Hồ sơ Một tử tù - Chương 09 - Phần 01

Vậy là trong đời, ba lần cả thẩy hắn đứng trước vành móng ngựa.
Lần đầu tiên hắn đứng cùng với bọn thằng Xế, thằng Học sau khi gây ra vụ ẩu đả với hội Yên Mĩ vào cái ngày đầu tiên hắn đặt chân tới bãi vàng.
Hai lần sau là phiên sơ thẩm và phúc thẩm mà bản án dành cho hắn sau khi tổng hợp hình phạt là không thay đổi: Tử hình!
Chứng lý quá đầy đủ, rành mạch, cụ thể đến từng đường tơ kẽ tóc. Trong các bản cung của hồ sơ, người ta thấy hắn thành khẩn đến mức khó tin. Một tên cướp lì lợm, khét tiếng tàn bạo, lại có cái đầu khá nhiều chữ như hắn không lẽ lại dễ dàng suy sụp đến mức khai thông thốc ra như thế sao? Không. Hắn đã từng im lặng. Im lặng đến độ người ta lo sợ hễ sểnh ra là hắn sẽ cắn lưỡi tự tử. Trước mặt các điều tra viên hắn câm nín như hoá đá. Hỏi gì cũng gật, nói gì cũng nhận, sau mệt mỏi quá, hắn bảo: "Các anh cứ làm bản cung đi, rồi tôi ký rẹt một cái là xong. Tôi muốn các anh kết thúc số kiếp tôi càng sớm càng tốt".
Đó là lời khẩn cầu thật lòng của hắn. Tuy nhiên việc phán xử một con người không thể chỉ căn cứ vào những lời thú nhận có vẻ như cho xong chuyện. Hắn phạm tội thế nào, ngày, giờ, địa điểm, cách thức, diễn biến, hậu quả, động cơ, mục đích, tình trạng tâm sinh lý, đồng phạm hay riêng lẻ, ai biết, ai không, khắc phục hậu quả, tiêu thụ của gian như thế nào, hồ sơ phải thể hiện được tất cả những vấn đề ấy. Vậy mà hắn không chịu nói. Luật lại qui định nghĩa vụ chứng minh tội phạm thuộc về cơ quan điều tra. Hắn đã trở nên một khối trầm uất u buồn, không muốn nhắc tới bất kỳ một điều gì liên quan đến quá khứ. Thậm chí, cùng với thời gian có thể hắn sẽ trở nên tâm thần bởi tuyệt vọng và hoảng sợ. Mà thời gian dành cho việc chứng minh tội phạm không phải vô hạn định. Cuối cùng người ta đành phải đưa đến chỗ hắn một vị điều tra viên mới.
Người này đã từng rất có ấn tượng đối với hắn.
Hắn nhận ra ngay vị điều tra viên này bởi đây chính là người đàn ông đã từng bám sát hắn suốt quãng đường trốn chạy sau cùng của cuộc đời. Nốt mụn ruồi ở đuôi mắt trái anh ta luôn ám ảnh hắn trong những đêm dài trốn chui trốn lủi, bần cùng và kiệt quệ. Bây giờ anh ta lại đến với hắn. Anh ta đặt chiếc cặp lên bàn, cố tình gạt nó sang một bên, ngả người một cách thoải mái ra thành ghế, rồi bảo:
- Hôm nay tôi với anh làm ấm chè rồi nói chuyện phiếm. Công việc tạm gác sang một bên, chả nên bắt nhau mệt mỏi mãi như thế làm gì. Anh có đồng ý không?
Hắn im lặng.
Vị điều tra viên lại nói:
- Có thể anh không có chuyện gì để nói cả, nhưng tôi lại có nhiều chuyện để nói với anh đấy.
Một cảnh sát trẻ bê bộ ấm chén đã pha trà sẵn bước vào phòng. Vị điều tra viên đỡ lấy, đặt xuống bàn rồi rót ra chén đưa mời hắn. Hắn lắc đầu. Vị điều tra viên nọ liền đặt chén nước xuống trước mặt hắn, quay ra nhấm nháp chén trà của mình rồi bật thuốc hút. Bất ngờ anh ta hỏi:
- Anh có muốn biết cái bãi vàng Lũng Sơn của anh bây giờ nó như thế nào không?
Mi mắt hắn khẽ động đậy. Mùi trà thơm quá, kích thích vòm họng quá, lại cả mùi thuốc lá nữa, thần kinh hắn có vẻ như đang căng ra vì thứ khói này.
