Hồ sơ Một tử tù - Chương 07 - Phần 01

Quả mỏ vịt của Lân sáu ngón bùng loé lên giữa ban ngày ban mặt, xé phăng, xoá nát lán trại trung tâm của bọn Hùng quăn cũng là lúc cái gọi là cuộc sống chồng vợ của hắn được đặt dấu chấm hết.
Hùng quăn vốn không ưa gì hội Áng Sơn, chẳng qua vì sợ cái máu liều của Lân, sợ cái khả năng tổ chức hội nhóm rất chặt chẽ của hắn, mà phải chịu chung sống hoà bình để các bên cùng có lợi nơi khoảnh rừng heo hút này mà thôi. Nhưng quyền lực, dù là thứ quyền lực giang hồ, bao giờ cũng có xu thế biến thể theo hình chóp. Hắn mạnh lên thì bọn Hùng quăn phải yếu đi. Quyền lực giang hồ vốn là thứ quyền lực cơ bắp, được thực thi chóng vánh, được củng cố bắng dao, kiếm, súng đạn và sự liều lĩnh. Đám Hùng quăn không phải không liều lĩnh. Nhưng vì thực lực yếu, không đủ sức cưỡng lại với hội Áng Sơn của hắn. Phạm trốn trại và những kẻ gây án bị truy nã mò lên bãi Lũng Sơn ngày một nhiều. Số này sẽ phải lựa chọn một hội nhóm nào đó để mà đầu quân. Nếu phận mọn thì xuống làm cửu, hàng ngày đào đãi, tìm kiếm sự sống từ những hạt cám vàng nhỏ li ti. Nếu chứng minh được bản lĩnh, dần dần đi vào vòng sóng trung tâm quyền lực của một nhóm thì sẽ hưởng lợi theo tỉ lệ phần trăm được phân chia theo tiêu chuẩn "đại ca" mà không phải trực tiếp đào đãi. Cuộc chiến khốc liệt nhất giữa các nhóm vơi nhau là cuộc chiến tranh giành mốc hầm. Ban đầu tất cả đều ra sức đào, ra sức cắm mốc, ra sưc đặt lán trại. Nhưng rồi đất được chia thành từng thửa, đồi cũng được đánh dấu, xác định quyền khai thác, sử dụng của từng nhóm. Cửu, hoặc là người tự nguyện tìm đến, hoặc là được tuyển mộ khắp nơi, đến bãi vàng này muốn bổ nhát cuốc xuống bất kỳ vạt đất nào cũng phải biết rằng nó đã có chủ. Đất đã có chủ rồi thì cửu đành giữ phận người làm thuê. Cửu đào đãi được bao nhiêu, được giữ lại bao nhiêu, phải nộp lên bao nhiêu, điều đó phụ thuộc vào sự ấn định của từng hội nhóm. Hội Áng Sơn duy trì tỉ lệ 4/6. Cửu được 6, các bưởng được 4. Vấn đề còn lại là làm sao phải tìm ra những chỗ đất có mạch cám vàng. Khu vực tìm kiếm cứ thế mà rộng ra mãi, vết cuốc xẻng loang theo những triền đồi chạy dọc hai bên bờ suối. Những lán trại liên tiếp dựng lên trên phạm vi không giới hạn. Hội Áng Sơn cắm mốc ở những phần đất đai gần suối nhất. Các hội khác rất khó chịu vì xa nguồn nước, việc đãi vàng hay bị hội Áng Sơn nhòm ngó, gây khó dễ. Đám Hùng quăn chịu ức chế đã lâu. Khi cơ hội đến là quyết ăn thua đủ một phen với bọn hắn.
Và cơ hội đã đến với Hùng quăn khi cùng lúc trại của hội Yên Mĩ nhận ba tên tù trốn trại về đầu quân.
Cảm thấy thế và lực đã đủ phân thua với hội Áng Sơn, Hùng liền cho ngăn dòng suối để nước chảy sang hướng khác. Hùng tuyên bố nhánh suối mới thuộc quyền quản lý của hội Yên Mĩ, ai muốn đãi vàng trên nhánh suối này phải nộp mười phần trăm số vàng thu được cho bọn Hùng. Hàng chục hội nhóm còn lại hận Hùng đến thấu xương nhưng ngay lập tức chưa có cách gì để đối phó. Nơi đầu nguồn suối, Hùng cho dựng một chiếc lán, lúc nào cũng có gần chục thằng tù trốn trại đầu trọc lốc, mắt đấy ám khí chốt ở đó để bảo vệ nhánh suối mới. Cả bãi vàng nhao nhao lên như ong vỡ tổ. Con suối cũ chỉ còn là một cái lạch nhỏ, nước bám sát lòng, không thể đãi được vàng. Chỉ riêng cửu của hội Yên Mĩ là hả hê chuyển từng bao đất ra nhánh suối mới trang đất, đãi vàng. Bọn Thành dê, Tùng chột đành đến thương lượng với Hùng quăn để bàn với nhau cho ra một quy chế mới, tất nhiên là bất thành văn, để làm sao nguồn nước được sử dụng một cách hợp lý nhất. Giữa lúc các bên còn đang giằng co nhau về quyền khai thác nguồn nước như thế thì Lân sáu ngón bảo số cửu đang đứng nằm rải rác bên những lỗ hầm đào dở:
- Chúng mày theo tao. Khi nào tao bảo chúng mày phá đập thì cứ thế ào lên. Phải trả con suối này về đúng với dòng chảy của nó.
Nói xong, Lân sáu ngón đi trước, đám cửu kéo theo sau. Không chỉ cửu của hội Áng Sơn mà cửu của các hội nhóm khác cũng vác xẻng, cuốc đi theo xem sự thể thế nào. Hùng quăn tuyên bố: "Nếu mày bước đến vành đập ngăn bọn tao sẽ ra tay. Thằng nào cũng chỉ có từng ấy máu thôi. Nếu muốn chảy thì cùng chảy".
Lân chẳng nói chẳng rằng, móc quả mỏ vịt, giật chốt rồi liệng luôn vào giữa đám của hội yên Mĩ. Tất cả đều quá bất ngờ trước sự tàn bạo của Lân, nằm hết cả xuống, đến khi choàng tỉnh thì một cảnh tượng kinh hoàng hiện ra trước mắt. Đất bạt đi, lán đổ nghiêng, hàng chục xác người nằm ngang dọc. Lập tức đám cửu kéo theo không còn nghĩ đến việc phải tháo đập tràn cho nước chảy về đúng dòng nữa, vội lao tới chỗ máu mê chân cẳng rơi rụng kia để chuyển xuống chân núi tìm cách đưa đi cấp cứu. Hai người chết ngay tại chỗ, ba người lần lượt chết vào những ngày sau đó. Như thế là tiếng nổ đã xuất hiện nơi bãi vàng Lũng Sơn. Tiếng nổ sẽ gọi tiếng nổ. Người chết sẽ gọi người chết. Máu sẽ gọi máu. Và sự bình yên cho cuộc sống gọi chính quyền đến ra tay can thiệp.
Sáng sớm hôm ấy từng đoàn xe, đủ kiểu chở công an, bộ đội tới bao vây bãi vàng Lũng Sơn. Tất cả những người đào vàng được tập trung lại để kiểm tra căn cước và được yêu cầu ra xe rời bãi vàng ngay lập tức. Một số phạm nhân trốn trại bị bắt lại, số có lệnh truy nã trước khi thụ hình cũng dễ dàng bị nhận diện. Đám còn lại rút sâu vào trong núi lẩn trốn. Hắn cùng Nhung và Lân sáu ngón chạy vào trốn trong một ngách hang bí mật vẫn để dự phòng khi bị truy đuổi. Nhưng nghe chừng lần này chính quyền ra tay có vẻ cương quyết. Suốt một tuần trôi qua mà lực lượng công an, quân đội, tự vệ vẫn không rút. Lân là đối tượng cần phải bắt bằng được. Thức ăn và mấy can nước dự trữ đã hết. Bọn thằng Xế cùng các thành viên của hội Áng Sơn hầu hết đã bị lùa ra xe đưa về thị trấn để từ đó tìm đường mà về lại bản quán. Số cửu sẽ bám lại thị trấn hoặc dạt về các huyện, chờ khi nào yên lại lần mò quay trở lại. Họ là những người dân tự do, ở đâu có thể kiếm ăn được thì đến, đuổi thì đi, không đuổi nữa thì lại tụ về. Hắn đã giao ước với bọn thằng Xế rồi. Khi tình huống bất lợi xảy ra, bọn thằng Xế cứ chấp hành theo mọi yêu cầu của chính quyền, còn hắn và Lân sẽ trốn vào núi. Khi nào tình hình yên ắng trở lại, cả bọn sẽ gặp nhau tiếp tục tìm cách làm ăn.
Thế nhưng hắn không ngờ lần này công an lại truy đuổi gắt gao đến thế. Những lần trước họ chỉ ở lại vùng này dăm ba ngày rồi rút. Bãi Lũng Sơn quá heo hút, xa huyện, xa tỉnh, theo đuổi đến cùng để bắt lại bọn hắn không phải là chuyện dễ. Lần này họ có vẻ quyết tâm bắt cho hết đám tù trốn trại như hắn. Lân là mục tiêu số một của họ vì Lân vừa gây một vụ mà theo như cách nói của họ là cực kỳ nguy hiểm. Còn để Lân ngoài xã hội một ngày nào là Lân còn có thể gây ra những vụ như thế. Hắn cũng chung một con đường sống với Lân. Hắn bàn với Lân cách tắt núi, băng rừng tìm sang tỉnh bên để thoát thân, chứ cứ ở lại trong hang đá này trước sau cũng bị bắt. Lân đồng ý. Hắn và Lân mò ra chỗ chôn tiền vàng, đào lên, lấy mang theo. Lân ôm khư khư con lợn đất bọc trong chiếc áo Pilot. Hai đứa quay trở lại hang để đón Nhung. Gần về tới cửa hang thì một tiếng quát to làm hắn giật bắn mình: "Đứng lại! Các anh đã bị bắt". Hắn vội lăn xuống triền núi, nấp vào một tảng đá, rút súng ra bắn lại. Tiếng AK, tiếng K54 rít lên, chiu chíu, nhoáng nhoàng bên tai hắn. Hắn tiếp tục lăn xuống dưới chân núi rồi tìm đường vòng trở về hang đá.
Trong hang, một cảnh tượng bất nhẫn đập vào mắt hắn. Dưới ánh nến leo lết, chập chờn, Nhung đang ngồi quị xuống, hai tay ôm chặt lấy cổ chân bầm đỏ, tóc tai rũ rượi. Thấy hắn trở về, Nhung vẫn không kêu than một tiếng, chỉ trào nước mắt, lã chã cả xuống đầu gối. Hắn vội thò tay vào hốc đá rút ra chiếc đèn pin. Dưới ánh đèn loé sáng, hắn nhìn thấy cách chỗ Nhung không xa một con rắn cạp nong màu vàng đen, đầu bị dập nát, thân giập mấy khúc, cong queo, chết tự bao giờ. Hắn hiểu ngay việc gì đã xảy ra với Nhung. Chính hắn cũng đã từng đập chết tới bốn con rắn ở trong chiếc hang này. Nhưng với Nhung thì điều này quả là vô cùng kinh hãi. Và hình như Nhung đã bị rắn cắn? Tại sao lại có sự trùng hợp kỳ lạ thế nhỉ? Nhung rất thuộc mẩu chuyện về đàn ông, đàn bà và con rắn, để rồi chính nỗi khủng khiếp ấy lại xảy ra với Nhung như sự linh ứng của một lời nguyền không thể hoá giải. Hắn còn đang loay hoay chưa biết xử trí ra sao thì một tràng AK rộ lên ngoài cửa hang. Có tiếng chân chạy gấp gáp rồi Lân hiện ra, một tay ôm chiếc áo bọc con lợn đất, tay kia cầm khẩu AK cưa báng. Giọng Lân hổn hển:
- Tất cả đã bị bao vây rồi. Công an đã mò đến đây, quyết bắt bằng được tao với mày. Đã có thằng dính đạn của mày. Bây giờ phải biến khỏi đây thôi. Mau lên.
Hắn bảo:
- Nhung bị rắn cắn. Máu vẫn còn đang rỉ ra ở gót chân.
Lân vứt chiếc áo và khẩu súng xuống nền hang, chạy đến bên Nhung, đưa tay nhấc cổ chân của cô lên xem. "Bỏ mẹ rồi". Lân buông ra một câu như vậy rồi lập tức lao tới góc hang, xé roàn roạt mảnh áo lót của hắn treo ở đấy. Băng cho Nhung xong Lân quay ra bảo:
- Rồi. Bây giờ tao với mày biến khỏi đây ngay. Chậm thêm phút nào là ăn đạn phút đấy.
Hắn bảo:
- Để tao cõng Nhung cùng chạy.
Lân giữ hắn lại, giọng gầm gừ:
- Mày ngu thế? Muốn chết chùm với nhau à? Tao đã ga rô cho nó rồi, tí nữa công an đến sẽ đưa nó đi. Nó sẽ không sao cả. Còn tao với mày bị bắt lại là chết. Hiểu chưa?
Lân đẩy hắn ra khỏi hang, rồi kéo hắn chạy xềnh xệch xuống dốc núi. Hắn vừa chạy vừa quay lại nhìn nhưng còn nhìn thấy gì nữa khi mà xung quanh là màn đêm tối đen. Hắn không ngờ Nhung lại chịu lỳ đến thế. Không nói, không rằng, không kêu than, thậm chí khóc cũng cố nén lại để không thành tiếng. Nhung đã chờ cái ngày này từ lâu rồi. Nhung biết một kết cục không hay ho gì tất yếu sẽ phải đến với cả hai đứa. Nhung cũng không phải là người dễ khóc. Sự đời đã làm Nhung trở nên chai cứng. Nhưng hôm nay thì Nhung đã khóc. Khóc vì rắn cắn, khóc vì những tiếng nổ xé rách không gian thấp thỏm trong lòng hang, hay khóc vì sự chia lìa? Hắn vừa chạy theo Lân vừa suy nghĩ về Nhung. Dẫu sao thì cũng là vợ chồng. Dẫu sao thì cũng là sự gắn bó như là tiền định, không thể không vấn vương trong hoàn cảnh này. Nhung cũng đã mang trong người một sự sống do hắn gieo trồng. Nhung có thể sống được nếu công an đến kịp, Hắn cầu mong cho công an đến sớm. Hắn bỗng dừng lại, rồi chạy ngược về phía hang đá nơi có Nhung đang trú ẩn, đưa súng lên trời, bóp liên hồi. Lân quay lại theo, giật tay hắn, gào lên:
- Mày điên à?
Hắn quay sang bảo:
- Để họ biết mà tìm đến ngọn núi này. Nếu không Nhung sẽ chết.
Bỗng một tràng AK rộ lên từ phía sườn núi dẫn lên hang đá. Họ đến rồi. Bây giờ thì hắn có thể yên tâm chạy được. Hắn quay sang bảo Lân:
- Nào, biến.
Cả hai lao xuống dốc núi dẫn ra con đường tắt để đi sang dãy núi phía sau. Vượt qua dãy núi đó bọn hắn sẽ đặt chân sang đất Hà Sơn Bình. Từ đó chúng có thể về Hà Nội hoặc ngược trở lại Vinh theo đường 1A. Hắn rời bãi vàng Lũng Sơn lần này là lần thứ hai. Rồi hắn sẽ trở lại nếu dòng người đào đãi còn mò đến tìm sự sống ở đó.
Và hắn đã trở lại sau hai năm lang bạt.
Đó là hai năm khốn khổ, khốn nạn cho cái kiếp chui rúc của một thằng tù trốn trại. Hắn và Lân đi đến đâu cũng ngửi thấy mùi nguy hiểm rình rập. Kinh nghiệm cho biết trốn trại mà mò về quê hương bản quán là dễ bị bắt nhất. Lân rủ hắn vượt biên giới đường bộ sang Lào. Lúc đầu Lân tưởng với vốn sống của mấy năm làm lính ở Campuchia sẽ giúp hai đứa dễ thích nghi với xứ Lào hoang sơ, đất rộng, người thưa. Nhưng bọn hắn đã lầm. Kiểu sống đặc trưng của các nhóm dân cư thưa thớt trên đất Lào không dễ gì du nhập được. Chúng tìm đường qua Thái Lan mấy lần nhưng không thành, luẩn quẩn mãi vẫn không sao ra khỏi mấy tỉnh Pusamsao, Puhoạt, Pulaileng giáp biên giới Việt-Lào. Đói rách quá, cuối cùng hai đứa lại lộn trở về Việt Nam. Đêm cuối cùng trước khi hắn và Lân chia tay để mỗi đứa một phương, Lân bảo:
- Trước mắt tao về quê xem thế nào đã. Nếu con nhỏ vẫn không sao thì tao sẽ tìm đường vào Sài Gòn.
Hắn buột miệng hỏi:
- Người đàn bà ở nhà mày là ai thế?
Lân bảo:
- Khốn nạn gặp nhau thôi. Tao ơn người ấy.
Hắn không muốn hỏi thêm, bảo:
- Tao sẽ quay trở lại Lũng Sơn xem thế nào. Nếu một trong hai thằng kiếm được chỗ làm ăn khá thì báo tin cho nhau. Mẹ kiếp, sao bây giờ dân thành phố giàu thế. Đi đâu cũng thấy xây dựng nhà cửa, đường xá, xe máy chen chúc, to nhỏ các kiểu, hàng hoá thì xanh đỏ, hoa cả mắt. Cuộc sống thay đổi đến chóng mặt mà tao với mày thì lại như thế này. Án chồng lên án, biết đến bao giờ mới gỡ được ra?