Hồ Quý Ly - Chương 07 - Phần 1

Chương 7: Vua Thuận Tông và Hoàng thánh ngẫu

1

Năm Mậu Thìn (1388) Trần Ngung được vua cha Nghệ Hoàng lập lên làm vua, tức vua Trần Thuận Tông. Lúc đó, Thuận Tông mới mười ba tuổi. Ông dáng người cao, gày, khôi ngô tuấn tú. Trí thông minh hơn người, tuy còn ít tuổi nhưng đã làu thông kinh sử. Thái thượng hoàng Nghệ Tông lập Ngung làm vua vì nhiều lẽ: thứ nhất, vì là con út giống cha như đúc về mọi mặt; thứ nhì, vì Ngung hiền; mà theo ý Nghệ Hoàng, hiền là điều quan trọng nhất của một ông vua; thứ ba, vì Ngung thông minh sáng láng. Thái bảo Trần Nguyên Hàng nói với Nghệ Hoàng:

- Thần nghĩ nên lập Trang Định Vương Ngạc, vì ông đã là người đứng tuổi.

- Ngạc đã lớn mà cỏn hồ đồ. Vả lại, nó đã nói với ta không muốn nhận ngôi báu. Còn Chiêu Định Vương Ngung tuy còn bé nhưng đã hiền lại thông minh. Lúc này xã tắc phải đối phó nhiều việc. Mặt bắc lo nhà Minh, mặt nam lo chống với Chế Bồng Nga. Cần một ông vua cứng rắn quyết đoán hơn một ông vua hiền. Khanh muốn lập Ngạc, chắc còn ẩn ý gì. Khanh cứ tâu rõ ta xem.

Ngạc và vua Trần Phế Đế Bàn nhau định diệt trừ Lê Quý Ly nên cách đây mấy tháng đã bị Quý Ly dùng mưu chống lại. Quý Ly tâu với Nghệ Hoàng, “Vua Phế Đế tin nghe lời bọn tiểu nhân, lập mưu định hại hạ thần, ý định của nhà vua không sao lường được. Phế Đế là cháu, còn Chiêu định Vương Ngung là con. Xưa, chỉ thấy bán cháu nuôi con, chưa hề bao giờ thấy ai bán con nuôi cháu.”

Câu nói làm rung động tâm can Nghệ Hoàng. Thượng Hoàng đã nghe lời Quý Ly giết Phế Đế và bè đảng. Còn Trang Định Vương Ngạc là con lớn của Nghệ Hoàng, nhưng đã theo Phế Đế nên Nghệ Hoàng không muốn cho làm vua.

Thái bảo Nguyên Hàng thấy thượng hoàng nói đến “ẩn ý”, ông biết Nghệ Hoàng đã quyết, nếu nói thêm sẽ gây sự nghi ngờ cho mình nên thôi không can gián nữa. Thực ra, Ngung không muốn làm vua, chàng chỉ thích được đọc sách. Vả lại, mới mười ba tuổi nhưng chàng còn lạ gì những chuyện bê bối, chuyện chém giết trong cung đình. Ngung quỳ xuống nói:

- Xin cha thương con. Con vốn không có chí làm vua. Con chỉ muốn một cuộc đời nhàn rỗi, sống ngoài vòng cương tỏa.

- Sao con nghĩ vậy? Con tưởng cha cũng thích làm vua hay sao? Lúc loạn Dương Nhật Lễ, mọi người trong tôn thất bắt cha phải đứng ra gánh vác giành lại ngôi báu, cha cũng chối từ như con bây giờ. Công chúa Thiên Ninh là chị của cha nói với cha rằng: “Thiên hạ là thiên hạ của tổ tông mình, sao lại bỏ được. Ông nên đứng lên phất cờ, chúng tôi đem bọn gia nô sẽ dẹp yên được.”

Ông vua già rớm nước mắt:

- Bây giờ cha chỉ biết cậy vào con... Con không thương cha sao? Cơ nghiệp nhà Trần ta lúc này cần phải có một vị vua hiền... Cha tin con sẽ là một vua hiền.

Ngung thở dài. Chàng vốn yếu đuối. Chàng không muốn trông thấy nước mắt của một ông vua già tóc bạc, nhất khi người đó lại là cha mình. Sau khi lên ngôi vua, Ngung có bận nói với thái úy Trang Đình Vương Ngạc:

- Ngôi báu này vốn không phải của em. Chính anh mới xứng đáng lên ngôi đại thống.

- Em đừng nên phân tâm. Việc của em bây giờ là phải học. Học cho giỏi việc trị nước. Chỉ vài năm nữa em sẽ điều hành chính sự. Em nên nhớ, đức thượng hoàng chúng ta nay đã già lắm rồi. Em là người hiền, họ nhà Trần chúng ta đang cần một vua hiền.

- Có bận em đã nói riêng với cha: “Nay cha đã già và hay đau ốm. Cha nên nghỉ việc đi, để cho anh Ngạc làm phụ chính cho con cũng được.” Nghe em nói xong, cha chỉ cười.

- Em chớ nên nói với cha những chuyện như thế nữa. Em không hiểu, từ khi anh thân cận với vua Phế Đế, rồi Phế Đế bị giết, cha không tin anh nữa... Mà này, em đừng hở với ai những điều anh nói.

Ngạc và Quý Ly vốn hiềm khích với nhau từ mấy năm trước. Khi xưa Quý Ly có lần đánh thắng Chế Bồng Nga, ông được Nghệ Hoàng phong chức bình chương vào hàng quan nhất phẩm triều đình. Theo lệ cũ của nhà Trần, các quan từ chức bình chương trở lên, khi ngồi bàn việc chính sự, được ngồi ghế tựa sơn then, không phải đứng. Thái úy Ngạc đã bỏ ghế của Quý Ly không cho ngồi cùng hàng, việc đó làm Quý Ly giận thâm tím ruột gan. Tiếp đó, Ngạc lại bàn với vua cũ tức Trần Phế Đế, ngầm mưu giết Quý Ly; việc đó bại lộ, Quý Ly phản kích thắng lợi. Từ đó, Ngạc bị lép vế hoàn toàn. Mặc dù được phong tước đại vương, chức Thái úy, chức tước tột đỉnh nhưng thực chất chỉ là bù nhìn. Nghệ Hoàng có ba con trai: Húc, Ngạc và Ngung đều là người văn nhã.

Con cả là Ngự Câu Vương Húc. Húc theo Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành. Sau khi Duệ Tông tử trận, Húc bị bắt, Chế Bồng Nga gả con gái cho và dùng làm vua bù nhìn Đại Việt, dùng làm kẻ dẫn đường tiến đánh Thăng Long. Điều đó Nghệ Hoàng rất uất, cho là điều sỉ nhục nhất của mình.

Con thứ hai là Trang Định Vương Ngạc cũng là kẻ văn tài. Khi Ngạc lên làm Thái sư, quan tư đồ Trần Nguyên Đán cáo lão về ở Côn Sơn gửi hai câu thơ cho Ngạc:

Còn mất xưa nay xem đã rõ.

Cớ sao ông nỡ ít thư can?

Ngạc gửi tới Côn Sơn bài thơ trả lời

Tôi nay vào hạng vứt đi rồi

Ông chống nhà to chẳng có tài

Cùng một phường già suy yếu cả

Điền viên sớm liệu thoái về thôi.

Xem xong bài thơ, ông Đán thở dài.

- Dòng dõi đức thượng hoàng đều là những kẻ văn nhã, song khẩu khí u buồn quá, nhu nhược quá... Mà kẻ lắm văn tài liệu lúc này có gì ích lợi cho xã tắc không?

Người con thứ ba là Chiêu Định Vương Ngung, tức Trần Thuận Tông. Ông vua trẻ rất kính trọng Trang Định Vương Ngạc, chỉ tiếc tuổi còn ít, chưa được điều hành chính sự nên không trọng dụng được anh mình. Trong khi đó mọi việc vẫn do Nghệ Hoàng điều khiển.

Tiếng là Nghệ Hoàng nắm việc đất nước, nhưng thực ra ông vua già rất tin Quý Ly nên đã dần dần trao hết quyền bính cho thái sư.

Tháng chạp năm ấy Ngung lên ngôi vua, tháng giêng năm sau Quý Ly đã bàn ngay với Nghệ Hoàng.

- Vào mùa xuân năm nay đức vua Thuận Tông đã sang tuổi mười bốn, cũng nên lo đến việc lập hoàng hậu, tìm người làm mẫu nghi thiên hạ, để cho trăm họ được an lòng. Bây giờ nhiều chuyện biến động nên lo sớm để đức vua chóng có người nối dõi cơ nghiệp tổ tông. Thần nghĩ việc đó phải lo liệu ngay.

Ông vua già cười:

- Ta cũng đã nghĩ đến việc lập hoàng hậu cho “quan gia.” Chưa kịp nói, khanh đã tâu bày. Vậy ý khanh đã nhằm vào ai chưa?

- Thần đã bàn với Phạm Cự Luận, đã xem xét con cái các bậc đại thần, kê ra một bản các cô từ mười ba đến mười tám tuổi. Sẽ tổ chức một cuộc tuyển phi, chọn ra ba cô. Cô nào đủ điều kiện nhất sẽ lập làm hoàng hậu.

Ông vua già xua tay cười mỉm:

- Thôi! Khỏi phải bày vẽ. Thực ra, ta đã nhằm rồi, thái sư ạ. Ta nghĩ mẹ ta là người họ Lê. Mẹ em ta, vua Duệ tôn quá cố, cũng người họ Lê, thì con dâu của ta cũng nên là người họ Lê.

Nghệ Hoàng cười to:

- Hôm tết nguyên đán, công chúa Huy Ninh, em gái ta cùng đi với Thánh Ngẫu và Hán Thương đến chúc mừng. Ta thấy con gái khanh đã lớn bổng hẳn lên. Ta hỏi chuyện thấy con bé học hành rất khá, lại xinh đẹp nữa. Rất giống cô Huy Ninh lúc bằng trang tuổi nó. Lúc Huy Ninh còn nhỏ, ta rất quý cô ấy. Rồi lấy chồng, gặp ngay nạn Dương Nhật Lễ, cô ấy thật vất vả. May gặp được khanh. sinh được hai đứa trẻ đều thông minh dĩnh ngộ. Ta lấy làm mừng cho em gái ta. Chỉ phải một điều Huy Ninh tạng người yếu đuối. Hôm tết gặp ta cứ ho húng hắng. Mới đây lại nghe thấy nói công chúa đang mệt?

Quý Ly vội cúi đầu nói:

- Dạ tâu, phu nhân của hạ thần đã mệt, ho từ đợt gió đông trước tết, tưởng rằng mùa xuân ấm lên sẽ đỡ. Nhưng xuân này mưa nhiều quá, nên bệnh không thuyên giảm, mặc dầu thần đã cho mời khắp các danh y.

Nghệ Hoàng buồn rầu:

- Thế đấy!... Chính vì vậy nên ta mới nảy ra ý định, lập Thánh Ngẫu làm hoàng hậu cho Thuận Tông... ý khanh...

- Thật là phúc lớn cho gia đình hạ thần. - Quý Ly quỳ xuống bái tạ.

Nghệ Hoàng nghiêm trang:

- Cuộc hôn nhân này ta nghĩ có nhiều điều tốt đẹp. Thứ nhất, vì Thánh Ngẫu là người dòng dõi, phúc hậu, đoan trang rất xứng với Thuận Tông. Thứ hai, vì ta muốn công chúa Huy Ninh em gái ta được vui mừng khi con gái được làm mẫu nghi thiên hạ. Ta muốn sự vui mừng làm cô ấy khỏi bệnh. Vả lại, Thánh Ngẫu ở trong cung, cứ nhìn thấy nó là ta lại nhớ đến lúc anh em ta khi còn nhỏ được sống hạnh phúc thế nào. Chắc điều đó làm khuây khỏa tuổi già của ta. Thứ ba, điều này rất quan trọng... - ông vua già nói đến đây bỗng cầm lấy tay Quý Ly. - Khi hai trẻ lấy nhau, tức thị Thuận Tông là con rể của khanh. Ta già lắm rồi, ít lâu nay thấy trong người không khỏe. Nếu chẳng may ta có ra đi, ta cũng yên lòng vì đã giao phó được nó cho người cha vợ của nó...

Như vậy, cuộc tâm sự đã biến thành cuộc ủy thác. Nghệ Hoàng muốn cuộc hôn nhân sẽ như một lời cam kết, một bó buộc. Ông vua già rất hiểu tài năng của người anh em họ ngoại của mình. Chỉ có Quý Ly lúc này mới đủ tầm vóc, trí lực để giữ con thuyền xã tắc trong cơn giông bão. Nhưng ông cũng hiểu con người mưu lược ấy đầy tham vọng, cần phải dùng mọi dây nhợ, kể cả mối liên hệ hôn nhân để kiềm chế, sau khi mình chết...

Nghệ Hoàng, từ khi về già đâm thích những nghi lễ, ông cho tổ chức lễ sắc phong hoàng hậu thật trọng thể. Quý Ly sai Phạm Cự Luận, người thân tín, làm bài văn sắc phong:

“Một âm một dương là đạo trời đất. Trời đất cùng chở che, mặt trời mặt trăng cùng sáng soi, cho nên mới sinh thành muôn vật. Hoàng hậu sánh đôi với vua, nên có thể làm gương mẫu cho trăm họ.

Chọn lấy ngày giờ tốt lành, ban cho sách vàng rục rỡ. Nay ban cho chính cung họ Lê tên Thánh Ngẫu làm hoàng hậu.

Ban cho áo vàng, khăn vàng, trâm ngọc.

Ban cho chỗ ở đặt tên là điện Hoàng Nguyên. Mong sẽ gìn giữ nề nếp tổ tông, gìn giữ đầu mối luân thường, làm nền tảng giáo hóa thiên hạ, để giữ nghiệp đế vương cùng nhau rạng rỡ vui vầy...”

Nghi lễ tiến hành ở điện Đại Minh, án thư sách phong mầu vàng đạt ở phía đông sân rồng. Cắm hai chiếc tàn vàng ở hai bên tả hữu án ấy. Sai đặt đồ đại nhạc ở hai bên sân rồng... trăm quan đều có mặt. Khi lễ sắc phong kết thúc, vua Thuận Tông và hoàng hậu Thánh Ngẫu đi kiệu đến cung để làm lễ tạ thái thượng hoàng, ông vua già rất hài lòng. Ông cầm tay hai người và nói:

- Chỉ nhìn thấy gương mặt hai con bên nhau, cha cũng đủ thấy vui lòng. Trai thì thông minh tuấn tú, gái thì yểu điệu đoan trang. Cha cầu mong cho đời các con là đời hiền minh hạnh phúc. Các con còn nhỏ tuổi trước hết phải học đã. Gái thì học để làm hoàng hậu. Trong kinh dịch, phần hạ kinh để quẻ Hàm quẻ Hằng nói về đạo vợ chồng lên đầu. Quẻ Hằng nói “Hằng kỳ đức trinh, phụ nhân cát” tức là cái đức lúc nào cũng bền bỉ là trinh, đức ấy ở người đàn bà thì tốt. Còn trai thì nên chuyên cần gắng sức học để làm vua, đất nước này là của con, ta sắp trao lại cho con rồi...

Ông vua già như xúc động, ngừng lại một lúc rồi tiếp:

- Từ nay Bình chương Lê Quý Ly vừa là thái sư, cũng là bố vợ, đồng thời là thầy dạy học của con. Ta đã bàn với thái sư rồi. Sẽ chọn hai vị học sĩ hàng ngày giảng bài. Nhưng cứ cách ba ngày, thái sư sẽ đích thân giảng cho con một buổi. Vậy là con phải học miệt mài. Phải gấp rút thế, vì ta tính khi con mười sáu tuổi, ta sẽ trao lại quyền hành cho con...

Sau đám cưới, vua Thuận Tông phải suốt ngày tháng ở cung quan triều để học tập; còn hoàng hậu Thánh Ngẫu, ở điện Hoàng Nguyên, cũng suốt ngày miệt mài nghe các nữ quan giảng sách. Thi thoảng họ mới gặp nhau, dạo chơi với nhau trong vườn Ngự uyển. Thái sư Quý Ly bận việc triều chính, nhưng cũng không quên con gái và con rể. Ông làm hai cuốn sách. Đó là Thi Nghĩa và Vô Dật Nghĩa. Thi Nghĩa là sách giải nghĩa kinh Thi. Vô Dật Nghĩa là sách giải nghĩa thiên Vô Dật trong kinh Thư. Điểm đặc sắc: cả hai cuốn đều viết bằng quốc ngữ (chữ nôm). Ông tâu với Nghệ Hoàng:

- Bắc và Nam đều có nền văn hiến riêng. Từ xưa ta vẫn đọc và hiểu theo chữ nghĩa của người phương bắc, nay thần muốn cho người Nam ta đọc và hiểu theo chữ nghĩa của người phương Nam ta.

Nghệ Hoàng bảo:

- Xưa kia, Hàn Thuyên sáng tạo ra loại chữ nam (nôm). Đức Trần Nhân Tông dùng chữ nam làm thơ phú. Rồi tới Nguyễn Sĩ Cố, sư Huyền Quang là những người giỏi thơ phú bằng chữ Nam. Nay khanh lại dùng chữ Nam để giải nghĩa kinh Thi, kinh Thư, không nệ cổ, giải nghĩa theo ý người Nam ta, Trẫm nghĩ đó là việc nên làm.

2

Quan niệm Vô dật của thái sư Quý Ly nghiêm khắc như vậy, thành thử nề nếp sống, học tập của vua Thuận Tông và bà hoàng Thánh Ngẫu, trong những ngày mới cưới, rất ngặt nghèo. Nề nếp ấy chỉ được nới lỏng, khi cuối năm ấy, Chế Bồng Nga tiến vào sông Hoàng Giang, và đạo quân nổi loạn của nhà sư Phạm Sư Ôn chiếm Thăng Long ba ngày. Toàn thể hoàng gia và triều đình phải chạy sang châu Bắc Giang, sau đó theo sông Nguyệt Đức đến khu hành tại Bình Than.

Hai tháng chạy loạn năm ấy là hai tháng vua Thuận Tông được tự do, không phải học. Thái Thượng hoàng Nghệ tôn và Thái sư Quý Ly suốt ngày phải lo việc quân cơ, bàn mưu đánh dẹp hai núi thù địch của Phạm Sư Ôn và Chế Bồng Nga. Đất nước loạn lạc nhưng Thuận Tông còn nhỏ nên được nằm đọc sách. Nghệ Hoàng là người hay chữ. Tại Bắc Giang ông cho xây cung Bảo Hòa ở mũi Phật Tích làm hành tại, ở đó có một thư viện lớn. Trước khi đến Bình Than, hoàng gia có đi qua cung Bảo Hòa. Thuận Tông liền chọn một số sách đem theo. Tại thư viện ở kinh sư, tuy có rất nhiều sách, nhưng hầu như toàn bộ là kinh sử, rồi những hình thư, địa chí, điển lễ, tóm lại, đó là những sách phục vụ việc trị nước. Còn ở cung Bảo Hòa, nơi Nghệ Hoàng nghỉ ngơi sách ở đây đa dạng, chủ yếu nhằm cho thoải mái, di dưỡng tinh thần, giúp bậc quân vương có thể suy ngẫm nhân tình thế thái, hoặc tra cứu khi viết sách, làm thơ. Chính tại đây Nghệ Hoàng đã viết “Bảo Hòa dư tập” và chữa tập thơ “Nghệ Tông thi tập” ở đây có đủ sách trăm nhà. Lần đầu tiên Thuận Tông được tiếp xúc với phái đạo gia thời Nguỵ Tấn. Ở thư viện này có cả Bão Phác Tử của Cát Hồng, sách chú giải Trang Tử của Quách Tượng, cả sách Đạt Trang Luận của Nguyễn Tịch v.v... Ông vua thiếu niên cắm đầu vào đọc sách thuộc học phái Lão Trang. Một thế giới kỳ lạ nhưng còn như những đám mây mù dần dần xuất hiện nhưng chưa rõ hình rõ nét. Nó bảng lảng trong những truyện thần tiên. Nó huyền hoặc trong những chuyện luyện đan, trường sinh cửu thị. Nó thâm sâu vực thẳm trong những chuyện sinh sinh hóa hóa; cái chết hòa vào cái sống. Sinh, ấy là vì không sinh không đặng. Hóa, ấy là vì không hóa không đặng. Cho nên thường sinh thường hóa. Không lúc nào không sinh không hóa. Âm dương vậy! Bốn mùa vậy?...

Lần đầu tiên, ông vua con gặp bảy người hiền rừng trúc. Thuận Tông thích câu nói của Kê Khang, luận về người quân tử:

“Hành vi của người quân tử là hiền không xét ở chỗ đắn đo rồi mới làm...

Ngạo nhiên quên đức hiền đi, mà đức hiền với độ lượng lại có...

Hốt nhiên cứ theo tâm mà làm, nên tâm với thiện gặp nhau...”

Nhưng trong bảy người hiền thời Ngụy Tấn ấy Thuận Tông thích nhất Nguyễn Tịch, con người dung mạo khác thường, chí khí rộng mở tự nhiên. Thường đóng cửa đọc sách hàng tháng chẳng ra ngoài. Có khi trèo núi, lội sông mấy ngày liền không về. Thích rượu, giỏi đàn. Khi đắc ý chợt quên hình hài mà siêu thần, nhập hóa. Người đời vẫn bảo Nguyễn Tịch là người điên. Điên ư? Tịch chẳng bao giờ mở miệng bàn lỗi của người khác. Cớ sao thiên hạ cứ xì xào về Tịch. Ai điên? Thuận Tông phát hiện ra, ngoài quan niệm Vô dật khắc kỷ mà Quý Ly dẫn dắt ông vào, còn có quan niệm tiêu dao phóng dật hầu như đi ngược lại dòng. Ông vua trẻ tuổi bàng hoàng vì đã mơ hồ hé thấy sự phù du của kiếp sống. Đúng chăng? Sai chăng? Cái cảm giác phấp phỏng buồn bã của cuộc sống trên ngôi cao, mà nhiều khi ông đã cảm thấy, hóa ra tiền nhân đã từng suy ngẫm. Ở Bình Than, ông vua con đã đóng cửa nằm mê man đọc sách cũng như Nguyễn Tịch ngày xưa. Mới mười bốn tuổi, ông đã lạc bước vào những câu hỏi về lẽ còn mất, sống chết.

Triều thần nhiều người đọc hai cuốn sách của Quý Ly phản ứng dữ dội, nhưng chẳng ai trực tiếp phản đối, vì sợ uy thái sư, chỉ có Đoàn Xuân Lôi đỗ thái học sinh khoa Giáp Tý (1384) làm trung thư thị lang đã dâng thư can khéo:

“Từ sau khi thầy Mạnh Tử mất, người làm thầy đều chuyên về môn của mình, thành thử việc giải nghĩa kinh sách đâm chia tách. Các bậc đại nho tuy có chỗ đáng khen nhưng vẫn chưa đại thuần; việc giải kinh chưa khỏi những tì vết. Phải đến Chu Tử ở cuối đời Tống, nối tiếp các tiên nho Hán Đường, đã chú giải sáu kinh, hiểu ý được thánh nhân, rõ được đạo thánh hiền, nghiền ngẫm xa rộng, nên lời lẽ chú giải đáng gọi là tập đạo thành, làm khuôn mẫu cho hậu học. Người sau chỉ mở cho rộng thêm, tô chuốt cho bóng thêm. Chỉ có thế thôi, chứ sao dám thay đổi, chê cãi, thêm bớt tùy tiện...”

Thượng hoàng đưa cho Quý Ly xem bức thư. Quý Ly mang về nhà, đề sang bên lề: “Các nhà khoa bảng của ta thảm hại thế sao! Họ học rộng nhưng chỉ biết tích cóp nhặt nhạnh câu ý của người đời xưa. Buồn thay! Buồn thay!”

Mặc sự phản đối, thái sư vẫn đưa cuốn Thi nghĩa cho các nữ quan dậy hoàng hậu Thánh Ngẫu, rồi sau đó sẽ dậy cho toàn thể cung phi.

Còn đích thân ông dậy cuốn Vô Dật Nghĩa cho vua Thuận Tông. Cả đời, từ lúc còn trẻ cho đến nay đã về già, thái sư vẫn lấy bốn chữ “vô dật, nãi dật” làm châm ngôn cho mình. Trong gia đình, ông dậy Nguyên Trừng rồi sau đó đến Thánh Ngẫu và Hán Thương bốn chữ ấy: “Hãy tránh hưởng lạc, rồi tự khắc nguồn vui sẽ đến.” Ông nói với các con:

- Phải hiểu nghĩa hai chữ dật hoàn toàn khác nhau. Chữ dật thứ nhất là đam mê thú vui, chữ dật thứ hai là hưởng niềm vui sướng chính đáng.

Còn nhớ, có một lần Nguyên Trừng mất một ngày ngồi nghe người vũ nữ Chiêm Thành đánh đàn. Bận ấy ông nổi giận đùng đùng, phạt con một tháng trời không được ra khỏi buồng học. Ông bảo: Con phải ghi nhớ suốt đời hai chữ vô dật. Ngoài nghĩa không được ham thú vui, nó còn nghĩa phải chăm chỉ làm việc. Hai tay luôn phải làm việc. Nếu tay không làm việc, thì đầu óc phải làm việc. Đừng để con người mình nhàn rỗi. Phải kiếm việc mà làm. Hết việc rồi, thì đọc sách, vắt óc suy nghĩ. Cứ như thế, ngày này qua tháng khác, nguồn vui sẽ tới. Cái tinh túy của thiên Vô dật trong Kinh Thư nằm ở chỗ ấy.

Ngày nay, ông lại đem thiên sách tâm đắc của mình dạy cho con rể, ông vua trẻ:

- Bệ hạ nên biết, phàm những ai ở ngôi chí tôn, lúc nào cũng cần nhớ đinh ninh bốn chữ “Vô dật, nãi dật”, bởi vì càng ở ngôi cao người ta càng có nhiều điều kiện hưởng lạc. Kiệt, Trụ vì ham lạc thú nên thân bại danh liệt bêu tiếng xấu ngàn thu. Các vua Trung Tông, Cao Tông, Tổ Giáp vì hiểu và thi hành bốn chữ ấy nên được hưởng ngôi báu dài lâu. Không nói chuyện phương Bắc, ngay ở nước Nam ta, vua Lý Thái Tông, trước lúc lên ngôi, đã phụng mệnh vua cha, ra ngoài hoàng thành sống với dân một thời gian dài, nên hiểu rõ nỗi thống khổ của dân, nên khi lên ngôi vua, phía nam đánh vào Chiêm Thành, chém đầu vua Chiêm Xạ Đẩu mở mang bờ cõi; phía bắc dẹp yên bọn giặc Nùng Trí Cao. Vua nổi tiếng anh minh, nhân từ, đất nước văn hiến rực rỡ. Ngay ở triều đại nhà Trần ta, đức Trần Nhân Tông, hai lần đánh thắng giặc Nguyên hung bạo. Vua nhân từ, thân dân, nên cả nước một lòng tin theo. Về già, vua tu hạnh đầu đà, sống đạm bạc, đi chân đất trải khắp miền đất nước. Đó là vị vua đại anh minh, chưa từng thấy. Dưới thời ông, đất nước thịnh trị... không một tiếng oán hờn. Được như vậy, tất cả đều dựa vào chữ Vô dật.

Một bữa, Thuận Tông đang nằm đọc sách bỗng có tiếng gõ cửa và tiếng nói rụt rè: “Tâu thánh thượng...” Ông vua con ra mở cửa và chợt ngỡ ngàng nhìn thấy hoàng hậu Thánh Ngẫu kính cẩn cúi chào.

Thuận Tông hoàn toàn sửng sốt vì trước mặt là một thiếu nữ kiều diễm, hồng hào. Cả hai người đều lặng im nhìn nhau. Đầu năm, khi họ mới cưới, hai người còn ẻo lả, gầy guộc, xanh mướt, họ vẫn chỉ là những đứa trẻ. Rồi sau đó một năm trời, dưới sự rèn cặp của thái sư, họ chúi đầu vào học để trở thành bậc quân vương, và bậc mẫu nghi thiên hạ. Thái sư không muốn họ sớm bị chìm đắm vào vòng sắc dục, ông muốn đến năm họ tròn mười sáu tuổi mới cho làm lễ hợp cẩn. Đôi khi, hai vợ chồng vua ấy cũng gặp nhau ở những buổi lễ, tiệc; nhưng ở đó họ phải đóng gông trong những bộ quần áo sặc sỡ, nặng chình chịch; và họ chỉ được nói, được hành động, theo những nghi thức cung đình cực kỳ chặt chẽ. Có nhìn vào mặt nhau cũng chỉ được nhìn một cách nghiêm nghị và thoáng qua, vì đó là cái nhìn trước văn võ bá quan.

Lúc này, Thánh Ngẫu mặc một bộ đồ lụa nhẹ màu hồng, chứ không phải bộ đồ gấm thêu vàng rực rỡ. Bộ đồ nghi lễ ấy cũng giống bộ đồ quân vương của ông, khi đeo lên người, tự nhiên có cảm giác nặng nề và cứng quèo ngay. Nay, được cởi bỏ bộ đồ nghi lễ ra, Thánh Ngẫu như phổng phao, mơn mởn hẳn lên. Thuận Tông ngạc nhiên vì sự đổi lốt nhiệm màu ấy, ông vua con không thể ngờ rằng Thánh Ngẫu lại có thể có một thân hình mềm mại và no đầy như vậy. Ở trong chiếc áo gấm hoàng hậu, Thánh Ngẫu trông như một chiếc hộp dẹt và cứng, còn bây giờ Thánh Ngẫu là những đường cong, những sắc mầu linh động. Thấy Thuận Tông nhìn mình chằm chằm không chớp mắt, hoàng hậu đỏ mặt lên và nói:

- Sao bệ hạ nhìn thiếp thế! Chẳng nhìn thấy thiếp bao giờ sao?

- “Bệ hạ” ư? - Thuận Tông mỉm cười. Rồi ông vua trẻ hiền lành nói. - Thủa nhỏ gặp nhau, chúng mình chẳng xưng hô anh em là gì.

- Bây giờ khác.

- Chẳng khác... Xin hoàng hậu cứ gọi ta là anh như như xưa.

- Bệ hạ có muốn đi với muội vào rừng không... Mấy hôm nay huynh đọc sách nhiều quá. Có đêm muội thấy nến sáng thâu đêm.

- Muội lo ư?

- Chung quanh đây có những rừng tùng cổ thụ. Cảnh vật thật đẹp - Có cả một thung hoa... Một con suối rất trong... Trời hôm nay lại nắng ấm. Muội đã sai bọn cung nữ chuẩn bị bánh trái hoa quả. Chúng mình vào rừng... sẽ nghe nhiều tiếng chim hót mê hồn... ăn cơm trên một tảng đá bằng phảng, rộng, nhẵn bóng... Nghe nói xưa có tiên ngồi ở đó đánh cờ...

Ngày hôm ấy, ông vua trẻ đi với bà hoàng Thánh Ngẫu vào rừng, không biết có phải vì đang đọc sách tiên lại nghe nói có bàn cờ tiên trong rừng; hay vì chàng trai trẻ chợt nhận ra sự duyên dáng trong cái líu lo của bà hoàng đột nhiên trở nên xinh đẹp; hay vì đọc cuốn Đạt Trang của chàng đãng tử Nguyễn Tịch nên đột nhiên những giấc mơ về rừng về suối, về cỏ cây hoa lá bỗng bừng thức giấc trong lòng ông vua trẻ. Thánh Ngẫu, trong những ngày Thuận Tông mê man đọc sách đã đi thăm khắp vùng quanh Bình Than, nên hôm nay làm người dẫn đường. Những ngọn đồi như bát úp nằm sau lưng khu hành tại có thể nói là khu vườn thượng uyển tự nhiên. Gần nhất là khu rừng tùng cổ thụ, những cây tùng đủ dáng vẻ cổ kính, tạo thành không gian thơm mát. Hết rừng tùng đến khu đồi bàng. Những cây bàng đã trút hết bộ lá nâu đỏ mùa đông, và đã thấy nhú tua tủa những chiếc lá xanh cốm, vẫy gọi những con chim phường chèo lông xanh lông đỏ từng đàn từ núi xa bay tới.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay