CHƯƠNG 4.3:LÀM NHỮNG GÌ BẠN NÓI

LÀM NHỮNG GÌ BẠN NÓI

 

Người ta có thể chia con người làm 3 nhóm. “Một số ít người làm cho việc gì đó xảy ra, nhiều người khác thì nhìn sự việc xảy ra và những người còn lại thì không biết chuyện gì đã xảy ra!”

 

Đây là công thức cho nhóm đầu tiên: Hãy làm điều bạn hứa sẽ làm!

 

Đa số không làm thế. Họ nói họ sẽ làm tất cả mọi việc và không làm gì cả.

 

Bạn có thường nghe người khác nói: “Tôi sẽ gọi điện cho anh”, hay “tôi sẽ tập thể dục”, mà mỗi ngày càng mập ra hơn, nói “Tôi sẽ giúp anh nếu tôi có thể”, khi bạn biết họ sẽ không giúp? Hay họ nói:

 

“Tôi sẽ thanh toán”, và bạn không bao giờ gặp lại họ.

 

Khi chúng ta nghiêm túc với những lời nói của mình thì những điều sau sẽ xảy ra:

 

- Người khác tin ta

 

- Chúng ta cân nhắc cẩn thận trước khi cam kết điều gì.

 

- Chúng ta trung thực với người khác.

 

- Chúng ta tránh được nhiều tình huống nan giải hơn.

 

-  Chúng ta se thích bản thân mình.

 

Khi bạn không để ý đến điều mình nói thì những người khác sẽ không chú ý đến bạn. Nếu bạn không tin mình thì người khác cũng không tin bạn. Bạn có thể cảm nhận được sự thiếu cam kết của người khác thì ngược lại cũng vậy. Họ biết được bạn là loại người nào.

 

Vậy làm cách nào để có thể nói sao thì làm vậy? BẠN CÓ QUYỀN CHỌN LỰA, HÃY THÚ NHẬN VÀ TRUNG THÀNH VỚI CHỌN LỰA CỦA MÌNH.

 

Khi hàng xóm mời bạn đi uống rượu và bạn nghĩ: “Tôi thà chết còn hơn đồng ý!” thì đừng nói: “Nghe hay đấy! Tôi thật sự hy vọng là tôi đi được”. Nên trung thực thì hơn. Bạn có thể nói: “Tôi cám ơn anh đã nghĩ đến tôi nhưng tôi không thể đi được chiều nay”.

 

Trong những tình huống tương tự như thế này, nên khéo léo và tôn trọng mong muốn riêng của bạn, hãy nói rõ chọn lựa của mình và đừng cảm thấy có lỗi vì đã thành thật với bản thân mình.

 

Những lúc không biết mình sẽ làm gì hay đi đâu thì đừng có hứa trước. Cứ thẳng thắn. Nhiều người sống trong thế giới của truyện cổ tích, nên không nghĩ cho thấu đáo điều gì và không bao giờ hỏi mình những câu hỏi như: “Làm sao mình thực hiện được điều này?” hay “ Mình có 100% cam kết không?”

 

Đối với những trường hợp mà người ta yêu cầu bạn cam kết mà nếu bạn thật sự không chắc thì đừng hứa. Tốt nhất là nên nói: “Tôi chưa biết, nhưng nếu tôi có thể, tôi sẽ báo cho anh biết”. Tốt hơn nữa là sau đó nên gọi họ và báo tin tốt (“Tôi sẽ đến”) hơn là nói “Tôi sẽ đến” rồi sau đó gọi cho họ nói là bạn không đến được.

 

Hàng xóm, bạn bè và đồng nghiệp đều muốn bạn mạnh mẽ lên – vì có quá nhiều người yếu đuối rồi. Khi họ có kế hoạch ăn chay thì họ dụ bạn bằng kem, dù họ thầm mong bạn giữ được kế hoạch của mình.

 

Trẻ con rất thích ngưỡng mộ người mạnh mẽ - nhưng người hứa và sẽ thực hiện được điều đó.

 

Hãy vạch ra giới hạn và con bạn sẽ vượt qua nó. Con cái muốn thử thách bạn, và hy vọng là bạn đủ mạnh mẽ.

 

Thật ra trẻ con rất không thoải mái khi tin rằng chúng kiểm soát được mọi việc và có thể làm bất kỳ điều gì chúng muốn. Chúng hết sức cần ai đó đặt ra luật lệ và bắt buộc chúng. Đôi khi chúng nói tục, la hét hay làm bể đồ, ăn cắp, bỏ trốn, v.v… nhưng lại hy vọng là ai đó sẽ áp đặt những ranh giới cho chúng.

 

ĐÚC KẾT :Mỗi khi bạn nói là bạn sẽ làm điều gì đó và rốt cuộc thì làm điều hoàn toàn khác tức là bạn sẽ làm sứt mẻ đi sức mạnh cá nhân của mình. Dĩ nhiên thỉnh thoảng cũng có thể thay đổi quyết định nhưng nhìn chung nên chứng minh với chính bản thân là bạn kiểm soát được đời mình bằng cách giữ lời hứa với mình.

 

Càng thực hiện được cam kết với mình thì bạn càng mạnh mẽ. Để ảnh hưởng được người khác thì bạn phải tin vào bản thân mình trước. Mà để tin vào bản thân thì bạn phải tin điều mình nói và làm điều mình nói.