- Anh uống nước đi - Vị điều tra viên tiếp tục- Và cứ hút thuốc tự nhiên. Còn đây là tập ảnh vừa mới chụp. Anh còn nhận ra chỗ ở của anh ngày xưa nữa không?
Tập ảnh vị điều tra viên lấy ra từ trong cặp khá dầy, được đẩy tới chỗ hắn. Hắn chưa cầm tập ảnh ngay mà lại đưa chén trà lên miệng nhấp từng ngụm, khoan khoái, sau đó rút ra một điếu thuốc và châm lửa. Kéo một hơi dài xong hắn mới ngẩng đầu lên, buông một câu ngắn ngủi:
- Cảm ơn cán bộ!
Tập ảnh được tráo đều trước mắt hắn. Công ty khai thác vàng bạc đá quí Việt - Nhật, khu nhà sàng, phòng nghiên cứu thăm dò địa chất, khuôn viên có thảm cỏ và cây xanh, những dãy nhà vừa mới quét ve, con suối trong vắt, mấy quả đồi lô nhô có cắm cờ... Bãi vàng Lũng Sơn đã hoàn toàn được qui hoạch lại, không còn dấu vết của sự khai thác tự phát nữa. Tất cả đã đổi thay, ngay cả những nơi heo hút nhất. Dãy núi đá mà hắn từng ẩn náu lẫn vào nền trời xanh, yên bình và xa lạ. Những khoảnh khắc mà vị điều tra viên kia mang lại đã cào nhẹ vào vùng cảm xúc khô héo trong hắn. Tự nhiên hắn muốn biết thêm những điều khác, ví như cái đám dân đào vàng trong hội Áng Sơn của hắn bây giờ ra sao, hoặc giả, hắn sẽ phải nhận hình phạt như thế nào sau những ngày tạm giam này? Vị điều tra viên lại móc trong cặp ra hai tấm ảnh nữa. Anh ta đưa cho hắn một tấm rồi bảo:
- Anh có nhận ra những ai trong tấm ảnh này không?
Hắn cố nén tiếng thở dài. Mẹ hắn đây ư? Bà đã già quá rồi, trông dáng bà đứng bên con trai và con dâu vẹo vọ đến tội. Anh Dương thì khác xa so với hình ảnh mà hắn còn lưu giữ được. Anh Dương bây giờ đã là một người đàn ông trung niên thành đạt, nét phú quí hiện rõ trên bộ quần áo, đôi giầy, chiếc đồng hồ đeo tay, cả nụ cười cởi mở, khoáng đạt kia nữa. Người chị dâu mà hắn chưa một lần gặp mặt có vẻ xuề xoà, khuôn mặt chị toát lên nét gì đó hồn hậu, đại lượng. Thằng bé đứng trong lòng mẹ hắn khoảng mười bốn, mười năm tuổi, gầy gò, láu lỉnh, có cái trán dô. Chắc đây là đứa con đầu của anh Dương. Hắn được biết mẹ hắn đã ra Quảng Ninh ở với anh Dương nhưng bà vẫn đi đi về về để "trông mảnh đất quê cho thằng Đàn". Bà cũng đã từng lần mò lên cả bãi vàng Lũng Sơn để tìm hắn nhưng dạo ấy hắn còn đang cùng Lân sáu ngón lang bạt ở mấy tỉnh biên giới Việt- Lào. Bây giờ thì bà đã biết hắn đang nằm trong bốn bức tường này. Hắn vẫn nhận được quà của bà gửi vào, chỉ có điều đang trong giai đoạn điều tra nên người ta không cho bà vào gặp.
- Còn bức ảnh này, tôi cứ đắn đo mãi không biết có nên cho anh xem không? - Vị điều tra viên khẽ đập đập tấm ảnh còn lại vào lòng bàn tay - Tôi đã hứa với cô ấy là không tiết lộ gì cho anh. Nhưng tôi nghĩ ít ra anh cũng phải biết là cô ấy còn sống. Chắc anh cũng đồng ý với tôi thế chứ?
- Cán bộ đừng đùa giỡn với tôi nữa - Hắn bật nhỏm người dậy - Cán bộ hãy cho tôi biết cô ấy là ai? Có phải là Nhung không?
Vị điều tra viên có vẻ như đã thoả mãi mục đích của mình, anh ta chìa tấm ảnh ra trước mặt hắn:
- Đây, anh xem đi.
