Cà Phê Cùng Tony - Chương 08

Ngày 16/05/2013

Du hạc sinh và vấn đề chuối hóa

Du hạc xong, trong đầu bất cứ du hạc sinh nào
cũng xuất hiện câu hỏi ở hay về. Tất nhiên du hạc ở đây là 4-5 năm trở lên,
quen hết đường đi nước bước, ngôn ngữ, văn hóa... bản địa, chứ hẻm phải 12
tháng hay 24 tháng hay tại chức đi đi về về kiểu ông tổng biên tập, vừa chuẩn
bị quen biết từng hàng cây góc phố ở Luân Đôn, Pa Ri, Niu Ót, Sít Ni, Meo Bềnh,
Am Tẹc Đam... thì chương trình đã xong. Các chương trình này thật ra là một cách
xuất khẩu giáo dục của các nước, họ muốn lấy tiền và ta muốn mua bằng, nên cứ
đến hẹn lại lên, chương trình 12 tháng để xong một cái master thì họ cấp visa
đúng 12 tháng. Nên phải về. Hạc yếu cũng cho về. Cũng vì thế nên dù mình viết
sai tè le, mấy thầy vẫn châm chước cho qua. Kiểu Liên Xô và Đông Âu ngày xưa,
viết sai một chút chẳng sao, cho qua hết để các bạn lấy xong cái Phó Tiến Sĩ,
về nước lẹ để tham gia quánh Mỹ.

Nhóm này thường đã đại hạc ở Việt Nam rồi, mới đi
làm thạc sĩ ngoại, hay cử nhân liên thông hai năm ở Việt Nam hai năm ở bển.
Kiếm cái Tóp phô 80 hay cái Ai Eo 5.5 trở lên là đi. Thật ra ở bên kia chứ cũng
suốt ngày lên mạng đọc báo Việt Nam. Toàn quan tâm những gì diễn ra bên dải đất
hình chữ S. Thậm chí một nhóm đâu cả chục bạn cùng sang, cùng thuê một nhà,
cùng hạc một trường, một lớp. Vào giờ thảo luận tụm nhau ngồi một góc, bày đặt
nói tiếng Anh một lúc ông thầy vừa xách đít đi là chuyển qua nói tiếng Việt cho
phẻ. Ở nhà cũng thay nhau nấu bún bò Huế, mắm tôm mắm ruốc kho lên nghi ngút,
cũng mở tivi VTV3 qua máy vi tính coi cười ha hả. Nhóm này về nước thường thành
công vì văn hóa Việt Nam không quên mấy. Nên hòa nhập tốt. Vẫn lái xe máy chạy
ầm ầm, vẫn quan niệm đèn vàng là dấu hiệu tăng tốc trước khi đèn đỏ. Gặp áo
vàng vẫn biết lốp bi lốp biếc. Nên xin việc có job ngon lành, đi đâu gặp, ai
nấy đều nể với khả năng nói ngoại ngữ nhanh. Và cũng hay nói, hồi tôi ở bển... (Ông
Tổng biên tập là một ví dụ)

Còn nhóm 4, 5 năm trở lên, thường thì họ sang từ
lúc 18 tuổi, hạc cử nhân, có thể hạc thêm hạc hoài đến tiến sũy. Trải qua cuộc
sống sinh viên, đâu được 3-4 năm là bắt đầu hòa nhập với xã hội bên kia. Sau
chục năm thì gần như người bản xứ, chỉ có điều phát âm còn cứng, nghe kỹ vẫn
nhận ra, chỉ có nhóm qua trước 15 tuổi thì nói bẻ miệng được y chang như Mỹ
thiệt. Nên nếu muốn con cái làm việc ở Mỹ thì cho qua từ lớp 10 là OK. Nhưng đi
sớm cũng có bất lợi là nó hẻm có tình cảm nhiều với cha mẹ, anh em, không có
văn hóa Việt như mấy đứa qua sau. Dù sao việc hạc 3 năm cấp 3 ở Việt Nam cũng
hình thành tính cách Việt hơn. Nó vẫn khóc ngon lành khi nghe Cẩm Ly ca bài Ru
Lại Câu Hò. Còn thế hệ mà qua Mỹ từ nhỏ hay sinh ra ở Mỹ, người ta gọi là thế
hệ chuối, banana generation, bên trong màu trắng bên ngoài màu vàng, tức màu da
thì vàng nhưng suy nghĩ hành động gì đều y chang người da trắng. Nhóm này nghe
nhạc Mỹ, ăn hamburger hay fastfood, không thèm ăn ốc và hột vịt lộn, mỗi lần
kêu tụi nó ăn thì tụi nó chỉ nói give it a try. Và hơi ngây ngô kiểu Mỹ trắng,
không có sâu sắc, thâm thúy như người Tàu hay người Việt trong nước.

Có anh bạn, ra đi từ năm 18 tuổi, vừa hạc vừa làm
gần 20 năm, không về nước lần nào, kiếm ăn cũng khá và là tiến sĩ kinh tế. Kinh
nghiệm thương trường dạn dày. Gót giày gõ mòn hết ở mọi góc phố tài chính thế
giới. Anh tự hào về bản lĩnh kinh doanh và vốn sống của mình lắm. Cơn sốt nào
cũng trải qua. Bong bóng nào cũng dự đoán được. Bỗng dưng một ngày lòng thấy
buồn, muốn đem cục tiền về nước đầu tư làm ăn, vừa giúp quê hương và một phần
cũng vì bên Mỹ giờ cũng khó mần. Gặp anh ở quán phở Lê chỗ Harvard Square, Tony
cản, nói thôi anh, về nghỉ ngơi ăn hột vịt lộn ăn ốc cho vui đi chứ làm cái gì,
anh chuối hóa mất rồi, về làm ăn khó lắm. Ảnh trề môi, nói mày cứ coi thường
anh, cái đầu đầy sạn như thế này, anh không ừa ai thì thôi chứ đứa nào lừa được
anh. Nửa đêm anh vừa xuống sân bay, đã một thằng taxi nó chém đẹp. Nó chở từ
Tân Sơn Nhất về hotel ở Quận Bình Thạnh mà đâu 2-3 tiếng đồng hồ, anh nói sao
nó chở tao đi lòng vòng, chở tao đi qua Thủ Thiêm, rồi tới Thủ Đức, rồi tới Thủ
Thừa, Thủ Dầu Một... toàn Thủ là Thủ. Đầu tiên tao mải coi quê nhà đổi mới thấy
thích thú, một hồi tao thấy sợ. Nhớ đâu có xa vậy, cái tao bắt đầu thủ... võ.
Lỡ tâm sự với nó là 20 năm anh chưa về quê và đang đem tiền về nước đầu tư.
Tony nói cũng may cho anh, chứ nó đưa anh ra bãi đất hoang rồi... thủ tiêu,
không thì kéo đồng bọn gái đẹp dàn cảnh mát xa... thủ zâm là toi đời trai anh
rầu. Cuối cùng anh cũng về được khách sạn ở Bình Thạnh với hai triệu tiền cước.
Anh nói, đúng là về Việt Nam, mới thật sự là hạc. Anh vốn thích hạc.

Rồi anh tham gia vào thị trường chứng khoán,
quánh lên quánh xuống cắt lỗ chốt lời khí thế, đòn bẩy đòn biếc gì anh cũng áp
dụng, các định luật quy tắc gì anh cũng lôi ra. Cuối cùng, anh thất bại cay
đắng, nói sao chứng khoán ở xứ mình lạ quá, chưa có trong lịch sử chứng khoán
thế giới nên anh phán đoán hẻm được, nhưng vui mừng vì có thêm bài hạc. Rồi anh
đầu tư mua bất động sản, phân tích đạo hàm ghê lắm, giá cứ đáy là anh mua, vì
đáy rồi sẽ lên theo đồ thị hình sin, ai ngờ ở thị trường của ta có thêm khái
niệm “thủng đáy”. Hay “phá vỡ đáy cũ, tạo lập đáy mới”, rồi nó bất động như
chính tên gọi của nó, anh được thêm bài hạc. Số tiền cuối cùng còn lại, anh hùn
hạp làm ăn với ông anh họ, chén chú chén anh thề thề thốt thốt, rồi tan vỡ, cãi
lộn như giặc, không nhìn mặt nhau... anh lại có thêm bài hạc. Sau hai năm, anh
thất thểu trở về nước Mỹ mến thương, với 0 đồng và một sấp các bài hạc. Cái mặt
méo xẹo, dài như cái bơm và cái quần đùi lò xo tới háng.

May mà còn có cái che thân. Ai biểu 20 năm trời
hẻm về nước chi cha nội!

Ngày 18/05/2013

Bài hát Thói Đời

Bài hát Thói Đời hóa ra lại là một bài hát không
xưa và sến chút nào. “Giàu thì nhiều người theo, quanh hiu trống vắng khi nghèo”...
Vì nó đúng cho mọi thời đại và luôn mang tính thời sự cao.

Hôm bầu Kiên bị bắt, trên báo chí rần rần phong
trào tuyên bố không liên quan gì đến bầu Kiên. Bắt đầu từ ngân hàng ACB, rồi
đến Sacombank, rồi Eximbank, rồi VFD... đến cả báo Thanh Niên cũng tham gia “chúng
tôi không quen bầu Kiên, bầu Kiên không có chức vụ gì ở đây, không ảnh hưởng gì
đến chúng tôi”.

Thiệt là éo le tình đời. Hôm trước anh Hà Dũng
phá sản, bao nhiêu cô chân dài chạy mất dép, trong khi được anh cho ăn cho hát
quá trời. Hôm chị Diệu Hiền trốn đi nước ngoài, bao nhiêu người được phen hỷ
hả, phủi tay sạch trơn dù trước đó từng ngon ngọt “chụy của em, em của chụy đây
mà”. Giờ biến thành “cho chừa bả đi, ai biểu giàu quá”. Hả hê. Sung sướng.

Buồn tình Tony ghé hàng rau chợ bà Chiểu hỏi mua
cái gì về nấu canh tôm ăn cho mát, chị bán rau nghiêm mặt lại nói “Mua gì thì
mua, chớ có mua bầu. Tiểu thương chúng tôi ở đây không ai dính dáng gì đến bầu
Kiên đâu nhé”. Chỉ vào rổ bầu non mơn mởn, chị nói đây là bí Thái, giống mới đấy
em ạ

Bèn òa khóc giữa chợ!

Ngày 19/05/2013

Ngày xưa Tần Thị

Cách đây cũng đúng 10 năm, cũng xôn xao vụ ngân
hàng ACB và bà con thi nhau rút tiền rầm rầm. Lúc đó mình nhớ bạn Tần Sáu Hùng (bạn
hạc cùng lớp, gái chứ hẻm phải trai, xinh đẹp lắm, hẻm biết sao ba mẹ đặt tên
nghe giống tiệm sửa xe quá hổng biết) hay tin, bon chen lao xe ngay đến đường
Nguyễn Thị Minh Khai để rút tài sản đâu được một triệu gửi ở đấy. Sau khi lao
vun vút trên phố, hớt ha hớt hải vừa đến nơi thì thấy cánh cửa sắt đã khép lại,
vắng hoe không một bóng người. Tần Sáu Hùng (tức Tần thị) rút điện thoại ra gọi
điện cho mình khóc rưng rức: “Vậy là nó phá sản thiệt rồi ông ơi, nó đóng cửa
luôn rồi nè, tui đứng ở đây mà không thấy nó mở cửa”. Sau đó thì một bác bảo vệ
thò đầu ra nói: “Cháu ơi hôm nay đóng cửa để nhân viên đi du lịch, có gì tuần
sau ghé, đây là công ty dược phẩm Sanofi đó nha”. Chắc sáng giờ cũng cả chục
con tới đứng khóc trước cửa như vậy rồi.

Tần thị vui mừng khôn xiết, vội chạy xe lên lề
đến ACB bên cạnh đó rút tiền một triệu ra. Sau đó qua rủ mình đi ăn hột vịt lộn
và bánh xèo miền trung ở Sư Vạn Hạnh hai ngàn đồng/cái. Tần thị bảo mình ăn
uống thoải mái, muốn ăn bao nhiêu thì ăn, thị đãi, hôm nay được phép vung tay
quá trán và ném tiền qua cửa sổ...

Mình ăn đâu được 20 ngàn thì lòi họng.

Ngày 20/05/2013

Chuyện làng quê hóa đô thị

Phần 1: Em quê đâu?

Cái bệnh nhất và nhì đã ăn sâu vào đã ăn sâu vào
xã hội Việt Nam đến mức được đem ra là một chuẩn mực để tự hào. Từ tâm lý tiểu
nông là phải học giỏi nhất xóm, đẹp gái nhất làng, nhà to nhất xã... nên sau đó
lên thị thành, anh học giỏi nhất xóm trở thành quan chức, cô đẹp gái nhất làng
nếu có i ốt thì thành hoa hậu và lấy đại gia, thiếu i ốt một chút thì thành phu
nhân của anh học giỏi nhất xóm, còn cô hoàn toàn thiếu muối thì làm gái, nhưng
cũng phải nhất một cái gì đó. Tất cả không che giấu được dưới gót chân kia là
những vết dấu phèn và tư tưởng tiểu nông “gà phải tức nhau tiếng gáy “. Nên thi
sĩ Nguyễn Bính mới có bài Chân Quê, hay thế, đáng yêu thế vậy mà ai cũng chối
đẩy đẩy, cứ phải nói là em dân Hà Nội, Sài Gòn, càng trung tâm càng tốt, càng
trung tâm người ta càng nể. Sợ nói ở quê xa xôi người ta coi thường.

Sài Gòn là dân tứ xứ hội tụ về. Nên người ta hay
hỏi, em quê đâu? Nhiều bạn trả lời theo kiểu cứ nói được giọng bắc thì quê em
Hà Nội, ối giời ơi trung tâm cực, nhà em chỉ cách Tháp rùa 200m (chắc nhà bạn
ấy nằm ngay quán kem Thủy Tạ hay bưu điện Hà Nội và tuổi thơ chỉ chơi với mỗi...
con rùa nếu nhà trong bán kính này) chứ hẻm dám nói ở Cổ Nhuế hay Hà Tây. Có
bạn còn ở Sơn La Mộc Châu nhưng cũng nói nhà em có ông bác ở Hà Nội, tuần nào
chả xuống uống cà phê Nhân hay ăn bún chả Hàng Mành. Cố vớt vác cho nó có hơi
hướm thủ đô. Còn nếu mặc dù là dân Tuy Hòa nhưng vô mấy năm, sửa được giọng
nam, tức giọng Sài Gòn và mua được cái nhà Sài Gòn thì nói “trầu quâu quơ (trời
ơi quê) em hửng, quơ em lè Sài Gòn chứ đâu, em sinh re ở trước cổng chợ Bến
Thành, em thờ (thề) em nói thiệt, có ông Yersin và ông Pasteur làm chứng nè”.
Còn có người Huế vào Sài Gòn làm việc, mặc dù ở tuốt trên huyện miền núi A Lưới
chứ ai hỏi cũng nói, “Dạ thưa nhà em ngay Ngọ Môn Đại Nội, trung tâm ghê lắm
nghe, răng mà anh không biết hè?”. Nếu bạn nghe vậy thì vui lòng đừng hỏi tiếp
chuyện mắm ruốc bún bò bánh bèo bánh khoái nữa nghen, người ta ngắc ngứ tội
nghiệp.

