Hồ Quý Ly - Chương 05 - Phần 4

Phạm Sư Ôn sai thêu ngay một lá cờ to với bốn chữ: “Diệt Trần, bình Chiêm.” Rồi hôm sau, chém đầu viên an phủ sứ lộ Quốc Oai để tế cờ. Ba vạn binh mã như nước lũ ào ạt tiến về Thăng Long.

Hôm tế cờ, Phạm Sinh xin phép về quê, vì có việc rất cấp thiết. Sư Ôn nói:

- Cháu đến với ta mới được mươi ngày đã vội ra đi. Thú thực, trông thấy cháu ta như trông thấy bà ấy. Ta nghĩ rằng ta có duyên nợ với cháu. Sao cuộc hội ngộ lại ngắn ngủi làm vậy.

Phạm Sinh cũng bịn rịn:

- Cháu tin chắc lần này đánh Thăng Long sẽ thành công. Cháu chỉ xin bác đừng đóng quân lâu ở đó. Thái sư Quý Ly chẳng phải người đơn giản. Chỉ tiếc có việc cần kíp quá... Vả lại, lòng cháu nóng như lửa đốt, nên không thể ở lại cùng bác vào kinh đô. Nhưng cháu hứa, thu xếp việc nhà xong, cháu sẽ lên ngay với bác.

... Đoàn quân đi xa dần, lá cờ thêu chỉ vàng đã khuất ở con đường rẽ, chỉ còn nghe thấy tiếng trống nhỏ dần và một đám bụi đỏ ngất trời bốc lên sau những luỹ tre xanh. Chàng nho sinh đứng lạng tần ngần, hình như trên mi mắt của chàng thấy rưng rưng giọt lệ.

Khi thám tử về kinh đô cấp báo tin đạo quân của Phạm Sư Ôn đang rùng rùng kéo đến Thăng Long, mọi công việc đã chuẩn bị xong xuôi. Quan thái sư quyết định bỏ ngỏ kinh sư. Từ hôm trước, cáo thị được dán khắp nơi, lại còn thêm lính ra các chợ gọi loa thông báo cho nhân dân chuẩn bị chạy loạn.

Thăng Long vốn là một đô thị dọc ngang kênh rạch, lại kề ngay bên sông Cái nên việc đi lại thường theo đường thủy. Nhân dân dùng thuyền tíu tít chuyên chở người và của cải về quê. Phần đông người ta ra bến Đông ở đầu sông Tô Lịch, từ đó ngược sông Hồng một đoạn rồi rẽ vào sông Đuống nhập lộ Bắc Giang, hay đi tiếp đến sông Lục Đầu để ra Chí Linh hoặc vùng bờ biển. Một số khác quê ở phía Nam, xuôi sông Tô, đến sông Nhuệ rồi đi tiếp sâu vào vùng châu thổ. Cũng có người đi trên Đại Hồ, theo những con ngòi nối thông dãy hồ phía Nam kinh đô để về ẩn náu trong vùng chiêm trũng, ở đó chỉ có lau lách và mênh mang sóng nước, chính nơi này mới thực an toàn.

Quý Ly tâu với Nghệ Hoàng:

- Đất Thăng Long trống trải, không phải nơi cố thủ. Lắm sông hồ, giặc đến rất nhanh, nhưng trụ lại lâu cũng khó. Thời đức Trần Nhân Tông đánh quân Nguyên, Trần Hưng Đạo cũng đem xa giá đi lánh nạn nơi khác, chờ thời cơ giặc dãn ra, mệt mỏi, chỉ đánh vài trận là xong. Vả lại, ta còn làm kế thanh dã, vườn không nhà trống, hỏi giặc lấy lương thực đâu mà ăn. Đang ở thế công, giặc lại rơi vào thế bị vây.

Nghệ Hoàng khen phải, bèn mang hết hoàng tộc và các đại thần tránh sang vùng Đông Ngàn.

Phạm Sư Ôn vào Thăng Long, thế như chẻ tre. Những ổ kháng cự lẻ tẻ của quân triều đình bị đè bẹp ngay tức khắc.

Dân cư một số không chạy kịp, hoặc ngây thơ cho rằng bè đảng Sư Ôn chỉ là lũ giặc cỏ làm sao chiếm nổi Thăng Long, nay lo sợ cuống cuồng, tưởng rằng quân Sư Ôn sẽ làm cỏ cả kinh đô. Nhưng họ hết sức ngạc nhiên vì quân nổi loạn chỉ động tới triều đình hoặc quan lại, còn đối với dân họ không chạm tới dù một sợi tơ sợi tóc. Quả là một chuyện hiếm trong lịch sử. Lần đầu tiên có một đạo quân phật, do một nhà sư chỉ huy. Lần đần tiên, một đám cướp ô hợp lại biến thành một đạo quân có quy củ nhanh đến thế. Cứ như một cơn bão đùng đùng xuất hiện trên bầu trời mà mới đây thôi hãy còn lặng tờ thanh bình. Cứ như phép lạ! Thoắt một cái, đã có hàng vạn người đông như kiến cỏ, mang kiếm, thậm chí cầm cả gậy tre vót nhọn, tập hợp thành một đội quân thực sự, hàng ngũ chỉnh tề và rất kỷ luật.

Sáng hôm ấy, bốn chàng lực sĩ cởi trần khiêng trên vai một chiếc kiệu không mui che, rước thủ lĩnh Phạm Sư Ôn mặc quần áo nâu, đầu cạo trọc, tiến thẳng vào Thăng Long, hướng tới ngọn tháp cao bên hồ Lục Thủy. Đám nô tì và quân nổi loạn đứng chật kín hai bên đường, reo hò vỡ trời đón vị thủ lĩnh anh hùng.

Việc làm đầu tiên của Phạm Sư Ôn: đến dâng hương cúng Phật tại chùa Báo Thiên. Còn cách xa tháp, Sư Ôn đã ra lệnh cho kiệu dừng lại. Con người cao lớn râu ria dựng ngược, chiếc đầu to tròn trọc lốc để trần, mắt xếch sáng quắc, hùng dũng bước phăm phăm trên con đường lát đá phiến dẫn đến ngôi chùa tháp. Ở cửa ra vào phía đông của tháp, hai pho tượng kim cương hộ pháp cầm thanh long đao, mắt tròn xoe trừng trừng nhìn Phạm Sư Ôn. Ông phất tay ra hiệu cho đoàn tùy tùng dừng lại, rồi nói:

- Đây là cửa Phật từ bi. Mọi vũ khí phải để bên ngoài.

Đôi mắt sáng của ông bỗng nhiên dịu lại. Điệu bộ thô cứng của ông đã nhường chỗ cho một dáng điêu nhẹ nhàng, khiêm nhường. Một con người thứ hai trong ông xuất hiện. Ông thắp hương, cung kính quỳ lạy, đầu cúi rạp sát đất:

- Xin đức Phật từ bi tha tội cho kẻ tăng đồ ngỗ nghịch này. Chỉ là vạn bất đắc dĩ. Xin người giúp đỡ cho con phá bỏ được vương triều ươn hèn, thối nát này và đánh tan được giặc Chiêm thành hung bạo.

Đội quân của Phạm Sư Ôn đúng thực đội quân từ bi. Trên thực tế, cũng có những vụ cướp bóc, nhưng được chỉnh đốn lại ngay. Vả lại, cũng phải cho phép đám thuộc hạ của ông những con người suốt cả cuộc đời bị đè nén cúi mặt, được hả lòng căm giận chứ. Nếu nay, họ có nổi loạn một chút, kiếm lợi một chút... thì đó cũng chỉ là việc thường tình, miễn sao họ đừng quá đáng. Do vậy, đối riêng với bọn quan lại, ông nhắm mắt làm ngơ, mặc cho thủ hạ cướp phá... có nhiều dinh thự bị đốt cháy, nhiều kho lụa là châu báu được đem chia cho binh lính, nhiều cô tiểu thư khuê các được nếm trải những cơn mưa gió dập vùi của những tấm thân dũng sĩ cường tráng ứ thừa sinh khí.

Ngày thứ hai, sau khi vào Thăng Long, Phạm Sư Ôn ngồi ở điện Đại Minh, đem bọn quý tộc, quan lại bị bắt ra xét hỏi.

Người thứ nhất được dẫn đến, Sư Ôn hất hàm:

- Nhà người tên gì?

- Thiên hộ hầu Trần Mỹ.

- Tông thất hả?

- Đúng.

- Tội chết chém.

Người thứ hai bị dẫn đến. Sư Ôn quắc mắt:

- Tên là gì?

- Nguyễn Khang.

- Tâu đại vương, hắn khai man. Tên nó chính là Trần Khang.

- Không, tên tôi là Nguyễn Khang.

- Bẩm, tiểu nhân còn bắt được bức thư này trong nhà nó. Ngoài có đề: Trần Khang huynh đài mã giám.

- Thư của ai?

- Bẩm, thư của Trần Nguyên Diệu đã đầu hàng quân Chế Bồng Nga.

- Ta hiểu rồi. Tên Trần Khang này làm nội gián cho Chiêm Thành. Chúng chờ đợi quân Chiêm đến Thăng Long. Chưa giết vội. Đem đi lấy khẩu cung.

Người thứ ba bị dẫn đến. Sư Ôn hỏi, thái độ bình tĩnh hơn, khi thấy đó là một nho sĩ già, quần áo đã sờn.

- Người tên gì?

- Sử Văn Hoa.

- Sử Văn Hoa ư? Có phải ông là nhà chép sử? Hình thư ta đã nghe danh.

- Tôi viết sử. Đúng vậy!

- Thú vị thật? Quan chép sử? Này... ta giả dụ như nếu ông không bị giết, còn sống, ông sẽ chép thế nào về việc quân của ta nhập Thăng Long?

- Nếu còn sống, tôi sẽ viết thế này: “Người thầy chùa Phạm Sư Ôn, pháp hiệu Thiên Nhiên tăng, đã nổi loạn chiếm lộ Quốc Oai... Chiêu tập những kẻ du đãng bốn phương lập ba đạo quân đặt tên là: Thần Kỳ, Dũng Dấu và Vô Hạn...”

- Hay! Hay thật! Ông đã kịp tìm hiểu về đội quân của ta. Đúng là nhà chép sử. Xin ông cứ tiếp.

- Tôi viết thêm: “Ngày một một tháng chạp năm Kỷ Tỵ, Thiên Nhiêu tăng đem quân chiếm Thăng Long. Ngày đầu tiên dâng hương ở tháp Báo Thiên. Vua và triều thần đã đi lánh nạn. Ngày thứ hai, đem người bị bắt xử tại điện Đại Minh. Các tôn thất nhà Trần đều bị xử tội chết.”

- Ông chép hoàn toàn đúng. Nhưng xin hỏi một câu: ông có khen ta không?

- Không!

- Vậy có chê ta không?

- Cũng không!

- Hay! Chẳng khen và cũng chẳng chê. Tại sao vậy?

- Bởi vì còn quá sớm để hạ bút khen chê. Bởi vì thiện có thể chuyển thành ác...

- Và ác cũng có thể chuyển thành thiện chứ gì? Hay ông đích thực là nhà chép sử. Hãy nghe đây, ta quyết án: Vì Sử Văn Hoa không biết nịnh nọt, cũng không quá khích đại ngôn. Ta tha cho. Để ông ta sống, làm nhà chép sử cho non sông.

Người thứ tư bị dẫn đến.

Sau này, Sử Văn Hoa còn chép tiếp: “Ngày thứ ba, Phạm Sư Ôn đốt dinh thự các đại thần, đốt phá vườn Thượng Uyển.” Đang đêm hôm đó, quân nổi loạn bất thình lình rút khỏi Thăng Long. Trước khi đi họ chất rơm rạ, định đốt điện Đại Minh. Rất may: lửa còn chưa bén, nhân dân đã kịp đến cứu hỏa.

***

Khi Phạm Sư Ôn rút khỏi, thái sư Quý Ly vội ra lệnh cho một đạo quân trở về, trấn giữ kinh sư, lập lại trật tự và giải quyết hậu quả đốt phá. Một mặt, ông tung ngay thám tử đuổi theo, bám riết mọi động tĩnh của quân thầy chùa. Nghệ Hoàng nói:

- Quan gia (vua Trần Thuận Tôn) còn nhỏ, ta lưu lạc bên ngoài thế này chắc không tiện. Hay lại cho triều đình trở về Thăng Long, để muôn dân và quân sĩ được yên lòng?

Quý Ly tâu:

- Thế giặc còn mạnh. Quân giặc cỏ Phạm Sư Ôn đang còn đắc chí. Quân Chế Bồng Nga vẫn đóng ở Hoàng Giang. Quân thủy và bộ Chiêm Thành đã hợp lại với nhau. Đôi bên vẫn rình rập, chưa phân thắng bại. Hai vua hiện nay là mục tiêu của giặc. Phải bảo vệ đầu não, bảo vệ hoàng tộc, đó là nhiệm vụ quan trọng bậc nhất hiện nay.

- Ta chưa thể trở về Thăng Long được vậy ta nên đi đâu?

- Thần đã suy nghĩ kỹ. Phải đi xa hơn. Và không nơi nào bằng sông Lục Đầu. Từ đó, ta có thể dễ dàng lên phía Bắc qua ba con sông: sông Thiên Đức, Nguyệt Đức và Nhật Đức. Mặt khác, cũng có thể từ đó ra biển, hoặc về nam qua sông Bạch Đặng và những sông nhánh chằng chịt ở miền biển.

- Bình Chương nói cũng phải, ta có cung hành tại ở Bình Than.

Trong lúc thế nước chông chênh. Hồ Quý Ly đã chọn đúng địa điểm chiến lược, vừa có thể tiến vừa có thể thoái, để chỉ đạo cuộc kháng chiến chống quân Chiêm Thành và quân nổi loạn Sư Ôn. Qua cuộc rút lui ấy. Cũng thấy được tầm nghiêm trọng của sự đe dọa gây nên bởi cuộc tổng tiến công của Chế Bồng Nga. Ông ta quyết tiêu diệt nhà Trần, quyết khuynh đảo tan tành Đại Việt.

Trần Khát Chân vẫn thường xuyên gửi mật tấu về báo cáo tình hình chiến sự Chiêm - Việt. Khát Chân và Hoàng Phụng Thế hiện đương đối đầu với tướng La Ngai ở Hoàng Giang. Hai bên vẫn đương cầm cự, thăm dò. Chưa có những trận đánh lớn: Đại quân Chiêm do Chế Bồng Nga đích thân chỉ huy vẫn nằm im cách xa đội quân La Ngai, chưa thấy động tĩnh, Khát Chân đi khảo sát trên sông Hoàng Giang thấy địa thế trống trải, không có thế bố trận nên vẫn ém quân ở Hải Triều.

Thám tử về báo, quân của Phạm Sư Ôn đã rút về Quốc Oai. Chiếm Thăng Long ba ngày, họ cho là đại thắng, nên rất vui, hiện đang chuẩn bị mừng công. Hồ Quý Ly liền tâu với Nghệ Hoàng:

- Trời giúp ta rồi đây. Đám giặc cỏ đang kiêu, chúng lơ là phòng bị. Phạm Sư Ôn nghĩ rằng ta đang gặp nguy khốn với Chế Bồng Nga. Cả hai, họ Chế và họ Phạm đều chưa muốn tiến binh. Chúng đều muốn chờ quân triều đình đánh nhau với bên kia, để cho quân triều đình bị hao hụt, họ tọa sơn quan hổ đấu, hòng thủ lợi về mình. Lúc này, nhân lúc Phạm Sư Ôn đang lơ là không phòng bị, ta nên đem quân đánh úp. Quân của Sư Ôn mới tụ họp còn ô họp, không thiện chiến...

Quý Ly bèn thay vua viết mật chỉ, điều đội quân của Hoàng Phụng Thế rút lui khỏi Hoàng Giang. Làm như thế, để nhử quân Chiêm vào sâu trong vùng châu thổ, rơi vào trận thế trên sông của Khát Chân, trong lúc đó quân của Hoàng Phụng Thế sẽ bất ngờ theo đường tắt, lên đến Quốc Oai đánh úp. Điều này Phạm Sư Ôn không thể ngờ tới, bởi vì nhiệm vụ chính của Phụng Thế là đối đầu với quân Chiêm. Lệnh rút quân và tấn công bất ngờ phải hoàn toàn bí mật.

Đồng thời, thái sư lại diều đội quân của Nguyễn Đa Phương trước kia, và hiện nay do tướng Phạm Cự Luận chỉ huy, phải cấp tốc từ Thanh Hóa ra hỗ trợ cho cánh quân của Trần Khát Chân đang đối đầu với Chế Bồng Nga.

Để tạo bất ngờ cao độ, Hoàng Phụng Thế từ Hoàng Giang đến Nộn Châu là nơi đóng quân của Sư Ôn ở Quốc Oai, đã phải bí mật đi tắt theo con sông Miệt Giang. Đó là một con sông nhỏ, mùa đông lắm đoạn nước cạn, thuyền bè không đi lại được. Cũng chính vì Phạm Sư Ôn biết tình hình khô cạn của sông Miệt Giang nên đã không đề phòng phía ấy. Đội quân của Hoàng Phụng Thế, dang đêm nhập sông Miệt Giang. Những khúc sông cạn, Thế cho lính xuống, dùng cuốc xẻng khơi dòng rồi kéo thuyền qua, đến chỗ nước sâu lính lại lên thuyền bơi chèo. Hành quân bí mật suốt đêm, tảng sáng quân Thánh Dực đến Nộn Châu. Đoàn quân nổi loạn, khi đó, vẫn còn say sưa giấc ngủ, không hay biết gì hết. Quân của Hoàng Phụng Thế như thiên binh thần tướng đột ngột ùa vào trại giặc. Quân Sư Ôn bị tấn công không kịp trở tay, Hoàng Phụng Thế chỉ một trận đã phá tan tác đội quân thầy chùa. Phạm Sư Ôn bị bắt sống. Ba vạn quân chạy như vịt, trở thành đám hỗn loạn, kẻ bị giết, kẻ bị bắt, kẻ trốn thoát vào rừng lại quay trở về cuộc đời thảo khấu.

Hoàng Phụng Thế đóng cũi Sư Ôn, giải về Thăng Long. Mấy hôm sau, thái sư đã cho tổ chức ngay cuộc hành quyết ở bãi chợ Báo Thiên để răn de. Pháp đài là cái sàn gỗ cao, trên đặt một thớt gỗ lim thật to, thật nặng. Phạm Sư Ôn cởi trần, hai tay bị trói quặt ra sau. Đầu trọc, râu ria tua tủa, ông ta đứng sững như người khổng lổ. Phạm Sư Ôn quay mặt về phía ngọn tháp Báo Thiên lừng lững chọc trời. Ông quỳ xuống cúi đầu:

- Kẻ nghịch đồ xin cúi lạy đức Phật từ bi, xin được người xá tội. Thực ra con chỉ theo lời đức Thế Tông, cố đem hạnh phúc lợi lạc cho chúng sinh lầm than đói khổ.

Rồi, ông quay về phía những đồng đảng bị trói ở hàng cọc dưới đất, chờ bị hành quyết cúi lạy:

- Một lạy này Sư Ôn xin gửi tới anh em, mong được xá tội. Chỉ vì tôi thiếu tài trí, nên đã làm liên lụy tới sinh mạng của anh em.

Quay về phía dân chúng đông nghịt trên bãi chợ, Phạm Sư Ôn một lần nữa lại cúi đầu:

- Một lạy này Sư Ôn xin gửi tới nhân dân. Vua quan nhà Trần thối nát, Hồ Quý Ly phiền hà độc ác. Chỉ tiếc rằng tôi chẳng thành công, để trăm họ vẫn phải muôn bề lầm than...

Công chúng nghe giọng nói ồm ồm của Sư Ôn đều rưng rưng nước mắt. Chợt đôi mắt của người thầy chùa nhìn thấy bên cạnh gốc cây xích tùng phía dưới, một chàng thư sinh vai đeo tay nải, hai dòng nước mắt chảy dài trên gò má, ông nhận ngay ra gương mặt thân quen của Phạm Sinh. Ông muốn gọi to tên anh, song kìm nén lại được. Chàng thư sinh gật đầu. Trong những phút cuối cùng cuộc đời, một linh cảm rất khác lạ rất ấm áp chợt ùa vào trái tim sắt đá của người thủ lĩnh. Ông kêu lên trong lòng: Trời ơi? Sao khuôn mặt ấy lại giống mặt của người con gái năm xưa đến thế? Và còn đôi mắt sáng quắc kia nữa chúng giống ai? Phạm Sinh! Phạm Sinh. Ông thầm nhủ. Và bỗng ông thầy chùa giật mình sửng sốt. Ừ, sao lại họ Phạm nhỉ? Phạm Sinh - Phạm Sư Ôn? Và đột nhiên, óc ông lóe sáng. Trời ơi? Sao đầu óc ta tối tăm đến thế? Hắn chính là con ta. Thế là, bất thình lình, ông hét thật to:

- Hãy trả thù! Hãy trả thù cho ta. Nhớ lấy! Nhớ lấy!

Tiếng hét man dại quá, khủng khiếp quá, uất hận quá; nó làm choáng váng mọi người, như muốn đánh thức tất cả vạn vật. Viên quan trông coi việc hành quyết chợt nhận ngay ra mối nguy hiểm. Ông bèn ra lệnh bịt chặt mồm Sư Ôn lại. Rồi toán lính ôm lấy con người hộ pháp đó, vật lộn, quật ngã ông ta xuống. Kẻ giữ đầu, kẻ giữ chân, bọn lính khiêng ông ta đặt lên thớt. Phạm Sư Ôn giãy giụa, rồi lăng mạ, chửi rủa tất cả những tên tuổi được coi là linh thánh, là cấm kỵ thất của vương triều đang sụp đổ. Cuối cùng bọn lính cũng cột được chân ông vào chiếc cọc phía dưới và buộc người ông vào tấm thớt. Đao phủ phải chém đến ba, bốn nhát, cái đầu lâu ông mới lìa khỏi cổ và phun ra một tia máu dài...

Cảnh tượng khủng khiếp đó làm cho mọi người đều mê hoảng. Chẳng ai còn để mắt đến ai nữa. Người thư sinh đeo tay nải đầm đìa nước mắt khóc to, nhưng cũng chẳng bị ai chú ý. Anh rên rỉ trong lòng: “Cha ơi! Cha ơi.”

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay