Hồ Quý Ly - Chương 05 - Phần 2

Trần Nguyên Diệu, em trai Phế Đế, vì thù anh bị giết, và cũng vì ngấp nghé muốn nhòm ngôi vua, nên đã trốn vào thành Đồ Bàn hàng Chế Bồng Nga. Vua Chiêm được hàng tướng tầm cỡ như Nguyên Diệu, mừng như bắt được vàng. Thực ra. trước đó đã có hai người dầu hàng Chiêm: đó là thái hậu Dương Thị, và Ngụy Câu Vương Trần Húc con cả Trần Nghệ Tông. Tuy nhiên. hai người đó đều không có uy tín trong Đại Việt, nên họ Chế không lợi dụng được nhiều lắm. Lần này, được Nguyên Diệu, một đại thần em vua, lại là quan đứng đầu một lộ, lại là người có nhiều quan hệ với các đại thần đương quyền ở Đại Việt. Chế nghĩ: “Câu được con cá này mới là cá to.” Chế bảo Diệu:

- Ta sẽ giúp ông diệt Quý Ly, còn ông cũng phải giúp ta.

Diệu nói:

- Để công việc thuận lợi, tôi sẽ viết mật thư cho quan tư đồ Trần Nguyên Đĩnh, quan thiếu bảo Trần Tông, cả Trang Định Vương Ngạc nữa. Những người này thù ghét Lê Quý Ly đến tận xương tủy.

Lúc đó ở Đại Việt, triều đình chia rẽ năm bè bảy mối, lòng người khảng tảng, nhiều kẻ quan cao chức trọng, thân ở đất Việt mà lòng ở đất Chiêm, do đó quân đội mất hết sức mạnh.

Quý Ly đi vào vùng sông Lương Thanh Hóa, vùng ảnh hưởng của Trần Nguyên Diệu khá mạnh. Diệu và Chế nêu cao ngọn cờ diệt Quý Ly phục Trần, nên quan lại ở Thanh Hóa theo họ khá đông. Chí ít, người nào không theo cũng không cộng tác với thái sư.

Khi quân Quý Ly đến, ông ở trên đất Việt nhưng lại hóa ra như kẻ ngoại lai đến. Lòng người quay trở, nên đất của ta biến thành đất của địch. Quý Ly sai đóng cọc trên sông Lương, ngăn không cho quân Chiêm tiến. Chế Bồng Nga có Nguyên Diệu chỉ điểm địa hình, đã đắp đập ở thượng nguồn sông Lương. Sau đó, họ Chế cho quân và voi mai phục rồi giả vờ thua chạy. Quý Ly sai mở cọc trên sông đưa thủy binh truy kích. Trên bộ, quân tinh nhuệ cũng đuổi theo quân Chiêm. Đúng lúc đó Chế Bồng Nga phá đập ở thượng nguồn sông Lương. Nước ào ạt chảy như thác đổ, đẩy chiến thuyền Quý Ly trôi xuống hạ lưu. Đồng thời, voi và quân mai phục cũng nhất tề xông ra. Voi gầm, quân thét vang trời. Quân Quý Ly rơi vào thế bị động. Quân bộ và quân thủy bị tách rời, không ứng cứu được cho nhau. Quân sĩ bị tiêu diệt. Bảy mươi viên tướng bị bắt. Quý Ly và một nắm tàn quân thất trận, tơi tả trở về Thăng Long.

Nguyễn Đa Phương và Phạm Khả Vĩnh mang hậu quân từ tuyến sau lên cầm chân giặc. Thế giặc, theo đà chiến thắng, trở nên quá mạnh. Đa Phương biết không giữ nổi, liền bỏ Thanh Hóa, bảo toàn lực lượng, đem quân về đồng bằng sông Hồng để bảo vệ Thăng Long. Chế Bồng Nga thắng lớn, cờ rong trống mở đưa quân ra biển, rồi định tràn vào vùng châu thổ sông Hồng, phen này quyết đại phá Thăng Long.

Như ta đã biết, Đa Phương là con cụ Sư Tề, thầy dạy võ của Quý Ly. Quý Ly nhận Phương làm em và có ý gây dựng làm thủ túc. Đa Phương sức khỏe hơn người, nức tiếng dũng sĩ Thăng Long. Để đề cao Đa Phương, Quý Ly cho mở võ đài tỉ thí ở tháp Báo Thiên. Đa Phương giữ đài, thách đấu với võ sĩ cả nước. Đa Phương đánh bại tất cả, được tôn vinh là đệ nhất võ sĩ. Phương lấy làm đắc ý, thường coi người bằng nửa con mắt. Cụ Sư Tề lấy làm lo sợ, bảo con:

- Thời này, thời đại loạn, thời của những mưu sâu, kế lạ, đâu có phải thời của những kẻ hữu dũng vô mưu. Hãy cẩn thận, kẻo đến lúc không có đất mà chôn.

Đa Phương ngoan cố, không cho lời cha dạy là phải. Cụ Sư Tề buồn bực, bỏ Thăng Long trở về quê, rồi biệt tăm biệt tích.

Sau trận sông Lương (Thanh Hoá) Đa Phương tự cho mình võ cũng giỏi, mà cầm quân cũng giỏi. Phương thấy Quý Ly thua trận, cho rằng thời thế của Quý Ly đã hết. Nay thái sư chỉ như khúc gỗ mục trôi sông, bám vào con người hết thời ấy làm gì. Phương về Thăng Long, rêu rao:

- Thái sư bất tài quân sự, chỉ có tài nói giỏi và bày vẽ ra lắm chuyện viển vông.

Đa Phương không hiểu thế của Quý Ly đã vững như bàn thạch. Thế ấy là nhờ một phe đảng đông đúc, như tấm lưới dày chăng ra từ trong triều đến các địa phương. Đến ngay như Nghệ Tông còn phải nể sợ cái thế này.

Quý Ly nói với Nguyên Trừng:

- Đáng lẽ ra những lúc này, Phương cần phải trung thành với ta. Ta tin hắn nhưng thực không ngờ, lúc bão tố hắn lại quay đầu phản ta.

Nguyên Trừng bảo cha:

- Chẳng cứ gì Phương, trong triều lúc này, rất nhiều lời xì xào. Họ tưởng rằng ta đã lung lay. Nhất là khi thấy người thân cận của ta quay đầu: chống lại ta.

Quý Ly bỗng trở nên buồn rầu:

- Ta đâu phải là kẻ không tình nghĩa. Nhưng những kẻ càng gần ta trong lúc này lại phản ta, kẻ ấy càng cực kỳ nguy hiểm.

Quý Ly bèn tâu với Nghệ Hoàng:

- Con người này quá thô thiển và kiêu căng vô lối. Làm tiểu tướng thì được, làm đại tướng thì hỏng.

Bèn thu hết binh quyền của Phương. Đa Phương ngẩng mặt lên trời than thở:

- Trời hại ta rồi. Con chim kia vì tiếng hát hay nên bị sa lưới, vì bộ lông đẹp nên bị tên bay. Trời sinh ra Đa Phương này có tài để làm gì. Đức chí tôn cũng bị quáng mắt rồi.

Nghệ Hoàng nghe thấy bảo:

- Người này quá kiêu căng. Cần trị tội nhẹ để răn bảo.

Quý Ly tâu:

- Đa Phương có sức khỏe dũng sĩ. Nếu bất mãn, sợ hắn sẽ chạy sang phương Bắc với nhà Minh, hoặc vào phương Nam với Chiêm Thành. Thả cọp về rừng sẽ di họa về sau. Chi bằng giết đi là xong.

Bèn ra lệnh cho Đa Phương uống thuốc độc tự vẫn.

Đa Phương lại than:

- Ta vì có tài nên được sang. Lại cũng vì cái tài nên phải chết. Chỉ hận không được chết ở chốn sa trường.

Tình thế bây giờ quá đôi rối ren. Đang đêm, có ngựa trạm mang thư về Thăng Long cấp báo:

“Quân của Chế Bồng Nga đã từ biển đi vào sông Hoàng Giang. Thế lực quân Chiêm khá mạnh. Hơn một trăm chiến thuyền đậu kín một khúc sông. Bọn chúng còn đóng binh ở Hoàng Giang chờ hậu quân. Bộ binh và tượng binh đang từ Thanh Hóa tiến ra.”

Nghệ Hoàng cho triệu Lê Quý Ly. Thái sư tâu:

- Chế Bồng Nga rất thâm hiểm. Hễ khi nào có người đầu hàng dẫn đường là chúng kéo quân ra Thăng Long. Bởi vì chúng đã có tay sai để lập vua hờ. Lần này, Trần Nguyên Diệu đầu hàng. Diệu là đại thần, thông thuộc mọi chuyện trong nước, nhất định quân Chiêm sẽ đánh Thăng Long.

- Ta nên đối phó ra sao?

- Tâu bệ hạ, liêm phóng sứ ở lộ Quốc Oai mật báo về rằng quân của thầy chùa Phạm Sư Ôn nổi loạn cũng định nhân cơ hội này kéo về Thăng Long. Như vậy, kinh sư đang bị tấn công từ hai phía. Xin bệ hạ cứ yên tâm. Thần đã trù tính kỹ càng. Mọi việc đã sẵn sàng. Khi cần, thượng hoàng và hoàng gia hãy tạm lánh sang Đông Ngàn, sau đó đi thuyền đến Lục đầu giang. Thần đã cho người đến hành cung Bình Than chuẩn bị tiếp đón hai vua.

- Vậy ai sẽ là người cầm quân chống Chiêm Thành? Ai sẽ là người đi dẹp bọn giặc cỏ ở lộ Quốc Oai?

- Thần đã suy tính nát óc. Tướng già nhiều kinh nghiệm ta còn Phạm Khả Vĩnh và Hoàng Phụng Thế. Hoàng Phụng Thế thì quá già, còn Khả Vĩnh vừa qua lại rất thân thiết với Đa Phương. Phương vừa bị giết, ta lại chưa dò biết được lòng Vĩnh hiện nay ra sao. Chi bằng, cứ để Vĩnh và Thế đóng quân ở Hoàng giang đối phó với tiền quân Chiêm Thành do tướng La Ngai chỉ huy. Hiện nay, ta đang rất cần một viên tướng trẻ có khả năng táo bạo, bất ngờ với địch để chỉ huy toàn quân.

- Khanh đã chọn được ai?

- Thần thấy trong đám tướng trẻ có hai người khả dĩ. Người thứ nhất là Đặng Tất rất năng nổ táo bạo. Người này đã cầm quân ở Châu Hóa, có nhiều kinh nghiệm đối phó với quân Chiêm. Ngặt một nỗi hiện nay Tất ở xa. Gọi về cũng mất hàng tháng.

- Nước xa làm sao cứu được lửa gần. Vậy, còn người thứ hai?

Quý Ly hiểu ngay lòng Nghệ Hoàng... Sở dĩ ông vua già không đậm với Tất bởi vì Đặng Tất là người thân tín của thái sư. Vừa qua, Quý Ly trừ khử Nguyễn Đa Phương. Nghệ Hoàng cũng chẳng tỏ vẻ thương tiếc gì lắm, phần nào cũng vì lẽ ấy.

Quý Ly là người giầu óc thực tế. Ông cũng hiểu sự tương quan lực lượng. Vả lại, lúc này ông và Nghệ Hoàng đang ngồi chung một chiếc thuyền. Việc lớn là chuyện lâu dài, còn trước mắt cần phải tìm ra một người mà cả hai phía đều động thuận, để con thuyền không bị đắm. Vì những lý do ấy, việc tìm người chỉ huy quân đội lúc này. Quý Ly làm rất công tâm. Vốn có tài nhìn người và dùng người, Quý Ly luôn để mắt đến những vị quan trẻ. Không những chỉ ở hàng quan văn, những quan võ trẻ cũng không lọt khỏi mắt ông. Ông ngẫm nghĩ hồi lâu rồi tâu với Nghệ Hoàng:

- Còn người thứ hai chẳng được mấy ai chú ý, nhưng thần đã gặp và hỏi chuyện mấy lần. Con người này chín chắn, chững chạc, khoảng bốn mươi tuổi. Đó là đô tướng Trần Khát Chân.

- Trần Khát Chân ư?

Vị đô tướng trẻ này tinh thông binh pháp, dòng dõi Bảo Nghĩa Vương Trần Bình Trọng. Ông ta chỉ huy quân Thánh Dực. Đã có lần dưới quyền của thần đánh nhau với Chiêm Thành. Thần ưng nhất người này ở điểm vô cùng bình tĩnh.

Nghệ Hoàng chợt tươi tỉnh hẳn lên:

- Người này có thể được. Ta biết Khát Chân từ nhỏ. Cái khác ta không biết, chứ riêng lòng trung nghĩa của Khát Chân rất đáng tin cậy. Khi Chế Bồng Nga vào Thanh Hóa, Khát Chân đã dâng tờ biểu, xin tình nguyện đem quân ra trận.

Quý Ly thăm dò:

- Thần đã nghe chuyện ấy. Từ lâu, thần đã muốn tiến cử. Chỉ e một nỗi, ông ấy mới là đô tướng*, chức còn quá thấp khó có thể thống lĩnh một đạo quân lớn.

*Thời nhà Trần, từ cao xuống thấp có những cấp võ quan: phiêu kỵ tướng quân, thượng tướng quân, đại tướng quân và đô tướng.

Thượng hoàng cười, bảo:

- Không sao! Lúc biến phải tùy cơ. Chẳng nên câu nệ.

***

Ngay hôm ấy, Nghệ Hoàng gọi Khát Chân vào cung. Ông vua già từ cao bước xuống, đỡ viên tướng đang quỳ thi lễ. Ông nói:

- Đất nước lâm nguy. Chế Bồng Nga lăm le tràn vào Thăng Long. Giặc đã ở Hoàng Giang, cửa ngõ kinh sư. Ngoài ra, còn lũ giặc cỏ Phạm Sư Ôn ở Quốc Oai, sát nách Thăng Long. Nay trẫm tin cậy ở khanh, trao binh quyền cho khanh cầm quân diệt giặc. Chớ có phụ lòng tin cậy của trẫm.

Trần Khát Chân xúc động:

- Thần chỉ là viên tướng nhỏ, đã được bệ hạ tin cậy, giao trọng trách. Tổ tiên nhà thần, cả dòng họ nhà thần mấy đời đều ăn lộc nước, hưởng ân huệ sâu dầy của nhà Trần. Thần nguyện hết lòng báo đáp, dù phải thân phơi chiến trường.

Hôm sau, Khát Chân thống lĩnh binh mã lên đường, bí mật xuất quân trong đêm. Một đoàn thuyền dài đậu trên sông Cái. Cả ngựa và voi cũng chở bằng thuyền để đi cho nhanh, đảm bảo bí mật. Quân sĩ ngậm tăm im phăng phắc. Chỉ thỉnh thoảng mới có tiếng ngựa hí làm rung động cả những ngọn đèn lắc lư trên thuyền.

Thượng hoàng ra tận bãi dâu sông Hồng tiễn đưa đoàn quân của Khát Chân. Ông trao cho viên tướng thanh ngự kiếm:

- Ta trao toàn quyền cho khanh. Khanh có thể tiền trảm hậu tấu. Toàn quân thấy thanh kiếm này như nhìn thấy trẫm.

Trần Khát Chân quỳ lạy từ biệt thượng hoàng. Thượng hoàng rơi lệ nhìn theo đoàn quân quyết tử cứu nước lên đường.

Quan thái sư Quý Ly dặn dò:

- Chế Bồng Nga là người thâm hiểm. Hắn thuộc ngòi lạch của ta. Lại có Nguyên Diệu đầu hàng dẫn đường. Ông phải cẩn trọng, tránh rơi vào cạm bẫy của chúng. Chế Bồng Nga kỳ này ra Bắc không đúng quy luật của chúng. Không có gió nồm. Lại đang có đợt gió bấc mang rét lạnh về. Bất lợi cho giặc mà có lợi cho ta. Gió thế này, lại xuôi dòng, chỉ mờ sáng, quân ta đã đến điểm chọn. Nhớ giấu quân cho kỹ. Chỉ dùng mưu mới thắng được Chế Bồng Nga...

Khát Chân cung kính:

- Tiểu tướng ghi tạc những lời thái sư căn dặn.

3

Dân Thăng Long nhốn nháo.

Ở chợ Cầu Đông, hôm nay có rất nhiều tin đồn. Nào là nhà vua đã bỏ chạy, để ngỏ kinh thành Thăng Long. Nào là quân Chế Bồng Nga rất đông, thuyền của chúng trên sông Hoàng Giang đậu san sát như lá tre. Chúng đốt trụi các làng mạc ven sông, nơi chúng đi qua. Đàn bà chúng hiếp, người đẹp chúng bắt. Đàn ông bắt được, chúng trói giật cánh khuỷu, đóng nõ tre vào đít xuyên tới ruột. Chúng rêu rao chỉ vài ngày nữa sẽ làm cỏ Thăng Long.

Đang lúc chợ đông, một chú lính sách nhiễu người bán hàng, gây nên giằng co đánh đập. Bỗng một người đàn ông cao lớn vạm vỡ, cướp con dao hàng thịt, chém xả mấy nhát làm tên lính sách nhiễu chết tươi. Anh ta cầm con dao vấy máu, bên xác chết, kêu gọi mọi người:

- Tôi là quân của đức ông Phạm Sư Ôn. Đức ông xưa kia tu hành theo đức Phật, lại giỏi pháp thuật, chữa bệnh cứu người. Nay thấy vua tôi nhà Trần ươn hèn, thối nát, đức ông Phạm Sư Ôn đã dấy binh, tập họp người nghèo khổ lưu tán thành đội quân bồ tát chống lại triều đình. Người đói khát bị ức hiếp đi theo đức ông có tới hàng vạn. Đội quân bồ tát đang kéo về Thăng Long, xin nhân dân hãy hưởng ứng. Đức ông sẽ cầm quân đi đánh giặc Chiêm Thành, bảo vệ non sông, đồng thời quét sạch bọn tham quan ô lại, bọn sâu mọt.

Cả chợ ồn ào náo nhiệt hẳn lên. Nhất là khi bọn lính triều đình chừng vài chục tên dao kiếm trên tay hùng hổ chạy vào chợ, miệng hét to “Bắt lấy lũ giặc cỏ?” Xung đột xảy ra. Kẻ chạy, người bắt. Tiếng hò hét vang trời. Lập tức chợ vỡ. Ai nấy đều mất mật, chạy nhanh khỏi đám hỗn loạn. Bọn lưu manh cũng nhân cơ hội đục nước béo cò, giở trò cướp bóc. Tiếng la hét, tiếng kêu cứu tiếng khóc than, tiếng đuổi bắt, tiếng đao kiếm vang lên thấu trời...

Vậy là quân Chiêm Thành chưa ló mặt, nhưng quân của Phạm Sư Ôn chắc chắn đang sắp về đến kinh sư.

Người ta hỏi nhau: Phạm Sư Ôn là ai?

Câu trả lời ngắn gọn của người dân nói với nhau:

- Phạm Sư Ôn là một nhà sư. Ông ta là một bồ tát nóng nảy. Thấy con đường giải thoát cho dân bằng đạo từ bi quá lâu dài, ông ta đã sốt ruột, bỏ chùa, kêu gọi nô tì cực khổ nổi dậy, tìm con đường giải thoát ở ngay cõi trầm luân và phương tiện chính bằng đao kiếm.

Thời nhà Trần, sau khi tháng quân Nguyên, vua Trần bỏ lên núi Yên Tử đi tu, thành lập phái thiền Trúc lâm Yên Tử trứ danh của Đại Việt. Được triều đình ủng hộ, từ đó Phật giáo cực thịnh ở nước ta. Nhưng giáo lý nhà Phật nói: sinh trụ dị diệt là quy luật của sự sự vật vật. Đạo Phật cũng không thoát khỏi quy luật đó. Đạo Phật Đại Việt cực thịnh ở thời Trần Nhân Tông. Lúc đó đất nước có hàng vạn ngôi chùa. Ruộng nhà chùa cũng làm. Riêng chùa Quỳnh Lâm đã có tới năm ngàn mẫu ruộng. Số tăng ni lúc đó ước tính lên tới ba chục vạn, đó là chưa kể tới số tam bảo nô, những người nô tì núp bóng từ bi. Có thể nói số cư dân của nhà chùa lên tới hàng triệu. Nhà chùa là một thế lực đang lên, người đời ai cũng muốn ngả theo, để kiếm chút đặc quyền đặc lợi. Khi Chiêm Thành liên tục đánh phá Đại Việt, người dân càng đua nhau cắt tóc đi tu. Trai tráng đi tu sẽ tránh được việc bắt lính. Thái sư Quý Ly thấy cái tệ đó, bèn ra chính sách thầy chùa còn trẻ dù đã cắt tóc cũng phải xung vào lính. Hồi lại thêm chính sách hạn nô hạn điền; chùa to nhất được liệt vào hàng đại danh lam cũng chỉ được phép giữ mười mẫu ruộng, và chỉ được phép có một số tam bảo nô nhất định.

***

Phạm Sư Ôn là con hoang. Một người đàn bà nô tì lỡ làng nào đó đã đem một đưa trẻ đỏ hỏn đặt ở tam quan một ngôi chùa làng. Sư trụ trì, pháp hiệu Vô Trụ thương cái sinh vật côi cút, hẩm hiu ấy liền đem về chùa nuôi.

Cậu bé được trời phú cho một sức sống phi thường. Chùa nghèo, đói khát, bữa ăn chỉ có sắn khoai. lại không có bàn tay đàn bà chăm chút cậu sống như cỏ dại, nhưng lại lớn nhanh như thổi. Lớn lên, thân xác và sức mạnh của cậu đều gấp bội người thường.

Lúc còn nhỏ cậu được giao cho một cành roi tre, suốt ngày chỉ làm công việc đuổi lũ chim sáo, chim quạ. Lũ chim biết nhà chùa không hại chúng, nên thường kéo đến từng đàn từng lũ, phá hoại ruộng đậu, ruộng ngô quanh chùa. Các chú tiểu lớp trước thường không bao giờ động đến dù cái móng chân chim; được thể lũ chim càng làm dữ, nhất là lũ quạ. Đuổi đầu này, chúng lại bay sang đầu kia. Thành thử, làm việc đuổi quạ của chùa rất mệt nhọc. Phải luôn tay, luôn chân chạy từ ruộng này sang ruộng khác.

Lúc đầu, chú tiểu thường bị ông quản nô phạt nhịn ăn khi chim phá quá đỗi. Chú hận lũ chim lắm. Cho đến khi, lũ quạ xâm hại đến một cô bé vẫn được chú che chở, thì Sư Ôn không chịu được nữa. Lũ mục đồng cũng hùa vào:

- Lũ chim có thương mình đâu. Sao chú tiểu lại thương lũ chim?

Lũ mục đồng bèn dạy chú cách phá tổ chim và làm bẫy thòng lọng. Chỉ một buổi bắt được hơn chục con quạ. Thịt quạ hôi, trẻ mục đồng không thèm ăn. Chúng bèn thui vàng bầy quạ. Mỗi thửa ruộng dùng que cắm một con. Ngửi thấy mùi thịt quạ thui, trông thấy những con chim bị nướng vàng cắm trên cọc tre, bọn chim sợ chết khiếp, một thời gian dài không dám bén mảng đến quanh chùa.

Sư Vô Trụ đột nhiên không thấy bóng lũ chim tíu tít trên mấy cây đa trước cửa chùa lúc chiều về. Ông ngạc nhiên tự hỏi:

- Một sự lạ. Bất cứ ngôi chùa làng nào cũng là nơi trú ngụ của lũ chim. Riêng ở chùa này sao lại vắng tiếng chim hót?

Sư cụ lặng lẽ tìm hiểu, một buổi trưa bắt gặp chú tiểu đuổi chim đang nằm ngủ lăn lóc dưới một gốc cây.

Gọi dậy, mới nhận ra cậu bé bị bỏ rơi ở tam quan năm xưa. Chú tiểu có thân hình rắn chắc và đôi mắt sáng quắc một cách kỳ lạ. Sư Vô Trụ hỏi chú bé:

- Con đuổi chim giỏi thế nào mà chùa làng ta không có một bóng chim?

- Bạch sư cụ, con đâu có giỏi. Chính lũ mục đồng đã dạy con cách đuổi chim.

- Đuổi thế nào?

- Chúng nó bảo: Của bụt mất một đền mười. Lũ chim phá ruộng chùa, tức là phá tam bảo, nên phải trừng trị. Chim quạ là chim ác. Bọn mục đồng dạy con cách bẫy quạ. Bẫy một hôm lũ chim chưa sợ vẫn lăn xả vào. Bẫy mười hôm, quạ đến thưa thớt dần. Bẫy một tuần tràng thì không còn con nào dám bén mảng. Người ác phải đọa địa ngục. Chim ác cũng phải bị trừng phạt.

Sư Vô Trụ nhìn cậu bé hoang dại với đôi mắt sáng quắc chợt thở dài. Sư thấy mình như có lỗi, bèn chú ý chăm sóc đến cậu bé. Sau đó, sư cụ nghĩ: sở dĩ cậu bé hoang dại vì đi lại với lũ trẻ mục đồng. Cụ liền chuyển cho chú tiểu làm việc khác. Công việc của chú tiểu bây giờ là quét dọn và đánh chuông. Những lúc rảnh rỗi, sư dạy chú học.

Sư Vô Trụ ngạc nhiên theo dõi cái thân thể cường tráng của chú tiểu Sư Ôn cứ đùng đùng lớn lên như thổi. Cậu bé nói rất to, làm rất khỏe, ngủ rất say, đi đứng cứ phăm phăm và đặc biệt ăn rất nhiều, hầu như chẳng bao giờ biết no. Nói tóm lại, ở trong thân xác của chú đang cuồn cuộn chảy một dòng nhựa đầy ứ, dư thừa đến mức muốn bung ra. Sư cụ thoáng cảm thấy lo lắng. Để dìm nén cái sức sống quá dư thừa đang bừng bừng tỏa ra từ cái thân thể hộ pháp và đôi mắt sáng quắc của cậu, sư Vô Trụ bắt cậu bé suốt ngày dùi mài kinh kệ. Nhưng kinh sách hình như cũng không đủ sức chế ngự, sư cụ bèn bắt Phạm Sư Ôn phải quần quật cày bừa, làm ruộng. Nhưng có lẽ lao động cật lực cũng không đủ sức kìm nén và giải tỏa. Sư cụ có bận đứng ở tam quan chùa nghe tiếng cười ha hả của chú tiểu, lúc này đã thành người lớn, ông thở dài và tư lự. Cuối cùng sư Vô Trụ nghĩ ra một cách, gửi Phạm Sư Ôn cho một vị Thiền sư có võ công rất cao siêu. Người sư trẻ thông minh ấy liền lao vào nghề võ, và học rất say sưa. Nhà sư trẻ đã gặp đúng cái nghiệp của mình. Phạm Sư Ôn là một tài năng võ học. Chú miệt mài luyện tập sau những giờ học kinh kệ. Và quả nhiên đôi mắt của cậu bớt sáng đi thật. Hóa ra, chỉ có võ học mới giải tỏa được cho người trai trẻ ấy. Có lẽ đến lúc đó, sư Vô Trụ mới thở phào nhẹ nhõm, vì đã có thể kéo chàng trai trẻ, con đẻ của vật dục đam mê mù quáng, đi vào chánh đạo. Năm Phạm Sư Ôn hai mươi tuổi, Phật hội tổ chức một giới đàn lớn, cả vùng có tới trăm tăng sĩ ở các chùa đến xin được thọ giới cụ túc. Mười vị cao tăng đạo cao đức trọng của thiền phái Trúc lâm ở trong hội đồng truyền giới, lại có rất đông các vị tì kheo ở nhiều nơi đến tham dự, góp sức hộ niệm cho sự thành tựu cho các vị tì kheo mới. Phạm Sư Ôn cũng được thọ giới kỳ này. Sư Vô Trụ đặt pháp danh cho là Thiên Nhiên tăng. Vị tăng được tự nhiên sinh ra hay vị tăng có nhiều tính chất tự nhiên; âu cũng là một lời nhắc nhở. Qua ba mùa an cư kết hạ. sư Thiên Nhiên đã am hiểu phần nào giáo lý.

***

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay