Sông Côn Mùa Lũ - Chương 54

Cái tin Nguyễn Hữu Chỉnh đã trốn vào Qui Nhơn cuối cùng cũng đã bay ra đất Bắc. Triều đình ở Thăng Long lấy làm lo lắng, nên treo giải thưởng lớn cho ai tìm cách dụ được Chỉnh trở về.

Một người em rể của Nguyễn Hữu Chỉnh xin nhận việc đó. Triều đình liền cấp cho y một đạo mật chỉ để y lên đường.

Thấy người em rể vất vả từ Bắc Hà vào tìm, Chỉnh biết chuyện này có nhiều phức tạp và nguy hiểm, nếu không khôn khéo xử trí chắc chắn sẽ có những hậu quả khó lường. Thừa biết tất cả lính hầu là người của Bùi Văn Nhật, nên Chỉnh gọi người em rể vào căn phòng có nhiều người, hỏi lớn: (1)

- Mày lận đận trèo đèo lội suối đến đây làm gì? Có phải định làm thuyết khách cho chúa Trịnh không? Mày coi mặt ta từ thuở lọt lòng đến giờ đã có khi nào nghe ai xui khôn xui dại đâu, mà mày dám cả gan như vậy?

Người em rể cúi đầu nín lặng, không dám thốt lời nào. Chỉnh lại hỏi:

- Mày ở Bắc vào đây, nhất định là rõ tình hình Bắc Hà. Hãy kể cho ta nghe. Sau khi Huy quận công bị nạn, Công chúa (vợ quận Huy, con gái chúa Trịnh Doanh) và các cậu trốn tránh đi đâu?

Người ấy đáp:

- Hiện thời Công chúa bị Dương thái phi giam vào hậu cung. Hai cậu nghe tin có biến, liền chạy về quận Yên Dũng dấy quân phục thù. Cả vùng Kinh bắc chấn động. Chúa sai Trấn thủ Kinh bắc là Mãn trung hầu bày trận ở núi Ba Tầng. Các cậu sai viên Thủ lệnh Hoàng Tú làm Tiền đội tiên phong, đem quân nghênh chiến. Hoàng Tú bị tử trận, quân tan, hai cậu đã bị bắt đóng cũi đưa về kinh sư.

Nguyễn Hữu Chỉnh than:

- Thiếu niên vốn khách khí, bại là phải. Nhưng cũng là một nghĩa cử, dù bại cũng vinh. Vậy sau khi bị đưa về kinh sư, hai cậu ra sao?

- Đình nghị hai cậu đều đáng tội chết. Vì Chúa nghĩ tình anh em con cô con cậu nên mới giảm cho một bậc. Nhưng Thái phi lại sai người bắt hai cậu phải uống thuốc độc. Có kẻ báo tin với Chúa, Chúa sai người cản lại. Tới nơi thì cậu cả đã ngấm thuốc chết rồi, cậu hai thoát nạn, hiện bị giam tại ngục cửa Đoài.

Chỉnh ngậm ngùi:

- Thương thay! Phá tổ thì vọt trứng. Người ta có tội tình gì mà nỡ nhẫn tâm thế! Còn Công chúa từ khi bị giam vào hậu cung, sống chết thế nào?

- Chúa cũng nghĩ tình cô ruột, không muốn hành hạ gì cả. Nhưng vì Thái phi vẫn có hiềm cũ, nên cố tìm cách làm cho khổ cực đủ đường. Công chúa vừa hận vừa lo, thành bệnh mà chết.

Chỉnh thở dài nói:

- Công chúa chết đi là phải. Sống làm gì nữa! Còn Đặng tuyên phi?

- Từ khi ấu chúa bị truất, Thái phi sai người đi nã Tuyên phi đem đến trước mặt kể tội, bắt Tuyên phi phải lạy. Tuyên phi nhất định không lạy. Thái phi sai hai thị nữ kèm hai bên víu tóc Tuyên phi dập đầu xuống đất. Tuyên phi vẫn nhất định không lạy, và không hở răng nói gì. Thái phi giận quá, đánh đập Tuyên phi một hồi, nhổ nước bọt lên đầu lên mặt, rồi truyền đem giam ở Hộ tăng đường trong vườn sau, làm tình làm tội cực kỳ khổ sở. Một hôm Tuyên phi lấy áo che mặt lẻn ra cửa Tuyên vũ, trốn được đến bến đò khách. Quân lính đuổi kịp bắt về. Từ đó Tuyên phi càng bị giam chặt. Về sau nghe nói có nhiều sự lạ bên lăng Thịnh Phúc (lăng Trịnh Sâm), Thái phi lo sợ phải khoan giảm cho Tuyên phi, cho Tuyên phi qua lo chuyện thờ phụng tẩm miếu. Tuyên phi được vào hầu hạ lăng tẩm, đêm ngày gào khóc, xin được chết theo tiên vương. Đến ngày đại tường tiên vương, Tuyên phi bèn uống thuốc độc tự vận. Chúa sai quan trấn Thanh hoa theo lễ cung nhân, táng ở nơi cách vọng lăng tiên vương một dặm.

Nguyễn Hữu Chỉnh khen:

- Chết như vậy được đấy. Ta tưởng Tuyên phi chỉ có nhan sắc, không ngờ lại có cả tiết liệt. Sau đó chuyện báo ơn báo oán còn gì khác không?

- Chúa được lập hôm trước, thì hôm sau hạ chiếu bao dung tất cả mọi người. Riêng kẻ đứng ra tố cáo việc năm Canh tý thì không được tha. Mấy người đó lần lượt bị bắt và bị khép tội hết thảy. Riêng Ngô Thì Nhậm không biết đã trốn đi đằng nào. Còn những người phải chết vì vụ án Canh tý đều được truy tặng tước vương, có lập đàn siêu độ, giải oan cho họ.

Chỉnh lắc đầu nói:

- Giết kẻ vâng lệnh cha mình ở triều, lại rêu rao tội lỗi của cha mình cho khắp nước rõ, cả hai việc đều là đại bất hiếu. Hiện giờ ngoài đó ai làm Tham tụng, ai làm Bồi tụng?

Người em rể đáp:

- Chúa vừa được lập, thì Tứ xuyên hầu bị bãi chức ngay. Quan Bồi tụng Bùi Huy Bích được thay và làm Kế liệt hầu. Hiện nay một mình Kế liệt hầu giữ ngôi Tham tụng. Bọn Trương Đăng Quỹ, Mai Thế Uông, Nguyễn Công Thước thay nhau lãnh chức Bồi tụng. Đó là những bậc tai mắt cầm quyền chính sự hiện thời.

- Từ đó đến nay, có điềm lành điềm gở gì không?

- Không có điềm lành, còn điềm gở thì nhiều lắm. Ngày rằm tháng Một Nhâm dần, giữa trời bỗng phát một tiếng nổ rất to và kéo dài non khắc, rung chuyển cả mặt đất. Không biết là tiếng gì.

- Việc ấy ta có biết. Có lẽ là tiếng trống trời!

- Năm Quí mão (1783), núi vua Hùng tự nhiên sụt xuống hơn hai mươi thước. Tháng Sáu, sông Thiên đức cạn hẳn một ngày một đêm. Đấy là những chuyện lớn ai cũng biết. Còn điềm gở nhỏ thì vô kể.

Nguyễn Hữu Chỉnh tắc lưỡi mấy cái, rồi hỏi tiếp:

- Bọn lính Tam phủ còn tác oai tác quái nữa không?

- Vẫn thế. Hằng ngày chúng nó tụ họp nhau lại bàn chuyện triều đình. Cãi nhau chán, chúng nó còn viết giấy đưa vào triều bảo việc này phải thay, việc kia nên giữ. Nhiều điều thật vô lý chúng nó cũng cứ đòi cho được. Ai nói gì động đến chúng là chúng dọa phá nhà. Chúng lập Chúa, rồi lại lập Hoàng tự tôn, phá nhà Nguyễn Khảm, giết Chiêm vũ hầu, ôi thôi Kinh sư bây giờ bát nháo như cái tổ ong sắp vỡ.

Chỉnh nghiêm sắc mặt hỏi:

- Nước đã loạn như thế, còn gì đáng giá nữa đâu mà không bỏ đi. Mày mất công lặn lội vào đây làm gì!

Nói thế, nhưng Nguyễn Hữu Chỉnh vẫn sai nhà bếp làm rượu thịt ân cần thết đãi người em rể.

Sau khi người ấy no say, Chỉnh trở lại lớn tiếng căn vặn anh ta vào Qui Nhơn làm gì.

Người em rể thực tình thú nhận:

- Đường trung hầu thấy tôi với anh có tình bà con, mới tâu lên Chúa xin giáng chỉ sai tôi vào đây khuyên anh về triều. Chúa hứa sẽ không để cho anh thiệt thòi phú quí đâu!

Hắn đưa tay vào bọc định tìm mật chỉ, nhưng Chỉnh đã cười lớn bảo:

- Mày là kẻ ngu, ta không chấp làm gì. Nhưng ta trách cái đứa sai mày vào đây đã dám khinh ta. Vì vậy ta phải giết mày. Nếu oan, mày xuống âm phủ mà kiện cái thằng đã sai mày đó.

Rồi Chỉnh truyền lệnh thủ hạ lôi ngay người em rể ra chém.

*

* *

Chờ cho quan Hình bộ Bùi Văn Nhật tâu trình tỉ mỉ chuyện Chỉnh xong, vua Thái Đức mới thong thả nói:

- Ta cũng được quan đô đốc tâu đầy đủ vụ này. Hắn tâu còn kỹ càng hơn cả anh nữa. Mấy tên lính dốt của anh nghe tiếng được tiếng mất. Thật chán. Đường trung hầu Bùi Thế Toại nghe ra thành Đàng Trong hầu. Đàng Trong hầu là thế nào? Có cái tước nào lại nôm na như vậy, nhất là ở chốn văn vật như Bắc Hà! Nội mấy chữ ấy không thôi đã đủ chứng tỏ chúng chẳng được việc gì!

Quan Hình bộ vừa thẹn vừa uất vì thái độ khác thường của nhà vua, tìm cách chống chế:

- Tâu Hoàng thượng, chúng là lính hầu nên không thể hiểu hết chữ nghĩa được. Vả lại, những điều chúng trình lại đều đáng tin. Nhất là tình hình Bắc Hà, và các lời đối đáp giữa quan Đô đốc và sứ giả.

Nhà vua chau mày nói:

- Tình hình Bắc Hà thì không có chúng ta cũng biết, và còn biết rõ, biết đúng hơn anh nữa. Còn các lời đối đáp, cũng thế. Quan Đô đốc nộp cả tờ mật chỉ cho ta. Anh có muốn xem không? Rõ ràng hắn một dạ trung thành với ta, không có gì phải ngờ. Anh cho rút bớt tụi lính hầu của anh cho làm việc khác thì hơn!

Quan Hình bộ vội thưa:

- Tâu Hoàng thượng, những hành động đó không chứng tỏ hắn trung thành. Ngược lại, hắn vẫn là kẻ giả dối, gian manh.

Vua Thái Đức trừng mắt, giọng hơi xẵng:

- Anh nói cái gì thế?

Bùi Văn Nhật không e sợ nữa, bạo dạn đáp:

- Bởi vì hắn không hành động đúng với thường tình. Hắn nỡ giết em rể hắn không một chút xót thương băn khoăn. Ruột thịt mà hắn còn dám thế thì những kẻ xa lạ như chúng ta, khi hắn cần phản bội, hắn sẽ cạn tàu ráo máng đến bậc nào! Vả lại, hắn đâu có được quyền muốn chém ai thì chém. Tuy sứ giả là người nhà của hắn, nhưng vào đây, tất nhiên phải thuộc quyền của Hoàng thượng. Hắn vội chém chết sứ giả, chắc chắn bên trong còn có nhiều sự mờ ám. Hắn muốn diệt khẩu để tránh hậu hoạn. Hắn...

Vua Thái Đức cắt lời quan Hình bộ:

- Đầu óc anh méo mó lắm rồi, anh Nhật. Nhìn đâu anh cũng thấy toàn kẻ thù. Cái gì cũng là âm mưu xảo trá. Người ta dứt khoát cả tình cốt nhục để tỏ dạ trung thành, mà anh còn ngờ thì phải làm gì nữa cho anh tin. Chẳng lẽ phải tự mổ ruột moi ra cho anh đo từng khúc?

Bùi Văn Nhật thấy dù có nói gì thêm cũng vô ích, nên cúi đầu im lặng. Nhà vua quan sát thái độ quan Hình bộ, dịu dọng nói:

- Vả lại, anh chỉ thấy một, chưa thấy cả bốn phía. Cho dù hắn giả dối, muốn giết em rể để tỏ dạ trung thành, thì nội hành động đó không thôi cũng đủ buộc hắn phải sống chết níu lấy áo ta. Anh đã lấy lời cung của bọn Đỗ Nhàn Trập và Hộ bộ Bá rồi chứ gì? Đấy, anh xem. Lâu nay ta mạnh dạn tin dùng bọn hàng tướng là vì vậy. Nghe tụi tàn quân của thằng Chủng kéo đến, Hộ bộ Bá sợ hãi xin rút. Trập thì quyết đánh. Hắn có dám mạnh dạn rút lui như Bá đâu. Hắn ở vào cái thế một mất một còn với tên Chủng, nên đâu dám làm bất cứ việc gì khiến ta ngờ vực. Nguyễn Hữu Chỉnh cũng vậy. Cứ để cho hắn làm thịt em rể hắn. Tin này bay ra Bắc Hà, sĩ phu ngoài đó sẽ phỉ nhổ hắn. Tự hắn chặt đứt cầu qua sông Gianh rồi. Hắn không còn đường về, chỉ còn một đường là cúc cung tận tụy với ta. Hà hà, hắn tưởng khôn mà hóa dại. Anh đã thấy chưa?

Bùi Văn Nhật vẫn còn hoang mang, nói:

- Nhưng vào đây chưa bao lâu, hắn đã làm xáo động khắp nơi. Chuyện gì hắn cũng chõ mồm vào. Hắn đem chuyện Bắc Hà ra lòe mọi người, từ nghi thức lễ lạc cho đến chuyện binh nhung.

Nhà vua dựa ngửa lên lưng trường kỷ, gác cả hai chân lên cái bàn thấp gỗ gụ chạm trổ công phu, cười to, rồi bảo Nhật:

- Việc này thì các anh không được tự ái. Phải nhận cách tổ chức ở khắp các bộ đều luộm thuộm quá. Các anh cứ rề rà mãi, đến nỗi bụi bậm meo mốc phủ dày cả đống giấy tờ. Hắn chen vào xốc lên là phải. Các anh có sặc sụa hắt hơi vì mốc vì bụi không phải lỗi hắn xông xáo, mà vì lỗi các anh. Chẳng hạn hiện nay bộ Hình của anh có bao nhiêu người?

Bùi Văn Nhật rụt rè đáp:

- Tâu Hoàng thượng, khoảng vài chục người.

Vua Thái Đức vội hỏi:

- Bao nhiêu?

- Dạ khoảng... dạ chừng lối...

- Sao lại "khoảng" với "chừng lối"? Anh phải nắm chắc con số thuộc hạ của anh chứ! Phải dứt khoát 28 hoặc 39.

Bùi Văn Nhật cố gắng biện hộ cho mình:

- Tâu Hoàng thượng, vì có một số người được đưa qua làm ở khắp các nơi, nên không tính đúng được.

Vua Thái Đức cười to, nói tiếp:

- Thì ta cho anh tính luôn số đó. Bao nhiêu tất cả?

- Dạ khoảng 80.

- Lại "khoảng chừng". Đấy, chính anh làm hình bộ mà không nắm chắc số thuộc hạ của mình, hỏi làm sao các đơn thưa kiện, các vụ tranh tụng không chồng chất lưu cữu thành đống được. Bộ nào cũng đầy cả người mà việc không chạy. Hắn xông vào là phải.

Bùi Văn Nhật không nói gì nữa, nhưng nét mặt dàu dàu. Nhà vua thấy thế, dịu lời bảo:

- Anh phải nhìn cho rộng hơn mới được. Anh cũng phải nhớ rằng ta biết hết mọi điều. Hắn không thể giấu diếm ta được. Còn đối với anh, lòng ta thế nào, anh biết rồi.

*

* *

Quan Hình bộ vừa cáo từ, vua Thái Đức đã vội vã lên kiệu đến bản doanh của Long Nhương Tướng quân. Cả quan Tiết chế Nguyễn Lữ lẫn Long Nhương Tướng quân Nguyễn Huệ đã có mặt ở đó từ lâu, và đang nóng ruột chờ đợi nhà vua.

Sau khi đưa mắt ra hiệu cho lính hầu khép cửa phòng lại, nhà vua cười hỏi hai em:

- Mấy chú chờ có lâu không?

Nguyễn Lữ đáp:

- Hai em cũng vừa đến đây thôi.

Vua Thái Đức lau mồ hôi trán, và nói:

- Ông Nhật dài dòng quá! Biết các chú đợi nhưng không thể dứt ra đi được. Thế nào, mọi sự chuẩn bị xong rồi chứ?

Nguyễn Huệ hỏi nhà vua:

- Dạ có nên cho các tướng dự họp luôn không ạ?

Nhà vua hỏi:

- Chuyến này gồm những ai?

Nguyễn Huệ đáp:

- Dạ có Phò mã Trương Văn Đa, Tư khấu Nguyễn Văn Kim, Đô đốc Lê Văn Kế, tướng Phan Tiến Thận...

Nhà vua cắt lời em:

- Thôi được. Khỏi cần gọi họ tới. Ta bàn những điểm chính với hai chú. Những chuyện lặt vặt, chi tiết, hai chú bảo cho họ biết sau. Đã nắm được tình hình Gia Định chưa?

Tiết chế Nguyễn Lữ đáp:

- Dạ thưa, đã nắm rõ.

Nhà vua cười hỏi:

- Tụi Đỗ Nhàn Trập, Hộ bộ Bá chạy dài về đây, chúng nó lại được dịp tung hoành. Lại mộ binh, đắp lũy, đóng thuyền chờ chúng ta vào chứ gì?

Nguyễn Lữ đáp:

- Dạ. Hắn đắp lũy kiên cố ở hai bên sông. Lại bắc thêm một cây cầu nối hai bờ để dễ tiếp ứng cho nhau. Tin cuối cùng báo về cho biết tên Chủng chưa yên tâm, nên cho làm một bè nứa thật lớn giăng ngang qua sông, chờ thuyền ta tới sẽ dùng kế hỏa công mà đốt thuyền.

Nhà vua cười lớn, trề môi nói:

- Thằng con nít ranh này thật lớn mật. Kế hỏa công? Chú Tám, năm trước gió thổi từ cửa Cần Giờ về phía Bến Nghé đấy chứ?

Nguyễn Huệ đáp:

- Dạ đúng như vậy.

- Chú nhớ điều đó. Nếu các chú khéo chọn ngày gió thuận thì cái bè nứa hỏa công lợi hại kia sẽ là tai họa cho bọn thằng Chủng. Lửa sẽ thổi tạt về hướng chúng nó, đốt cho chúng không còn một sợi râu để vuốt. Chuyến này các chú xếp đặt thế nào để khi tiến vào cửa Cần Giờ, gió phải thuận như năm trước. Còn kế hoạch tiến công thế nào?

Nguyễn Huệ trải tấm bản đồ ra trước mặt hai anh, dùng ngón trỏ tay phải chỉ dẫn và giải thích:

- Hiện chúng đắp lũy ở hai bờ sông, đoạn này. Bè nứa hỏa công của chúng có lẽ cũng giăng ở khúc có lũy. Ta sẽ dồn lực lượng đánh ào ào, thật gấp thật mạnh cho chúng không có thì giờ vuốt mồ hôi. Bờ bắc có đạo quân của Tư khấu Lê Văn Kim, bờ nam có đạo quân của Đô đốc Lê Văn Kế. Trung quân thì có Phò mã Trương Văn Đa làm mũi tiên phong. Đạo thủy quân của chúng ta năm nay mạnh hơn năm trước nhiều, trong khi tên Chủng đã mất hết các tàu chiến Tây dương. Nhất định chỉ một trận thôi ta đã thủ thắng.

Vua Thái Đức gật gù, rồi bảo:

- Ta tin ở hai chú. Vì thế ta từ chối không cho Đô đốc Chỉnh dự trận này.

Tiết chế Nguyễn Lữ cau mặt hỏi:

- Ông ta có xin tham trận ư?

Nhà vua không ngạc nhiên trước câu hỏi thảng thốt của em, bình tĩnh hỏi lại:

- Sao chú hỏi thế? Cho hắn dự trận cho quen địa thế miền Nam, đâu có gì bất lợi?

Nguyễn Lữ vội nói:

- Ý em không muốn nói thế. Em ngạc nhiên không hiểu tại sao đâu đâu cũng có hắn xen vào. Hắn lại lôi kéo thằng Lợi về bên ấy, báo hại...

Vua Thái Đức cười ồn ào, châm chọc em:

- Báo hại thế nào? Bộ chú như thế mà không làm nổi việc đến nỗi thiếu đi một người phụ tá, đã quính lên hay sao?

- Dạ không phải thế. Nhưng nhờ có Lợi mà hắn biết đủ thứ việc. Ngay như việc tiếp lương...

Nhà vua ngắt lời Lữ:

- Thôi chuyện đó về sau hãy bàn. Trước mắt là chuyện tấn công Gia Định. Các chú đã biết mục đích chuyến này rồi chứ gì?

Nguyễn Huệ hỏi:

- Xong xuôi ta lại rút về, rồi cho vài nghìn quân ở lại giữ thành vài tháng, chờ ta vào lại năm sau, phải không ạ?

Nhà vua lại cười:

- Chú mày nói kháy ta, ta biết. Không. Lần này ta phải nhổ cho hết cỏ. Nếu cần các chú ở lại trong đó cho đến lúc nào không còn sót một chút rễ non, mới được về. Trước khi về, phải xếp đặt các đồn, các trạm, cử người có năng lực trấn thủ. Riêng Gia Định thì giao cho thằng Đa, được rồi. Ta hạn cho các chú sáu tháng phải làm xong. Tháng Hai bắt đầu vào. Tháng Tám trở về, liệu kịp không?

Nguyễn Lữ lo lắng, không dám trả lời. Nguyễn Huệ đáp:

- Không cần nhiều tháng như vậy. Tụi em sẽ về sớm hơn.

Nhà vua dặn thêm:

- Các chú phải để tâm đến mặt Long Xuyên. Nguyễn Hóa tính năng nổ, giao cho hắn lo phía đó. Tăng cường thêm cho hắn Phó chiến Mỹ để tuần tra mặt biển. Chúng nó thường đi về đường nào, lúc biến chui rúc ẩn nấp xó biển hốc đảo nào, các chú đã biết cả rồi, ta khỏi cần phải nhắc. Phải lanh như con chim cắt mới hòng nhổ hết được rễ.

Nguyễn Lữ càu nhàu một mình:

- Cái gì hắn cũng chõ mồm vào. Kể cả việc thuế khóa...

Vua Thái Đức kinh ngạc hỏi:

- Chú lầu bầu gì thế?

Nguyễn Lữ giật mình, lí nhí chối:

- Không, em có nói gì đâu.

Vua Thái Đức không bằng lòng, gằn giọng:

- Có. Chú có điều gì bất bình, cứ nói đi.

Quan Tiết chế không thể chối từ được, nên đáp:

- Em thấy hắn thóc mách quá lắm. Nguyễn Hữu Chỉnh đó, thưa anh. Bên bộ Hộ, Chỉnh chê các sắc thuế của ta nào không được rõ ràng, qui củ, nhiều kẽ hở, nào mù mờ khiến các quan địa phương dễ dàng lợi dụng để vơ vét dân đen.

Vua Thái Đức vội hỏi:

- Hắn nói như vậy lúc nào? ở đâu?

Nguyễn Lữ đáp:

- Hắn bảo với thằng Lợi như vậy. Vì trước khi cho Lợi qua bên đó, em đã có dặn...

Vua Thái Đức lắc đầu chầm chậm ra dáng chán nản trách móc:

- Tưởng hắn xồng xộc vào bộ Hộ, hạch hỏi mọi người, chê bai bừa bãi! Đằng này hắn chỉ nói chuyện phiếm với người dưới quyền! Chú thắc mắc như thế thì không bao giờ yên tâm làm được việc gì! Vả lại, chú nghĩ mà xem, hắn chê bai như vậy đúng hay sai? Đúng quá đi chứ! Thuế má chỗ này khác chỗ kia, quan dưới tùy tiện thu theo ý mình, tất nhiên phải có dịp nặng tay với kẻ ghét, nhẹ tay với người thương, thậm chí làm ngơ cho bọn dân lậu chịu lo lót tiền bạc, biếu xén của cải. Luật lệ không rõ dễ sinh tệ, mà không rõ vì mình dốt. Phải thành thật nhận ra cái dốt của mình để học cái hay của thiên hạ. Hắn ở xứ văn vật, lâu đời đã có trật tự trên dưới, luật lệ rõ ràng, ý của hắn khen chê không phải không đáng nghe.

Giống y như Bùi Văn Nhật, quan Tiết chế lại cúi đầu im lặng, nét mặt dàu dàu. Nhà vua quay sang hỏi Nguyễn Huệ:

- Ý chú Tám thế nào?

Nguyễn Huệ chưa muốn trả lời ngay, tìm cách hoãn binh:

- Anh hỏi em gì ạ?

Vua Thái Đức mỉm cười, đọc được cả gan ruột của cậu em út:

- Ta hỏi chú nghĩ gì về quan Đô đốc Chỉnh? Mấy tháng nay, những ý kiến của hắn về thủy binh, về kế sách, về tổ chức quân bị, chú nghe có lọt được tai không?

Nguyễn Huệ gật đầu, chậm rãi đáp:

- Ông ấy am tường việc binh lắm. Nhất là thủy chiến. Bản vẽ loại thuyền tải cỡ lớn có thể chở được voi, cũng như cách đưa voi lên thuyền xuống thuyền của ông ấy thật tỉ mỉ và hợp lý. Loại thuyền nhẹ dùng để nghi binh, cũng lạ. Dĩ nhiên những gì ông ấy nói chưa hoàn toàn phù hợp với địa thế kinh rạch miền Nam, nhưng với xứ Bắc, có lẽ phải theo đề xuất của ông ta. Nhà vua gật gù ra vẻ bằng lòng, hỏi tiếp:

- Thế chuyến này có nên cho hắn vào Gia Định không? Cho hắn tham trận để rút kinh nghiệm.

Nguyễn Huệ vội nói:

- Dù có cho ông ta đi cũng không ích gì. Ông ta gửi thân ở đây, mà lòng cứ đau đáu hướng về phương Bắc. Giá ta mang quân tiến ra Bắc Hà thì ông ta không thể thiếu mặt. Cho nên...

Vua Thái Đức thích thú quá, đập tay lên kỷ, reo:

- Chú khá lắm. Nhìn được như vậy là hiểu rõ tâm can con người ta. Phải. Hắn hữu dụng vào việc khác. Không phải việc này. Hai chú gọi các tướng đến bàn cho kỹ, rồi ta định ngày xuất quân. Ta hy vọng đây là trận chót, sau đó khỏi phải nghe tâu trình gì về đám giặc cỏ Gia Định nữa!

*

* *

Tháng Giêng năm Quí mão (1783), sau khi suy nghĩ chín chắn, Lãng chính thức xin Long Nhương Tướng quân cho thuyên chuyển về giáo phường (tức là ban ca kịch) của bộ Lễ. Nguyễn Huệ hơi buồn, nhưng hiểu được tâm trạng, tính tình viên Thư ký (mà từ lâu ông xem như một người em ruột thịt yếu đuối đáng được chiều chuộng bảo bọc), ông vui mừng cho Lãng chuyển ngành.

Nguyễn Huệ chỉ hơi tiếc, khi bảo:

- Còn không lâu nữa quân ta lại vào Nam. Hai lần trước có Lãng, có người để nói chuyện bình thường, kể cũng vui. Lần này thì...

Huệ ngẫm nghĩ lung lắm, mắt nhìn vào khoảng không. Một lúc sau, ông tiếp:

- Làm tướng cầm quân, không thể không nghiêm khắc, đôi lúc phải tỏ ra lạnh lùng. Có như thế mới có trên dưới, quân lệnh mới được tuân hành. Nhưng là người, ai không cần đến những lúc được sống thoải mái, buồn vui bình thường, ăn nói bình thường. Được buông thả, khỏi phải đanh mặt, nhíu mày, mím môi, gồng vai, lớn tiếng. Thiếu Lãng, ta thiếu những cái thú buông thả ấy. Lãng hiểu ta nói gì không?

Lãng cảm động, run giọng đáp:

- Em hiểu. Nhưng...

Nguyễn Huệ vội nói:

- Ta chỉ nói thế cho cậu yên tâm thôi. Cậu muốn nói gì, ta hiểu trước cả. Cậu không chịu được cảnh máu đổ chứ gì! Được, qua bên giáo phường, cậu sẽ mặc sức vui với cảnh xiêm y rực rỡ, mũ áo lóng lánh, kép hay đào đẹp. Ta ghen với cậu đấy!

Hai người cùng ồ lên cười. Nguyễn Huệ hỏi: - Lãng nhớ hôm trước ta dặn những gì rồi chứ?

Lãng đáp:

- Dạ nhớ. Nhưng... càng nghĩ càng thấy khó. Đưa giáo phường ra khỏi vùng cung đình, đưa lên sân khấu những khuôn mặt như chàng Lía ở truông Mây, khó quá. Khó chẳng khác nào muốn xoay chuyển cả một thói quen, nếp nghĩ.

Huệ cười, bảo:

- Đã đành là khó. Xoay chuyển thói quen, nếp nghĩ? Đúng, nếu cứ xưa bày nay làm thì việc gì cần ai! Vả lại, ông Mịch được lắm. Nhiều lần ta nói chuyện với ông ấy, thấy có nhiều ý lạ. Chẳng hạn ông ấy cũng nghĩ lời hát nhiều chữ Hán không ai hiểu, nhiều người gật gù chỉ là giả vờ sợ chê dốt. Ông ta cũng bảo anh hề rất quan trọng, không phải ai cũng sắm vai đó được. Lời anh hề phần lớn là lời Nôm, hoặc nhại lời văn hoa để pha trò. Nhưng nghĩ cho thấm thì không có vai nào độc địa, thâm thúy cho bằng lời bông lơn của anh hề. Ý lạ đấy chứ!

Lãng thiếu tự tin, chỉ dè dặt đáp:

- Vâng. Lạ lắm!

Nguyễn Huệ lại bảo:

- À, cậu nghe ông Cống Chỉnh hát theo lối Bắc Hà chưa?

Lãng đáp:

- Chưa ạ!

- Về điểm này, ta phải nhận mình là dân núi, văn hiến chưa bằng được Bắc Hà. Hôm... hôm đám cưới An, ta có nghe ông ấy hát một bài lạ lắm. Hình như bài "Trèo lên cây gạo" thì phải. Điệu đã lạ, lời lại nhã. Nhịp phách cũng khác đây nhiều. Ông ấy là dân phong lưu, ăn chơi có tiếng ở Bắc Hà, tất nhiên phải giỏi phải thạo chuyện xướng ca. Cậu phải tập cho biết mới được.

Lãng lo ngại đáp:

- Không biết em có làm được cơm cháo gì không?

Huệ bực dọc hỏi:

- Sao lại có cái giọng đó? Cái gì ta muốn, là phải làm cho được. Cậu muốn theo giáo phường, thì phải học hỏi, rồi dần dà tập viết tuồng cho người ta diễn. Nếu muốn mang râu đội mũ làm kép thì cũng phải tập công phu lắm. Ông Mịch không phải là người xa lạ. Cậu cứ mạnh dạn, kiên nhẫn học hỏi đi. Nếu được, cố học để viết tuồng chàng Lía cho quân lính xem. Họ sẽ thú lắm.

Thấy tên lính hầu cứ thập thò ở cửa, Nguyễn Huệ hỏi:

- Cái gì đó?

Tên lính hầu vào thưa: - Trình Tướng quân, có Phò mã Trương Văn Đa xin vào hầu.

Lãng vội vàng xin phép được ra về. Nguyễn Huệ không giữ lại, chỉ căn dặn:

- Ráng lên nhé. Có cần giúp việc gì, cứ qua đây. Đừng ngại. Này, cho mời Phò mã vào.

(1) Tiết này lấy từ Hồi thứ tư trong Hoàng Lê Nhất Thống Chí