Frankenstein

Tác giả: 
Dịch giả: 

LỜI GIỚI THIỆU CỦA TÁC GIẢ

Những người ấn hành tủ
Standard Novels[1], khi chọn in cuốn Frankenstein trong một tập sách của mình,
có tỏ ý mong tôi viết đôi lời giải thích về nguồn gốc câu chuyện. Bản thân tôi
cũng rất vui lòng làm điều đó để có cơ hội đưa ra câu trả lời chung cho câu hỏi
vẫn thường được: Làm sao mà tôi, khi còn là một cô gái trẻ như thế, có thể nghĩ
tới và tô vẽ tỉ mỉ cho một ý tưởng gớm guốc đến vậy? Quả đúng là tôi luôn phản
đối chuyện đem bản thân ra làm đề tài cho xuất bản, nhưng vì lời giải thích này
sẽ chỉ là phụ lục thêm vào một cuốn sách đã in trước đó, và vì nó sẽ chỉ hạn
chế trong những gì liên quan đến tư cách tác giả của tôi, tôi không thể tự buộc
tội đang bắt độc giả chịu đựng mình được.

[1] Standard Novels
(Tiểu thuyết bản chuẩn): tủ sách do Henry Colburn và Richard Bentley thực hiện
từ năm 1831 đến 1836, nhằm cung cấp một văn bản chuẩn hóa và thống nhất, cũng
như một ấn bản không đắt tiền cho những tác phẩm văn xuôi cần cho công chúng.
Mary Shelley đã sử dụng cơ hội này để sửa lại khá nhiều điểm của Frankenstein.

Là con gái của hai nhân
vật nổi tiếng trên văn đàn, thiết tưởng không có gì lạ khi tôi đã có ý tưởng
viết văn từ rất sớm. Ngày bé tôi đã nguệch ngoạc chữ nghĩa; và thú vui lớn nhất
của tôi, trong những lúc được phép chơi đùa, là “viết truyện”. Thế nhưng tôi
còn một thú vui lớn hơn thế nữa, đó là xây những lâu đài trên không – chìm đắm
vào những giấc mơ ngày – buông theo những luồng suy nghĩ để tạo ra hàng chuỗi
sự kiện tưởng tượng. Những giấc mơ đó vừa lạ lùng vừa thuyết phục hơn những gì
tôi viết. Chuyện viết lách của tôi chỉ như sao lại trung thành người khác – làm
sao để viết như người khác đã viết, chứ không viết ra những gì chính mình trí
não đề xuất. Những thứ tôi viết có nhằm dành cho ít nhất một người khác đọc –
người bạn chơi, bạn tâm tình hồi nhỏ của tôi; nhưng những giấc mơ là của riêng
tôi; tôi không thuật lại chúng cho ai hết; đó là nơi tôi ẩn náu mỗi khi chán
nản, là thú vui quý giá nhất những lúc tôi rỗi rãi.

Hồi còn nhỏ tôi sống
chủ yếu ở vùng quê, và đã sống một thời gian khá dài ở Scotland. Đôi khi tôi có
thăm thú những nơi phong cảnh đẹp hơn, nhưng nơi trú ngụ thường xuyên của tôi
là bờ Bắc sông Tay gần Dundee, một nơi đồng không mông quạnh. “Đồng không mông
quạnh” là đối với bây giờ hồi tưởng lại, nhưng lúc ấy tôi không thấy vậy. Ấy là
tổ đại bàng của đôi cánh tự do, là vùng đất sung sướng không người kiểm soát,
nơi tôi gần gũi được với những sinh vật do tôi tưởng tượng. Thời kỳ ấy tôi đã
viết – tuy bằng một phong cách rất ư thô thiển. Dưới những cây cao quanh vùng
đất của nhà tôi hoặc bên rìa dãy núi non trơ trụi gần đó là nơi những sáng tác
thực sự của tôi, những chuyến bay trên đôi cánh của trí tưởng tượng, được ra đời
và ấp ủ. Tôi không dùng mình làm nhân vật chính của những câu chuyện đó. Cuộc
đời đối với tôi là một sự kiện quá nhàm tẻ nếu chỉ khuôn trong chính mình. Tôi
không hình dung được số phận mình sẽ có bao giờ gặp những nỗi phiền muộn lãng
mạn hoặc những sự kiện diệu kỳ; nhưng tôi cũng không chỉ bó hẹp trong giống
loài mình, và thời gian trôi qua với đầy ắp sinh vật mà ở tuổi ấy tôi thấy kỳ
thú hơn nhiều so với những gì giác quan đưa lại.

Sau thời kỳ đó cuộc
sống của tôi bận bịu hơn, thực tế đã thế chỗ tưởng tượng. Tuy nhiên, ngay từ
đầu, chồng tôi đã rất quan tâm đến chuyện tôi cần tỏ ra xứng đáng với gia đình
và ghi danh mình vào hàng ngũ những người nổi tiếng. Anh luôn thúc đẩy tôi tìm
kiếm danh vị văn chương, mà bản thân tôi lúc đó cũng trọng thị điều này, dù từ
đó đến nay tôi đã trở nên vô cùng ơ thờ với nó. Lúc này anh muốn tôi viết không
phải vì cho rằng tôi có thể chế ra được cái gì đáng giá, mà cốt để anh đánh giá
xem tôi có thể hứa hẹn đến đâu những thành tựu tương lai. Nhưng tôi vẫn chưa
làm gì cả. Những chuyến đi liên miên, và việc chăm sóc một gia đình đã choán
hết thời gian của tôi; và học tập, cụ thể là đọc sách và phát triển ý tưởng của
mình nhờ trao đổi với trí tuệ được bồi đắp hơn tôi rất nhiều của anh, là tất cả
công cuộc theo đòi văn học được tôi quan tâm lúc ấy.

Mùa hè năm 1816, chúng
tôi thăm Thụy Sĩ, trở thành láng giềng của Huân tước Byron[2]. Ban đầu chúng
tôi cùng hưởng những giờ phút tuyệt diệu trên mặt hồ, hoặc lang thang quanh bờ
hồ, và Byron, lúc này đang viết đoạn ba của Childe Harold, là người duy nhất
trong số chúng tôi đã ghi lại cảm xúc của mình trên mặt giấy. Những cảm xúc
này, mà ông đem cho chúng tôi xem liên tục, được tắm trong ánh sáng và nhịp
điệu của thi ca, đã nâng cảnh sắc huy hoàng của trời và đất mà chúng tôi chia
sẻ ấn tượng cùng ông lên tầm thần thánh.

[2] Huân tước George
Gordon Byron (1788 - 1824): một trong những thủ lĩnh của thơ Lãng mạn Anh; nổi
tiếng nhất với hai bài thơ tự sự dài Childe Harold's Pilgrimage (Hành trình du
lãng của Childe Harold) (sáng tác từ 1809 - 1818) và Don Juan (chưa hoàn thành
khi mất). Bản thân cổ động cho luyến ái tự do với nhiều cuộc tình khá phóng
túng và tai tiếng, Byron rời Anh vĩnh viễn sau cuộc hôn nhân đổ vỡ vào năm 1816
và chu du châu Âu, trong giai đoạn đó gặp gỡ và làm bạn với gia đình Shelley,
cũng là tín đồ của tự do luyến ái, bên hồ Geneva. Giai đoạn sau ông tham gia
cuộc đấu tranh giành độc lập của Ý rồi Hy Lạp, thỏa mãn những lý tưởng xã hội
của mình, và được người Hy Lạp tôn vinh như một anh hùng sau khi mất.

Thế nhưng đó hóa ra lại
là một mùa hè ướt át, trái tính trái nết, và chúng tôi thường bị giam chân
trong nhà vì những trận mưa liên miên. Một bộ truyện ma Đức dịch sang tiếng
Pháp[3] vô tình rơi vào tay chúng tôi. Có một truyện thuật sự tích một
người tình không chung thủy, khi định ôm siết cô vợ mới vừa thề nguyền trước
Chúa lại thấy mình ở trong vòng tay hồn ma cô gái anh từng ruồng rẫy. Lại còn
chuyện về người cha tội lỗi của cả một dòng tộc, chịu số phận khủng khiếp là
phải ban chiếc hôn tử thần trên trán mọi đứa con trai trừ con trưởng của dòng
họ giữa lúc chúng lớn lên đang độ đầy hứa hẹn. Bóng ma khổng lồ của ông ta,
trang phục giống như hồn ma trong Hamlet, giáp trụ toàn thân, riêng mũ sắt lật
lên, xuất hiện đúng nửa đêm dưới ánh trăng lúc mờ lúc tỏ, chầm chậm đi trên con
đường tăm tối. Cái bóng biến mất sau những bức tường lâu đài mờ tối; nhưng bỗng
cánh cổng bật tung ra, có tiếng bước chân, cửa phòng ngủ mở, và ông ta tiến đến
giường nằm của những đứa trẻ đang độ lớn khôn, đang được vỗ về trong giấc ngủ.
Nỗi đau đớn vĩnh hằng hiện rõ trên khuôn mặt khi ông cúi xuống hôn vào trán
những cậu bé, từ phút đó trở đi tàn úa như cánh hoa lìa cành. Suốt từ bấy đến
nay tôi chưa đọc lại những truyện này, nhưng nó vẫn hiện rõ mồn một trong tâm
trí tôi như vừa mới đọc

[3] Fantasmagoriana, ou
Recueil d’Histoires d’Apparitions de Spectres, Revenants, Fantômes, etc.
(Fantasmagoriana, hay Tập truyện về những vong hồn, ma mị, yêu quỷ) là một tập
truyện ma xuất bản bằng tiếng Pháp năm 1812, tuyển dịch từ một bộ tổng tập
truyện ma Đức gồm năm cuốn. Tập truyện này lại được tuyển dịch lần nữa sang
tiếng Anh, Tales of the Dead (Chuyện kể về kẻ chết) năm 1813, chỉ có năm
truyện, nhưng không có vẻ là Mary Shelley đã tiếp cận với ấn bản này. Hai
truyện được nhắc đến ở đây là “Nàng hôn thê ma” và “Những bức chân dung dòng
họ”. Đối với giới văn học Anh, bộ sách này được biết đến chủ yếu với tư cách là
cảm hứng cho Frankenstein, và năm 2005, bộ Fantasmagoriana lần đầu tiên được
dịch ra tiếng Anh trọn vẹn.

“Mỗi người chúng ta sẽ
viết một truyện ma,” Huân tước Byron bảo; đề nghị này được mọi người hưởng ứng.
Chúng tôi có cả thảy bốn người. Nhà thơ quý tộc bắt đầu một truyện mà một phần
của nó in ở cuối bài thơ Mazeppa. Shelley, vốn quen thể hiện ý tưởng và tình
cảm trong tưởng tượng chói lòa và âm điệu du dương của thi ca chứ không phải
thiết kế một cơ cấu phức tạp cho truyện kể, khởi đầu một câu chuyện dựa trên
chuyện đã trải qua hồi bé. Polidori[4] tội nghiệp nghĩ ra một ý tưởng kinh
khủng về một phu nhân có cái đầu chỉ là hộp sọ do bị trừng phạt vì nhòm qua lỗ
khóa, để xem trộm cái gì tôi không nhớ – một điều khá gây sốc và sai trái, dĩ
nhiên; nhưng đến lúc bà ta rơi vào tình trạng khốn khổ hơn cả anh chàng Tom trứ
danh ở Coventry[5] thì anh ta không biết xử lý thế nào nữa, và đành phải đưa bà
ta vào nhà mồ gia đình Capulet[6], nơi duy nhất thích hợp với bà ta. Hai nhà
thơ nổi danh cũng nhanh chóng từ bỏ công việc không quen thuộc này; tính chất
nhạt nhẽo của văn xuôi làm họ khó chịu.

[4] Polidori, John
William (1795 - 1821): bác sĩ và nhà văn người Anh gốc Ý, được coi là người
khai sinh ra thể loại ma cà rồng trong văn học lãng mạn và hình mẫu ma cà rồng
“sang trọng và quý tộc” hiện đại với tác phẩm The Vampyre (Ma cà rồng), 1819,
dựa trên phần truyện mà Byron đã viết ra trong dịp này.

[5] Tom vùng Coventry:
một truyền thuyết của thành phố Coventry ở vùng West Midlands, Anh. Chuyện kể
rằng vào thế kỷ 11, bá tước phu nhân Godiva, vì muốn thuyết phục chồng mình là
bá tước Leofric giảm những khoản thuế ngặt nghèo cho dân chúng Coventry, đã
chấp nhận lời thách thức của ông, để thân trần cưỡi ngựa đi qua suốt thành phố,
chỉ có mái tóc dài che phủ. Trước đó dân chúng đã được thông báo rộng rãi điều
này và được yêu cầu ở yên trong nhà, đóng chặt mọi cửa và cửa sổ. Hành động này
dĩ nhiên đã đạt được mục đích từ thiện của nó. Đến những thế kỷ sau, truyền
thuyết được bổ sung thêm một nhân vật nữa, được cố định lại và trở thành phổ
biến từ sau bài thơ Godiva của Tennyson: gã Tom đã nhìn lén Godiva qua cửa sổ
và bị trời đánh mù cả hai mắt.

[6] Đưa vào nhà mồ của
gia đình Capulet: thành ngữ ám chỉ “bị quên lãng, bị bỏ rơi hoàn toàn”. Nhà mồ
gia đình Capulet là nơi Romeo và Juliet kết liễu cuộc đời họ.

Tôi vắt óc nghĩ một câu
chuyện, một chuyện khả dĩ địch được với những câu chuyện đã kích thích chúng
tôi lao vào công việc này. Một câu chuyện nói lên được những nỗi sợ hãi bí ẩn
nằm sẵn trong con người chúng ta, làm dấy lên sự kinh hoàng thảng thốt, một
chuyện khiến độc giả không dám cất mắt nhìn quanh, khiến máu đông lại, tim đập
thình thịch. Nếu không đạt được những điều này, truyện ma mà tôi viết sẽ không
còn xứng đáng với danh hiệu đó. Tôi suy nghĩ và cân nhắc – đều vô hiệu. Tôi đã
cảm thấy tình trạng bất lực không thể sáng tạo nổi ấy, nỗi khổ lớn nhất của
người viết, khi đáp lại ta khẩn cầu khắc khoải chỉ là Số không ảm đạm. Mỗi sáng
tôi đều phải nghe câu hỏi “Đã nghĩ ra cái gì chưa?” để rồi ngượng ngùng trả lời
là chưa.

Như Sancho[7] có nói,
cái gì cũng có khởi đầu của nó, và sự khởi đầu này phải gắn với một điều đi
trước nó. Người Ấn Độ cho thế giới con voi để nâng đỡ thế giới, nhưng lại để nó
đứng trên một con rùa. Phải khiêm nhường mà thừa nhận rằng, sáng tạo không bao
giờ là từ khoảng không, mà từ cõi hỗn mang trước nhất cần có nguyên liệu đã:
sáng tạo có thể đem lại hình thể cho vật chất tối tăm và hỗn độn, nhưng không
thể tự mình tạo ra vật chất. Trong mọi lĩnh vực của khám phá và sáng chế, kể cả
những khám phá chỉ thuần về trí tưởng tượng, chúng ta luôn thấy lặp lại mô hình
chuyện Columbus và quả trứng[8]. Sáng tạo cần có khả năng nắm bắt năng lực tiềm
tàng của sự vật, và nhào nặn tạo hình các ý tưởng hiện ra với nó.

