ông ấy là tướng kiệt hiệt.

- Sao ngươi nói em ta kiệt hiệt?

- Xem như trận Chế Bồng Nga nhập Thăng Long vừa rồi lúc nguy cấp Cung Tuyên Vương không hề rối loạn. Lại biết sắp đặt ngay thủy binh, hướng đông chặn địch ở bến đông, ngăn chặn không cho giặc vào sông Tô Lịch; hướng nam chặn địch lẻn vào theo Đại Hồ. Quả nhiên dụ binh của giặc đã vào Đại Hồ đến phường Phục Cổ, thấy ta đã bố trí thế trận, chúng vội rút lui...

Nghệ Tông gật đầu:

- Khanh nói rất hợp ý ta. Cung Tuyên Vương Trần Kính, em trai ta, là con người kiệt hiệt. Còn ta, chỉ là một con người nhân từ. Mà lúc này, Đại Việt hơn bao giờ hết, đang rất cần một ông vua kiệt hiệt, chứ không cần một ông vua nhân từ.

Tháng ba năm Tân Hợi xảy ra vụ Chế Bồng Nha nhập Thăng Long, đến tháng mười một năm ấy, Nghệ Tông nhường ngôi cho em trai là Trần Kính. Kính lên ngôi vua, xưng là Duệ Tông hoàng đế, và Nghệ Tông lên làm Thái thượng hoàng, nhân dân vẫn gọi vắn tắt là Nghệ Hoàng.

Duệ Tông lên ngôi, mang nặng trên vai trọng trách non sông mà ông anh Nghệ Tông đã suy ngẫm, tự thấy mình không thực hiện được. Nghệ Tông đã chuyển đổi ý nghĩ muốn dùng cứng trị cứng. Chế Bồng Nga quyết tâm chống lại Đại Việt, và Đại Việt cũng phải quyết tâm tiêu diệt họ Chế. Trước kia, họ Chế chỉ thường xuyên đem quân ra quấy rối vùng Tân Bình và Thuận Hóa, nhưng tình thế nay đã hoàn toàn đổi khác. Chế Bồng Nga đã dám mang quân ra đánh vào Thăng Long, tuy trận chiến chỉ chớp nhoáng, mang tính chất thăm dò, song ý định của họ Chế đã hoàn toàn rõ ràng; Chế Bồng Nga đã nhận thấy Đại Việt đang rơi vào thế suy yếu, trong nước đầy rẫy tham nhũng, nổi loạn, tranh chấp. Các tướng sĩ, không có bộ mặt nào tài giỏi. Đỗ Tử Bình được giao nhiệm vụ trấn thủ Tân Bình, Thuận Hóa, thì mới được quân Chiêm đút lót cho vài mâm vàng đã hí hửng nhận ngay, lại còn tâu lời dối trá về triều đình nhà Trần, nói rằng nước Chiêm vẫn yên vị phiên thần, không có bụng dạ chống lại nhà Trần. Nhờ có Tử Bình báo cáo láo, nên họ Chế đã có thời gian xây dựng quân đội và tập dượt tấn công. Người Chiêm trước kia rất yếu kém chiến sự xung trận chỉ biết chạy như vịt; Chế Bồng Nga đã kích thích sự gan dạ của họ bằng cách luyện tập kĩ càng binh lính, rồi dẫn họ vào những cuộc tấn công nhỏ và gần. Họ Chế tự mình dẫn đầu những đội quân tinh nhuệ đánh vào những thành luỹ nhỏ ở Tân Bình, Thuận Hóa, nơi đó vốn có những người Việt gốc Chiêm làm nội ứng đã báo cho quân Chiêm biết rõ nội tình. Nhờ vậy, quân Chiêm lần nào cũng thắng, lần nào cũng mang về thành Đồ Bàn nhiều chiến lợi phẩm, nào gái đẹp, nào vàng bạc, nào lụa là... Chế Bồng Nga cho trưng bày những chiến lợi phẩm, còn gái đẹp đem phân phát cho tướng sĩ quan quân làm vợ, làm hầu thiếp, vàng bạc thì đem khao thưởng một nửa, còn một nửa xung kho chờ khi đánh tan Đại Việt sẽ cho xây dựng một tháp lớn có tượng vàng, có đồ tế khí lộng lẫy để cúng dường các thần linh tiên tổ.

***

Trong lúc người Chăm Pa ráo riết chuẩn bị phục hưng đất nước, người Đại Việt bắt buộc cũng phải thay đổi sách. Trước đây, gần một thế kỷ, đối sách của người Việt đối với Chăm Pa là mềm dẻo, hòa hoãn và ngoại giao. Chính sách hòa bình Chiêm - Việt này bắt đầu từ sự đồng cảm giữa hai nước khi cả hai cùng bị quân Mông Cổ xâm lược. Hai vị vua trẻ anh hùng Chiêm Việt là Chế Mân và Trần Nhân Tông đều kiên quyết đánh giặc Nguyên, không chịu đầu hàng. Sau khi đánh Mông Cổ xong. Trần Nhân Tông đi tu Phật theo hạnh đầu đà đã chân đất hành cước đến kinh đô Đồ Bàn của Chăm Pa và hứa gả Công chúa Huyền Trân cho vua Chiêm. Sự kết giao bằng hôn phối mang tinh thần từ bi Phật giáo, muốn qua đó hóa giải hoàn toàn thù oán giữa hai dân tộc.

Lúc Nghệ Tông truyền ngôi cho em là Duệ Tông. Ông nói:

- Ta đọc sách Tam lược của Hoàng Thạch Công thấy có câu: “Mềm mãi, yếu mãi thì nước sẽ bị chiếm. Cứng mãi, mạnh mãi, thì nước ắt phải vong.” Đêm nạm vạt tay lên trán, ta tự thấy mình chỉ là kẻ mềm yếu, chỉ biết mềm mà không biết cứng. Nay em là con người quyết đoán, cương nghị. Nghĩ rằng lúc này nhu phải nhường bước cho cương, mới là kế vẹn toàn muôn đời cho non sông xã tắc.

Duệ Tông vâng lời anh lên ngôi vua với hào khí ngút trời. Duệ Tông cũng là con một bà phi họ Lê của Minh Tông. Hai bà Phi họ Lê một bà sinh ra Nghệ Tông, một bà sinh ra Duệ Tông đều là cô ruột Lê Quý Ly, do vậy khi Duệ Tông lên ngôi. Quý Ly càng được sủng ái hơn. Nhất là tính khí hai người có nhiều phần giống nhau: quyết liệt và táo bạo. Duệ Tông nói với Quý Ly:

- Ta đọc sử nước Đại Việt thấy hoàng đế Lê Đại Hành khi xưa đã thân chinh đi đánh Chiêm Thành, tự làm tướng, chém đầu vua nước đó là Phế Mị Thuế, bắt sống được binh sĩ không biết bao nhiêu mà kể. Sau này vua Thánh Tông nhà Lý cũng như vậy. Ta nay há chẳng nên theo gót tiền nhân hay sao?

Thượng hoàng Nghệ Tông, từ khi nhường ngôi, về an dưỡng tuổi già ở cung Trùng Hoa phủ Thiên Trường, nhưng mọi việc chính sự đều theo dõi sát sao thông qua khu mật đại sứ Quý Ly. Duệ Tông cũng rất thích sự thông minh táo bạo của người em rể, nên phong cho Quý Ly chức tham mưu quân sự, nhất nhất mọi sự đều bàn với Quý Ly. Viên tham mưu quân sự nói:

- Thượng Hoàng (Nghệ Tôn) là người thông hiểu sách của trăm nhà. Người thường nhắc: “Tri kỳ hùng, thư kỳ thư.” Biết như con trống, nhưng phải giữ cái vẻ như con mái. Người luôn nói nhu nhược thắng cương cường. Người chủ trương nhu, nhưng từ hồi Chế Bồng Nga xâm phạm kinh sư, người đã nghĩ đến chủ trương cương. Do vậy người đã nghiền ngẫm cuốn Tam lược của Hoàng Thạch Công. Hoàng Thạch Công thầy của Trương Lương là một đạo sĩ cũng theo thuyết Hoàng Lão nhưng có một chút khác người xưa. Đó là ông vừa chủ trương nhu vừa chủ trương cương. Lúc cứng lúc mềm, lúc văn lúc võ, sự luân phiên tùy thuộc tạo ra cái thế hài hòa thắng lợi, đó là bí quyết của họ Hoàng vậy. Chẳng thuần cương mà cũng chẳng thuần nhu...

Duệ Tông nghe Quý Ly giảng giải, trong lòng rất ưng, liền hỏi:

- Thế nào là chẳng thuần cương, chẳng thuần nhu?

- Chẳng thuần cương: ví dụ như trong lúc chuẩn bị việc quân sự, ta vẫn chú ý tới việc văn hiến, vỗ về dân chúng. Chẳng thuần nhu: ví dụ như ta đưa dân vào nề nếp kỷ cương, làm sổ hộ khẩu để biết thực lực số người trong nước, chuẩn bị lương thực, khuyến khích nghề võ, chiêu binh mãi mã, không cứ sang hèn ai tài giỏi thì được làm tướng...

Duệ Tông mừng rỡ, mọi chính sách đều nghe theo Quý Ly.

Vua xuống chiếu cho dân không được mặc quần áo bắt chước người phương Bắc, không được hát xướng ăn nói bắt chước người Chiêm Thành.

Lại cho mở khoa thi tiến sĩ, lấy Đào Sư Tích đỗ trạng nguyên, Lê Hiến Phủ đỗ bảng nhãn và Trần Đình Thâm đỗ thám hoa. Ngoài ba người trên cho đỗ hoàng giáp cập đệ và đồng cập đệ. Nhà vua mở tiệc ban yến, ban mũ áo cho các tiến sĩ. Rồi cho ba vị đỗ đầu cưỡi ngựa đi chơi phố phường Thăng Long ba ngày. Lần đầu tiên có lệ rước tiến sĩ ở nước ta. Dân Thăng Long nô nức đi xem mặt các tiến sĩ. Thật là ngày hội chưa từng có. Người dân nức nở: “Vua hiền lại xuất hiện ở nước ta rồi. Thời hỗn loạn thế là đã qua?”

Song song với những chuyện đó, Duệ Tông cho thí võ tuyển binh ở khắp các bộ phủ trong nước. Người khỏe mạnh xung vào đội Lan đô. Trước kia chỉ có quân túc vệ Tứ Thiên, Tứ Thánh, Tứ Thần. Ở các địa phương bao giờ có biến đều nhờ vào quân đội riêng của các vương hầu ở các vùng. Ngày nay, Quý Ly cho tuyển các đội quân riêng cho các quan binh địa phương như đội Thiên Trường, Ý Yên, Bắc Giang, Thanh Hóa, Nghệ An, Hóa Châu, Tân Bình... Các đội quân này đều đặt quân hiệu. Hơn nữa, các vị tướng chỉ huy đều do thi tuyển mà ra. Trước kia, muốn làm tướng hiệu, người ta bắt buộc phải là tôn thất; ngày nay, vua xuống chiếu chọn các quan viên người nào có tài năng, luyện tập nghề võ thông hiểu thao lược, thì bất cứ sang hèn, ai giỏi đều cho làm tướng coi quân.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay