Hồ Quý Ly - Chương 11 - Phần 2

2

Phạm Sinh ở lại Thăng Long tìm cách trả hận. Nơi ở của anh là ngôi chùa đổ làng Già. Còn việc kiếm sống hàng ngày, anh làm nghề bán chữ tại tháp Báo Thiên.

Chùa Báo Thiên là danh thắng kinh đô. Ngôi chùa nằm giữa một vườn cây rộng chừng chục mẫu. Những cây đại thụ, lá xum xuê có chỗ che kín không đế lọt ánh sáng mặt trời. Lại có những vạt đất trồng hoa thơm cỏ lạ như chào đón làm say lòng khách thập phương.

Đặc biệt nhất là ngọn tháp cổ Đại thắng tư thiên mà nhân dân vẫn gọi tháp Báo Thiên, xây ngay phía trước chùa. Ngôi tháp cao ngút trời, mềm tự hào của dân Thăng Long, được đánh giá là một trong An Nam tứ khí, một trong bốn vật quý của Đại Việt. Tháp xây bằng đá, xen lẫn gạch nung có in hoa, trên một gò đất. Đứng ở tầng cao cuối cùng của tháp, có thể nhìn quang cảnh khắp Thăng Long. Tháp mười hai tầng; tầng dưới cùng to rộng bằng một ngôi chùa quê. Tháp hình tứ giác, bốn mặt có bốn cửa ra vào. Cửa chính đông nhìn ra hồ Lục Thủy và xa xa nhìn thấy cả bãi dâu tít tắp trải đến tận bờ sông Cái. Hai cửa bắc, nam là hai cửa phụ, cửa tây là cửa giả. Chung quanh khu tháp có tường bao bằng đá chạm trổ tinh xảo, dưới chân tường đặt những chậu hoa quý. Điều đập mạnh vào mắt khách thập phương là tám pho tượng đá bát bộ kim cương kích thước cao gấp rưỡi người thường. Mỗi cửa có hai pho đứng gác. Cửa chính đông, một pho tay trái cầm ngược thanh kiếm giơ lên, tay phải như đang đi xuống; một pho tay phải cầm thanh long đao, tay trái để ngang lồng ngực. Những pho tượng dáng vẻ nghiêm khắc đến độ hung dữ như nhắc nhở con người phải nghiêm trang giữ cái tâm của mình khi vào cửa Phật.

Qua cửa chính vào trong tháp, ta gặp ngay tượng A Di Đà tạc bằng đá trắng ngồi trên tòa sen hiền từ nhìn xuống. Trước tượng là chiếc giường đá, nơi khách thập phương vẫn đặt tay lên để được nhận linh khí của đức Phật, để được nhận sự hộ niệm, an ủi của Người.

Phạm Sinh hàng ngày đi từ ngôi chùa đổ đến tháp Báo Thiên hành nghề. Anh treo mấy tờ giấy đỏ lên cây đa cổ thụ mọc ở phía hữu khu tháp, trải chiếc chiếu, ngồi xếp bằng tròn ngay ngắn, bên cạnh người chiếc bút chiếc nghiên, chờ người viết mướn. Việc anh làm là viết sớ, viết văn tự bán nhà, văn tự bán người, cả viết câu đối, hoành phi... Ngòi bút lông của anh đã vẽ nên bao cảnh thương tâm, bao cảnh lên voi xuống chó của người dân Thăng Long: cô Trịnh Thị gả bán mình làm lẽ một ông già để lấy mấy quan tiền chữa bệnh cho cha. Ông Lê Văn Mỗ bán mẫu ruộng để lo lót cho con đi lính thú tận miền Hóa Châu giáp Chiêm Thành trở về; ông huyện quan Trần được thăng hàm tứ phẩm và được chuyển vào làm việc ở Đô hộ phủ nay làm lễ ăn khao, những người có máu mặt ở kinh đô đi mua chữ về khắc câu đối mừng...

Ngoài viết tại chỗ, anh còn nhận việc mang sách về nhà chép thuê. Thời đó, sách in bản ít lắm. Những cuốn sách hiếm, muốn có cần phải thuê chép... Như vậy, nhờ nghề viết mướn, Phạm Sinh đọc được rất nhiều sách. Lại biết được nhiều việc, quen được nhiều người. Bọn lính tráng, tôi tớ nhà quan, hễ có việc đến chữ lại phải ra gốc đa Báo Thiên nhờ cậy đến anh. Bọn chúng hay bép xép nên anh biết khá nhiều chuyện chung quanh những người tai to mặt lớn.

Phạm Sinh viết chữ rất đẹp. Sư cụ Vô Trụ là người cẩn thận. Cụ bảo: chữ thế nào, người thế ấy, rèn người việc đầu tiên phải rèn chữ. Vì vậy, hồi Phạm Sinh mới học viết, cụ rèn cho anh từng nét; có khi suốt một tháng ròng cụ bắt anh chỉ viết có ba chữ. Viết nhỏ, viết to, viết chân phương, viết bay bướm... Viết đi, viết lại, viết mãi bao giờ chữ nhập vào ngòi bút, vào khối óc, thậm chí nhắm mắt lại viết chữ vân có hồn... lúc đó mới tạm được. Nhờ viết nhiều đến như vậy, dần dần Phạm hiểu ra cái đậm cái nhạt, cái nhặt cái khoan, cái xa cái gần, cái chơi vơi bay bướm của nét chữ... Và thế là những nét họa đầu tiên của anh ra đời. Lúc rỗi rãi, anh vẽ những cánh chim, những con trâu, rồi khói núi ban chiều, cuối cùng là những bức họa Phật những bức tranh thiền... Sư Vô Trụ bảo: “Con hãy tập vẽ mây bay, nước chảy, bao giờ thấy như bay thật, chảy thật mới vẽ sang thứ khác.” Một năm sau, sư cụ bảo: “Con vẽ cho ta một bức tranh mùa thu.” Phạm Sinh loay hoay vẽ mãi, vẽ xong lại xé, xé rồi lại vẽ. Cuối cùng anh vẽ một đôi chim sẻ xù đậu trên cành đang rỉa lông cho nhau, cạnh một hốc cây, nơi đó thò ra mấy cọng rơm được nắng hanh làm cho sáng bừng lên. Cành cây đang rụng lá. Những chiếc lá lóng lánh nửa muốn rời cành, mà cành còn cố níu lại...

Sư ngắm nghía bức tranh rất lâu, rồi nói: “Con đã biết dùng mực đen để vẽ một chiếc lá vàng rồi. Thu đến hơi lạnh, nhưng vẫn còn sự nồng nàn ở đó. Con đã hiểu thế nào là cái hồn của tranh.” Từ đó, phạm Sinh nổi tiếng về họa, nhưng càng ngày anh càng vẽ ít đi. Thi thoảng mới vẽ, nhưng đã vẽ là tranh rất đẹp.

Phạm Sinh không vẽ tranh bán mà chỉ bán chữ, nhưng có một lần anh đã phá lệ vẽ tranh. Lần đó Phạm không vẽ tranh trên giấy mà vẽ tranh trên gốm. Hồi đó, anh vừa mới đi dự cuộc xử trảm cha anh, nhà sư nổi loạn Phạm Sư Ôn ở tháp Báo Thiên được chừng một tháng. Anh ngụ tại ngôi chùa đổ và bắt đầu làm nghề bán chữ. Hôm ấy, người dân Thăng Long nô nức ra bến Đông để đón người anh hùng Trần Khát Chân vừa mới chém được đầu Chế Bồng Nga, nay ca khúc khải hoàn, trở lại kinh sư.

Ông vua già Nghệ Tông sai làm lễ đón mừng Trần Khát Chân cực kỳ long trọng. Người anh hùng cứu nước ngồi trên chiếc bành son đỏ, che lọng tía, trên lưng con voi tràng khổng lồ. Đoàn nhạc cung đình, chiêng trống tưng bừng mở lối cho voi đi. Từ bến Đông, voi trắng theo đại lộ đến tháp Báo Thiên để dâng hoa cúng Phật và tế cáo trời đất, mừng thanh bình thịnh trị từ nay lại trở về với dân Đại Việt. Dân Thăng Long trẻ già trai gái mặc quần áo đẹp, nô nức đi trảy hội thanh bình. Phạm Sinh đứng dưới gốc cây đa Báo Thiên và anh đã được chiêm ngưỡng vẻ uy nghi, tràn trề hùng khí của người anh hùng. Anh thầm nghĩ: Ông cũng giống như cha ta. Có thể, con người này sẽ là một cứu tinh chăng? Có thể, ông ta sẽ mở ra được một lối đi chăng? Với ý nghĩ ấy, Phạm Sinh có cảm tình với Khát Chân ngay. Anh nghĩ cách ra mắt quan thượng tướng. Phạm đến một lò gốm cạnh kinh đô, mua ba cái xương gốm, phóng bút vẽ ba chiếc chậu hoa. Lúc gốm ra lò, ba chiếc chậu: Một chiếc vẽ hoa sen, một chiếc hoa mai, một chiếc hoa cúc. Đáng lẽ phải tặng thượng tướng hoa mai mới đúng, vì đất phong hầu của ông là Trại Mai, nhưng hoa mai mong manh quá, Phạm không muốn Khát Chân như vậy. Tặng chậu hoa sen ư? Sự từ bi hiền hậu của đức Phật cũng không phải cái cần lúc này. Còn cúc? Lúc vẽ Phạm đã nghĩ tới một bài thơ mà anh rất khoái. Lập tức Phạm đập tan hai chiếc chậu vẽ hoa sen và hoa mai, rồi bọc kín chiếc chậu vẽ hoa cúc đem dâng thượng tướng. Lúc đó, trên gò đất định xây dinh thự còn hoang sơ. Khát Châu tiếp chàng nho sĩ cạnh đôi mai già. Chàng thư sinh gầy gò có đôi mắt sáng, dáng điệu kính cẩn:

- Để mừng tướng quân thắng trận, tiểu nhân định vẽ một bức họa, nhưng nghĩ rằng vẽ tranh trên gốm sẽ lâu bền hơn, nên đánh bạo dâng chiếc chậu tự tay vẽ này lên thượng tướng để tỏ lòng thành kính.

Nhìn chiếc chậu men hoa lam với nét vẽ lung linh thần tình, mặt tướng quân rạng rỡ:

- Chiếc chậu thật quý! Có lẽ độc nhất...

- Thưa vâng. Tôi không vẽ chiếc thứ hai. Trên đời này chỉ có một người như tướng quân, thì chiếc chậu cũng phải độc nhất vô nhị.

Thượng tướng ngắm nghía có vẻ hài lòng, nhưng nét mặt vẫn đọng lại những băn khoăn. Hình như chàng nho sinh hiểu ý vị tướng, anh nói:

- Tiểu sinh vẽ nó theo ý một bài thơ mà hai câu cuối ý tứ thật hào hùng...

Lúc đó có người tới, thượng tướng không tiện hỏi nữa, tuy nhiên chiếc chậu hoa cúc với ba bông hoa vừa nụ vừa hàm tiếu ấy cứ ám ảnh ông mãi. Thậm chí, cho tới đêm ông còn suy nghĩ. Bài thơ nào nhỉ? Hai câu hào hùng nào nhỉ? Trong giấc ngủ, ba bông hoa như vẫn chập chờn trong mơ. Và đến gần sáng, ông bỗng choàng tỉnh giấc vì bài thơ ấy bỗng hiện ra trong óc. Sao ta tối tăm thế? Hàng ngàn bài thơ Đường chỉ có độc nhất một bài hoa cúc. Người làm ra nó chính là Hoàng Sào, một nho sĩ đã nổi loạn ở cuối triều đại nhà Đường. Hàng chục vạn dân theo ông đã làm lung lay nền móng của một triều đại. Đang đêm, ông cũng dậy, pha một ấm trà rồi độc ẩm, miệng ngâm khe khẽ:

Táp táp tây phong mãn viên tài

Nhị hàn hương lãnh điệp nan lai.

Tha niên ngã nhược vi thanh đế.

Báo dữ hoa đào nhất xứ khai.

(Ào ào gió tây vườn cúc hoa

Nhị tàn hương lạnh bướm khó qua

Nếu xuân năm tới ta làm chúa

Lệnh nở hoa đào khắp xứ gần xa.)

Ông cứ nghĩ mãi tới cái ý thơ hào hùng của hai câu cuối. Nếu năm sau ta lên ngôi vua, ta sẽ truyền lệnh cho hoa đào khắp đất nước phải nở hoa cùng một lúc. Chà! Cái chữ “nhất xứ” dịch ra quốc âm mới khó làm sao. Rồi ông lại nhớ tới chàng thư sinh tặng chậu. Sao anh ta lại nhắc tới bài thơ Cúc của Hoàng Sào? Có ý gì đây? Từ một chậu hoa đẹp, đầu óc ông lại chuyển sang việc triều chính. Đêm ấy, ông mất ngủ.

Tới lúc Nghệ Hoàng ốm, người muốn vẽ tranh tứ phụ để ban tặng và nhắc khéo thái sư Quý Ly, ông tiến cử Phạm Sinh.

Một tháng trời vẽ tranh tứ phụ tại nhà quan thượng tướng, Phạm Sinh được tiếp xúc với một số người trong trại Mai. Sinh vẽ trong một căn nhà nhỏ ở khu vườn rộng không ai lai vãng. Hàng ngày chỉ có một tráng sĩ râu rậm đến đưa cơm và chăm sóc. Anh ta trạc ngoại ba mươi, vạm vỡ, ít nói. Phạm Sinh cũng ít nói. Hình như thượng tướng cho anh ta đến thăm dò mình. Sinh nghĩ thầm. Đôi bên đối với nhau rất khách sáo.

- Đệ tên Phạm Sinh, từ miền Hải Đông tới Thăng Long, nghèo túng nên làm nghề bán chữ qua ngày.

- Tôi là Phạm Tổ Thu, vốn lưu lạc, trong trận đánh Chế Bồng Nga có chút công nhỏ, nên được thượng tướng thu nhận làm người giúp việc.

Một tối, hai người ngồi uống rượu, ngắm trăng trong vườn. Tổ Thu bảo:

- Mấy bức tranh vừa rồi thấy đã đẹp lắm, sao tiểu huynh lại xé đi?

- Hôm nọ, đệ ngồi ngắm mai với thượng tướng, ngài bảo:

- “Mai đẹp cốt ở thưa, không cốt ở rậm; cốt ở gân guốc, xù xì, dãi dầu sương gió, không cất ở mập mạp trẻ tươi; cốt ở nụ, không cốt ở hoa...” Chơi hoa còn tìm đến cái thần của hoa, nữa là cầm bút vẽ. Vẽ, bao giờ tìm thấy cái thần của tranh mới được.

- Đệ nói hay lắm. Xưa kia học kiếm, thầy huynh cũng nói như vậy.

Tổ Thu hào hứng múa bài kiếm loang loáng, làm đám lá cây nhảy múa rung rinh. Phạm Sinh cũng nổi hứng theo, lấy giấy điều viết một chữ “thần” đẹp tựa rồng bay để tặng Tổ Thu. Người tráng sĩ ngắm bức họa, lấy làm khoái trá, anh cởi áo quần ra múa một bài quyền. Hai bàn tay Tổ Thu tựa như đang nâng niu một cái gì đó. Đường quyền mềm dẻo song tràn trề sát khí. Phạm Sinh đang ngồi bỗng ngạc nhiên đứng dậy ngắm người tráng sĩ, anh ta càng lúc múa càng nhanh. Rồi đột nhiên, chàng nho sĩ vô cùng cao hứng, chàng cũng vứt nhanh chiếc áo dài, rồi xắn tay áo nhảy vào cùng múa theo. Tổ Thu cười lên ha hả. Hai bóng người xoắn suýt với nhau. Bốn bàn tay như nâng niu một cái gì đó dâng lên trước mặt, rồi đặt vào nơi tim. Tổ Thu dừng lại mừng rỡ kêu lên:

- “Song Ngọc Trản.” Đã lâu lắm ta mới được một đêm thỏa thích thế này. Té ra... ngươi là sư đệ của ta.

Nói rồi, người tráng sĩ rậm râu ôm chầm lấy chàng nho sĩ.

Ngọc Trản (cái chén ngọc) là bài quyền đặc biệt của cụ Sư Tề. Trước khi chết, cụ dặn Phạm Sinh: “Ngọc Trản là bài võ riêng của ta. Chỉ có ai là học trò của ta mới biết. Con sẽ nhờ nó mà tìm gặp được các sư huynh. Bao giờ gặp họ, con nhắc đừng làm mai một ngọc trản. Hãy gìn giữ chén ngọc.”

3

Như vậy, Phạm Sinh đã gặp được những người đồng chí hướng của mình, các sư huynh Phạm Tổ Thu và Phạm Ngưu Tất, hai gia tướng thân tín của quan thượng tướng Khát Chân và quan Thái bảo Nguyên Hàng. Trên vai anh bây giờ khoác ba gánh nặng thù hận: nợ nước, thù của thầy và thù nhà.

Khi Phạm vẽ xong bốn bức tranh tứ phụ dâng lên Nghệ Hoàng, ông vua già khen ngợi, ban tặng lụa và tiền bạc. Thượng tướng biết Phạm Sinh là học trò cụ Sư Tề nên có ý định tiến cử. Chàng nho sinh tạ ơn:

- Kẻ tiện dân rất cảm kích lòng rộng rãi giúp đỡ của ngài, song lẽ vốn là kẻ ưa bay nhảy, chí chưa muốn trụ lại một nơi... Vả lại ngày nay, Quý Ly chuyên quyền lại thâm độc. Tụ lại một nơi không có lợi. Tiểu nhân không muốn ông ta nhận ra chân tướng của mình. Tiểu nhân muốn là kẻ chìm trong bóng tối... nhưng sẽ hết lòng phụng sự ngài.

Quan Thái bảo Nguyên Hàng nghe tiếng cũng muốn thu dụng làm người tâm phúc. Ngưu Tất nói riêng với ông:

- Trước khi chết, sư phụ tôi có gửi cho tôi một lá thư nói về người sư đệ này. Thầy tôi bảo Phạm Sinh có tài lại có chí. Thu nạp được là điều tốt. Tôi đã bảo: nếu đệ không muốn ở dinh thượng tướng, thì có thể sang dinh quan Thái bảo. Chú ấy cười nói: “Đệ có cái lợi hơn các huynh, Quý Ly chẳng biết đệ là ai, đệ sẽ tìm hết cách để vào bên cạnh Quý Ly.”

Quan Thái bảo gật gù:

- Nếu đã có ý ấy còn gì bằng. Làm được như vậy sẽ có lợi gấp nhiều lần. Ta không ngờ trong thiên hạ lại có người tài trí đến như vậy. Mình cũng phải tìm hết cách giúp anh ta.

Vậy là Phạm Sinh đã lộ ra ý định đến gần Quý Ly. Thực ra, tâm hồn anh đầy mâu thuẫn. Chuyện anh là con ông thầy chùa nổi loạn Phạm Sư Ôn anh không hở cho ai biết. Hồi anh gặp cha ở lộ Quốc Oai, ông thầy chùa nói với Phạm:

- Nhà Trần mục ruỗng rồi. Khắp nơi nhung nhúc bọn tham quan ô lại. Ngôi trời chẳng phải của riêng ai. Quý Ly định cướp ngôi cũng là lẽ thường. Chỉ tiếc rằng ông ta là người tàn nhẫn. Phải diệt ông ta nhưng cũng phải diệt nhà Trần.

Như vậy, mình sẽ đi chung với họ một quãng đường.

Phạm thầm nghĩ - Diệt xong Quý Ly chắc phải chia tay. Đến lúc đó chẳng biết rồi sẽ ra sao. Mục đích của họ chỉ là giữ lại ngôi báu cho nhà Trần.

Sau đó, Phạm Sinh lại quay về ngôi chùa đổ. Ngưu Tất và Tổ Thu trước kia làm tướng trong đội quân của Nguyễn Đa Phương, ngoài phận thủ túc, còn là sư đệ của Phương. Trong trận đánh Lương Giang Thanh Hóa, Quý Ly thua. Đa Phương đem đội quân Thánh Dực rút lui. Đa Phương cậy có công bảo vệ được lực lượng, sinh lòng kiêu ngạo, chê bai Quý Ly, nên bị thái sư giết. Lúc ấy, Khát Chân lên nắm quân thắng được Chế Bồng Nga, xoay chuyển được tình thế. Ngưu Tất và Tổ Thu tham gia trận đánh, vì vậy chuyển sang làm gia tướng tâm phúc của quan Thái bảo và thượng tướng. Cũng may, Quý Ly chỉ giết Nguyễn Đa Phương mà không cho rằng Phương còn có những người thân tín, nhờ đó hai người thoát chết.

Cũng từ đó, hai người căm thù Quý Ly đến tận xương tủy, nhất là từ khi được ở gần hai vị đại thần, tinh thần trung quân của Trần Khát Chân và Trần Nguyên Hàng, lòng căm thù ấy càng sâu sắc. Họ sẵn sàng xả thân vì nhà Trần.

Cứ độ một tuần trăng, họ lại mặc giả làm người đánh cá, áo rách nón mê, bơi thuyền trên Đại Hồ, đêm xuống mới lẻn vào đầm Vạc đến ngồi chùa đổ liên lạc với Phạm Sinh. Họ muốn truyền vào trong lòng người sư đệ trẻ tuổi lòng căm hận ngút trời của họ. Ngưu Tất nói:

- Quý Ly chẳng khác loài chó lợn. Đối với vua thì lăm le tiếm ngôi, đó là tội bất trung. Đối với thầy, cụ Sư Tề chẳng khác gì cha thế mà cũng tìm cách săn đuổi, đó là tội bất hiếu. Đối với Đa Phương đã nhận làm em mà cũng nỡ đang tâm giết chết, đó là tội bất nghĩa. Tàn tặc nào bằng! Trời đất cũng phải nghiến răng căm hận.

Hai người còn luôn thông tin cho Phạm Sinh biết tình hình triều chính, cho chàng đọc những bài viết phản đối Quý Ly như bài Phản Minh Đạo của Đoàn Xuân Lôi, tờ tấu ngăn việc dời đô của Sử Văn Hoa. Hôm ấy, họ mang đến cho chàng bài biểu của một tôn thất nhà Trần sau trốn sang nhà Minh xin giúp đỡ.

Cáo nạn biểu:

Hạ thần là Trần Thiêm Bình cháu quan tư đồ Trần Nguyên Đĩnh đã hầu hạ vua Trần từ bé, làm quan đến hàm tứ phẩm, sau đó giúp việc cho quan tư đồ. Năm Kỷ Tỵ, đời Hồng Võ, sau khi Võ Tiết Hầu Trần Khát Chân diệt giặc Chế Bồng Nga, cha con tặc thần Lê Quý Ly âm mưu cướp ngôi đã vu oan giết hại tôn thất nhà Trần: quan tư đồ Trần Đĩnh, quan thiếu bảo Trần Tông, sau đó là Trang Định Vương Trần Ngạc. Những bậc trung lương bị giết kể có hàng trăm. Anh em vợ con thần cũng đều bị giết hại, lại sai người đuổi bắt thần định chém đầu muối xác.

Thần phải thay hình đổi dạng, trốn lủi trong dân gian, ẩn mình trong hang núi, lưu lạc sang nước Lão Qua, tìm mọi cách tới nơi cửa khuyết để phơi bày gan ruột. Phải lặn lội cực khổ mấy năm ròng mới trông thấy mặt trời.

Thần trộm nghĩ Lê Quý Ly là con của cố kinh lược sử Lê Quốc Kỳ, đời đời ăn lộc nhà Trần, thế mà một khi đắc ý đã manh tâm thoán đoạt. Nay hắn đã phế truất Trần Thuận Tông là con rể, đưa Trần An cháu ngoại y lên ngai vàng, để dễ bề làm việc đại nghịch, không thèm kính nể gì mệnh lệnh của thiên triều, khiến cho các bậc trung thần nghĩa sĩ phải đau lòng nhức óc.

Lê Quý Ly đang dời đô. Nhà Trần sắp mất.

Mong Hoàng đế cử đội quân thăm dân, phạt tội, với danh nghĩa giúp dòng dõi sắp đứt quét sạch bọn gian hùng, thì thần đây dù chết cũng không nát.

Thần nguyện bắt chước lòng trung của Thân Bao Tư quỳ kêu xin dưới cửa khuyết, mong Hoàng đế rủ lòng xem xét.

Chàng nho sinh đọc xong bài biểu cứ ngồi lặng im. Khó ai biết nổi lòng chàng đang nghĩ gì. Phạm Ngưu Tất nói:

- Tình hình cấp bách lắm rồi. Một nửa triều đình đã vào Tây Đô. Gia quyến quan Thái bảo, và thượng tướng cũng rục rịch rời Thăng Long. Âm mưu thoán đoạt của họ chỉ là nay mai. Các nghĩa sĩ trung thần ở địa vị nào cũng đang làm hết sức mình tận trung cứu nước. Nhà Minh cũng hứa sẽ giúp chúng ta. Tiểu đệ còn nghĩ gì nữa?

Chàng nho sinh cười:

- Đệ cũng đang làm việc của mình đấy chứ. Chỉ có khác, việc của đệ làm phải lặng lẽ. Càng lặng lẽ càng thuận lợi... Và có lẽ còn cần đến sự chậm chạp...

Phải nói, những tin tức, và lòng sốt sắng tận trung với nhà Trần, chí căm thù đối với Quý Ly của Tổ Thu và Ngưu Tất ảnh hưởng đến Phạm Sinh không phải nhỏ. Những tác động ấy cộng với hình ảnh về cái chết của người mẹ, của thầy Sư Tề cộng với tiếng kêu của Sư Ôn trước khi bị trảm quyết: “Nhớ lấy! Hãy trả thù!” làm Phạm Sinh dần dần hình thành trong óc quan niệm: chính Quý Ly là người đã gây ra tất cả mọi chuyện đau thương trên đất Đại Việt. Và bởi vì chỉ trực tiếp gặp gỡ tâm sự với Tổ Thu và Ngưu Tất nên dần dần ngọn lửa bừng bừng trong họ cũng truyền mạnh sang chàng...

Thực ra, Phạm Sinh có một điểm rất khác mà mọi người gần chàng đều không hiểu. Đó là quan niệm về thời gian mau chậm. Người chung quanh đều như hối hả cuống quýt. Người ta bảo xây dựng xong Tây Đô là mọi việc sẽ xấu hẳn đi. Người ta bảo cần diệt Quý Ly ngay, cứ như thể diệt xong con người ấy là mọi việc sẽ lại tốt đẹp. Nhanh chóng sẽ tốt ư? Chậm chạp sẽ hỏng ư? Biết đâu đấy, dòng đời tuy đủng đỉnh nhưng vẫn có cái lý riêng của nó. Nó ẩn ngầm tác động chẳng theo ý ai. Nó cuốn phăng ta cùng trôi với nó, còn ta háo hức theo dòng mà cứ tưởng như chỉ riêng mình nhìn thấy chân trời, nhưng thực ra ta làm vậy chỉ vì cái nghiệp. Ta gánh chịu số phận riêng mình bởi vì ta đã từng gieo mầm ấy...

Nói là đủng đỉnh, nhưng sự thực là sự đủng đỉnh háo hức. Con ếch trông thấy con rắn như bị thôi miên. “Quý Ly và ta, ai là rắn ai là ếch?” Nói thực lòng, anh rất bị hấp dẫn vì con người độc đáo ấy. Cả xã hội, nhất là những con người như Khát Chân, Ngưu Tất, quan Thái bảo... đều thù hận ông ta. Còn anh, khi đọc xong cuốn Minh Đạo của Quý Ly, Phạm Sinh thấy bàng hoàng, và hình như anh thấy căm ghét ông ta hơn, đồng thời cũng bị hấp lực của sự táo bạo của ông ta cuốn hút. Nhưng liệu sự căm ghét ấy là cảm nhận của riêng anh, hay chỉ là cái bóng mơ hồ của những ý kiến đương thời? Anh chỉ là một cánh bèo trong cái biển thù hận. Và Phạm Sinh càng bị thu hút hơn, tìm mọi cách đến gần Quý Ly.

Phạm Sinh ngồi bán chữ ở gốc đa Báo Thiên, để ý thấy có một phu nhân cứ cách vài ngày lại đến lễ chùa. Bà đi kiệu sơn nâu, thường mặc áo màu tối, nhưng dáng vẻ rất nghiêm trang và cao quý. Anh hỏi Ngưu Tất và Tổ Thu, họ cho biết người phụ nữ tôn quý ấy là ai. Phạm Sinh để ra mấy ngày ròng rã mới vẽ xong một bức tranh rất đẹp. Anh treo bức tranh độc nhất ấy lên gốc cây đa.

Người tò mò bâu đến xem. Bức tranh khổ dài vẽ một cành trúc trên cao và những chiếc lá trúc đang rủ xuống, rơi xuống thấp; những chiếc lá quấn quýt lấy nhau, điểm xuyết vào đó là một đôi chim như đang xòe cánh lượn, chúng nô đùa với nhau hay chúng đang tìm cách để nâng những chiếc lá lên ngăn cho chúng chẳng được rời cành.

Có người hỏi mua, nhưng chàng đặt giá quá cao nên không ai mua nổi. Phu nhân áo sẫm màu, một buổi sáng đến lễ, thấy đám đông xúm quanh gốc đa, sai thị tì đến hỏi xem chuyện gì. Thị tì đến, rồi quay về bẩm:

- Dạ, người ta bán tranh, nhưng đòi giá cao lắm.

Phu nhân tò mò bước đến. Đám đông vội rẽ ra.

Phạm Sinh ngẩng lên, thấy phu nhân trạc tuổi sáu mươi, da dẻ trắng xanh, tóc bạc, khuôn mặt trái xoan buồn bã có đôi mắt rất hiền từ. Phu nhân ngắm bức tranh, rồi gật đầu:

- Ta không sành về họa, nhưng thấy bức tranh trang nhã. Phu quân ta rất yêu tranh, nhưng phải là tranh đẹp mới được.

Phạm Sinh nói rất tự tin:

- Bẩm phu nhân, nếu là tranh không quý, kẻ hèn mọn này sao dám đặt giá cao?

- Đắt ta cũng mua. Chỉ hiềm không biết phu quân ta có ưng hay không.

Chàng nho sinh lễ phép:

- Kẻ vẽ tranh chỉ cốt gặp được người tri âm. Phu nhân cứ mang bức vẽ về. Nếu tướng công không ưng, kẻ tiểu nhân này tình nguyện sẽ xé bức họa, và bẻ bút không làm nghề bán tranh nữa.

Phu nhân cười, trả tiền, rồi mang bức họa về nhà. Phu nhân đó chính là công chúa Huy Ninh, vợ thái sư. Bà vẫn thường đến dâng hoa cúng Phật ở tháp Báo Thiên. Bà đều đặn đến chùa đọc kinh sám hối, cầu nguyện cho chồng. Gặp bức họa của Phạm Sinh, bà rất ưng. Bà thấy những chiếc lá trúc và đôi chim rất đẹp. Thần tình ở chỗ những chiếc lá trúc vẽ bằng mực đen, nhưng lại trong veo hình như đang ửng vàng. Đã lâu bà không mua quà tặng chồng. Bà đem về, treo bức tranh ở tòa hậu đường cung Hoa Lư. Bà ngồi ngắm nghía, càng ngắm càng thấy bức tranh có duyên. Đôi chim xòe cánh rất vui, hình như mắt của chúng cũng mang màu nắng. Tuy nhiên, bà vẫn phập phồng lo ngại, không biết bức tranh có làm thái sư vui lòng chút nào không?

Thái sư Quý Ly chiều hôm ấy đến thăm vợ. Trông thấy bức tranh trên tường, ông đến gần để ngắm. Công chúa Huy Ninh theo dõi nét mặt của chồng. Ông đến sát, rồi lại lùi ra, nghiêng đầu xem xét, rồi cuối cùng gật đầu làm phu nhân cũng vui theo. Tưởng chỉ đến thế, nhưng ông vẫn đứng nguyên tại chỗ và thốt lên “quái lạ.” Ông lại ngắm bức tranh lần thứ hai, lần này lâu hơn, kĩ lưỡng hơn. Cuối cùng ông à lên một tiếng và hỏi:

- Bà mua tranh này ở đâu?

- Của một nho sinh ở tháp Báo Thiên... Nhưng... Ông đã thấy điều gì trong đó?

- Ở đây có hai điều đặc biệt. Thứ nhất: nét vẽ của người này cũng là nét vẽ bốn bức tranh tứ phụ mà đức Nghệ Hoàng đã ban cho tôi. Thứ hai: điều này thật tài tình... bà hãy nhìn những chiếc là tre đang rơi xuống... theo hai dòng đấy... nhìn kĩ mới thấy chúng xếp thành những chữ. Đúng chưa?

- Dòng thứ nhất thành những chữ gì?

- Thiên... Thụ... Quế... Chà, khéo thật!

- Còn dòng lá thứ hai chắc chắn bà nhận ra ngay là tên bà Nhất Chi Mai... giỏi thật! Người nho sinh này đã biết hai câu đối xưa kia.

Thanh thử điện tiền thiên thụ quế

Quảng hàn cung lý nhất chi mai.

Anh ta còn nói với bà thế nào nữa?

- Anh ta còn bảo nếu tướng công không thích, anh ta tình nguyện xé tranh và bỏ bút không vẽ nữa.

Thái sư Quý Ly và bà Huy Ninh bỗng nhìn vào mắt nhau, cười to. Đã lâu lắm bà Nhất Chi Mai mới được nghe thấy tiếng cười sảng khoái của chồng, trên gương mặt buồn của bà, cũng đã lâu lắm nét hoa mới rạng rỡ hẳn lên.

Sau đó, phu nhân Nhất Chi Mai ốm rồi nằm liệt giường. Bà ốm mấy tháng liền, không đi chùa được nữa, nhưng không ngày nào bà quên dâng hoa và đọc sám kinh trước tượng phật A Di Đà thờ ngay gian giữa. Sáng hôm ấy, đột nhiên bà thấy trong người dễ chịu. Bà ra ngồi trên chiếc ghế bành. Con gái bà, hoàng hậu Thánh Ngẫu đến thăm mẹ, dâng lên một bó hoa hồng. Bà đã ngồi đúng như pho tượng của bà hiện nay, giơ hai bàn tay ngọc ngà ra phía trước, đẩy bó hoa đỏ ra xa và lắc đầu:

- Ở đây không dùng hoa đỏ. Ta chỉ xin con, sau khi ta mất, hãy hàng ngày thay ta dâng hoa cúng Phật. Có hai cây đại trắng trước cửa nhà ra hoa quanh năm. Hãy hái những bông hoa vừa trắng vừa thơm ấy dâng lên bàn thờ Phật giúp mẹ. Còn bàn thờ mẹ, con chỉ cần nhặt vài bông rụng trên sân rêu đặt lên là đủ...

Ngày hôm ấy, bà đã ra đi vĩnh viễn, sau khi dâng đĩa hoa trắng sở nguyện lên trước bàn thờ Phật A Di Đà và cúi đầu đánh lễ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay