Chó ngao độ hồn - Chương 1 - 2 - 3

Vợ sói

1. Cái chết của sói đực

[Chúc bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách.]

Cái bẫy sắt chúng tôi đặt trên đường tóm được một con sói đực to lớn. Chiếc thanh sắt nặng trịch kẹp chặt đầu của con thú và khi chúng tôi nhìn thấy thì nó đã chết.

Chúng tôi lôi nó về trạm kiểm soát động vật hoang dã, lột bộ da treo lên.

Đêm xuống, tôi và Cường Ba ngồi trong chiếc lều làm bằng da bò yak [1], thắp đèn từ mỡ lợn rừng, uống rượu Thanh Khoa [2] thơm nồng và nói đủ thứ chuyện trên trời dưới biển.

[1] Bò yak là giống bò lông dài sống hoang dã trên cao nguyên Thanh Tạng và một số vùng cao khác thuộc dãy Himalaya ở Trung Á.

[2] Rượu Thanh Khoa là loại rượu làm từ lúa mạch đặc biệt trên cao nguyên Thanh Tạng, được người Tây Tạng ưa dùng trong mọi cuộc hội hè hay lễ tết.

Tôi làm việc ở sở nghiên cứu động vật của tỉnh [3], chuyên nghiên cứu về hành vi của động vật. Lần này đến Cao Lê Cống Sơn cũng là muốn thu thập những tư liệu đầu tay về lĩnh vực này, chuẩn bị để viết luận văn tiến sĩ. Cường Ba là thợ săn người Tây Tạng bản địa mà tôi thuê làm người dẫn đường.

[3] Ở đây là tỉnh Thanh Hải, phía Tây Trung Quốc.

Đang lúc nói chuyện cao hứng, đột nhiên có tiếng sói hú “âu…âu…” từ bên ngoài vọng lại. Tiếng kêu thảm thương ai oán khiến tôi sởn cả da gà.

“Sói đến kìa!” Tôi vội kêu lên.

“Còn xa lắm, nó đang ở con suối cách đây nửa cây số, tại xuôi gió nên tiếng mới truyền xa thôi.” Cường Ba nói tỉnh bơ.

Tiếng hú liên tiếp dội lại từng tràng inh tai nhức óc, thống thiết như ma khóc quỷ hờn. Đó đúng là âm thanh khó nghe nhất trên đời.

“Sói hú bình thường không inh ỏi thế đâu”, Cường Ba giải thích, “đây là con sói cái sắp đẻ, không có sói đực ở bên nên tiếng kêu càng thê thảm.” Vừa nói, anh ta vừa liếc mắt sang tấm da sói treo trên lều, ngậm ngùi bảo, “Nó không biết chồng mình đã chết. Con sói cái này sắp xui xẻo rồi, sinh con xong không có chồng bên cạnh, nó với sói con khó lòng sống nổi…”

Cường Ba không hổ danh là thợ săn có kinh nghiệm hơn ba chục năm xông pha trong rừng, không những nghe ra ý nghĩa của từng tiếng hú mà còn hiểu rõ tập quán sống của loài sói.

Rất nhiều tài liệu nghiên cứu cho thấy, sói cái trong thời kỳ sinh nở và cho con bú không thể tự mình lo liệu như các loài thuộc họ Mèo. Nguyên nhân chính là: Động vật họ Mèo có phương thức săn mồi chủ yếu là ẩn nấp, mai phục, trong khi động vật họ Chó quen đuổi bắt mồi trên đường dài. Con sói cái vừa sinh con, cơ thể còn yếu mệt, không đủ sức để chạy xa săn mồi. Vì thế, xã hội loài sói thường tổ chức theo chế độ gia đình nhỏ, sói cái và sói đực cùng gánh vác trách nhiệm nuôi con.

Tôi uống thêm một bát rượu Thanh Khoa đầy, đang lúc mặt mũi tưng bừng bèn sực nghĩ: Nếu tôi khoác tấm da của con sói đực lên người, chạy tới chỗ con sói cái sắp sinh thì sẽ thế nào nhỉ? Nếu thành công, tôi có thể vào trong hang, khám phá bí mật cuộc sống nhà sói và tìm được những tư liệu khoa học cực kỳ quý báu!

Tôi kể cho Cường Ba ý nghĩ đó. Anh ta giật nảy mình, lắp bắp: “Chuyện… chuyện này có được không? Con sói đó có mù đâu, nó… nó nhìn qua là có thể nhận ra sói chồng thật hay giả mà.”

“Không sao đâu.” Tôi nói chắc nịch: “Sói chủ yếu dựa vào khứu giác để phân biệt sự vật. Ngành nghiên cứu hành vi động vật có một câu nói nổi tiếng: Động vật có vú nghĩ bằng mũi. Đối với loài sói, ngửi bằng mũi còn quan trọng và chính xác hơn là nhìn bằng mắt. Người tôi nhỏ gọn, cũng chẳng hơn kém mấy so với kích cỡ của một con sói đực, tôi khoác tấm da con sói đực, mùi của nó dính vào người, chắc con sói cái sẽ không nhận ra đâu.”

“Nhỡ nó vồ lấy anh thì sao?”

“Thì tôi có cái này.” Tôi vỗ vỗ vào khẩu súng lục phòng thân dắt bên hông. “Đối phó với một con sói cái bụng bầu, cái này quá đủ còn gì?”

Từ nhỏ tôi đã ưa mạo hiểm, lúc nào cũng thích làm những việc người khác chưa từng làm. Lại thêm chút men của rượu Thanh Khoa, cái ý nghĩ hoang đường ấy của tôi nhanh chóng biến thành nỗi khao khát và sự kích động không thể kiềm chế nổi.

Tôi cởi bỏ quần áo bên ngoài, lược qua vài đường chỉ trên tấm da sói vẫn còn chưa khô, rồi khoác lên người như kiểu áo liền quần. Bây giờ mới đầu mùa thu, mặc tấm áo da sói này vẫn cảm thấy khá dễ chịu.

2. Tôi “đội lốt” sói vào hang sói

Mây đen che lấp mặt trăng, con đường lên núi giờ chỉ còn một màu tối đen như mực. Tôi đem theo một con gà, coi như món quà mà “ông chồng” sói tặng cho vợ, ngóng theo tiếng hú lần về phía trước.

Đi được chừng năm trăm mét, quả nhiên có một con suối lổn ngổn sỏi đá giữa cánh rừng âm u hun hút. Tôi vừa đặt chân vào con suối, tiếng sói hú cách đó vài thước bỗng nhiên ngừng bặt. Bốn bề vắng lặng đến rợn người. Một trận gió lạnh thổi tới, tôi không kìm được đành ho một tiếng, rượu trong bụng toát ra hết thành mồ hôi lạnh.

Tôi sực tỉnh, trời ơi, sao mình lại có thể ngu xuẩn thế, liều cái mạng bé tí này đi vào hang sói? Động vật có vú nghĩ bằng mũi, có thật là vậy không? Nói không chừng đó là phát ngôn hồ đồ của ông “học giả” nào cũng nên. Chứ con sói sao lại phải nghĩ bằng mũi cơ chứ! Chẳng lẽ hai con mắt lại không đủ giúp nó nhìn nhận mọi thứ? Cứ coi như quan điểm này là đúng, chẳng may nó bị viêm đường hô hấp trên hay tịt mũi thì sao?

Càng nghĩ, tôi càng thấy sợ, định tranh thủ lúc con sói cái chưa phát hiện ra mình, trong ba mươi sáu kế… chuồn là thượng sách.

Đúng lúc tôi chuẩn bị quay lưng thì đột nhiên, đằng sau tảng đá trước mặt tôi chừng bảy, tám mét, xuất hiện một đốm màu xanh sáng quắc, trông như hai đốm lửa lập lòe trên bãi tha ma.

Lúc này, muốn cũng không quay lại được rồi. Cả người tôi run lẩy bẩy, bắt chước bộ dạng loài sói bò trên mặt đất, lén rút ra khẩu súng rồi lên nòng sẵn, tự trấn an mình.

“Âu…”, một tiếng kêu âm ỉ vọng tới. Hai đốm sáng xanh như hai chiếc đèn lồng nhỏ cũng từ từ tiến về phía tôi.

Mặt trăng hấp hé giữa hai mảng mây mù. Nhân ánh sáng ngắn ngủi ấy, tôi nhìn ra, đây là một con sói cái màu đen to cao khỏe mạnh với cái mõm dài, lộ ra hàm răng trắng sắc nhọn. Nó vác cái bụng bầu, vừa tiến về phía tôi vừa vươn dài cổ, vẫy hai đầu tai nhọn, khịt khịt cánh mũi như kiểu đánh hơi. Con sói đang nhận mặt!

Tim tôi đập loạn xạ. Trên người tôi ngoài mùi con sói đực ra còn có mùi người, mùi rượu, tôi lo nó sẽ “ngửi” ra sự khác lạ, “ngửi” ra bí mật, “ngửi” ra tôi là hung thủ giết chết ông chồng thực sự của nó. Nếu thế thật, nó chẳng chờ gì mà không liều mạng với tôi!

Tôi giữ chặt ngón tay trỏ vào cò súng, chĩa nòng súng thẳng vào đầu con sói, nhưng chưa dám bắn.

Một bài luận văn xuất sắc quan trọng hơn một lần đi săn bình thường. Chưa đến đường cùng, tôi chưa thể từ bỏ mọi nỗ lực được. Tôi quyết định, nếu nó cách tôi ba bước mà vẫn còn chưa dừng lại, tôi sẽ nổ súng.

Như thể con sói đoán trúng ý tôi, khi cách tôi đúng ba bước chân, nó bỗng dừng lại, nhìn chằm chằm vào tôi, ngực phập phồng thở, rồi dùng mũi đánh hơi thật - giả.

Không thể cứ ngồi yên mà chờ nó khám phá sự thật, tôi nghĩ bụng, phải làm gì đó để nó loại bỏ nghi ngờ mới được. Tôi chợt nghĩ ra, trong tay mình vẫn còn một con gà, liền quăng về phía nó. Con sói ngay lập tức tóm chặt con gà bằng chân trước, đánh hơi cẩn thận. Sau một hồi, nó ngồi xuống không một tiếng động.

Tôi không nhìn rõ vẻ mặt của nó, nhưng trong một cuốn sách giáo khoa tôi từng đọc có nói rằng, loài chó một khi đã ngồi xuống có nghĩa là chúng không có ý đồ tấn công. Tôi khẽ thở phào trong bụng. Thế rồi, tôi lại giả vờ bịt mũi, nén hơi hú một tiếng. Phòng nghiên cứu của chúng tôi có một băng ghi âm nguyên bản đủ các loại tiếng sói hú. Để phục vụ cho những chuyến khảo sát thực tế, tôi đã từng luyện theo băng này như hát karaoke. Tôi hú một cách khoan thai, âm cuối còn hạ xuống thấp. Theo tài liệu chú thích, âm thanh này thể hiện lời hỏi thăm khi hai con sói quen biết gặp nhau. Hi vọng là cái băng ghi âm của tôi không phải là đồ dởm.

Tôi vừa phát ra tiếng hú, không ngờ, con sói cái màu đen lao đến nhanh như chớp, đôi mắt càng ánh lên màu xanh đáng sợ. Xong rồi, tôi trộm nghĩ, mình lại làm một việc ngu xuẩn rồi. Mặc dù tôi đã từng tập hú theo băng, nhưng chắc chắn không thể giống y như sói thật được, cũng như người nghiệp dư dù có tập luyện karaoke thế nào cũng không thể học được cách hát như ngôi sao ca nhạc. Đối với con sói cái, tiếng hú của tôi chẳng khác nào một ông nước ngoài nói tiếng Trung Quốc vậy, cứ lơ lớ ngọng nghịu. Thật đúng là không khảo mà xưng!

Quả nhiên, cái đuôi con sói bỗng duỗi ra thẳng đuột, sách giáo khoa có nói, đuôi duỗi thẳng như vậy là dấu hiệu sói sắp xông vào cắn. Từ dưới sâu họng nó phát ra tiếng gừ gừ trầm đục, đấy là khúc dạo đầu của tiếng gầm. Tôi căng thẳng đến mức toàn thân nổi da gà, không thể đợi thêm được nữa, chỉ có cách ra tay trước để chiếm ưu thế thôi.

Tôi bắt đầu bóp nhẹ cò súng, đúng vào lúc ấy, con sói bỗng dưng lắc lắc người, cái đuôi lại cong vào mềm mại, cơn gầm rít đang chảy tới đầu lưỡi dường như cũng bị nó nuốt ực xuống.

“U… âu… ao…” Con sói phát ra tiếng kêu dài ngân nga, nếu tôi nhớ không lầm, có nghĩa là lời hờn trách nhẹ nhàng. Tôi thở phào, thả tay khỏi cò súng.

Con sói cái chấm dứt màn điều tra với tôi, rồi ngay lập tức chuyển sang xử lý con gà. Xem ra nó có vẻ đói lắm rồi nên mới xé thật lực, nhai ngấu nghiến, vừa ăn vừa thở phì phò. Chỉ sau vài phút, con gà mái già bốn cân đã bị nó chén gần hết.

Lúc ấy, nỗi lo canh cánh trong lòng tôi mới nhẹ bớt. Tôi biết, sói là loài vật nhạy cảm. Nếu nó còn nghi ngờ gì về tôi, chắc chắn sẽ không tùy tiện ăn thứ mà tôi quăng cho nó. Về mặt tình cảm mà nói, nó đã chấp nhận món quà của tôi, cũng có nghĩa là đã kết nạp, hay nói cách khác là thừa nhận rằng tôi là “chồng” nó.

3. Trong đêm mưa gió, sói mẹ sinh ba sói con

Vội vàng ăn hết con gà, sói cái quay người chạy về phía góc tối nơi con suối. Bước chân nó líu ríu vào nhau, dáng điệu hấp tấp như lửa đốt trong lòng, mấy lần bị trẹo chân vì đá suối, nhưng chỉ rú lên một tiếng rồi lại cuống quýt chạy tiếp. Chắc chỉ có nhân viên cứu hỏa và bác sĩ phòng cấp cứu mới vội vã như nó.

Con sói cái vòng qua một cây thông lớn, đi qua một đám cây rậm rạp, chui vào một cái hang đá. Bên trong hang đá đen ngòm vọng đến tiếng thở hồng hộc như thổi ống, rồi tiếng vặn người uỳnh uỵch. Trời lóe lên tia chớp, tôi nhìn thấy hang đá không lớn lắm, chừng bốn mét vuông, con sói cái đang nằm giữa hang, bên dưới cơ thể rỉ ra dòng máu. Trời ơi, nó sinh rồi!

Trong phút chốc tôi hiểu ra, sở dĩ sói cái không chú ý kĩ tới tiếng hú giả bộ của tôi và kết thúc cuộc điều tra với tôi một cách qua quýt là bởi nó sắp tới lúc lâm bồn, không có thời gian và cả sức lực mà phân biệt thật giả nữa.

Tôi thật may mắn được bước vào gia đình nhà sói như ý muốn.

Từ trong hang có tiếng rên nặng nhọc của sói cái vọng tới. Tôi do dự đứng bên cửa hang, không biết có nên đi vào hay không. Mùi máu tanh nồng và mùi thối bốc lên, nói thực, tôi không muốn vào hang. Nhưng thân phận của tôi hiện giờ là sói chồng, cứ đứng ì bên ngoài thì chẳng hóa ra xa lạ với nó sao? Thôi nào, muốn tìm hiểu bí mật sinh tồn của loài sói thì cũng phải chịu khó chịu khổ một chút chứ!

Tôi bịt chặt mũi, bò vào trong hang. “Ao… âu…” con sói cái đen kêu lên một tiếng yếu ớt, tôi vừa nghe đã hiểu ra, nó đang chào mừng tôi về hang. Xem ra, tập tính của sói và người cũng không khác nhau là mấy, người vợ lúc sinh nở thường muốn có chồng ở bên động viên, chăm sóc.

Tôi cúi người vào trong hang, đầu hướng ra ngoài, thế này có lẽ cái mũi tôi sẽ dễ chịu hơn.

Nửa đêm, trời nổi mưa gió, ác nỗi lại là gió tây nam, nước mưa theo gió hắt vào trong hang. Hang sói vừa nhỏ vừa nông, nếu tôi ra khỏi hang thì gió rét mưa sa chắc chắn sẽ làm ướt hết con sói mẹ. Điều này rất nguy hiểm cho tính mạng sói mẹ đang sinh và đàn con mới đẻ. Chưa nói tới chuyện thương cảm mẹ con nhà sói, chẳng may chúng có chuyện gì, chuyến thực nghiệm của tôi cũng thành công toi. Chẳng còn cách nào khác, tôi đành phải giương mình thành cái ô che mưa cho đàn sói qua cơn mưa gió đáng ghét này.

Tôi quỳ ở cửa hang, mặc cho mưa gió tả tơi. Mưa càng ngày càng nặng hạt, tôi ướt như chuột lột, à không, như sói lột mới đúng. Càng lúc tôi càng lạnh đến thấu xương, răng trên răng dưới đập vào nhau lập cập liên hồi. Tưởng như không chịu nổi nữa, thì bỗng nhiên, “Ao… ao…”, đằng sau tôi có tiếng kêu khẽ. Rồi sau đó, một thứ gì đó lông lá bên bết cọ vào lưng tôi. Mặc dù cách một lớp da sói, tôi vẫn cảm nhận được khá rõ, con sói mẹ đang dựa đầu vào lưng tôi. Hình như nó đang cảm ơn tôi che mưa cho nó! Nó hiểu được hành động của tôi, hiểu được tâm tư của tôi! Trong lòng tôi bỗng thấy ấm áp lạ kỳ, mưa gió cứ quất vào người, nhưng hình như cũng chẳng còn lạnh lùng như vừa nãy.

Đến rạng sáng, mưa mới ngớt. Tôi nhìn thấy trong lòng con sói mẹ co tròn ba chú sói con đang nằm đó, hai con màu đen và một con màu vàng. Con sói cái đen quả là một người mẹ tháo vát, không những tự mình cắn đứt dây rốn cho con, mà còn nuốt luôn phần nhau sót lại, liếm sạch mình đàn sói con. Phần gốc đuôi của nó vẫn còn dính chút máu, có lẽ đây là lần mang thai đầu tiên nên cơ thể nó vẫn còn yếu ớt, nằm ủ rũ trên đất, đôi mắt nhắm lờ đờ mệt mỏi. Lũ sói con vẫn còn chưa mở mắt, nhưng bản năng đã mách bảo chúng bò lên trên người mẹ, tìm nơi đầu vú và mút lấy mút để dòng sữa ngọt ngào của mẹ.

Loài vật nào lúc nhỏ cũng đáng yêu. Ba chú sói con có làn da mềm mại, cơ thể mũm mĩm, lớp lông mượt mà, óng ánh như tơ.

Con sói cái đen này có lẽ là bà mẹ tận tâm nhất trên đời. Nó dùng đầu lưỡi liếm sạch lỗ tiểu của sói con, lấy chân đùn phân của sói con vào góc hang rồi phủ đất cát lên, cố hết sức để giữ cho cái hang được sạch sẽ, tránh để mùi dẫn dụ kẻ thù của chúng.

4. Tôi cố gắng đóng vai sói chồng

Những người đã từng nghiên cứu về động vật đều biết, giới động vật thiếu tình cảm cha – con. Hầu hết các loài động vật như hổ, linh miêu, bò rừng, thỏ rừng… con đực chỉ sống chung với con cái trong giai đoạn giao phối, một khi con cái đã mang thai, con đực sẽ ra đi không lời từ biệt. Không khó để giải thích hiện tượng này, bởi trong suốt quá trình sinh đẻ và nuôi con lâu dài của con cái, con đực không những không được yêu chiều, mà còn phải lao động cật lực. Động vật hoang dã vốn sống theo nguyên tắc “vui là chính”, nếu không được vui mà lại phải khổ, con đực đương nhiên sẽ chạy thật xa.

Còn việc vì sao sói đực lại ở bên sói cái từ đầu chí cuối suốt thời gian con cái sinh đẻ, rất nhiều nhà động vật học đã hứng thú nghiên cứu. Có người cho rằng, sói là loài động vật cấp cao, có quan niệm cơ bản về di truyền huyết thống. Có người lại nói, sói cũng giống như người, từ khi sinh ra đã có ý thức trách nhiệm làm cha. Lại có người cho rằng, sói đực có đặc điểm như một nhà sư khổ hạnh, thích chịu khó chịu khổ. Còn tôi lại tự mình trải nghiệm một đáp án khác.

Căn cứ theo đặc điểm chung của loài sói và dựa vào nhu cầu của con sói cái, hàng chiều tôi đều ra ngoài kiếm mồi. Tất nhiên là tôi không thể đi săn trong rừng hoang đồng vắng như một con sói đực thực thụ. Tôi chỉ chống tay chân bò xuống đất cho qua tầm mắt của sói cái, rồi lập tức đứng dậy, đi về trạm quan sát, ăn uống tắm giặt, ngủ cho đã vài tiếng đồng hồ, rồi lấy vài món mà Cường Ba đã mua ở siêu thị từ trước cho tôi: một con gà, một con vịt hoặc một con thỏ, vờ như đó là thành quả đi săn của tôi, đợi lúc mặt trời xuống rồi lần về hang sói.

Điều làm tôi cảm kích là ở chỗ, mỗi lần tôi chuẩn bị rời hang, con sói cái không bao giờ quên nhổm dậy đi tới bên tôi, nhìn tôi hồi lâu bằng ánh mắt lưu luyến, mong mỏi và bịn rịn không rời. Nó liếm láp trán tôi bằng cái lưỡi thô ráp như bàn chải ni-lông, họng phát ra tiếng kêu “U… u…” buồn bã, như thể muốn nói với tôi rằng, chỉ cần tôi bước chân ra khỏi hang, nó sẽ chờ tôi trở về.

Chập tối, vừa thấy bóng dáng tôi nơi dòng suối, sói cái liền tru một tiếng reo vui, rồi từ trong hang ra đón tôi. Nó chạy tới chỗ tôi, hít hà không ngớt khắp người tôi, ánh mắt sáng bừng như ngọn lửa nhìn tôi mừng rỡ. Nó tung tăng nhảy nhót, lượn vòng quanh người tôi, rõ ràng là muốn truyền đạt cho tôi một tín hiệu: Nó rất vui khi gặp tôi. Nó sẽ giúp tôi ngoạm đồ ăn, cùng nhau đi về hang ổ. Có hai lần tôi về hang gặp mưa, nó cũng sẵn sàng đội mưa ra khỏi hang đón tôi.

Trở về hang, con sói cái đen dù đói meo bụng nhưng vẫn không vội ăn ngay. Nó sẽ vòng quanh con mồi mà tôi mang về, vừa lật vừa ngửi, khuôn mặt lộ vẻ vui lòng mãn nguyện, kêu lên khe khẽ rồi sán đến bên tôi, xoa xoa cọ cọ, như thể muốn nói với tôi rằng: “Cảm ơn anh đã mang về cho em bữa tối ngon lành như thế này. Nếu phải xa anh, em thực sự không biết sẽ sống ra sao nữa.”

Sau khi ba chú sói con mở mắt và biết đi, sói mẹ cũng để chúng cùng tham gia vào nghi thức cảm ơn trước bữa ăn này. Cái cách bọn trẻ bày tỏ cảm xúc rất đáng yêu, con nào con nấy nhảy nhót loạn xạ trước mặt tôi, sung sướng kêu lên “ki… ki…” Cái hang bé nhỏ chật chội, nhưng tràn đầy không khí ấm áp của tình thân gia đình.

Mặc dù tôi chỉ là một nhà khoa học mạo hiểm đi vào hang sói, nhưng trong những lúc như thế này, tôi cũng cảm nhận được niềm hạnh phúc sâu sắc khi được chúng coi trọng, được chúng cần tới và được chúng dựa dẫm, có được một cảm giác mãn nguyện thực sự từ những gì mà chính bản thân mình trải qua. Tôi nghĩ, nếu là một con sói đực thật sự, nhất định tôi sẽ say sưa trong phần thưởng tinh thần to lớn là sự ca tụng ngọt ngào của vợ con mà quên đi mọi vất vả nhọc nhằn của một ngày lao động.

Nhưng con sói đực thật sự chắc chắn không thể nào may mắn như tôi được, ngày nào cũng có chiến lợi phẩm. Tôi muốn biết, nếu một ngày nào đó sói đực chẳng săn được gì mang về, con sói cái sẽ tỏ thái độ ra sao nhỉ?

Hôm đó, tôi ngủ thêm khoảng hai tiếng trong túp lều của trạm quan sát, sau đó chẳng mang theo gì, cứ tay không mà về hang sói. Con sói cái đen vẫn ra đón tôi như thường lệ, tôi giả vờ bộ dạng buồn bã, nó chạy đến bên tôi, lướt nhìn mõm và chân tôi, rồi lập tức hiểu chuyện gì xảy ra và đứng bần thần, nhưng chưa đến hai giây sau, nó liền trở lại trạng thái bình thường, vui vẻ chào đón tôi mà không mảy may suy nghĩ. Nó vẫn hít hà cơ thể tôi, nhảy nhót vờn quanh người tôi như thường ngày, không vì tôi chẳng mang được con mồi nào về mà trách cứ, hờn dỗi hay cắt bỏ nghi thức chào đón tôi.

Về đến hang, thấy tôi co mình nằm một góc buồn rười rượi, nó vẫn ở bên tôi, cọ cái cổ êm ái của nó vào cổ tôi. Tôi như nghe được tiếng lòng của nó: “Anh có thể bình an trở về là em đã vui rồi. Ai cũng chẳng có lúc thất bại, không sao đâu anh.” Nó còn quỳ trước mặt tôi, không ngừng liếm mép, liếm môi, râu và hai chân trước của mình. Nó liếm cả phần da bụng nữa. Đây là động tác của loài sói sau khi đã ăn uống no nê. Thực ra lúc này nó đang đói meo, làm như vậy, tôi nghĩ nó muốn nói với tôi rằng bụng nó không hề đói, đừng lo cho nó.

Từ đầu tới cuối, nó đều không kêu rên, không thở dài, không lộ ra một chút thất vọng nào, cũng chẳng hề hờn dỗi hay trách cứ. Tôi đóng vai một người quan sát khách quan, cũng không thể nào nén được nỗi xúc động. Tôi nghĩ, giá như mình là một con sói đực thật sự, lúc này chắc chắn tôi sẽ áy náy trong lòng, ngày mai cho dù có phải xông vào nước sôi lửa bỏng, tôi cũng phải săn được mồi về.

Tôi không biết rằng, đây là sự thông minh, hiểu biết đặc biệt của con sói cái đen, hay là tất cả những con sói cái đều mang trong mình tố chất đó. Nếu như đây là hành vi phổ biến của loài sói, có lẽ nó sẽ giải thích được tại sao trong một thời gian dài mang thai và nuôi con, sói đực luôn một lòng ở bên sói cái.