Hồ Quý Ly - Chương 02 - Phần 1

Chương 2: Hồ Nguyên Trừng

1

Tôi là Lê Nguyên Trừng, hay nói cho đúng hơn tôi là Hồ Nguyên Trừng. Theo gia phả từ xưa để lại, ông tổ của chúng tôi Hồ Hưng Dật từ miền Triết Giang Trung Hoa, vào thời Ngũ Quý, đã sang đất Giao Chỉ làm quan ở Diễn Châu. Trải qua mười hai đời, đến đời cụ Hồ Liêm lại di cư sang trương Đại Lại phủ Thanh Hoa làm con nuôi quan tuyên úy Lê Huấn; từ đấy chi họ Hồ ở Thanh Hoa đổi làm họ Lê. Cha tôi, Lê Quý Ly là cháu bốn đời của cụ Hồ Liêm. Khi hai bà cô của cha tôi là thái hậu Đôn Từ và Minh Từ được tuyển vào cung làm phi cho đức vua Trần Minh Tông, rồi lại đến khi con của bà Minh Từ lên làm vua tức là Trần Nghệ Tông, thì bố tôi biết thời vận của dòng họ nhà tôi đã đến. Quả đúng như cha dự đoán, vua Nghệ Tông, người anh em con cô cậu với cha tôi, đã rất quý trọng cái tài kinh bang tế thế của cha tôi. Ông đã được thăng quan vùn vụt để cuối cùng lên hàng quan nhất tể triều đình. Đến lúc này, cha mới bảo tôi:

- Trong đạo hiếu, việc làm rạng rỡ tổ tiên, làm cho tên tuổi của dòng họ vang danh, lưu truyền sử sách, đó chính là đại hiếu. Lúc nào trong tâm khảm con cũng phải nhớ con dòng dõi họ Hồ. Việc đổi sang họ Lê chỉ nhất thời; người quân tử cũng phải biết chịu khuất thân, miễn chí lớn cuối cùng đạt được.

Cha tôi sáng mắt lên, rồi mơ màng kể cho tôi nghe về dòng dõi họ Hồ.

- Họ Hồ nhà ta chính dòng dõi Ngu Thuấn. Ông Hồ Công Mãn là con cháu Ngu Thuấn được phong ở đất Hồ cho nên lấy chữ Hồ làm họ; cụ Hồ Hưng Dật sang Giao Châu làm quan chính là hậu duệ của cụ Hồ Công Mãn...

Thế đấy! Tôi hiểu ý cha tôi muốn nhắc nhở rằng tôi chính là con cháu của các bậc vua chúa, mà lại là những ông vua vĩ đại lừng danh thiên hạ. Ôi chí lớn? Tôi cũng hiểu chính vì cái chí lớn đó mà cha tôi đã rất hài lòng khi tôi miệt mài đọc sách của trăm nhà, và khi tôi chăm chú theo hầu ông ngoại tôi để học lấy cái nghề y sư. Nhưng y sư đâu phải là điều cha tôi đã bằng lòng. Ông còn muốn tôi là đại y sư.

Còn nhớ một lần, khi tôi đã trưởng thành, cha ra một vế câu đối, bắt tôi đối lại:

- Quyền kỳ thạch, hữu thì vi vân vi vũ, dĩ nhuận sinh dân.

(Hòn đá bằng nắm tay này có lúc làm mây làm mưa để thấm nhuần cho dân.)

Tôi đối lại rằng:

- Giá tam thốn tiểu tùng, tha nhật tác đống tác lương dĩ phù xã tắc.

(Cây thông nhỏ ba tấc ấy, ngày sau làm rường làm cột để chống đỡ xã tắc.)

Ôi? Chỉ là một hòn đá nhỏ thôi mà cha tôi muốn làm mây làm mưa để tưới cho khắp muôn nhà. Qua câu đối ấy tôi hiểu rõ cái chí của cha tôi. Tôi cũng biết rằng từ đây họ Hồ chúng tôi bắt đầu phải đương đầu với bão tố. Chí càng lớn, bão tố càng lớn. Chí mà thành thì muôn đời có công; chí mà bại thì lưu tiếng xấu ngàn thu. Từ đó lòng tôi buồn vô hạn, lòng tôi giằng xé trăm điều. Nhưng biết sao được! Cùng một huyết thống, tức cùng chung một con thuyền; thoát ra một mình cũng chẳng được; số mệnh buộc chúng tôi đắm cùng chịu đắm, vinh cùng hưởng vinh. Nhưng gia đình chúng tôi còn nằm chung trong con thuyền của cả nước, liệu con thuyền gia tộc chúng tôi nếu bị đảo điên, thì con thuyền cả nước sẽ ra sao? Đó là vấn đề. Càng nghĩ, lòng tôi càng thêm buồn rầu, bối rối.

Lại nói đến nguồn gốc họ Hồ, không hiểu cha tôi có biết một huyền thoại lưu truyền trong dân gian không? Đó là câu chuyện tôi đọc được trong một cuốn sách không biết ai viết.

... Xưa ở phía tây thành Thăng Long có hòn núi đá nhỏ, phía đông gối lên cái hang dưới chân núi Lô Giang (sông Hồng), trong hang có con cáo chín đuôi (cửu vĩ hồ tinh), sống hơn ngàn năm, hóa thành yêu quái, có thể biến hóa vạn cách, thành người hoặc thành quỷ đi khắp dân gian.

... Con cáo chín đuôi biến thành người áo trắng nhập vào giữa đám dân Man, rồi dụ dỗ trai gái trốn vào hang núi. Người ta rất khổ sở.

... Long quân bèn dâng nước lên công phá hang cáo. Cáo chín đuôi bỏ chạy. Long quân đuổi theo, phá hang cáo bắt rồi nuốt ăn.

Nơi này trở thành một vũng sâu, nay gọi là Hồ xác cáo (Hồ Tây)... Đất ở đây cao ráo, dân làm nhà mà ở gọi là Hồ Thôn (làng Cáo).

Nếu câu chuyện kể đến đây chấm dứt, thì tôi cũng chỉ coi như một chuyện cổ tích trong dân gian, để khi nhàn rỗi, người ta đọc mua vui; khốn nỗi câu chuyện lại thêm đoạn kết:

Đời truyền Hồ tinh chín đuôi sinh được chín con. Long quân đã giết được Hồ tinh và tám con, còn một con chạy thoát về Diễn Châu. Hồ Quý Ly chính là con cháu của con Hồ này vậy.

Khi đọc xong cuốn sách, tôi đã định đưa cho cha tôi xem, nhưng sau nghĩ lại. Cha tôi là một người đa nghi, đa sát. Cuốn sách này không rõ ai viết, chắc hẳn người đó không ưa cha tôi, thậm chí chống đối cha tôi. Bùi Mộng Hoa chỉ viết “Thâm tai, Lê sư” (Thâm hiểm thay Lê Thái sư) trẻ con biến thành câu đồng dao đọc khắp kinh đô, mà Bùi Mộng Hoa phải trốn vào núi mai danh ẩn tích. Còn câu chuyện này lại vạch mặt chỉ tên cha tôi để chỉ trích; ắt hẳn cha sẽ sai người đi truy lùng, và chắc chắn một đợt khủng bố kẻ sĩ lại xảy ra; đó là điều tôi không muốn. Tôi đành đốt cuốn sách đó đi.

***

Năm mười sáu tuổi, tôi bước vào cuộc sống cung đình một cách tự nhiên. Thú thực, tôi rất háo hức, có thể nói căng hết óc ra để đón nhận, để nhìn những sự việc ào ạt xảy ra hàng ngày như những làn sóng ngầm dữ dội chảy dưới cái bề mặt có vẻ như lặng tờ của chốn triều môn. Tuy nhiên, tôi vẫn giữ được vẻ thản nhiên lặng lẽ. Đó là bản tính của tôi, ưu điểm của tôi; hay thực ra tôi chỉ là sản phẩm của đời sống quý tộc, nó bắt con người ta vừa phải dữ dội, vừa phải giả dối; cũng có thể vì tôi đọc quá nhiều sách, mà các bậc đại hiền xưa nay đều dạy ta phải tu thân dưỡng tính, lấy cái tĩnh trị cái động; cũng còn có thể vì tôi là con thái sư Hồ Quý Ly, mà ai ai cũng biết là con người thâm trầm.

Đầu năm mới, tôi vào chào lạy đức thượng hoàng Nghệ Tông. Ông vua già xem dung mạo tôi, hỏi han vài câu. Tôi chẳng nói một lời xuất chúng, chẳng hề có khẩu khí. Tôi chỉ lặng lẽ, khiêm nhường và thành thực. Chỉ có thế thôi, tôi chẳng giấu, mà cũng chẳng tự phô bày. Tôi nhìn ông vua già trắng bệch, lẩy bẩy; chỉ có đôi mắt vẫn sáng quắc tinh anh, chợt thấy thương cảm. Chỉ có thế thôi, tôi chẳng hề bộc lộ sự lân tình ấy với đức thượng hoàng. Ấy thế mà Nghệ Tông lại nói: “Ta cám ơn con.” Sử Văn Hoa có kể với ông tôi rằng Nghệ Hoàng sau đó nói với ông ta: “Giá mà ta có được một đứa con như nó.” Người cảm thấy sự lân tình trong ánh mắt của tôi chăng? Hay người thích một chàng trai lặng lẽ?

Mọi người đều ngạc nhiên vì cái phong thái ấy của tôi; nó ưu tư, nó cẩn trọng, điều mà người ta chỉ thấy ở những người từng trải, đứng tuổi. Nghĩa là tôi đã già trước tuổi? Sự thiệt thòi lớn? Tôi nhìn ra cung quanh, rồi lại tự ngắm mình. Cuộc sống triều đình hầu như lúc nào cũng trang nghiêm, lễ độ, nhiều lúc quá vui vẻ, thậm chí như hí hửng, nó làm tôi chán phè thở dài. Điều quan trọng nhất mà tôi nhận ra ở cái sân khấu quyền quý, hoa lệ này, đó là sự giành giật, sự vật lộn không khoan nhượng, nó thường hằng rộng khắp; một nụ cười, một vái chào, một khóe mắt cũng phải coi chừng. Sử sách cũng ghi chép điều đó. Sự tranh giành ấy cha tôi bảo là điều lành mạnh, ông bảo những người sinh ra nơi cửa quyền quý phải hiểu điều đó, ta đâu có thoát được số phận của mình, nên đón nhận nó bằng lòng cam chịu can đảm, để điều khiển nó.

Và cha tôi đã điều khiển được số phận của ông. Ông âm thầm làm chuyện đó từ mấy chục năm nay, chẳng ai biết ông làm tự lúc nào và bằng cách nào. Chỉ biết rằng đến lúc này trong tay cha tôi đã có hàng trăm người thủ túc thân tín như Nguyễn Cẩn, Vương Khả Tuân, Nguyễn Cảnh Chân, Phạm Cự Luận, Đỗ Tử Trừng... người làm quan to, người giữ chức vụ trọng yếu, người ở kinh đô, người ở các lộ, các phủ. Cho đến khi quan Tư đồ Trần Nguyên Đán rút lui về ở ẩn tại Côn Sơn, mọi người mới ngã ngửa ra. Tư đồ Trần Nguyên Đán là con người có danh vọng lại có thực tài nhất thời bấy giờ. Là tôn thất nhà Trần, lại đã từng có thời làm nhất tể triều đình, đã từng theo Nghệ Tông dẹp loạn Dương Nhật Lễ khôi phục nhà Trần đã một phen nghiêng ngả.

Quan thái bảo Trần Nguyên Hàng hỏi riêng ông:

- Đại tư đồ là người đã có công phục hưng nhà Trần lần thứ nhất. Sao đến lúc nguy nan này ông lại chịu bó tay?

Nguyên Đán im lặng không trả lời. Quan Thái bảo hăng hái:

- Bĩ mãi rồi đến thái. Cơ nghiệp nhà Trần nhất định phải khôi phục lại được.

Nguyên Đán thở dài.

- Vận nhà Trần ta làm sao có thể trường tồn không dứt. Tôi xem ra thế nước còn nhiều nghiêng ngả. Ông còn trẻ, tùy cơ mà định liệu.

Cha tôi vẫn thường cho người dò xét quan tư đồ ở Côn Sơn. Rồi ông Đán sai người mối manh để cha đem nàng quận chúa, con gái riêng của bà Huy Ninh mẹ kế của tôi, gả cho Mộng Dữ con trai Băng Hồ tướng công Trần Nguyên Đán. Cha tôi tổ chức lễ cưới cho quận chúa rất linh đình. Lúc đưa dâu về Côn Sơn, cha cho một đoàn thuyền treo đèn kết hoa theo sông Thiên Đức ra sông Lục Đầu, lên bến Vạn Kiếp, rồi từ đó một đoàn kiệu dài dằng dặc tưng bừng rước về Côn Sơn. Trên đường đi, cờ xí tưng bừng, đàn nhạc réo rắt. Đám cưới ấy tôi cũng đi dự. Dân chúng khắp vùng Thăng Long, Bắc Giang, Đông Triều nô nức đi xem đám cưới con quan Thái sư Quý Ly lấy con quan tư đồ Trần Nguyên Đán. Đích thần cha tôi dẫn bà chị quận chúa của tôi về nhà chồng. Quan tư đồ mở tiệc lớn ở Thanh Hư động, dưới những gốc thông già trăm tuổi. Cha tôi làm đám cưới to thế, thứ nhất để làm đẹp lòng bà Huy Ninh công chúa, thứ nhì để khoa trương thanh thế. Sau đám cưới ấy, người ta xì xào chê bai ông Đán; nhưng ông chỉ lặng im. Xong đám cưới bà quận chúa, tiếp theo đến đám cưới của tôi. Đám cưới bà quận chúa chỉ làm cho mọi người ngạc nhiên, đến đám cưới tôi lại làm cho mọi người bàng hoàng sửng sốt.

Một hôm, cha bảo:

- Anh Trừng, cha quyết định lấy vợ cho anh.

Về chuyện này, tôi biết cha đã có ý từ hơn một năm nay. Và ông vẫn để tâm kiếm vợ cho tôi.

Tôi hiểu cha phải cân nhắc kĩ lưỡng. Ở một thời điểm chính sự có thể gọi nước sôi lửa bỏng, trong một hoàn cảnh, vị thế như của cha tôi, thì bất cứ một chuyện gì cũng không thể tách rời khỏi những mưu toan chính trị được. Thế mà, khi nghe cha nói, tôi cũng phải ngạc nhiên.

- Cha đã cho người tâm phúc đi dò hỏi những gia đình tôn thất, đại thầu. Xuống Vạn Kiếp, xem đám cháu chắt cụ Trần Hưng Đạo cũng không ưng. Dòng nhà ấy bây giờ không như xưa. Gia đình Trần Nguyên Đán đã là thông gia với ta rồi. Cháu chắt cụ Trần Nhật Duật lại không có người làm đại thần. Ta đã tính tìm cho con một trong các cô công chúa. Có một công chúa con một bà phi, xinh đẹp nết na, nhưng ta cứ cân nhắc mãi. Bởi vì chuyện thông gia với đức Nghệ Hoàng đã có Thanh Ngẫu, em con hiện làm hoàng hậu. Và con cũng hiểu đấy, việc lấy vợ cho con không chỉ đơn thuần là việc lấy vợ...

- Dạ con hiểu...

- Vì thế... nên ta mới chọn quận chúa... Quỳnh Hoa...

- Thưa cha... quận chúa con quan Thái bảo?

- Đúng. Con quan Thái bảo Trần Nguyên Hàng.

- Thưa cha...

- Con sợ gì? - Cha tôi mỉm cười bí ẩn.

Vâng, chính đó là điều mọi người đều sửng sốt, cả tôi cũng vậy. Bởi vì khắp trong triều ai ai cũng biết cha tôi và quan Thái bảo Nguyên Hàng đối địch với nhau như nước với lửa. Ông là một tôn thất nhà Trần có tiếng khẳng khái, trung trực. Bất cứ cha tôi đưa ra một chính sách mới nào, ông cũng đều phản đối. Ví dụ như chính sách dùng tiền giấy thay tiền đồng, ông nói:

- Không phải mới mẻ. Đời nhà Đường, ở phương bắc người ta đã làm, nhưng lại phải bỏ. Vì sao? Giấy là một vật vô giá trị đem đổi lấy tài vật có giá trị, khác nào ăn cướp của người ta.

Hay đối với chính sách hạn nô, hạn điền, ông bảo:

- Không thể tùy tiện thay đổi chính sách của các bậc tiên đế. Chính sách lập điền trang thu góp kẻ lưu tán đã làm cho nước Đại Việt hùng mạnh, ba lần đánh tan giặc Nguyên tàn bạo.

Cha tôi mỉm cười, dò xét diễn biến trên nét mặt tôi:

- Con chắc đã biết mặt quận chúa Quỳnh Hoa?

- Con đã gặp hôm đám cưới đưa quận chúa nhà ta về Côn Sơn.

- Thế thì tốt. Con thấy đấy, Quỳnh Hoa rất xinh đẹp tính nết đoan trang, nhu thuận. Quan thái bảo cưng chiều lắm thuê thầy đồ về dạy con gái hơn chục năm nay. Sức học cô ta chẳng kém gì đám con trai tài giỏi. Quỳnh Hoa là con đầu của quan Thái bảo, năm nay đến tuổi trăng tròn.

- Dạ... Thưa cha...

- Sao con ngắt lời ta?... A... ta hiểu... chắc là con sợ... sợ quan thái bảo không đồng ý hả? - Cha tôi lại mỉm cười bí hiểm - Thì cũng phải thử xem sao... Chẳng gì ta cũng là bậc tôn quý nhất triều... ít ra, cũng thử xem thái độ của quan thái bảo đối đãi với ta ra sao... Hà! Ta muốn Quỳnh Hoa phải là con dâu của ta... Ta muốn quan thái bảo phải là thân gia của ta... Ông ta muốn thẳng thừng với ta ư? Thì ông cứ việc thẳng thừng... Ông ta muốn là kẻ trung trinh ư? Thì ông cứ việc là kẻ trung trinh. Ta đâu có muốn và đâu có thể cấm được ai... Chỉ có điều, nhất thiết ông ta phải là thân gia với ta...

Tôi đâu có thể chống lại ý muốn của cha tôi. Những đám cưới cung đình vốn thế. Vả lại, Quỳnh Hoa nức tiếng vừa đẹp người vừa đẹp nết. Đằng nào tôi cũng phải lấy vợ...

Phải nói tôi vừa ngạc nhiên, vừa khâm phục sự lựa chọn con dâu và thông gia của cha tôi. Và tôi nghĩ rằng điều này chắc làm quan thái bảo phải rơi vào tình thế lúng túng. Tôi không tin quan thái bảo từ chối, bởi vì cha tôi đã tính toán kín kẽ và cương quyết. Cha tôi nhờ chính đức thượng hoàng Nghệ tôn làm mối. Ông vua già cũng tán thành vì cho rằng đó là một ràng buộc đối với cha tôi. Hơn nữa, ông vua già cũng quý tôi. Ông hớn hở nói:

- Thật xứng đôi, đẹp lứa. Ta rất vui mừng hai họ lại một lần nữa kết thông gia.

Và đám cưới đã xảy ra, nhanh chóng không ai ngờ. Người ta tưởng đám cưới ắt phải được tổ chức linh đình, nhưng cha tôi tâu với đức Nghệ Hoàng:

- Vừa rồi, Hồng Châu lụt lội, dân đói. Thần xin được tổ chức đám cưới cho con trai lớn của thần thật kiệm ước. Xin đem năm ngàn thăng lúa dành cho việc cưới xin để phát chẩn cho dân gặp nạn.

Nghệ Hoàng đẹp lòng, lệnh mở kho, đem thêm một vạn thăng lúa nữa để phát chẩn cho dân đói.

Đám cưới trước đấy vài tháng của bà quận chúa, chị hờ của tôi (con riêng bà Huy Ninh) là một đám cưới nổi tiếng kinh thành, đám cưới xa hoa, tưng bừng, khoa trương hết mức. Còn đám cưới của tôi thì giản dị, kiệm ước như cha tôi nói, cũng được dân kinh thành ngợi khen. Tuy nhiên, nó đúng lễ và rất trang trọng; có ông vua già Nghệ Tông đứng ra chủ hôn, một vinh dự hiếm thấy ở triều đình. Đức Nghệ Hoàng tặng vợ chồng tôi một đôi ngọc bích.

Thủa còn nhỏ, tôi rất yêu súc vật. Ông ngoại bảo đó là tôi được thừa hưởng của mẹ tôi. Cha tôi không ưa tính đó. Tôi có một con mèo vàng lông xù và một con chó trắng giống miền núi, cao to như một con bê. Năm Tân Hợi. (1371) Chế Bồng Nga đem quân theo đường sông vào đánh Thăng Long lần thứ nhất. Lúc đó tôi khoảng hơn mười tuổi phải theo Nghệ Hoàng và triều đình bỏ kinh thành chạy sang làng Cổ Pháp và xứ Bắc lánh nạn. Con mèo vàng và con chó trắng của tôi đã bị người ta chặt đầu. Tôi trở về và đã nhỏ nước mắt thương tiếc hai con vật. Đối với một đứa trẻ, khóc thương một con vật cũng là lẽ thường tình, nhưng điều đó lại làm cha tôi nổi giận. Và cha đã mất rất nhiều thời gian để giảng giải cho tôi về đạo của người quân tử, trong đó có điểm nhỏ nhưng quan trọng là dưỡng tính. Nét mặt của người quân tử không bao giờ biến đổi, trước các lỗi lầm sai trái cũng không được tỏ ra tức giận, trước các mất mát đau thương cũng không được mủi lòng; phải tập từ lúc còn bé, trước phải tập nín nhịn ở nét mặt, sau phải tập nín nhìn ở trong lòng.

Tôi không cho là phải nhưng cũng tập làm như lời cha dạy. Rồi mãi cũng trở thành thói quen. Tuy nhiên, tôi trở nên buồn. Phải chăng nỗi buồn đó là sự phản ứng trong tôi? Nỗi buồn đó càng trở nên sâu đậm vì những diễn biến chung quanh; loạn lạc liên miên nhen lên những đám cháy ở kinh thành, phải chăng những đám cháy ấy cũng có ánh lửa trong tôi? Điều rõ ràng dễ thấy là từ những đám cháy ấy, triều đình cũng bị chia rẽ thành hai phe: phe Tông thất nhà Trần và phe của cha tôi. Và hậu quả tất nhiên là những sự lôi kéo. Trong đám cưới của tôi, tôi hiểu rằng tôi là một con mồi mà cha tôi quăng ra giữa dòng nước, họ nhà Trần như một con cá lớn đớp lấy tôi, và cha tôi cầm chiếc cần câu. Tôi là kẻ đứng giữa, và hai bên cùng co kéo. Tin tưởng ở tiếng gọi huyết thống, cha tôi chắc chắn tôi sẽ là của ông. Còn họ Trần, có lẽ người ta tin vào tiếng gọi của lòng trung quân. Tôi là người có học, hơn nữa tôi luôn sầu lặng. Sự sầu lặng ấy phải chăng là sự suy tư, sự hối hận, là bước đi chuệnh choạng của một linh hồn và đang nghiêng ngả.

Sau lễ cưới, đêm động phòng, tôi nắm lấy tay Quỳnh Hoa, nhìn vào khuôn mặt kiều diễm của nàng và bảo:

- Nàng ơi! Ta với nàng, chúng mình cùng nhau họp làm một phái nhé.

Quỳnh Hoa ngơ ngác, không hiểu ý tôi, nàng đăm đăm nhìn vào mắt tôi, chợt đôi mắt nàng lóe sáng, môi nàng cười mỉm và khẽ khàng bảo:

- Vâng.

Hãy để lại chút cảm nghĩ khi đọc xong truyện để tác giả và nhóm dịch có động lực hơn bạn nhé <3

Sách giảm giá tới 50%: Xem ngay