20 tuổi, sống không bao giờ hết nợ!
20 tuổi, cái tuổi ý thức được mình đã và đang có những gì? Tôi nhìn lại bộ quần áo trên người và chợt nôn nao khi chợt thấy những cô cậu đánh giày, bán báo trên phố phong phanh trong màu áo đã sờn, cũ rách…
Tôi cũng từng bước qua cái thời ấy, nhưng tôi có tuổi thơ bằng phẳng, êm đềm, được bao bọc bởi tình yêu thương của ba mẹ. Có bao giờ tôi phải lo lắng tiền bạc, phải tự chạy vạy từng bữa ăn như họ đâu? Và tôi hiểu ra rằng những cô cậu kia cần những tấm áo lành hơn, ấm hơn như tôi đang có khi mùa đông đang đến gần. Chỉ như vậy thôi cũng đủ để tôi thấy mình may mắn hơn biết bao người trên đời rồi.
Trong khi tôi được cắp sách đến trường, còn những bạn kia lại đang phải trèo leo trên giàn giáo cao chót vót. Đó là lúc tôi hiểu mình đang hạnh phúc. Ai cũng phải bước qua cái tuổi 20 mộng mơ, hoài bão. Nhưng không phải ai cũng may mắn như ai, bởi “mỗi cây mỗi hoa, mỗi nhà mỗi cảnh”. Tôi đã và đang nhận từ cuộc đời rất nhiều thứ, đó là tình yêu thương của ba mẹ, được theo đuổi ước mơ, được nuôi hy vọng, được tự mình xây dựng tương lai, được khẳng định mình… Những điều giản dị mà tôi chẳng mảy may để ý.
Tôi chập chững bước vào cái tuổi 20 với bao ngây ngô, bồng bột. Ngưỡng cửa vào đời của tôi là một cậu sinh viên trường Đại học Kiến trúc. Rồi mai đây khi ra trường, tôi sẽ được chắp bút vẽ nên những bản thiết kế. Nhưng tuổi 20 của tôi đã có những xáo trộn đáng kể bằng chính nông nổi đầu đời.
Giảng đường là cái nơi mà không ít người mong ước được ngồi nhưng tôi lại vẩy mực lên màu áo trắng học trò. Tôi ham chơi hơn học, cứ điểm danh xong là bùng tiết. Những niềm vui tầm thường, phù phiếm mời gọi khiến tôi gần như ngu muội. Những đêm chơi bời thâu đêm suốt sáng cứ hấp dẫn tôi. Tôi uống rượu để thể hiện đẳng cấp, chơi Game online để là người số 1, lao vào yêu đương nhăng nhít để là người “vô đối”.
Tôi 20, được ăn ngon mặc đẹp, không nghĩ đến những nỗi lo cơm áo gạo tiền của ba mẹ. Bấy lâu nay tôi thờ ơ với hình ảnh những bác, những chú, những cô bằng tuổi ba mẹ mình còn đang phải còng lưng làm việc nơi công trường, hay phải vạ vật nơi ngõ hẻm đường phố để chờ người thuê mướn. Trong khi cả thành phố đã chìm vào giấc ngủ thì vẫn còn những tiếng rao đêm vang lên, là cô bán bánh bao, bán xôi đấy.
Tôi cũng chẳng biết những hôm trời mưa, trong khi mình được ngồi trong nhà, thì ở quê, ba mẹ đang phải còng lưng ngoài đồng để lo kiếm tiền nuôi tôi ăn học đấy. Tôi là một người trẻ cơ mà? Đã là người trẻ thì phải sống có ích chứ? Nhưng tôi đã làm được gì hay chỉ biết đòi hỏi từ người khác?
Có hôm lướt web, tôi thấy xấu hổ khi đọc được thông tin anh Nguyễn Sơn Lâm đã vượt qua nỗi đau da cam, có 2 bằng đại học (Khoa tiếng Anh trường Đại học Hà Nội và khoa tiếng Nhật trường Đại học Phương Đông). Anh ấy đã phải chịu hậu quả từ chất độc dioxin từ chiến tranh để lại mà vẫn có chí khi nói: “Tôi không muốn là người về nhì”.
Hàng ngày tôi bắt gặp dáng gầy của cụ già ngoài 80 tuổi cọc cạch với chiếc xe đạp cũ đi bán chuối rong ruổi trên đường phố Hà Nội. Cái tuổi ấy lẽ ra đã được nghỉ ngơi, an dưỡng tuổi già vậy mà cụ vẫn lao động vì tình yêu nghề. Còn tôi, cái tuổi 20 hồn nhiên đã bỏ phí vào những trò chơi vô bổ, chẳng phải “tóc xanh” thua “tóc bạc” sao?
Miền Trung mấy tháng nay gặp lũ dữ. Có những cánh tay trẻ thơ giơ lên mái nhà để xin được cứu trợ. Hình ảnh xúc động ấy là có thật, vẫn diễn ra ở đâu đó chứ chẳng phải xa xôi. Những em bé ấy đang phải chống chọi với cơn đói, với tính mạng đấy. Sau khi lũ qua đi, chúng phải bới trong đất cát để tìm sách vở, tìm kiếm con chữ, tìm kiếm tương lai đấy. Còn tôi, 20 tuổi, sinh viên năm thứ 2, tôi cho rằng thi trượt thì thi lại, nếu thi không qua thì học lại với suy nghĩ: “Không thi lại không phải là sinh viên”.
Ngày còn ở quê, tôi từng chứng kiến cậu bé hàng xóm bị mắc bệnh đao đã gặp khó khăn như thế nào để tự ăn uống và sinh hoạt, để hòa nhập được với cộng đồng. Nhưng cậu bé ấy vẫn vui vẻ, vẫn ngày ngày đưa đôi tay khó nhọc giở từng trang sách. Chao ôi, cậu bé ấy có mơ ước trở thành thầy giáo đấy. Nhìn người ta lại ngẫm đến mình, mơ ước của tôi đâu rồi? Hay thời gian tôi dành cả cho những trò chơi điện tử, những trò bạo lực trên Game online, cho những cuộc chơi thâu đêm suốt sáng?
Rồi một hôm qua bến xe bus, tôi thấy hai cậu sinh viên nằm vạ vật ở ngay bến chờ. Thì ra cái tuổi 20 tôi cũng từng say rượu, nằm vạ vật như thế. Tôi như thức giấc sau cơn say. Nhưng qua rồi, tôi đã “mua” cho mình những giây phút bình yên để nhìn lại quá khứ và thầm cười: “Mình sẽ sống khác, sống tốt để tuổi 20 không còn phí hoài nữa”.
Lần đầu tiên tôi biết nghĩ cho người khác, biết dành dụm những cái áo, cái quần của mình để gửi vào miền Trung ủng hộ đồng bào gặp lũ. Bài học tôi đã nhận ra từ cuộc đời, từ những điều dung dị nhất là như thế.
Mỗi một người có một hoàn cảnh khác nhau. Sự cám dỗ từ đồng tiền, từ những cuộc ăn chơi phù phiếm có thể làm lu mờ tất cả nhưng một thứ không thể đánh mất là niềm tin, là ước mơ.
Cái cho đi là giữ lại riêng mình, cho đi một nụ cười sẽ nhận được những nụ cười khác. 20 tuổi, tôi tự thấy nợ mình, nợ ba mẹ, nợ cuộc đời rất nhiều thứ. Phải chăng sống không bao giờ hết nợ?
Bài dự thi Dấu ấn tuổi 20
Trích ngang tác giả:
Họ và tên: Hàn Trọng Thức
Lớp 07-QL, trường Đại học Kiến trúc Hà Nội