Tôi Như Ánh Dương Rực Rỡ (Tập 1) - Chương 06 - 07

Chương 6

Chạy ra khỏi ký túc xá, gió đêm thổi tới khiến tôi tỉnh táo lại một chút, trong đầu mơ hồ nghĩ, tôi chạy ra thế này, họ sẽ nghĩ thế nào?

Có tật giật mình? Hoặc là sợ tội bỏ chạy?

Những người khác tôi không rõ, nhưng với cách nhìn của Trang Tự về tôi thì tới tám, chín phần là sẽ nghĩ như thế.

Thật nực cười, trước ngày hôm nay tôi còn mù quáng cho rằng dù Trang Tự không thích tôi, dù không thuận mắt với sự an phận của tôi, chí ít cũng sẽ cảm kích tôi, sẽ cảm thấy tôi là người khá tốt. Bởi tôi cũng từng giúp anh mà?

Kết quả lại lần nữa chứng minh rằng tôi là kẻ ngốc.

Từ khi quen Trang Tự, tôi như không ngừng là một con ngốc. Sự theo đuổi ban đầu như một trò hề, tôi sắm vai cô ngốc nhưng lại tưởng mình cái gì cũng giỏi, về sau đã hiểu rõ, lặng lẽ rút lui, thậm chí nhắn tin giải thích với anh – “Xin lỗi, mình không biết cậu và Dung Dung yêu nhau, nếu không mình đã không nói thế với cậu. Mong rằng sẽ không gây phiền phức cho cậu nữa”.

Vì tình cảm của mình mà xin lỗi, nghĩ lại cũng thấy nực cười.

Nhưng tôi không muốn anh hiểu lầm rằng tôi cố ý giành giật tình cảm.

Tin nhắn đó cũng không nhận được hồi âm như đa số những tin tôi từng gửi, bây giờ nghĩ lại, có lẽ rằng anh không hề tin.

Phải, làm sao anh tin chứ.

Làm sao anh tin tôi và Dung Dung ở cùng phòng mà không hề biết sự mờ ám giữa họ. Làm sao anh tin lúc đó tôi thậm chí còn hỏi Dung Dung, nhưng câu trả lời lại là “bọn mình chỉ là hàng xóm, nhưng cũng không hiểu nhau lắm”.

Mắt càng lúc càng cay, đưa tay quệt hai dòng nước trào ra, kết quả là càng rơi dữ dội, lồng ngực đau nhức khiến tôi chỉ muốn khóc to một trận. Cứ cảm thấy yêu một người chắc sẽ là tâm trạng vui sướng long trời lở đất như sắp nở hoa, tại sao lại khó chịu đến thế?

Tôi ngồi thẫn thờ trong một khoảnh rừng nhỏ vắng vẻ trong trường đến tận tối mịt, khi bụng đói không chịu nổi mới đứng dậy. Ngước lên nhìn, trời đã tối đen, không biết là mấy giờ, điện thoại di động và ví tiền đều để trong phòng không mang theo, cũng may trong túi quần có mấy chục tệ không biết nhét vào từ bao giờ, nếu không thì chẳng những bị oan mà còn bị đói, quá thê thảm.

Tay đút vào túi áo, từ từ ra khỏi trường, chợ đêm ngoài cổng Bắc đang đông đúc, những bài hát thịnh hành xen lẫn tiếng người ồn ào vẳng đến, thoáng chốc đã xóa mờ phiền não trong lòng, tôi hít một hơi thật sâu, cảm thấy tâm trạng khá hơn nhiều, chỉ có mắt bị ánh đèn chợ đêm chiếu vào đau nhức. Tôi bước vào một quán mỳ thịt bò, vẫn hay đến, cạnh chợ đêm, ngồi xuống gọi một bát mỳ, sau đó xoay đũa tiếp tục thẫn thờ.

Xoay đũa, xoay bút là thói quen xấu từ thời cấp ba, tôi đã bỏ mấy năm rồi, hôm nay bất giác lại chơi trò đó, chiếc đũa xoay nhanh trong tay tôi, chẳng hề gượng gạo.