Hắn run run cầm lấy tấm ảnh. Đúng là Nhung thật. Nhung đang bế một đứa bé bụ bẫm mặc bộ quần áo len mầu vàng. Nhung đẹp đến mức hắn ngỡ ngàng. Không còn nhận ra chút giang hồ phóng đãng nào trên khuôn mặt thiếu phụ đẹp như trăng rằm này nữa. Mặn mà. Quyến rũ. Mãn nguyện. Ngập tràn hạnh phúc. Đó là tất cả những gì toát ra từ Nhung. Còn đứa trẻ? Nó mới bầu bĩnh, đáng yêu làm sao. Đôi mắt đen lay láy, ngơ ngác, chẳng thể nhận ra được là trai hay gái. Con hắn đây sao? Có thật là con hắn không nhỉ? Bây giờ hai mẹ con Nhung đang ở đâu?
- Bây giờ chúng ta bắt đầu làm việc nhé? - Vị điều tra viên sau khi lặng lẽ quan sát mọi thái độ của hắn nãy giờ, lên tiếng - Anh hãy kể lại tất cả những gì anh biết, anh làm trong đêm mười sáu tháng tư ở phòng giam số hai mươi tư, trại giam Thanh Phong?
- Thưa cán bộ...?
- Chúng ta chuyện phiếm với nhau như thế đủ rồi. Mọi thông tin cần thiết khác đối với cá nhân anh chúng tôi sẽ xem xét để đáp ứng cho anh vào một dịp khác. Bây giờ thì anh phải trả lời những việc mình làm. Nào, bắt đầu từ cái đêm mười sáu tháng tư ấy...
Đêm 16 tháng 4 ư? Trí óc hắn bắt đầu hệ thống lại những hình ảnh cắt xé, nát vụn. Đó là đêm cuối cùng hắn nằm cạnh trưởng phòng Hân. Nếu như Hân không bất chợt tỉnh dậy khi nghe tiếng gẫy của chấn song sắt cửa sổ thì hắn đã không ngồi đè lên người anh ta, không xiết chặt mười ngón tay vào cổ anh ta làm gì. Vâng, chính hắn. Mục đích ư? Để Hân khỏi ngăn cản việc trốn trại. Có biết vòng xiết ấy có thể dẫn đến chết người không ư?. Có, có chứ. Nhưng khát vọng tự do mạnh hơn tất cả. Thế là bất biết cái gì sẽ xảy ra dưới hai bàn tay mình. Rồi sao nữa ư? Chui qua song sắt và chạy...
Cứ thế hắn lần lượt khai tất cả. Khai chi tiết. Không bỏ sót một vụ việc nào. Một tháng sau đó hồ sơ được hoàn tất. Trước khi phiên toà sơ thẩm mở độ mười lăm ngày, có một người đàn ông đến gặp hắn. Người này trạc tuổi hắn nhưng gầy gò hơn. Trong khi ngồi chờ cán bộ trại giam vào phòng dẫn giải hắn, anh ta móc trong túi quần ra một mảnh cá mực nướng, xé nhỏ, đưa vào miệng nhai nuốt ngon lành. Không ít cán bộ quản giáo tưởng anh ta nhai kẹo cao su. Còn hắn, hắn vừa nhìn thấy người này thì giật mình, không biết nên xử trí thế nào. Đối với hắn anh ta chẳng còn đáng giận nữa. Nhưng cũng không thể nói sự có mặt của anh ta ở đây là đáng kính trọng. Phải, người đàn ông ấy chính là Bằng. Theo như trên tấm danh thiếp mà anh ta đưa cho cán bộ quản giáo thì anh ta là Trần Bằng - luật sư, người được mời cãi cho hắn trong phiên toà sắp tới. Chờ cho hắn yên vị trên chiếc ghế đối diện và người quản giáo đi ra khỏi phòng, Bằng mới lên tiếng:
- Trước hết, tôi phải nói ngay thế này cho Đàn hiểu, với mức án của Đàn, dù Đàn không thuê luật sư để biện hộ cho mình thì luật pháp cũng qui định toà án phải chỉ định một luật sư đến cãi cho Đàn. Tôi đã quyết định chọn vụ này. Không phải vì tình bạn, tình đồng môn, sự nổi tiếng hay vì cái gì cả. Chỉ vì tôi thấy mình có lỗi phần nào đối với cái kết cục không mấy may mắn của Đàn.
Hắn nhìn thẳng vào Bằng, lắng nghe từng lời Bằng nói. Cảm giác trước tiên hắn nhận thấy là con người Bằng có vẻ thành thật. Hãy cứ thử xem anh ta làm được điều gì cho hắn? Hắn bảo:
- Chúng ta không nên để chuyện cũ đè nặng lên suy nghĩ của mình làm gì. Tôi hoàn toàn phải chịu trách nhiệm về những gì mà mình đã làm, không oán trách ai cả. Ông đối với tôi như thế này, tôi rất mừng. Nhưng tại sao ông lại làm cái nghề này? Tôi tưởng ông bây giờ phải làm chủ tịch huyện rồi chứ?
- Nhảm nhí, nhảm nhí tất Đàn ạ, cái tuổi trẻ ngông cuồng và mơ mộng viển vông của tôi ấy mà. Thực ra ngày ấy tất cả chúng ta còn quá trẻ để hiểu biết về sự đời. Ngay sau khi Đàn bị tuyên án lần đầu, tôi bắt đầu lục vấn lại chính mình.
- Quả thực ông khác xưa nhiều quá - Hắn không còn cảm thấy phải dè chừng với Bằng nữa - Cái tính khinh người của ông bỏ đi rồi à? Với tôi, ông là hiện thân của sự giễu cợt. Sự giễu cợt có thể làm cho con người ta sống khỏe lên nhưng cũng có thể làm cho con người ta không sống nổi nữa. Bây giờ thì ông lại đang có dáng vẻ của một nhà thơ, cảm thông và chia xẻ, đó là ấn tượng mới của tôi về ông.
- Đàn đừng nói thế. Nhận thức là một quá trình kia mà. Dặc dài cái quá trình nhận thức ấy luôn rớt rơi những ngậm ngùi và sám hối. Sau khi tốt nghiệp, tôi được điều về công tác ở văn phòng tỉnh uỷ. Mấy năm sau tỉnh có ý đưa tôi sang công tác bên ngành tư pháp. Tôi học tiếp trường Pháp lý. Đến khi ra trường thì cơ chế mới mở tung, tôi thành lập công ty luật và có chân trong Đoàn luật sư. Không giấu gì Đàn tôi bây giờ khá giàu có, nhưng lại rất nghèo một thứ, ấy là con cái. Bảy năm trước đây tôi phải giải phóng cho vợ tôi đi lấy chồng vì kết luận của bác sĩ chỉ rõ tôi là người vô sinh.
Lúc này hắn mới nhìn kỹ con người Bằng. Bộ com lê may rất đẹp nhưng vẫn không che lấp đi được vẻ thảm hại thoát ra từ thân hình gầy gò. Trên mặt Bằng không còn một vết mụn trứng cá nào, nhưng sùng sụng, mệt mỏi và thoáng nét tuyệt vọng. Bằng đã từng là một con đực ấn tượng trong ký túc xá ngày nào, giờ trở nên tự ti giới tính đến mức tội nghiệp. Bằng ngông nghênh và đáng ghét, thực tế và sòng phẳng, ham muốn và quyết liệt giờ trở nên u uẩn, bi quan, suy sụp và sám hối. Ít ra là Bằng đã tỏ ra cho hắn biết thế.
- Tôi đọc không sót một bài báo nào về Đàn - Bằng nói tiếp - Tôi cũng đã nghĩ, rất có thể một ngày nào đó Đàn sẽ gõ cửa nhà tôi và dí súng vào mang tai tôi cũng nên. Báo chí tô vẽ Đàn thành một tên cướp huyền thoại. Còn tôi, tôi chỉ thấy là Đàn đang rơi vào bi kịch mà không thể thoát ra được. Có người còn đang thu thập tư liệu để viết sách về Đàn đấy. Cậu ta cũng đã đến gặp và hỏi chuyện tôi. Cái cậu nhỏ nhắn, thư sinh, đeo cặp kính cận ấy. Cậu ta bảo đã từng ở trong hang đá với Đàn, từng uống rượu và đọc thơ cho Đàn nghe. Tôi chả tin. Và tôi bảo với cậu ấy rằng: "Cái ác nó lạ lắm, chả biết hạt giống được lấy ở đâu, nó có thể rơi xuống bất kỳ một con người nào và nảy mầm trong giây phút. Một người vô học có thể cầm dao chém mẹ, một giáo sư cũng có thể đóng đinh vào đầu vợ, một nhạc sĩ cũng có thể cầm tuốc nơ vít ngoáy vào tim người khác, làm sao cứ phải bận tâm lý giải về trường hợp của Đàn làm gì". Thế là cậu ấy bỏ đi. Nhưng tôi biết cậu ấy chưa từ bỏ ý định viết về Đàn. Hay là bi kịch của mỗi con người đều là chất men gây cảm hứng sáng tác cho những tâm hồn nghệ sĩ?
Hắn bảo:
- Cậu ấy đã từng ở với tôi thật đấy. Và cậu ấy đúng là một nghệ sĩ.
Bằng bỗng hạ giọng:
- Ừ thôi, đấy là chuyện của Đàn. Bây giờ Đàn thành thật trả lời tất cả những điều tôi hỏi. Chỉ có cách ấy may ra mới có thể tìm được một vài tình tiết giảm nhẹ nào đấy cho Đàn. Ví như trường hợp thằng Hân, ở với nó từng ấy ngày Đàn có thấy nó mắc bệnh gì liên quan đến tim mạch không?
Hắn không hiểu:
- Bệnh tim mạch á? Để làm gì?
Bằng bảo:
- Để tôi có thể chứng minh rằng thằng Hân chết không phải vì ngạt do bóp cổ.
Hắn lắc đầu:
- Thôi, ông đừng làm thế, chả giúp được gì cho tôi đâu. Tội tôi nhiều lắm, đâu chỉ mỗi việc bóp cổ thằng Hân. Mà tôi cũng thấy mình phải trả giá cho những việc mình làm là hợp với luật đời. Giãy giụa, kêu gào làm gì nữa, cũng chỉ như con chó trước khi bị chọc tiết thôi.
Bằng bảo:
- Vậy Đàn cự tuyệt lòng tốt của tôi à?
Hắn bảo:
- Tôi rất cảm ơn ông nhưng ông đừng phí phạm lòng tốt vào việc cứu tôi làm gì. Tôi thấy nó hoang tưởng lắm.
Bằng có vẻ không hài lòng. Có lẽ anh ta không ngờ Đàn lại không mặn mà với đề nghị của mình, một đề nghị có ý nghĩa như một cây gậy thò ra cho người chết đuối. Bằng móc trong túi quần ra một miếng khô mực to bằng nửa bàn tay, bật lửa hơ nướng. Bằng đã quen với việc này nên động tác rất gọn. Khi miếng mực đã chín đều, quăn lại, teo tóp, Bằng cất bật lửa vào trong túi rồi xé mực đưa vào miệng. Hắn quan sát mọi động thái của Bằng và không hiểu được con người thực của Bằng hiện giờ là như thế nào? Ngay ngày xưa khi còn ở chung phòng với nhau hắn còn không hiểu được Bằng, thì bây giờ, với bao nhiêu những đổi thay của số phận, làm sao hắn có thể nắm bắt nổi Bằng. Vẻ thất vọng hiện rõ trên khuôn mặt Bằng. Chẳng lẽ nét mặt kia là thật? Chẳng lẽ cái dáng vẻ sám hối kia là thật? Chẳng lẽ bao nhiêu năm qua trong khi hắn mỗi ngày một bị đẩy về cực xấu thì Bằng chuyển động về phía cực đối lập? Chẳng lẽ Bằng xách cặp đến đây thực sự không phải vì tiền, vì danh hay vì một lợi ích thiết thân nào đấy? Ôi chao, nếu vậy thì cuộc sống khó hiểu thật! Con người lại càng khó hiểu hơn!
- Đàn đã đọc kỹ cáo trạng chưa? - Nhai xong miếng mực Bằng bỗng quay ra hỏi hắn.
- Đọc rồi - Hắn đáp.
- Thấy họ viết thế nào? Có chỗ nào không đúng như Đàn đã làm không?
- Những điều họ viết còn ít hơn những việc tôi làm.
- Mấy hôm nữa ra toà Đàn cũng định trả lời như thế này sao?
- Như thế này là thế nào?
- Là nhận tất tần tật. Chẳng lẽ Đàn đã hoàn toàn tuyệt vọng, không còn thiết sống nữa?
- Biết làm sao được khi mà tôi không thể chối nổi những việc mình làm. Tất cả đã rõ ràng. Ông đừng xới tung lên cho mọi sự thêm rối rắm. Lúc này, thực sự tôi không cần điều ấy, tôi chỉ cần ông với ý nghĩa như một người đến thăm thân cho tôi đỡ buồn trong những tháng ngày này. Ông hiểu ý tôi không?