Vẫn mơ về em _ Chương 65 - 66

65. Ngoảnh lại đã hai năm

Khi còn trẻ cứ nghĩ rằng chỉ cần hai người yêu thương nhau là có thể chiến thắng mọi khó khăn trên đời. Nhưng sau nhiều năm, trải qua nhiều trận bể dâu, ngoảnh đầu lại mới nhận thấy thì ra tình yêu lại mong manh, dễ vỡ đến vậy. Cho dù tình cảm của hai người có sâu đậm đến mấy nhưng nếu tạo hóa đã an bài thì có làm cách nào đi nữa cũng không thể ở bên nhau.

Tôi và Ninh Hiên, có duyên yêu nhau nhưng không có mệnh được cùng nhau.

Mỗi khi tôi cảm thấy giữa chúng tôi vừa bừng lên một tia sáng thì ngay sau đó bóng tối tuyệt vọng liền ập tới, thậm chí còn mịt mùng hơn cả trước kia.

Giữa chúng tôi, duyên là nghiệt duyên, mệnh là khổ mệnh. Tình yêu chúng tôi dành cho nhau không thể quên đi, không thể dập tắt, không thể xóa mờ, nhưng cũng lại không thể mong cầu.

Tôi kéo hành lý, lững thững đi trên phố, không muốn cứ phải vội vàng đến nhà ga làm gì, chỉ muốn được một lần nữa bước đi chầm chậm dọc theo phố xá.

Hôm qua tôi nói với bố mẹ rằng mình sẽ đến một nơi rất xa rất xa. Tôi nói với hai người, tôi sẽ tự chăm sóc tốt cho bản thân. Tôi sẽ cố gắng để bản thân tiếp tục sống vui vẻ. Để bố mẹ yên tâm, tôi nói chưa biết chừng có một ngày tôi sẽ tung tăng trở về.

Dù bố mẹ không hề muốn để tôi đi, nhưng cũng chẳng còn cách nào với tôi.

Kẻ mang vết thương lòng luôn có một thứ vũ khí khiến người khác không dám động chạm phản đối. Như thế chỉ cần thứ vũ khí đó bị tước đoạt, kẻ bị thương sẽ rất có thể vì thế mà từ bỏ luôn sinh mạng của mình.

Bố mẹ không dám ngăn cản làm trái nguyện vọng của tôi, hai người chỉ lo tôi nghĩ không thông sẽ nhảy xuống sông, treo cổ, nằm trên đường ray xe lửa hay cắt cổ tay tự tử.

Vì vậy cả hai đều rất bao dung, cho tôi tự do bỏ nhà đi đến một nơi thật xa.

Tôi vô thức bước đến trước công viên nơi ngày xưa tôi và Ninh Hiên thường đến để hôn nhau.

Đứng trước cổng công viên, lòng tôi bỗng cuồn cuộn dâng trào cảm xúc xót xa, nhức nhối miên man.

Nơi này ghi dấu từng giọt ngọt ngào đầu tiên, chân thực nhất, hạnh phúc nhất của tôi và Ninh Hiên. Đây cũng là nơi bắt nguồn của tội lỗi khiến chúng tôi yêu nhau mà không được ở bên nhau.

Tôi không có can đảm để nán lại chỗ này lâu hơn. Tôi sợ nếu còn tiếp tục nhìn lại, lý trí của tôi sẽ sụp đổ, nước mắt sẽ tràn lan, cảm xúc sẽ vỡ vụn.

Tôi kéo va li theo, hai chân mềm nhũn làm bước đi đường như chông chênh không vững. Tôi lần theo vách tường bên đường để đi tiếp, từ từ, tôi bước đến trước cửa quán cà phê “Rung động”.

Nhìn đồng hồ thấy gần chín giờ, quán đang chuẩn bị mở cửa. Tôi cảm thấy cả người như sắp đổ sụp, không còn sức để bước thêm bước nào nữa. Thế là tôi đẩy cửa đi vào bên trong định nghỉ chân một lát.

