Chó ngao độ hồn - Chương 8 phần 5

Năm

Sách Đà đành đưa ánh mắt nhìn về phía Hà Thổ một lần nữa. Hà Thổ co mình đằng sau cây xoan, đứng từ sau thân cây nâu khẳng khiu với cặp mắt lộ vẻ vừa hoang mang kinh hãi vừa phẫn uất thê lương. Ánh mắt của Sách Đà và Hà Thổ chạm vào nhau trong không khí, khiến Sách Đà phải hoa mày chóng mặt, tựa như linh hồn trượt chân rơi xuống từ trên vách đá cao trăm trượng, gây ra một cảm giác không trọng lượng đáng sợ. Ánh mắt nó trở nên mơ hồ và yếu đuối, không chịu nổi cái nhìn nặng trĩu vẻ ngóng trông của chó rừng mẹ, chỉ đành rời mắt qua chỗ khác.

Nó hiểu chó rừng mẹ Hà Thổ nuôi nó khôn lớn thực chẳng dễ dàng gì.

Chó rừng mẹ sinh ra ba con chó con, một con mới ra đời chưa được bao lâu đã bị ngã xuống hồ chết đuối, còn một con khác nuôi được nửa năm thì bị đại bàng từ trên trời sà xuống quắp đi. Chó rừng mẹ chỉ còn lại một mình nó là đứa con vàng ngọc, nó được hưởng trọn tình thương yêu của mẹ.

Trời lạnh, mưa rơi, chó rừng mẹ giữ nó trong lòng, dùng thân mình làm thành bức tường chắn gió, chiếc ô che mưa cho nó. Để nó được ăn uống đầy đủ, chó rừng mẹ cùng cả đàn săn được con mồi xong, chẳng thèm để ý đến thự tứ chia phần theo địa vị cấp bậc, cứ chen thẳng lên phía trước cướp đoạt phần thịt bụng trơn mềm bổ béo nhất về cho nó.

Hành động của chó rừng mẹ đương nhiên khiến lũ chó đực, chó cái có địa vị cao hơn phải tức giận, chó rừng mẹ phải chịu sự trừng phạt cũng là điều dễ hiểu; trên mông chó rừng mẹ có hai vết sẹo hình lưỡi liềm, chính là dấu vết lưu lại từ những lần tranh giành thức ăn.

Còn nhớ vào mùa đông đầu tiên sau khi Sách Đà chào đời, đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư gần năm ngày trời không tìm được thức ăn, bầu sữa của chó rừng mẹ chẳng chảy ra được một giọt sữa nào. Sách Đà còn nhỏ, không chịu được cơn đói đến mức ấy, suýt thì mất mạng. Chó rừng mẹ phải cọ mình trong tuyết, gù lưng như hình cung, đưa cái miệng sắc nhọn qua giữa hai chân sau, xé rách da thịt trên ngực mình, dùng từng giọt máu tươi mớm cho nó, Sách Đà mới không chết đói như những con chó rừng non khác trong đàn.

Làm sao Sách Đà có thể nhẫn tâm chọn chó rừng mẹ luôn yêu thương nó, chịu bao khổ sở nuôi nó khôn lớn đi làm chó cảm tử, đẩy chó rừng mẹ vào nơi nước sôi lửa bỏng, phó mặc cho tử thần được?

Ánh mắt nó cứ nhìn qua nhìn lại giữa chó rừng mẹ Hà Thổ và một con chó rừng đực già khác. Nó ngồi trên mép đá con cóc nghiêng đầu trầm tư suy nghĩ, tựa như đang nghiêm túc gánh vác trách nhiệm, vì việc tuyển chọn chó cảm tử mà hao tổn tâm trí, mượn điều đó để che giấu mâu thuẫn lớn lao ở trong lòng.

Đàn chó rừng vẫn im lặng, đó là một sự chờ đợi trong bất mãn, một sự cảnh cáo mang tính kiên nhẫn.

Sách Đà cũng biết, nó không thể cứ đưa mắt nhìn qua nhìn lại mãi như thế. Phẩm chất quan trọng nhất của chó đầu đàn là tính kiên nghị và quyết đoán, nếu không sẽ dần mất đi sự tín nhiệm của thuộc hạ, từ đó dẫn đến sự lung lay niềm tin đối với địa vị thống trị của mình, cuối cùng là nguy cơ bị lật đổ.

Nó không thể do dự thêm nữa, Sách Đà nghĩ, nhất định phải nhanh chóng đưa ra lựa chọn cuối cùng. Nhưng rốt cục nên chọn con nào làm chó cảm tử? Chọn Đạt Man Hồng, có nghĩa là không công bằng, nó sẽ bị kết tội, rồi bị đuổi khỏi địa vị chó đầu đàn; chọn chó rừng mẹ Hà Thổ, tuy là công bằng thật, nhưng bản thân lại không thể chịu nổi sự tra khảo của lương tâm. Phải làm sao đây? Phải làm sao đây?

Tuyết lông ngỗng lặng lẽ rơi, màn trời một màu u ám.

“Khụt khịt...” lợn rừng mẹ trong Động Rèm Tuyết thấy mãi mà đàn chó rừng không có động tĩnh gì, có lẽ cho rằng chúng chẳng làm gì nổi mình, liền phát ra những tiếng kêu đầy vẻ kiêu ngạo và dương dương tự đắc.

La La Đuôi Ngắn khịt mũi một cái, đứng thẳng người lên, hai chân trước bám vào mỏm đá con cóc, đây là một tư thế đòi thay quyền, một hành vi thăm dò đầy dã tâm.

Thôi đành vậy, Sách Đà nghĩ, nó không thể vì giữ ngôi chó đầu đàn mà làm trái lương tâm, tước đi sinh mạng của chó rừng mẹ được. Cứ để La La Đuôi Ngắn cầm đầu mấy con chó rừng đực không chịu an phận kia xông lên cắn nó tơi tả, buộc nó phải cắm đầu bỏ chạy, trở thành con chó hoang địa vị thấp hèn đi, nó cứ nhất quyết đưa mắt nhìn về phía Đạt Man Hồng đấy!

Ánh mắt của Sách Đà vẽ nên một đường cong trong không khí, còn chưa kịp dừng lại trước mục tiêu, trong đầu nó lại hiện ra kết cục bi thảm của chó đầu đàn Vương Nãi Mạc vì thiên vị cho chó vợ Nhã Sảnh hơn hai năm về trước.

Khi đó Sách Đà dẫn đầu mấy con chó rừng đực đuổi Nãi Mạc ra khỏi đàn một cách vô tình. Giữa những tiếng hú chói tai chào mừng của đàn chó rừng, nó trở thành chó đầu đàn kế vị.

Tiếp sau đó, chúng vẫn chọn Nhã Sảnh làm chó cảm tử, mấy con chó rừng đực vừa cắn vừa cào trên lưng Nhã Sảnh như những kẻ bị bệnh thích ngược đãi người khác, buộc con chó rừng cái già xấu hổ ấy phải tiến về phía con dê non đang nằm kêu be be trên đám cành khô. Dưới chân dê non quả nhiên có bẫy của thợ săn, Nhã Sảnh bị kẹp đứt đoạn luôn cái cổ.

Lịch sử sẽ lặp lại, bi kịch sẽ tái diễn.

Cho dù Sách Đà có từ bỏ ngôi vị, cũng không thể xoay chuyển càn khôn, giúp cho Hà Thổ khỏi phải làm chó cảm tử. Nó không cứu nổi chó rừng mẹ. Giờ phút này, chó rừng mẹ phải vào vai chó cảm tử, đó là số phận, là ý trời. Nó tội gì phải ngốc đến nỗi đem ngôi vị và tiền đồ xán lạn của mình ra làm đồ tuẫn táng?

Sách Đà đứng trên mỏm đá con cóc, đưa cái mõm nhọn vào sâu trong lớp tuyết, tuyết bị hơi ấm từ trong miệng nó làm cho tan chảy, một luồng hơi lạnh thấu xương lan tỏa khắp người. Nó cần phải vùi lương tâm của mình trong tuyết. Sau đó, nó lại ngẩng lên, lắc mạnh đầu một cái, rũ hết những tình cảm yếu mềm còn vương vấn trong lòng vốn là thứ tương khắc như nước với lửa với bản tính của chó rừng. Ánh mắt lựa chọn của nó hướng về phía chó rừng mẹ Hà Thổ một cách bình tĩnh và kiên định.

Mẹ chính là chó cảm tử! Mẹ buộc phải hi sinh bản thân mình vì lợi ích của cả đàn.

Mấy chục cặp mắt tàn nhẫn trong đàn đều tập trung nhìn về phía Hà Thổ. “U... u...” những tiếng hú tán thành vang lên.

Chó rừng mẹ Hà Thổ vốn đang nép mình sau gốc cây xoan, lúc này bỗng giật nảy người, quay đầu định bỏ chạy vào trong khe núi. Nhưng muộn rồi, đàn chó rừng sớm đã có phòng bị, chớp mắt liền đứng thành hình chữ “L” trước vách núi, những con chó rừng đực trừng mắt canh giữ những lối thoát quan trọng, chỉ chừa ra một lối duy nhất – đi về phía Động Rèm Tuyết đáng sợ kia.

Hà Thổ vùi đầu vào giữa hai chân trước, nằm vật trên nền tuyết mà tru lên thảm thiết.

Mặc dù mỗi con chó rừng trưởng thành trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư đều hiểu chế độ lựa chọn chó cảm tử là có lợi cho sự sinh tồn của cả đàn, nhưng một khi sự việc xảy đến với mình thì rất ít chó rừng già có tinh thần hiểu rõ đại nghĩa, khảng khái đối diện với khó khăn. Đến con kiến còn ham được sống, chó rừng là loài động vật có vú, đương nhiên càng trân trọng sinh mạng của mình. Động vật hoang dã rất hiếm khi tự sát, đứng trước vấn đề sống chết, chúng đại đa số đều tuân theo quy luật sinh tồn, dẫu sao được sống vẫn hơn.

Sau khi chọn được chó cảm tử, kẻ được chọn thường sẽ giở các loại thủ đoạn hòng trốn tránh số phận. Có con sủi bọt mép lăn ra đất giả vờ chết, con thì xông lên cào cấu lung tung như thể phát điên, con thì lớn tiếng la lối nguyền rủa, con thì tìm thời cơ bỏ chạy...

Chó cảm tử là một chế độ phục vụ cả đàn đã tồn tại từ lâu trong đàn chó rừng đỏ Ai Đế Tư đương nhiên cũng có những biện pháp cưỡng chế đi kèm để bảo đảm cho chế độ này được chấp hành nghiêm túc. Đó chính là chó đầu đàn đến bên cạnh chó cảm tử, dùng lưỡi liếm – an ủi, khuyên giải và cổ vũ; tiếp đến dùng đuôi xua – đốc thúc, uy hiếp và dọa nạt; cuối cùng dùng răng và móng vuốt tấn công – ép buộc, bức bách và xua đuổi. Nếu chó cảm tử vẫn không chịu tuân theo mệnh lệnh, một loạt chó rừng đực trưởng thành sẽ vây lấy nó, đồng loạt tấn công khiến cho nó phải trầy da tróc thịt. Từng có một con chó rừng đực già tên là Áo Áo, vì không chịu tuân lệnh đi làm chó cảm tử mà bị đàn chó rừng phẫn nộ xé thành từng mảnh.

Thủ đoạn tàn nhẫn này là để cho mỗi con chó rừng già bị chọn làm chó cảm tử biết rằng, ngẩng cao đầu xông vào chỗ nguy nan tuy rằng sẽ chết, nhưng là cái chết oanh liệt, vinh quang, nặng như núi tuyết Nhật Khúc Ca; khom lưng rụt rè không chịu tiến lên rồi cũng vẫn phải chết, hơn nữa là cái chết hèn nhát, hồ đồ, nhẹ như lông chim sẻ.

Hai cách chết ấy, tùy chó cảm tử lựa chọn.

Nhìn biểu hiện của chó rừng mẹ Hà Thổ, giờ là lúc để Sách Đà tiến lên dùng vũ lực khuyên răn.

Đàn chó rừng hồi hộp nhìn nó, mấy chục cặp mắt đan xen giữa nỗi lo sinh tồn và cơn khát máu.

Sách Đà nhảy từ trên mỏm đá con cóc xuống mặt đất.

Sáu

Nó đứng cách chó rừng mẹ chừng hai mươi mét, nếu là lúc bình thường, chỉ cần tung mình một cái, chớp mắt có thể chạy đến ngay, nhưng giờ đây, nó lại thấy bước trên mặt đầm vừa mới đóng băng này vừa nặng nề vừa khó cất chân. Nó đi rất chậm, từng bước từng bước một, hi vọng đoạn đường này mãi mãi đi không hết, mãi mãi không đến điểm dừng.

Khoảng cách hai mươi bước, dẫu có đi chậm đến đâu rồi cũng tới nơi. Nó liếm lên trán chó rừng mẹ, ngửi mùi hương êm dịu mà nó đã vô cùng quen thuộc.

Chó rừng mẹ ngẩng đầu lên, dùng ánh mắt lạnh lùng xa lạ nhìn nó một cái, rồi lại vùi đầu trong đống tuyết. Sách Đà run rẩy dựa sát vào, vẫy đuôi, xua một hai cái gọi là tượng trưng lên người chó rừng mẹ. Nó không dám dùng sức. Nó hi vọng chó rừng mẹ có thể hiểu nỗi khổ bất đắc dĩ của nó.

Sách Đà nhận thấy cái đuôi của nó chỉ khẽ chạm vào người chó rừng mẹ như chuồn chuồn đạp nước, nhiều nhất thì cũng chỉ phủi đi tí bụi mà thôi, nhưng phản ứng của chó rừng mẹ lại mãnh liệt dị thường, như bị điện giật co rúm lại, lông trên người dựng đứng, tru lên một tiếng thảm thiết.

Sách Đà hiểu, tâm hồn chó rừng mẹ đã bị tổn thương nghiêm trọng. Mặc dù nó chỉ dùng đuôi nhè nhẹ xua một cái, nhưng hàm nghĩa sẵn có của hành vi ấy vẫn không thể nào che giấu hay thay đổi được, chính là đang đuổi chó rừng mẹ tiến về phía Động Rèm Tuyết, về phía có cặp răng nanh chết chóc của lợn rừng mẹ. Cái đuôi vẫy mạnh hay khẽ, chậm hay nhanh cũng chẳng thay đổi được chút nào tính chất của hành vi.

Một cảm giác tội lỗi dấy lên trong lòng Sách Đà.

Nó chợt nghĩ, giả như bây giờ nó và chó rừng mẹ đổi vị trí cho nhau, liệu chó rừng mẹ có dùng đuôi xua đuổi dồn ép nó hay không?

Thực ra đáp án đã có từ năm năm trước rồi.

Đó là khi nó vừa tròn một tuổi, cả đàn đang hành quân trong rừng, bỗng từ đâu bay đến một con chim quyên đầu phượng cánh đỏ. Không hiểu con chim lông vũ bảy màu tuyệt đẹp này bị thương ở cánh hay là mệt quá, bay lúc cao lúc thấp, xiêu xiêu vẹo vẹo. Sách Đà cảm thấy hết sức thú vị, liền hăng máu đuổi theo, con chim quyên lúc bay lúc đậu cành khiến nó hào hứng vô cùng. Nó vô tình tách ra khỏi con đường an toàn mà những con chó rừng đực lớn giàu kinh nghiệm sống trong rừng rậm đã tìm ra.

Cuối cùng thì con chim quyên cũng mệt không bay nổi nữa, đậu lại trên một cành cây mây cách mặt đất chừng một mét. Nó còn nhỏ tuổi, thiếu tính cẩn thận, không dò xét xem bốn phía có dấu vết gì khả nghi không, liền xông ngay về phía chim quyên đang đậu trên cành. Tuy đã bắt được con chim, nhưng khoảng rừng yên tĩnh bỗng nổi lên những tiếng động của cây trúc bị uốn cong bật thẳng trở lại. Nó còn chưa hiểu chuyện gì xảy ra, một tấm lưới ni lon lớn đã rơi từ trên trời xuống, úp chặt lên mình nó. Nó giẫm phải lưới săn chim của thợ săn.

Thợ săn trên núi Nhật Khúc Ca thường có bốn cách săn chim, một là thả đại bàng đuổi bắt, hai là dùng mồi dụ, ba là dùng móc đi chụp chim non, bốn là dùng lưới nỉ non úp chim lớn. Đây là một tấm lưới lớn chuyên dùng để bắt các loại chim cỡ lớn như chim cắt, diều hâu, chim trĩ, được tết từ những sợi ni lon to bằng thân cỏ, vô cùng chắc chắn.

Sách Đà ở trong lưới dùng móng xé, dùng răng cắn, dùng chân đạp, chẳng những không thoát được khỏi lưới, trái lại càng bị những sợi ni lon mềm mại siết chặt hơn. Nó hết hơi hết sức kêu gào, mãi mới cắn đứt được một mắt lưới.

Đúng lúc này, từ xa vọng lại tiếng sủa của đàn chó và tiếng hét ồm ồm của thợ săn, còn có mấy mũi tên tẩm độc chết người từ xa bắn lại. “Pằng, pằng,...”, tiếng súng đinh tai nhức óc vang lên.

Chó đầu đàn Vương Nãi Mạc nhận thấy chỉ vì một con chó con mà khiến cả đàn phải lộ diện trước mũi súng, cung tên và móng vuốt của chó săn thực chẳng đáng, bèn hú lên một tiếng dẫn cả đàn chó rừng đi sâu vào trong rừng rậm.

Chỉ có chó rừng mẹ không đi theo đàn. Chó rừng mẹ dường như không nghe thấy tiếng sủa của chó săn, tiếng nổ của súng đạn và tiếng vun vút phát ra từ dây cung gân bò, nó nằm mai phục bên tấm lưới ni lon, tập trung hết sức cắn xé. Một viên đạn sượt qua tai phải của chó rừng mẹ, vành tai nhọn của nó bị gọt mất một nửa, máu từ trên trán không ngừng chảy xuống. Chó rừng mẹ dường như đã quên cả cảm giác đau đớn, thậm chí chẳng chớp mắt lấy một cái. Cuối cùng cũng cắn đứt thêm một mắt lưới nữa, sợi ni lon vừa dai vừa sắt khiến mồm miệng và lưỡi của chó rừng mẹ đều bị cào rách, bên mép bật máu tươi.

Để Sách Đà có thể chui được đầu ra khỏi lưới, ít nhất cần phải cắn đứt được ba mắt lưới. Chó rừng mẹ vẫn tiếp tục những cố gắng cuối cùng. Tiếng chân thợ săn mỗi lúc một gần, đạn bay như châu chấu trên đầu, những mũi tên như những con rắn độc xuyên qua không khí. Chó rừng mẹ vẫn nằm rạp như mọc rễ bên cạnh tấm lưới, hai hàm răng ra sức cắn xé. Một con chó đen giận dữ chạy đến phía sau chó rừng mẹ, điên cuồng sủa loạn lên rồi nhảy xổ vào. Luồng hơi thoát ra từ miệng con chó đen mạnh đến nỗi làm rung cả đám lông màu đỏ trên lưng chó rừng mẹ. Chó rừng mẹ không kịp quay lại nhìn. Con chó đen liền bạo gan xông tới cắn vào chân sau của nó, nhưng nó vẫn không chịu ngừng cắn lưới ni lon, chỉ có thể dùng chân sau đạp một cái thật mạnh, khiến con chó đen sợ hãi mà nhảy ra xa.

Lúc này, cái mắt lưới thứ ba có can hệ đến tính mạng đã bị chó rừng mẹ cắn đứt. Sách Đà vội vàng vùng vẫy chui từ trong tấm lưới ni lon đang quấn thành từng bó ra, rồi được chó rừng mẹ đi chặn hậu, chui vào trong rừng, thoát khỏi kiếp nạn.

Đừng nói chó rừng mẹ bỏ đi theo đàn, chỉ cần trong lúc cắn lưới, quyết tâm của nó có chút nào dao động, hay nảy sinh do dự bàng hoàng trong phút chốc dưới làn tên mũi đạn và trước móng vuốt của con chó đen thì Sách Đà sớm đã trở thành oan hồn dưới họng súng của thợ săn, tấm da chó rừng mềm mượt sớm đã bị lột ra làm chăn đệm của con người rồi.

Nếu không nhờ tình máu mủ, không nhờ thiên tính của người mẹ vì con đến chết không từ, thì chó rừng mẹ chẳng thể nào cứu nó thoát ra khỏi lưới trong hoàn cảnh ngàn cân treo sợi tóc như thế.

Vậy mà nó, lúc này đây lại đang dùng đuôi xua chó rừng mẹ đứng ra làm chó cảm tử một cách vô tình. Có lẽ nó là con chó rừng không có lương tâm, tàn nhẫn nhất dưới gầm trời này, nó nghĩ thế. Không, không, nó nhất định phải nghĩ ra cách giải cứu cho chó rừng mẹ.