Hồ Quý Ly - Chương 10 - Phần 3

3

Buổi chiều, thái sư xem tấu biểu. Từ lúc Trần Thuận Tông bỏ hẳn triều chính đi tu tiên, thái sư phải hoàn toàn một mình gánh vác mọi việc.

Ngoài những cuộc thiết triều, việc xem bản tấu chiếm mất của ông khá nhiều thời gian. Ông lật giở từng tờ tấu và thư từ, tìm những việc quan trọng, và cấp thiết nhất, cần phải quyết định ngay. Đầu tiên là những công việc liên quan tới nhà Minh. Từ khi Minh Thái Tổ Chu Nguyên Chương lên ngôi, nước Việt và nhà Minh đã quan hệ với nhau nhiều lần. Lúc đầu, khi mới dành được đất nước từ tay nhà Nguyên, đuổi quân Nguyên ra khỏi bờ cõi, Chu Nguyên Chương đối với ta rất mềm dẻo, vì ông còn bận củng cố quyền lực trong nước. Quý Ly biết Chu Nguyên Chương là người võ biền, nên ông có ý xem thường, nhất là khi vua Minh giết các công thần, rồi chia các vùng đất xa cho các con làm vua thì ông không còn lo. Bởi vì nước Trung Hoa rộng bao la vấn đề tập trung hay phân tán quyền là một vấn đề cực kỳ nan giải. Nhà Tần tập trung quyền nên bắt buộc phải cưỡng chế bạo tàn, nhà Tần bị cô lập, sụp đổ nhanh chóng. Nhà Hán lại đi vào thế phân tán, chia ra các nước nhỏ, dùng người thân tín cai trị để làm phên dậu cho trung ương; cuối cùng lại đẻ ra thế bảy nước, Trung Hoa lại suy yếu. Đường và Tống Nguyên lại đi vào thế tập trung, nhưng gặp khó khăn trong việc cai quản đất nước bao la. Nhà Minh lên ngôi lại bắt chước nhà Hán, chia đất cho các con cai quản. Chính vì thế, họ không đủ sức mạnh để nhòm ngó nước ta.

Khi Chế Bồng Nga xâm chiếm Đại Việt. Thế nước ngàn cân treo sợi tóc, nhưng nhà Minh vẫn chưa kịp thay đổi đối sách với ta cũng vì lẽ đó.

Nhưng gần đây, ông vua già Chu Nguyên Chương thấy đất nước họ đã vững chãi, họ bắt đầu thăm dò phương nam. Nhà Minh luôn luôn sai sứ thần sang ta đòi cống nạp người và của. Họ cho bọn hoạn quan người Việt về thăm nhà, tiếng là thế, nhưng thực ra để thăm thú tình hình nước ta. Bọn quan lại. sứ thần nhà Minh cũng là một tai họa. Chúng gây sự nhũng nhiễu đủ điều: đòi ăn đút lót, rồi chê bai bắt bẻ rằng ta tiếp đón không đúng nghi lễ.

Triều đình nhà Minh gửi cho ta bộ sách “Đại Minh Tập Lễ”, hoạnh họe, bắt ta phải thi hành nhiều nghi thức rườm rà mỗi khi sứ thần nhà Minh mang chiếu sắc vào Đại Việt. Minh sứ thần nói:

- Nghĩ rằng nước An Nam vốn là nước văn vật, thành tâm sợ mệnh trời thờ nước lớn, không việc gì thiếu chu đáo, riêng về lễ tiếp sứ thần vẫn còn có chỗ chưa ổn. Nay, tôi vâng mệnh thiên tử, xông pha muôn dặm đến ban cho sách về lễ. Về sau cứ thế mà làm. Đại để, sách đó quy định chặt chẽ sáu điều nghi thức:

1 - Khi sứ thần vào đến biên giới, phải tổ chức tiếp đón suốt dọc đường.

2 - Khi chiếu sắc đến gần Thăng Long, thì ở kinh đô trăm quan phải tập dượt đón tiếp trước. Sau đó vua phải đích thân sang bờ bắc sông Cái ngủ nơi trai sở. Các vị đại thần các nhà sư đạo cao đức trọng cũng đi theo đón tiếp.

3 - Chiếu sắc vào đến Thăng Long. Khắp kinh đô phải treo đèn kết hoa. Sắp sẵn long đình và hương án ở Ngọ Môn. Vua quan ăn mặc triều phục, kỳ lão tăng đạo chỉnh tề, rồi đến đồ nghi trượng, âm nhạc, chiêng trống rước chiếu đến điện Đại Minh.

4 - Quy định cách tuyên đọc: sứ quay mặt hướng Nam, vua ta quay mặt hướng Bắc... Yến tiệc đãi sứ giả cũng quy định hướng ngồi. Ngay cả nghi thức mời rượu cũng phải cho đúng.

5 - Đến ngày sứ sắp trở về, vua quan lại phải thết tiệc rồi làm thơ thù tạc với sứ giả.

6 - Cuối cùng là nghi thức tiễn sứ giả về nước.

Mỗi lần sứ nhà Minh sang, triều đình lại như gặp vạ. Họ trách cứ đủ thứ, họ moi móc đủ điều. Ông thở dài: “Phải chăng thời của bọn sứ thần ngạo nghễ kiểu Sài Thung lại tái xuất hiện? Làm thế nào để tiếng trống đồng Thăng Long lại một lần nữa làm bạc tóc kẻ đi sứ của phương Bắc?”

Những lời chúc tụng sáo rỗng ấy làm Minh Huệ Đế đẹp lòng. Ông ta ban cho vua nước Nam Kim sách. Trong đoàn đi sứ sang kinh đô nhà Minh để dâng biểu mừng lên ngôi, thái sư Quý Ly bí mật đưa cả người sang thăm dò tình hình mới ở triều đình phương Bắc.

Lúc này đây, trước mặt Quý Ly là tờ tấu của quan trấn thủ Lạng Sơn báo cáo tình hình mới biết được từ kinh đô Trung Hoa. Minh Huệ Đế lên ngôi, vẫn thường lo về mối loạn phiên vương như loạn bảy nước đời nhà Hán, nên bàn với các địa thần thân tín, tìm cách tiêu diệt những phiên vương vốn là anh em của mình, một số người đã bị giết. Một trong số các người con của Chu Nguyên Chương tên là Lệ. Ông làm vua nước Yên tại Yên Kinh (Bắc Kinh sau này) lấy làm phẫn uất. Ông ta đang rắp tâm chống lại Huệ Đế. (Ông ta sau này sẽ là Minh Thành Tổ, một ông vua tài giỏi của nhà Minh, và chính ông đã xâm lấn Đại Việt).

Quý Ly mừng thầm: Trung Hoa lại sắp loạn rồi, lúc này, thời cơ của ta đây... phải nhanh chóng... Chẳng thể chần chừ được nữa...

Thái sư lại đọc tiếp đến lá thư của viên quan nhà Minh ở Liêm Châu, đòi ta phải nộp mười nhà sư, mười người trai trẻ tuấn tú, có học hành và phải thiến trước khi đưa sang. Thái sư cười mỉm phê sang bên cạnh: “Chuyển cho nội thị học sinh Nguyễn Cẩn. Thi hành nhanh chóng, theo như kế hoạch.” Hoạn quan là một thể chế tai họa của Trung Hoa. Nạn hoạn quan lũng loạn ở triều đại nào của phương Bắc cũng có. Minh Thái Tổ biết rõ. Để trừ họa, Chu Nguyên Chương hạn chế lượng hoạn quan và cấm họ không được dính dáng vào chính sự. Hoạn quan không có con cái nhưng vẫn còn có gia đình, anh em, họ hàng, nên danh và lợi vẫn còn. Họ vẫn muốn quyền hành và của cải dành cho vây cánh, gia đình. Vậy để cắt đứt nhiều nhất nguồn gốc tai họa, Minh Thái Tổ tăng cường dùng những hoạn quan người nước ngoài. Một hoạn quan Việt ở Trung Hoa chắc hẳn chẳng có giây mơ rễ má nào ở đó. Họ biết quan hệ với ai, họ vơ vét nhiều để làm gì... Và nếu họ chết đi, thì của cải của họ lại trở về tay nước Trung Hoa... Chính vì vậy, hàng năm ta vẫn phải cống một số người thiến cho nhà Minh. Vậy tại sao lại không dùng cách gậy ông đập lưng ông, cài người của ta vào ở ngay trong cung cấm của Trung Hoa.

Thái sư Quý Ly tự cười mỉm với mình lần nữa. Ông đọc tiếp tờ tấu của An Phủ sứ Hải Đông. Các trang trại của cháu chắt cụ Hưng Đạo Vương ở vùng đó vì chế độ hạn điều và hạn nô, nên không chiêu mộ quân lính nữa. Các đội quân riêng của các vương hầu nhà Trần bị giải tán. Những điền trang nô và tam bảo nô được giải phóng đã thành những đoàn người lang thang đi làm thuê ở khắp vùng. Và lắm kẻ tụ tập thành bè đảng đi ăn cướp, lắm kẻ được cấp đất cũng không chịu làm ruộng, bởi vì họ không quen làm chủ đất đai của mình, và cũng không có những kinh nghiệm làm ăn. Họ đã quen bị sai khiến, nay được thành người tự do cũng không biết sử dụng cái lợi thế ấy của mình. Rất nhiều người lâm vào cảnh còn khổ sở đói khát hơn lúc làm nô tì ở điền trang. Những tờ tấu ở trấn Tam Giang, Châu Hồng, Châu Khoái... cũng nói lên tình hình tương tự. Điều làm Quý Ly bực nhất, đó là những ẩn ý đằng sau những tờ tấu. Ví dụ có những câu như: “kẻ nông nô lầm than điêu linh”, “lắm kẻ lại quay về điền trang cũ xin làm nô trở lại, nhưng không được nhận...” Nghĩa là bản thân các viên quan làm tấu sớ, trong thâm tâm cũng vẫn muốn phục hồi như cũ.

Thái sư thở dài. Ông hiểu rằng chế độ mới được thi hành, chắc chắn còn nhiều trục trặc. Đúng là ban đầu người dân có thể khổ hơn trước. Tuy nhiên, thái sư đang nghĩ ra những giải pháp. Ví dụ: Nguyễn Phi Khanh đã gợi ý cho ông nên thành lập đồn điền ở các vùng đất rộng, người thưa, đưa dân vào Hóa Châu, vùng Châu Ô, Châu Lý, nơi ấy cần thành lập những làng Việt mới. Việc đó có lợi vì người dân được no đủ và làm phên dậu của ta cũng được thêm vững chắc. Quý Ly cũng nghĩ tới việc đặt thêm các sở tuần thú ở các cửa sông, các nơi trọng yếu, để lùng bắt cướp, cho người dân được yên ổn.

Chợt nhớ tới chuyện thời Minh Tông, có người dâng sớ nói trong dân gian có nhiều kẻ lang thang du đãng, không có tên trong sổ, không chịu thuế dịch. Vua Minh Tông bảo: “Nếu không có kẻ lang thang sao thành được đời thái bình...” Thái sư cười mỉm và tự nói với mình: “Còn ta, ta không muốn trong dân gian có kẻ lang thang. Sắp tới, ta sẽ cho làm sổ hộ khắp nước. Không một người dân nào được sót. Các xã trưởng sẽ phải trách nhiệm chú ý đến từng người dân, cấp đất cho họ làm ruộng, và nhất là phải ghi tên họ trong sổ hộ. Quản lý được từng người dân mới đích thực thời thái bình.”

4

Thái sư Quý Ly còn đọc tấu biểu cho đến tận khuya. Thị nữ dâng canh sâm cầm hạt sen. Ăn xong, ông cho mọi người lui hết.

Giờ này chỉ còn mình ông trong cung điện mênh mông. Ông ra cầu đá thả bỏng xuống hồ nước, để nhìn lũ cá lao xao tranh ăn dưới ánh trăng. Rồi lững thững ra trước tòa tiền điện ngắm đôi rồng đá, vuốt ve chúng, và thầm thì trong óc, tự bàn luận với bản thân về những ý tưởng tương lai. Tiếp đó, lại quay về tòa chính điện tòa lâu đài chạm trổ xinh đẹp, niềm tự hào của ông. Ông chợt nhớ tới lời của Nguyên Trừng.

- Ở Tây Đô, cung điện của cha căn bản cũng đã xong. Đó là bản sao của cung Họa Lư ở Đông Đô. Duy chỉ có một điểm khác: ở đây, gỗ là chủ yếu; còn ở Tây Đô, đá là chủ yếu. Tòa chính điện có kích thước và kiểu dáng hệt như bản chính. Chỉ thay bốn cây cột ngọc am bằng bốn cây cột đá cẩm thạch. Đẹp vô song là chiếc long sàng. Chiếc sập chân quỳ tạc bằng đá toàn khối. Bọn thợ đá đục những phiến đá khổng lồ để xây thành, phát hiện ra một phiến đá quý rất to. Phải dùng một chiếc thuyền lớn mới chuyển được đá về An Tông. Chính phường thợ tạc rồng đã làm chiếc sập. Khi hoàn thành, đánh bóng mặt sập, mới phát hiện ra đó là chiếc long sàng có một không hai. Những vân xanh đen bỗng xuất hiện trên mặt đá tạo thành năm mảng được bố trí cân xứng. Ở giữa phảng phất hình một con rồng đang bay, chung quanh là những đám mây vờn...

Quý Ly thầm nghĩ: một điềm tốt lành.

Cũng như mọi đêm, ông làm nốt việc cuối cùng: đến nhà hậu đường - nơi có bàn thờ của bà công chúa Huy Ninh mới mất, trước đây vài tháng. Quan thái sư có tình nghĩa sâu nặng với bà, ông rước vong linh của bà về nhà hậu đường; ông muốn bà luôn kề cận bên ông. Và hằng đêm, trước lúc ngủ, ông vẫn đến bàn thờ bà để thắp hương, để tâm sự... Ông làm việc đó đều đặn như một tín đồ. Nói thế cũng không ngoa, vì ông coi việc thắp hương cho Huy Ninh công chúa như một phần việc phải làm của đời ông.

Nhà hậu đường, nơi thờ bà Huy Ninh, giống như một ngôi chùa quê. Năm xưa, lúc thượng hoàng Nghệ Tông ở đây, ngôi nhà này chưa có, khi đó nơi đây chỉ là khu vườn cổ thụ. Lúc vợ chồng Quý Ly đến, bà Huy Ninh bèn cho xây một ngôi nhà năm gian để ở cho yên tĩnh, và đó cũng là nơi bà thờ Phật. Ngôi nhà giữa, cung điện chính rực rỡ vàng son, nguy nga tráng lệ bao nhiêu, thì tòa hậu đường quê mùa và khiêm nhường, ẩn dật bấy nhiêu. Trước nhà có hai cây đại to, mà những cành lá nhô cao như những bàn tay xòe ngón vươn lên trời để hứng móc mưa, phật lộ. Những bông hoa đại trắng ngà, thơm ngọt rải rắc trên sân rêu tạo thành một tấm thảm màu nâu cài hoa xanh trắng.

Vào trong nhà, gian giữa thờ Phật A Di Đà. Trên bàn thờ chỉ có pho tượng màu cánh gián, pho tượng dưới dạng người phụ nữ ngồi kiết già, hai tay đặt trước bụng, vẻ trầm tư, phảng phất một nét buồn nhân thế. Trước mặt tượng Phật đặt một bình hoa, một lư hương. Thái sư không thích đạo Phật, nhưng hàng năm, ông vẫn vào đây thăm vợ, nên dần dần pho tượng trở nên quen, rồi thân thiết với ông. Cứ nghĩ rằng pho tượng ấy như một người mẹ, đã chứng kiến, an ủi, xoa dịu những nôi đau khổ của bà Huy Ninh trong những ngày cuối cuộc đời, nên mặc dù công kích đạo Phật, ông vẫn để nguyên trạng gian thờ sau khi phu nhân mất. Cứ coi đó là một kỉ niệm của vợ ông, mà kỉ niệm bao giờ chả linh thiêng. Ngay cả đến những kỉ vật nhỏ nhoi nhất như cái mõ, cái chuông, chiếc dùi gỗ, ông cũng bảo quản trân trọng.

Bên trái bàn thờ Phật có chiếc giường xưa bà nằm, bên phải chính là nơi thờ cúng bà, ở đó có bức tượng của công chúa Huy Ninh tạc bằng đá trắng. Bà ở tư thế ngồi trên ghế, hai chân thõng xuống, hai bàn tay giơ ra, đẩy ra phía trước, như thể muốn can ngăn, muốn chối bỏ. Những ngón tay thon thả khum khum trắng ngần tạo thành hai đóa hoa ngọc ngà. Thái sư nhẹ nhàng nắm lấy hai bàn tay đá lạnh ngắt ấy. Đầu pho tượng trắng hơi cúi, ông ngồi xuống chân pho tượng để được ngắm khuôn mặt thánh thiện, thân quen của bà, khuôn mặt mà ông thuộc từng đường cong dịu dàng, khuôn mặt mà ông đã được ngắm nhìn từ thủa ấu thơ, khuôn mặt mà sự u buồn thấm vào từng đường, từng nét. Ông chợt thở dài...

Thủa bé, Quý Ly vẫn thích chơi với lửa. Người họ Hồ truyền lại rằng lúc còn tí xíu, lắm bận đang đêm Quý Ly cứ khóc ngằn ngặt, dỗ bằng cách nào cũng không nín, lúc đó nếu thắp lên một ngọn bạch lạp, cậu bé sẽ ngừng khóc ngay, và tròn đôi mắt nhìn vào ngọn nến lung linh. Chẳng hiểu sao, ngọn lửa lung linh đó cứ ám ảnh ông suốt đời.

Ông bố Quý Ly là quan kinh lược sứ Lê Quốc Kỳ thấy vậy nói với vợ:

- Thằng bé này thích lửa, sau này sẽ là người có chí khí.

Quả nhiên, Quý Ly lớn lên rất thông minh dĩnh ngộ. Đặc biệt rất có ý chí, đã làm gì là quyết làm cho bằng được Kinh lược sử cũng dày công đào tạo con trai. Ông tìm những thầy giỏi nhất kinh đô, cả văn lẫn võ, để đào tạo con trở nên văn võ song toàn.

Thủa bé, Quý Ly thích chơi với lửa - Câu nói ấy lúc đầu mang nhiều nghĩa đen. Lúc Quý Ly còn nhỏ, đó là lúc ngọn lửa cây nến. Lớn lên chút nữa, khi biết chạy nhảy, ngọn lửa ấy ở trong khu vườn gia đình.

Thủa ấy những ngôi nhà dân Thăng Long đều là những ngôi nhà vườn.

Nhà nghèo, vườn nhỏ; càng giàu sang khu vườn càng to rộng thêm. Trong khu vườn nhà họ Hồ có một hòn giả sơn nằm trong một khu vực cây cối um tùm; trên cao bao trùm cả vùng đất là một cây đa lớn, tán xòe ra che kín chừng mẫu ruộng. Quý Ly thường chơi ở đó. Lúc tám tuổi, cậu bé bỗng nảy ra ý nghĩ phải nhen một ngọn lửa, tự mình nhen lấy. Hương tàn sẽ tắt; ngọn lửa của cây bạch lạp, của một ngọn đèn hễ hết đêm rồi cũng tắt; ngay như ngọn lửa của vầng mặt trời rực rỡ đến bao nhiêu, mà lúc hoàng hôn cũng phải chìm dần. Riêng Quý Ly, cậu bé muốn một ngọn lửa không khi nào tắt. Có thể đó chỉ là một trò nghịch ngợm của tuổi ấu thơ; nhưng cũng có thể đó là một bản năng khát khao thầm kín của con người muốn giữ một ngọn lửa đời đời.

Quý Ly nuôi ngọn lửa tí xíu ấy trong một hốc đá, cạnh cây đa xum xuê. Cậu bé tiếp sống cho nó bằng những cành khô, lá khô, nhất là thứ lá ngải, màu xám xanh, thứ lá tùng chết màu nâu, và những bụi cúc rạc nắng, đó là những loài cây cho ta mùi hương ngan ngát khi thành khói bốc lên.

Quý Ly suốt ngày phải học, và phải thơ thẩn chơi một mình, vì vậy khi nào bà Minh Từ dẫn cô công chúa Huy Ninh về nhà ngoại, ngày đó đối với Quý Ly là một ngày hội. Chắc chắn đối với cô công chúa xinh xinh kia, niềm vui hôm đó cũng không phải nhỏ. Hai đứa bé dắt tay nhau, lang thang trong khu vườn rộng, khu vườn hoang dại ấy đi theo tâm trí của cả hai suốt đời người.

Ngọn lửa tí xíu trong vườn, ở hốc đá vốn là của riêng Quý Ly. Đó là bí mật mà cậu bé thề sẽ chẳng cho ai biết. Cậu không hiểu tại sao, nhưng cậu đã bảo vệ sự bí mật ấy đối với tất cả mọi người, ngay cả những người thân nhất. Cậu cứ mường tượng như ai nhìn thấy nó tức là đã nhìn thấu ruột gan mình, tức là ta đã bị trần truồng trước người khác...

Ấy thế mà khi gập cô bé Huy Ninh, ý định giữ bí mật ngọn lửa thiêng ấy đã bị lung lay. Huy Ninh là một sinh vật trắng ngần, dịu dàng, mềm yếu, vô hại. Điều đặc biệt Quý Ly cảm thấy tin cậy, khi đi cạnh cô, cậu như thấy được an lành; sự an lành ấy tỏa ra từ dáng điệu, giọng nói, ánh mắt, thậm chí từ mùi hương của mớ tóc đen nhánh. Và cậu bé đã hỏi Huy Ninh.

- Em có thích lửa không?

- Em thích đốt nến. Có đêm, em đốt một cây nến và nhìn nó cháy cho đến hết. Ngọn nến chảy ròng ròng như người khóc. Giọt nến giống như giọt nước mắt.

Cậu bé ngẫm nghĩ:

- Em cũng giống anh đấy.

- Mẹ em bảo anh cũng thích nến? Có đúng không?

- Lúc mới đẻ anh hay khóc, cứ đốt nến lên là anh nín. Có đúng thế không?

Thế là cậu bé gật đầu và quyết định chia sẻ ngọn lửa bí mật ấy với Huy Ninh. Cậu cho phép Huy Ninh được biết nơi giấu ngọn lửa trong vườn. Cho phép cô gái được đi nhặt những bụi cúc khô và giúp giữ gìn ngọn lửa. Quý Ly lại dạy cô cách tết vấn những nùn rơm bằng các loại cỏ dại cho thật chặt để rấm lửa, kéo dài ngọn lửa từ ngày này sang ngày khác trong hốc đá. Cậu bảo: “Nhóm lửa không khó, nhưng rấm lửa mãi mãi mới là chuyện khó.”

Quý Ly còn khuyến khích Huy Ninh nhóm một ngọn lửa bí mật cho riêng cô. Tiếc thay, công chúa lại không chịu làm việc đó...

Huy Ninh càng lớn càng xinh đẹp. Cô mảnh mai yếu đuối như một bông hoa, đẹp như một chiếc bình ngọc quý mong manh, trong vắt, tưởng như bất cứ một thứ gì thô kệch nặng nề đều có thể xâm hại. Vua Minh Tông yêu thương cưng chiều con gái; có thể nói cả hoàng tộc đều nâng niu cô công chúa.

Càng lớn, hai người càng thân thiết... nhưng họ đều chẳng dám nói điều gì với nhau cả... Bởi vì luật lệ nhà Trần lúc đó rất ngạt nghèo. Thời vua Minh Tông, thế lực nhà Trần còn mạnh mẽ, vững chãi. Nhà vua cấm các cô công chúa không được lấy con trai ngoài họ Trần. Huyền thoại dân gian thêu dệt rằng, trong giấc mơ, Quý Ly được thần gà cho một vế đối:

“Quảng Hàn cung lý nhất chi mai” để ông đối lại vế đối mà vua Minh Tông đưa ra: “Thanh Thử điện tiền thiên thụ quế.” Thực ra, với một tình cảm quá thân mật từ thủa ấu thơ, với sự cảm thụ cái vóc dáng mong manh trắng ngần của cô em họ, Hồ Quý Ly có thừa đủ trí thông minh, óc tưởng tượng để so sánh cô với chị Hằng Nga trong cung Quảng Hàn, hoặc so sánh cô với một nhành hoa mai. Và với vế đối ấy, người ta cũng hé thấy sự ước ao tuyệt vọng của Quý Ly: cô em gái thủa ấu thơ đẹp như một nhành mai nhưng ở xa vời quá, tận cung trăng trên trời cao, làm sao Quý Ly với tay tới được.

Công chúa Huy Ninh, nàng Nhất Chi Mai đã được vua Minh Tông gả cho tôn thất Trần Nhân Vinh. Quý Ly đành ôm hận lấy một cô gái hiền thục khác và sinh ra Hồ Nguyên Trừng.

Sự xoay vần của lịch sử thật trớ trêu, đối với con người, nhiều khi rủi nhưng cũng có khi may. Hồ Quý Ly, nhờ thế lực hai bà cô, được vào làm chức quan nhỏ vô danh, hầu hạ trong cung đình. Làm chức nhỏ nhưng ông vẫn ngày đêm dùi mài kinh sử. Thân phận nhỏ nhoi, vô danh, có tính chất tôi đòi ấy chẳng làm nhụt lòng, mà trái lại, nó khuyến khích chàng trai cố ngoi lên, để thỏa mãn những tham vọng ngày càng lớn lên trong tâm trí chàng.

Quý Ly hầu hạ vua Minh Tông sau khi Minh Tông mất lại vào giúp việc cho Cung Định Vương Trần Phủ, tức là vua Nghệ Tông sau này. Trần Phủ đã nhanh chóng nhận ra tài năng sắc sảo của người em họ ngoại. Quý Ly được tin dùng, được thăng chức cao đã là cái may, ông còn tiếp tục được Nghệ Hoàng ban cho cái may thứ hai không kém phần quan trọng. Trong vụ loạn Dương Nhật Lễ, chồng bà Huy Ninh, tôn thất Trần Nhân Vinh bị ông vua phường chèo giết chết. Nghệ Hoàng rất quý cô em gái đẹp người mà bạc mệnh, nên quyết định gả Huy Ninh công chúa cho Quý Ly vừa mới góa vợ.

Đêm đầu tiên, hai người gặp nhau, Quý Ly hỏi:

- Nàng còn nhớ tới ngọn lửa trong hốc đá thủa xưa không?

- Thiếp vẫn nhớ.

- Những năm qua nàng để nó ở đâu?

Bà công chúa không trả lời thẳng vào câu hỏi:

- Hôm đi lấy chồng, thiếp khóc suốt một ngày ròng.

Bà không trả lời nơi để ngọn lửa, nhưng Quý Ly đã hiểu bà để nó ở đâu. Cũng như nhiều bà công chúa nhà Trần, Huy Ninh rất sùng đạo Phật. Và càng sống lâu với Quý Ly, sự sùng đạo ấy càng thêm sâu đậm. Lúc mới về nhà họ Hồ, bà chỉ đọc kinh gõ mõ vào buổi tối. Sau này bà tăng dần lên: mỗi ngày đọc kinh sám hối ba lần; cuối cùng bà gần như quy y đạo Phật ngay trong nhà mình. Tại sao như thế, bà không nói ra, và mọi người cũng tránh không hỏi. Bà không bao giờ biết đến việc triều chính. Nơi bà sống và đi lại chỉ có hai chỗ: chùa Báo Thiên và gia đình. Những diễn biến và âm mưu cung đình hầu như chẳng bao giờ lọt đến tai bà. Vậy thì không phải sự bạo liệt cuồng nộ của thời thế đã biến bà thành người sùng đạo, hay cũng có thể “thời thiên túy” có cách riêng của nó để truyền lan ảnh hưởng đến từng người, dù người đó chui vào mật thất, cách ly với cuộc đời.

Điều kỳ lạ Quý Ly nhận thấy: bà chưa hề bao giờ trách móc ông nửa lời, dù ông làm những việc mà bản thân ông cũng thấy ghê gớm. Bà khiêm nhường, lặng lẽ dịu dàng... Cũng như hồi bé, ở bên bà ông thấy sự an lành xoa dịu. Những ngày xưa, cảm giác an lành ấy ông nhận được từ sự tỏa sáng của một ánh mắt, một sắc thái âm thanh, hay từ hơi thở thơm tho của bà. Còn ngày nay khi đã là vợ chồng, sự an lành ấy đi theo bà để tràn vào khắp nơi trong nhà ông.

Sự dịu hiền của bà ám vào trong không gian, trên cái gối, cái chăn luôn luôn thơm tho mời đón, trên mâm cơm giản dị ngon lành tự tay bà nấu. Có bận ông ốm, bà nấu cho ông bát canh sâm cầm nóng. Ông chậm rãi nhìn những mẩu hành như những đốm hoa mầu ngà xanh bơi trong thứ nước sóng sánh... Ông nhìn chậm rãi.. Ô kìa? Sao lại thế? Hành mà có vị thơm đến thế ư? Lần đầu tiên trong đời ông cảm nhận được hương thơm của một nhánh hành hoa. Có lẽ cuộc sống chính trường vội vã, hối hả và bạo hệt đã làm cho tất cả giác quan của con người bị thui chột... Và chỉ có bàn tay người đàn bà mới có thể làm thức dậy những cảm xúc tinh tế mà con người đã đánh mất...

Tiếc thay! Những phút như vậy, ông có ít lắm. Ông làm gì có thời gian nhàn rỗi để nhấm nháp những hương vị tinh tế ấy. Thời giờ để ốm ông cũng không có. Ông sống như một cơn lốc, hay cuộc sống cung đình như một cơn lốc đã hút ông vào, không cho phép ông được hưởng thụ những điều tầm thường ấy. Ông thiếu cảm giác ư? Không cảm giác của ông buộc phải mài nhọn vào hướng khác, nhạy bén vào hướng khác. Cái mũi, cái mắt, cái tai của ông phải hướng về những âm mưu; phải đánh hơi, phải nghe, phải nhìn thấy chúng ngay từ lúc chúng còn ở xa chưa xuất hiện... Tiếc thay! Chỉ những phút hưởng thụ hương vị của một nhánh hành tầm thường như vậy, người đời mới gọi là hạnh phúc. Tiếc thay? Chỉ những cảm giác hiền hòa an lành mới thực sự là hạnh phúc. Còn ông, đêm ngày ông phải bận rộn, vật lộn; tâm trạng lúc nào cũng khắc khoải, cuồng nộ. Và những đam mê những khát vọng của ông cho đến lúc thành tựu, thực bụng lúc đó ông thấy kiêu hãnh và thỏa mãn. Vâng, ông rất thỏa mãn, và chỉ có thế mà thôi? Cái đó có gọi là hạnh phúc không nhỉ? Còn tham vọng thì vẫn như những đợt sóng; đợt này qua, đợt khác tới. Và ông lại say sưa đi vào những tham vọng mới...

Cũng chính vì vậy, nên những phút bên bà công chúa Huy Ninh, ông rất quý. Ông càng lao đầu vào chính trường bao nhiêu, ông càng kính trọng sự thánh thiện an lành trên gương mặt bà bấy nhiêu. Có đêm, ông đang nằm ngủ với một giấc mộng dữ. Ông bỗng choàng tỉnh giấc vì có tiếng mưa rơi tí tách. Ông nhổm dậy đã nhìn thấy bà Huy Ninh đang kính cẩn quỳ gối trước bàn thờ Phật, khuôn mặt đầm đìa nước mắt. Ông chợt hiểu ngọn lửa ông nuôi là sự cuồng nộ hành động, còn ngọn lửa của bà nằm ở sự sám hối...

Hóa ra... bà vẫn ngày đêm cầu khẩn cho ông...

Vì thế, khi bà mất, ông thấy choáng váng cô đơn. Những người như ông, nỗi cô đơn là bạn đồng hành. Ông kiêu hãnh vì sự cô đơn ấy. Thậm chí, ông nghĩ phải có sự cô đơn, ông mới làm nên sự nghiệp ở đời. Thế gian này dễ mấy ai hiểu nổi ông. Nhưng với bà, lại hoàn toàn khác. Ông chưa hề bao giờ nói những chuyện to tát với bà, hầu như bà chẳng biết việc ông làm, nhưng thực ra bà lại rất hiểu ông. Thật nghịch lý! Nhưng lại là sự thật, bởi vì bà là một phần của đời ông. Bà là điều ông thiếu, là cái khát khao mà ông không có. Bà là cái màu trắng mát mẻ luôn tràn vào tâm hồn ông để hòa dịu cái màu đỏ luôn đêm ngày rừng rực trong ông.

Ôi! Người đàn bà thánh thiện của ông đã ra đi! Bà đã cho ông rất nhiều. Những việc ông làm được, phần nào nhờ bà nên mới có. Ông vật lộn giành giật, bà chẳng trách móc ông. Có lúc ông xé ruột xé gan kẻ thù và xé nát cả tâm hồn mình, bà giơ bàn tay trắng ngần xoa dịu lòng ông. Có lúc ông tàn nhẫn độc ác, bà sám hối thay ông...

Cũng chính vì vậy, hằng đêm ông vẫn đến trước bàn thờ công chúa Huy Ninh, ngồi dưới chân pho tượng đá trắng, để nói chuyện với bà bằng những thì thầm trong tâm tưởng. Có lúc chẳng nói gì, mà chỉ cần nhìn vào gương mặt đá trắng ấy, ông cũng thấy lòng vơi nhẹ. Đêm nay, nhìn pho tượng trắng ngần hai tay giơ ra phía trước như muốn can ngăn ấy, nhìn vào khuôn mặt đá trắng buồn héo hắt và thương xót ấy... Ông mới thấy hết nỗi cô đơn của mình mênh mông biết nhường nào! Cứ như thể lòng ông muốn khóc, cứ như thể pho tượng đá trắng kia muốn giục giã cho những giọt nước mắt trong lòng ông tuôn chảy cho vơi nhẹ... song không tài nào được.

“Ngủ đi! Ngủ đi! Cứ nhắm mắt lại? Hãy quên hết, quên hết đi...” Giọng thì thầm của bà bỗng vang trong lòng ông... như nhiều đêm ông đã gặp. Và người đàn ông hùng mạnh ấy đã gối đầu lên chân pho tượng đá. Ông đi tìm gặp lại bà trong giấc mơ.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay