Khoảng lặng đêm Hà Nội
Tháng 11 về, trời bắt đầu lạnh dần. Mình nhớ nhà quay quắt! Mùa đông thứ 4 xa quê, xa bố mẹ và đón cái rét đầu đông Hà Nội. Mười tám tuổi, mình cầm giấy đỗ Đại học trên tay, mếu máo lên ô tô xuôi Hà Nội. Mẹ khóc vì lo, vì biết sẽ nhớ. Bố ở trong nhà ho thành tiếng, nghẹn lòng.
Những đêm đầu tiên ở Hà Nội, cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ lẫm. Nhớ nhà nên tối nào cũng khóc. Xa nhà, lần đầu tiên được cầm nhiều tiền như thế, nào tiền học, tiền nhà trọ, tiền mua đồ đạc “ở riêng”. Tám người một phòng kí túc, mỗi người một giường, lạ lẫm và hầu như mấy đêm đầu đứa nào cũng khóc. Lần đầu tiên xa nhà, con bé mười tám tuổi mới thấy thế nào là nhớ nhà, nhớ những buổi cùng mẹ đi làm đồng, làm cỏ ngô, cỏ lúa; nhớ con đường quê mình ram ráp sỏi cứa vào gan bàn chân mỗi buổi chiều đi chăn bò cùng lũ bạn; nhớ tiếng ho hàng đêm của bố; nhớ em… Tự hứa phải cố gắng mạnh mẽ, cố gắng hơn nữa để về khoe những thành tích khi xa nhà với bố mẹ. Hà Nội đã dạy cho mình nỗi nhớ và lòng quyết tâm từ đó.
Năm mình mười chín tuổi, trưởng thành hơn, là sinh viên năm hai rồi mà. Một năm ở Hà Nội, một năm xa nhà đã cho bước chân mình cứng cáp hơn. Kí túc vẫn một phòng tám người. Hàng tháng, mẹ vẫn gửi gạo và tiền theo ô tô khách xuống đều. Mỗi lần mẹ đều gửi một lá thư. Mình thấy hạnh phúc, từ năm nhất đến giờ, thi thoảng lại được nhận thư của mẹ. Mỗi lá thư là những lời dặn dò, động viên, an ủi. Đọc xong mình gấp lại cẩn thận cất tận trong chiếc hòm nhôm cuối giường. Quý lắm. Mỗi lần về quê rồi lên Hà Nội học mẹ đều tiễn ra bến xe. Nhà cách bến xe gần hai cây số. Mẹ đèo mình trên chiếc xe đạp cũ, chiếc xe đạp mua từ ngày bố cưới mẹ, bên mẹ mình trở nên bé bỏng nhường nào. Vẫn là những ngày tháng nhớ nhà nhưng chưa cảm nhận hết sự khó khăn chồng chất lên vai bố mẹ từ ngày mình đi học.
Trời lạnh là bố lại lên cơn ho kéo dài. Chiếc răng sâu của mẹ thi thoảng lại đau. Em trai, buổi đi học buổi về nhà chăn bò giúp mẹ. Mình về, miệng mẹ đau không ăn được, cái nắng trung du làm da mẹ sạm lại, đôi chân nứt nẻ vì lội bùn. Đêm về là tiếng ho của bố, thắt lại. Mình bảo, sao bố không đi chữa cho khỏi hẳn đi, cả mẹ nữa, bố bảo mẹ đi nhổ răng sâu đi, hay chữa đi cho khỏi đau. Bố ừ rồi im lặng. Mình biết, bố mẹ dành dụm tiền để cho mình đi học. Chẳng dám ăn ngon, chẳng dám sắm đồ mới. Tết, mình ngồi bếp khóc. Cái nhà như túp lều, lợp bằng lá cọ, trời mưa dột tứ tung. Nghĩ, chỉ vì mình mà bố mẹ vất vả, khổ cực, mẹ làm quần quật và gầy đi trông thấy, hay là mình nghỉ học đi làm như mấy đứa bạn cùng quê, bố mẹ sẽ đỡ khổ hơn. Nói với bố mẹ, mẹ khóc, bố quát lên giận dữ. Bố nói, con học được thì phải học, không được bỏ, dù phải bán nhà cho con đi học bố mẹ cũng bán. Hai đứa, đứa nào bỏ học thì đừng bước chân về cái nhà này nữa. Mình im lặng xuống bếp. Đêm ấy, tiếng ho của bố cộc cằn hơn. Mình thương bố mẹ, thương em. Hai mươi tuổi, lớn, đã lớn rồi mà. Mình sẽ phải cố gắng vì tiếng ho của bố, vì chiếc răng sâu của mẹ, vì em, vì mình.
Mình sẽ cố gắng! (Ảnh minh họa: nguồn internet) |
Lên trường, buổi sáng đến lớp, buổi chiều mình đạp xe đi hỏi việc làm thêm, rồi mình được nhận giúp việc cho quán cơm ở Huỳnh Thúc Kháng. Đi học về 12 giờ, mình đến chỗ làm thêm, chạy bàn phục vụ bữa trưa, 2h ăn cơm trưa và rửa bát, lau bàn, gấp giấy, chuẩn bị bữa tối, đến 8h tối mình nghỉ và về nhà học. Ngày nào cũng thế, một tháng, hai tháng, ba tháng… mỗi tháng được bảy trăm nghìn. Mình thôi xin tiền bố mẹ, cố gắng tiết kiệm hơn. Mẹ bảo, đừng cố gắng quá kẻo ốm, cũng đừng tiết kiệm quá, bố mẹ ở quê có gì ăn nấy nhưng con đi ra ngoài phải ăn uống cho tử tế kẻo ốm không ai chăm sóc cho, tội lắm. Mình vâng lời. Cố gắng học, cố gắng làm, thương quê mình nghèo quá. Có những khi sơ ý, đánh vỡ chén hoặc va phải khách hàng làm rơi khay đồ, bị mắng, những dòng nước mắt cứ trực rơi, lại ngưng lại, nuốt vào trong. Tự nhủ phải cố gắng. Đồng tiền là sự đánh đổi của mồ hôi và nước mắt. Hai mươi tuổi, Hà Nội cho mình nghị lực vượt qua khó khăn và những vấp váp đầu đời.
Năm ba, rồi năm tư vẫn đi làm thêm nhưng chỉ đi gia sư, thêm vào đó là viết báo. Chủ nhật, mình tham gia cùng một nhóm tình nguyện mang tên Lá Me Xanh xuống nấu cháo và phát cháo miễn phí cho các bệnh nhi ở Bệnh Viện Ung Bướu K2, Tam Hiệp, Thanh Trì. Một lần nữa, mình đã nhận ra những điều từ lâu chưa hiểu hết, rằng rất nhiều người còn khó khăn hơn mình. Hình ảnh các bé vật vã với những cơn sốt nóng, sốt lạnh, với những dây truyền nhằng nhịt khi lên cơn đau, thế nhưng khi hết cơn đau, các bé lại cười nói hồn nhiên, khiến mình nhận ra xung quanh mình còn rất nhiều người khó khăn gấp nhiều lần mình nữa. Có những khi mình buồn hoặc chán nản về việc gì, mình lại nghĩ đến các bé dưới Bệnh Viện Ung Bướu K2. Các bé từng ngày đấu tranh với bệnh tật, với những cơn đau vậy mà bố mẹ các bé vẫn cười, vẫn cố gắng để nuôi những tia hy vọng cuối cùng. Vậy mình tại sao lại bị những khó khăn vặt vãnh đời thường làm nhụt chí. Rồi bằng ngòi bút của mình, mình viết bài kêu gọi tài trợ những trường hợp khó khăn nhất dưới Bệnh Viện Ung Bướu K2 để đăng báo như trường hợp bé Đào Khánh Vân ở Phú Xuyên- Hà Nội bị ung thư võng mạc và mồ côi bố mẹ. Rồi viết về bé Lò Thị Bui- dân tộc Thái ở Thuận Châu, Sơn La bị ung thư phần mềm mắt… Những bài báo của mình đăng lên nhận được sự phản hồi rất lớn của độc giả giúp đỡ các bé. Mình vui lắm. Vui vì mình đã làm được việc nhỏ có ý nghĩa.
Mình kể cho mẹ nghe về những buổi mình đi tình nguyện dưới Bệnh Viện Ung Bướu cơ sở 2 Tam Hiệp- Thanh Trì, về những bệnh nhi bị ung thư, về những ngày chủ nhật mình cùng các bạn nấu nồi cháo tình nguyện phát miễn phí cho các bé ở K2. Mang cho mẹ cuốn báo biếu có bài của mình, niềm vui nhân đôi trên khóe mắt của mẹ, của bố. Nhà vẫn nghèo, vẫn những nỗi lo chồng chất. Mình đã trưởng thành hơn, mạnh mẽ hơn, không còn khóc nhè hàng đêm vì nhớ nhà như năm đầu nữa. Cũng chẳng dễ mủi lòng rơi nước mắt khi gặp khó khăn. Tết về, cũng vẫn ngồi bếp nhưng không phải ngồi một mình khóc mà ngồi sưởi ấm với bố mẹ, với em, nghe kể chuyện ngày xưa của bố mẹ. Mình nhận ra hạnh phúc là những gì bình dị nhất ở xung quanh mình, hạnh phúc sẽ đến với những ai biết cố gắng, nỗ lực.
Một cái Tết nữa sắp về, năm nay mình sẽ tốt nghiệp, sẽ trở thành một người viết báo, sẽ trưởng thành hơn, sẽ cố gắng vươn lên để niềm vui được tròn, được đầy, được nhìn thấy ánh mắt và nụ cười rạng rỡ trên khuôn mặt bố mẹ. Mình thầm cảm ơn bố mẹ đã sinh ra mình và luôn bên mình, cảm ơn Hà Nội đã cho mình những trải nghiệm, những bước đi đầu tiên của tuổi hai mươi đẹp đẽ. Cảm ơn Hà Nội, cảm ơn những năm tháng đầu của tuổi hai mươi đã cho mình những bài học về niềm tin, tình yêu thương và giúp mình đi những bước đi ngày càng vững hơn, trưởng thành hơn để ngày mai mình bước tiếp.
Hà Nội, 15.11.2010
Bài dự thi: Dấu ấn tuổi 20
Trích ngang tác giả:
Họ và tên: Cao Thị Hồng Cảnh
Ngày sinh: 06/08/1988
Địa chỉ: Khu 8, xã Hương Nha, huyện Tam Nông, tỉnh Phú Thọ