Chiến hữu - Chương 14.2

"Chúng ta có thể ghé tiệm bánh để bàn bạc," bên ngoài, ông ta nói.
Tôi gật đầu. Rất tiện lợi cho tôi. Ông chủ tiệm bánh cứ ngỡ, trong bốn bức vách của ông, ông ta sẽ mạnh mẽ hơn -- nhưng tôi có sự ủng hộ của cô nàng tóc đen.
Cô ta đợi sẳn ở cửa. "Chân thành chúc mừng bà," tôi nói, trước khi ông chủ tiệm bánh kịp mở miệng.
"Mừng gì cơ?" cô ta lập tức hỏi, ánh mắt long lanh.
"Xe Cadillac của bà," không nao núng, tôi trả lời.
"Anh yêu!" cô ta nhảy cẫng lên, ôm chặt cổ ông ta.
"Nhưng chuyện chưa đâu vào đâu cả," ông cố gỡ tay cô và giải thích. Nhưng cô ta vẫn đeo dính và nghịch ngợm quay ông ta vòng vòng, không để ông ta thốt một lời. Tôi lần lượt thấy sau bờ vai của ông, gương mặt ranh mãnh, con mắt nháy nhó của cô ta và sau bờ vai cô ta, cái đầu như con mọt gạo của ông ta, trách móc, phản kháng vô vọng.
Cuối cùng ông ta cũng rứt ra được. "Chúng ta chưa đạt đến một thỏa thuận nào," ông thở hào hển.
"Có mà," tôi hăng hái nói, "tôi bảo đảm sẽ làm hết sức để giảm năm trăm marks cuối cùng. Ông không phải trả thêm một xu nào ngoài bảy ngàn marks cho chiếc Cadillac. Ông đồng ý chứ?"
"Dĩ nhiên," cô tóc đen nhanh nhảu nói. "Giá ấy, thật quá hời, anh yêu."
"Nín ngay!" Ông chủ tiệm bánh dơ tay khỏi đầu.
"Anh có điên không vậy?" cô ta tấn công. "Lúc đầu, anh nói anh sẽ mua xe, giờ thì anh đứng ỳ ra đấy, nói rằng anh sẽ không mua."
"Không sao, ông ấy sẽ mua." Tôi can gián. "Chúng tôi đã bàn thảo với nhau."
"Vậy thì, anh yêu -- tại sao, anh lại -- " Cô nàng õng ẹo dựa sát người ông ta. Ông ta cố gắng nhích ra nhưng cô nàng đã ép đôi vú căng phồng lên cánh tay ông. Ông ta nhăn mặt tuyệt vọng, nhưng sức kháng cự đã yếu hẳn.
"Chiếc xe Ford -- "ông ta nói.
"Sẽ chi trả từng phần, dĩ nhiên."
"Bốn ngàn marks?"
"Ông đã tốn đến ngần ấy sao?" tôi thân ái hỏi.
"Xe Ford phải bán với giá bốn ngàn marks, trả từng phần," ông quả quyết. Cuối cùng, ông ta cũng tìm được cách trả đòn sau khi bất ngờ bị tấn công lúc đầu. "Xe tốt y như xe mới."
"Xe mới?" tôi nói. "Sau khi được đại tu như thế?"
"Sáng nay, chính cậu cũng nhận là xe tốt như mới mà."
"Sáng nay, đấy lại là chuyện khác. Mới hay không -- tùy theo, ta là người bán hay người mua. Với giá bốn ngàn marks, xe Ford của ông phải có cảng bằng vàng."
"Bốn ngàn marks, không chịu thì thôi," ông chủ tiệm bánh bướng bỉnh nói. Ông ta đã hồi phục bản tính cũ và rõ ràng, muốn sửa chữa những tình cảm ủy mị mới đây.
"Vậy, au revoir," tôi trả lời, và quay sang cô tóc đen. "Tôi rất tiếc, bà ạ -- nhưng tôi không thể mua bán thiệt thòi như thế. Chúng tôi không lãi đồng nào với chiếc Cadillac, vì thế, tôi không thể mua vào chiếc Ford cũ với cái giá trên trời. Tạm biệt."
Cô ta giữ tôi lại. Đôi mắt tóe lửa, cô ta tấn công ông chủ tiệm bánh khiến ông ta chẳng biết nên tiến hay lùi. "Anh đã nói hàng trăm lần là chiếc Ford không đáng giá gì hết," cuối cùng, cô ta rít lên, nước mắt đoanh tròng.
"Hai ngàn marks," tôi nói. "Hai ngàn marks, mặc dù giá ấy chết người."
Ông chủ hiệu bánh im lìm.
"Nào nào, nói gì đi chứ. Anh đứng đây làm gì mà không chịu mở miệng? cô nàng tóc đen tát yêu ông ta.
"Xin ông bà thứ lỗi," tôi nói. "Tôi phải đi lấy chiếc Cadillac. Khi tôi trở lại, có lẽ ông bà đã thảo luận xong."
Tôi có cảm tưởng nếu tôi biến đi thì tốt hơn. Tóc đen sẽ tiếp tục công việc dùm tôi.
Một giờ sau tôi lại có mặt ở đấy. Tôi thấy ngay, cuộc cải vã đã được giải quyết bằng cái phương pháp giản dị nhất. Y phục của ông ta hơi nhàu và một cái lông ngỗng trong chăn còn vướng trên áo khoác -- còn cô tóc đen, trái lại, mắt ngời sáng, vú rung rinh; và cô ta mỉm cười, mãn nguyện và xảo quyệt. Cô ta đã thay y phục, và mặc một chiếc áo đầm lụa mỏng, dán sát người. Khi không bị chú ý, cô ta gật đầu với tôi, và nháy mắt ra hiệu là mọi việc đều ổn thỏa.
Chúng tôi lái thử. Tóc đen ngồi gọn gàng, thoải mái trên cái ghế rộng và liếng thoắng nói không ngừng. Tôi ước gì mình có thể quẳng cô ả qua cửa sổ, thế nhưng tôi vẫn cần sự có mặt của cô ta. Ông chủ tiệm bánh ủ rũ ngồi cạnh tôi. Ông ta thương tiếc trước cho số tiền sẽ chia tay -- có lẽ, đó là sự thương tiếc chân thành nhất.
Chúng tôi dừng xe trước nhà ông chủ tiệm bánh, rồi đi vào. Ông ta bước qua phòng khác để lấy tiền. Trông ông ta già sụm, và tôi nhận ra, tóc của ông đã phải nhuộm.
Tóc đen lướt tay ve vuốt cái áo đầm của ả. "Chúng ta làm chuyện ấy cừ thật, phải không?"
"Vâng," tôi ngần ngừ nói.
"Anh nợ em một trăm marks cho việc ấy."
"Ach, vậy thì sao?" tôi nói.
"Lão già keo kiệt ấy," cô ta thì thào thân mật, tiến gần tôi, "giàu có lắm. Nhưng cứ thử moi một đồng của lão! Lại còn không chịu làm di chúc nữa cơ. Và dĩ nhiên, sau khi lão đi đời nhà ma, con cái của lão sẽ hưởng trọn gia tài, còn em sẽ bơ vơ nơi đâu? Ngoài ra, chẳng vui sướng gì, lúc nào lão cũng mắng mỏ em --"
Cô ta lại gần hơn nữa và hây hẩy cặp vú. "Vậy, ngày mai, em sẽ qua đấy lấy một trăm marks. Khi nào anh có mặt? Hoặc đi ngang đây?" Cô ta khúc khích cười. "Chiều mai, em ở nhà một mình."
"Tôi sẽ gởi tiền cho bà." tôi nói.
Cô ta lại rinh rích cười. "Anh đích thân mang đến, nhé. Hay là anh sợ?"
Rõ ràng, cô ta nghĩ rằng tôi ngây thơ, và phải nói huỵch toẹt cho tôi hiểu.
"Không sợ," tôi nói, "nhưng tôi bận. Ngày mai, tôi phải đi bác sĩ. Bịnh giang mai lâu rồi -- làm đời mất vui."
Nhanh như cắt, cô ta lùi lại, suýt ngã lên chiếc ghế bành bọc nhung. Ngay khi ấy, ông chủ tiệm bánh đi vào. Ông ta nhìn cô ta một cách ngờ vực. Rồi ông ta đếm thành tiếng cọc tiền chất trên bàn. Chậm và lưỡng lự. Cái bóng của ông lung linh theo nhịp đếm trên nền thảm hồng. Khi tôi viết biên lai, tôi bàng hoàng nhận ra, chuyện này đã xảy ra một lần hôm nay -- chỉ có điều, Ferdinand Grau đóng vai tôi. Mặc dù việc này chẳng quan trọng gì, nhưng với tôi, quái dị quá.
Tôi vui vì lại được ra ngoài. Không khí mềm và ấm như mùa hè. Chiếc Cadillac đậu bên lề, hóm hỉnh nháy mắt với tôi.
"Ôi, cám ơn cưng," tôi nói, gõ gõ lên bộ tản nhiệt. "Mau về thăm anh nhé."