Mặc dù không còn sức nhưng tôi vẫn cố lết lên tầng hai. Tôi cần sự yên tĩnh. Ngồi trong không gian tĩnh lặng để tưởng nhớ lại lần cuối cùng những chuyện xưa cũ trong quá khứ đằng đẵng, sau đó tôi sẽ ra đi.

Ngồi trên tầng hai, gọi một tách cà phê, tôi chầm chậm thưởng thức từng ngụm. Hương vị đắng chát của cà phê nghẹn ứ trong cổ họng mãi không tan.

Có tiếng bước chân cứ đi qua đi lại quanh tôi. Tôi cụt hứng đưa mắt nhìn lên, không hề ngờ lại có thể gặp người quen cũ ở chính nơi này, đúng lúc này.

Người quen cũ lâu năm không gặp của tôi, cô ta còn xinh đẹp mê hoặc lòng người hơn cả sáu năm về trước.

Nhìn thấy cô ta, tôi không sao kiềm chế được, cười nhạt, thẳng thừng nói: “Lần này cô hài lòng rồi chứ, Điền Uyển Nhi!”

Hai năm sau.

Nơi này là vùng núi Tây Bắc, cách xa thành phố, giao thông không thuận tiện, sản vật không phong phú, cuộc sống nghèo khó.

Tôi xin về đây tình nguyện dạy học đã hai năm. Hơn bảy trăm ngày sống xa cõi hồng trần huyên náo, ngày nào cũng ngẩng đầu nhìn theo non xanh nước biếc trông chờ một ngày trái tim có thể vứt bỏ mọi vướng bận để bình yên trở lại. Ngày nối tiếp ngày, dường như điều duy nhất tôi có thể quên được chỉ là làm sao có thể tươi cười. Còn con người đó, câu chuyện đó, quãng thời gian đó, tất cả vẫn trở về ngày càng rõ nét trong từng giấc mơ lúc nửa đêm của tôi. Ánh trăng lạnh lẽo nơi núi rừng như chất chứa nỗi tuyệt vọng, một phần khắc sâu vào xương tủy và tâm trí tôi, ngày một rõ rệt, không thể phai mờ.

Na Y Cổ Lệ, một cô bé học trò đáng yêu của tôi, thoáng ưu tư ngẩng lên hỏi tôi: “Thưa cô, bài ‘Ưu sầu’ cô vừa dạy có phải chính là tâm trạng của cô bây giờ không ạ?”

Tôi cười hỏi nó: “Em thấy cô đang ưu sầu sao?”

Nó suy nghĩ rất nghiêm túc, sau mới nói: “Vâng, cô lúc nào cũng ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Mỗi khi chúng em nhìn lên đều tưởng cô đang khóc đấy ạ.”

Toi xoa đầu nó, gượng cười đáp: “Cô không ưu sầu. Cô chỉ đang muốn quên một người nhưng không thể quên được cho nên càng ngày càng nhớ người đó thôi.”

Đúng thế, tôi biết rõ mình phải quên người đó nhưng lại vẫn cứ nhớ mãi không thôi. Tôi biết rõ mình phải chạy trốn khỏi quá khứ nhưng không hiểu sao càng ngày càng lấn sâu vào trong đó.

Trước kia, tôi vô lo vô nghĩ, vô tâm vô tính là thế, nói cười mạnh bạo, cởi mở là thế, tính tình thẳng thắn, ngang ngược là thế, nhưng bây giờ đến một đứa trẻ cũng cảm thấy tôi rất ưu sầu.

Bất giác tôi bật cười.

Đằng xa có một người đang hộc tốc chạy về phía chúng tôi.

“Cô giáo Tô, hình như là trưởng thôn.” Na Y Cổ Lệ chỉ về phía người đó nói với tôi.

Tôi bước ra gặp trưởng thôn.

Trưởng thôn hổn hển đến trước mặt tôi nói: “Cô giáo Tô, cuối cùng cũng tìm được cô! Mau đến trụ sở thôn với tôi! Có người đến tìm cô đấy!”

“Trưởng thôn, ai tìm tôi vậy?” Tôi nóng ruột hỏi.

“Ừm, anh ta nói là từ quê cô lên.”

Từ quê lên, có thể là ai được…

Đi vào phòng khách của thôn, tôi bắt gặp người mà tôi không muốn gặp nhất trên đời, Trác Hạo.

Nghe thấy tiếng bước chân, anh ta quay lại nhìn về phía tôi, kêu lên một tiếng: “Tô Nhã!”

Tôi cười lại bằng nụ cười nhạt nhẽo nhất có thể: “Lâu rồi không gặp.”

Anh ta nhìn tôi, ánh mắt hiện lên vẻ thương xót và khổ tâm: “Sao em lại gầy thế này? Ở đây… ở đây quá khổ! Tô Nhã, em quay về cùng anh đi!”

Tôi lắc đầu nói với anh ta: “Sống ở đây có khổ nhưng chỉ là khổ về mặt vật chất, em có thể chống chọi được. Khổ về mặt tinh thần mới là nỗi khổ mà em không thể chịu đựng được. Nỗi khổ này dù có đi đến đâu cũng không thể biến mất, quay về ngược lại sẽ càng dữ dội và dai dẳng hơn nhiều.”

Trác Hạo nhìn tôi, muốn nói gì đó nhưng lưỡng lự. Tôi giúp anh ta lên tiếng: “Định hỏi em sống có tốt không phải không?”

Anh ta gật đầu.

Tôi nói: “Anh thấy thế nào?”

Anh ta nhăn mày, hơi cúi đầu xuống.

Tôi cất tiếng gọi: “Trác Hạo.” Anh ta ngẩng đầu nhìn tôi. Tôi nói: “Sau này chúng ta đừng gặp nhau nữa.” Anh ta sững sờ, kinh ngạc, tôi nói thêm: “Từ nay về sau đừng đến tìm em, em không thể làm bạn của anh được nữa.”

Trác Hạo nhìn tôi, trong tích tắc sắc mặt anh ta biến đổi liên tục, từ ngạc nhiên đến ngạc nhiên xen lẫn nghi hoặc, rồi lĩnh ngộ, và cuối cùng là thở dài và buồn rầu.

Anh ta nhìn tôi hỏi: “Em đã biết hết rồi?”

Tôi gật đầu: “Vâng, biết hết cả rồi.”

Anh ta không nói gì nữa, chỉ biết khe khẽ gật đầu.

Tôi hỏi: “Trác Hạo, có thể nói cho em biết tại sao anh lại làm như vậy không?”

Trác Hạo cho tay lên vuốt mặt, như thể có vật gì đó chặn ngang họng không nói được, hít sâu rồi chậm rãi nói với tôi: “Nếu anh nói anh thật sự yêu em thì em có tin không?”

Tôi thoáng gượng cười, gật đầu: “Em tin.” Mặt có vẻ giãn ra, anh ta chuẩn bị thở phào một hơi, tôi lại tiếp lời: “Nhưng tình yêu này trước tiên bắt nguồn từ bản tính hiếu thắng của anh, sau đó lại trộn thêm cả mưu mô, toan tính và hãm hại. Vì thế dù tình yêu này có sâu nặng, có thắm thiết đến mấy thì em cũng chỉ biết sợ hãi và tránh né mà thôi. Có lẽ mãi mãi em không thể tiếp nhận nổi tình yêu này. Trác Hạo, giả sử những chuyện anh đã làm không bị phát giác thì chẳng lẽ anh có thể thực sự sống yên ổn không chút ân hận dằn vặt ư?”

Nét mặt Trác Hạo dần chuyển sang đau khổ. Anh ta nhìn tôi, giọng khàn khàn nói: “Tô Nhã, nhìn em khổ sở thế này, anh ân hận lắm. Anh thực sự rất ân hận. Hai năm nay anh đã dần hiểu ra một đạo lý, yêu một người không phải là chinh phục và chiếm hữu mà nên để người đó được vui vẻ và hạnh phúc. Bây giờ nhìn em không vui thế này, Tô Nhã, anh xin lỗi!”

Tôi gượng cười. Một câu xin lỗi, trong đó hàm chứa bao nhiêu đau khổ của người, đau khổ của mình và bao nhiêu chuyện đau buồn đã qua.

Anh ta nhìn thẳng vào mặt tôi hỏi một câu: “Em… có hận anh không?”

Tôi đáp: “Hai năm trước rất hận. Bây giờ thì không còn hận nữa. Nhưng bây giờ em không thể tiếp tục làm bạn của anh được nữa. Cho dù thế nào, hai năm trước khi nói chia tay với anh thì em mắc nợ anh. Đến bây giờ hai chúng ta coi như hết nợ nhé. Ân oán giữa anh và em coi như được xóa sổ từ đây, về sau không ai còn nợ nần ai nữa, nếu có gặp lại thì hãy coi nhau như người lạ qua đường. Còn nữa…” Dừng lại một lát, tôi mỉm cười nói tiếp: “Trác Hạo, cảm ơn vì anh đã từng yêu em, mặc dù em không thể đón nhận.”

Nói đến đây, bỗng dưng tôi lại nhớ tới một bộ phim có Triệu Vi đóng, “Cảm ơn anh đã từng yêu em”.

Thật cảm ơn bộ phim đó, có thể khiến những lời ly biệt của tôi trở nên vừa sến súa vừa đường hoàng thế này.

Trác Hạo nói: “Thà rằng em cứ hận anh, anh cũng cam chịu, ít ra như vậy em sẽ không quên anh. Dù sao đi nữa, Tô Nhã, cảm ơn em đã không còn oán giận anh! Mặc dù giờ đây anh vẫn rất yêu em nhưng anh biết, chúng ta vĩnh viễn không có cơ hội!”

Tôi đưa mắt sang hướng khác, không nhìn thẳng vào Trác Hạo nữa. Tôi không muốn nhìn vẻ mặt đầy đau khổ đó rồi lại mềm lòng tha thứ cho anh ta. Không hận là một chuyện, không tha thứ lại là một chuyện khác. Không hận tức là coi nhẹ anh ta, còn tha thứ tức là lại chấp nhận làm bạn với anh ta.

Trước khi quay về, Trác Hạo ngập ngừng nói với tôi: “Tô Nhã, thực ra anh còn một chuyện nữa không phải với em!”

Tôi ngắt lời anh ta bằng một câu thoại cực kỳ kinh điển và cực kỳ phổ biến trong các bộ phim truyền hình: “Thôi, chuyện đã qua thì cứ để nó qua đi.” Tôi nói với anh ta: “Bây giờ hễ nghĩ về những chuyện quá khứ, em đều cảm thấy rất mệt mỏi và đau đầu.”

Trác Hạo lặng im một lát rồi ngẩng đầu nhìn tôi nói: “Thế vậy, Tô Nhã, anh đi đây. Sau này anh sẽ không đến làm phiền em nữa. Em cũng… nhớ chú ý giữ gìn sức khỏe!”

Trác Hạo đi rồi.

Đầu óc tôi lại bắt đầu nghĩ lan man về hai năm trước.

Hai năm trước, trước khi rời bỏ thành phố A, tôi gặp Điền Uyển Nhi trong quán cà phê “Rung động”.

Tôi cười nhạt nói với cô ta: “Lần này cô hài lòng rồi chứ, Điền Uyển Nhi!”

Nhưng cô ta hết sức ngỡ ngàng nhìn tôi: “Chị là… Tô Nhã? Đúng là lâu quá không gặp rồi! Chị đang nói gì vậy? Cái gì mà tôi hài lòng với chưa hài lòng là sao?”

66. Cố nhân tìm đến

Đang nói bỗng một người con trai tóc vàng khôi ngô tuấn tú xuất hiện sau lưng Điền Uyển Nhi, âu yếm ôm eo cô ta. Người này nói tiếng Anh, lịch sự hỏi tôi là ai. Tôi có phần thảng thốt nhìn hai người họ.

Điền Uyển Nhi giới thiệu với người đó tôi là bạn cũ của cô ta, rồi bảo anh ta xuống dưới lầu ngồi đợi, cô ta muốn nói chuyện với tôi một lát. Người con trai đó hôn lên má cô ta, lịch sự chào hỏi tôi mấy câu rồi đi xuống dưới.

Từ đầu đến cuối tôi vẫn mù mờ chẳng hiểu ra làm sao cả.

Điền Uyển Nhi nở nụ cười rạng rỡ hạnh phúc nói với tôi: “Anh ấy là Paul, chồng tôi.”

Tôi ngẩn người nhìn cô ta, ngơ ngác hỏi: “Cô đã kết hôn rồi sao vẫn cố chấp như vậy, cô đưa chồng cô quay về để cùng thưởng thức trò vui này của cô phải không?”

Điền Uyển Nhi nhìn tôi, bỗng lên tiếng: “Tô Nhã, thực ra tôi rất ngưỡng mộ chị. Năm đó, sau khi chị bỏ đi, Ninh Hiên đã rất đau khổ, đau đến nỗi dường như hận chị đến tận xương tủy, nhưng tôi vẫn không có cách nào lợi dụng sơ hở đó để chen vào giữa hai người. Cho dù sau đó Ninh Hiên ra nước ngoài, tôi cũng tìm đủ mọi cách được cùng sang bên đấy, nhưng trước sau gì tôi vẫn không thể nào gần gũi được với cậu ấy. Vốn dĩ cậu ấy không cho phép bất cứ người con gái nào tiếp cận mình cả. Cậu ấy hận chị vì sợ bản thân có thể sẽ dần dần quên mất chị, đồng thời cậu ấy cũng tự lừa dối bản thân, giả sử sau này thực sự không được gặp lại chị nữa thì tiếp tục hận như vậy sẽ tốt hơn, như vậy còn đỡ đau buồn hơn. Tôi theo cậu ấy ra nước ngoài, tận mắt chứng kiến cảnh cậu ấy ngày nào cũng say khướt. Ha ha, nói thêm chuyện này cũng không ngại bị chị chê cười, hồi đó thậm chí tôi đã từng lợi dụng lúc cậu ấy say rượu để gần gũi. Nhưng ngay cả trong cơn say, cậu ấy vẫn biết rõ tôi không phải chị, bất kỳ cô gái nào khác đều không phải chị, tôi không có cơ hội, tất cả các cô gái khác đều không có cơ hội.” Điền Uyển Nhi nhìn tôi, nói rõ thêm: “Tô Nhã, ngoài chị ra thực sự trong lòng Ninh Hiên không có nổi người con gái nào khác. Thế nên cuối cùng, tôi đã rút lui.”

Tôi ngây người ngồi nghe cô ta nói, đầu óc quay cuồng như thể có người đang xô xát ở bên trong.

Nghe tất cả những gì Điền Uyển Nhi vừa nói, tôi bắt đầu ngờ chuyện những bức ảnh thực ra không phải do cô ta làm.

Điền Uyển Nhi nói lần này cô ta đưa chồng mới cưới về ra mắt họ hàng, tối hôm qua mới xuống máy bay, không ngờ hôm nay tình cờ gặp tôi ở đây.

Cô ta hỏi câu “Lần này cô hài lòng rồi chứ?” tôi vừa nói là có ý gì, tôi nhìn cô ta đáp: “Không có gì, có lẽ là hiểu nhầm.”

Điền Uyển Nhi đi rồi, một mình tôi lặng lẽ ngồi lại trầm ngâm suy nghĩ. Nhìn vào phòng VIP đối diện, bỗng nhiên trong đầu tôi vụt lên một ý nghĩ.

Tôi đứng lên, bước tới trước cửa phòng VIP, đi qua hành lang và dừng lại trước ô cửa sổ nhìn ra bên ngoài.

Tôi đứng tim, trong đầu lập tức lóe lên vài điều gì đó. Có vẻ tôi sắp nắm được chân tướng thực sự của mọi chuyện rồi, nhưng trong lúc bối rối gấp gáp này, chân tướng ấy lại càng trở nên mơ hồ hỗn độn.

Tôi run rẩy lấy điện thoại ra, chỉnh góc độ phù hợp rồi liên tục ấn phím chụp hình.

Khi quay lại chỗ ngồi, xem lại những bức ảnh vừa chụp, đầu óc mơ hồ hỗn độn của tôi cuối cùng cũng đã sáng tỏ.

Căn cứ theo những bức ảnh này, có thể khẳng định góc chụp của chúng hoàn toàn trùng khớp với góc chụp của những bức ảnh nặc danh chụp cảnh tôi giúp Ninh Hiên“phóng máy bay”.

Nhưng trên hành lang này, phòng VIP bên cạnh khung cửa sổ đó thường xuyên được dành cho Trác Hạo.

Tôi dần dần xâu chuỗi và tường tận hết mọi chuyện.

Cuối cùng tôi cũng nghĩ ra tại sao năm đó mình lại có cảm giác quen quen khi gặp thư ký Đường, người đã đưa tôi đến gặp bố Ninh Hiên, bởi vì tôi đã từng gặp ông ta ở quán karaoke Golden Melody. Người đàn ông trung niên đi bên cạnh Trác Hạo mà tôi và Ninh Hiên bắt gặp ngoài hành lang hôm sinh nhật Thôi Dương, chính là thư ký Đường.

Khi đó Ninh Hiên đẩy tôi nép sát vào một bên tường, dùng cách hôn tôi để tránh ánh mắt của Trác Hạo và thư ký Đường. Tôi còn nhớ rõ, khi đi qua chúng tôi ông ta còn bất giác thốt lên: “Thanh niên thời nay đáng sợ thật!”

Thấy Ninh Hiên phản ứng như vậy tôi đã nói với hắn: Cậu vừa mới thấy Trác Hạo mà phản ứng còn dữ dội hơn cả tôi đấy!

Ninh Hiên nói với tôi: Đương nhiên. Hắn là tình địch của tôi mà.

Nhưng bây giờ nghĩ lại, hóa ra khi đó người mà Ninh Hiên muốn tránh không phải là Trác Hạo, mà chính là thư ký Đường.

Thư ký Đường, thư ký Văn phòng Tỉnh ủy, một trợ thủ tâm phúc của bố Ninh Hiên.

Thời gian đó hình như Trác Hạo đang tích cực bôn tẩu, kết giao với các yếu nhân trong tỉnh ủy để nhắm miếng đất vàng ở thành phố B cho cơ sở mới của công ty anh ta.

Tôi lại nhớ ra, hôm tôi được thư ký Đường đưa đến tòa nhà bỏ trống đó thực ra không phải là lần đầu tiên tôi gặp bố Ninh Hiên.

Sớm hơn thế, tôi đã từng nhìn thấy Trình Viễn Thiên khi tôi đeo sợi dây chuyền giả theo Trác Hạo đến tham dự buổi tiệc tối hôm đó.

Nói đến đây mới nhớ ra, Điền Uyển Nhi làm sao có thể biết được bố của Ninh Hiên chính là Phó Chủ tịch tỉnh đương thời, Trình Viễn Thiên chứ. Nhưng Trác Hạo thì biết. Trước ngày tôi đến gặp Trình Viễn Thiên, vào bữa tối chia tay Trác Hạo rời khỏi anh không vui vẻ gì, nếu như tôi nhạy bén một chút, nhất định đã có thể phát hiện ra sự phẫn nộ khi đó của anh ta vốn đã vượt xa rất nhiều so với tình cảm thông thường của con người. Có lẽ khi từ trong nhà hàng nhìn ra thấy tôi và Ninh Hiên đứng hôn nhau, anh ta đã quyết định sẽ gửi những tấm ảnh đó đến tay bố Ninh Hiên.

Sau đó tôi rời khỏi thành phố A sáu năm, gặp lại Ninh Hiên ở thành phố B. Khi đó tôi đang có ý định làm lại từ đầu cùng Ninh Hiên thì nhận được điện thoại uy hiếp của bố hắn.

Trong điện thoại, Trình Viễn Thiên nói với tôi: Ông ta nhận được bưu kiện nặc danh gửi từ nước ngoài.

Tôi nhớ kỹ lại, thời gian đó Trác Hạo cũng đang đi công tác nước ngoài.

Có lẽ anh ta đọc được thông tin Ninh Hiên về nước, sợ chúng tôi sẽ trở về bên nhau nên lại nhẫn tâm giở trò cũ một lần nữa.

Nhưng dù vậy vẫn không thể cản được sứt hút giữa tôi và Ninh Hiên, cuối cùng tôi và Ninh Hiên đã bất chấp tất cả để sà vào lòng nhau, so với trước kia, yêu nhau còn hơn cả chết đi sống lại.

Sau đó là những ngày sau triển lãm. Trình Viễn Thiên một lần nữa gọi điện, cho tôi biết ông ta lại nhận được bưu kiện nặc danh gửi từ nước ngoài.

Mà khi đó cũng chính là thời gian Trác Hạo ra nước ngoài công tác nhân thể nghỉ ngơi cho khuây khỏa đầu óc.

Tôi nhớ trước đó khi nói chuyện chia tay, anh ta gần như thề rằng tôi và Ninh Hiên nhất định sẽ không thể ở bên nhau. Sau này nghĩ lại, tôi đoán từ lúc đó anh ta đã rắp tâm bất luận thế nào cũng phải khiến tôi và Ninh Hiên chia tay.

Trong buổi bế mạc triển lãm, tôi nhớ Trác Hạo đã đến nói với tôi: Anh hy vọng khi về nước em sẽ lại quay về bên anh.

Tôi cứ tưởng anh ta không đạt được thứ mình muốn nên trở nên mù quáng và gàn dở như vậy. Nhưng sự thật, anh ta không hề mù quáng mà đã sẵn có chủ đích của mình rồi.

Vì anh ta nhận thấy, chỉ cần gửi bưu kiện thêm một lần nữa là có thể cắt đứt hoàn toàn quan hệ giữa tôi và Ninh Hiên.

Xâu chuỗi lại tất cả. Năm đó người chụp những bức ảnh nóng của tôi và Ninh Hiên không phải Điền Uyển Nhi mà là Trác Hạo. Người gửi thư nặc danh và bưu kiện nặc danh từ đầu đến cuối vẫn chỉ là Trác Hạo.

Khi phát hiện ra tất cả sự thật, tôi đã rất, rất ghê tởm và căm hận những gì Trác Hạo đã làm, tôi hận không thể lột da, rút xương, nhai sống từng miếng thịt của anh ta cho hả.

Nhưng hai năm nay, mối hận trong lòng tôi đã dần dần phai nhạt, dần dần không còn tồn tại, và tôi cũng dần dần coi anh ta như một người xa lạ, chỉ vô tình đi lướt qua trên đường mà thôi.

Dẫu sao khi ở thành phố B, anh ta cũng thật lòng đối tốt với tôi. Anh ta vẫn thường nói, nhìn em buồn bã như vậy anh cảm giác tất cả đều do lỗi của mình.

Khi đó thực ra anh ta cũng đã hối hận rồi. Về sau, nếu không phải tôi cho anh ta hy vọng rồi lại rời bỏ anh ta, có lẽ anh ta đã không mù quáng giở lại thủ đoạn cũ hết lần này đến lần khác như thế.

Mọi việc trên đời đều có nguyên nhân của nó. Kết cục của tôi là kết quả của sự hồ đồ, và sự hồ đồ này cũng là hậu quả từ vô số những hồ đồ khác mà ra.

Chuyện đã qua từ lâu, nỗi nhớ nhung hằng ngày cũng đủ ăn mòn mục rỗng lòng người rồi, ai còn tâm trí đâu để đi căm hờn một người mình không hề yêu thương vì những chuyện hồ đồ năm xưa nữa.

Độ lượng với người, lòng tự thấy thoải mái.

Cuộc đời tôi đã có quá nhiều chuyện buồn, hà tất phải mang thêm căm thù, hậm hực làm gì để bản thân càng thêm đau khổ.

Vì thế tôi nói với Trác Hạo tôi không còn hận anh ta nữa.

Nhưng với Trác Hạo, việc tôi không thèm đếm xỉa đến anh ta là sự trừng phạt tàn nhẫn cao hơn căm hận nhiều.

Mấy hôm nay lại có khách đến tìm tôi, lại là một người từ quê lên. Trông thấy người đó tôi đã kinh ngạc vô cùng. Tưởng tượng thế nào tôi cũng chưa bao giờ dám nghĩ người đến đây tìm tôi, lại chính là bố của Ninh Hiên, Trình Viễn Thiên.

Trước bộ mặt kinh ngạc thảng thốt của tôi, Trình Viễn Thiên vẫn điềm tĩnh cười hiền hậu. Ông ta nói: “Tôi mới được ra tù. Khó khăn lắm mới hỏi được bố cô là cô đang ở đây!”

Ông ta nói với tôi, ông ta được sửa lại án sai, mọi tội danh đã được chứng minh là vu khống, những kẻ hãm hại ông ta đều đã phải nhận những hình phạt đích đáng. Ông ta còn nói mặt dù oan khiên đã được làm rõ trắng đen, có thể phục hồi nguyên chức, nhưng sau hai năm ngồi trong nhà giam, ông ta đã xem nhẹ những thứ danh lợi lúc lên lúc xuống này rồi.

Ông ta nói trong phần đời còn lại của mình, không còn thiết tha gì với chốn quan trường nữa, cam tâm tình nguyện trở về làm thường dân để hưởng chút an nhàn tuổi già.

Ông ta nói với tôi: “Thực ra lần này được sửa lại án sai phải cảm ơn bố cô rất nhiều. Năm đó không chỉ có một mình bố cô tham ô công quỹ mà dính líu đến rất nhiều người khác. Vì tôi đưa ra chủ trương điều tra triệt để chuyện này nên bị nhiều người căm ghét. Lý do chính khiến tôi trượt ngã cũng xuất phát từ đây. Bố cô đã chủ động gửi toàn bộ tài liệu liên quan đến chuyện tham ô công quỹ năm đó lên cấp trên và còn cung cấp thêm rất nhiều tài liệu khác nữa, bên cạnh đó cũng nhờ thư ký Đường giúp đỡ chạy vạy khắp nơi, tôi mới có thể được sửa lại án oan.”

Nghe ông ta nhắc đến bố, tôi không khỏi kinh ngạc, vội vàng hỏi: “Vậy bố tôi thế nào rồi? Ông có phải ngồi tù không?” Mấy hôm trước khi tôi gọi điện về nhà không hề nghe bố nhắc đến chuyện này.

Ông ta an ủi: “Có lẽ bố cô không muốn cô phải lo lắng nên mới không cho cô biết. Trước khi đến đây ông ấy có nói với tôi, cô đang sống rất khổ sở, chỉ nên nói với cô những tin tức tốt, còn tin xấu thì không được nói ra nửa lời.”

Nghe tới nỗi khổ tâm của bố mẹ, mắt tôi bắt đầu ươn ướt. Tôi lại hỏi ông ta: “Liệu bố tôi có phải đi tù không? Hay là ông đã vào đấy rồi?”

Trình Viễn Thiên mỉm cười, trả lời tôi: “Cô yên tâm, bố cô sẽ không phải đi tù đâu.”