Huân tước Byron và
Shelley chuyện trò với nhau rất nhiều và rất lâu, tôi thường ngồi nghe một cách
ngưỡng mộ nhưng im lặng. Một trong những lần đó họ thảo luận về các học thuyết
triết học khác nhau, trong đó có bản chất của nguyên lý tạo ra sự sống, liệu
người ta có bao giờ tìm ra và truyền đạt lại nó không. Họ nói tới thí nghiệm
của tiến sĩ Darwin[9] (tôi không muốn nói về những gì tiến sĩ thực tế đã làm
hoặc khẳng định mình đã làm, mà trong trường hợp này, về những thí nghiệm người
ta đồn thổi về ông): bảo quản một sợi miến trong ống thủy tinh, để rồi bằng
cách phi thường nào đó nó bắt đầu chuyển động có ý thức. Nhưng đây cũng chưa
phải là cách tạo ra sự sống. Một tử thi có thể hồi sinh lại; sinh điện học
galvanism[10] đã chứng tỏ những điều tương tự; những bộ phận khác nhau của một
sinh vật có thể được chế tạo, đem gắn vào nhau, và thổi vào hơi thở của sự
sống.

[7] Sancho Panza, giám
mã của Don Quixote. “Mọi chuyện đều có một khởi đầu” là nhận xét của Sancho khi
đối đáp với hai vợ chồng công tước về khả năng mình làm thống đốc một hòn đảo
(phần hai, chương 33). Ở đây Mary Shelley nhại cách nói của văn chương bác học
khi trích dẫn các tác gia kinh điển.

[8] Columbus,
Christopher (1451 - 1506): nhà thám hiểm châu Âu có ảnh hưởng lớn trong lịch sử
khám phá châu Mỹ. Câu chuyện Columbus và quả trứng là một giai thoại nổi tiếng,
theo đó trong một bữa yến tiệc, các nhà quý tộc Tây Ban Nha gièm pha Columbus,
cho rằng công trạng tìm ra hải trình tới Mỹ châu của ông chẳng có gì to tát, và
rằng nếu không phải ông, ắt một người Tây Ban Nha sẽ tìm được con đường đó.
Columbus liền yêu cầu mang tới một quả trứng và thách tất cả mọi người trong
tiệc khiến nó đứng được trên bàn mà không cần dụng cụ nào. Sau khi cả bàn thúc
thủ, Columbus khẽ đập một đầu quả trứng xuống bàn, và nó dễ dàng đứng được trên
một đầu đã dập. Giai thoại này được lấy làm minh họa cho những lời giải hoặc
phát kiến trở thành hiển nhiên chỉ sau khi nó đã được giải thích ra. Trong danh
mục sách đã đọc của Mary Shelley, cuốn Life and Adventures of Christopher
Columbus (Sinh thời và hành trình của Christopher Columbus) của Washington
Irving có sử dụng.

[9] Darwin, Erasmus
(1731 - 1802): nhà thực vật học, tự nhiên học, phẫu thuật gia người Anh, ông nội
của Charles Darwin. Ông nghiên cứu về bệnh lý học và đưa ra những ý tưởng gần
với thuyết tiến hóa sau này; trung tâm là tư tưởng có một chất sống duy nhất
làm căn bản cho cả muôn loài. Trong phần ghi chú bổ sung cho The Temple of
Nature, or the Origin of Society (Đền Tự nhiên, hay nguồn gốc của xã hội), bài
trường ca về tiến hóa sinh học cuối đời, tên “Spontaneous Vitality of
Microscopic Animals” (Sự sống tự phát của những động vật vi sinh), Darwin có mô
tả một số thực nghiệm mà dường như kết quả quan sát được cho thấy vi sinh động
vật, cũng như vi sinh thực vật, dường như có thể tự hình thành từ vật chất vô
sinh. Tuy nhiên ông đã dựa trên những bằng cứ khoa học để giải thích cho kết
luận sai lầm đó.

[10] Phép sốc điện
(galvanism): thuật ngữ đã lỗi thời, đặt theo tên Luigi Galvani, nhà vật lý và
phẫu thuật gia Ý đã tìm ra năng lượng hóa điện có trong cơ thể sinh vật, mà ông
đặt tên là “điện động vật” vào thập kỷ 1780 – 90, nay được gọi là ngành điện
sinh lý học. Thí nghiệm của Galvani cho thấy khi chạm con dao kim loại vào chân
một con ếch đã mổ sẽ gây ra phản ứng co giật của các cơ, và ở thời Victoria,
nhiều người tin rằng cho dòng điện thích hợp chạy vào một cơ thể vừa chết có
thể mang sự sống trở lại.

Đêm lụi đi cùng câu
chuyện, và khi chúng tôi đi ngủ thì giờ khắc ma quỷ hiện hình cũng đã qua. Đặt
đầu trên gối tôi không ngủ, cũng không phải là suy nghĩ. Trí tưởng tượng, hoàn
toàn tự động, chiếm lấy và dắt dẫn tôi, làm hiển hiện trong óc tôi những hình
ảnh liên tiếp, sống động hơn rất nhiều so với những mường tượng thông thường.
Tôi trông thấy – mắt nhắm nhưng hình ảnh đưa đến trong đầu vô cùng rõ nét –
khuôn mặt nhợt nhạt của người thuật sĩ đang cúi mình trên vật thể mình vừa tạo
ra. Tôi trông thấy cái bóng gớm guốc của một người đang nằm dài, và tiếp đó,
chẳng hiểu do phương tiện hùng mạnh nào, bỗng có dấu hiệu của sự sống, nó nhúc
nhích một cách khó khăn, không hẳn như đang sống. Nó hẳn là đáng sợ; bởi còn gì
đáng sợ hơn những nỗ lực của con người muốn bắt chước cơ chế kỳ diệu của Đấng
đã sáng tạo ra thế giới. Thành công của mình hẳn khiến nhà nghiên cứu hết hồn,
vội cao chạy xa bay khỏi tạo tác xấu xa do chính tay mình nhào nặn, lòng hãi
hùng thảng thốt. Anh hy vọng nếu mặc nó nằm trơ đấy thì tia lửa sống yếu ớt anh
đã truyền cho chẳng mấy chốc sẽ tàn, và cái vật thể đã nhận được sự sống trái ý
Chúa sẽ trở thành vật chất lặng câm, để anh có thể ngủ yên, tin rằng sự yên
lặng của nấm mồ sẽ dập tắt vĩnh viễn cuộc đời ngắn ngủi của cái thây ma gớm
guốc mà anh từng hy vọng sẽ là cái nôi của sự sống. Anh ngủ, nhưng rồi bị đánh
thức, anh mở mắt ra; nhìn thấy vật khủng khiếp đó đứng bên giường, vén màn ngó
vào anh với đôi mắt vàng khè, ướt nhoèn, nhưng tò mò chăm chú.

Tôi mở bừng mắt ra kinh
sợ. Ý tưởng này ám ảnh tâm trí tôi đến nỗi cơn sợ chạy dọc suốt người tôi run
rẩy, và tôi muốn át những tưởng tượng ma quái này đi nhờ thực tại chung quanh.
Chúng vẫn ở đó: vẫn căn buồng ấy, tấm thảm sẫm màu, cửa chớp đóng kín có ánh
trăng lọt qua, và vẫn cảm giác về mặt hồ lấp lánh và dãy Alps tuyết phủ bên kia
tấm rèm. Tôi không rũ bỏ được bóng ma kinh khủng của mình dễ dàng đến thế; nó
vẫn tiếp tục ám ảnh tôi. Phải cố nghĩ đến một điều gì khác. Tôi tập trung vào
truyện ma của tôi, cái truyện ma tẻ nhạt đáng thương ấy! Ôi! Giá như tôi viết
được một câu chuyện sẽ truyền sang độc giả nỗi sợ hãi hùng mà tôi trải qua đêm
nay!