Thế nhưng khi nhìn thấy hai người vào trong quán, tay tôi khựng lại, chiếc đũa bay đi, “cách” một tiếng đập vào người cô gái đang ngồi ăn đối diện.

Là Trang Tự và Dung Dung. Dung Dung khoác tay Trang Tự, cười vui vẻ bước vào.

Chắc đây chính là oan gia ngõ hẹp.

Họ đến quán này không có gì lạ, sinh viên trường A thường đến đây ăn, mỳ thịt bò ở đây là số một, rất nổi tiếng ở Nam Kinh. Nhưng tại sao lại là lúc này?

Dung Dung kéo Trang Tự ngồi ở một góc khác trong quán, như không nhìn thấy tôi, luôn tươi cười trò chuyện với Trang Tự, tôi ngồi xa thế này cũng cảm nhận được tâm trạng vui vẻ của cô ta, hoàn toàn tương phản với tâm trạng đau buồn của tôi lúc này.

Tôi lần đầu thấy họ thân mật ở nơi công cộng như vậy, xưa nay Dung Dung luôn giữ kẽ, lúc nào cũng nói với mọi người rằng Trang Tự chỉ là bạn. Bây giờ tỏ ra thân mật như thế, chắc là nhờ công lao của tôi. Nói thế thì tôi đúng là mũi thuốc kích thích mạnh.

Tôi cười giễu, nỗi chua chát vừa đè nén trong lòng lại dâng lên.

Nói câu xin lỗi với cô gái đối diện rồi, tôi lấy đũa về. Nhân viên phục vụ mang mỳ lên, tôi cúi đầu ăn, chỉ muốn nhân lúc họ chưa thấy mình mà ăn nhanh rồi về.

Tiếc rằng trời phụ lòng người. Cô gái đối diện ăn xong, lúc đứng lên đụng vào người phục vụ đang bưng mỳ, nhất thời trong quán trở nên hỗn loạn và mất trật tự, thái độ người phục vụ cũng khá tốt, có điều giọng quá to, một câu “Cô cẩn thận chứ” của anh ta, khiến không ít người nhìn về phía này.

Tuy Trang Tự không nhìn lại đây, nhưng nếu anh phục vụ cứ tiếp tục bô bô như thế thì khó mà chắc chắn họ không quay lại nhìn. Tôi cũng không còn lòng dạ nào mà ăn, trước khi anh phục vụ lại nói nữa, tôi rút một tờ hai mươi tệ đưa ra: “Tính tiền”.

Nói xong không đợi anh ta trả lại tiền, tôi đứng lên bước ra ngoài.

Dung Dung nhìn thấy tôi, lúc đứng lên chúng tôi chạm mắt nhau, cô ta hừ một tiếng rồi quay đi, có vẻ không muốn trông thấy tôi nữa.

Tôi siết chặt nắm tay, kìm nén sự manh động muốn cãi nhau với cô ta, cứng đờ người ra khỏi quán.

Tâm trạng càng lúc càng bực bội.

Dù thế nào thì hôm nay cũng không về ký túc xá nữa, tôi ra trạm xe, định sang nhà cậu ở tạm.

Đến nhà cậu, em họ đã học xong giờ tự học, ngồi trên sofa ăn vặt xem ti vi, vừa thấy tôi đã ôm cái đĩa vào lòng. “Chị, hôm nay sao chị lại tới. Em đang đói chết đây, đừng giành với em.”

“Em cứ ăn đi”, tôi phớt lờ nó, nói qua loa một câu rồi chạy lên lầu.

Nằm trên giường vài phút thì cậu em họ gõ cửa. “Này, Nhiếp Hy Quang, em không ăn nổi với bộ dạng sắp chết của chị, bánh bao dì Trương làm này, có thịt đó.”

Tôi mặc kệ.

Nó đứng ngoài gõ liên tục, “Chị, chắc chị không thất tình nữa chứ?”.

Hôm nay sao mọi người đều phiền phức thế nhỉ? Tôi xuống giường, mở cửa, dửng dưng nói: “Phải thì sao?”.

“Lại thất tình nữa à?”, cậu em họ há hốc miệng, sau đó cười trộm, “Chắc vẫn là anh Trang chứ gì, chẳng phải chị bỏ cuộc từ lâu rồi à?”.

Cuối cùng dưới ánh mắt phẫn nộ của tôi nó an ủi: “Được rồi chị, không phải thất thân là được”.

“…”, tôi nhìn nó hai giây rồi đá sầm cửa lại trước mặt nó.

Làm con rùa rụt cổ ở nhà cậu hai ngày rồi vẫn phải quay về, laptop của tôi ở ký túc xá, luận văn nằm trong đó.

Không biết là có phải do tâm lý hay không mà trên đường trong trường, cứ thấy ánh mắt hấp háy của vài bạn học cùng khoa ánh mắt vốn chẳng quen biết gì nhìn mình, tôi lại buồn bực nhưng cũng không thể túm lấy người ta hỏi tại sao. Về sau, A Phân nói với tôi rằng trong khoa rất nhanh có nhiều người biết chuyện này, lời đồn đại rất khó nghe, cái gì mà Nhiếp Hy Quang hãm hại tình địch… đến mấy phiên bản, làm đám sinh viên thỏa sức tưởng tượng, ngay cả thầy hướng dẫn cũng gọi điện đến ký túc an ủi Dung Dung.

Tôi cứ nghĩ rằng buổi chiều trong ký túc thường vắng người nên chọn lúc ba giờ hơn đi. Kết quả vừa đẩy cửa ra, phát hiện rất không may rằng các bạn cùng phòng đều có đủ, Dung Dung đứng giữa phòng, cười tươi rói trông tâm trạng rất vui vẻ, thấy tôi thì sắc mặt cứng lại, rồi lập tức cười hi hi.

“Nhiếp Hy Quang, chuyện đó bỏ qua nhé, mọi người là bạn học cả mà.”

Tôi đã không muốn giải thích nữa, dửng dưng nhìn cô ta.

Cô ta nghịch cái điện thoại trong tay: “Đây là hôm qua Trang Tự tặng, quà sinh nhật sớm, phàm chuyện gì cũng có cái được cái mất, lời cố nhân quả có lý, nhiều lúc hà tất phải tính toán thông minh quá làm gì”.

Cô ta ám chỉ, những người khác trong phòng đều im lặng, tôi nhìn cái điện thoại màu sắc chói mắt đó, nhạt nhẽo nói: “Điện thoại tầm thường thế này có gì mà khoe khoang”.

Mặt cô ta đỏ lên, rồi khôi phục lại như bình thường: “Phải, điện thoại thì tầm thường, chỉ có hơn vạn tệ, Nhiếp đại tiểu thư đương nhiên không để tâm, nhưng lẽ nào cậu chưa từng nghe?”, cô ta nhấn mạnh, “Bảo vật vô giá dễ có, mà người yêu khó cầu”.

Tôi đờ đẫn, sau đó chậm rãi nói: “Phải, người yêu khó cầu, vậy chúc mừng”.

Tôi không ở nổi ký túc nữa, dọn dẹp một chút rồi chạy đến nhà cậu.

Ban đầu tôi không nên dọn về.

Chương 7

Cuộc sống của tôi trở nên yên tĩnh, máy móc. Bây giờ không còn tiết học, thỉnh thoảng tôi đến thư viện trường, tìm tư liệu luận văn, những thứ liên quan đều in ra rồi mang về nghiên cứu.

Nghiên cứu chán thì chuyển qua chơi máy tính.

Cậu em họ sắp thi đại học, đang thời điểm nước sôi lửa bỏng, nhìn tôi ngày nào cũng rảnh rỗi thì rất ghen tỵ, tôi nói với nó: “Chị sắp đi làm rồi, ngay cả nghỉ đông nghỉ hè đều không còn, em thi xong có thể tự do chơi tới bốn năm, thoải mái lắm”.

Cậu em họ tỏ ra không phục: “Chị, em học đại học phải phấn đấu, bố đã hoàn thành tích lũy cơ bản ban đầu cho em rồi, em phải là một doanh nghiệp lớn, chị tưởng ai cũng giống chị, không có chí khí hay sao”.

“Haizzz, thực ra lúc chị như em cũng rất có chí khí, nếu không thì cố sống cố chết vào trường nổi tiếng làm gì, nhưng chị đã giác ngộ rồi, Khương Duệ tốt nhất là em đừng bao giờ giác ngộ, tương lai bươn chải vất vả làm trâu làm ngựa kiếm tiền, chị sẽ nhờ em nuôi đó.”

Cậu em tỏ ra khổ sở: “Nếu chị ế thì em sẽ nuôi”.

“Không phải chứ Khương Duệ, em yêu thầm chị hả.”

Cậu em nổi cáu: “Nhiếp Hy Quang, logic gì thế?”.

Tiếp đó điện thoại đổ chuông, tôi cười hi hi chạy xuống nghe máy.

“A lô.”

“Hy Quang, là tớ.”

Tôi khựng lại, “Ồ, Tư Tịnh – có chuyện gì thế?”.

“Không có chuyện thì không tìm cậu được à, cậu nổi tiếng quá nhỉ.”

Tôi cười, có chút miễn cưỡng, tâm trạng đã hơi tốt hơn mà nghe giọng cô nàng thì mây đen như lại ùn ùn kéo tới.

Hôm đó những người trong phòng không ai mở miệng giúp tôi một câu. Hẳn nhiên họ không có nghĩa vụ đó, hẳn nhiên tình bạn của chúng tôi có lẽ vẫn không đủ để họ tin tưởng tôi vô điều kiện.

Nhưng tôi vẫn thấy lạnh lòng.

“Hy Quang”, một lát sau Tư Tịnh lên tiếng, “Hôm qua Tiểu Phượng từ Thượng Hải về, nó nói cú điện thoại đó là do nó nghe, hôm đó nó đã đến trạm xe rồi, kết quả là phát hiện quên mang chứng minh nhân dân, về phòng lấy đồ thì trùng hợp nghe cuộc điện thoại đó, cúp máy xong còn nhớ phải ghi giấy lại, cuối cùng cuống lên đi mà quên mất. Haizzz, con nhóc điên này làm sai, tuy Dung Dung không so đo nữa nhưng nó vẫn quyết tâm khao mọi người đền tội, khi nào cậu về, bọn mình sẽ lột nó một trận ra trò”.

Giọng Tư Tịnh nhẹ nhõm vui vẻ lạ thường, tôi nghĩ chắc Tư Tịnh muốn tạo ra không khí “chuyện này đã qua rồi, không có gì to tát cả”, nhưng vẻ nhẹ tênh đó chỉ khiến tôi càng khó chịu, máy móc nói: “Ồ, tớ biết rồi, nhưng không về đâu, tớ phải ở nhà cậu để chuẩn bị bảo vệ luận văn”.

Tư Tịnh nói: “Về thì cũng chuẩn bị được mà, hơn nữa mọi người ở cùng nhau có thể thảo luận xem nên ứng phó với thầy cô thế nào”.

“Thôi, ký túc nóng quá, nhà cậu có điều hòa.”

Tôi nói dối trắng trợn, tháng Năm còn chưa tới, đâu ra nóng chứ.

Tư Tịnh cũng không nói gì nữa.

Về sau lần lượt Tiểu Phượng, A Phân nhắn tin nói tụ tập gì đó, tôi đều viện cớ từ chối, cả người bỗng trở nên lười nhác.

Hình như tất cả đều chẳng có nghĩa gì.

Dù sao…

Cũng sắp tốt nghiệp, không kết thúc cũng phải kết thúc.

Ngày hai mươi chín tháng Tư, thầy hướng dẫn gọi điện, bảo tôi đến lấy luận văn để sửa. Thế là sáng sớm tôi đã đạp xe của cậu em đến trường.

Có thể hôm nay xuất hành bất lợi, trên đường để tránh một con chó chạy toán loạn, tôi ngã một cú rõ đau, nếu về thay đồ thì không kịp giờ hẹn với thầy, thế là đành mặt mũi nhếch nhác thê thảm đến Học viện Kinh tế trường A.

Tìm đến văn phòng của thầy, gõ cửa.

“Vào đi.”

Tôi thấp thỏm đẩy cửa, đập vào mắt là Trang Tự. Anh đứng gần thầy hướng dẫn, nghe tiếng mở cửa thì ngẩng lên nhìn tôi, ánh mắt khựng lại một chút rồi nhanh chóng rời đi.

Tôi đứng ngẩn ở cửa. Sao anh lại ở đây?

Thầy hướng dẫn là phó viện trưởng học viện chúng tôi. Một người xưa nay nổi tiếng nghiêm khắc. Thầy nhìn tôi, đẩy gọng kính, “Em ngồi đợi bên kia một chút”, sau đó tiếp tục trò chuyện với Trang Tự.

Nghe họ nói chuyện cũng là về luận văn. Nói vậy thì Trang Tự và tôi rút thăm cùng một thầy hay sao? Tuy chúng tôi không cùng khoa nhưng cùng Học viện Kinh tế, rút thăm cùng một thầy cũng có khả năng, nhưng tỷ lệ lại rất thấp.

Chuyện trùng hợp như vậy nếu xảy ra trước đó, chắc tôi sẽ rất hào hứng, bây giờ lại chỉ thấy xui xẻo cực kỳ, đặc biệt là khi tôi biết thực ra hôm nay đến chỉ để nghe mắng. Trong lòng chỉ mong anh nói xong rồi đi ngay.

Ai ngờ mấy phút sau, Trang Tự nói ra về thì thầy lại ngăn cản, “Em khoan đi vội, lát nữa thầy sẽ nói kỹ hơn với em, thầy nói vài câu với cô sinh viên này đã”.

Rồi thầy gọi tôi lại, “Nhiếp Hy Quang phải không?”.

Tôi gật đầu.

Thầy hướng dẫn rút luận văn của tôi ra, rồi nhìn nó không nói, mấy phút sau cả văn phòng chìm trong im lặng, tôi căng thẳng muốn chết.

Cuối cùng, thầy lên tiếng. “Trong số sinh viên tôi phụ trách, em là người nộp đề cương luận văn muộn nhất.”

“Thưa thầy, em…”, tôi nộp quá muộn, trước khi đến tôi biết chắc sẽ vì chuyện này mà bị thầy chất vấn, nên đã bịa ra vô số lý do, nhưng Trang Tự đứng cạnh làm tôi há miệng lắp bắp, mọi cớ chuẩn bị sẵn đều không nói nổi.

“Cũng là người viết kém nhất, hoàn toàn là viết qua loa cho có.”

Lời phê bình nghiêm khắc khiến mặt tôi nóng bỏng, thật có cảm giác chỉ muốn đào cái lỗ chui vào cho xong.

Thầy tiếp tục phê bình: “Em thế này chắc chắn không đạt, tôi sẽ không để luận văn này của em tham gia bảo vệ. Em bỏ lần bảo vệ này đi, chuẩn bị cho kỹ, năm sau hãy làm”.

Tuy trước kia đều nghe nói ông thầy này năm nào cũng đe dọa khủng bố sinh viên, nhưng tôi vẫn bị những lời phê bình nghiêm khắc của thầy dọa cho đần người. Lại thêm cảnh tượng thê thảm này bị Trang Tự nhìn thấy, tôi vừa xấu hổ vừa tức tối, muốn phản bác lại nhưng như bị cái gì đó chặn ngay cổ họng, những lời nịnh nọt xin tha tôi cũng không tài nào nói được.

Lúc này, Trang Tự đang im lặng bỗng mở miệng, “Thưa thầy”.

Tôi ngước lên nghi hoặc nhìn anh, thầm nghĩ hiểu lầm đã được hóa giải, chắc anh không bỏ đá xuống giếng chứ?

“Thưa thầy, có lẽ luận văn chi tiết của cô ấy sẽ tốt hơn, luận văn đã được sửa mà.”

Giọng nói vốn trầm trầm rành rọt, nhưng tôi phải mất một lúc lâu mới hiểu ý của anh. Anh đang… xin giúp tôi?

Anh nói giúp tôi, theo lý thì tôi nên vui, nhưng không hiểu sao trong lòng lại thấy giận dữ.

Cái gì chứ? Tôi không thèm anh nói giúp!

Tôi buột miệng: “Thưa thầy, năm sau em bảo vệ cũng được”.

Nghe thế, Trang Tự và thầy đều ngớ người, Trang Tự nhìn tôi với ánh mắt phức tạp, lùi sang một bên, không nói gì nữa.

Thầy hơi cáu, gõ bàn, “Xem đấy, nói em vài câu đã giận dỗi. Sinh viên bây giờ càng lúc càng kém, làm sao viết được luận văn tốt? Đứa nào tính nết cũng khó chiều”.

Thầy vừa lắc đầu thở dài, vừa đặt một bài luận văn khác xuống trước mặt tôi. “Nhìn đây, cùng một đề tài, tại sao người ta có thể viết đàng hoàng chặt chẽ như vậy, có nhiều ý kiến mới mẻ, mà người ta đã sắp hoàn thành rồi, còn em thì vẫn là đề cương.”

Tôi ngước lên nhìn, chỉ thấy hai chữ “Trang Tự” trên luận văn đó. Phải, đề tài luận văn của tôi và anh giống nhau. Ban đầu chọn theo Trang Tự, lúc đó rất nhiều việc chưa xảy ra, tôi cứ một lòng nghĩ chọn cùng đề tài ít nhiều sẽ có cơ hội tiếp xúc với anh.

Thầy hướng dẫn đương nhiên sẽ không cho tôi xem luận văn của người khác, lấy lại rồi ném trả luận văn của tôi. “Ý kiến đã viết phía trên, tôi cũng chẳng có gì để nói. Em tự đọc và sửa, nếu lần sau không được nữa thì tôi tuyệt đối sẽ không cho em tham gia bảo vệ”.

Bị thầy đuổi đi, tôi tạm thời thở phào, xem như vẫn còn cơ hội, không phải kéo dài việc tốt nghiệp. Từ từ bước ra đợi thang máy, mãi sau thang máy mới xuống, tôi bước vào bấm nút đóng cửa thì loáng thoáng nghe có người gọi đợi.

Theo phản xạ tôi bấm nút mở cửa, đến khi nhớ ra giọng nói đó của ai thì đã muộn.

Trang Tự bước vào trong.

Sau đó cánh tay dài vươn qua tôi bấm nút tầng một.

Thang máy đi xuống,

Trong thang máy yên tĩnh đến độ nghe thấy nhịp tim, tôi nhìn không chớp con số hiển thị trên bảng. Lần đầu tiên tôi cảm thấy thang máy của trường chậm đến khó tả, rõ ràng đã một thời gian rất dài trôi qua mà mới xuống được một nửa.

“Có lẽ tôi có thể giúp cậu.”

Lúc giọng nói đó vang lên, tôi tưởng mình nghe nhầm, dè dặt một lúc mới nhìn Trang Tự.

Trong thang máy chỉ có tôi và anh, nên chắc chắn anh đang nói với tôi, nhưng giúp tôi ư? Giúp tôi cái gì?

Có lẽ nhìn thấy sự nghi ngại của tôi, ánh mắt anh dừng lại ở xấp giấy trong tay tôi, nói ngắn gọn: “Luận văn”.

Tôi bỗng đỏ bừng mặt. Lúc nãy thầy hướng dẫn phê bình luận văn của tôi xối xả, anh ở cạnh nghe thấy hết.

Lại mất mặt.

Nhưng tôi cũng không nói gì, lúc này thang máy xuống đến nơi, tôi bước nhanh ra ngoài, không quay đầu lại.