Bắt chước nên ai hỏi quê đâu, Tony liền nói ở “moa
sinh ra vào một đêm tuyết rơi ở nhà thờ Đức Bà trung tâm Paris St German” sau
đó lập tức chuyển qua nói giọng mũi cho nó tres Francaise

Nói dzẩy ai hổng nở (nể) mới lẹ (lạ).

Ngày 21/05/2013

Chuyện cô Cao và ông hiệu trưởng

I. Một La Mã: Cô Cao là ai?

Khóa đại hạc của Tony tốt nghiệp xong, trong khi
mọi người đang chạy đôn chạy đáo tìm việc thì cô Cao Thị Oan Lạc, một cô gái
đẹp xuất sắc nhất Bình Phước, vẫn thong thả rong chơi, chẳng màng thế sự. Cả
lớp nhốn nháo bữa thì đi thi 5-6 vòng tuyển dụng bên Unilver, bữa thì phỏng vấn
qua P&G, bữa thì trắc nghiệm bên Nestle, bữa thì gặp nhau ở phỏng vấn
Itochu, rồi Sumitomo, rồi Mitsui... 6 tháng sau khi tốt nghiệp, các bạn ai ai
cũng yên bề gia thất, ai cũng có việc. Chỗ làm chủ yếu là trong mấy tòa nhà cao
tầng ở quận 1, nên trưa nào cũng í ới rủ nhau đi ăn trưa. Chỉ có cô Cao là vẫn
chẳng màng thế sự. Hỏi làm ở đâu, cô chỉ lắc đầu cười.

Hóa ra cô mở công ty. Mà cũng hẻm phải công ty,
cô mở cả một tập đoàn Oan Lạc Group. Có 5 công ty con. Công ty du lịch Oan Lạc.
Công ty giao nhận kho vận ngoại thương Oan Lạc. Công ty quảng cáo và sự kiện
Oan Lạc. Công ty phát hành sách báo Oan Lạc và công ty phần mềm tin hạc Oan
Lạc. Cô tốt nghiệp cả kỹ sư tin hạc bên trường tự nhiên nữa.

Một bữa Tony ghé lên thăm cô. Cô thuê luôn một cái
villa to để đặt trụ sở 5 công ty con ở đó. Thấy trên bàn làm việc của cô là 5
hộp card khác nhau, với 5 cái điện thoại và sim số khác nhau. Bên Du lịch thì
thấy cô lấy tên là Tuyết. Bên Quảng cáo thì cô lấy tên là Hồng. 5 tên khác nhau
và 5 số ĐT khác nhau, 5 danh thiếp khác nhau, đều chức danh là nhân viên bán
hàng. Cô nói, vì tập đoàn mới mở nên cô đi sales luôn. Nhưng hổng lẽ nói giám
đốc đi bán hàng thì kỳ cục quá nên cô mới dùng tên giả. Cô đẹp gái, tốt nghiệp
vừa ngoại thương vừa khoa học tự nhiên, tư duy logic, ăn nói lanh lợi, vui vẻ
hoạt bát nên hợp đồng tới tấp. Nói chung cô làm việc khá cật lực, đi sales cả
ngày, tối về còn làm hạch toán tiền bạc, giấy tờ... đến khuya. Đâu 6 tháng sau
thì cô mời Tony qua ăn tân gia, một biệt thự trên đường Hoa Lan bên Phan Xích
Long, giá lúc đó là 5 tỷ, thời điểm năm 2001.

II. Hai La Mã: Chuyện gì xảy ra với cô Cao?

Bữa nọ, cô Cao hớt hải chạy qua bên văn phòng
Itochu ở số 6 Nguyễn Bỉnh Khiêm, kêu Tony ra ngoài, nói chuyện. Cô kể là ở ông
giúp tui cái này, ông ăn nói khéo léo, đòi giùm tui 30 triệu tiền nợ khó đòi
này coi. Số là cô tổ chức một chuyến du lịch Nha Trang cho cả một trường tiểu
hạc trên Củ Chi, giá trọn gói là 100 triệu. Nhà trường ứng trước 70%, xong đi
về trả nốt 30% còn lại. Cái đi về, nó nói chất lượng tour không giống như giới
thiệu, nên không trả nữa. Cô làm mọi cách năn nỉ, dọa nạt... thế nào nó cũng
không trả. Nên cô bảo, ông đóng vai chủ tịch hội đồng quản trị, gọi giùm thầy
Tuấn, thầy hiệu trưởng nói giùm tui, may ra với chức danh chủ tịch hội đồng
quản trị, ổng sẽ nể nang mà trả giùm.

Cái Tony ra quán cà phê, gọi. Mới 22 tuổi biết ăn
nói kiểu chủ tịch là sao đâu nên mới thỏ thẻ: “Dạ thưa anh Tuấn, em là Tony,
chủ tịch hội đồng quản trị công ty du lịch Oan Lạc, em có thể nói chuyện chút
với anh được không”. Đầu dây bên kia một giọng giận dữ vang lên “Chủ tịch cái
quần què. Đ. má tụi mày lên đây tao đập thấy mẹ”. Tony hết hồn nói ủa sao anh
là hiệu trưởng mà ăn nói kỳ cục vậy, cái ổng trả lời: “Hiệu trưởng kệ mẹ tao,
đ.má tui bây là một đám lừa gạt. Lúc bán tour thì nói ngon lành lắm, nào là mỗi
buổi sáng, 5 giờ thức dậy, đi dọc bãi cát, ngắm bình minh trên biển, nhặt vỏ ốc
vỏ sò gọi hồn hút gió gì đó, có đâu. 8 giờ sáng thằng hướng dẫn còn ngủ vì say
rượu. Bữa ăn thì quảng cáo ngon tuyệt với 8 món đặc sản địa phương, mẹ, hết 7
món rau còn một món là là cá nục kho. Rồi tham quan chỗ nào cũng hối nhanh
nhanh để đi shopping lấy hoa hồng. Mẹ. Tụi tao giáo viên tiền đâu mua tranh thêu,
yến sào, bào ngư vây cá mà một ngày chở vô đó cả chục lần? Khách sạn thì nói 3
sao ra tới nơi thì có sao nào đâu, 5 người nhét chung một phòng. Toilet thì có
một cái, cứ canh nhau đi toilet, thằng này ra thằng kia vô, hết mẹ một ngày.
Tụi tao ra Nha Trang để tham quan du lịch chứ không phải xếp hàng đi ị”. Tony
nói dạ thưa anh, đó là lỗi của bên công ty em, em là chủ tịch hội đồng quản trị
nên anh cứ nói, em sẽ giải quyết. Ổng nói: “Lỗi phải gì, giờ tao không trả là
không trả. Tụi mày lên đây, vừa tới Củ Chi nha, 10 chục thằng cái đồ chủ tịch
như mày tao cũng quánh chết”. Nói xong ông cúp cái rụp.

Mặt tái ngắt vì sợ, Tony nói thôi Cao à, ông này
dữ quá, tui đòi không được đâu, thui bà tự xử đi nha. Cái cô Cao nói thôi cám
ơn ông, để tui về suy nghĩ cách đòi ông Tuấn này mới được.

Ngày 24/05/2013

Khủng hoảng và em

Và khủng hoảng đã gõ cửa từng nhà, từng công ty,
từng xí nghiệp. Chuẩn bị đi tham dự hội chợ quốc tế về hóa chất lớn nhất thế
giới, cứ tháng 11 hàng năm là dân trong ngành nô nức kéo nhau đi, mới hay đơn
vị tổ chức hội chợ này đã phá sản rồi. Choáng váng... Mấy anh bạn bên UK bảo là
công ty của tụi tao nợ lương mấy tháng rồi, mà công ty to lớn đàng hoàng đấy
nhé... Cô bạn làm ở trụ sở chính một tập đoàn lớn của Hàn Quốc i-meo về than
thở là vừa bị cắt giảm 30% lương, mà cô này là nhân tài - người không thể thiếu
của tập đoàn này - chứ theo lời cô nói, dân ngáo ngơ đã bị sa thải ngay để cắt
giảm chi phí. Thằng cu em làm sếp to vật ở Morgan Stanley Hồng Kong nói công ty
khuyến khích với chính sách lay-off tự nguyện, cu mới nhắn tin chắc em về nước
bán phở.

Đi gặp khách hàng. Đâu đâu cũng than lỗ. Nước mắt
giọt ngắn giọt dài lăn trên khuôn mặt cháy sạm và móm sọm của các doanh nhân
một thời được tiếng là thành đạt, là Việt Nam idol cho bao người. Giá trị đất
đai, cổ phiếu chỉ còn 1/2, 1/3, một số người đang rất giàu bỗng chốc nghèo đi
nhanh chóng. Tony cũng không nằm ngoài. Sáng không còn dám ăn tô phở 24 nữa mà
chuyển qua hủ tiếu bà Tư trong xóm. Buôn bán ế ẩm bèn lên sân golf đi dạo một vòng,
tìm ai quen để mượn tiền. Các bạn của mình sao lâu không thấy đến tập luyện
nữa, sân golf vắng hoe, cảnh cũ vẫn còn đây mà người xưa đang ở nơi nào? Nhiều
túi golf để trong phòng gửi đồ phủ đầy váng nhện, chúng đã sinh con đẻ cái đến
thế hệ thứ n. Gọi điện các bạn lòm en (làm ăn), các nữ hoàng từ thiện tranh
chấp tay đôi một thời trên tivi không thấy an sờ, nhắn tin vẫn biền biệt không
một rì phờ lai nào cả. Vì hoàn cảnh, nhiều nữ doanh nhân phải từ bỏ thú spa cao
cấp chuyển qua tự gọt dưa leo cà chua cà pháo để đắp mặt nạ hay ngồi u sầu nặn
mụn trong nhà tắm. Nhiều nam doanh nhân phải từ bỏ thú vui lang thang quánh
golf xuống một phát luôn với các trò dân gian hẻm tốn tiền như tạt lon đánh đáo
bắn bi... tranh chấp quyết liệt với bọn nhỏ trong xóm, tụi nó la rân trời sao
mấy chú giành chỗ chơi của tụi con?

Ra Hà Nội đợt này chẳng buồn đi đâu. Thằng em đưa
đi chùa vãn cảnh, ghé Đường Lâm thăm ấp hai vua, ghé chùa Mía, đền Và. Cảnh
nông thôn Bắc Bộ trong tiết chuyển mùa đẹp. Gió se lạnh và những cánh đồng ngô
biêng biếc. Những bụi dúi cổ nơi tương truyền một thời là nơi cột voi của Phùng
Hưng đứng thẳng tắp, uy nghi, to lớn và ngạo nghễ trong gió chớm đông lành
lạnh. Những người làm đồng vẫn cần mẫn làm đất để chuẩn bị trồng rau vụ mới. Bà
lão bán bánh tẻ trong chùa Và có hàm răng đen bóng, cười rạng rỡ như trong
truyện cổ tích ngày xưa.

Ngoài kia cơn bão tài chính đang gầm rú tàn phá
thế giới...