Ý tưởng bừng đến trong
tôi như ánh sáng và cũng hân hoan như thế. “Ta đã tìm ra rồi! Những gì làm ta
sợ hẳn cũng sẽ làm người khác kinh sợ; và ta chỉ việc tả lại bóng ma đã ám ảnh
bên gối ta lúc nửa đêm.” Sáng hôm sau tôi tuyên bố đã nghĩ ra một truyện. Ngay
hôm đó tôi viết câu đầu tiên “Vào một đêm tháng Mười một ảm đạm,” mới ghi lại
ngắn gọn nỗi kinh hoàng tôi trải nghiệm qua giấc mơ lúc tỉnh của mình.

Lúc đầu tôi chỉ định
viết một truyện ngắn, độ vài trang, nhưng Shelley đã hối thúc tôi phát triển ý
tưởng này lên quy mô hơn nữa. Dĩ nhiên tôi không chịu ảnh hưởng của chồng tôi
dù chỉ là một gợi ý về cốt truyện, và hầu như không chút nào về cảm xúc, thế
nhưng nếu không có sự khuyến khích của anh, nó sẽ không thể có dáng vóc như đã
được giới thiệu đây. Riêng lời tựa cuốn sách nằm ngoài khẳng định này: theo như
tôi nhớ được, toàn bộ lời tựa là do anh viết.

Và giờ đây, lại một lần
nữa, tôi để cho tạo vật gớm guốc của mình tiến tới và phát triển. Tôi cũng có
chút tình cảm dành cho nó; nó được kết trái trong những ngày hạnh phúc, khi
chết chóc và đau thương mới chỉ là những khái niệm, chưa tạo ra âm vang nào
trong trái tim tôi. Số trang ít ỏi của nó nói lên biết bao buổi đi bộ hoặc đi
xe dạo chơi, biết bao buổi chuyện trò ngày tôi không cô đơn một mình một bóng;
bạn đồng hành bên tôi những ngày đó, tôi không bao giờ còn gặp lại nữa ở kiếp
này. Nhưng những liên tưởng này chỉ là của riêng tôi, không liên quan gì đến
bạn đọc.

Tôi sẽ chỉ nói thêm một
điều về những thay đổi trong cuốn sách. Chủ yếu đó là những thay đổi về văn
phong. Tôi không thay đổi phần nào của câu chuyện hoặc đưa thêm bất kỳ ý tưởng,
hoàn cảnh nào mới cả. Tôi có sửa lại lời văn ở một vài chỗ quá trần trụi đến
nỗi có thể làm hại đến hứng thú của người đọc, chủ yếu trong nửa đầu cuốn sách.
Nhìn chung chúng giới hạn trong những đoạn chỉ là thêm thắt cho câu chuyện, cốt
lõi và thực chất vẫn hệt như cũ.

M.W.S

London, 15 tháng Mười
năm 1831

Những tập sách này
được Tác giả trân trọng đề tặng WILLIAM GODWIN tác giả
của Công lý chính trị, Caleb William,…

Sự kiện làm cơ sở cho
câu chuyện này, theo giả định của tiến sĩ Darwin cùng vài tác giả viết về sinh
lý học người Đức, không phải là không thể xảy ra. Không nên nghĩ rằng tôi có
đặt chút xíu lòng tin nghiêm túc nào vào một hình dung loại đó; tuy nhiên khi
lấy nó làm cơ sở cho một tác phẩm dựa trên trí tưởng tượng, tôi không nghĩ mình
chỉ đơn thuần thêu dệt nên những nỗi hãi hùng siêu nhiên. Biến cố trung tâm của
câu chuyện may mắn thoát khỏi những bất lợi mà một chuyện ma quỷ hay phù phép
thông thường hay gặp phải. Nó đã được chuẩn bị trong bối cảnh lạ lùng mà câu
chuyện diễn ra; và tuy về phương diện vật chất có phi thực tế đến mức nào đi
nữa, nó cũng cung cấp cho trí tưởng tượng một góc nhìn bao quát hơn, trọn vẹn hơn
về những đam mê của con người, mà mọi sự kiện hiện có trong mối quan hệ thông
thường của chúng không thể sản sinh ra nổi

Vì vậy tôi hết sức cố
gắng giữ đúng sự thực về những nguyên lý cơ bản thuộc bản chất con người, mặc
dù không ngần ngại tự tiện đưa chúng vào những phức hợp mới. Iliad, bản sử thi
bi thảm Hy Lạp, Shakespeare trong Cơn bão và Giấc mộng đêm hè, và nhất là
Milton trong Thiên đàng đánh mất, cũng sáng tác theo quy luật này, và ngay kẻ
viết tiểu thuyết khiêm nhường nhất, khi muốn ban phát hay thu nhận niềm vui từ
lao động của mình, vẫn có thể – dù không có chút ảo tưởng kiêu ngạo nào – áp
dụng cho sáng tác văn xuôi cùng một quyền hạn, hay đúng hơn cùng một quy tắc mà
bao nhiêu phức hợp tuyệt diệu của các tình cảm con người đã tuân theo để tạo
nên những tượng đài thi ca lộng lẫy nhất.

Bối cảnh diễn ra câu
chuyện của tôi lấy ý tưởng từ những cuộc chuyện trò thân mật. Lúc đầu nó chỉ là
nguồn tiêu khiển, sau nữa đó là một phương sách kích thích những tiềm lực chưa
được thử thách của trí tuệ. Công việc tiến triển lên, có thêm những động cơ
khác đưa vào trong đó. Không phải là tôi tuyệt nhiên không để ý xem các xu
hướng đạo đức trong tình cảm hoặc tính cách nhân vật có ảnh hưởng đến bạn đọc
ra sao; nhưng quan tâm chủ yếu của tôi về mặt này chỉ giới hạn trong việc tránh
những tác động suy đồi mà các tiểu thuyết hiện giờ mắc phải, và phô bày vẻ thân
thương của tình cảm gia đình, cùng tính ưu việt của đức hạnh phổ quát. Không
nên cho rằng những quan niệm tất yếu nảy nở từ tính cách và hoàn cảnh của nhân vật
cũng là những điều trước nay tôi tin chắc trong lòng; cũng như không nên từ
những trang sách sau đây suy luận ra định kiến của tôi về bất kỳ học thuyết
triết học nào.

Một vấn đề khác cũng
làm tác giả bận tâm hơn: câu chuyện khởi thảo trong một miền hùng vĩ đã được
lấy làm bối cảnh cho hầu hết cuốn sách, bên cạnh những bạn bè tôi sẽ không bao
giờ nguôi nhớ thương. Mùa hè năm 1816 tôi sống ở ngoại vi Geneva. Trời lạnh và
mưa suốt, và buổi tối chúng tôi quây quần bên lò sưởi bập bùng, thỉnh thoảng
cùng nhau tiêu khiển với tập truyện ma của Đức vô tình rơi vào tay chúng tôi.
Chúng khơi dậy trong chúng tôi một ham muốn tinh nghịch viết được thứ gì tương
tự. Hai người bạn khác (trong đó một người đáng ra sẽ sản sinh một câu chuyện
được công chúng hoan nghênh hơn rất nhiều những gì tôi dám mơ tới) chúng tôi
đều nhất trí mỗi người sẽ viết một truyện trên cơ sở sự kiện siêu nhiên nào đó.

Thế rồi thời tiết bỗng
nhiên trở nên trong sáng; hai người bạn bỏ lại tôi lên đường du lịch vùng núi
Alps, cảnh núi non hoành tráng mỹ lệ xóa hết những hồn ma bóng quế khỏi đầu óc
họ. Chỉ còn mỗi câu chuyện sau đây của tôi là được hoàn tất.

Marlow, tháng Chín 1817

Thông
tin ebook:

Nguồn: e-thuvien.com
Ebook: daotieuvu.blogspot.com

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Sienna – streetchick – trangchic

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)

Đọc trực tuyến: