Chó ngao độ hồn - Chương 8 phần 7

Chín

Chột Mắt, Đầu Trắng, Đa Đa Miệng Thỏ, La La Đuôi Ngắn vây lấy chó rừng mẹ với ý đồ chẳng tử tế gì. Bộ râu trắng bên mép chúng chứa đầy sát khí, đồng tử màu hạt dẻ ánh lên sự tàn nhẫn. Chúng đứng thành vòng cung từ từ ép sát về phía chó rừng mẹ đang chần chừ trước cửa Động Rèm Tuyết, không hú, không tru cũng không gào rú, đối với loài chó rừng mà nói, im lặng là tín hiệu nguy hiểm nhất.

Sách Đà biết mấy con chó rừng đực ngang ngược này muốn làm gì. Chúng muốn trừng phạt con chó cảm tử đã dám to gan làm phản, chúng sẽ xé xác chó rừng mẹ một cách tàn bạo.

Sách Đà vốn đang đứng cạnh chó rừng mẹ, nó chẳng kịp nghĩ sâu hơn, lắc mình một cái đứng chặn giữa bốn con chó rừng đực và chó rừng mẹ, lưng dựa vào chó rừng mẹ, đối mặt với lũ chó rừng đực khí thế hung hăng, phát ra tiếng kêu ngắn mang tính can ngăn. Nó quyết không thể nhìn cảnh chó rừng mẹ bị xé xác một cách tàn bạo.

Bốn con chó rừng đực dừng bước, con nọ nhìn con kia, dường như đang trao đổi suy nghĩ, thống nhất ý kiến. Bỗng nhiên, Chột Mắt, Đầu Trắng, Đa Đa Miệng Thỏ lấy La La Đuôi Ngắn làm trung tâm, mấy cái miệng ghé sát vào nhau cùng hú lên, tiếng hú lúc dài lúc ngắn, hết đợt này đến đợt khác, du dương trầm bỗng, lạnh lùng thê lương, kéo dài trong gần một phút.

Sách Đà là chó đầu đàn, nó đương nhiên hiểu mấy con chó rừng đực áp mặt ghé sát miệng vào nhau như thế có ý nghĩa gì. Đây là nghi thức kết thành đồng minh độc đáo của đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, một cuộc hội họp nhằm thông đồng cấu kết, kéo bè kéo cánh với nhau, một lời tuyên thệ sẽ giúp đỡ lẫn nhau chống lại kẻ thù chung. Không nghi ngờ gì nữa, chúng liên kết với nhau chính là để chống lại Sách Đà.

Không để Sách Đà kịp nghĩ ra cách ứng phó, cả đàn chó rừng sau lưng cũng nhốn nháo cả lên, những con chó rừng đang nằm, ngồi hoặc ngồi xổm đều đứng hết cả lên, tập trung về phía Sách Đà, chậm rãi áp sát vào. Một mảng màu đỏ nhích dần từng bước trên nền tuyết trắng xóa, trông như đám lửa dần dần cháy lan ra. Đây quả là một màn khủng bố đỏ khiến người ta nhìn mà khiếp sợ.

Lúc này Sách Đà mới nhận thấy mình đã chọc giận số đông. Dù nói thế nào chăng nữa thì bốn con chó rừng đực xông lên bao vây chó rừng mẹ cũng là dưới ngọn cờ bảo vệ chế độ chó cảm tử vốn là truyền thống của đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư. Nhìn từ góc độ sinh tồn, cho dù chó rừng mẹ có bị xé thành từng mảnh chăng nữa thì cũng là tự chuốc vạ vào thân, hình phạt đúng người đúng tội. Thân là chó đầu đàn, nó không có quyền can thiệp vào, cũng không có quyền ngăn trở bọn chúng. Sách Đà đã làm trái với quy định, quay người ngăn trở chúng, nên trong mắt đàn chó rừng, nó đã trở thành đồng đảng của kẻ phản bội, trở thành kẻ tội đồ phá hoại chế độ chó cảm tử, gây nguy hại cho sinh tồn của cả đàn.

Đây là lí do tốt nhất để đồng loạt tấn công, cũng là cái cớ hay nhất để phát động đảo chính.

Nguy hiểm đã cận kề. Giờ nó chỉ còn một cách giải thoát duy nhất, chính là lập tức quay đầu lại, làm kẻ đầu tiên xông vào chó rừng mẹ, không diễn kịch mà phải làm thật, không mang tính tượng trưng mà phải thực sự dùng móng nhọn cào da xé thịt chó rừng mẹ, dùng răng sắc rút gân róc xương chó rừng mẹ, dùng máu của chó rừng mẹ để rửa sạch những nghi ngờ rằng nó có ý định làm phản, dùng tính mạng của chó rừng mẹ để tự cứu bản thân thoát khỏi cảnh ngàn cân treo sợi tóc. Nếu nó không làm như vậy, sẽ chỉ có một kết cục, đó là giống như chó rừng mẹ, bị đàn chó rừng đã mất hết lí trí kia ăn tươi nuốt sống. Dù lựa chọn con đường nào, nó cũng cần lập tức đưa ra quyết định.

Nếu Sách Đà là một con chó rừng giống như định nghĩa của con người, nó sẽ không hề do dự mà quay người lại dìm chó rừng mẹ trong vũng máu; chó rừng trong từ điển của con người gần như là từ đồng nghĩa với loài ma quỷ điên cuồng mất hết lương tâm. Nhưng Sách Đà là một con chó rừng thực sự bằng xương bằng thịt của sườn núi Nhật Khúc Ca, nó bỗng nhiên xoay người lại, nhảy lên thật cao, vượt qua đỉnh đầu chó rừng mẹ, vững vàng đáp xuống trước cửa Động Rèm Tuyết. Nó hướng vào trong khe đá tru lên một tiếng hùng hồn.

Nếu chó rừng mẹ không tự cắn vú mình, dùng máu để nuôi nó, sinh mạng nhỏ bé của nó sớm đã chẳng còn; nếu chó rừng mẹ không mạo hiểm với chính mạng sống của mình trước làn mưa tên đạn, nó đừng hòng trốn thoát khỏi tấm lưới ni lon săn chim chắc chắn; nếu chó rừng mẹ không cắn đứt hơn nữa cái đuôi của La La, nó sớm đã trở thành một con chó rừng hoang địa vị thấp hèn... Tất cả những chữ “nếu” ấy cộng lại, chẳng lẽ còn không đủ để nó vì chó rừng mẹ mà hi sinh một lần ư?

Cánh đồng tuyết lặng như tờ, im ắng một vẻ chết chóc. Đàn chó rừng bị hành động của Sách Đà làm cho kinh ngạc. Một chó đầu đàn trẻ tuổi tràn trề sức sống vì một con chó rừng cái thân già sức yếu mà đứng ra làm chó cảm tử, đây là chuyện kì lạ xưa nay chưa từng có trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư, hoàn toàn không phù hợp với quy luật đào thải của sự sinh tồn. Thế nhưng, tình cảm sâu nặng và tình thương vượt qua cả sự sống chết mà hành vi hiếm gặp này thể hiện ra thì không chê trách vào đâu được.

Bốn con chó rừng đực ngừng áp sát vào chó rừng mẹ. La La Đuôi Ngắn xấu hổ vùi đầu trong tuyết. Mấy con chó rừng cái trẻ kêu lên thảm thiết.

Đàn chó rừng, vĩnh biệt!

Trong lòng Sách Đà hiểu rõ, dù cho nó có là chó đầu đàn sức lực dồi dào, săn mồi thuần thục, nhưng trực tiếp vật lộn với lợn rừng mẹ hung dữ trong khe đá chật hẹp thế này, cơ hội sống sót cũng vô cùng mong manh. Nó hít một hơi thật sâu. Nó cần phải bình tĩnh lại, để ý chí và sức lực đều tập trung vào móng vuốt trên bốn chân và hàm răng sắc nhọn. Nó đã tự nguyện thay chó rừng mẹ đi làm chó cảm tử thì không thể để mất phong độ và sự gan dạ của một chó đầu đàn. Nó không thể lãng phí sinh mạng quý giá của mình một cách vô ích. Trước khi bị cặp nanh lợn rừng cắn gãy cổ, nó nhất định phải lôi được con lợn ôn dịch ấy ra khỏi động!

Lợn rừng mẹ ở trong động rên lên căng thẳng. Sách Đà vươn vai, thu bụng, dồn trọng tâm của toàn thân về phía sau lưng, chuẩn bị cho đợt tấn công cuối cùng trong đời.

Đúng vào khoảnh khắc lúc Sách Đà ngắm chuẩn khe đá, cong chân sau chuẩn bị dùng sức bật vào trong, đột nhiên, vai phải của nó bị xô mạnh một cái, toàn thân nghiêng về bên trái, nó đứng không vững ngã lăn ra, lộn hai vòng, lăn xa mấy bước ra khỏi cửa động.

Nó giận dữ trừng mắt nhìn quanh, trời, hóa ra là chó rừng mẹ xô ngã nó! Chó rừng mẹ đã thay nó đứng trước cửa Động Rèm Tuyết. Trông chó rừng mẹ hiên ngang, bộ lông rối bời dựng đứng lên một cách kì lạ, màu lông nhàn nhạt cũng đột nhiên trở nên lấp lánh, sinh mạng như được tử thần lau cho sáng bóng. Dưới nền tuyết trắng phau, chó rừng mẹ giống như một mảnh vỡ của mặt trời, một luồng hào quang từ trên cao rọi xuống.

“U...” chó rừng mẹ phát ra tiếng hú đau lòng xé ruột.

Không để Sách Đà kịp bò dậy, chó rừng mẹ liền chui vào trong khe đá như một ngọn lửa.

Con lợn rừng trong khe đá kêu gào ầm ĩ như bị lửa thiêu, tiếp đó từ bên trong phát ra những tiếng cắn xé kịch liệt, tiếng hú của chó rừng mẹ, tiếng rên của lợn rừng và tiếng hét hoảng sợ của lũ lợn rừng con hòa thành một bản giao hưởng có một không hai. Trong khe đá quá chật hẹp, Sách Đà chẳng thể chui vào giúp chó rừng mẹ một tay. Khe đá tối đen như mực, chẳng thể nhìn thấy gì, chỉ thấy thân sau của chó rừng mẹ xoay qua xoay lại trước cửa động. Chó rừng mẹ từng bước lùi ra ngoài, một dòng máu tanh từ trong khe thấm ra, nhuộm đỏ cả mảng tuyết lớn trước cửa động.

Cuối cùng, chó rừng mẹ cũng lôi được nửa thân trước của lợn rừng ra khỏi khe đá.

Trên mặt chó rừng mẹ bê bết máu, nửa tấm da đầu bị lợn rừng xé toạc, lộ ra xương sọ màu trắng xám. Một chân trước của chó rừng mẹ chọc vào mắt trái lợn rừng, con mắt lồi như quả cầu thủy tinh đung đưa trên không. Hai chân sau của chó rừng mẹ hết sức ghì chặt ra sau. Trên mặt lợn rừng máu me be bét, đưa một chân trước quặp lấy eo chó rừng mẹ, dồn toàn sức đưa cái mồm nhọn hoắt ra phía trước. Đột nhiên, răng nanh lợn rừng đâm trúng bụng chó rừng mẹ, cái đầu lợn lắc sang hai bên, roạt một tiếng cắn da bụng chó rừng mẹ rách ra một khoảng lớn, ruột gan trôi đầy xuống đất. Chó rừng mẹ đã chẳng còn hơi mà kêu lên nữa.

Có lẽ gió Bắc lạnh thấu xương và tuyết bay đầy trời ở bên ngoài đã khiến cho đầu óc đang nóng bừng bừng của lợn rừng bình tĩnh trở lại, có lẽ đàn chó rừng đỏ quạch bên ngoài động đã khiến nó ý thức được tình cảnh nguy hiểm của bản thân, có lẽ chó rừng mẹ máu đã sắp cạn, sức đã sắp tàn nên lực kéo ra bên ngoài giảm xuống, lợn rừng bỗng ngừng tiến lên phía trước, quay đầu ra sức rụt về phía sau. Chó rừng mẹ không giữ nổi, lại còn bị kéo lại vào trong khe đá.

Nếu để cho lợn rừng lôi lại vào trong khe đá, bao công lao của cả đàn đều sẽ xuống sông xuống biển, máu của chó rừng mẹ cũng sẽ chảy một cách vô ích. “U... u...”, đàn chó rừng đồng thanh tru lên. Có lẽ đây là đội cổ vũ bi tráng nhất trên thế giới. Chó rừng mẹ liều nốt chút sức lực cuối cùng, bật ra ngoài cửa khe đá, đưa cổ mình dâng lên trước cái mõm hôi mù của lợn rừng. Lợn rừng bất giác dùng răng nanh xọc mạnh vào cổ chó rừng mẹ, tạm thời dừng động tác lui vào trong hang. Chó rừng mẹ thừa cơ dùng chân trước còn lại chọc vào mắt phải của nó.

Cơn đau dữ dội khiến lợn rừng mất hết lí trí, hai mắt bị mù khiến nó không thể nhận rõ được phương hướng, thân thể nó chui ra khỏi hang, xông về phía chó rừng mẹ ngoạm lung tung.

Vào khoảnh khắc lợn rừng mẹ chui ra khỏi khe đá, Sách Đà nhanh nhẹn nhảy lên lưng nó, trổ hết những tuyệt chiêu sở trường và lợi hại nhất của chó rừng, đưa một bàn chân móng vuốt sắc nhọn vào hậu môn lợn rừng, ngoáy lộn trong gan ruột nó.

Con lợn ôn dịch đã đau đến mức không còn biết gì nữa rồi.

Đàn chó rừng reo mừng chiến thắng, mang niềm vui cuối cùng cũng được giải thoát khỏi cái đói, nhất tề xông lên. Dưới bầu trời xám xịt diễn ra một trận đồ sát điên cuồng.

Chó rừng

Tên Latinh của chó rừng: Cuon alpines

Phân loại động vật học

Chó rừng thuộc lớp động vật có vú, bộ ăn thịt, họ Chó, chi chó rừng. Do lông chúng có màu đỏ, nên còn được gọi là sói đỏ. Mặc dù theo phân loại động vật học, chó rừng, sói và chó đều thuộc họ chó, nhưng thuộc các chi khác nhau, nguyên nhân bao gồm ba phương diện sau: một là chó rừng chỉ có bốn mươi chiếc răng, ít hơn động vật trong chi Chó hai chiếc; hai là số bầu vú của chúng nhiều hơn động vật thuộc chi Chó từ bốn đến sáu cái; tổng cộng có 14 đến 16 cái; ba là giữa gót chân và đệm thịt của chúng có lông, nhưng động vật thuộc chi chó không có.

Chó rừng được chia thành nhiều loại nhỏ, nổi tiếng nhất phải kể đến chó rừng lưng bạc, chỉ sinh trưởng ở vùng Siberia. So với các loại chó rừng khác, lông chó rừng lưng bạc dày và mềm mượt hơn nhiều, đặc trưng rõ ràng nhất chính là giữa lớp lông màu hồng nâu trên lưng có một đường lông trắng tinh, từ trên gáy kéo thẳng xuống góc đuôi, giống như đeo một dải bạc lộng lẫy.

Phân bố địa lý

Chó rừng có phân bố khá rộng, các khu vực Tây Nam, Hoa Nam, Đông Bắc Trung Quốc đều có chó rừng qua lại, các vùng Siberia của Nga, Mông Cổ, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia và Thái Lan cũng có dấu vết hoạt động của chó rừng.

Vai trò trong tự nhiên

Chó rừng là động vật ăn thịt cỡ vừa điển hình. Thân hình chó rừng nhỏ hơn so với sói, nếu sắp xếp theo thể lực của cá thể đơn lẻ, lẽ ra nên xếp ở khoảng giữa của chuỗi thức ăn. Nhưng chó rừng tính tình hung dữ, thích sống thành đàn, một đàn chó rừng ít thì mười mấy con, nhiều thì hàng trăm con, mặc dù thân hình chúng không lớn, nhưng đàn chó rừng tập trung lại còn hung hãn hơn cả sói, có thể nói là đánh đâu thắng đó, chẳng những hạ được trâu, mà còn thường tấn công cả gấu, báo và hổ. Còn sói thường không dám chủ động đối địch với những loài lớn hơn. Hổ mặc dù được coi là “chúa sơn lâm”, nhưng nếu gặp phải đàn chó rừng, cũng sẽ biết điều mà lặng lẽ tránh xa. Từ đó có thể thấy, đàn chó rừng mới là chúa tể thực sự của rừng xanh.

Chó rừng săn động vật sống, cũng ăn cả xác chết, không kén chọn thức ăn, gặp gì ăn nấy, thuộc loại động vật ăn tạp. Cùng với kền kền và quạ, chó rừng được xem là một trong ba “công nhân dọn xác” hàng đầu trong rừng sâu.

Chó rừng trong con mắt loài người

Mọi người đều công nhận rằng, chó rừng chưa từng gây tổn thương cho loài người. Đến nay, trên thế giới chưa có ghi chép về việc chó rừng ăn thịt người. Mặc dù vậy, con người chưa từng có thiện cảm với chó rừng. Sài lang hổ báo, chó sói hoành hành, sài lang cầm quyền, chó rừng đứng đầu trong các loài ác thú, dường như trở thành từ thay thế cho “tội ác tày trời”.

Từ thế kỉ XVIII, nhà tự nhiên học nổi tiếng người Pháp Buffon trong cuốn Chân dung các loài động vật đã mô tả chó rừng là loài “tập trung sự vô sỉ của chó và sự đê tiện của sói, mang đầy đủ bẩm tính của cả hai loài, dường như chỉ là một sự kết hợp ghê tởm của tất cả những sản phẩm xấu xa của cả hai loài chó và sói”, đồng thời gọi chó rừng là “quạ đen trong số các loài động vật bốn chân”.

Đặc trưng hành vi

Đuôi chó rừng lớn hơn đuôi sói, nhưng không xù như đuôi cáo; tai chúng khá nhỏ, bốn chân cũng khá ngắn, lông toàn thân dày nhưng thô, thường mang màu nâu đỏ, chót đuôi màu đen, bụng và cổ màu trắng, có khi xen lẫn màu đỏ.

Chó rừng thường dừng chân ở vùng rừng rậm núi cao, chúng không biết làm tổ, thường sống trong khe đá hoặc các động thiên nhiên, hoặc ẩn mình trong các khóm cây rậm rạp. Phần lớn chúng hoạt động vào sáng sớm và chiều tà, tấn công các loài thú cỡ vừa và nhỏ.

Chó rừng có một kĩ năng đi săn mà không một loài động vật nào khác thuộc họ chó có được, đó là móc ruột của con mồi. Khi gặp được những loài động vật ăn cỏ cỡ lớn như trâu bò, chó rừng không thể cắn vào điểm chí mạng của con mồi, chúng liền áp dụng chiến thuật tập kích từ sau lưng.

Thường thì trước tiên vài con chó rừng sẽ giả vờ tấn công trực diện, xông lên cắn vào cổ con trâu nhằm thu hút hết sự chú ý của nó. Chó rừng đầu đàn thân thể to lớn, động tác nhanh nhẹn sẽ vòng ra sau lưng con trâu, đột nhiên nhảy lên phía sau nó, giống như con đỉa bám thật chặt lên mình trâu. Chó rừng ngậm lấy đuôi trâu, giương móng vuốt, dùng lực đâm thẳng vào hậu môn, thọc vào trong bụng con trâu, móng vuốt như cái móc sẽ túm lấy ruột trâu, rút ra ngoài như chơi kéo co. Hai con chó rừng khác sẽ lập tức xông lên giúp sức, ngoạm lấy ruột trâu ra sức kéo, con trâu càng giãy giụa, ruột sẽ bị lòi ra càng nhanh. Chó rừng không chỉ móc ruột khi trâu vẫn đang sống, mà còn ăn tươi luôn, con trâu dẫu có khỏe mạnh đến đâu, một khi bị chó rừng móc ruột, cũng nhanh chóng trở thành một đống thịt mặc cho đàn chó rừng tha hồ mổ xẻ. Cách này mặc dù rất hiệu quả, nhưng cũng rất hạ lưu bỉ ổi, đây có lẽ là một nguyên nhân quan trọng khiến cho chó rừng phải mang tiếng xấu.

Những câu chuyện thú vị

Các con vật trong vườn thú đều được xếp chỗ và có khẩu phần cố định. Chó rừng là động vật ăn thịt, trong vườn thú mỗi ngày mỗi con chó rừng được cung ứng một cân rưỡi thịt tươi. Nhưng lượng thịt tươi được cung cấp cho một con chó rừng trong một tuần lại không phải là 1,5 x 7 = 10,5 cân, mà chỉ có 9 cân. Đó là bởi vì mỗi tuần đều có một ngày phải ngừng cho chó rừng ăn, nói cách khác, chó rừng cứ bảy ngày phải nhịn đói một ngày. Sở dĩ làm như vậy, không phải là vì tiết kiệm kinh phí, cũng chẳng phải là cố tình làm khó hoặc ngược đãi chó rừng, mà là để cho phù hợp với nhịp độ ăn uống của chó rừng trong tự nhiên.

Chó rừng hoang sống trong rừng, mặc dù bản tính hung dữ hơn sói, lúc thành đàn dám tấn công cả các loài mảnh thú cỡ lớn như gấu đen, báo hoa, nhưng không phải ngày nào cũng săn được mồi, phải nhịn đói là chuyện bình thường. Theo khảo sát trong tự nhiên của các nhà động vật học, chó rừng bình quân cứ sáu bảy ngày lại có một ngày gần như không thu hoạch được gì. Các vườn thú nuôi chó rừng đều tuân theo phương thức cứ một tuần lại cho chúng nhịn ăn một ngày.

Ven biển phía nam có một thành phố mới phát triển, ở đó mới xây vườn thú, nuôi một ổ chó rừng, người nuôi còn thiếu kinh nghiệm, ngày nào cũng cho chó rừng ăn, kết quả lũ chó rừng cả ngày lười biếng ủ rũ, lại còn sinh ra ốm yếu, chỉ trong hai tháng ngắn ngủi mà có ba con chó rừng ốm chết. Khi mời chuyên gia đến khám, chuyên gia không kê đơn thuốc, chỉ đề nghị mỗi tuần cho chúng nhịn ăn một ngày, kết quả không lâu sau, những con chó rừng bị ốm đã khỏe mạnh trở lại, lũ chó rừng tinh thần phấn chấn, cả đàn chó rừng sức sống tràn đầy. Đối với chó rừng, cơn đói ở mức độ vừa phải đã trở thành một cơ chế sinh lí để thích nghi với môi trường của chúng.

Những trải nghiệm của tôi

Tôi đã từng có thời gian làm việc ở trạm cứu trợ động vật hoang dã Tây Song Bản Nạp. Có một lần, một người dân địa phương lên núi hái thuốc, nhặt được một con chó rừng mới sinh, liền bế nó về trạm cứu trợ. Cấp trên bảo tôi phụ trách nuôi dưỡng con chó rừng non này. Tôi dùng bình sữa cho nó uống sữa bò, sau ba tháng chuyển qua cho nó ăn cháo thịt.

Mặc dù tôi ngày nào cũng ôm nó, nhưng tôi không thích nó chút nào. Tôi phát hiện chó rừng sinh ra đã khiến người ta thấy ghét. Hình dáng nó giống chó, nhưng độ đáng yêu thì lại kém xa loài chó. Tôi là người gần gũi với nó nhất, nhưng nó chưa từng nhiệt tình vẫy đuôi với tôi như chó, thấy tôi bước vào chuồng, nó chưa từng sà vào lòng tôi nũng nịu như chó. Tôi cho nó ăn thứ này thứ khác, nó ăn no rồi liền trải đuôi ngồi xuống đất, chẳng bao giờ thè lưỡi liếm quần tôi tỏ ý cảm ơn. Khi tôi sắp ra khỏi chuồng, nó cũng chẳng bao giờ quấn quýt bên gối tôi thể hiện tình cảm lưu luyến. Tôi luôn cho rằng giữa tôi và con chó rừng nhỏ này chỉ tồn tại quan hệ thuần túy giữa người nuôi thú và con vật được nuôi, tôi đưa thức ăn, nó nhận thức ăn, tất cả chỉ có vậy, giữa hai bên là sự xa cách và lạnh lùng.

Lúc này, một người bạn tặng tôi một con chó. Đó là một chú chó Bắc Kinh lông trắng như tuyết, cũng lớn chừng bốn tháng tuổi, tên là Bóng Tuyết, vô cùng đáng yêu. Tôi đút cho nó một miếng thịt bò khô, nó liền vẫy đuôi rối rít, tôi vừa gọi tên nó, nó liền mừng rỡ sà vào người tôi, tôi ôm nó, nó liền cảm kích liếm vào mặt tôi. Tôi đương nhiên rất thích Bóng Tuyết, lúc đi làm cũng cho nó đi theo, có vài lần khi cho chó rừng nhỏ ăn, tôi cũng cho nó đi cùng.

Điều khiến tôi tức giận là, khi chó rừng nhỏ lần đầu tiên thấy Bóng Tuyết, nó liền giống như trông thấy kẻ địch, nghiến răng nghiến lợi gào lên. Tôi để Bóng Tuyết đứng bên ngoài chuồng, tự mình chui vào trong chuồng cho chó rừng nhỏ ăn, uống và quét dọn vệ sinh. Nhưng chỉ cần tôi đưa Bóng Tuyết đi cùng, chó rừng nhỏ liền không thèm để ý đến thức ăn tôi mang vào, mà xông ra trước lưới sắt, đuổi theo cái bóng của Bóng Tuyết, điên cuồng hú lên, gặm vào song sắt kêu ken két. Đến tận khi tôi ôm Bóng Tuyết bỏ đi, nó vẫn còn tiếp tục hú thêm nửa ngày nữa rồi mới chịu ăn. Chó và chó rừng không phải mới sinh ra đã là những kẻ đối địch nhau, tôi không hiểu vì sao chó rừng nhỏ lại ghét Bóng Tuyết đến thế.

Có một lần, tôi cho Bóng Tuyết cùng đi đến cho chó rừng nhỏ ăn, lúc tôi vào trong chuồng, sơ ý một cái, Bóng Tuyết cũng lẻn theo vào, tôi định đuổi Bóng Tuyết ra thì đã muộn, chó rừng nhỏ lao nhanh như một cơn lốc lên người Bóng Tuyết mà cắn xé. Bóng Tuyết hoàn toàn không phải là đối thủ của chó rừng nhỏ, khuôn mặt nhanh chóng bị cào rách, tai cũng bị cắn chảy máu. Tôi vội vàng bế Bóng Tuyết lên. Chó rừng nhỏ vẫn không chịu buông tha, ra sức nhảy lên người tôi mà cắn Bóng Tuyết. Tôi tức quá, đá cho nó một cái, rồi lại đá nó thêm một cái nữa vào trong góc tường, giận dữ quát ầm lên mới khống chế được bản tính hoang dã của nó.

Nhưng tôi không ngờ rằng, từ đó chó rừng nhỏ tuyệt thực, cúi đầu ủ rũ thu mình trong góc, ai đến cho ăn, cho ăn thứ gì nó cũng không ăn. Tôi đến bên chuồng, nó nhìn tôi ấm ức khẽ tru lên vài tiếng, cũng không chịu ăn những thứ tôi cho. Vài ngày sau, chó rừng nhỏ gầy rộc đi, mệt mỏi ủ rũ, đứng trước ranh giới của sự sống và cái chết.

Chúng tôi làm việc ở trạm cứu hộ động vật hoang dã, có trách nhiệm đối xử tốt với tất cả các loài động vật hoang dã cần đến sự giúp đỡ. Không còn cách nào khác, tôi đành mời bác sĩ thú y họ Tiền đến khám bệnh. Bác sĩ Tiền đã có hai mươi năm tiếp xúc với động vật hoang dã, kiến thức uyên bác, ông nghe tôi kể xong mọi chuyện, khám cho chó rừng nhỏ xong, liền cười bảo, cơ thể nó không có bệnh, bệnh của nó là bệnh tinh thần, bệnh tinh thần cần phải dùng thuốc tinh thần mới chữa được. Bác sĩ Tiền dạy tôi một cách, tôi cân nhắc thiệt hơn, cuối cùng đành miễn cưỡng nhận lời.

Sáng sớm hôm nay, tôi dắt Bóng Tuyết đến bên ngoài chuồng nuôi chó rừng nhỏ, đột nhiên vung roi đánh Bóng Tuyết, vừa đánh vừa mắng nhiếc thậm tệ. Bóng Tuyết tự nhiên bị đánh, ấm ức kêu lên, nhưng do bản năng phục tùng chủ nhân vô điều kiện của loài chó, nó vẫn ngoan ngoãn tìm cách chui vào lòng tôi. Tôi cắn răng, hất chân một cái, đá Bóng Tuyết ra xa, rồi lại nghiến răng mắng: “Cút!”. Bóng Tuyết khóc lóc cúp đuôi chạy mất. Chính vào lúc tôi đối xử thô bạo với Bóng Tuyết, kì tích đã xuất hiện, chó rừng nhỏ run rẩy chui ra từ trong góc, vô cùng thích thú xem màn trình diễn của tôi.

Sau khi đánh đuổi Bóng Tuyết đi, tôi chui vào trong chuồng, đổ cháo thịt vào trong chậu, chẳng cần tôi giục, chó rừng nhỏ liền ăn ngấu nghiến. Phán đoán của bác sĩ Tiền là đúng, chó rừng nhỏ thấy tôi chuyển tình thương với nó sang cho Bóng Tuyết, vì ghen tị nên nó mới nhìn Bóng Tuyết với ánh mắt căm thù; tôi mắng nó, đá nó trước mặt Bóng Tuyết, mặc dù vết thương trên người nó không có gì đáng kể, nhưng trong lòng lại bị tổn thương nghiêm trọng, cho nên nó mới tuyệt thực. Trước đây tôi cứ tưởng chó rừng lạnh lùng vô tình, xem ra hiểu biết của tôi và chó rừng còn quá nông cạn, thực ra chúng rất trọng tình cảm, chỉ là chúng không giỏi thể hiện ra như chó mà thôi.

Hiện trạng sinh tồn

Do thành kiến của người đời, chó rừng xưa nay không được coi trọng, cuộc sống cực kì khó khăn. Trước đây cao nguyên Điền Bắc thường xảy ra chuyện đàn chó rừng tấn công gia súc, nhưng vào năm 2002; khi Sở nghiên cứu động vật thuộc Viện khoa học Trung Quốc đưa một đội khảo sát đến châu Địch Khánh, trải qua 61 ngày mà chẳng thấy bóng dáng một con chó rừng nào.

Loài chó rừng lưng bạc Siberia quý hiếm, vào thập niên 70 của thế kỉ trước vẫn còn khoảng ba nghìn con, đến năm 2003, chỉ còn lại chưa được bốn trăm con. Hiện nay chó rừng đã được đưa vào danh sách các loại động vật cần được bảo vệ cấp hai của Trung Quốc.

Chó rừng quả thật có kỉ luật nghiêm khắc nhất, tổ chức chặt chẽ nhất, đẳng cấp rõ ràng nhất trong số tất cả các động vật sống thành đàn; trong đàn chó rừng có chó đầu đàn, chó lính, chó bảo mẫu, còn có cả chó cảm tử lúc nào cũng sẵn sàng vì cả đàn mà hi sinh thân mình, giống như một tổ chức quân sự hoàn thiện.

Mỗi loài động vật có thể sống đến ngày hôm nay đều là kẻ xuất chúng trong quá trình tiến hóa. Chúng ta nên cảm ơn tạo hóa đã ban cho loài người thế giới tự nhiên phong phú đa dạng, nhất thiết đừng vì thiếu hiểu biết và những định kiến mà kiến cho một loài động vật hoang dã thông minh như chó rừng bị tuyệt chủng.