Sơn Nam Hải Bắc - Chương 23

Sơn Nam Hải Bắc
Chương 23
gacsach.com

Bà chủ nhanh chóng bưng mì lên cho Tiết Sơn.

Đàn ông ăn uống không để ý đến phép tắc, xì xụp hai ba miếng là nuốt hết vào bụng.

Hai người ăn mà đầu đổ đầy mồ hôi. Lúc Tiết Sơn giải quyết xong, bát của Trần Dật vẫn còn thừa một nửa.

Trần Dật liếc nhìn bát canh trước mặt anh, định nhắc anh đi trước nhưng lời ra đến miệng lại lặng lẽ nuốt vào.

Tiết Sơn chưa đi ngay. Sau khi ăn xong, anh rút giấy lau miệng, tiếp tục ngồi nhìn Trần Dật.

Con gái ăn uống quả là lề mề, chậm chạp nhưng mà đẹp mắt.

Trần Dật không để ý đến cái nhìn chăm chú của anh. Cuối cùng cũng xong bữa, cô lau miệng, gọi bà chủ tới tính tiền.

Bữa cơm này rốt cuộc là Tiết Sơn tính tiền, Trần Dật không tranh giành, cô nói cảm ơn và hẹn lần sau sẽ mời.

Hai người ra khỏi quán.

Đi được một đoạn ngắn, Tiết Sơn bỗng hỏi cô cuối tuần có rảnh không.

Trần Dật ngạc nhiên: “Có chuyện gì không ạ?”.

Tiết Sơn giải thích, mấy hôm tới là ngày lễ đốt đuốc, Sa Y sống ở vùng khác nên chưa từng cảm nhận được bầu không khí lễ hội. Vừa hay chủ nhật này cô ấy được nghỉ, tính sẽ đến đây thăm, tiện thể chơi một chuyến, dự lễ cùng mọi người.

Lễ hội đốt đuốc là sự kiện lớn được tổ chức hàng năm. Tuy Trần Dật không thích tham gia náo nhiệt, nhưng cô biết, đây là lễ hội truyền thống của dân tộc Di, là ngày để các nam thanh nữ tú độc thân đính ước, kén vợ gả chồng.

Tiết Sơn mời cô đi cùng.

Trần Dật thoáng suy nghĩ, áy náy trả lời: “Tôi cũng không chắc lắm, cuối tuần còn phải lên kế hoạch công việc cho tuần tới”.

Tiết Sơn vội nói: “Không sao, công việc là trên hết”.

Chân bước không ngừng, hai người rất nhanh đã đi đến tầng tổng hợp, sắp mỗi người một ngả.

Trần Dật quay sang, nhìn gương mặt ngược sáng rõ nét của anh: “Ngày mai tôi sẽ trả lời anh”.

Cảm nhận được ánh mắt phẳng lặng của cô, Tiết Sơn trầm giọng: “Được”.

+++

Trở lại phòng bệnh, y tá đang treo chai nước cuối cùng. Chai nước nhỏ giọt với tốc độ rất chậm, khung truyền hơi cao, vóc dáng của nữ y tá có hạn nên kiễng mãi không tới. Phương Thanh Dã đi cà nhắc, lại gần chỉnh giúp.

Nhưng khung truyền vừa cũ vừa rỉ sét, bộ phận điều chỉnh bị kẹt, mắc lên không dễ.

Tiết Sơn đi vào, nói với y tá: “Phiền cô quá, để tôi làm cho”.

Nữ y tá nghe vậy khẽ thở hắt ra, đưa chiếc túi cho Tiết Sơn, người đứng sau nhấc tay, dễ dàng treo lên.

Lúc này trong phòng bệnh chỉ có mình Đồng Đồng nằm viện, Tiết Sơn lấy ghế ngồi xuống bên cạnh, còn Phương Thanh Dã thì nằm ngay giường bên.

Anh ta hỏi Tiết Sơn: “Sao ăn một bữa cơm mà lâu thế?”.

Tiết Sơn đáp: “Phải chờ một lúc”.

Trong phòng bệnh rất yên tĩnh, con bé ngoan ngoãn nằm trên giường nghỉ ngơi, hai người câu được câu chăng nói chuyện phiếm.

“Chuyện chị dâu cậu thế nào rồi?”. Tiết Sơn hỏi.

“Thì vậy đó, không thấy đến tìm tôi cãi vã nữa”. Phương Thanh Dã thờ ơ trả lời.

Im lặng một lúc, Phương Thanh Dã hỏi: “Tuần tới Sa Y sẽ đến đây à?”.

“Ừ”.

“Cái vùng khỉ ho cò gáy này có gì hay ho đâu mà suốt ngày thích chạy đến”. Phương Thanh Dã nói thầm: “Cậu xem con bé Sa Y, anh em mình gần như là người chứng kiến nó trưởng thành. Một con nhóc yếu ớt dịu dàng ngày trước, không ngờ lại làm nghề cảnh sát, tính tình không ra làm sao, càng ngày càng tệ, ai gặp cũng như thiếu nợ nhà nó”.

Tiết Sơn bật cười: “Cái này gọi là căm thù cái ác, diệt bạo cứu lành”

Đây là Khúc Mộc Sa Y tự nhận xét chính mình.

Phương Thanh Dã không cho là đúng, cười nói: “Thôi đi, con bé bướng bỉnh nóng tính ấy, tôi thấy chỉ có gã nào không muốn sống nữa mới rước nó về nhà”.

Anh ta điều chỉnh tư thế nằm để chân thoải mái hơn một chút, tiếp tục câu chuyện: “Đội phòng chống ma túy toàn đàn ông, cô em gái Khúc Mộc Sa Y của chúng ta hoa lạc giữa rừng gươm, vậy mà không một ai dám chọn. Cậu nói xem, có phải con bé nên xem lại bản thân không?”.

Tiết Sơn khẽ cười lắc đầu.

Đột nhiên nghĩ tới gì đó, Phương Thanh Dã xoay con mắt mở to về phía Tiết Sơn: “A đúng rồi, Sa Y đến chơi, hay là cậu rủ bác sĩ Trần đi cùng đi”.

Tiết Sơn không nhìn anh ta, ánh mắt ngó lăm lăm vào chiếc ga giường màu xanh: “Vừa gặp bảo rồi”.

“Hả?”. Phương Thanh Dã cười khà khà: “Tôi nói này, cậu và bác sĩ Trần đúng là có duyên thật đấy. Đi ra ngoài ăn một bữa cơm là có thể gặp được”.

Duyên phận ư? Không hẳn như vậy.

Anh định sang quán cơm nhỏ đối diện bệnh viện ăn tùy tiện cái gì đó. Kết quả vừa ra khỏi tòa nhà, anh bỗng bắt gặp một cái bóng quen thuộc tiến vào quán ăn cạnh bên.

Tiết Sơn không đáp, Phương Thanh Dã lại hỏi: “Đúng rồi A Sơn, có phải bác sĩ Trần mới tới làm ở đây không? Vì ngày trước đến khám bệnh chưa từng gặp cô ấy bao giờ”.

Biết nhau mấy hôm, cuối cùng Phương Thanh Dã cũng có cơ hội tìm hiểu hoàn cảnh của Trần Dật. Nhưng không ngờ, Tiết Sơn trả lời: “Không gặp vì cô ấy làm việc ở phòng khám methadone”.

“Cái gì?”. Phương Thanh Dã há hốc miệng: “Chính là cái phòng khám cậu vẫn hàng ngày đến uống thuốc đấy phỏng?”.

Tiết Sơn gật đầu.

Phương Thanh Dã cảm thấy vô cùng ngạc nhiên.

Ôi trời ơi, ngạc nhiên chưa. Làm lúc trước anh ta lo lắng phí công. Nghĩ nếu như Trần Dật biết Tiết Sơn đang cai nghiện thì liệu có bỏ rơi cậu ấy ngay không.

Giờ xem ra, mình quả là con mẹ nó quan tâm vô ích.

+++

Năm giờ chiều, Tiết Sơn đến.

Ánh mắt hai người chạm nhau, Trần Dật khẽ cười.

Anh đến bên cửa sổ, báo số hiệu cá nhân như mọi khi, sau đó thẩm tra đối chiếu thông tin, đăng ký, trả tiền, uống thuốc.

Nuốt chất lỏng màu xanh nhạt, trong bụng cảm thấy đắng chát. Bên cạnh cửa sổ đặt một cây nước nóng lạnh, anh uống tiếp nửa cốc nước.

Nhân viên bảo vệ đứng bên canh gác, thấy anh uống xong, liền nhắc anh há miệng kiểm tra.

Để đề phòng bệnh nhân ngậm thuốc trong miệng, sau đó nhổ vào lọ tuồn ra ngoài.

Nhân viên bảo vệ kiểm tra xong, lại bảo Tiết Sơn mở miệng nói, đây cũng là một trong những biện pháp kiểm tra bảo đảm.

Anh thong dong nói một câu: “Cảm ơn”.

Quay sang tấm kính ngăn, anh gật đầu với Trần Dật, rời khỏi phòng khám.

Trần Dật lẳng lặng nhìn bóng lưng của anh, cúi đầu tiếp tục công việc.

Cô mở cuốn sổ đăng ký bệnh nhân, nhìn tên của anh.

Tiết Sơn.

Người đàn ông này, sừng sững tựa như ngọn núi đứng giữa trần gian, thâm trầm mà đôn hậu, mang theo ý chí không thể rung chuyển.

Anh là người bình thường, rất bình thường. Thậm chí, anh còn bị người khác phỉ nhổ lên án, nhưng Trần Dật cảm thấy, anh là một người cao quý.

Anh không cao quý hơn người khác, không nổi trội hơn người khác mà nổi trội hơn chính mình.

Vượt qua chính mình.

+++

Tối hôm đó, Trần Dật sau khi tan làm, bắt gặp gã đàn ông bị đình chỉ thuốc lúc sáng.

Đèn đường mờ tỏ, gã ngồi xổm hút thuốc trước một quán nhỏ bên đường. Nhìn thấy bọn cô đi ra, ánh mắt gã liền theo sát.

Chị Lý hồn nhiên không hay biết, Trần Dật nhỏ giọng nhắc nhở.

Không nhắc tới thì thôi, vừa nhắc xong, chị Lý lập tức sợ hãi dựng tóc gáy: “Gã ấy muốn làm gì? Không phải tìm chị em mình gây sự đấy chứ?”.

Nhà chị Lý trên thị trấn, theo thói quen hàng ngày, chị hay đi đường tắt qua một lối nhỏ về nhà.

Nhưng với tình hình này, chị tuyệt nhiên không dám nhấc bước.

Trần Dật giữ chặt cánh tay chị Lý, gắng trấn an: “Đừng nóng vội, chị vào ký túc của em trước đã, sau đó gọi điện bảo người nhà đến đón”.

Chị Lý gật đầu liên tục: “Được được được”.

Hai mươi phút sau chồng chị Lý tới, đưa chị Lý về nhà. Còn lại mình Trần Dật, cô rửa mặt mũi, ngồi trước bàn đọc sách.

Cô vẫn để ý đến động tĩnh bên ngoài, kiểm tra cửa ra vào và cửa sổ. Sau khi xác định đã đóng kỹ, mới lên giường nghỉ ngơi.

Nửa đêm yên tĩnh, bên ngoài gió nổi, khu rừng nhỏ sau ký túc, cất tiếng xào xạc.

Trần Dật ngủ không sâu, thấp thoáng nghe thấy tiếng động rất nhỏ. Cô mở mắt ra.

Có người đang nạy khóa.

Cô rút chiếc điện thoại dưới gối, mở danh bạ, tìm số của đồn công an trực đêm.

Cô chậm rãi đứng dậy, xỏ giày, bật chiếc đèn đầu giường.

Ánh sáng ùa tới, cô bị lóa, nheo mắt vào.

Phía ngoài, tiếng nạy cửa cũng ngừng lại.

Ngay sau đấy, tiếng bước chân vang lên, mỗi lúc một xa.

Cô thở hắt ra, quay về giường. Cô không chút buồn ngủ, ngẩn người lẳng lặng nhìn trần nhà.

Không biết qua bao lâu, cơn buồn ngủ dần dần kéo đến, cô tắt đèn, nhắm mắt.

Cô mơ thấy một giấc mơ.

Mơ thấy mình vẫn đứng trong ccon hẻm u ám chật hẹp, bị gã đàn ông bị đình chỉ thuốc giơ dao đuổi theo sau lưng.

Cô chạy thục mạng, chạy mãi chạy mãi.

Sau đó, cô nghe thấy giọng nói kia: “Cháu gái, đừng sợ, có chú đây, sẽ không ai dám làm hại cháu đâu”.

Cô như túm được cọng cỏ cứu mạng, ra sức chạy về phía âm thanh đó.

Cô đang chạy về phía trước, bỗng nhiên phát hiện mình đã đến một nơi khác.

Cô dừng lại thở phì phò, trông thấy một viện dưỡng lão, có một cô bé đang ngồi bên cạnh vườn hoa trong sân.

Hình như cô bé ấy đang ngẩn người ngắm hoa, mãi không nhúc nhích.

Trần Dật đi tới, trông thấy sau lưng cô bé có hai người bước ra từ ngôi nhà, một người đàn ông còn trẻ và một bà cụ.

Cô đột nhiên kích động, gọi bà cụ đó: “Bà ơi”.

Hình như bà cụ không nghe thấy nên không có phản ứng.

Nhưng cô bé ngồi cạnh bồn hoa lại nghe được. Cô bé chậm rãi ngẩng đầu lên, nhìn về phía Trần Dật, nhẹ nhàng hỏi: “Bà là bà của chị ạ?”.

Trần Dật gật mạnh đầu: “Bà là, bà là...”.

Đồng tử phút chốc co lại. Cô phát hiện, đứa bé đứng trước mặt cô chính là...mình lúc sáu tuổi.

Cô bé đứng dậy, phủi bụi, nói với Trần Dật: “Sau này em sẽ đến đây ở cùng bà. Chị sẽ đến thăm em chứ?”.

Trước mắt mơ hồ, nước mắt không ngừng lăn, Trần Dật gật đầu: “Chị sẽ tới, chị sẽ tới thăm em”.

Người đàn ông cùng bà ngoại đi đến, bà ngoại nắm chặt tay anh ta, giọng run run: “Thật sự rất cảm ơn cảnh sát Cát”.

Người đàn ông lắc đầu: “Bà à, bà không cần phải cảm ơn cháu đâu, sau này muốn cháu giúp gì, bà có thể gọi điện cho cháu”.

Nói xong, người đàn ông ngồi xổm xuống, nhìn cô bé đang đứng ngây ra trước mặt, mỉm cười: “Cháu gái, sau này tới đây với bà ngoại, phải ngoan ngoãn nghe lời biết không? Khi nào rảnh, chú sẽ tới thăm cháu”.

Trần Dật nhìn bọn họ, nhớ ra, người đàn ông này chính là người đàn ông gọi cô trong ngõ hẻm.

Bỗng có tiếng gọi ngoài cổng: “Anh Cát xong chưa? Sếp đang giục đấy”.

Người đàn ông đứng lên, với ra ngoài trả lời đồng nghiệp: “Xong rồi, đến ngay đây”.

Anh ta chào tạm biệt bà cụ và cô bé, đi thẳng ra cửa.

Sau khi anh ta rời đi, bà cụ dắt tay cô bé vào.

Trần Dật theo sát lưng họ.

Hai bà cháu vào trong một căn phòng trên tầng hai. Bà cụ cầm chiếc bình đi đun nước, còn cô bé ngồi một mình nghịch ngón tay trên ghế nhựa.

Trần Dật đi vào, ngồi xuống trước mặt cô bé, hỏi: “Em đang chơi gì thế?”.

Cô bé không ngẩng đầu, thấp giọng trả lời: “Em không biết”.

Trần Dật đưa tay sờ đầu cô bé, hỏi tiếp: “Em thích ở đây không?”.

Cô bé suy nghĩ một chút, lắc đầu.

Trần Dật mỉm cười khổ sở: “Không sao đâu, ngoan ngoãn ở đây chăm sóc bà, phải ngoan ngoãn nghe lời bà, học thật giỏi, biết không?”.

Cô bé nhu thuận gật đầu.

Nghĩ tới điều gì đó, Trần Dật bất ngờ đưa ra đề nghị: “Em có thể hứa với chị một việc chứ?”.

Cô bé ngước lên, nhìn người trước mặt: “Vâng”.

Trần Dật nói: “Mười năm sau, ngày 26 tháng 6 năm 2006, là ngày Quốc tế phòng chống ma túy, em không được đi đâu, phải ở trong viện dưỡng lão trông bà, được không?”.

Cô bé ngơ ngác không hiểu: “Mười năm sau? Tại sao ạ? Em không nhớ thì phải làm sao?”.

Trần Dật nắm chặt tay cô bé: “Nhất định phải nhớ! Vì bệnh của bà, uống thuốc vào sẽ rất buồn ngủ. Em không được để bà ngủ một mình trong phòng. Em phải nghĩ cách kéo bà ra ngoài, không được ở trong viện, hiểu chưa?”.

Cô bé càng thêm hoang mang: “Tại sao ạ?”.

Bởi vì hôm đó, đường dây điện lâu ngày không sửa chữa của viện dưỡng lão bị chập xảy ra hỏa hoạn. Bà ngoại sau khi uống thuốc ngủ ở trong phòng, không thoát ra được, mất mạng trong biển lửa.

Còn cô thì sao, nhân lúc bà ngủ, chạy vào thị trấn xem tuyên truyền phòng chống ma túy. Đến lúc trở về, viện dưỡng lão đã cháy tan hoang.

Nhưng cô chưa kịp nói thành lời thì đã tỉnh giấc.

Chiếc điện thoại bên gối rung ồ ồ.

Trời đã sáng.