Sông Côn Mùa Lũ - Chương 91

Khoảng cuối tháng 9, An được Ngọc Hân công chúa cho vời vào cung. Ân huệ bất ngờ đó khiến An lo lắng, không hiểu còn tai họa nào sắp ập lên đầu mấy mẹ con chị nữa. An như con chim sợ tên nên thấy cành cong nào cũng hớt hải, hoang mang. Lợi sáng suốt hơn, thấy đây là điềm lành. Quan thị lang bộ Hình (Phan Huy Ích) đã về bắc, vụ án gạo đã xếp lại. Tuy bộ Công không giao công việc gì cho Lợi cả, nhưng những chỗ quen biết đã bớt e dè khi giao thiệp với vợ chồng Lợi. Lần này cửa hoàng cung đã mở rộng đón An, chứng tỏ trong cái guồng máy bí hiểm đáng sợ là hệ thống nha bộ ở kinh thành, đã có một quyết định nào đó về vụ Lợi, một quyết định thuận lợi, đáng mừng.

Ngọc Hân thân mật đưa An vào tận phòng mình, ái ngại bảo:

- Độ này chị ốm và xanh lắm.

An cảm động, rơm rớm nước mắt. Cố dằn xúc động, An mỉm cười nói với Ngọc Hân:

- Còn Công chúa thì đẹp hẳn lên. Thoạt mới nhìn tôi phải kinh ngạc, ngỡ ngàng.

Ngọc Hân sung sướng đến hồng cả mặt, vội nói khiêm nhường:

- Không đâu. Tôi mải lo con cái đến nỗi quên cả chải tóc.

Nói thế nhưng chính Ngọc Hân cũng biết mình đẹp. Sau kỳ sinh nở, dường như Công chúa hưởng được một nguồn sinh lực kỳ diệu đến nỗi mỗi sáng soi gương, Công chúa đều bẽn lẽn, mừng rỡ ghi nhận thêm nét đẹp mới. Đôi vai hẹp thời con gái bây giờ trở nên đầy đặn. Chiếc cổ cao và trắng có ngấn. Da mặt căng lên như đúc bằng sáp và đôi mắt lóng lánh một niềm hớn hở, xôn xao mỗi lần nhắc đến tên con. Hình như sau mười sáu năm âm thầm chờ đợi, người mẹ ẩn nấp trong tấm thân nhỏ nhắn của Công chúa đột nhiên thức dậy, hân hoan đón nhận thiên chức sáng tạo như những nhụy hoa mùa xuân run rẩy đón gió phấn. An vui lây trước niềm vui của Ngọc Hân, quên hết nỗi lo âu riêng. Công chúa đuổi hết thị nữ ra khỏi phòng, rồi mới bối rối nói với An:

- Chị phải vào giúp tôi mới được. Chúa công thật kỳ. Chúa công một mực bảo phải tự tôi thêu thì chiếc áo cổn mới mang may mắn. Chúa công còn tự vẽ lấy kiểu mũ miện nữa. Mồng ba tháng 10.(1) Không kịp mất! Chị phải giúp tôi mới được.

Công chúa đem ra một chiếc áo bào đang thêu dở. An ngạc nhiên hỏi:

- Như vậy là thiên hạ đồn đúng, phải không thưa Công chúa?

Ngọc Hân vội hỏi:

- Họ đồn những gì?

- Họ đồn Chúa công sắp tế cáo trời đất để đăng quang.

- Thật thế à? Sao họ nhạy vậy?

- Họ thấy quân lính đắp đàn ở phía núi Bân nên đoán như vậy. Nay nếu họ biết thêm chính Công chúa đang thêu áo cổn thì...

Ngọc Hân vội xua tay, giọng lo ngại:

- Đừng. Chính Chúa công cũng dặn không nên để cho bọn thị nữ biết. Chúa công bảo muốn dành cho mọi người sự ngạc nhiên, nhưng tôi không dễ tin thế đâu. Việc đăng quang liên hệ vận mệnh của đất nước, đâu phải chuyện đùa mà làm lúc nào cũng được. Vả lại...

Nói đến đấy, Công chúa do dự. An ngước lên nhìn Ngọc Hân chờ đợi. Ngọc Hân lúng túng vân vê một vạt áo bào đang đặt trên đầu gối, mãi một lúc sau mới hỏi An:

- Lâu nay chị có nghe bên Hoàng hậu nói gì không?

An thành thật đáp:

- Thưa không ạ. Hôm... hôm gia đình tôi gặp chuyện không may định vào cung cầu cứu Hoàng hậu, nhưng Hoàng hậu không tiếp.

Ngọc Hân vội hỏi:

- Chuyện gì không may thế? À, tôi nhớ ra rồi. Chính từ vụ đó mà có lời huyên truyền bảo rằng Chúa công bị tôi mê hoặc, bị tôi dẫn "đi xem hát chèo". Miệng lưỡi con người thật là... Có lẽ vì vậy mà Chúa công không muốn ai biết chuyện thêu áo cổn. Tôi nhờ chị, chị phải kín đáo cho nhé. Cứ bảo với mọi người là vào đây để tôi hỏi thăm cách nuôi con nhé. À, chị cho tôi hỏi thăm chuyện nuôi con nhỏ luôn. Có phải mỗi khi sắp biết lật hoặc biết bò cũng như sắp mọc răng, đứa bé thường bị sốt phải không?

- Đúng thế ạ.

- Ngộ nhỡ đúng vào lúc ấy nó bị bệnh thì làm sao biết mà chữa. Như bị cảm mạo chẳng hạn. Thấy nó nóng, mình cứ nghĩ sắp mọc răng, không lo chạy chữa...

An cười, cắt lời Ngọc Hân:

- Trong cung có ngự y, Công chúa đừng quá lo. Hơn nữa, trẻ con mạnh khỏe ít khi mắc chứng bệnh nào hiểm nghèo. Bị nóng mình hay đi tướt là chuyện thường.

- Nói thế chứ lúc con nó ấm mình, tôi không tài nào chợp mắt được. Lúc nào cũng nghĩ Trời không thương mình, không cho mình được thấy con lớn lên. Hồi mới có con, chị có thế không?

- Dạ ai cũng vậy.

- Thế mà tôi cứ tưởng Trời chỉ bắt tội một mình mình mà thôi. Chị tính, tôi vào đây như vào xứ lạ, Chúa công đa đoan công việc, chỉ còn niềm vui được đùa giỡn với con. Nhiều hôm thương nó quá, ôm chặt vào lòng đến nó phải khóc. Chị có như thế không?

An kiên nhẫn đáp:

- Dạ cũng thế ạ.

Ngọc Hân nhận ra điều lẩn thẩn của mình, hơi ngượng, vội nói qua chuyện khác:

- Thôi, chị xem chuyện thêu thùa giúp tôi nào! Mẫu áo cổn và mũ miện đều do chính tay Chúa công vẽ ra đấy. Cũng hay hay đấy chứ. Nực cười thật. Chúa công bảo: "Việc gì phải bắt chước bọn Tàu. Ta tự tay dựng nước thì cũng phải tự tay vẽ áo cổn được". Lúc đó, tôi muốn trêu: "Thì Chúa công hãy tự tay thêu áo mũ đi, sao lại nhờ người khác", nhưng thấy nét mặt Chúa công nghiêm nghị quá, tôi không dám đùa.

An tò mò hỏi:

- Lúc bình thường, Công chúa có hay đùa cợt với Chúa công không?

Ngọc Hân đỏ mặt, khẽ đập vào tay An trách:

- Chị hỏi làm gì. Hãy liệu xem mẫu chỉ này viền tà áo cổn có thích hợp không. Ba tháng Mười! Chắc không kịp đâu. Chị rán vào đây hằng ngày giúp tôi, may ra...

*

* *

Thấy vợ đi đi về về mỗi ngày mà không nói rõ vào cung làm gì, Lợi càng sốt ruột. Lòng tự ái của đàn ông nổi dậy, sau nhiều lần tra gạn không kết quả, Lợi không thèm hỏi nữa. Anh xem như công việc của vợ không có lợi mà cũng không có hại gì cho mình. Đôi lúc anh ngờ vực vu vơ, hay hờn ghen bóng gió. Tự ái lại thêm bị va chạm. Lợi ray rứt trong cảnh không bạn bè, không công việc. Anh nhớ tiếc cái thời đi đâu cũng được người ta săn đón, chiều chuộng. Ngày nào cũng có một cuộc say. Cuộc đời trống rỗng, nhạt nhẽo. Lợi không phải là người dễ dàng chịu nhận sự thiệt thòi với hai cánh tay xuôi. Anh không thể chịu đựng mãi cuộc sống vô định bấp bênh thế này. Ba lần anh bị mưu hại, ba lần thoát nạn. Nhưng vụ án gạo vẫn còn đó, lơ lửng như một lưỡi dao bén có thể bổ xuống đầu anh bất cứ lúc nào. Chỉ cần một cái gật đầu, hoặc một cuộc vận động kín đáo nào đó của kẻ thù. Anh có thể nắm đằng lưỡi cái dao nguy hiểm đó chăng? Không. Anh nhắm mắt chờ đợi sự may rủi chăng? Không. Phải vùng vẫy, bằng cách nào đó.

Lợi nằm nhà tằn mằn nhổ râu một thời gian, rồi lại lân la tìm đến các chỗ quen biết cũ. Sự lạnh nhạt của đám bạn bè và mối lái làm ăn trước đây chẳng khác nào một gáo nước dội vào mặt Lợi. Anh choáng váng, lầm bầm chửi rủa thế thái nhân tình. Chỉ có đám thân nhân các chủ ghe Đồng Nai bị giam bấy lâu, vì mới chân ướt chân ráo đến Phú Xuân, tưởng Lợi còn có thế lực nên tìm đến tận nhà để mong Lợi cứu giúp.

Lợi choàng dậy như có phép lạ. Anh vồn vã chào đón họ, nhận lời họ mời đi chè chén, rồi như con ngựa lâu ngày cuồng chân trong chuồng hẹp được gặp lại đường dài, Lợi huênh hoang hứa hẹn với họ đủ điều. Qua họ anh biết rõ thêm tình hình bi đát của thái bảo Phạm Văn Sâm ở Gia Định, cùng cuộc sống sung túc ở Đồng Nai. Cái ý tưởng phải vùng vẫy để thoát lầy nhiều lần hiện ra trong óc Lợi, giữa các tiệc rượu, hoặc sau khi tàn cuộc. Phải vùng vẫy! Phải làm cái gì cho "chúng nó" sững sờ! Từ đó Lợi thường bỏ nhà cho hai con và mấy đứa hầu gái (hai người lính Lợi đem về giữ cổng và tắm ngựa đã bị đòi lại), suốt ngày đi đâu không ai biết. Lâu lâu có người lạ đến tìm Lợi, vẻ mặt dớn dác lo lắng. An nghe hai con thuật lại, nghĩ chồng bắt đầu gây dựng lại các mối làm ăn. Chị yên tâm cùng với Ngọc Hân chăm chút đường thêu trên tấm áo cổn, vừa làm việc vừa bùi ngùi nhớ lại các kỷ niệm cũ thời An Thái. Đôi lúc, An xúc động đến hoa mắt, phải dừng kim lại. Công chúa ngước lên dò hỏi. An giấu quanh chuyện lòng, nói với Ngọc Hân:

- Đang thêu, tôi chợt nhớ đến thời sinh tiền, cha tôi rất thích một bài thơ tứ tuyệt của sư Huyền Quang. Công chúa đã đọc bài thơ đó chưa?

Ngọc Hân cười đáp:

- Nhất định là chưa. Các nhà sư thời Lý Trần làm thơ tuyệt mệnh để truyền y bát, tôi đọc chả hiểu gì cả.

- Không. Bài này đơn giản lắm. Tôi đọc cho Công chúa nghe nhé:

Nhị bát giai nhân thích tú trì

Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ly

Khả liên vô hạn thương xuân ý

Tận tại đình châm bất ngữ thì.

(Trên tay giai nhân mười sáu tuổi, đường kim bỗng chậm lại. Mấy chú hoàng anh thỏ thẻ trong lùm tử kinh hoa rộ. Thương quá đi, bao nỗi nhớ lòng thương xuân vô hạn đang trút cả vào giây phút ngừng kim và im phắc.)

Ngọc Hân Công chúa thích quá, reo lên:

- Thật hay quá. Có chắc là của sư Huyền Quang không? Chị thuộc thơ cũng nhiều lắm phải không? Thế mà tôi cứ tưởng...

Công chúa ngơ ngác, khi thấy An cúi gằm mặt xuống tấm áo bào, nước mắt nhỏ từng giọt.

*

* *

Bấy giờ mùa mưa dầm đã bắt đầu ở Phú Xuân. Ở các công sở, người ta lo dọi lại các mái dột hoặc kê cao các rương gỗ đựng giấy tờ công văn. Những trận mưa thê thiết, dai dẳng biến các đường phố thành những vũng lội nhớp nháp. Đoạn nào có trải đá thì đỡ lồi lõm hơn, nhưng đất sét dẻo quánh cứ dính chặt vào đế guốc. Bước chân ra khỏi nhà là gặp nỗi ngại ngùng. Quần áo ướt dính vào da thịt, gió lạnh thổi hết đợt này đến đợt khác, khiến các cậu lính lệ ở các chòi canh ủ rũ nhớ nhà.

Giữa cảnh mưa gió ấy, tin kho lúa Phủ Cam bị cháy chẳng khác nào một chuyện khôi hài khó tin. Kho này xây trên đồi đất cao, xa khu dân cư nên khó bị cháy lây vì sơ ý bếp núc. Quanh kho, hai ba lớp rào tre gai bao quanh, ngoài các quan quân bộ Công có phận sự, không ai được bén mảng đến gần. Thế mà cháy được! Khó tin lắm. Dân Phú Xuân đã quá chán cái cảnh nằm dí ở xó nhà nghe mưa rả rích trên mái tranh, nên nhiều người đội mưa lên Phủ Cam xem hư thực. Kho Phủ Cam bị cháy thật. Chưa kịp truyền hết cái ngơ ngác cho bạn bè để bàn tán quên rét, họ đã nghe thêm tin kho An Cựu cháy. Điều bất thường rõ ràng gặp nhiều bàn tán xôn xao. Và hoang mang. Từ khi tình hình Gia Định xấu, các ghe gạo Đồng Nai đã vắng trên bến sông Hương. Gạo Quảng Nam cũng không vượt qua đèo. Giá gạo tăng vọt nhanh chóng, viễn ảnh trước mắt là ngoài cái lạnh ẩm ướt đã quen chịu đựng từ thuở lọt lòng, dân Phú Xuân sắp chịu thêm cái đói. Lâu nay kho gạo thường bình vẫn bán nhỏ giọt cho dân để hãm bớt đà gia tăng của vật giá. Gạo ở thị trường khó mua, nhưng ai có tiền thì mua bao nhiêu cũng có, hoặc từ các kho gạo công rả rích tuôn ra mỗi đêm, hoặc từ các trại lính đóng quanh thành. Bây giờ hai kho gạo lớn liên tiếp cháy, báo hiệu cuộc biến nào đây? Ai đốt? Đốt để làm gì? Rồi triều đình sẽ có biện pháp nào để trấn an nhân tâm? Dưới những mái nhà thấp dột nát ẩm ướt, bọn đàn ông tụ họp nhau bàn cãi ồn ào quên phắt cả đói, rét. Bọn hiếu sự không sợ đường trơn và mưa ướt nữa. Họ chạy khắp nơi để săn tin. Ai đốt? Đốt để làm gì? Họ nghĩ nơi am tường hết thảy diễn biến phải là bộ Hình. Ngày nào trước cổng bộ cũng có những đám đông lóng ngóng chờ tin. Họ không bõ công chút nào. Những câu nói úp mở của các cậu lính lệ gác trước bộ Hình thật đáng gấp hai gấp ba cái giá túi trầu, cút rượu bọn hiếu kỳ phải trả. Đúng như mọi người dự đoán: có một âm mưu phá hoại các kho chứa thóc. Kẻ chủ mưu không ai khác là Nguyễn Ánh ở Gia Định. Bọn trực tiếp tổ chức phá hoại gồm vài tên đội lốt con buôn, vài tên thuộc hoàng tộc lâu nay giả vờ khoanh tay rũ áo để che mắt quan quân Tây Sơn. Và điểm hấp dẫn nhất là bọn họ đã lôi kéo, mua chuộc được một số quan quân Tây Sơn làm nội tuyến. Một trong những kẻ phản trắc nguy hiểm đó là Lợi!

*

* *

Nguyễn Huệ giở xem các tờ biểu tấu từ Bắc thành vừa gửi vào. Liên tiếp mấy hôm nay làm việc quá sức nên Chính Bình vương uể oải lật xem mớ công văn với đôi mắt ơ hờ. Chỉ có tờ mật tâu của đại tư mã Ngô Văn Sở báo cáo chi tiết hai đoàn cầu viện của Lê Chiêu Thống và bản thảo tờ chiếu lên ngôi do Ngô Thì Nhậm viết là được Vương chú ý. Nguyễn Huệ sửa lại thế ngồi, chăm chú đọc bản thảo bài chiếu Vương đã sai Ngô Thì Nhậm soạn cho phù hợp với tâm lý sĩ phu Bắc hà. Bài chiếu như sau:

"Trẫm nghĩ: Ngũ đế đổi họ chịu mệnh trời, tam vương nhân thời mở vận nước. Đạo có thay đổi, thời phải biến thông, nhưng đấng thánh nhân vâng theo đạo trời để làm vua trong nước, yêu dân như con thì cái nghĩa cũng chỉ là một.

Nước Việt ta, từ Đinh Lê Lý Trần mở nước đến nay, bậc thánh minh dấy lên chẳng phải một họ. Nhưng phế, hưng, dài, ngắn, vận mệnh trời cho, chẳng phải sức người làm được.

Trước đây nhà Lê mất quyền, họ Trịnh và họ Nguyễn cũng chia nhau cương vực hơn hai trăm năm, giềng mối rối loạn, ngôi vua chỉ là hư vị, mỗi họ tự ý gây dựng bờ cõi riêng mình, kỷ cương trời đất một phen đổ nát không dựng lên được, chưa có thời nào quá quắt như thời này. Thêm nữa, những năm gần đây, nam bắc đánh nhau, dân sa vào chốn lầm than.

Trẫm là kẻ áo vải đất Tây Sơn, không có một tấc đất, vốn không có chí làm vua. Chỉ vì lòng người chán ghét loạn lạc, mong có vị minh chúa để cứu đời, yên dân. Cho nên tập họp nghĩa quân, xông pha chông gai, phá núi mở rừng, giúp đỡ Hoàng đại huynh dong ruổi binh mã, gây dựng nước ở cõi Tây, dẹp Tiêm La, Cao Miên ở phía nam, rồi hạ thành Phú Xuân, lấy thành Thăng Long. Bản ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong chốn nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Đại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi đất mà thôi.

Nhưng việc đời dời đổi, rốt cuộc trẫm không được như chí nguyện. Trẫm dựng lại nhà Lê, nhưng Lê tự quân để mất xã tắc, bỏ nước chạy trốn. Sĩ dân Bắc hà không theo về họ Lê lại dựa vào Trẫm. Đại huynh vì khó nhọc mà mỏi mệt, chỉ muốn giữ một phủ Qui Nhơn khiêm nhường xưng làm Tây vương. Mấy nghìn dặm đất ở cõi nam thuộc về Trẫm cả. Trẫm tự nghĩ mình lượng bạc, tài đức không theo kịp cổ nhân mà đất đai rộng lớn như thế, nhân dân đông đúc như thế, nghĩ đến việc cai quản, lo sợ như cầm dây cương mục mà giong sáu ngựa!

Vừa đây, tướng sĩ văn võ, thần liêu trong ngoài đều muốn Trẫm sớm định vị hiệu để thu phục lòng người, dâng biểu khuyên mời đến hai ba lần. Các tờ biểu vàng suy tôn, không hẹn nhau mà cùng một lời. Trẫm nghĩ: nghiệp lớn rất trọng, ngôi Trời khó khăn, Trẫm thật lòng lo không đương nổi. Nhưng ức triệu người trong bốn bể trông cậy vào một mình Trẫm. Đó là ý Trời, há phải việc người? Trẫm ứng mệnh Trời, thuận lòng người, không thể cố chấp nhún nhường mãi, lấy ngày ... tháng ... năm nay lên ngôi thiên tử, đặt niên hiệu là... nguyên niên.

Hỡi trăm họ muôn dân các ngươi!

Lời nói lớn lao của ngôi hoàng cực là lời giáo huấn phải thi hành (2) Nhân, nghĩa, trung, chính là đầu mối lớn của đạo làm người. Nay Trẫm cùng dân đổi mới, theo mưu mô sáng suốt của tiền thánh để trị và dạy thiên hạ!

Than ôi! "Trời vì hạ dân, đặt ra vua, đặt ra thầy là để giúp Trời vỗ yên bốn phương"(3) . Trẫm có cả thiên hạ, sẽ dắt dìu dân lên con đường lớn, đặt vào đài xuân.

Hỡi thần dân các ngươi!

Ai nấy hãy yên chức nghiệp, chớ làm những điều không phải đạo thường. Người làm quan hãy giữ phong độ hòa mục, người làm dân yên trong lệ tục vui hòa, trị giáo mở mang hưng khởi đến chỗ rất thuận, để vãn hồi thời thịnh trị của Ngũ đế, Tam vương, khiến cho tông miếu xã tắc được phúc không cùng, há chẳng đẹp đẽ sao?"(4)

Đọc xong bài chiếu, Chính Bình vương mỉm cười, gật gù một mình, rồi đọc lại lần nữa. Lần này vương đọc thật chậm, sau một câu dừng thật lâu để suy nghĩ rồi mới đọc tiếp câu khác. Đến đoạn "Bản ý chỉ muốn quét trừ loạn lạc, cứu dân trong chốn nước lửa, rồi trả nước cho họ Lê, trả đất cho Đại huynh, ung dung áo gấm hài thêu, ngắm cảnh yên vui ở hai cõi đất" Nguyễn Huệ bật cười, đưa tay với bút son sổ dọc theo hai hàng chữ, miệng lẩm bẩm:

- Tay nhà nho này ranh ma lắm! Nói thế này con nít cũng không tin được. Nhưng phải nói, không nói không được. "Ung dung áo gấm hài thêu"! Hắn tưởng ta đã chán cái yên ngựa! Phải nhận là hắn viết khéo thật. Quả là Trời đã dành hắn riêng cho ta dùng.

Nguyễn Huệ đọc tiếp xuống dưới. Đến chỗ Ngô Thì Nhậm chừa trống để vương tự định ngày lên ngôi cùng vương hiệu, Nguyễn Huệ bậm môi suy nghĩ thật lâu:

- Ngày mồng 3 tháng 10 chắc chắn là không được rồi. Kinh thành rối loạn thế này, mưa dầm thê thiết đến ê ẩm thân thể thế này, lòng dân lo rét, lo đói, lên ngôi sao được. Phải dẹp cho sạch bọn phá hoại đang gieo rắc hoang mang khắp Thuận Hóa, rồi sau hãy tính. Dẹp luôn cả những bọn tham lam, bọn nhị tâm chờ thời. Phải dời ngày xưng vương lại thôi. Còn vương hiệu thì đã chọn xong xuôi rồi. Quang Trung! Quang Trung! Nghe hơi êm ái, nhưng ta thích hai tiếng đó.

*

* *

Đích thân thượng thư bộ Hình Hồ Công Thuyên dẫn giải Lợi vào thành trình diện với Nguyễn Huệ.

Mới bị giam vào ngục tối có hai ngày mà Lợi đã xơ xác thiểu não như người từng bị giam từ lâu năm. Tóc Lợi bị xổ ra, bù rối và hôi hám, trên trán phía trái, một mảng tóc bị dính chặt vào một vết thương đã khô máu. Đôi mắt thảng thốt hớt hải. Khuôn mặt xanh tái hốc hác có nhiều vết bầm. Môi dưới sưng vều lúc bị tra khảo, khiến mới thoạt nhìn, Nguyễn Huệ không nhận ra được Lợi. Hồ Công Thuyên cho tháo cái gông gỗ lim nặng lúc đến cửa thành, nhưng Lợi vẫn giữ dáng đi khom khom như lúc chưa thoát khỏi gánh nặng của tù tội.

Chính Bình vương muốn được nói chuyện riêng với Lợi, nên Trần Văn Kỷ và Hồ Công Thuyên vội vã ra khỏi phòng. Nguyễn Huệ lừ mắt nhìn Lợi, hỏi gằn:

- Sao lại trốn một mình?

Lợi vẫn cúi gằm mặt xuống, không đáp. Nguyễn Huệ tức giận hỏi:

- An có biết trước chuyện này không?

Lợi ngửng lên, ánh nhìn cầu khẩn, sợ hãi. Cái môi sưng vều khiến anh chỉ trả lời phều phào được mấy tiếng:

- Dạ không biết.

Nguyễn Huệ hơi nguôi giận, giọng nói êm dịu hơn:

- Nếu "cô ấy" biết, "cô ấy" có để cho anh làm chuyện tày trời thế này không?

Lợi đáp liền vì đó là sự thực:

- Dạ không.

Nguyễn Huệ trầm ngâm một lúc, rồi buồn rầu nói với Lợi như với một người bạn:

- Ta tin lời anh. "Cô ấy" không khi nào chấp nhận một việc phản trắc hèn hạ như vậy. Cái gì cũng có cái mức của nó. Đây không phải là lần đầu, anh nhớ chứ? Tính tình của anh, ta còn lạ gì nữa. Nhưng lần này, anh quá quắt. Hôm qua cô ấy có khóc lóc xin vào ra mắt ta. Có lúc yếu lòng, ta muốn tiếp cô ấy. Nhưng nhờ ơn Trời! Ta sợ thấy cô ấy khóc.

Nguyễn Huệ nhìn lên trần điện khi nói với Lợi, nên không thấy nụ cười ranh mãnh méo xệch của người trọng phạm. Lợi rên rỉ:

- Xin Chúa công thương hại An và hai đứa bé. Tôi liều thân để tìm đất sống, chỉ vì thấy ở đây, tôi chỉ làm khổ An. Mọi người xa lánh tôi. Tôi không dám gặp ai, chỉ biết quên bằng rượu. Tôi làm khổ An đã nhiều lắm rồi. Thà tôi chết đi, hoặc trốn biệt một nơi xa thật xa, cho khuất mắt nàng. Xin Chúa công thương lấy mấy mẹ con góa bụa, côi cút.

Nguyễn Huệ run giọng hỏi:

- Anh muốn trốn cứ việc trốn, sao lại còn dẫn đường cho chúng đốt kho? Để làm gì? Sao không cùng trốn đi với vợ con?

Lợi trở nên hoàn toàn bình tĩnh. Anh cân nhắc cẩn thận từng lời trước khi đáp:

- Chúa công lo đánh nam dẹp bắc, đâu còn thì giờ biết đến những chuyện đàn bà. Chúa công nghĩ lại mà xem. Nàng liều chết vượt biển ra đây, nên bây giờ chỉ có cái chết mới buộc được nàng rời khỏi nơi đây. Tôi chỉ còn biết liều thân một mình.

Lợi liếc lên nhìn Nguyễn Huệ. Lúc ấy Chính Bình vương vẫn nhìn lên trần điện, nên Lợi không đoán được tâm trạng của Nguyễn Huệ. Anh chỉ thấy bàn tay phải của Vương bấu chặt vạt áo bào phủ trên đầu gối, sau đó mấy ngón tay duỗi ra, bàn tay xoa nhè nhẹ lên làn vải gấm. Hai người im lặng hồi lâu. Cuối cùng Nguyễn Huệ nói nhỏ và nhẹ, như tự bảo mình:

- Không còn cách nào khác. Ta lấy làm tiếc. Anh đâu biết rằng lúc nào ta cũng lo lắng cho gia đình anh. Đây không phải là lần đầu.

Đột nhiên Nguyễn Huệ đổi giọng, hỏi khá lớn và chậm:

- Lúc bị bắt, thuyền anh đã ra khỏi cửa xa chưa?

Lợi điềm tĩnh trả lời:

- Dạ họ chỉ có bốn tay chèo, nên mới cách cửa Thuận vài dặm.

- Chúng nó hứa với anh những gì?

Lợi cúi mặt đáp nhỏ:

- Dạ hứa là sẽ tận tình tiến cử lên ông Chủng.

- Anh đã khai hết cho bộ Hình rồi chứ?

- Dạ. Tôi không dám giấu điều gì nữa.

Nguyễn Huệ cười nhạt:

- Chỉ bấy nhiêu cũng quá đủ rồi.

Lợi bắt đầu sợ hãi. Giọng anh run rẩy:

- Lần cuối cùng, xin Chúa công nghĩ đến tình quen biết từ thời An Thái để tha tội cho tôi. Xin Chúa công cứu vớt gia đình tôi. Cảnh góa bụa! Chúa công chỉ cần gật đầu một cái là mẹ con nàng được sống lại.

Nguyễn Huệ không nói gì, lừ mắt nhìn Lợi uốn éo cúi rạp người van xin được sống. Vương đanh mặt, nói:

- Đáng lẽ ta nên tiếp An hơn là gặp anh. Nhưng ta sợ tiếng khóc của đàn bà. Thôi, đủ rồi. Anh có thể lui.

Nguyễn Huệ khẽ đập lên mặt sập sơn son. Người lính hầu được lệnh đi mời quan thượng thư bộ Hình. Lợi bị đeo gông trở lại, và theo đường cũ, về ngục. Lòng Lợi hoang mang, không biết cuộc gặp mặt ấy có chút mầm hy vọng nào không. Anh bắt đầu nghĩ đến điều ghê gớm nhất: cái chết.

*

* *

An sững sờ khi nghe tin dữ. Mọi sự vượt quá sức tưởng tượng của chị. Thấy chồng vắng mặt lâu ngày, An lo lắng, nhưng chỉ dám nghĩ đến một sự liều lĩnh buông thả có giới hạn. Tham dự vào vụ đốt kho thóc, rồi xuống thuyền trốn vào Nam với mấy tên phản loạn! Trời hỡi! Có thực không? Hay lại một trò vu cáo đê hèn của phe Bùi Đắc Tuyên? Lúc biết đích xác sự thật, An chết điếng cả người. Từ đó, ba mẹ con An trải qua một kinh nghiệm cô độc và tuyệt vọng chưa từng có.

Mọi cánh cửa đều đóng sập lại trước mặt chị. Hai đứa hầu gái trốn khỏi nhà chủ vì sợ liên lụy. Chị và hai con trở thành đối tượng căm thù và ghê tởm của hàng xóm, phố xá. Ban đầu An giao nhà cho hai con để chạy khắp nơi nhờ vả cứu vớt tính mạng của Lợi. Thằng Phát và con Thái đóng chặt cửa lại, sợ bộ Hình nhân lúc mẹ chúng đi vắng đến bắt giam chúng vào ngục để xử tội. Cửa lớn cửa sổ đóng kín nên bên trong tối om như giữa đêm. Con Thái sợ mọi thứ tiếng động. Bạo gan như thằng Phát mà cũng xanh xám mặt mày lúc nghe tiếng chân ngựa hoặc tiếng ồn ào phía trước đường. Tin tức loan truyền nhanh khắp kinh thành, nên chỉ nội hai hôm, nhiều người đã biết nhà cửa "tên phản trắc". Đám đông ban đầu còn lảng vảng trước cổng để nhìn mặt vợ con tên phản trắc. Về sau, thất vọng vì thấy cửa đóng im ỉm, vài đứa trẻ rắn mắt nhặt đá chọi vào nhà. Rồi cả người lớn cũng bắt chước, xem đó là một trò chơi căm thù. Hai đứa bé sợ quá, ôm lấy nhau chui đầu vào gầm bàn, mặt cắt không còn chút máu. Mỗi lần một hòn đá rơi xuống nóc nhà, Thái run lập cập, ôm chặt lấy anh, mếu máo nhưng không khóc được thành tiếng. An tuyệt vọng không tìm được cánh cửa nào chịu mở, thất thểu trở về thấy hai con gần như mất hồn vì sợ. Con Thái thấy mẹ về, khóc nức nở không ai dỗ được. Thằng Phát thì ngồi gục đầu ở chỗ cửa ngăn, nơi một viên đá to bằng nắm tay rơi xuống làm thủng cả mái ngói.

Từ đó An không dám đi đâu nữa. Ba mẹ con ôm lấy nhau, tiếp tục chịu đựng cơn lốc phẫn nộ. Họ không dám ra khỏi nhà nên không biết có cuộc càn quét thanh trừng bọn tham quan và bọn tình nghi nội ứng cho Gia Định ở kinh thành Phú Xuân. Lửa cháy ở hai kho gạo lớn đã nhen nhúm lửa phẫn nộ của dân chúng. Phú Xuân hừng hực căm thù, mỗi người náo nức chạy quanh tìm kiếm một cái gì đó đáng ghét để thỏa sức hò hét, lăng mạ, chửi bới. Từ căn nhà kín cửa, ba mẹ con An hồi hộp theo dõi những tiếng chân bước rầm rập trước đường, tiếng la ó, cãi vã; dĩ nhiên họ vẫn tiếp tục nghe tiếng gạch đá rơi trên mái ngói.

Tình cảnh cô lập dù sao cũng tránh cho họ chứng kiến một cảnh đau lòng: cảnh hành hình các tử tội ở bãi đất bồi phía bắc sông Hương. An và hai con cứ tưởng nội vụ còn dằng dai, và tin rằng Lợi còn sống, dù là sống trong xó ngục sâu.

Lãng phải thay chị lãnh nhận cái xác chết chém của Lợi để tẩm liệm, chôn cất. Theo luật lệ, xác Lợi không được tẩm liệm một cách bình thường. Cái đầu bị chém không được tháp vào cổ, mà phải đặt xuống vị trí dưới háng. Lãng nhờ Trần Văn Kỷ xin được đặc ân cho phép liệm xác Lợi bình thường, và được chôn Lợi trong một huyệt riêng.

Khi Lãng trở về nhà An, anh thấy chị và hai cháu xanh mướt, đôi mắt lơ láo mất hết ý thức về thực tại. Khi Lãng quanh co báo tin Lợi đã bị hành quyết, An không hiểu ngay. Lúc đó thằng Phát đã dẫn bé Thái lần xuống bếp để rót nước cho cậu. Lãng lay tay chị, dịu dàng nói:

- Chị chớ buồn. Chẳng qua cũng là số phận.

An ngơ ngác nhìn em như nhìn một người lạ. Lãng lo sợ hỏi:

- Lãng đây mà. Sao chị nhìn em thế?

An giật mình, mếu máo hỏi Lãng:

- Ở ngoài đường, họ còn vây nhà ta nữa không?

Lãng thương hại chị, đáp:

- Không. Đã cho dẹp cả rồi. Về phần anh Lợi, em đã...

Mãi đến lúc đó, An mới nhớ đến câu "Chẳng qua cũng là số phận" lúc nãy. An chợt hiểu. Lãng còn hoang mang lo lắng chưa hiểu chị sẽ phản ứng thế nào, thì An đã khuỵu xuống, như một thân cây non bị chém ở tận gốc.

(1) Theo chú thích số 1 trong Lịch sử nội chiến ở Việt Nam của Tạ Chí Đại Trường: "Các giáo sĩ còn cho ta biết Quang Trung lên ngôi từ 3 tháng 10 Âm lịch (8-11-1788) chứ không phải như sử Việt chép là 24-11 Âm lịch (22-12-1788). Chắc ý định lên ngôi vốn có sẵn mà ngày làm lễ thì phải dời lại vì tin tức can thiệp của quân Thanh đưa về, khiến Huệ phải định tới ngày xuất quân mới làm cho long trọng một thể (trang 168 Lịch sử nội chiến ở Việt Nam).

(2) Kinh thư, Thiên Hồng Phạm.

(3) Kinh thư, Thiên Thái Thệ.

(4) Mai Quốc Liên dịch, Thơ văn Ngô Thì Nhậm, quyển 2,trang 108.