Sông Côn Mùa Lũ - Chương 47
Khoảng một tháng sau cuộc hôn lễ linh đình rực rỡ của Nguyễn Huệ, tai biến ập đến gia đình An. Đúng như An từng lo sợ, nguyên nhân của tai biến là cái vạ miệng do Lợi gây ra.
Khi Hoàng hậu đến thăm cái dinh thự đẹp trong hoàng thành dành cho vợ chồng Long Nhương tướng quân, Lợi vẫn quen thói cũ, đem hết chuyện này chuyện nọ huyên thuyên làm vui lòng Hoàng hậu. Lợi có tài kể chuyện và pha trò, nên Hoàng hậu mải nghe Lợi nói, quên cả về. Lợi tán hươu tán vượn về tài trang hoàng của mấy bác thợ vẽ, giải thích hết sức dí dỏm về ý nghĩa các hình hoa văn. Chưa bao giờ Hoàng hậu được hưởng những tiện nghi nhà cửa cao ráo và lộng lẫy xa hoa như vậy, nên cái gì đối với Hoàng hậu cũng là những điều lạ mắt, khó hiểu. Lợi yên tâm không sợ một người sành sỏi khám phá cái dốt của mình, càng hăng hái ba hoa về sự hòa hợp mầu sắc, về mức sang trọng của màn trướng, bàn ghế, giường tủ, về ý nghĩa của một cành mai, trái đào, con nai có lộc, con sóc đang gặm quả, con lân ngậm hạt châu... khắc trên các loại đồ gỗ.
Lợi thấy giọng khôi hài châm biếm của mình cuốn hút được Hoàng hậu, nên nhảy từ chuyện nọ sang chuyện kia, đem cái lẩm cẩm của những bác điêu khắc, thợ vôi, thợ mộc ra chế giễu. Và đến một lúc thiếu đề phòng, Lợi châm biếm luôn cả sự dốt nát về nghệ thuật của Nội hầu Phạm Ngạn.
Hoàng hậu cười đến phun cả bã trầu, hỏi đi hỏi lại:
- Thật à? Té ra ông Năm Ngạn không biết ất giáp gì cả à?
Lợi được đà dặm thêm một chút giả tưởng cho vui chuyện, Hoàng hậu lại cười thích thú. Và Lợi thì hãnh diện về tài ăn nói duyên dáng, cuốn hút của mình.
Những lời châm biếm của Lợi đến tai Phạm Ngạn, chắc chắn là do Hoàng hậu kể lại.
Viên Nội hầu giận đến tím mặt. Quá lắm rồi! Thằng ranh bắng nhắng dám vuốt râu hùm! Mày đã muốn chết, thì ta cho mày chết! Phạm Ngạn lục lọi tất cả các đơn tố giác, khiếu nại, thỉnh nguyện của dân phu, những hồ sơ quý giá trước đây ông chưa kịp dùng vì thấy Thiếu phó Nguyễn Lữ vẫn có ý bảo bọc cho Lợi, còn Tây sơn vương Nguyễn Nhạc thì muốn cho qua.
Giờ đây, Phạm Ngạn cương quyết đi tới cùng. Ông xếp đặt các đơn khiếu tố theo từng mục, từng loại: đơn khiếu tố về chuyện mờ ám trong việc cấp gạo, đơn khiếu tố về chuyện ăn bớt số lương thực của các dân phu đau yếu hoặc bỏ trốn, đơn khiếu tố về việc dung dưỡng bọn lười biếng, chẳng những không làm việc mà còn được giao phát lương để bòn rút, đơn khiếu tố về các chứng từ ma... Viên Nội hầu sưu tập cẩn thận các chứng cớ buộc tội, rồi để đó! Không có gì phải vội! Cả triều đình đang bận rộn chuẩn bị cho cuộc hôn lễ lịch sử, không ai còn để tâm trí vào một chuyện mờ ám vặt như thế này. Nhất là quan Hình bộ Bùi văn Nhật. Cuộc hôn nhân đã củng cố địa vị chính trị cho anh em ông, xác định vị trí đặc biệt cho gia đình ông. Bùi văn Nhật, Bùi Đắc Tuyên dồn hết tâm trí vào đó, hôn lễ càng uy nghi rực rỡ, linh đình thì danh giá, quyền uy của họ càng được vững chắc. Phạm Ngạn chờ cho đến sau cuộc hôn lễ khá lâu, mới vin vào dịp kỵ mẹ mời Bùi văn Nhật đến nhà "nhắp vài chung rượu nhạt". Rất từ tốn, chậm rãi, khéo léo, Phạm Ngạn nhắc cho Bùi Văn Nhật nhớ vẻ mặt buồn rầu gần như hờ hững của Long Nhương tướng quân trong ngày lễ cưới, rồi viên Nội hầu làm như vô tình nói đến căn bệnh của ông giáo, đến An, xa xôi nhắc đến cảm tình giữa An và Nguyễn Huệ từ thời An Thái. Bùi Văn Nhật hiểu ngay mối đe dọa có thể có đối với hạnh phúc của em gái, đối với cả địa vị của mình. Vì vậy, khi Phạm Ngạn đưa tập hồ sơ cho quan Hình bộ, thì Nhật hiểu ngay điều cần phải làm.
Cũng từ tốn, kiên nhẫn, kín đáo y như Phạm Ngạn, quan Hình bộ lặng lẽ cho người đi xác minh từng đơn khiếu tố, kiểm tra sổ sách chi thu ở kho quân lương, so sánh các chứng từ xuất kho và các chứng từ thanh toán. Đến lúc nắm chắc được các số liệu, Bùi văn Nhật mới đem hết hồ sơ lên trình cho Nguyễn Nhạc. Mọi sự đã rõ như ban ngày. Dù quá hiểu cả cái tật lẫn cái tài của Lợi, nhà vua không còn cách nào nhẹ tay cho tên thuộc hạ cũ được nữa.
*
* *
Tai biến đột ngột ập đến không có dấu hiệu nào báo trước khiến An sững sờ. Lợi bị đóng gông dẫn đi rồi, chị vẫn còn ngồi trân người trên cái chõng tre, y như một cái xác bất động. Hai đứa trẻ khóc nức nở vì sợ hãi cảnh lính tráng hò hét, sục sạo hung tợn mà An không nghe thấy gì. Mấy đứa ở gái trốn biệt dưới bếp không dám lên nhà ngang. Thằng Phát khóc đến khan tiếng, nước mắt, nước dãi nhem nhuốc. Bé Thái chưa hiểu gì nhưng giật mình thức giấc vì tiếng khóc của anh, cũng oe oe khóc theo.
Lãng về nhà thấy tình cảnh ấy, vội trở vào trại tìm gặp Long Nhương tướng quân. Không may cho anh, Nguyễn Huệ đang bực bội về những tin xấu từ Gia định về. Vừa thấy Lãng, Huệ đã nói:
- Cậu có thấy ta đoán đúng chưa! (Huệ bắt đầu gọi cậu và xưng ta mấy tháng gần đây). Sao lại sai một lũ bại tướng vào trong đó lần nữa. Thua một thằng con nít mười bảy tuổi, trời hỡi trời, thật là đẹp mặt. Tư khấu Uy đã bị giết ở Bến Nghé. Bọn Liêm, Năng cũng bị giết. Chiến thuyền bị mất sạch. Lại còn lão Năm Ngạn nữa. Sao lại đưa quan hộ giá vào trận này? Có tin Năm Ngạn đã thoát chạy ra Bình Thuận. Nhưng Châu Văn Tiếp chờ sẵn ở đó. Liệu có chạy được về đây không? Bao nhiêu công phu xây dựng đoàn chiến thuyền để bọn bất tài đem dâng cả cho giặc. Chúng nó nhát như thỏ, giặc chưa tới đã quăng gươm giáo chạy tán loạn, thì giao việc quân cho chúng nó làm gì. Thua một thằng nhãi ranh mười bảy tuổi, trời hỡi trời!
Lãng không biết nói gì, chỉ nhắc chuyện cũ:
- Lần này chính quan hộ giá tình nguyện xin đi đấy, thưa tướng công. (Lãng cũng đã quen dần với cách xưng hô mới).
Giọng Nguyễn Huệ đầy bực dọc, tức giận:
- Chẳng lẽ ai xin gì cũng cho cả. Đưa một ông chuyên sai bảo quát mắng tụi lính hầu khúm núm ra cầm quân ở đất lạ, có khác nào... có khác nào...
Huệ trực nhớ mình đang chê trách anh trước mặt thuộc hạ, nên do dự không dám nói thêm những lời phạm thượng. Ông bối rối, rồi chuyển câu chuyện sang hướng khác. Huệ hỏi:
- Cậu chưa về à?
Lãng cố gắng mà chưa lấy đủ can đảm để nói chuyện Lợi bị bắt. Anh phải nói dối:
- Dạ chưa.
- Đã ăn cơm chưa?
Lãng lại nói dối:
- Rồi ạ.
- Tối nay ở lại đây chứ?
Lãng hy vọng nhờ buổi tối này có thể trình bày chuyện Lợi nhờ Huệ gỡ giúp, nên mau mắn đáp:
- Dạ vâng.
- Thế thì hay lắm. Ta có chút việc nhờ cậu. Thằng ranh con tên Chủng (Nguyễn Ánh) lại lăm le khôi phục rồi. Phải có một cuộc hành binh thần tốc hơn cả năm ngoái để quét sạch chúng đi. Phải chận trước các ngả đường chúng vẫn dùng để trốn sang Xiêm hay ra các đảo. Ta phải thấy trước cần đến bao nhiêu quân, bao nhiêu vũ khí, bao nhiêu chiến thuyền. Nếu được chấp thuận, ta phải đánh gấp cho kịp mùa gió. Chần chờ lại phải dời đến sang năm.
Lãng rụt rè hỏi:
- Đêm nay tướng công không trở về phủ?
- Không. Ta ở đây cảm thấy thoải mái hơn ở giữa chỗ màn trướng. Sống trong mấy bức tường vẽ vời hoa lá, chạm trổ cùng khắp, mình có cảm tưởng chính mình cũng là đồ giả. Cậu có bao giờ nghĩ thế không?
- Chưa có dịp ạ!
Long Nhương tướng quân chợt nhớ đến cảnh sống khiêm nhường của Lãng, chớp mắt cảm động hỏi:
- Thầy có bớt chút nào không?
Lãng hồi hộp thấy cơ hội đến, hấp tấp đáp:
- Dạ vẫn thế.
- Mấy chai thuốc hôm trước ta gửi có hiệu nghiệm gì không?
Lãng lại đáp sai sự thực:
- Được một thời gian, sau đó đâu vẫn hoàn đấy.
Huệ trầm ngâm, giọng buồn buồn:
- Tâm bệnh, khó chữa lắm.
Đột nhiên đôi mắt Huệ sáng lên. Ông định nói gì đó, nhưng lại thôi. Đôi mắt trở nên buồn buồn, mơ mộng. Lãng lấy hết bạo dạn, ấp úng nói:
- Hồi chiều, hồi chiều.
Huệ giật mình ngửng lên nhìn Lãng, bỡ ngỡ hỏi:
- Cậu nói gì thế?
Lãng nói một mạch không kịp thở:
- Hồi chiều, quan Hình bộ vừa cho lính đến đóng gông anh Lợi đem bỏ ngục.
Huệ kinh ngạc hỏi:
- Thực à? Tội gì thế?
- Dạ không rõ. Hình như chuyện dây dưa từ lúc còn cấp lương cho dân phu đắp thành.
- Vụ đó xong rồi kia mà?
Lãng bắt đầu thấy có hy vọng, vội đáp:
- Dạ cái chuyện không đâu ấy tưởng đã êm rồi, không ngờ...
Huệ đăm đăm nhìn Lãng khiến anh không dám nói hết câu. Huệ nói:
- Giữa cậu với ta, không có gì phải quanh co. Phải nói thẳng là Lợi không bị oan đâu. Tính anh ta thế nào, chúng ta đã biết quá rõ. Chính cậu nhiều lần cũng than phiền với ta đủ chuyện lôi thôi của ông anh rể. Có điều phải xét là có đáng xé to chuyện hay không! Cậu bảo là lệnh của quan Hình bộ à?
- Dạ. Chị... chị An kể chính quan Hình bộ ra lệnh.
- Ngoài việc bắt giam Lợi, bọn lính còn làm gì nữa không?
- Có lục xét nhà, và biên ký một số đồ đạc, nữ trang.
- Có tịch thu không?
- Dạ không rõ. Em vừa về thấy cảnh nhà xao xác, vội vàng trở lại đây.
Huệ quên lời nói dối của Lãng lúc nãy, nên bảo:
- Thôi, đêm nay Lãng về đi. Hỏi An cho rõ họ biên ký những gì, tịch thu những gì. Sáng mai vào đây cho ta hay. Nhưng có chắc là lệnh quan Hình bộ không?
- Dạ thưa chắc chắn, tướng công!
Huệ đăm chiêu suy nghĩ, lẩm bẩm:
- Phiền nhỉ! Sao lại lệnh bộ Hình? Vụ xích mích với ông Năm Ngạn đã xếp rồi mà.
*
* *
Lãng về đến nhà đã quá canh hai. Từ cổng nhìn vào anh có cảm tưởng đây là một khu nhà mồ. Anh gọi cổng. Con Vện đã bị đem cho người khác nuôi để khỏi làm cho ông giáo sợ hãi, nên phải gọi nhiều lần, mới có người bên trong cầm đèn ra mở. Lãng ngạc nhiên thấy Kiên mở cửa cho mình. Lãng hỏi:
- Ai cho anh biết nhanh thế?
Kiên cài then cẩn thận rồi mới đáp:
- An nó sai bà vú lại. Chú đi đâu về đấy?
- Em vào trại.
Sau một lúc ngần ngừ, Lãng tiếp:
- Em có thưa chuyện với anh Huệ.
Kiên đang cắm cúi bước vội ngửng lên hỏi:
- Thế à? Anh ấy trả lời thế nào?
Bấy giờ Lãng mới nhớ là Huệ chưa hứa điều gì chắc chắn, nhưng sợ anh thất vọng, Lãng đáp:
- Anh ấy hứa can thiệp giúp bên ông Nhật.
Kiên gật gù nói:
- Anh Huệ chịu hứa, thì còn cứu vãn được. Vào báo cho An nó mừng. Tội nghiệp!
Lãng bắt gặp An đang khóc thút thít bên nôi con. Hai đứa bé đã ngủ. Con Thái lâu lâu giật mình nên An phải ngồi canh giấc cho con. Lãng ngồi xuống bên chị. An không ngước lên, tay dặt dặt cái tao nôi. Lãng xúc động trước vẻ đau khổ thầm lặng của chị, nhỏ giọng nói:
- Em vừa đi gặp anh Huệ về!
An giật mình ngửng lên nhìn em. Lãng ngạc nhiên vì cái nhìn vừa hốt hoảng vừa phẫn nộ của chị. An cáu kỉnh hỏi:
- Sao lại đi báo cho người ta?
- Em nghĩ là chỉ có anh ấy là có thể... có thể...
An to tiếng, bực tức:
- Có thể... có thể làm gì? Người ta là em rể. Họ đã trở thành sui gia của nhau. Dĩ nhiên ông Nhật phải báo cho người ta biết, hoặc đã bàn bạc với nhau chán mới ra lệnh bắt. Sao mày ngây thơ thế! Mày van xin, năn nỉ người ta à?
Lãng vội đáp:
- Em có năn nỉ gì đâu? Chỉ báo tin cho anh ấy biết thôi. Vả lại đã chắc gì ông Nhật có bàn trước với anh ấy. Chị nhớ vụ của cha trước đây không?
- Hồi trước khác, bây giờ khác. Mày có thấy người ta thèm đến đây không? Người ta có biết cha bệnh nặng không?
- Biết.
- Đó. Biết mà có đến thăm không?
Lãng đâm ngờ, nhưng cố gượng nói:
- Nhưng nhìn nét mặt thảng thốt của anh ấy, em tin chắc rằng anh ấy chưa biết chuyện anh Lợi. Họ giấu anh ấy.
- Người ta ra lệnh chém một lượt hai ông chúa còn chưa nhíu mày, huống gì cái thân hèn của anh Lợi. Mày còn tin lòng dạ người ta được à?
- Sao chị đa nghi quá!
An càng lớn giọng hơn:
- Đời dạy cho tao đa nghi. Mày phải chịu đời vật cho nhiều trận nữa mới hiểu được lòng người nông sâu thế nào. Tao thì tao hiểu hết rồi. Tình nghĩa! Đến đứa con gái đẹp đẽ ngây thơ mà họ còn nỡ đem quăng vào cuộc mua bán, đổi chác bẩn thỉu, để bây giờ dở con dở bà, dở sống dở chết. Nhưng mày đã van nài những gì với người ta?
Lãng đâm giận chị, cãi lại:
- Chị khinh em quá. Em chỉ báo tin, chứ có van xin họ điều gì đâu?
An cười nhạt, hỏi lại:
- Thế người ta đã hứa với mày cái gì? Chừng nào anh Lợi được thả ra?
Lãng e dè đáp:
- Anh ấy chỉ bảo sẽ hỏi lại. Chuyện đâu có thể giải quyết đơn giản, mau chóng được.
An lớn tiếng nói:
- Đấy. Mày thấy chưa. Người ta có dám hứa với mày gì đâu! Quyền hành sinh sát ở cả trong tay anh em họ, muốn bắt ai thì bắt, muốn tha ai thì tha, chỉ cần người ta gật đầu một cái thì đến trăm quan Hình bộ cũng phải chịu thua chứ đừng nói một mình lão Nhật.
An nói to quá làm giật mình cả thằng Phát lẫn bé Thái. Hai đứa bé khóc thét lên. An à ơi ru con, một tay đưa tao nôi, một tay vỗ vào lưng cho thằng Phát yên tâm. Lãng thương chị, đến phụ An để dỗ thằng Phát. An trở lại ngồi chỗ cũ, miệng tiếp tục ru con.
Đang ru, tự nhiên giọng An run run, ngập ngừng, rồi bật khóc. Lãng an ủi chị:
- Chị đừng lo lắng quá. Mọi việc rồi thế nào cũng qua thôi.
An vừa nức nở vừa nói:
- Bao nhiêu tiền bạc của cải họ tịch biên hết, biết lấy gì sống đây! Cha như vậy, mấy đứa nhỏ đau lên đau xuống như vậy! Chỉ còn có nước chết! Em có biết cách nào để mấy mẹ con chị chết cho êm ái không?
Lãng nghẹn lời không nói gì được, chỉ khẽ nói:
- Chị...
Vừa lúc đó Kiên vào buồng An, Kiên chưa hiểu tâm trạng hai em, nên bình thản hỏi Lãng:
- Tối nay em ngủ lại đây chứ?
Lãng đáp nhỏ:
- Dạ.
- Như vậy anh về được rồi. Anh sẽ xếp đặt để hoặc anh qua ở luôn bên này một thời gian, hoặc anh cho con bé lớn qua.
Rồi vỗ vai An, Kiên an ủi:
- Thôi đừng buồn nữa. Hãy yên tâm lo cho các con đi. Anh ta đã hứa chắc như vậy, thế nào cũng xong.
An ngước lên nhìn anh, không hiểu Kiên nói gì. Nhưng chị đã quá buồn chán không nói được lời nào nữa.
*
* *
Sáng hôm sau, Lãng vừa thức giấc đã nghe ở nhà dưới có tiếng khóc tỉ tê và tiếng thì thầm rất giống với lời năn nỉ khẩn thiết. Lấy làm lạ, Lãng nằm im lắng tai nghe. Anh không nhận ra được tiếng ai khóc, nhưng nhất định không phải là của An.
Anh vội ngồi dậy đi xuống nhà dưới. An đang ngồi thừ bên bếp lửa, bên cạnh hai đứa ở gái và chị vú đang thút thít. Thấy Lãng xuống, họ quay mặt vào phía tối để quệt vội nước mắt trên má. An trông thấy em, gọi Lãng đến phân bua:
- Chị cho bà vú với hai con nhỏ này về mà họ nhất định không chịu. Họ có hiểu giùm cho chị đâu. Lúc trước thì sao cũng được. Bây giờ đến mẹ con chị chưa biết lấy gì ăn, làm sao nuôi nổi họ nữa. Chị vú vừa bảo để con Gái Nhỏ ở nhà trông em, còn con Gái Lớn với chị vú sẽ giúp chị buôn bán kiếm sống. Nhưng buôn bán cái gì bây giờ? Vốn liếng đâu? Mà họ có tội tình gì mà mang lấy cái vạ đói khổ này! Em đàn ông trông xa thấy rộng, em nói giúp cho họ hiểu.
Con Gái Lớn thút thít khóc, quay nói với An:
- Con bỏ cô con đi không đành. Rồi ai trông nom cho hai em. Con không cần tiền công. Cô có gì con ăn nấy.
Chị vú cũng nói:
- Cô ít sữa lấy gì cho con bé nó bú. Vả lại đi buôn đi bán đâu phải dễ. Cô chưa quen, còn tôi thì quen lắm rồi. Tôi sẽ giúp cô một thời gian cho quen bạn hàng, chờ cho con bé thôi bú, lúc ấy cô có giữ tôi cũng không dám ở lại nữa. Cậu thấy tôi phân bày như thế có được không. Cô ấy quẫn trí mất rồi!
Lãng hỏi An:
- Chị nghĩ kỹ chưa mà cho họ về? Còn cha? Còn hai cháu?
An bứt rứt nói:
- Không cho họ về chẳng lẽ để họ chết đói chung với mình à?
Con Gái Nhỏ nói:
- Tụi em không làm rầy cô đâu. Tụi em sẽ kiếm việc giúp cô. Em biết chằm nón, đan võng.
Con Gái Lớn cũng nói:
- Em biết đan lưới. Em sẽ lãnh đan lưới cho dân Giã dân Vũng. Cha mẹ em trước làm nghề chài quen với các vạn chài nhiều lắm. Cô đừng lo.
An cảm động không biết nói thế nào. Lãng nói:
- Thôi, chuyện đó cũng không có gì gấp. Chờ anh Kiên đến hãy bàn cho kỹ hơn. Chị lên đây em nói cái này!
An theo Lãng lên nhà trên. Lãng hỏi chị:
- Hôm qua họ tịch biên của anh chị những gì?
An vội hỏi:
- Em hỏi làm gì thế?
- Em sẽ nhờ anh Huệ để đòi lại. Của cải riêng của người ta, đâu có...
An bậm môi lại để dằn tức giận, nhưng không được. Chị cắt lời em:
- Chị nói lần chót cho em nhớ. Con người ta ai cũng có liêm sỉ. Thà mẹ con chị ôm nhau ra bờ sông tự trầm còn hơn mở lời năn nỉ, van xin người ta. Nếu em còn nhắc nhở tới chị với người ta, còn lên tiếng xin xỏ bất cứ chuyện gì cho chị thì kể từ đó, tình chị em kể như đoạn tuyệt.
Lãng hãi hùng trước nét mặt giận dữ đanh đá khác thường của An, lắp bắp hỏi:
- Đâu đến nỗi nghiêm trọng như vậy chị?
An giận run, hơi thở dồn dập:
- Đến... đến nước này mà em còn u mê! Còn chưa thấy lòng dạ người ta. Họ toan tính toa rập với nhau từ lâu để loại bỏ cha, rồi bây giờ đến lượt anh Lợi. Bao giờ đến lượt em? Chỉ cần một cái lỗi bằng hạt bụi cũng đủ cho họ khép tội cho em ở tù đến mọt gông!
Lãng ngỡ ngàng không hiểu nổi An. Môi An run run, nước mắt lưng tròng. Chị không thể chịu đựng được sự phấn kích tột cùng, nổi lên ho sặc sụa. Lãng nhận thấy không thể nói gì với chị được nữa, đành buồn rầu đáp:
- Em nhớ lời chị dặn. Vâng, em sẽ không nói thêm điều gì cả. Nhưng về việc chị vú và hai đứa ở, chị đừng nên vội. Chờ hỏi anh Kiên đã. Cả việc anh Lợi cũng vậy. Không có gì khó đến nỗi không tìm ra cách gỡ được. Điều quan trọng là tìm cho ra ai xưng xuất việc này.
An trề môi nói:
- Ai? Đến bây giờ mà em còn chưa biết ai? Ngoài gia đình lão Tuyên lão Nhật thì còn ai vào? Họ là sui gia với hoàng gia, quyền uy nắm gọn trong tay thì đóng gông ai mà chẳng được.
Lãng quan sát nét mặt chị, nhận thấy trong cơn phẫn nộ cay đắng, có cái gì khác hơn là nỗi lo lắng cho chồng, cho con. Có một yếu tố mới khích động An mạnh mẽ, gần như qua một đêm biến đổi hẳn tính tình, thái độ, lối suy xét, lối nhìn đời của An. Lãng mường tượng cảm thấy yếu tố mới ấy là gì, nhưng anh không dám nghĩ tiếp, vì càng nghĩ anh càng thương xót chị.
*
* *
An tìm cả buổi mới thấy cái nghiên và cây bút của ông giáo. Chị không tìm ra thỏi mực, và giấy. An sai con Gái Nhỏ xuống phố mua một xấp giấy bản, và một thỏi mực. Nó không sành chuyện giấy bút, mua nhầm giấy xấu và mực giả.
An mặc kệ, mài mực viết một lá đơn khiếu oan cho chồng, rồi không chờ hỏi ý kiến Kiên hoặc Lãng, ẵm bé Thái lên bộ Hình. Chị không thèm trả lời những câu hỏi lo sợ của bà vú và hai đứa ở, bất kể trời nắng chang chang, lầm lì bồng con đi ra đường. Đi được một đoạn, chị nhớ tóc tai của mình quá bù xù, quần áo xốc xếch nhăn nhúm vì đã mấy hôm liền An chưa nghĩ đến chuyện thay. An nghĩ: "Việc gì phải để cho họ thương hại" nên lại quay về. Chị vú và hai đứa ở tưởng chị đổi ý, hết sức mừng rỡ. An không nói gì cả, vào buồng đem son phấn cũ ra trang điểm. Chị lục tìm lại bộ quần áo thật đẹp may từ ngày cưới. Sửa soạn xong, An mở cửa buồng ra ngoài. Con Gái Lớn kinh ngạc reo lên:
- Cô đẹp quá. Cô định đi đâu đấy? Để con theo bồng em cho.
An nghiêm nét mặt dặn nó lo bữa ăn cho cha và săn sóc cho thằng Phát, rồi bồng con ra đường.
Bộ Hình nằm sát bên một dinh thự đang xây cất dở. Lính gác ở cửa nam nhất định không cho An vào vì có lệnh cấm tuyệt dân chúng không được ra vào cửa chính này. An phải qua cửa Tân khai. Ở đây, mấy chú lính trẻ trông thấy cách ăn mặc sang trọng của An đoán chị là người có quyền thế lớn. Nhưng họ ngờ ngợ không hiểu tại sao An không đi võng hoặc đi kiệu, lại tự mình bồng đứa con nhỏ trên tay. Họ không dám cản đường. An nghiêm nét mặt qua cổng mà không ai dám hỏi. Nhưng đến cổng bộ Hình thì bọn lính canh dứt khoát chận An lại. Một người lính già vênh mặt hỏi An:
- Chị kia, đến đây có việc gì?
An nhìn thẳng vào mặt người lính, đáp gọn:
- Tôi cần gặp quan Hình bộ!
Người lính chưa tin những gì vừa nghe, hỏi lại:
- Chị bảo gặp ai?
An dằn từng tiếng:
- Gặp quan Hình bộ.
Người lính ngơ ngác hỏi:
- Chị nói đùa hay nói thật?
An cười nhạt đáp:
- Tôi nói đùa với bác làm gì?
Người lính đưa mắt nhìn kỹ cách trang điểm, ăn mặc của An, bắt đầu băn khoăn. Giọng bác dịu lại:
- Chị hiểu cho. Có lệnh cấm tuyệt không cho ai được vào thẳng dinh quan Hình bộ. Có đơn trương gì thì nộp tại đây. Lệnh trên nghiêm lắm. Chúng tôi không thể làm khác được.
An cũng dịu giọng bảo:
- Vậy thì nhờ bác đem ngay cái đơn này trình cho quan Hình bộ.
Người lính nhận lá đơn, nét mặt vui mừng vì vừa giải quyết êm đẹp được một chuyện khó xử. Nhưng khi thấy An bồng con đến ngồi bên trạm gác, bác ta hốt hoảng hỏi:
- Chị còn chờ gì nữa mà chưa về? Sao lại mang theo cả con cái cho nắng nôi thế kia?
An ru nho nhỏ vì bé Thái giật mình dợm khóc, rồi đáp:
- Tôi chờ quan Hình bộ trả lời thế nào rồi mới về.
Người lính già trố mắt nhìn An như nhìn một quái vật. Bác ta định nói gì đấy, nhưng lại thôi, cầm lá đơn chạy vào vọng canh. Hai ba người lính xúm nhau xì xầm bàn tán, vừa bàn vừa đưa mắt nhìn về phía hai mẹ con An. Họ bàn cãi một lúc, rồi một người cầm lá đơn của An chạy vào trong dinh. Người lính già trở lại chỗ An, thắc mắc hỏi:
- Chị là ai?
An tiếp tục ru con, để mặc cho người lính chờ. Mãi một lúc sau, khi bé Thái nhắm mắt ngủ trở lại, An mới đáp:
- Tôi là ai bác không cần biết. Ở đây có đúng là dinh bộ Hình không?
- Đúng rồi. Nhưng...
- Nếu vậy thì tôi không lầm.. Gia đình tôi có việc oan uổng nên đến đây khiếu oan. Mà chỉ có quan Hình bộ Bùi Văn Nhật mới giải quyết nổi việc này thôi. Bác vào xem hộ tôi quan đã phúc đáp chưa.
Nghe An ăn nói đanh thép như giọng của người quyền thế, bác lính đâm sợ, e dè đề nghị:
- Chị ẵm con vào vọng canh ngồi cho khỏi nắng.
An thản nhiên đi vào phía vọng canh. Một người lính khác vội chạy đi tìm ghế cho An ngồi. Bác lính già thì rót nước mời An, xuýt xoa khen bé Thái kháu khỉnh, rồi sốt sắng nói:
- Để tôi vào xem quan đã phê gì chưa!
Bác lính già đi thật lâu vẫn chưa trở ra. Để bớt nóng ruột vì chờ đợi, An bắt chuyện với hai người lính còn lại. Chị hỏi:
- Cái dinh đang xây dở bên kia của ai vậy chú?
Người lính trẻ có cái mũi hơi khoằm và đôi mắt lộ đáp:
- Bà chưa biết à? Của quan Tiết chế đấy.
An thắc mắc:
- Dinh quan Tiết chế à? Sao lại xây ngoài này?
Người lính cười, trả lời:
- Ấy, tại quan Tiết chế thích thế. Tôi nghe nói quan Tiết chế không thích ở trong thành. Quan muốn có một cái dinh ở nơi thanh tịnh, chung quanh có vườn trồng chuối, cam, ổi, mít lại có cả đụn rơm, lẫm lúa y như các nhà điền chủ. Bà không thấy người ta đang trồng chuối quanh vườn hay sao?
An ngạc nhiên hỏi:
- Đụn rơm? Lẫm lúa? Để làm gì?
Người lính gác nhìn quanh ra vẻ lo sợ, rồi mới hạ giọng nói:
- Quan thích thế thì biết thế, trả lời làm sao được. Mỗi người mỗi tính mà! Anh kia, đến đây có việc gì? Để đơn ở đó rồi về ngay. Không được đứng ở đó. Đã bảo về ngay, quan xét đơn rồi truyền cho biết sau. Cả chị kia nữa, sao chưa chịu về. Đã bảo chưa có gì cả. Gớm, làm việc này có ngày phải tắt tiếng mất. La mắng từ sáng đến tối, khổ quá bà ạ. Bọn họ cứ năn nỉ, van nài dai dẳng như là đỉa.
An quay nhìn phía cổng thấy hai người dân vừa bị đuổi đang thất thểu ra về, đầu cúi xuống. An hỏi:
- Sao chú không giúp cho người ta?
Người lính gác trẻ kia chen vào:
- Giúp sao được. Việc chúng tôi chỉ là gác cửa. Mau chậm là tùy trong dinh. Nhiều khi phải chờ cả năm.
An hỏi ngay câu mình do dự chưa hỏi lúc nãy:
- Bên kia là dinh quan Tiết chế. Thế còn dinh quan... dinh của Long Nhương tướng quân ở đâu?
Người lính mắt lộ mau mắn đáp:
- Ở trong hoàng thành. Gần chỗ của Chúa thượng. Chiều nào chúng tôi cũng được nhìn tướng quân và đoàn hộ vệ đi ngựa qua đây.
An vội hỏi:
- Tướng quân có thường đến dinh Hình bộ này không?
Người lính kia đáp:
- Ít khi lắm. À quên, hồi sáng ngài có ghé đây. Ghé một chốc rồi ra ngay. Lúc đó quan Hình bộ chưa đến.
An im lặng suy nghĩ, không hiểu hai hôm trước Lãng có nói gì thêm với Nguyễn Huệ không. Chị vừa lo sợ Lãng quên lời dặn của mình, lại vừa hy vọng vu vơ.
Vừa lúc đó, người lính già đã trở ra. An hồi hộp hỏi:
- Thế nào, bác?
Người lính nhìn chằm chặp vào An một lúc, mới chậm rãi nói:
- Sao chị không nói ngay là có Tướng công chỉ dẫn đến đây?
An ngạc nhiên hỏi:
- Tướng công nào?
Người lính đáp:
- Còn tướng công nào nữa. Quan Hình bộ truyền tôi thưa lại với chị là có phải Long Nhương tướng quân khuyên chị làm đơn không. Quan cũng bảo là sẽ xét đơn ngay. Chị cứ về đi. Lúc nào xét xong sẽ có người đến báo tận nhà.
Lòng An rộn rã hy vọng. Và cùng một lúc, lòng hận thù phai đi.
*
* *
An chờ đến mười ngày mà không nhận được phúc đáp nào của bộ Hình. Căm giận vì nghĩ mình bị lừa, chị làm một lá đơn khác đem đến bộ Hình. Lần này chị không bồng theo bé Thái vì kỳ trước sau khi về nó bị cảm nắng đau mất bốn, năm ngày. Chị cũng không trang điểm cẩn thận vì biết chắc không bao giờ gặp được Bùi Văn Nhật. Bác lính già gác cổng không nhận ra An, quát tháo ầm ĩ một hồi mới hất hàm ra lệnh đặt đơn tại cái bàn trước vọng canh rồi về ngay. An phải nhắc:
- Cách đây mười hôm tôi có đến một lần, bác nhớ không?
Người lính già gắt gỏng:
- Đã đến một lần chưa đủ sao mà còn quấy rầy người ta lần nữa. Đồ sanh sự! Đồ... đồ...
Mắng đến đó, bác mới nhớ ra An. Người lính kịp dừng lại, bác đổi giọng ân cần hỏi:
- Đã có giấy báo chưa mà bà nhọc công đến đây?
An đáp:
- Chưa, bác ạ. Tôi nóng ruột quá. Tôi phải gặp cho được quan Hình bộ.
Chợt nhớ giọng nói lo ngại của bác lính già hôm trước, lúc nhắc đến Nguyễn Huệ, An bịa thêm:
- Tướng công bảo tôi phải gặp cho được quan Hình bộ thì việc mới chóng.
Người lính già quả nhiên đâm sợ. Bác đưa tay ra hỏi:
- Đâu, chị đưa đây cho tôi hỏi ý kiến phòng Công luận xem sao. Không đem thẳng lên văn phòng quan Hình bộ được đâu.
An chờ một lúc, người lính già trở ra ngay. Bác bảo:
- Mời chị vào phòng Công luận, người ta trả lời cho. Đi theo tôi!
An mừng rỡ bước mau theo người lính già. Chị được dẫn tới một phòng tương đối chật hẹp, và gặp một người đứng tuổi ốm gần như bơi trong bộ quần áo đen nhà nho mầu hơi bạc. Quanh cụ già bề bộn giấy tờ xếp thành chồng có dằn bằng những hòn đá nhẵn bóng lấy từ dưới suối. Thấy An vào, cụ già nói ngay:
- Tôi vừa đem đơn tái khiếu oan của chị lên trình quan Hình bộ. Quan truyền cho tôi nói lại với chị thế này: vụ nhũng lạm của chồng chị thuộc về chi phát quân lương, nghĩa là trách vụ của bộ Hộ. Cho nên quan đã chuyển tất cả hồ sơ qua bên đó. Chị nên đến bộ Hộ mà khiếu oan.
An rơm rớm nước mắt, run giọng hỏi:
- Thưa cụ bộ Hộ đóng ở chỗ nào ạ?
Cụ già ngước lên, nhíu mày khó chịu vì sự đòi hỏi quá đáng của chị nhà quê này, gắt gỏng:
- Ra cổng canh mà hỏi.
Bác lính già thấy An thút thít khóc, cảm động, chỉ dẫn cặn kẽ đường đi nước bước cho An. Bác còn bày cho An nên xưng là cháu của bác để người bạn canh cổng bên đó khỏi quát tháo, làm khó làm dễ.
Nhờ thế, An vào được bộ Hộ khá dễ dàng. Ở đây, anh ký lục trẻ tuổi khoảng dưới ba mươi sốt sắng xem ngay cái đơn của An. Anh đọc kỹ hai ba lần, cuối cùng mới phát hiện điểm quan trọng suýt nữa làm anh mang vạ nếu anh đem ngay tờ khiếu oan này trình quan, đó là trong đơn An gửi cho quan Hình bộ chứ không phải gửi quan Hộ bộ. An nhận sự thiếu sót vì vội vàng của mình, kể lể nỗi khó nhọc từ sáng đến giờ. Anh ký lục lắng nghe lời An kể vì Lợi không xa lạ gì đối với anh. Tuy không ưa Lợi, nhưng anh không thể không xúc động trước vẻ đẹp thùy mị và sầu muộn của thiếu phụ. Cho nên anh sốt sắng cho An mượn nghiên bút và giấy mực viết lại tờ đơn tại đó. Bỏ hết công việc đang làm, từ chối tiếp khách, anh chờ An viết đơn xong là vội vã đưa lên trình quan Hộ bộ. Anh trở về cũng nhanh chóng như lúc ra đi, có khác là vẻ mặt anh xịu xuống. Anh bảo An:
- Thật đáng tiếc, chị ạ. Quan bảo bên bộ Hình đã lầm lẫn khi chuyển nội vụ qua đây. Đã đành việc này thuộc về chi phát quân lương, nhưng số lương thực cấp phát dùng cho cuộc xây đắp thành trì, đường sá, cung điện, nghĩa là nhiệm vụ của bộ Công. Do đó, chiều hôm qua, quan đã chuyển hồ sơ qua bộ Công rồi. Chị cảm phiền. Chị biết chỗ bộ Công chứ?
An hết còn nước mắt để khóc nữa. Chị bậm môi lại, cảm ơn viên ký lục trẻ tuổi xách nón ra về. Anh ta đưa An ra tận cổng. Trước khi chia tay, anh ta nói nhỏ với An:
- Tôi nói cho chị biết việc này, chị đừng tiết lộ cho ai khác nhé, sở dĩ vụ anh Lợi chuyển từ bộ Hình qua bộ Hộ, từ bộ Hộ qua bộ Công, rồi chắc chắn bộ Công lại trả về bộ Hình là vì... là do... đây tôi chỉ nghe lén các quan nói chuyện với nhau thôi... là vì có Long Nhương tướng quân can thiệp vào. Bộ nào cũng ngại cả, không dám tự mình rước việc. Chị nhớ đừng thuật lại cho ai biết nhé. Chuyện mật ở chốn phủ dinh, nhiều khi gây vạ đến mất đầu chứ không phải chuyện đùa. Chị về đi, kẻo nắng!
Trên đường về, An vừa đi vừa khóc lặng lẽ. Lòng chị chập chồng nhiều cảm giác, tâm trạng phức tạp: hối tiếc, bùi ngùi, hờn dỗi, giận dữ, lâng lâng thú vị, chua chát man mác, cô độc, tủi thân... Chị cũng băn khoăn chưa biết nên mắng Lãng vì đã không nhớ lời căn dặn của mình, hay nên cảm ơn Lãng. Lá đơn khiếu oan nhàu nhò trong tay An lúc nào không biết. An giở ra đọc lại, thấy hai chữ "khiếu oan" không đúng với sự thực. An đâm oán trách chồng, ngay sau đó lại hối hận vì nhớ sự lo lắng của Lợi cho gia đình.
*
* *
Kiên nghe em kể, bảo An:
- Như vậy là chuyện quá rắc rối đấy, em ạ. Càng ngày càng thêm rối, vì không ai dám tự chuyên.
An thở dài chán nản, thờ thẫn hỏi Kiên:
- Biết làm gì nữa hở anh?
Kiên suy nghĩ, rồi nói:
- Cái khó là phải dò biết đích xác gút mắc nằm ở đâu? Tại sao chuyện đã êm từ lâu đột nhiên lại tra xét mà làm án? Anh nghĩ chỉ có ba người rõ được việc này mà thôi!
An vui mừng vội hỏi:
- Ai thế anh?
Kiên chậm rãi đáp:
- Một là quan Hình bộ vì chính ông Nhật ra lệnh tống giam, hai là anh Huệ, và ba là chú Lợi.
An thất vọng gần như hô hoán:
- Trời hỡi! Như vậy là vô phương sao anh!
Kiên e dè hỏi:
- Hay em nhờ Lãng nó...
An hốt hoảng nói:
- Không. Không thể được. Em đã... dặn...
Kiên vội bảo:
- Vậy thì chỉ còn cách tìm hỏi chú Lợi.
- Làm sao được anh!
- Em làm đơn xin bên hình ngục cho được thăm chú ấy. Gần nửa tháng rồi còn gì. Người khác nhất định không được rồi. Nhưng anh nghĩ chú Lợi quen biết nhiều, đâu đâu cũng từng có lần liên lạc với chú ấy để nhận lương tiền phẩm vật. Em cứ làm đơn. Anh sẽ đến gặp quan hình ngục xin cho em.
Mọi sự không đơn giản như Kiên tưởng. Tuy Kiên đã quen quan hình ngục từ hồi còn ở trạm trầu trên Tây Sơn thượng và hôm giải phóng phủ Qui Nhơn, anh được chính quan hình ngục công kênh lên vai chạy khắp sân dinh như một người anh hùng, nhưng việc Kiên nhờ vả quá khó. Quan đã nghe phong thanh rằng đến quan Hình bộ quyền cao chức trọng bậc ấy cũng chưa dám một mình ra lệnh đóng gông Lợi dẫn đến giao cho quan. Quan Hình bộ đã được chấp thuận ở chỗ thật cao... thật cao. Làm sao quan dám tự chuyên, cho phép bất cứ ai liên lạc, nói chuyện với một tội nhân quan trọng dường ấy. Khi tiễn Kiên ra khỏi phòng, quan hình ngục an ủi người bạn cũ:
- Phải chờ đến rằm tháng Bảy thôi. Đến ngày xá tội vong nhân ấy thì ai cũng được phép gặp gia đình. Khỏi phải xin xỏ tốn hơi!
Suốt hai tháng dằng dặc đầy lo âu, An phải quyết định nhiều việc cấp thiết. Nhờ Kiên đã qua ở hẳn Bằng Châu để giúp em săn sóc cha, An chỉ giữ con Gái Lớn lại trông hai đứa bé. Chị vú và con Gái Nhỏ được về với gia đình. Nhờ thế chi tiêu hằng tháng giảm xuống. Nhờ Kiên giới thiệu với các chủ lò bánh tráng từng được Kiên giúp đỡ khi anh làm việc tại kho lương, An làm quen với các mối hàng gạo ở chợ phủ. Chị dự định trở lại nghề hàng xáo (buôn gạo) như hồi gia đình mới về An Thái. Chỗ bày hàng ở chợ, quang gánh, mối hàng, kể cả việc xếp đặt bếp núc nhà cửa cho con Gái Lớn đều đã lo xong. Nhưng dù sao cũng phải chờ sau khi gặp Lợi xong, An mới bắt đầu tự lực mưu sinh.
Hôm rằm tháng Bảy, từ tờ mờ sáng, cửa nhà ngục đã đông đặc những người. Hầu hết là những người đàn bà lam lũ ăn mặc rách rưới, nhiều người bồng dắt cả các con nhỏ để chúng được trông thấy mặt cha. An cũng đem theo cả hai con. Chị bồng bé Thái, còn Gái Lớn một tay ẵm thằng Phát, một tay ôm cái bọc lớn gói quần áo và vài thức ăn khô như cá muối, mè, đường tán, tóp mỡ. An nghe người ta bảo người bị giam lâu ngày trong ngục thèm nhất đồ ăn ngọt và béo, nên bới thêm nhiều đường và mỡ cho Lợi. Chị còn đem cho chồng khăn lau mặt, quần áo ấm, quần lót, chăn... Định gói cho gọn gói quà, An mủi lòng khi nghĩ ở chỗ gông cùm, thế nào việc cơm nước cũng thiếu thốn không bằng được lúc ở nhà. Chị đổ thêm vào bọc một số gạo. Rồi thêm gói trà, hộp tăm, lọ dầu, kim chỉ vá áo quần, chục quả cam để ăn ngay trong mấy ngày sau rằm. Anh ấy cũng thích cả chuối nữa mà? Thêm vài nải chuối sắp chín... Kết quả gói quà thăm nuôi to tướng đến nỗi con Gái khỏe đến thế cũng không tài nào nhấc lên nổi. An lại phải bóp trán suy nghĩ nên bớt đi thức gì để lại thức gì. Bớt gạo thì sợ Lợi đói. Bớt thuốc thì sợ chồng đau yếu không được thấy mặt vợ con. Bớt mỡ ư? Bớt đường ư? Bớt cái chăn phải đắp ở chốn ngục lạnh lẽo ư? Bớt bộ quần áo chống rét ư? Hay là bớt cái khăn mặt? An phải nhờ Kiên giúp ý kiến mới bỏ hẳn cái bọc gạo nặng, nải chuối và cái chăn bông lại. Dù thế, giữa đám vợ con tù nhân lam lũ, An vẫn thấy mình lạc lõng, không giống bất cứ ai...
Phải chờ đến giờ thìn, quan cai ngục mới cho phép thân nhân vào thăm tù, nên mẹ con An phải chen chúc, mệt nhoài giữa đám người khốn khổ. Mùi mồ hôi nồng nặc tỏa lên, theo với ánh nắng tháng Bảy. Tóc tai mọi người đều xơ xác, nét mặt dã dượi vì thiếu ngủ và lo âu. Nhiều đứa bé níu áo mẹ bị ngộp thở giữa đám đông khóc thét lên kêu cứu. Những đứa bé được bồng trên tay thì thức dậy khóc oe oe vì chói nắng. An phát khóc vì không dỗ được bé Thái, lại lo sợ cho thằng Phát. Bọc quần áo và đồ ăn Gái Lớn ôm trước ngực bị dẹp lép, phía dưới bọc thấm ướt An không biết do mỡ hoặc do mấy quả cam bị dập.
Đến lúc cửa cổng nhà ngục xịch mở, thì đoàn người tự nhiên chuyển động dữ dội. Người nào cũng muốn chen vào trước nên cảnh xô lấn hỗn loạn đến nguy hiểm. Tiếng thét, tiếng khóc, tiếng chửi rủa vang lên khắp nơi. An vô vọng thấy con Gái bị đẩy càng ngày càng xa mình, và dù chị có kêu gọi, la lối, không ai nghe lời chị. Cả An cũng bị phía sau đẩy tới. Chị phải dùng hết sức đưa bé Thái lên cao để con khỏi ngộp thở. Con bé sợ càng khóc ré lên.
May mắn là cảnh chen lấn nguy hiểm diễn ra thật nhanh, qua khỏi cửa cổng ngục đột nhiên tâm trạng mọi người trầm tĩnh trở lại. Hình như cảnh nhà ngục lạnh lẽo khiến họ sợ hãi đến chùn bước. Họ hoang mang lo ngại. An tìm lại được con Gái và thằng Phát. Họ ngồi lại bên nhau để thở và xem xét gói quà. Hai quả cam vỏ mỏng bị dập làm ướt cả gói mè và gói đường. Mỡ loang một khoảng rộng trên chiếc áo nhuộm dà.
An chưa kịp buộc lại gói quà thì có lệnh đem đồ thăm nuôi vào cho quan khám xét. Lại chen chúc nhau tranh chỗ. An giao bé Thái cho Gái Lớn ẵm, còn mình thì lật đật ôm gói quà chen vào chỗ mọi người đang chen. Thằng Phát thấy mẹ bỏ mình, khóc òa. An muốn quay lại dặn con Gái canh chừng thằng Phát, nhưng không kịp nữa. Lớp người tới sau đã đẩy chị sâu về phía trong. An rút kinh nghiệm ở ngoài cổng thành, khuỳnh hai tay bảo vệ cho gói quà, cứ để mặc cho thiên hạ xô đẩy. Dần dà rồi chị cùng được đẩy tới trước mặt một người cai ngục mũi lớn râu rậm ngồi ngay cửa một cái lều tranh dựng tạm để thu nhận đồ quà gửi cho phạm nhân trong dịp lễ xá tội này. Bên cạnh viên cai ngục, một cậu thanh niên da mét đang cầm bút và xấp giấy bảng cắt khổ bàn tay đứng chờ. Viên cai ngục râu rậm trợn mắt nhìn An từ đầu đến chân hỏi:
- Gửi cho ai?
- Dạ cho chồng tôi ạ.
- Biết rồi. Chẳng lẽ gửi cho chồng người ta. Nhưng tên gì?
- Dạ, tên Lê Tấn Lợi.
Viên cai ngục cười ha hả, giọng mỉa mai:
- Tấn Lợi! Tấn lợi quá thì phải tấn gông cùm. Luật đời mà! Mở ra coi.
An bậm môi vì giận, nhưng sợ tên cai ngục làm khó nên cúi xuống run run mở dây buộc. Sau khi mọi thứ đã bày ra dưới ánh nắng, kể cả mấy quả cam dập và gói mè ướt, viên cai ngục hỏi:
- Có giấu đồ kim khí hay thuốc độc không?
An thành thực đáp:
- Dạ có cây kim vá quần áo.
- Không được. Với cây kim nhỏ, hắn có thể đâm chết lính canh như chơi. Lấy nộp đây. Còn mấy gói à?
- Dạ, gói này đựng đường tán, gói này đựng mỡ.
Viên cai ngục lại cười ha hả:
- Mỡ. Hắn ở trong đó rửng mỡ làm sao! Đã biên tên vào đấy chưa?
An ngỡ ngàng hỏi:
- Dạ tên gì ạ?
- Cái chị này! Ở trên trăng rớt xuống hả? Thì tên chồng của chị. Tìm giấy bút viết tên thằng chồng đang mang gông, cột vào gói này, lính ngục chúng nó mới biết mà trao tận tay.
An bối rối chưa biết làm sao có giấy bút thì viên cao ngục nói ngay:
- Không có giấy bút thì nhờ thầy ký đây viết cho. Chỉ tốn một quan thôi! Chị kia tiến lên. Mở gói ra coi.
An đành phải móc hầu bao trao một quan cho tên bán chữ rồi le te đem nộp gói quà vào trong lều. Chưa biết phải làm gì nữa, chị chận một người đàn bà ra vẻ lanh lẹ hỏi:
- Còn phải làm gì nữa hở thím?
Người đàn bà hỏi:
- Cô đi tới lần thứ mấy rồi mà còn hỏi?
- Dạ lần đầu.
- Thảo nào. Nộp quà xong thì về. Muốn nhìn được mặt thì phải tốn thêm hai quan nữa, để được đứng chỗ kia, chỗ sau cái hàng rào có song chắn đó chờ nhìn người ta dẫn tù đi đổ cứt đái.
- Không được đến gần hỏi chuyện sao thím?
- Đến gần. Cô này hỏi hay nhỉ. Đã mang gông chưa bị mất đầu là may, làm gì được đến gần chuyện vãn với vợ con. Thôi, cô ở chờ, tôi về trước nhé. Hàng họ bỏ ở nhà không có ai trông coi.
An vội níu áo người đàn bà lại hỏi:
- Nộp hai quan ở chỗ nào thím?
Người đàn bà trỏ viên cai ngục, thì thào:
- Cũng ông ấy. Cứ đứng đây chờ cho người ta nộp quà hết. Thấy ai còn nấn ná ở lại, ông ấy hiểu liền.
An hết sợ bộ râu rậm và cái mặt dữ tợn hầm hầm của viên cai ngục. Rất thẳng thắn tự tin, An đề nghị biếu viên cai ngục năm quan để được gặp riêng chồng. Viên cai ngục suy nghĩ một lúc rồi lắc đầu bảo:
- Khó lắm. Không ai được phép gặp riêng vợ con, trừ khi có lệnh của quan Hình bộ hoặc bề trên. Nhưng nếu nộp bốn quan thì ta cho đứng góc kia để nhìn chồng cho gần. Chỉ cách có vài bước chứ mấy!
An gật đầu bằng lòng. Chị vội vã chạy lại chỗ cũ. Cả thằng Phát lẫn con bé Thái còn khóc. Gái Lớn dỗ không được, mắt đỏ hoe. Thấy An chạy ra với hai tay không, nó lo lắng hỏi:
- Sao vậy cô?
- Xong rồi. Chúng ta vào đây để chờ. Ôi chao tội nghiệp các con tôi. À ơi, nín đi mẹ thương. Nín đi. À ơi. Lấy khăn lau mặt cho thằng Phát đi em. Đừng khóc nữa con. Sắp được gặp cha rồi. Ta đi lại đằng ấy thôi. Không lại trễ.
Nói thế nhưng phải chờ đến gần giờ ngọ cai ngục mới cho tù mang các thùng phân và nước tiểu trong ngục ra đổ ở cái hố cách xa khu giam, nhân cơ hội ấy được hoạt động cho giãn gân giãn cốt, được hít thở không khí trong lành và hưởng vài mảnh nắng, người nào lanh có thể kịp rửa qua mặt mũi chân tay ở cái giếng đá ong gần đường đi.
An nhói cả lòng khi thấy những người tù đi đầu đều già nua, chân bước xiển tản như sắp vấp ngã, hom hem dưới ánh nắng. Cổ người nào cũng đeo một cái gông tre nặng khá kềnh càng. Vì phải dùng hai tay bưng thùng đựng phân nên họ không thể giữ cho cái gông nằm yên trên vai, do đó cổ người nào cũng bị xây xát vì cái gông lay lắt cọ xát vào làn da mỏng. Nhiều người vừa sợ đổ phân, vừa sợ cái gông chòng chành, nên đi chậm và len lén như người hát xiệc đi trên cây sào ngang.
An tìm thấy Lợi gần chót của đoàn tù. Cổ Lợi cũng phải đeo gông, nhưng Lợi khỏi phải đổ phân, nhờ thế hai bàn tay giữ chặt được cái gông nặng. An xót lòng vì thấy chồng phải mang gông, nức lên khóc. Con Gái cũng khóc. Lợi không ngờ vợ đứng chờ mình, bình thản hưởng thụ thời gian thoải mái nhất của một ngày tù. Lúc Lợi đi sát chỗ mấy mẹ con An chờ, An nén xúc động gọi to:
- Anh Lợi!
Lợi giật mình quay lại. Nhận ra vợ con, anh sững sờ quên cả bước. Cũng quên cả nói. An líu lưỡi không biết gọi gì thêm, lặp lại:
- Anh Lợi. Em và các con...
Nói đến đây, chị òa lên khóc. Lợi chạy về phía vợ con, vội hỏi:
- Ở nhà thế nào? Có ai lo cho anh không?
An vừa khóc vừa đáp:
- Ai cũng lo lắng cho anh cả.
Lợi nóng ruột nói:
- Không phải. Anh muốn nói có ai lo cho anh ra không. Em thử nhờ Quận chúa, hoặc tìm gặp Long Nhương tướng quân
An vội nói:
- Nhưng...
Lúc đó người canh tù đã khám phá hai vợ chồng An đang nói chuyện với nhau. Hắn vội chạy đến. Lợi sợ hãi nhanh chân trở về hàng ngũ. Người lính mất cơ hội bắt quả tang một vụ phạm luật, lườm mắt nhìn mẹ con An, rồi quay đi. Mấy mẹ con ra về, lúc đã quá ngọ khá lâu!