Chuyện cũ của Lịch Xuyên - Chương 20
Chương 20
Bắt đầu từ ngày Lịch Xuyên chia tay tôi, một tuần tôi gửi cho anh ít nhất hai email, chưa bao giờ nhận được hồi âm nào. Một ngày sau khi anh đi, tôi từng gọi điện thoại cho anh một lần trong tuyệt vọng, lại được báo là thuê bao không tồn tại. Tôi gọi điện thoại tìm Kỷ Hoàn, Kỷ Hoàn hoàn toàn không biết gì về việc này cả. Anh ta gọi điện hỏi công ty Lịch Xuyên giúp tôi, nhận được câu trả lời là, Lịch Xuyên bị khẩn cấp triệu hồi về tổng bộ CGP ở châu Âu, những bản vẽ anh đang thực hiện sẽ được hoàn thành ở châu Âu. Cho nên, anh vẫn là Kiến trúc sư trưởng của CGP, tuy rằng nói cho cùng đó cũng chỉ là trên danh nghĩa mà thôi. CGP cần danh tiếng của anh để làm ăn.
Kỷ Hoàn nói, vì Lịch Xuyên chưa bao giờ nói gì về gia đình mình, những kiến thức của anh ta về Lịch Xuyên chủ yếu là từ vài câu giới thiệu đơn giản trên trang chủ của CGP. Không hơn những tin tức tôi kiếm được trên GOOGLE là bao nhiêu. Vương Lịch Xuyên, kiến trúc sư trẻ tuổi nổi tiếng. Sinh ở Zurich Thụy Sĩ, năm XXXX tốt nghiệp khoa Kiến trúc đại học Harvard, từng đạt được những giải thưởng sau : năm XXXX đại được giải Nhất Kiến trúc sư trẻ Thụy Sĩ, năm XXXX đạt được giải Vàng giải P/A của Mỹ, năm XXXX đạt giải AS – 4 của Pháp. Tác phẩm tiêu biểu : Sân vận động thành phố C, Viện bảo tàng tỉnh M, Sân bóng thành phố S, các khu nghỉ dưỡng, trung tâm công nghiệp, Phòng hòa nhạc, Trung tâm triễn lãm v..v
Những dòng lý lịch lóng lánh này, không phải Lịch Xuyên mà tôi biết. Lịch Xuyên mà tôi biết, là người đưa tôi về nhà lúc đêm khuya, người đi mua vé tàu lửa với tôi, người vì bị bố tôi mắng mà nổi bọc đầy người. Lịch Xuyên che chở tôi ở mọi nơi, không hề kiêu ngạo. Còn nữa, Lịch Xuyên sẽ chống gậy đi dạo với tôi, đi xa, sẽ kêu mệt; lúc bị bệnh không dậy được, nửa đêm sẽ nài nỉ tôi đi rót sữa hộ anh. Có một tối tôi viết một bài luận, viết một nửa thì hết ý, đau khổ uống cà phê, không ngờ anh lại hỏi tôi, có muốn anh “phục vụ tính” hay không. Chúng tôi làm tình thật lãng mạn, sau đó, tôi nổi tiếng trống tinh thần hăng hái, viết tới rạng sáng, luận văn được điểm cao nhất.
Ngày đó, Lịch Xuyên chia tay tôi ở bãi đậu xe, chỉ cần 5 phút. Tôi từ Long Trạch trở về, đã qua ngàn năm.
Tôi đờ đẫn ủ rũ về phòng ngủ, ở cửa gặp Tu Nhạc. Hai ngày sau, khắp ký túc xá truyền đi tin tức tôi và Lịch Xuyên chia tay. Tu Nhạc tìm tôi, hỏi tôi, không còn ánh trăng nữa, có muốn đồng 6 xu nữa hay không.
Tôi kiên quyết lắc đầu với anh ta.
Trong vòng hai năm tôi chẳng quan tâm gì, điên cuồng học, chọn môn. Tới học kỳ cuối năm 3, tôi đột nhiên phát hiện tôi đã học hết tất cả các môn rồi. Tôi hỏi giáo viên phụ đạo nên làm gì bây giờ. Thầy nói, sao tôi không học lên cao học? Thầy đề cử tôi với Giáo sư Phùng Giới Lương, bố của Phùng Tĩnh Nhi, Giáo sư giỏi nhất khoa tiếng Anh, chuyên gia Lawrence. Năm đó nếu không phải trường tôi là nơi vợ ông đau khổ làm luận văn, thì ông đã bị Bắc Đại bắt cóc đi hồi nào rồi. Tôi đã từng học môn “Văn học Anh hiện đại” của ông. Ông rất thích tôi, cho tôi điểm cao nhất. Vì vậy tôi tới văn phòng tìm ông, hỏi ông chuyện học lên cao học. Ông vỗ vỗ đầu tôi nói : “Đừng thi. Tiếng Anh của em giỏi lắm rồi, chắc chắn là em không muốn học chính trị. Để thầy bớt cho em cửa này đi.” tôi thu được thư thông báo rất nhanh, vì thành tích xuất sắc, tôi được chuyển thẳng lên học cao học v..v
Học cao học không cần nộp học phí, tuy nhiên, trợ cấp mỗi tháng chỉ có 225 tệ. Mặc dù có học bổng, tôi vẫn phải đi làm thêm. Bố tôi không gửi tiền cho tôi nữa. Vì sau khi em trai tôi tranh chấp với ông, đã thi vào khoa Lâm sàng đại học Y khoa Trung Sơn. Học phí mắc gấp đôi của tôi, về mặt kinh tế bố tôi càng ngày càng giống trứng chọi đá. Tiểu Đông học hành rất vất vả, học xong cũng giống tôi, đi làm thêm khắp nơi, kiếm tiền học, kiếm tiền sinh hoạt. Một tháng bố tôi gửi cho nó 100 tệ, chắc chắn không đủ. Tôi ăn ít lại, tính mỗi tháng gửi cho nó 300 tệ, bị nó gửi trả lại. Lúc nghỉ đông tôi đi Quảng Châu thăm nó, thằng nhóc này vừa đen vừa vạm vỡ, đạp xe đạp đi gửi hoa cho cửa hàng bán hoa. Tôi thấy đau lòng, ép nó lấy 2000 tệ. Nhưng sau hôm tôi về lại Bắc Kinh, lại nhận được tiền Tiểu Đông gửi lại, 2000 tệ, không ít hơn một xu. “Chị, em đủ tiền xài, chị giữ lại xài đi.”
Mỗi ngày trôi qua thật sự đơn điệu. Buổi sáng 5 giờ dậy học từ, ngoại trừ đi học, đi làm thì đi thư viện. Mỗi thứ hai, tôi đều hạ quyết tâm không gửi thư cho Lịch Xuyên nữa. Tới cuối tuần, tôi lại chứng nào tật nấy, nhịn không được ra tiệm internet xem hộp thư. Nhìn thấy con số 0 kia, tôi lại bị kích thích, nhịn không được lại viết một lá thư nữa. Hai năm đầu, ở trong thư tôi còn hỏi anh, anh khỏe không? Anh đang làm gì? Dần dần, trong thư tôi chỉ viết về mình, có đôi khi là nói về việc học tập, ví dụ như : “Học kỳ này em chọn bốn môn, phương pháp đọc, nói, sáng tác, Shakespeare. Đến khi viết luận văn lý luận em được điểm cao nhất. Em phát biểu trong lớp, nói phu nhân Chatterley không thể ngược đãi Clifford như vậy được. Làm thầy giận chết đi được.” có đôi khi là báo cáo đọc sách, ví dụ như : “Hôm nay em đi thư viện mượn một quyển sách vô cùng thâm thúy, “Hoa sen kinh”. Em mất một tuần để đọc xong, đọc xong ngẫm lại, mới thấy mình chả nhớ được câu nào. Có đôi khi là ẩm thực và thời tiết : “Khí trời Bắc Kinh năm nay ghê thật, em mua một chiếc khăn quàng cổ thật tọ.” “Còn nhớ rừng uyên ương ở trường em không? Bây giờ rừng đang được sửa lại, thêm một cái hồ, bên cạnh mở một nhà ăn, thịt nướng ở trong đó ăn rất ngon.”
Tôi cảm thấy, không phải tôi đang viết thư, mà là đang gieo một bụi cỏ mùa xuân vào hộp thư vậy.
Tình cảm đúng là nỗi hận xa cách, càng xa cách thì càng bùng cháy.
(Xuân thảo – cỏ xuân trong từ điển còn có nghĩa bóng là tình dục @@).
Trong vòng ba năm, vì học tập, tôi rất ít khi về nhà. Chỉ vào dịp Tết, tôi mới về vài ngày. Tôi và bố tôi giận nhau khoảng một năm, cuối cùng tôi nói cho ông chuyện tôi và Lịch Xuyên chia tay. Bố tôi nghe xong, không nói chuyện nửa ngày, cuối cùng hỏi tôi, vậy con, có thấy khổ sở không? Tôi nói, đã trôi qua rồi. Vừa vặn mượn cơn gió đông này, biến đau thương thành động lực, mỗi năm đạt được học bổng.
Ngay mùa hè tôi vừa lên cao học kia, trường học còn chưa cho nghỉ, thì tôi nhận được điện thoại của Tiểu Đông : “Chị, về thăm bố đi. Bệnh tình của bố nguy kịch lắm rồi.”
Bố tôi bị bênh phình cơ tim. Đưa tới bệnh viện thị trấn, đồng nghiệp ở trường không biết rõ bệnh tình của bố tôi, nghĩ Tiểu Đông học y, cho nên gọi điện thoại cho nó trước. Thật ra Tiểu Đông mới là sinh viên y năm nhất, ngoại trừ sốt ruột ra thì không biết làm gì hết. Bố tôi té xỉu trong phòng học, ngay ngày đưa tới bệnh viện liền nhận được thông báo bệnh tình nguy kịch. Sau vài ngày, ông vẫn dựa vào thuốc để duy trì sinh mệnh. Vài ngày đầu tiên, trường học còn đưa chi phiếu, dần dần, họ phái người tới giải thích với Tiểu Đông, trường học không thể gánh vác chi phí chữa bệnh của bố tôi. Bác sĩ chính của bố tôi nói, loại bệnh này, hy vọng rất nhỏ, ngoại trừ thay tim ra, về cơ bản là bó tay.
Tôi hỏi Tiểu Đông, chi phí thay tim là bao nhiêu.
“Tiền phẫu thuật 20 vạn. Nguy cơ lúc phẫu thuật là rất lớn. Cho dù thành công, mỗi tháng còn phải tốn vài nghìn tiền thuốc chống đào thải.” Tiểu Đông buồn bã nói.
“Bố…có thể nói chuyện không?” ngay lúc như thế này, ngay cả khóc là gì tôi cũng quên.
“Bố có tỉnh lại một lần,” Tiểu Đông nói “Em không nói tình hình thực tế cho bố. Bố vẫn thấy tức ngực, hoảng hốt, thở không được, bố gần như đã đoán được tình hình mình không tốt, nói muốn gặp chị.”
“Tiểu Đông, em đi điều tra cho chị xem chuyên gia phẫu thuật thay tim tốt nhất Trung Quốc là ai ngay lập tức, chị đi kiếm tiền làm phẫu thuật thay tim cho bố.” tôi gác điện thoại, đi thẳng tới Hoa viên Long Trạch, chỗ của Lịch Xuyên.
Trong tay tôi, vẫn giữ chìa khóa của căn hộ đó.
Mở cửa phòng ra, mọi thứ đều như trước, không nhiễm một hạt bụi. Phí quản lý căn hộ vô cùng cao, cho nên ngày nào cũng có người tới quét dọn, tất cả vật dụng, đều giữ nguyên như lúc Lịch Xuyên đi. Nỗi lo lắng tràn đầy tim tôi, không kịp bi thương, không kịp nhớ lại.
Tôi tìm được lá thư kia trên bàn trà, dùng điện thoại gọi cho số máy kia. Điện thoại vang hai tiếng, truyền tới giọng của một người đàn ông : “Alo. Văn phòng luật sư Trần Đông Thôn.”
“Tôi tìm luật sư Trần Đông Thôn.”
“Tôi đây.”
“Xin chào. Tôi họ Tạ, Tạ Tiểu Thu.”
“À, Tạ tiểu thư. Đã lâu không liên lạc,” không ngờ ông ta còn nhớ rõ tôi, “Tìm tôi có việc?”
“Tôi cần tiền.” tôi nói gọn gàng dứt khoát.
“Cô có thể tới văn phòng của tôi một chuyến không? Về chuyện tiền bạc, nói trong điện thoại không tiện lắm.”
“Xin hỏi văn phòng luật sư ở đâu?”
“Chắc cô biết Hoa viên Long Trạch rồi? Văn phòng của tôi ở tầng 2, số 204.”
Tôi thở dài nhẹ nhõm một hơi, đúng là rất tiện, không ngờ ở ngay tầng dưới. Tôi xuống tầng dưới, tìm được văn phòng kia, một người đàn ông trung niên hói đầu ra đón tôi, mời tôi vào văn phòng của ông ta. Hiển nhiên kinh nghiêm làm việc của ông ta rất cao thâm, vị trí của Hoa viên Long Trạch rất đẹp, tiền thuê rất mắc, mở văn phòng ở đây tốn không ít.
“Tạ tiểu thư, tôi cần xem một số giấy tờ chứng minh của cô, để chứng minh thân phận.” Ông ta là người Bắc Kinh, hình như tốt nghiệp Học viện Ngôn Ngữ, nói giọng phổ thông rất chuẩn.
Tôi đưa cho ông ta chứng minh thư và thẻ sinh viên của tôi. Ông ta gật gật đầu, tới két sắt cạnh đó lấy một chiếc hộp gỗ ra. Sau đó, ông ta lấy một quyển chi phiếu từ trong đó ra, hỏi : “Tạ tiểu thư cần bao nhiêu tiền?”
“Ông có thể cho được bao nhiêu?” lòng tôi đầy lo âu.
“Tùy cô nói.” ông ta liếc nhìn tôi một cái “Hoặc là, cô cầm chi phiếu về, để đó từ từ dùng cũng được.”
“Hai mươi lăm vạn.” hai mươi vạn tiền phẫu thuật, năm vạn tiền thuốc.
Ông ta viết số tiền lên chi phiếu, kêu tôi ký một cái, giữ lại bản sao, sau đó đưa chi phiếu cho tôi. Tôi nhìn nhìn, Lịch Xuyên đã ký sẵn tên lên đó.
Tôi bỏ chi phiếu vào trong ví mình. Trần Đông Thôn lại hỏi : “Thủ tục sang tên hai căn hộ kia, Tạ tiểu thư có muốn làm luôn không?”
Tôi nói : “Tôi không cần hai căn hộ đó. Hai mươi lăm vạn này, tôi cũng chỉ mượn mà thôi. Sau này nhất định sẽ tìm cách trả lại.” nói xong, tôi viết giấy vay nợ, mạnh mẽ nhét vào tay ông ta.
Trần Đông Thôn cười cười, nhận lấy, bỏ vào hộp : “Tạ tiểu thư, bất cứ lúc nào, nếu cô cần tiền, xin mời gọi điện thoại.”
Đúng là lão thủ sa trường, không nóng không lạnh, không đưa không đẩy, nói chuyện rất đúng mực.
Phẫu thuật thay tim của bố tôi được thực hiện ở Côn Minh. Bệnh tình của ông quá nặng, không thể chịu được việc đi máy bay tới thành phố khác để phẫu thuật. Hôm đó, ba mươi chuyên gia đứng quanh ông làm việc hơn bốn tiếng đồng hồ. Phẫu thuật khá thành công. Nhưng mà, ngay sau đó, bố tôi lại có phản ứng đào thải rất mãnh liệt. Hầu như mỗi ngày tôi và Tiểu Đông đều thu được thông báo bệnh tình nguy kịch trong sợ hãi, chúng tôi ôm hy vọng trong suốt thời gian đó, dốc hết sức để chăm sóc bố tôi. Ông giãy dụa sống hai mươi lăm ngày, cuối cùng cũng bỏ chúng tôi mà đi. Thật ra, mạo hiểm lúc phẫu thuật rất lớn, chúng tôi biết rõ việc đó. Nhưng tới khi tang sự xong xuôi rồi, chúng tôi vẫn không tin được, bố tôi lại ra đi nhanh như vậy.
Mùa hè năm đó, cây cối sinh sôi, nắng hè như lửa. Đột nhiên, thế giới này chỉ còn lại có tôi và Tiểu Đông.
“Chị, chúng ta bây giờ, có phải là cô nhi không?” Tiểu Đông hỏi tôi.
“Không phải còn chị và em à? May mà năm đó mẹ vượt kế hoạch sinh em ra.”
Em trai tôi là vượt kế hoạch, vì bố tôi không muốn mẹ tôi nạo thai. Vì vậy mà bố tôi mất đi cơ hội thăng tiến ở trường, ngay cả việc lo cho em tôi vào hộ khẩu cũng tốn rất nhiều tiền. Chúng tôi tìm được vài sổ tiết kiệm trong ngăn kéo của bố tôi, tổng cộng tiền trong đó, được 2 vạn tệ. Số tiền này có lẽ là toàn bộ tiền tiết kiệm của gia đình tôi. Chúng tôi dùng số tiền này để chọn một vị trí khá tốt cho bố tôi.
Kỳ nghỉ hè dài dòng, Tiểu Đông chỉ ở lại nửa tháng rồi về trường. Tôi cảm thấy sức cùng lực kiệt, nên vẫn ở lại Cái Cũ. Muốn lên tinh thần đối phó với cuộc sống xa lạ. Vào tháng 7, bạn bè trung học hẹn tôi tới trường ăn liên hoan, thuận tiện đi thăm thầy cô, tâm trạng tôi không vui, ra sức từ chối, bạn bè cứng rắn khuyên tôi : “Người khác có thể không đi, nhưng cậu được điểm cao nhất khối lại không đi, thầy Hùng sẽ buồn lắm.”
Bất đắc dĩ, vào lúc chạng vạng, tôi đạp xe tới trung học Nam Trì. Bác gái Trương làm bảo vệ nhận ra tôi, nhận ra em trai tôi, càng nhận ra bố tôi. Bố tôi vốn là giáo viên ở trung học Nam Trì, vì sinh vượt kế hoạch mà bị giáng chức, điều tới trung học ở thị trấn nhỏ dạy học. Bác ngoắc tôi : “Tiểu Thu! Nghỉ hè về đây chơi hả?”
“Dạ, họp lớp.”
“Nghe nói thầy Tạ…” bác sờ sờ mặt tôi “Ai, một người đang sống sờ sờ ra, sao lại nói đi là đi đâu.”
Bác ấy không nhắc tới thì thôi, nhắc tới, nước mắt tôi liền đảo quanh trong hốc mắt. Tôi cúi đầu, nước mắt rơi trên mặt đất.
“Ai ai, là bác không tốt, chuyện qua rồi, nhắc tới làm gì.” Bác kéo tay tôi, nhét một quả táo vào.
Vì vậy tôi vừa ăn táo, vừa đứng ngay cổng chờ bạn học.
Một lát sau, bỗng nhiên bác Trương lại hỏi : “Đúng rồi, vài năm trước, từng có một người tới trường tìm cháu, bác nói địa chỉ cháu cho cậu ta, cậu ta có tìm được cháu không?”
Tay tôi run lên, hỏi bác : “Ai tìm cháu? Bác còn nhớ người đó trông như thế nào không?”
“Sao không nhớ được. Cậu thanh niên đó rất đẹp trai, vừa tới liền khiến mấy cô giáo say như điếu đổ. Tuy nhiên, có vẻ như chân cậu ta không tiện lắm, đi hơi thọt.”
Tôi cố gắng giữ bình tĩnh, lại hỏi : “Bác còn nhớ chuyện đó xảy ra lúc nào không?”
“Ừm…có lẽ là ba năm trước, trước Tết, lúc đó đã nghỉ đông rồi. Cậu ta còn hỏi có chỗ nào bán đồ lưu niệm của trường Nam Trì không. Bác nói, cậu nghĩ đây là Cố Cung ở Bắc Kinh à. Đồ lưu niệm gì. Chỉ có một tiệm văn phòng phẩm ở cổng thôi, bán chút giấy bút linh tinh. Sau đó, cậu ta hỏi bác, đường trước cổng, có phải tên Tây Môn không.”
Đúng là không thể nói chuyện buồn với người đang buồn, nước mắt tôi lại bắt đầu trào ra.
Thì ra, Lịch Xuyên đã tới đây, quê tôi.
“Cậu ta hỏi bác có nhớ cháu không. Bác nói, sao không nhớ được. Cả nhà cháu bác đều nhớ rõ. Tiểu Thu từ lúc học tiểu học đã rất nghịch, hễ chút là bị cô giáo phạt đứng. Không ngờ sau này thành tích của cháu lại tốt như vậy, trở thành Trạng Nguyên ở đây.” Bác ấy nghĩ rằng tôi vẫn còn buồn chuyện bố tôi, vội vàng nói tới những chuyện thoải mái.
Tôi lau nước mắt, cười với bác : “Anh ấy là một người bạn của cháu, đến từ Bắc Kinh.”
“Có lẽ là những chuyện bác nói khiến cậu ấy vui. Lúc đó, cháu bác đang chơi trên đất, cậu ta cho bác 300 tệ, nói là để mua kẹo cho nó ăn.” Bởi vậy, bác ấy nhớ Lịch Xuyên rất rõ.
Đoạn nói chuyện bất ngờ này, gợi lên tâm sự trong lòng tôi, một đêm kia, tôi liên hoan với các bạn, từ đầu đến cuối, tôi không nói câu nào, chỉ lo uống rượu, uống say mèm. Lúc tỉnh lại, phát hiện mình nằm ngủ trong một bãi nôn mửa. Lịch Xuyên không để ý tới tôi, đã ba năm. Tại sao tôi còn nhớ anh, tại sao tôi còn phải gửi thư cho anh, người sáng mắt đều biết tự tôi đa tình. Tôi đúng là vừa xấu lại vừa ngốc, bất trị.
Muốn yêu một người, không có cơ hội; muốn hận một người, không có lý do.
Muốn chạy trốn, không có chỗ trốn; muốn sa đọa, không có can đảm.
Không ngờ tôi vẫn là sinh viên tốt.
Sau khi bố tôi qua đời, thể xác và tinh thần tôi mệt nhoài, suốt ba tháng không viết thư cho Lịch Xuyên. Về lại trường, tôi nhịn không được lại ra tiệm internet. Hòm thư vẫn là con số 0. Vì vậy tôi lại viết một lá thư ngắn : “Hi Lịch Xuyên, bố em qua đời. Ông bị bệnh tim rất nặng, cần phẫu thuật. Em mượn anh 25 vạn, đợi tới khi đi làm em sẽ trả lại cho anh ngay. Có lẽ anh đã không dùng hộp thư này từ lâu. Nhưng em vẫn muốn nói, cảm ơn anh đã giúp đỡ em ngay lúc quan trọng như thế này. Em rất cảm kích. Tiểu Thu.”
Hai tuần sau khi gửi lá thư đó, có một ngày, tôi nhận được một cuộc điện thoại của Đạo sư của tôi – Giáo sư Phùng. Ông nói có một lá thư, gửi cho tôi. Nhưng trên ô địa chỉ viết là “Văn phòng khoa tiếng Anh đại học sư phạm S” cho nên gửi tới khoa. Vừa vặn ông biết tôi, liền nhận hộ. Hỏi tôi khi nào có thể tới văn phòng của ông lấy.
Tôi hơi sợ thầy Phùng, nguyên nhân là ông đặc biệt thích tôi, nhiều lần ám chỉ tôi phải học Tiến sĩ ở chỗ ông. Mà tôi đã bắt đầu ghét học. Âm thầm tính lấy tốc độ nhanh nhất học xong Thạc sĩ, tốt nghiệp rồi tìm việc.
Lịch Xuyên có thể nói tiếng Trung rất lưu loát, cũng biết rất nhiều chữ Hán. Nhưng anh nói, anh không biết viết nhiều chữ Hán lắm. Vì ông nội anh dạy anh viết Phồn thể, anh ngại nhiều nét, rất phức tạp, học không chăm chú cho lắm. Cho nên tôi chưa thấy anh viết tiếng Trung bao giờ. Trên bì thư quả nhiên viết Phồn thể, quả nhiên không được thoải mái cho lắm, may mà đủ nét, lớn nhỏ vừa phải, cho nên cũng không khó đọc cho lắm. Quan trọng nhất là, chữ Tạ kia, chỉ riêng chữ đó, viết Giản thể, cũng là tôi dạy cho anh viết. Tôi còn giải thích, tuy nói nó là Giản thể, nhưng thật ra, lối viết Thảo ngôn đều viết như vậy.
Mặc dù trên bì thư không viết địa chỉ gửi, nhưng tem cũng là tem Thụy Sĩ. Tôi ôm đầy hy vọng mở nó ra, phát hiện bên trong là một bưu thiếp thật tinh xảo, có một mùi hoa Oải Hương thoang thoảng, nền màu tím nhạt, ở giữa là một bó Bách Hợp màu trắng. Không có chữ nào, không ký tên. Cái gì cũng không có.
Như vậy, toàn bộ email của tôi, anh đều nhận được.
Tôi cầm tấm bưu thiếp kia, lòng đầy tâm sự. Thư ký khoa cười hỏi tôi : “Tiểu Thu, em có sưu tập tem không? Em có lấy con tem này không?”
Tôi còn đắm chìm trong suy nghĩ của mình : “Hả, cái gì? Tem?”
“Đúng vậy. Con cô sưu tập tem. Con nít cái gì cũng không hiểu, chỉ thích đồ ngoại.”
“Nè, cho cô, em không cần.” tôi đưa bì thư cho cô.
“Ai, tấm bưu thiếp trong này, thơm ngào ngạt, em không cần luôn à?”
“Không cần.” tôi cười cười “Nếu con cô thích, đưa cho bé luôn đi.”
Hôm đó, tôi tới tiệm trang sức. Bấm năm lỗ tai trên tai mình, cộng thêm hai lỗ vốn có, tổng cộng bảy lỗ. Bên trái ba lỗ, bên phải bốn lỗ. Thằng nhóc bấm cho tôi nói : “Ai, khi không mỹ nữ lại biến thành cô em.” Sau đó tôi tới một tiệm khác, đeo một khuyên tai ngay rốn.
Tôi vứt đi tất cả quần áo mình thích, mua một đống tất dài, kiểu lưới. Mỗi buổi sáng ngủ dậy, tôi tốn hơn một giờ đế trang điểm, dùng màu tím và màu đen để vẽ mắt, vẽ mắt sâu không thấy đáy. Bình thường tôi đều mặc áo da, hoặc là mặc áo gile, lộ ra khuyên tai nho nhỏ ngay rốn kia, tôi cảm thấy chính mình thật gợi cảm. Tôi thích váy may bằng vải thật dày, trông thật khoe khoang. Tôi học hút thuốc, càng hút càng nghiện, cuối tuần tôi tới quán bar uống rượu, thường hay say mèm. Những người đàn ông đỡ tôi hay nhân cơ hội sờ soạng người tôi, tôi cười cười, cợt nhả với họ, không sao cả.
Kể từ khi nhận được bưu thiếp “an ủi” của Lịch Xuyên, tôi không viết thư cho anh nữa.
Hai năm sau, thành tích của tôi xuất sắc, tốt nghiệp thạc sĩ trước một năm. Đạo sư của tôi nhìn tôi, vẻ mặt tiếc hận.
Tôi nộp hồ sơ cho năm công ty phiên dịch. Cả năm công ty đều mời tôi đi phỏng vấn.
Đương nhiên tôi chọn công ty lớn nhất thành phố, phúc lợi tốt nhất, nổi tiếng nhất : Công ty phiên dịch Cửu Thông.