Hồ Quý Ly - Chương 08 - Phần 1

Chương 8: Trong vườn ngự uyển

1

Trần Nguyên Hàng, Trần Khát Chân đã tính sai. Cả bà cung nữ dày dạn kinh nghiệm kia cũng tính sai nốt. Trần Thuận Tông, sau khi khỏi bệnh, bỗng biến đổi hoàn toàn, khác hẳn dự tính của mọi người. Ông vua con, như ta biết, vốn được hưởng một nền giáo dục rất nghiêm ngặt, rất Khổng giáo. Chàng lại còn ham mê sách vở, là con người trầm tư. Về mặt thể tạng, Trần Ngung gầy gò ốm yếu, không phải sinh ra để đam mê những thú vui thể xác.

Căn bệnh hiểm nghèo đã làm chàng, trong một thời gian, quên mất địa vị, thân phận, sách vở và những lời nói vàng ngọc của các bậc thánh hiền cũng tan biến trong cơn rồ dại; những cử chỉ thanh nhã, tế nhị mà cuộc sống cung đình đã vun trồng tạo thành từ bao năm nay bỗng bị lãng quên, nhường chỗ cho những bản năng, những thèm khát như những con thú mơ màng ngủ lịm bỗng chồm thức dậy.

May mắn thay, những con thú đã được xổng xích. May mắn thay, những cơn điên rồ đã làm chàng được sổ lồng. Những ràng buộc nghi thức và tinh thần được nới lỏng, làm chàng lạc vào miền lạc thú; và lạc thú đã cứu chàng khỏi bị tù hãm trong xứ hôn mê. Lạc thú đã làm thức dậy sự sống, nó xoa dịu, ru ngủ những đau buồn, thất bại. để đem lại một cân bằng; cuối cùng an hòa ngự trị...

Nhưng một khi tỉnh lại, Thuận Tông bỗng trở lại như Thuận Tông khi xưa. Điên rồ ra đi, lý trí trở về. Nó lập tức không cho phép chàng sống như những ngày rồ dại. Dư vị của những ngày ấy nay chỉ còn là những tiếng thở dài, một nỗi luyến tiếc mơ hồ ngọt ngào; có lúc, nó trở thành một niềm xấu hổ, nỗi sợ hãi của một kẻ đã phạm một điều cấm kị. Chắc chắn đó là nôi giày vò của một con người hiền lương - Cũng chắc chắn Thuận Tông là một con người hiền lương, mà những dấu vết của đạo lý của sách vở, bao giờ cũng là những khuôn mẫu, những vết hằn in đậm trong tâm trí không thể mờ phai.

Chính vì vậy, Thuận Tông lại lao đầu vào sách vở. Trước đây, Ngọc Kiểm và những đam mê đã cứu chàng, còn lúc này sách vở đã làm phai mờ hình bóng cô cung nữ. Nhưng có phải sách vở đã xóa hình bóng Ngọc Kiểm, hay còn do một nguyên nhân khác, hay còn do một thế lực nào đó đã cố tình xóa mờ hình bóng nàng đi. Cô cung nữ trẻ đã biến mất lúc nào chẳng hay, cứ như thể bốc hơi. Sau những buổi đọc sách, ông vua trẻ cảm thấy một nỗi bâng khuâng khó xác định. Cứ như thấy đánh mất một cái gì đó. Nhưng rồi sách vở lại cuốn hút chàng. Ông vua trẻ có cái tài đọc sách rất tập trung. Đêm hôm đó, Thuận Tông đọc sách khuya lắm, sau đó chàng mơ một giấc mơ rất đẹp. Và dĩ nhiên chàng dậy muộn vì chân cứ còn muốn nấn ná trong giấc mơ huyền ảo. Lúc chàng tỉnh dậy. Cô cung nữ nhỏ bé xinh xinh đứng bên cạnh giường vội quỳ xuống mừng rỡ:

- Chúc hoàng thượng một giấc mơ đẹp lành.

- Sao ngươi biết ta có một giấc mơ lành và đẹp?

- Bẩm, thần thiếp biết vì... trong lúc ngủ, trên môi người luôn có nụ cười.

- Ừ. Lạ thật? Ta mơ thấy đến một ngôi nhà nhỏ xinh xắn trồng toàn những liễu...

Cô cung nữ nhỏ mủm mỉm cười.

- Sao ngươi lại cười?

- Bẩm, thấy liễu là có hỉ sự. Người xưa nói phận liễu bồ để chỉ người con gái. Chúc mừng bệ hạ sắp có hỉ sự.

Lúc này Thuận Tông mới để ý đến cô gái, liền hỏi:

- Ta chưa thấy ngươi bao giờ? Xem ra nàng rất lanh lợi.

- Tiện thiếp Uyển Nhi là cung nữ của hoàng hậu. Sớm nay có lệnh của thượng hoàng mời bệ hạ đến diện kiến. Hoàng hậu đến...

- Hoàng hậu tới thăm ta?...

- Tâu bệ hạ... Sáng nào hoàng hậu cũng đến thăm đức vua, và sáng nào đức vua cùng ngủ say... hoàng hậu không dám đánh thức, sợ làm kinh động long thể... Sáng nay... hoàng hậu cũng đến... nhưng phải về cung Hoàng Nguyên để chuẩn bị trang điểm... vào chầu...

- Nghĩa là hoàng hậu cũng đến thăm vua cha cùng với ta?

Cô cung nữ giục giã:

- Đã có trống gọi chầu bên cung Thượng hoàng... Thần thiếp đã cho sắp sẵn nước thơm và quần áo... Xin bệ hạ chuẩn bị để mặc long bào kẻo đức thượng hoàng mong.

Cô cung nữ xinh xinh kia đoán gặp cây liễu tức là gặp hỉ sự, hóa ra lại đúng. Nghệ Hoàng triệu tập thái sư, Thuận Tông và hoàng hậu Thánh Ngẫu đến nói:

- Ta rất vui vì con đã hoàn toàn khỏi bệnh. Cũng là lúc con đã tròn mười sáu tuổi. Nay, ta cho mở tiệc, ban yến cho bá quan. Triều đình sẽ làm lễ hợp cẩn cho hai con vì các con đã trưởng thành. Thứ nhất để yên bề xã tắc. Ta muốn các con mau chóng sinh hoàng tử. Thứ nhì để ta được vui tuổi già. Xem ra năm nay, ta thấy trong người đã yếu.

Sau bữa tiệc hợp cẩn, vua Thuận Tông và hoàng hậu Thánh Ngẫu lên thuyền đến khu hành tại Bình Than hưởng tuần trăng mật. Bình Than có rừng núi, sông hồ. phong cảnh hữu tình, được đôi vợ chồng coi trọng như một vườn ngự uyển tự nhiên.

Con vượn trắng, từ khi Thuận Tông bị ốm, cứ ủ rũ ngồi trên cây bưởi đầu nhà. Thuận Tông điên rồ đuổi nó: Về đi! Về đi! Về rừng mà ở? Lâu đài cung điện có phải là nhà của ngươi đâu.

Khi Thuận Tông đắm đuối với nàng Ngọc Kiểm, con vật thù ghét cô cung nữ ra mặt, mỗi lần thấy nàng đi qua, nó lại kêu la ồn ĩ, làm náo động cung vua, bọn lính mang cung tên ra bắn, nó sợ chạy biến vào vườn thượng uyển ẩn náu. Một buổi sáng, khi đã khỏi bệnh, ông vua con đang đứng ngắm hoa bỗng nghe tiếng kêu mừng rỡ của con vật. Thuận Tông ngẩng đầu lên thấy con vượn trắng vẫn còn như rụt rè sợ hãi. Chàng vẫy vẫy tay:

- Thì ra là ngươi. Mấy hôm nay ta vẫn hỏi thăm. Bọn lính bảo ngươi đã bỏ đi rồi. Thường đêm, lúc ngủ, ta vẫn nghe thấy tiếng động ở đầu nhà. Hóa ra ngươi vẫn ngủ trên cây bưởi cạnh buồng ta. Ngươi vẫn chẳng bỏ ta khi ta điên dại...

Con vật nhảy từ cây bưởi xuống. Thuận Tông ôm lấy nó, vuốt ve và dồn dập hỏi nó như nói chuyện với một người bạn lâu ngày xa cách.

- Khổ thân? Ngươi gầy thế ư? Hàng ngày ngươi ăn gì? Ngươi ăn trộm hoa quả? Vườn thượng uyển làm gì có quả ở đó chỉ có cây cao và hoa bốn mùa. A? Ta hiểu rồi? Có phải ban đêm ngươi đã lẻn ra phố phường, tìm đến những ngôi chùa, những miếu hoang để ăn trộm đồ lễ. Ngươi ranh ma lắm. Mà ngươi có thay ta đến điện Hoàng Nguyên thăm bà hoàng Thánh Ngẫu không? Trông con mắt ngươi ta biết là có. Nàng cũng yêu quý ngươi lắm. Sao lúc ta ốm ngươi không ở bên cung của nàng. - Thở dài - Ta biết ngươi không nỡ bỏ mặc ta - Và nàng nữa? Nàng vẫn hàng ngày đến thăm ta... chuyện ấy bây giờ ta mới biết... Và cả chuyện của ngươi nữa, bây giờ ta mới biết...

Ông vua con, con vượn, bà hoàng hậu trẻ ngồi trên thuyền rồng; và lòng Thuận Tông cứ miên man nghĩ ngợi. Con thuyền đi trên dòng sông, hai bên bờ trải dài những xóm làng trù phú, những ruộng lúa, ngô xanh mướt rồi tiếp theo đến những đồi cây nhấp nhô, những khu rừng bát ngát.

Con vượn trông thấy rừng, bỗng nhảy lên mui thuyền và hú lên tiếng hú dài man rợ. Trong cánh rừng, bỗng có tiếng hú đáp lại; rồi từ đỉnh những ngọn cây một đàn chim bay túa lên trời, tạo nên một khung cảnh rất thanh bình ngoạn mục.

Thuyền đến Bình Than, con vượn cuống quýt cầm tay đôi vợ chồng trẻ, quay đầu nhìn vào trong rừng. Thuận Tông cười:

- Ngươi đến thăm sư phụ trước đi chúng ta sẽ đến sau.

Đêm hôm đó mưa rào.

Xưa kia, Thuận Tông thường tưởng tượng đêm đầu tiên giao kết của hai người phải là một đêm trăng sáng, nào có biết đâu đêm nay lại là đêm mưa. Mưa rừng, mưa sông!... Ở sau lưng tòa đại diện là những đồi thông nối đuôi nhau dẫn tới khu rừng đại ngàn. Mưa không to lắm, nhưng dầm dề, tạo nên một nền âm thanh rì rào không dứt. Thỉnh thoảng, một trận gió lùa vào những tán lá đại thụ làm nước rơi lộp bộp. Nổi lên trên cái nền âm thanh thì thầm ấy là tiếng của muôn vàn loại côn trùng, tiếng con dế gáy ri ri, tiếng con ếch gọi bạn ộp oạp, rồi tiếng chẫu chuộc kêu inh ỏi, tiếng con cóc nghiến răng khó nhọc, tiếng con ễnh ương đều đều buồn tênh. Ở đâu đó, tít tận rừng sâu có tiếng con nai giác, tiếng con nai mừng mưa, hay tiếng mừng mùa cỏ mọc, hay tiếng tha thiết gọi bạn tình...

Thuận Tông chợt nói khẽ:

- Thánh Ngẫu ơi! Nàng còn thức hay nàng đã ngủ?

- Thiếp vẫn nằm nghe.

- Ta cũng nằm nghe.

- Nghe thấy gì?

- Tiếng rừng hay thật!

- Tiếng mưa cũng hay.

- Tiếng dế, tiếng ếch nhái nghe cũng thích? Đủ giọng... to, nhỏ, bổng, trầm... Nàng thích nhất tiếng gì?

- Tiếng con dế gáy. Chàng có nghe thấy không? Con này gáy rất to. Ở sát đầu giường chúng ta, chắc nơi cửa sổ dưới bụi hoa hồng...

- Thánh Ngẫu ơi! Sao nàng lại cười?

- Thiếp chợt nhớ đến một chuyện lúc bệ hạ đang ốm...

- Chuyện gì? Kể cho ta nghe đi.

- Những hôm đầu mới ốm, chàng không ngủ, suốt mấy đêm chỉ đi lang thang, nói lảm nhảm. Đêm đó, ông lang Điền cho uống thuốc ngủ. Nhưng trời mưa, lũ ếch nhái ở ao sen kêu suốt đêm làm chàng giật mình thức giấc. Cha thiếp phải sai một trăm cấm binh ngâm mình dưới ao, cầm roi liên tục vụt xuống nước, bắt lũ ếch nhái côn trùng phải lặng im. Nhờ cơn mưa mát, nhờ không có tiếng động, đêm đó chàng ngủ yên...

- Có chuyện đó thật sao?

- Thật chứ! Mà cũng hay! Cùng một tiếng ếch nhái kêu, đêm xưa sao mà ghét thế. Bắt chúng phải im? Còn đêm nay, em cầu mong cho chúng kêu mãi mãi. Nghe tiếng côn trùng kêu mưa, đêm nay sao thiếp thấy hay đến như vậy.

- Ta cũng thấy tuyệt. Lần đầu tiên ta để ý đến chúng.

- Lần đầu tiên, thiếp được nghe cả tiếng nai lẫn vào đó.

- Lần đầu tiên, ta biết thế nào là dế gáy...

Cuộc giao kết đầu tiên của vua Thuận Tông và bà hoàng Thánh Ngẫu xảy ra như thế đó. Thật khác hẳn cuộc ái ân sôi nổi của Ngọc Kiểm đã hiến dâng cho ông vua nhỏ. Nhưng cuộc ái ân nào chẳng có cái duyên riêng của nó. Có thể Thuận Tông như kẻ đã được nếm vị ngọt nồng của trái mít, nay bỗng phát hiện được vị thơm mát dịu dàng của trải lê. Cũng có thể, ông vua con suốt ngày tháng vùi đầu vào triết lý vô dật, rồi sau đó ông đã đi ngược lại triết lý khắc kỷ ấy; và dù mới chỉ là một bước nhỏ thôi, cũng đã đủ làm ông áy náy trở về sám hối. Cũng còn có thể, vì thể tạng của Thuận Tông mong manh, nên ông chỉ hợp với một cuộc tình thanh mảnh. Lại cũng có thể, vì bà hoàng Thánh Ngẫu là người con gái ông yêu quý nhất...

Sáng hôm sau, Thánh Ngẫu và Thuận Tông theo lối mòn xưa đi đến thung lũng hoa, men dòng suối có những cây sung đỏ ối quả, rồi theo hút đàn chim phường chèo vào rừng thẳm đến thạch am thăm vị đạo sĩ.

Con vượn trắng, từ lúc thuyền cập bến Bình Thanh đã trở về rừng, nay ra đón hai người. Nó cầm tay Thuận Tông đi về phía động đá. Đạo sĩ đứng ở cửa hang quỳ rạp chào vua và hoàng hậu.

- Con bạch viên cho bần đạo biết hoàng thượng đến từ chiều hôm qua. Bần đạo, vì ốm đau, không xuống núi được để nghênh giá. Thật muôn phần có lỗi.

Nhà vua đỡ đạo sĩ đứng dậy. Sau khi đã phân ngôi chủ khách, Thuận Tông nói:

- Ít lâu nay, có nhiều chuyện xảy ra, lòng ta rất bối rối. Nay muốn đến tham vấn sư phụ.

Đạo sĩ Thanh Hư nhìn nét mặt nhà vua rồi nhắm mắt lại hồi lâu, sau đó bảo:

- Tâu bệ hạ, đúng là có nhiều điều phức tạp, dễ làm rối lòng người. Nếu giữ không cẩn thận sẽ đi tới mê cuồng.

- Sư phụ nói không sai. Vừa qua có lúc ta đã lâm bệnh, mắc chứng mê sảng.

Đạo sĩ già nhắm mắt lại, giọng ông đều đều:

- Đời người mờ mịt; thoắt đến thoắt đi, biết đâu là phúc, biết đâu là họa; biết đâu là thị, biết đâu là phi... Sao chẳng như hơi thở của đất trời, đã không nổi lên thì thôi, đã nổi lên sẽ ra muôn giọng. Gặp hang, gặp rừng rú: gào, gầm thét; gặp hốc, gặp bọng, gặp ao sâu, vũng cạn: nỉ non, rù rì; lúc buồn nức nở lúc thì hiu hiu... Sao chẳng khiến cho hình hài như cây khô, lòng như tro lạnh... Đời người mờ mịt, há phải riêng ai mờ mịt... Ôi thôi! Khó thay? Khó thay... Ai biết nẻo về?... Nẻo về giăng sương...

Thánh Ngẫu chẳng hiểu lời nói của đạo sĩ ra sao, nhưng Thuận Tông tỏ ra xúc động. Ông đứng trước bàn thờ, thắp nén nhang, cúi lạy. Đạo sĩ lấy một tờ giấy bạch, viết tặng một bài thơ:

Tro lạnh dù tàn đốm lửa

Xin đừng ủ trấu, nhen rơm

Dưới tro nào ai có biết

Đâu là hạt, đâu mầm xanh

Cơ trời nhiệm màu khôn xiết

Thị phi cũng một chữ đồng.

Lại lấy từ bàn thờ xuống, một tảng đá. Nhìn kĩ, thấy giống hình một ông già râu dài, tay chống gậy trúc, đang ngồi trầm tư. Đạo sĩ nói:

- Một đêm, bần đạo nằm mơ gặp đức Thái thượng lão quân; hôm sau vào một hang núi, thấy tảng đá thiêng này. Nay, xin tặng bệ hạ, để cho trọn cái duyên hữu tình. Bệ hạ trở về, xin cẩn trọng. Một ngày gần đây sẽ gặp nhau.

Con vượn quyến luyến ông đạo sĩ già mãi không nỡ dứt. Ông vuốt ve nó:

- Bạch viên, hãy nghe lời ta. Cuộc vui nào chẳng có lúc tàn. Ngươi hãy hầu hạ đức vua, làm cho người khuây khỏa. Hết kỳ hạn, thầy trò ta khắc gặp nhau.

Thuận Tông đem hòn đá thiêng về kinh, ngày ngày thắp hương, và không ngày nào quên đọc sách đạo. Ít lâu sau, hoàng hậu Thánh Ngẫu có tin mừng. Hai vợ chồng vội đi thuyền đến Bình Than, tìm đến Thanh Hư quán để tạ ơn đạo sĩ. Khi đến nơi không thấy bóng dáng ông già đâu cả. Động đá hương tàn khói lạnh. Cây cỏ đã mọc kín gần che lấp cửa hang. Giây leo đã bò lên cả bàn thờ thánh. Rêu xanh đã gần phủ mờ những chữ khắc trên vách đá. Gặp người tiều phu gánh củi, Thuận Tông hỏi thăm mới biết ông đạo sĩ sau khi gặp đức vua đã bỏ hang đá, đi miết vào rừng sâu, về phía núi Bạch Vân, từ đó không ai gặp nữa.

2

Tuần trăng mật Bình Than ấy đã đem lại niềm vui cho cả triều đình. Hoàng hậu Thánh Ngẫu mang thai. Lúc bà lâm bồn, Nghệ Hoàng đang ốm nặng. Khi được tin sinh thái tử An. Ông vua già nhẹ hẳn bệnh, tự ngồi dậy được. Ông sai khênh kiệu đưa ông đến thái miếu, để thắp hương lễ tạ tổ tiên. Ông nói với Thuận Tông:

- Trời còn phù hộ nhà Trần. Thằng An bây giờ vừa là cháu ta, vừa là cháu Thái sư. Ta có thể yên tâm nhắm mắt được rồi.

Còn Thuận Tông biết Thánh Ngẫu mang thai. Ông thấy lòng mình thanh thản, như đã trả được món nợ cho hoàng triều, cho dòng họ Trần. Nhưng từ khi ở Bình Than về, lòng ông luôn băn khoăn; có nhiều điều ông không tài nào giải thích được. Tại sao Thanh Hư chân nhân lại đột nhiên bỏ nơi tu hành, trốn vào rừng sâu mất tích. Cả câu thơ “Tro lạnh dù tàn đốm lửa. Xin đừng ủ trấu nhen rơm” nghĩa là thế nào? Ông buồn rầu hỏi con vượn trắng. Nhưng con vật chỉ thẫn thờ nhìn về phương trời xa tít.

Đức vua càng nghĩ càng thấy như hũ nút. Dần dần, Thuận Tông trở nên tư lự. Triều thần lo lắng, sợ bệnh mê cuồng của nhà vua lại tái phát. Nguyễn Cẩn nói với Thái sư:

- Tại sao không để đức vua đi du ngoạn những nơi phong cảnh đẹp, những nơi non nước hữu tình? Tiểu thần thấy chí ngài ưa những nơi am thanh cảnh vắng.

Thái sư Quý Ly bèn khéo léo dò hỏi ý kiến, đức vua ưng thuận ngay. Từ đó, Thuận Tông đi hết những danh sơn. Tìm đến núi Na ở Thanh Hóa, vì nghe nói ở đó có bậc chân nhân đã đắc đạo trong một am cỏ. Tìm đến Bạch Vân Sơn, bái yết tượng An Kỳ Sinh nằm trong mây trắng. Tìm đến cửa Thần Phù để dò hỏi dấu vết những vị tiên ngoài hải đảo. Ông không nói ra, nhưng chắc trong thâm tâm, ông muốn đi tìm Thanh Hư chân nhân, con người ông kính trọng ngay từ buổi gặp ban đầu. Nguyễn Cẩn tâu với nhà vua:

- Ở Bạch Hạc có quán Thông Thánh được xây dựng từ mấy trăm năm, nghe nói từ đời nhà Đường. Nghe nói hiện nay có bậc châu nhân tu ở đấy. Sao bệ hạ chẳng lên xem sao?

Thuận Tông nghe lời, ngược dòng sông Nhĩ Hà đến nơi, quả nhiên quán Thông Thánh là nơi linh thiêng. Quán nằm trên đồi cao, nhìn ra dòng sông Lô hùng vĩ. Bậc chân nhân tu ở đó là đạo sĩ Nguyễn Khánh râu tóc bạc phơ, rõ ràng là bậc tiên phong đạo cốt. Nói chuyện, thấy Khánh tỏ ra thông hiểu lẽ huyền. Nhà vua ở quán ít lâu, lòng quyến luyến không nỡ rời chân.

Những đêm trăng, chân nhân và nhà vua, ngồi dưới rừng thông, nhìn dòng nước cuồn cuộn chảy dưới chân, bàn về đạo. Nguyễn Khánh giảng giải cho vua nghe:

- Tâu bệ hạ, đạo Hoàng Lão đã xâm nhập nước ta khoảng hơn một nghìn năm rồi. Nghe nói từ thời thuộc Hán.

- Vậy là đạo Thần Tiên đã sang nước ta cùng thời với đạo Phật.

- Muôn tâu, đúng như vậy. Đạo Phật nước ta đã có nhiều cao tăng; còn đạo Thần Tiên ở nước ta cũng có những bậc đắc đạo không kém.

- Mong chân nhân hãy nói tỏ tường cho ta nghe, để mở rộng thêm tầm mắt.

Theo Sử ký của Tư Mã Thiên, Nhạc Thần Công dòng dõi Nhạc Nghị đã học đạo Hoàng Đế - Lão Tử. Bậc chân nhân đắc đạo dậy ông chính là Hà Thượng Trượng Nhân, bậc chân nhân nổi tiếng thời cổ. Hà Thượng Trượng Nhân dạy Yên Kỳ Sinh. Yên Kỳ Sinh dạy Mao Hấp Công. Mao Hấp Công dạy Nhạc Hà Công. Nhạc Hà Công dạy Nhạc Thần Công... Chính Yên Kỳ Sinh thời nhà Hán đã sang nước Nam ta làm lò luyện đan trên núi Yên Tử. Lúc đó chưa có bằng cớ gì để nói đạo Phật đã thịnh hành ở Đại Việt. Về sau đến thời Trần đạo Phật mới dấy mạnh lên nhất là thời đức Trần Nhân Tông. Vậy, theo sử sách, đạo Thần Tiên còn đến nước ta trước cả đạo Phật.

- Hóa ra vậy. - ông vua trẻ tần ngần, thở dài.

Đạo sĩ Nguyễn Khánh đã đoán ra tám chín phần tâm sự của nhà vua. Ông ta lựa lời:

- Cớ sao bệ hạ lại thở dài?

- Ta thở dài, vì tài hèn chí đoản, không theo gót được tổ tiên.

- Bệ hạ là người có căn cốt... Can chi phải nghĩ ngợi nhiều cho thêm hao tổn tinh thần, thần nghĩ có dăm bảy đường nối chí người xưa...

- Thế nào gọi là dăm bảy đường?

- Lập nên chiến công hiển hách rạng rỡ núi sông là nối chí người xưa... Văn đức rạng ngời, làm đất nước ngày càng văn hiến cũng là nối chí người xưa...

- Nhưng riêng ta... có làm được những điều khanh vừa nói đâu...

- Thần nghĩ vẫn còn một cách khác để nối chí tổ tiên... Thần trộm nghĩ, nay việc nước bệ hạ đã có thái sư quốc trượng tài kiêm văn võ đêm ngày phò tá, lo toan hết những đại sự thay cho bệ hạ. Nhà vua chỉ còn việc rủ tay áo, ngồi trên ngai vàng an hưởng thái bình. Tại sao bệ hạ lại chẳng biết tận đụng cái thời gian quý báu ấy.

- Tận dụng ra sao?

- Có một cách nối chí người xưa, nếu bệ hạ làm được, chắc chắn sẽ làm rạng rỡ cho vương triều nhiều lắm. Đó là việc gì?

- Về việc mở tông khai phái, đức Trần Nhân Tông đã khai lập thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Cụ trở thành vị bồ tát, đệ nhất tổ. Công đức ấy to lớn lắm. Vậy tại sao bệ hạ vốn là người tướng mạo uy nghi, càn cốt thần tiên thanh tịnh, lại không khai sáng ra một tông phái đạo Thần Tiên. Các bậc tiền nhân khai tông lập phái cho đạo Phật. Còn bệ hạ thì khai tông lập phái cho đạo Hoàng Lão. Thiết tưởng việc đó cũng vẻ vang và tạo nhiều ân đức cho trăm họ lắm.

Gương mặt Thuận Tông cứ theo lời nói của đạo sĩ mà tươi dần lên. Nguyễn Khánh củng cố thêm quyết tâm cho vua:

- Đạo Phật ngày nay đang suy. Còn đạo Hoàng Lão tuy có mặt ở nước ta đã ngót ngàn năm nhưng chưa có lúc nào cực thịnh. Thế lực vẫn còn nhỏ bé. Đây là cơ hội để bệ hạ thi ân. ý chỉ của đạo huyền chỉ còn chờ bệ hạ ra tay, ngõ hầu cái ánh sáng của Đạo mới tưới trải được đều khắp các hang cùng ngõ hẻm.

Điều lạ lùng, dù ông đạo sĩ Bạch Hạc uyên bác đến thế, đác đạo đến thế, nhưng riêng con vượn trắng lại rất ghét ông. Mới trông thấy mặt đạo sĩ ở xa, con vật đã kêu la ồn ĩ, nhảy nhót loạn xạ, gãi đầu gãi tai, tỏ vẻ tức giận. Thuận Tông phải cho nó ở ngoài rừng thông, và chiều chiều ra thăm nó. Nhà vua vỗ về nói riêng với nó: Bạch Viên ơi! Ngươi cũng là kẻ tu hành. Cớ sao lại tức giận như vậy? Cái gì đã làm ngươi tức giận? Hay là ngươi ghen ghét, ngươi nhớ chủ ngươi, nhớ Thanh Hư chân nhân và không muốn ta học đạo với người khác. Thôi, ta xin ngươi... Hãy mở lòng...

Con vượn buồn rầu lặng lẽ. Nó không biết thổ lộ những ý nghĩ của nó bằng cách nào...

Thuận Tông nghe lời đạo sĩ Nguyễn Khánh, ở lại quán Thông Thánh ít lâu để đạo sĩ trực truyền cho cách tĩnh tu, học phép trường sinh cửu thị.

Được ba tháng, đạo sĩ Bạch Hạc hỏi:

- Bệ hạ thấy ra sao?

- Bây giờ tai ta đã thấy dửng dưng với đàn ngọt, mắt ta đã hững hờ với sắc đẹp. Của ngon vật lạ ta nếm cũng chẳng khác chi cơm hẩm tương cà.

- Còn trong lòng thì sao?

- Đạo sĩ hỏi ý ta về lẽ hưng vong ư? Thị phi ư?

- Hưng vong thì sao?

- Một chữ đồng. Ta đã nhìn thấy phía sau cái sự mất còn.

- Bệ hạ nghĩ gì về lẽ ở - về?

- Về thôi! Về thôi! Ta đành về thôi! Ta về với Thiên quân.

Đạo sĩ Bạch Hạc hớn hở:

- Bệ hạ thật sáng láng phi thường. Cái mà bệ hạ đạt được sau một tháng, thì kẻ phàm phu phải mất hàng đời. Ngay cả như bần đạo cũng phải mất vài năm. Thời kỳ đầu này vô cùng khó khăn vì ta đang sống trong cõi tục, nó vốn đậm đà, nay phút chốc phải thay đổi chuyển ngược lại, làm sao cho lòng lạt lẽo... Điều đó trong đạo gọi là tâm trai, một điều vô cùng quan trọng cho bậc chân tu, mà cũng rất khó đạt...

- Ước gì ta được như thầy Liệt Ngự Khấu hòa đồng vào cùng trời đất...

- Khi lòng lạt lẽo thì tâm sẽ hư không. Hư không thì sẽ hòa đồng vạn vật. Ta là gỗ đá, mà gỗ đá cũng là ta. Ta là gió mây, mà gió mây cũng là ta. Lúc ấy còn lo gì thân ta chẳng như chiếc lông hồng... còn khó gì cái chuyện đi mây về gió...

Phải nói, vua Thuận Tông dần dần như mê man đi lao đầu vào việc thấu hiểu Đạo. Cho đến lúc thượng hoàng Nghệ Tông ốm nặng, nhà vua mới đành lòng rời bỏ quán Thông Thánh trở về kinh đô. Thái thượng hoàng nằm trên giường bệnh cầm tay con trai hỏi:

- Con nhất định theo đạo ư? - Ông vua con cúi đầu nức nở.

- Con nhất định rời ngôi cửu ngũ, từ bỏ cơ nghiệp của nhà Trần chúng ta ư? - Thái Thượng hoàng nói xong quay mặt vào tường. Nước mắt ông ứa chảy, ứa chảy cho đến lúc không còn giọt nước nào để mà khóc. Từ lúc đó người không nói một lời nào nữa. Cũng từ lúc đó người đòi cởi bỏ bộ quần áo triều phục thêu rồng nặng tới vài cân, và chỉ mặc bộ quần áo lụa vàng nhẹ tênh. Người ta bảo lúc hoàng hậu Thánh Ngẫu mang thái tử An vào tiễn biệt đức thượng hoàng, ông già chỉ giơ tay xoa đầu cháu, và lần này ông lại khóc nhưng chỉ ra được hai giọt nước mắt đỏ như máu.

Khi thượng hoàng băng hà. Ông vua trẻ Thuận Tông hầu như trao toàn bộ việc triều chút vào tay thái sư Quý Ly, để có thì giờ chuyên tâm vào việc tu đạo. Đạo sĩ Bạch Hạc tâu với nhà vua:

- Ở quán Thông Thánh có cung Thái Thanh có quả chuông quý. Quán Thông Thánh cung Thái Thanh dựng được nhờ Chiêu Văn Vuông Trần Nhật Duật và gia tướng của ông là Hứa Tông Đạo. Cả hai người có công đánh giặc Nguyên, và cũng đều là bậc chân nhân của đạo Hoàng Lão. Để nhớ ơn và noi gương tiền nhân, xin bệ hạ cũng cho dựng cung Thái Thanh ở trong vườn ngự uyển. Như vậy bệ hạ vẫn thỏa được chí bình sinh học đạo, và luôn luôn ở bên triều đình lo việc cho muôn dân.

Thuận Tông nghe theo, cho tu sửa lại ngôi quán trong vườn ngự uyển và gọi là cung Thái Thanh.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay