Sông Côn Mùa Lũ - Chương 60
Từ đầu tháng Tư, cuộc chuẩn bị tấn công Thuận Hóa cuốn hút mọi người như một cơn lốc, khiến không ai còn thì giờ suy nghĩ về mình. Chỉ còn một điều đáng suy nghĩ là làm sao để quyết thắng. Khắp nơi nhịp sống gia tăng gấp đôi, gấp ba. Hơi thở hừng hực chí chiến đấu. Cái rộn rã huyền nhiệm báo hiệu mùa xuân lại trở về vào đầu mùa hạ. Ngày kéo dài bằng ánh đuốc. Tuổi trẻ kéo dài bằng hy vọng và niềm tự hào. Những người chân đất vốn là anh chăn trâu, chị bán trầu, phu khuân vác, thậm chí là tên vô lại ngoài chợ, chưa hết ngỡ ngàng trước sức mạnh tiềm tàng của chính mình. Hơn mười lăm năm qua họ tham dự vào biến động long trời lở đất, cho nên họ hết còn e dè ngờ rằng tất cả chỉ là do may rủi. Không. Không có may rủi nào lại có thể trường cửu đến hơn mười lăm năm ròng. Họ bắt đầu tự tin, và tự hào. Họ tin ở bàn tay cầm cày và cầm giáo của họ, rồi tin ở khả năng trí tuệ của họ. Ngoài mùa xuân trời đất, họ tạo ra một mùa xuân khác vào mỗi đầu hạ. Đầu tháng Tư họ ra đi, và khoảng đầu hoặc cuối thu họ mang chiến công trở về. Điều đó xảy ra hằng năm như luật tự nhiên, như điều bình thường.
Nhưng tháng Tư Bính Ngọ, họ rạo rực hăm hở vì một điều khác thường. Không như những lần vượt biển vào Nam trước đây, lần này, họ sắp tiến công ra Bắc!
*
* *
Trong phòng cơ mật, vua Thái Đức đang chủ tọa một cuộc họp quan trọng. Những người được triệu tới dự họp gồm có: Tiết chế Nguyễn Lữ, Long Nhương tướng quân Nguyễn Huệ, Đô đốc Nguyễn Hữu Chỉnh, Phò mã Vũ Văn Nhậm và Thái úy Bùi Đắc Tuyên. Không thấy mặt quan Hình bộ Bùi Văn Nhật như trong các cuộc họp quan trọng trước đây. Các lính hầu được lệnh không cho bất cứ ai đến gần phòng họp.
Vua Thái Đức mở cuốn lịch ra, vui vẻ bảo mọi người:
- Ta đã định được ngày xuất quân rồi. Hai mươi tám tháng Tư. Chỉ còn không đầy nửa tháng nữa. Các ông phải lo cho gấp lên!
Rồi quay về phía Nguyễn Huệ, nhà vua nói:
- Chú Tám, lần này ta cũng giao trọng trách cho chú đấy. Chú làm "Thống lĩnh chư quân thủy bộ". Nhưng chú đừng vội lo. Chú không đơn thương độc mã như lần đánh nhau với quân Xiêm đâu. Chú có thằng Nhậm theo làm Tả quân Đô đốc, ông Cống Chỉnh đây làm Hữu quân Đô đốc. Lại thêm chú Bảy Lữ chỉ huy đội thủy quân dự bị. Đường đi nước bước Thuận Hóa ông Cống thuộc như thuộc từng chỉ tay của mình. Bên kia đèo Hải Vân nhân tâm đang ly tán, phòng thủ rời rạc. Việc có vẻ khó nhưng với chú, ta biết chú đảm đương nổi. Ý chú thế nào?
Nguyễn Huệ định trả lời vua anh, nhưng nghĩ sao, do dự, quay sang phía Nguyễn Hữu Chỉnh hỏi:
- Xin quan Đô đốc cho biết tình hình phòng thủ Thuận Hóa thế nào đã.
Nguyễn Hữu Chỉnh cúi đầu xin phép nhà vua, rồi mới đáp:
- Tình hình chung thì đúng như lời dạy bảo sáng suốt của Hoàng thượng. Lực lượng nhà Trịnh ở Phú Xuân mới xem có vẻ hùng hậu. Từ sông Gianh vào đến Hải Vân, ngoài số tạm binh và thổ binh, riêng số tinh binh từ Bắc hà đưa vào cũng có trên ba vạn rồi. Thành Phú Xuân là chốn địa đầu trọng yếu, nên lực lượng thủ ngự lại càng mạnh mẽ đông đảo. Cách xây đồn đắp lũy cũng kiên cố, kín đáo. Trên dải đất hẹp chạy dài theo ven biển gần như không chỗ nào không có bóng quân Trịnh. Phía bắc có các đồn Bố Chính, Leo Heo, và Lũy Thầy. Sâu về phía nam có dinh Cát. Phía cực nam có đạo quân án ngữ ở vị trí xung yếu tại đỉnh Lũy (đèo Hải Vân). Cả bắc lẫn nam che chở kín đáo cho thành Phú Xuân của Quận Tạo. Đó là chưa kể những đạo quân Bắc hà bên kia sông Gianh có thể sẵn sàng tiếp cứu Phú Xuân lúc có tin biến. Nhưng... như nhận định anh minh của Hoàng thượng, tất cả lực lượng đông đúc, dinh lũy kiên cố ấy giống như một cây đa bị mục nát từ bên trong, chỉ chờ một cơn gió nhẹ là đổ. Vì Hoàng thượng đã dậy: nhân tâm Bắc hà đang ly tán, phòng thủ lại rời rạc. Lẽ thắng đã rõ như ban ngày.
Vua Thái Đức hỏi:
- Quận Tạo, trấn thủ Thuận Hóa, có đáng sợ không?
Nguyễn Hữu Chỉnh bĩu môi đáp:
- Hắn chỉ là cái bị thịt đần độn, sở dĩ được nhà Chúa tin dùng vì răm rắp tuân theo lệnh trên, không dám có sáng kiến riêng. Hắn lại không giỏi việc binh, khi hữu sự cứ quýnh quáng như gà phải cáo. Nhưng lúc vô sự thì lại nhanh nhẹn tìm mọi cơ hội để vơ vét của dân. Nếu không nhờ tên Phó tướng Hoàng Đình Thể lo giúp việc binh thì hắn khó lòng ở yên Thuận Hóa lâu đến thế. Hiện giờ Quận Tạo và viên Phó tướng không ưa nhau. Quận Tạo ghét Thể vì thế lực viên Phó tướng này mỗi ngày mỗi tăng. Hoàng Đình Thể ghét Quận Tạo vì tính tham lam vô độ, sự đần độn, và mê tín của tên Trấn thủ.
Nhà vua liền hỏi:
- Hắn tin chuyện quỉ thần nhảm nhí lắm à?
- Tâu Hoàng thượng đúng như vậy. Hắn tự biết mình bất tài, lại sợ Chúa mới không tin dùng, nên theo lời Nguyễn Phu Như, suốt ngày hắn tìm gặp bọn thầy tướng để biết trước hậu vận, liệu trước đường thoát thân.
Vua Thái Đức gật gù, cười thật tươi nhưng không nói gì. Một lúc sau nhà vua hỏi Nguyễn Huệ:
- Bây giờ đến lượt chú Tám. Chú định dùng thủy binh hay bộ binh? Dồn hết lực lượng đánh vào Phú Xuân hay chia nhiều mũi đánh đồng loạt các đồn lũy suốt một dọc từ Hải Vân ra sông Gianh?
Nguyễn Huệ suy nghĩ một lúc mới chậm rãi đáp:
- Lần này thì địch đông đảo và bố phòng kỹ càng, nếu chỉ đánh Phú Xuân không thôi thì quân ở dinh Cát lẫn đỉnh Lũy sẽ tiếp cứu Phú Xuân được ngay. Cho nên ta nên tấn công bất ngờ và chớp nhoáng ở tất cả các cứ điểm chính. Phải từ Hải Vân đánh ra, từ sông Gianh đánh vào, đồng thời ta dùng quân thủy bộ đánh cả Phú Xuân, để chúng giở tay không kịp, mà cũng không thể tiếp cứu cho nhau được.
Vua Thái Đức lo lắng hỏi:
- Liệu ta có đủ sức không?
Nguyễn Huệ quả quyết đáp:
- Dạ thưa đủ. Nhờ quan Đô đốc mà thủy quân của ta có khả năng chở được cả súng lớn và voi trận. Thủy chiến cũng hữu hiệu hơn. Hiện nay là mùa gió nồm thổi mạnh, chiến thuyền của ta có thể nhanh chóng đưa quân đến đánh phá tất cả các dinh lũy ven biển.
Nhà vua lại hỏi:
- Chú chia các cánh quân thế nào?
Nguyễn Huệ đáp:
- Có lẽ nên chia làm ba cánh lớn: một đạo thủy quân vượt biển ra tới sông Gianh vừa để chận quân tiếp viện của Bắc hà, vừa để tiêu diệt các đồn lũy từ sông Gianh vào đến dinh Cát. Một đạo thủy quân tiến đánh thành Phú Xuân. Một đạo bộ binh đánh đèo Hải Vân, phá tan được quân Trịnh ở đỉnh Lũy thì phối hợp với đạo thủy quân tiến công đồng loạt vào mấy vạn quân của Quận Tạo. Mặt trận chính dĩ nhiên là thành Phú Xuân. Do đó phải làm thế nào để hai cánh quân thủy bộ phối hợp được nhau thì mới thủ thắng.
Nhà vua hớn hở quay hỏi mọi người:
- Kế hoạch tiến quân như vậy được chứ? Các ông nghĩ sao?
Không ai dám trả lời ngay. Nhà vua lại hỏi Huệ:
- Chú định giao cho ai cầm đầu ba cánh quân đó?
Nguyễn Huệ đáp:
- Cánh quân bộ lãnh trách nhiệm nặng nhất, nên quan Đô đốc ạ, có lẽ tôi phải nhờ ngài giúp sức. Cánh quân thủy đánh Phú Xuân giao cho Phò mã. Còn cánh quân ra sông Gianh thì do anh Bảy chỉ huy.
Vua Thái Đức hỏi Lữ:
- Chú Bảy thấy đã ổn chưa?
Nguyễn Lữ rụt rè nói:
- Đường biển hơi xa, nhưng chắc cũng được thôi. Phần quan trọng vẫn là nhiệm vụ của chú Tám ở Thuận Hóa.
Nhà vua hỏi Vũ Văn Nhậm:
- Còn cánh thủy quân đánh vào cửa Thuận. Nhậm có đảm đương nổi không?
Vũ Văn Nhậm mạnh bạo đáp:
- Tâu Phụ vương, nhất định con phải đảm đương nổi. Nếu không...
Vua Thái Đức cười ha hả vì vui mừng, cắt lời con rể:
- Nếu không... nếu không! Chẳng lẽ mày thua trận, tao đòi lại con gái!
Mọi người cười ồ. Hào khí bàng bạc khắp cả gian phòng cơ mật.
*
* *
Nguyễn Hữu Chỉnh gọi Lợi đến chỗ vắng xa xóm chài hỏi:
- Tôi hỏi điều này, anh đừng giấu tôi nhé. Anh có để dành được chút ít vàng bạc, tiền của nào không?
Lợi lúng túng không biết phải trả lời thế nào. Chỉnh vẫn kiên nhẫn chờ Lợi đáp, miệng mỉm cười khuyến khích, Lợi thú thật:
- Trước đây tôi cũng dành dụm được chút ít. Nhưng sau vụ bị án, mòn mỏi đi cả. Gần đây, tôi lại...
Nguyễn Hữu Chỉnh nói:
- Tôi biết! Tôi biết! Nhưng ít ra nếu anh đi Bắc, chị ở nhà cũng đủ sống được vài năm chứ!
Lợi lo âu nói:
- Có lẽ không đủ. Nhưng vợ tôi lúc cùng cũng có thể tự xoay xở được. Con cái bây giờ đã lớn, mấy mẹ con có thể bươn chải kiếm sống. Mà tại sao ngài hỏi thế?
Nguyễn Hữu Chỉnh im lặng hồi lâu, chờ cho Lợi sốt ruột mới nói:
- Tôi sợ chuyến tấn công ra Bắc kỳ này làm đảo lộn hết cả. Có thể anh phải xa gia đình lâu đấy, hoặc một hai năm, hoặc lâu hơn nữa!
Lợi lấy làm lạ, vội hỏi:
- Sao thế ạ? Những lần đánh Gia Định trước đây có xảy ra gì đâu! Hay ngài sợ chuyến này ta sẽ thua to.
- Không phải thế. Nhất định ta sẽ thắng lớn. Quân Trịnh bạc nhược không thể chống lại ta đâu. Nhưng lấy Thuận Hóa xong, chắc chắn sẽ có nhiều phân tranh. Lúc đó anh phải chọn. Không dễ dàng đâu!
- Chọn gì ạ?
- Chọn ở phía nào, bên này đèo Hải Vân hay bên kia. Chọn phía nam Hải Vân thì đoàn tụ với gia đình, nhưng... nhưng khó lắm. Chọn phía bắc thì... tôi sợ, tội nghiệp cho chị và các cháu!
Lợi bắt đầu hiểu, nhưng không thể thấy hết được toàn thể cục diện sắp chuyển của tình thế. Anh hoang mang lo lắng hỏi:
- Sắp xảy ra phân tranh hay sao, thưa Đô đốc? Có thể khác không? Vả lại, ai phân tranh với ai? Có lẽ nào...
Nguyễn Hữu Chỉnh không muốn đi xa hơn nữa, nên bảo:
- Ấy là tôi chỉ đoán mò vậy thôi. Anh không kín miệng, cả anh lẫn tôi đều mang vạ đấy. Đáng lẽ tôi không nên nói chuyện này. Nhưng với anh, tôi muốn giúp đỡ.
Lợi rụt rè hỏi:
- Tôi phải làm gì, thưa ngài? Hay là...
- Anh muốn ở lại đây phỏng? Không được đâu. Chuyến này nhà vua dốc toàn lực ra đánh Phú Xuân, cho nên anh có cưỡng cũng không cưỡng nổi. Ngọn sóng đã cuốn về phương bắc, anh có dừng lại thì sức sóng cũng đập vỡ ngực anh ra. Tốt hơn hết là phải lựa chiều sóng mà toan tính, mà cư xử. Anh có nhớ một lần tôi khuyên anh nên cố nối lại với ông Long Nhương hay không? Lần này, anh phải đi, đồng thời cũng phải lo trước cho gia đình. Hay tôi cho anh vay một ít nhé?
Lợi cảm động không nói được, chỉ lí nhí:
- Thật tôi không ngờ... Tôi không dám...
Nguyễn Hữu Chỉnh vỗ vai Lợi, thân mật bảo:
- Anh làm việc với tôi bao lâu mà còn nói thế ư? Đừng ngại. Tôi giúp anh không phải vì lòng tốt đâu. Vì lợi đấy, anh Lợi ạ (Chỉnh cười vì cách nói láy hóm hỉnh của mình). Nhưng anh đừng sợ. Tôi không đòi hỏi anh giúp tôi những điều khó khăn, nguy hiểm. Tôi chỉ mong anh thành thực cho tôi biết những điều anh biết. Thế thôi!
Lợi hấp tấp hỏi:
- Ngài muốn biết điều gì ạ? Nếu...
- Không. Không phải bây giờ. Sau này kia! Tôi liều thân báo trước những điều hung cát cho anh, thì xin anh hãy xem tôi như một người thân thuộc, như người anh ruột thịt của anh. Thế thôi! Chuyến này tôi được cử làm Phó tướng cho ông Long Nhương, nên chắc chắn có những điều tế nhị ông Long Nhương không nói hết với tôi, vì cách biệt tuổi tác, vì cách biệt tính tình, vì nam bắc xa lạ. Dĩ nhiên ông Long Nhương đối đãi với anh khác, với tôi khác. Khi nào anh thấy có điều bất lợi cho tôi, cho đại cuộc, hoặc do tôi vụng về, hoặc do ông Long Nhương e ngại, thì anh báo giùm cho tôi biết để tôi sửa chữa. Nhớ nhé, anh Lợi nhé.
Lợi không ngờ Nguyễn Hữu Chỉnh chỉ nhờ mình có vậy, nên vui mừng đáp:
- Vâng ạ. Nếu chỉ có thế thì tôi sẵn sàng. Còn về khoản...
Nguyễn Hữu Chỉnh cắt lời Lợi:
- Được. Anh nên lo trước cho chị và các cháu khỏi vất vả nếu vạn nhất có điều bất trắc xảy đến. Anh cần gì, cứ bảo tôi. Bây giờ anh với tôi coi như anh em kết nghĩa, anh đừng e ngại gì cả. Thôi, ta trở lại cơ xưởng, để bọn thợ khỏi bỏ bê công việc. Ngày mai ta cho hạ thủy mấy mươi chiến thuyền cuối cùng phải không? Ta phải lo cho xong xuôi hết để thủy binh còn diễn tập cho thành thạo trước khi xuất quân. Không biết ông Long Nhương sẽ xếp anh theo tôi hay theo Phò mã Nhậm!
*
* *
Lãng đưa người thầy võ vào gặp Long Nhương tướng quân xong mới xin phép về nhà. Anh phải lặn lội lên tận An Thái để tìm cho ra người Tàu ở chợ An Thái trước đây từng dạy võ nghệ cho hai anh em Lữ, Huệ. Ông cụ không còn ở căn nhà cũ nữa, tiệm thuốc bắc ngày trước đã dột nát. Lãng hỏi thăm nhiều người mới tìm được khu vườn u tịch ông cụ về đấy để dưỡng già. Tuy đã ngoài bẩy mươi, người thầy võ vẫn còn mạnh khỏe, quắc thước. Tóc bạc phơ, khuôn mặt trổ đồi mồi nhưng da dẻ còn đỏ hồng, râu trắng dài phất phơ. Ông cụ không tin những người học trò cũ nay đã thành danh còn nhớ tới mình. Rõ ràng ông cụ hãnh diện được Long Nhương tướng quân gửi biếu quà cáp quí giá. Nhưng khi nghe lệnh triệu về kinh thành, ông cụ hơi ngỡ ngàng, không vui. Lãng đi ngựa theo sát bên cái võng điều của ông cụ, đi đường, anh không nghe ông cụ hỏi han gì. Người lính khiêng võng gốc An Thái gợi chuyện, ông cụ cũng chỉ đáp qua loa cho có mà thôi. Lúc dừng nghỉ ở giữa độ đường, ông cụ mới hỏi Lãng:
- Ông là tùy tướng của ngài Long Nhương đấy à?
Lãng muốn cải chính, nhưng không biết nói thế nào cho đúng vị trí của mình, chỉ ậm ừ cho qua. Ông cụ lại hỏi:
- Ngài Long Nhương vẫn thường tập quyền đấy chứ?
Lãng thích thú, đáp liều:
- Thưa vẫn tập luôn đấy ạ.
Ông cụ gật gù, rồi nói:
- Hồi xưa anh ấy... ý tôi muốn nói ngài Long Nhương đó, hồi xưa ngài giỏi quyền cước lắm. Lão đoán thế nào sau này... rồi quả nhiên đúng y như vậy. Cách ông ấy đứng tấn vững, và oai, như con hổ sắp vồ mồi.
Mấy người khiêng võng tò mò muốn hỏi chuyện võ nghệ, ông cụ không muốn bắt chuyện, từ chối khéo:
- Lão già yếu, quên cả rồi. Bây giờ chỉ sống tạm với mấy khóm hoa để chờ chết. Chẳng hiểu ngài Long Nhương còn triệu lão về kinh làm gì?
Nguyễn Huệ thực sự mừng rỡ khi gặp lại người thầy võ ngày xưa, sự cung kính cuống quít giống y như lúc Huệ gặp ông giáo Hiến. Lãng định dìu ông cụ bước lên thềm dinh, nhưng ông cụ bước thoăn thoắt, mạnh bạo nhanh nhẹn như một thanh niên tráng kiện và yêu đời. Anh làm tròn bổn phận, và xin được ghé thăm nhà. An nghe tiếng Lãng gọi cổng, lật đật chạy ra với bộ mặt hớt hải khác thường. Lãng ngạc nhiên hỏi:
- Chuyện gì thế chị?
An quên cả mở cửa, bảo em:
- Vào chị hỏi cái này. Nhanh lên!
- Nhưng chị chưa mở cổng.
- À quên. Em vào nhanh lên. Hay thôi, ta đứng đây nói chuyện để lũ trẻ khỏi quấy rầy. Anh Lợi với chị vừa cãi nhau xong.
Lãng chán nản nói:
- Lại cãi! Độ này em thấy cả chị lẫn anh Lợi đều nóng nẩy.
Môi An run run khi chị nói:
- Không phải chuyện vặt thường ngày đâu Lãng. Sáng nay anh ấy nói với chị nhiều chuyện lạ lắm. Em đừng giấu chị. Đã xẩy ra việc gì ghê gớm lắm phải không?
Lãng ngơ ngác không hiểu chị nói gì. Anh nói:
- Có gì đâu! Tại sao chị hỏi thế?
An bực dọc nói:
- Đến em mà cũng giấu chị. Nếu không có gì, tại sao anh Lợi nói xa nói gần đến chuyện sắp xa nhau, nào là mẹ con chị phải kiên nhẫn chờ anh ấy, nào là nếu gặp biến nên tránh xa kinh thành, nào là... ôi thôi, anh ấy nói như người hấp hối trối trăn cho vợ con. Không biết anh ấy tìm ở đâu mà có vàng bạc đưa cho chị nữa, bảo là để phòng tai biến. Lãng, chị sợ quá, đừng giấu chị, tội nghiệp. Chuyện gì sắp xảy ra thế? Hay anh Lợi bị người ta dèm pha, ám hại?
An nói một mạch, nét mặt xanh xao, đôi mắt rơm rớm sắp khóc. Lãng vội bảo:
- Em chẳng hiểu gì cả. Hoặc trong thời gian em đi An Thái dưới này vừa xảy ra chuyện gì. Nhưng anh Lợi đâu rồi, chị?
- Anh ấy về ăn vài bát cơm lại tất tả đi ngay. Anh ấy hẹn tối về sẽ nói kỹ hơn. Lãng, chị sợ lắm. Chị có cảm tưởng chuyến này sẽ có người trong gia đình ta gặp chuyện chẳng lành. Nếu... nếu bất cứ ai... nếu... mẹ con chị sẽ ra sao đây.
An bắt đầu thút thít khóc. Lãng cố tìm mọi cách để trấn an chị. Anh lúng túng bảo:
- Coi kìa! Sao chị lại nghĩ vớ vẩn thế. Em chẳng hiểu anh Lợi tưởng tượng ra những điều ghê gớm nào để lo sợ rồi cuống quít lo lắng. Nhưng chị bình tĩnh lại đi. Chị nghĩ mà xem. Cả triều đình ai là kẻ am tường tình thế nhất? Có phải ông Long Nhương không? Có phải anh Huệ không? Một khi anh Huệ chịu nhận kiếm lệnh, chắc chắn anh ấy đã thấy trước ta phải toàn thắng. Chị nhớ lại xem, có bao giờ anh ấy thua đâu! Chị đừng tưởng quân Bắc hà hùng hậu can đảm hơn quân Gia Định. Ngoài đó chính sự nát bét ra! Binh lính thì kiêu căng phá phách lương dân, quan lại thì nhũng lạm biếng nhác. Điều đó ông Cống Chỉnh đã biết từ lâu, và chắc chắn anh Lợi cũng biết. Thuận Hóa lại là đất cũ của Nam hà, lâu nay bị chúa Trịnh thừa cơ chiếm đoạt, cai trị hà khắc, xem dân Thuận Hóa như cừu thù. Lòng dân tất phải hướng về ta. Chuyến này ta ra đấy, chỉ có thắng chứ không thể bại. Làm gì có tai biến, có bất trắc đến nỗi anh Lợi phải trối trăn trước với chị. Hay là anh ấy cố làm ra bi thảm để chị mủi lòng trước lúc đi xa. Gớm, mấy năm nay anh ấy không rời khỏi nhà, nên lần này anh ấy làm ra vẻ quan trọng. Chứ đối với anh Huệ và các tướng sĩ, chẳng qua là một chuyến đi chơi rong thích thú mà thôi. Chị không vào trại lính để thấy mọi người rộn rã vui mừng đến bậc nào!
An đưa ống tay áo lên chặm nước mắt, thút thít bảo:
- Rộn rã! Vui mừng! Thật chị không hiểu nổi bọn đàn ông! Không bao giờ hiểu nổi! Vui mừng! Làm như sắp được cầm chuôi gươm, cầm giáo đi đâm chém người khác là một trò chơi thích thú lắm! Em biết không? Mấy hôm nay đi đâu chị cũng nghe các bà mẹ, bà vợ xì xầm sợ hãi. Họ không dám nói lớn vì sợ phép nước. Họ cũng không dám khóc lớn ở chỗ đông người. Họ khóc thầm em có biết đâu! Em không phải là đàn bà, không mang nặng đẻ đau nên không thể hiểu được tấm lòng những người mẹ. Khổ sở nuôi cho con khôn lớn, rồi phải sắm sửa quần áo, gạo thóc, đưa nó đi, đi đâu? Đi đến chỗ hòn tên mũi đạn để chết. Biết bao nhiêu công phu đổ xuống sông xuống biển, không đau đớn sao được! Trong lúc đó cái bọn vô ơn lại cười đùa, "vui mừng rộn rã" như em vừa nói. Vui mừng! Tự nhiên xông ra đâm chém nhau, để ruộng nương lại cho đàn bà cày cấy, tưới mồ hôi kiếm cơm nuôi lũ nhỏ lớn lên để tiễn chúng ra trận chuyến sau, chuyến sau nữa...
Lãng cắt lời chị:
- Nói thế thì còn chuyện gì nữa! Chuyện đời đâu có đơn giản vậy!
An cãi lại:
- Sao không đơn giản! Mọi người cùng hẹn với nhau bẻ hết gươm giáo, vứt hết súng ống, thì đâu còn cảnh mẹ già đưa con ra trận, vợ góa khóc chồng, trẻ con mồ côi cha.
Lãng biết không thể tranh luận được với An, cười xòa, nói đùa:
- Lúc đó người ta vẫn đánh nhau, nhưng đánh theo lối của các bà: Giằng tóc của nhau, lấy răng mà cắn nhau cho đến lúc cả hai cùng chết mệt.
An nói đã hả, nên không giận Lãng. Nghe em nói đùa, An cười. Chị đã bình tĩnh hơn, bắt đầu ngờ vực chồng sốc nổi, hời hợt, lo sợ những điều không đáng lo sợ. Để vững tin hơn, An hỏi:
- Nhưng chắc chắn không có gì nguy hiểm chứ?
- Chị nói gì ạ? Các bà cắn nhau mà không nguy hiểm sao?
An cười khanh khách:
- Không phải thế. Chị hỏi: Chuyến này không có gì đáng lo ngại phải không?
- Đúng như vậy. Chị đừng lo hão.
Hai chị em lững thững vào nhà. Lãng hỏi:
- Các cháu đâu, chị?
- Chị vừa hét cho chúng chịu ngủ trưa. Nhất là cái thằng Phát rắn mắt, cứng đầu. Khổ vì nó! À, hồi sáng có chị vợ anh Kiên qua đây!
- Có gì lạ không hở chị?
- Dĩ nhiên chị ấy chịu qua đây phải có sự lạ rồi. Chiều nay em qua gặp anh Kiên một chút!
- Chi vậy?
- Chị ấy khóc, bảo anh Kiên độ này gần như phát khùng rồi. Cả ngày ngồi yên một chỗ, rồi lảm nhảm những gì không ai hiểu. Chị ấy nhờ chị, hoặc em qua "khuyên răn" anh ấy. Khuyên răn! Nghe mà tức cười!
- Ai bảo anh Kiên phát khùng?
- Thì chị ấy chứ còn ai.
- Thật là...
Lãng tức quá, nhưng không tìm được tiếng nào thích hợp, không tìm được ai để trút giận. Anh ấp úng một lúc, rồi đỏ mặt, bảo An:
- Được, em qua ngay. Em với anh Lợi sắp đi xa, chị và các cháu cũng nên qua lại với bên ấy để thăm nom, nương tựa nhau.
An vội hỏi:
- Em vừa nói gì đấy? Đúng y như lời anh Lợi hồi sáng. Cũng dặn nếu có gì thì nhờ anh Kiên lo giúp, cũng bảo cần nơi ẩn lánh, nương tựa. Nhất định em còn giấu chị.
Lãng không ngờ câu nói vô tình lại có hậu quả xấu, hấp tấp nói:
- Chị lại lo hão rồi! Em giấu chị để làm gì! Chị nghĩ lại mà xem, giấu chị để làm gì!
*
* *
Vợ Kiên dẫn Lãng đến chỗ bụi chuối, trỏ chỗ Kiên đang ngồi tĩnh tâm, rồi len lén trở ra quán, như vừa làm một việc tội lỗi. Lãng thấy anh vẫn tĩnh tọa ở chỗ thường tĩnh tọa trước đây. Nắng chiều xuyên qua cành lá cây mít già in loang lổ lên người Kiên những bóng râm. Cảnh tượng khác thường đó khiến Lãng rụt rè. Anh bước chậm và nhẹ, cố không gây tiếng động. Nhưng con đường nhỏ trong vườn có nhiều sỏi nên bước chân Lãng vẫn làm xao động cảnh u tịch quanh Kiên. Lãng đến cách anh độ vài bước thì Kiên mở mắt, mỉm cười chờ em. Kiên giữ nguyên thế ngồi kiết già, nhưng hai bàn tay đã lật ngược lại, úp lên hai đầu gối. Thấy em lúng túng chưa biết nên đứng hay ngồi chồm hổm trước mặt anh để nói chuyện, Kiên bảo:
- Chú ngồi xuống viên đá ong đó cho khỏi nắng.
Lãng vâng lời anh, đến ngồi lên viên đá đặt cách xa Kiên khoảng hai bước, phía bên trái. Vì Kiên không đổi hướng nhìn nên mỗi lần nói, Lãng phải nghiêng người quay về phía anh.
Kiên hỏi:
- Chừng nào chú đi giết người?
Lãng ngớ người, không ngờ ngay từ đầu Kiên đã hỏi như vậy. Lãng không thể trả lời được gì, nên hỏi lại:
- Anh bảo gì ạ?
Kiên mỉm cười, nhìn Lãng với đôi mắt bao dung, thương xót. Kiên không nhắc lại câu vừa nói, chỉ hỏi sang chuyện khác:
- Nghe nói Lợi nó cũng đi phải không?
Lãng đáp:
- Vâng ạ.
- Xong việc này thì làm gì nữa?
Lãng hơi bực, đáp gọn:
- Em không biết.
- Chú không biết mà vẫn làm.
Lãng không dằn được giận, hỏi Kiên:
- Thế anh có biết anh đang làm gì không?
Kiên vẫn giữ nụ cười thương xót, đáp:
- Biết chứ. Anh đang tĩnh tọa.
- Tĩnh tọa để làm gì?
- Tĩnh tọa để khỏi phải "tĩnh tọa".
Thấy em nhíu mày, Kiên nói thêm:
- Để khỏi phải mù lòa làm theo những điều không thấy, khỏi phải múa may quay cuồng trong cái không biết, khỏi phải húc sâu vào cái giả. Cho giống mọi người. Như chú vậy!
Máu nóng bốc lên đầu Lãng. Anh nhìn thẳng vào mặt anh, bạo dạn nói một mạch, những điều Lãng nghĩ:
- Anh cũng chẳng khác em bao nhiêu đâu. Có bao giờ anh nhìn rõ mình hay không? Anh sợ mù lòa ư? Sợ múa may ư? Sợ không thấy được hư thực ư? Anh tránh cái giả này bằng cách bám vào một cái giả còn lớn hơn nữa! Cái anh gọi là chân lý, là hạnh phúc, chẳng qua chỉ là ảo giác. Cái anh gọi là lối thoát toàn vẹn, là đại đạo, là... là đủ thứ tuyệt đối mỹ miều, chẳng qua chỉ là một cách lừa mình và làm khổ người. Cảm thông với vạn vật! Hòa nhập vào cái đại thể của vũ trụ! Thở được cùng một nhịp với đá và hoa cỏ! Nghe được tiếng cười của nắng! Anh còn nghĩ ra được bao nhiêu điều huyền diệu nữa, trong khi chính anh, vâng, chính anh thu mình trong cái xó vườn này, cố ý làm ngơ không biết nỗi khổ tâm của chị, nỗi lo âu của mọi người. Anh tưởng có thể lấy thúng úp voi được sao? Càng tĩnh tọa, anh càng phải cố làm thui chột cảm giác của anh, ép buộc đầu óc anh chịu đổi giả làm thực, đổi đen làm trắng. Anh đừng cười như thế nữa. Anh phải nhìn cho rõ cái thực của anh rồi muốn làm gì hãy làm, chê bai, chế giễu ai cũng được.
Kiên nghiêm mặt lại, chậm rãi hỏi Lãng:
- Bộ mặt thực của anh là gì? Lãng thử nói đi.
Lãng hỏi:
- Anh chưa thấy sao?
- Thấy chứ! Nhưng đứng trong nhà nhìn qua cửa sổ khác với đứng ngoài trông vào. Lãng đừng ngại. Anh không giận chú đâu. Nói đi!
- Anh như con tằm tự nhả tơ làm kén để gói mình.
- Đấy là một lời khen, không phải chê. Bậc trí ở đời ngồi một chỗ có thể biết được mọi sự, nhìn một sợi tóc cũng đủ biết lẽ lớn nhỏ của bốn phương. Tự gói lại để hàm dưỡng. Đến một lúc nào đó, phải đục thủng cái kén óng ánh đó hóa thành con ngài mà bay ra.
- Không. Anh tự quấn lấy mình mà tưởng là đang trên con đường đạt đạo. Khổ quá. Anh không muốn nhìn sự thực.
- Thì chú cứ nói phăng cái sự thực phũ phàng ấy đi. Còn chờ gì nữa. Biết đâu chuyến này chú đi không về. Anh còn chờ chú đến lúc nào?
- Anh đã muốn, em không ngại nữa. Cái thực của anh ư? Anh yếu đuối mà kiêu căng. Anh ngại khó, nên lúc nào cũng tìm một con đường dễ để khỏi đau đớn thấy mình yếu đuối. Cả đời anh, anh đã làm được gì? Thất bại. Thất bại. Hết thất bại này đến thất bại khác. Anh bằng lòng lấy chị không phải vì cao thượng, ân nghĩa mà chỉ vì anh nhận cái gì có sẵn, cái gì vô tình gặp trên đường. Anh khỏi phải thử thách, cố gắng. Thiên hạ sau đó có đàm tiếu chăng? Anh lại được dịp thấy mình cao thượng, kẻ cả, vượt lên tất cả thị phi. Những điều ấy đều giả chẳng khác nào cái cảm giác anh gọi là hạnh phúc lúc gò mình ngồi ôm cục đá. Anh đánh lừa anh quá lâu rồi. Đủ rồi! Anh nên chấm dứt làm khổ mình và làm khổ kẻ khác. Đấy, em đã nói hết, một lần cho xong. Em không nói thì không ai dám nói. Không bao giờ có dịp để nói nữa. Anh có giận, em xin chịu!
Kiên lắc đầu chầm chậm, dịu dàng bảo Lãng:
- Chú lầm rồi. Anh không giận chú đâu. Chú nói không sai! Nhưng chỉ đúng có một phần. Chú chỉ đủ sức thấy được cái kén, mà không đủ sức thấy được cái gì có trước cái kén, cái gì có sau cái kén. Cả đến cái kén chú cũng chỉ thấy được phần hình, sắc, mà chưa thấy được chính nó. Anh hiểu chú, và thương xót chú. Chú ngồi dịch lại đây, không lại nắng.
Lãng làm theo lời anh, lòng ấm ức nhưng không biết phải tranh luận với Kiên thế nào cho ngã ngũ. Kiên nhắm mắt lại, đưa hai bàn tay bụm lại như muốn hứng một vật gì sắp từ trên trời rơi xuống. Kiên lẩm bẩm những gì Lãng không nghe rõ. Lãng khó chịu, run run hỏi:
- Anh còn muốn nói chuyện với em nữa không?
Vẫn nhắm mắt và mỉm cười, Kiên nói:
- Chú cứ nói tiếp đi. Nhớ nói, chứ đừng bập bẹ học nói. Cũng như chém giết là một cách bập bẹ học sống. Kẻ đạt đạo thường lặng lẽ. Sự sống thực, tự nó sinh và diệt, không cần nhờ đến ai. Nào, chú nói tiếp đi!
Lãng vùng vằng đứng dậy. Cho đến lúc anh sắp đi khỏi vườn, quay lại nhìn, Lãng thấy Kiên không mở mắt.
*
* *
Vợ Kiên lo lắng đón Lãng ở hông quán, thì thào hỏi:
- Sao chú? Anh ấy có nghe chú không?
Lãng buồn rầu, lắc đầu, không nói gì. Vợ Kiên đỏ hoe cặp mắt, chán nản nói:
- Thật là Trời hành! Mẹ con tôi có tội tình gì mà khổ thế này! Nhưng anh ấy có mở mắt nhìn chú không? Có nói gì với chú không?
- Có, chị ạ.
Vợ Kiên mừng rỡ hỏi:
- Thế à! Anh ấy nói những gì?
Lãng lúng túng, chưa biết phải thuật cuộc đối thoại giữa hai anh em thế nào. Người chị dâu hấp tấp hỏi tiếp:
- Anh ấy có chịu vào nhà không?
Lãng kinh ngạc hỏi:
- Chị nói gì vậy? Anh ấy không vô nhà à?
Đến lượt vợ Kiên ngạc nhiên:
- Cô An không nói gì với chú sao?
- Có. Chị ấy bảo chị gọi em qua đây gấp, khuyên anh Kiên vài lời.
Vợ Kiên đưa hai ngón tay bóp đầu mũi, rồi lấy khăn chùi nước mũi nhiều lần, đến nỗi đầu mũi và mép môi trên đỏ rần. Giọng chị kể lể:
- Anh ấy mới trở chứng chừng vài ba hôm thôi. Mấy hôm trước đến bữa ăn, anh ấy còn vào. Tối sương xuống cũng vào đi ngủ. Đột nhiên mấy hôm nay anh ấy ngồi luôn cả đêm, ai hỏi gì không nói. Tôi, thì anh ấy giận dỗi, chê là dốt nát không thèm nói cũng được đi. Đến con Út hằng ngày anh ấy cưng chiều nó, thế mà tôi sai nó ra vườn năn nỉ, anh ấy cũng không mở miệng. Trước khi trở chứng, anh ấy có bảo con Út là anh ấy sắp "nhập đạo", đừng ai quấy rầy anh ấy. Chú xem, "nhập đạo"! Nhập áo quan thì có! Quán đông người ra vào, người tử tế thì ít mà dân vô lại uống quịt lại lắm. Không có đàn ông trong nhà, chúng nó đánh hơi được, nên càng lộng. Buôn bán thế này có ngày cụt vốn chết đói cả mẹ con. Anh ấy có hứa gì không chú? - Không, chị ạ!
- Thế anh ấy nói gì với chú?
Lãng cố gắng tóm tắt những điều anh em tranh luận nhau, nhưng vợ Kiên không hiểu gì cả. Rõ ràng chị nghi ngờ cả sự sáng suốt của Lãng. Chị chán nản, hỏi em chồng:
- Nghe nói chú sắp đi xa phải không?
- Vâng, chị ạ.
- Tôi cũng thấy khách uống rượu bàn tán xôn xao lắm. Họ bàn tính trước chuyện đi buôn Đàng Ngoài. Nghe họ bảo đem gạo ra Thuận Hóa bán, lời nhiều lắm. Cầu trời cho chú được bình yên. À, chú Lợi có đi không?
- Anh ấy cũng phải theo quân, chị ạ!
- Chú ấy lanh, thế nào cũng phát tài. Chỉ còn bọn đàn bà chúng tôi ở lại. Quán này chắc sẽ ế ẩm. Làm sao sống đây! Tôi đã nhắn cậu em chồng tôi ngoài Thăng Bình, nhờ cậu ấy vào giúp tôi trông nom quán một thời gian. Tôi cho tiền phu trạm, không biết hắn có giúp thực hay không. Cậu ấy vào thì chị em đùm bọc nhau, nếu cần dắt díu trở ra ngoài đó nương nhờ bà con, chứ ở đây... chú tính, mẹ con tôi thế này, anh Kiên lại thế này... Chú vào nhà uống chén trà đã.
- Thôi, chị cho tôi về. Ngày mai rảnh tôi lại cố sang, xem anh Kiên có đổi ý hay không.
- Làm phiền chú quá. Thật đúng là tội trời! Hôm nào đi chú nhớ cho tôi hay nhé. Trời sinh giặc làm chi! Hết giặc này đến giặc khác. Chú về nhé. Cảm ơn chú.