Độc Huyền Cầm (Phần I) - Ngoại Truyện 2 - Phần 2 (Hết)

6.

“Đoạn này ta nghĩ chơi như vậy sẽ hay hơn… Để ta thử cho cô nghe…”

“Phải, phải… chính là như vậy… Ta không biết phải nói thế nào nhưng đó chính là âm thanh ta tưởng tượng ra”

“Tên? Khúc nhạc này do cô soạn nên để cô đặt tên mới đúng!”

Con dao cau chuôi gỗ đặt xuống bàn “cạch” một tiếng cắt ngang những hồi ức hiếm hoi lắm mới lại vang lên bên tai. Cả kép đàn lẫn cô đào trẻ đều vì âm thanh ấy mà giật mình, đầu cúi thấp, mắt lén nhìn người phụ nữ ngồi trên sập gỗ, đến thở cũng không dám mạnh.

“Khúc Ngọc nữ… như vậy là được rồi!” Nàng chậm rãi mở lời, vẻ nghiêm nghị trong đáy mắt thẫm sắc nâu như màu gỗ tan hòa trong vẻ dịu dàng.

“Mợ Oanh… con thấy vẫn chưa giống… giống với cách mợ chơi.”

“Sao lại phải giống?” Đôi môi nở ra thành một nụ cười như thể điều nàng nghe được hết sức khôi hài. “Các em cảm thấy Ngọc nữ thế nào thì chơi Ngọc nữ như vậy. Giống với ta… chắc gì đã hay.”

[Chúc các bạn đọc sách vui vẻ tại www.gacsach.com - gác nhỏ cho người yêu sách]

Chừng như đám trẻ còn muốn nghe thêm điều gì nữa nhưng chờ mãi cũng không thấy nàng tiếp lời bèn bảo nhau lẳng lặng lui ra. Kim Oanh đã không nói cho đám trẻ điều hay nhất mà chúng đã làm được: chơi khúc nhạc ấy là phải để lại được dư âm trong trẻo bởi ở đời, cuộc tao ngộ giữa người trần với tiên nữ thiên cung có phải dễ dàng đâu. Không hẳn vui, chẳng hẳn buồn, vừa lưu luyến, vừa thỏa mãn, có mà không như một hương thơm, ấy mới là Ngọc nữ. Mộng là ảo hay mộng là thực, rồi cái gì mà như hoa trong gương, trăng trong nước… vô định, phí hoài? Cứ nhất định phải đoạt được mới là “được” hay sao? Ở đời chẳng nhẽ không thể lấy một lần gặp gỡ làm “đủ”? Rất nhiều, rất nhiều năm về trước Phan Tuấn Ngọc từng bảo vậy khi mỉm cười, đón lấy chén trà từ tay nàng.

Trăng trên trời, trăng trên mặt sông Tô dập dềnh con nước, có đến hai vầng trăng mà vẫn không đủ soi tỏ mặt người. Nhân ảnh mờ nhạt, hồi ức rồi sẽ có lúc phôi pha, nhưng còn nghe thấy một tiếng người vọng lại từ nơi xa vắng bên sông hòa trong một khúc nhạc hay cũng khiến đêm bớt dài, cũng thêm vài phần hương vị vào miếng trầu trong miệng.

“Mợ Kim Oanh hôm nay có hứng ngồi ngắm trăng sao?”

Mạn thuyền đập nhẽ vào bờ đá xanh thành một âm thanh trầm thấp. Ánh đèn dầu lạc trong khoang hắt lên những vệt sáng mờ làm thân hình cao lớn đứng nơi mũi thuyền thêm lừng lững. Trời Đông Kinh xanh lam cũng không sâu bằng màu áo xanh trên người người ấy. Đôi môi cô đào nhoẻn cười phù hoa, diễm lệ:

“Đại nhân đi công cán đã về rồi sao? Để dân nữ đi gọi mấy ả đào giỏi nghề hát xướng đến hầu!”

“Ta đã nói mình là phận nô bộc, không dám nhận hai chữ ‘đại nhân’ của Đại Kiều!” Người dưới thuyền ngẩng mặt nhìn lên, điềm đạm cất lời, không vì những lời cợt nhả, lả lơi mà lay động. “Ta đến Khán Xuân vì muốn nghe cô hát!”

Chiếc quạt trúc xòe rộng che đi nụ cười tươi giòn của người phụ nữ nhưng không che được những vết chân chim mờ mờ nơi đuôi mắt phấn.

“Ngài không dám nhận mình là ‘đại nhân’ thì Kim Oanh càng không dám xưng là ‘Đại Kiều’. Con hát đã già, ai lại vô sỉ đến mức nhận lấy cái danh ấy trước mặt bao nhiêu đào nương trẻ đẹp”.

Đôi tròng mắt của người đàn bà chẳng còn son trẻ thẫm màu hơn hay đôi tròng mắt của người đàn ông đang bước lên bờ thẫm sắc hơn, thật khó bề phân định. Thản nhiên nhìn người ấy tháo vật đeo dưới thắt lưng lúc bước lên cầu thang, Kim Oanh chỉ hơi giật mình khi tay áo lam vung lên, ném thứ đó về phía nàng. Không cần quá gắng sức để chụp bắt, hai túi lụa đựng trầu theo đường vòng cung rơi vào tầm với của nàng. Dưới ngón tay nhẹ vuốt ve, đường thêu những hoa mai nhỏ xíu nơi miệng túi đã sờn rách cả. Vật cũng thế mà người cũng vậy, đâu thể mãi mãi xinh đẹp, thanh tân như thuở ban đầu. Dư vị của những vùng đất xa xôi nhiều khi có cả mùi thuốc súng, máu tanh lẫn trong mùi cây cỏ, thú rừng, đôi lúc còn phảng phất cả trầm hương thượng hạng… thấm vào lớp vải, gợi bao nhiêu hình ảnh vốn chỉ được biết qua lời kể lể của khách ghé giáo phường. Nàng chưa vội têm trầu mà ra hiệu cho người ở bưng nước rửa mặt lên, còn mình thì đặt cỗ phách xuống chiếu.

Tì bà hành kết lại, người chơi đàn đã đi nhưng ca nương vẫn còn im lặng. Bàn tay cầm phách nổi phồng những đường gân xanh dưới nước da không còn mịn màng như thời còn con gái. Nàng tự ngẫm lại những cuộc gặp gỡ xa xôi vào lúc hoa xuân đương rực rỡ nhất mà giờ thì hoa đã tàn, đôi môi chợt vẽ nét cười,

“Đúng là các ả đào trẻ có sắc đấy nhưng hiếm người có thể hát hay, biết nhiều được như những đào hát đã già!” Người đàn ông ngồi ngay ngắn trên sập gỗ với cái lưng thẳng tắp, nghiêm nghị nhìn về phía trước rồi cất lời. Dáng vẻ khô cứng của người học võ đúng là đã ăn vào quá sâu, chẳng dễ gì mai một.

“Trước giờ… ngài vốn không thích ca trù mà nay lại nói những lời này… thật sự làm Kim Oanh rất cảm động!”

“Ta là kẻ vũ phu thô lậu, nhờ qua lại với người ở Khán Xuân mới biết được vài điều thú vị!” Chầm chậm thưởng trà trong cái chén con tí, người đàn ông áo lam không chút ngại ngùng vì hàm ý trêu đùa trong lời lẽ của cô đào. “Lần đầu tiên đến tìm cô… cũng được nghe bài Tì bà hành”

Nàng chỉ mỉm cười rồi cẩn thận têm ra từng miếng trầu cánh phượng. Lá trầu xanh bóng, vỏ chay lại hồng, thêm vôi trắng với cau tiễn chũm lòng đào[3], tưởng như mọi thứ hương vị trên đời đều nằm cả trong một miếng xinh xinh ấy.

[3] Một loại cau có phần hạt có màu đỏ.

“Ta không biết bản thân mình thích ăn như vậy hay vì… thói quen mỗi khi được tiếp chuyện cô!” Người ấy mở lời khi thấy Kim Oanh lựa thêm mấy miếng cùi bưởi trắng tinh cho vào túi lụa, dây đã thắt lại mà vẫn thấy một mùi hương khoan khoái lướt qua cánh mũi.

“Hy vọng chừng này là đủ!” Đặt hai cái túi xuống trước mặt người đàn ông, cánh tay gầy gầy nâng cao bình rượu, rót đầy tràn chiếc chén hạt mít trong tay. “Em xin kính ngài một chén… Rượu ấy… không biết có vị thế nào?”

Đôi mắt tĩnh lặng đến mức người ta ngờ như thấy dựng lên phía trước sừng sững một vách núi xám, nhìn kĩ lại là một cánh rừng thẳm xanh xanh thoáng động như thể có mấy cánh chim vút bay khỏi một tán cây dày.

“Đào nương thì đừng thắc mắc mấy chuyện đó!”

Trăng tan trong nước thành vệt sáng trắng vàng lấp lóa, nổi bật trên mặt sông lấp lánh ánh sao li ti như bụi. Sao trời quả nhiên không thắng được tia sáng ấm áp trên những đĩa đèn dầu lọt qua khe hở ở những khoang thuyền. Đến cả lúc đêm buông, Đông Kinh vẫn đô hội theo một cách rất riêng như thế ở bên bến sông Tô này.

“Trước đây… ngài từng hỏi… Kim Oanh có muốn theo ngài hay không…”

“Ta không rút lại những lời ấy”

“Nhưng… Kim Oanh đã là gái già, xuất thân ở chốn giáo phường, thân phận thấp kém.”

“Ta không có địa vị, tiền kiếm được cũng không nhiều, càng không thể trở thành người khiến vợ con được vẻ vang, hãnh diện. Cô cũng biết… ta… không biết chơi đàn, không biết làm thơ hay vẽ tranh như nho sĩ.”

Mùi nước mang theo hương hoa nhàn nhạt lẫn cả trong mùi cá tôm theo gió thổi men lên tầng gác làm mấy sợi tóc xòa xuống trán nàng bay bay. Bờ vai rung lên theo tiếng cười vui vẻ, Kim Oanh ngoái lại:

“Chuyện ấy có gì đâu!”

“Chẳng còn trẻ trung gì nữa… đến lúc dừng chân được rồi!”

7.

Mai Lâm[4] trắng trời hoa mơ.

[4] Mai Lâm: tức rừng mơ, là tên gọi vùng đất ở kinh thành Thăng Long/Đông Kinh. Đất Mai Lâm xưa đối chiếu với đất Hà Nội hiện đại gồm Mai Động, Hoàng Mai, Bạch Mai, Hồng Mai, Tương Mai, chợ Mơ…

Khói như sương giăng bị gió thổi tản mát, tả tơi cùng những cánh hoa mỏng mảnh.

Giữa đống lửa rừng rực trong chiếc chậu đồng, thẻ tre bóng bẩy trên thân khắc số tiền thưởng tương ứng rơi nghiêng rồi từ từ tan vào sắc đỏ cam lộng lẫy. Ấy là thẻ tre cuối cùng rơi ra từ chiếc hộp rỗng không trong tay người đàn bà tóc gần bạc trắng. Giữa tro xám, ánh lửa còn le lói thêm một hồi rồi mới từ từ tắt ngấm trong gió xuân hãy còn rét buốt. Tàn tro nhẹ không cuốn mình bay đi, chớp mắt chẳng còn để lại dấu vết.

“Thiếp luôn mong tiểu thư có thể sống thật hạnh phúc, cuối cùng thì…”

“Người ấy đã sống như người ấy muốn. Ta nghĩ đó cũng là một loại hạnh phúc. Nàng rất hiểu tiểu thư, nàng nghĩ cho chọn lại tiểu thư có chọn con đường khác hay không?” – Người đàn ông cắt ngang tiếng nói ngập ngừng kia bằng một giọng sang sảng, quả quyết.

“Hiểu tiểu thư? Không, thiếp đâu có hiểu… Nhưng ngài nói đúng, tiểu thư là tiểu thư, chọn lại bao nhiêu lần vẫn chỉ có một đường thôi, để gặp những người cần gặp vào đúng lúc ấy, ở đúng nơi ấy…”

Nheo nheo đôi mắt mờ đục, bà cụ dường như cố lần tìm trong sắc xuân rực rỡ phủ lên hơi lạnh một tấm vải thưa ấm mềm vết tích của một điều gì. Đợi không thấy, tìm không ra nhưng lại khiến cái miệng móm mém mỉm cười.

“Khi còn sống, tiểu thư từng bảo cảnh tượng đẹp nhất bản thân từng thấy chính là cảnh hai ông bà già tóc bạc trắng, răng rụng hết, ngồi bên bậu cửa phều phào nói câu được câu mất trong buổi chiều buông. Sống với nhau đến lúc ấy mới thực là khó”.

Giữa tiếng gió nhẹ đùa những cánh hoa mỏng trắng ngần, giữa tiếng hát ngân nga trong vắt, lanh lảnh của những thiếu nữ tóc xanh là tiếng những bước chân chậm chạp, nặng nề.

Trên mặt đất đôi chỗ gập ghềnh, cái bóng cao lớn chảy xuống chầm chậm nhích gần lại cái bóng mảnh mai, gầy guộc kế bên.

TỔNG KẾT NHÂN VẬT

[Phần 1]: Sợi dây tơ

*Các nhân vật lịch sử:

Ở đây isis chỉ nêu ra những những nhân vật đóng vai trò quan trọng trong việc phát triển tình tiết ở phần 1 của Độc huyền cầm, có thể bỏ sót một vài người được nhắc đến trong những cuộc đối thoại của các nhân vật. Thông tin liên quan đến các nhân vật dễ dàng tìm thấy trên wiki, trong các tài liệu lịch sử phổ thông.

Lê Tư Thành (Lê Hạo) tức Lê Thánh Tông, Thánh Tông Thuần Hoàng đế: Con trai thứ tư của Lê Thái Tông Lê Nguyên Long với bà Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao. Có hai tước phong thân vương là Bình Nguyên vương (dưới thời Lê Nhân Tông) và Gia vương (dưới thời Thiên Hưng đế Lê Nghi Dân)

Nguyễn Hải Triều (Nguyễn Thị Huyên/Ngọc Huyên/Tiểu Kiều) tức Trường Lạc Thánh Từ hoàng thái hậu, Huy Gia thái hoàng thái hậu: “Hải Triều” là tên isis đặt cho nhân vật lịch sử có thật là Nguyễn Thị Huyên, con gái Trinh Quốc công Nguyễn Đức Trung, vợ của Lê Thánh Tông, mẹ đẻ của Lê Hiến Tông Lê Tranh.

Xoay quanh thân phận bà hoàng Trường Lạc nổi lên nghi vấn lịch sử lớn nhất chính là việc phải chăng bà là con gái của đại văn thần Nguyễn Trãi. Cụ thể câu chuyện về người phụ nữ này như thế nào, những giả thuyết lịch sử isis đưa ra đã được trình bày một phần nào đó ở phần 1 và sẽ tiếp tục triển khai trong phần 2 và khúc vĩ thanh Trăm năm… Mong mọi người sẽ đủ kiên nhẫn để dõi theo cuộc đời khá nhiều biến động của cô gái này.

Về cái tên Hải Triều, câu chuyện về nó xin để khi nào isis kết thúc Độc huyền cầm sẽ chia sẻ. Ở đây, mình chỉ muốn nói Hải Triều cũng chính là tên tự (tên chữ) của làng Hới – quê bà Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ.

Phùng thị (Phùng Thị Mai Loan): người vợ thứ hai của Nguyễn Trãi, mẹ đẻ của Nguyễn Hải Triều. Bà xuất thân là một đào hát, tất cả nền tảng âm nhạc mà Hải Triều có được đều từ bà mà ra. Trên khía cạnh lịch sử, Nguyễn Trãi có người vợ thứ hai họ Phùng nhưng không ai biết tên đầy đủ của bà là gì. Trong những giả thuyết cho rằng Trường Lạc Hoàng thái hậu là con gái Nguyễn Trãi cũng không chỉ rõ bà hoàng này là con người vợ nào của cụ Ức Trai. Những chi tiết liên quan đến xuất thân và việc Phùng thị sinh ra bà hoàng Trường Lạc trong Độc huyền cầm là hư cấu.

Nói đến cụ Nguyễn Trãi, người ta thường nói đến sự nghiệp, đức độ của cụ, nói đến mối nhân duyên giữa cụ và bà Nguyễn Thị Lộ. Trong Độc huyền cầm, isis muốn thử nhìn nhận mối quan hệ đó, hai nhân vật đó cùng huyết án Lệ Chi Viên dưới một góc độ khác hẹp hơn – từ góc độ của Mai Loan với một chút gì đó rất cá nhân, rất riêng tư của một người không được yêu nhiều như những gì bà đã trao đi, đã mong đợi được nhận lại. Đó là một người phụ nữ si tình, một người mà đến bản thân isis cũng không biết dùng chính xác từ gì để miêu tả. Chỉ biết tính cách quái đản, cố chấp đến mức nhiều khi lệch lạc của Hải Triều chịu ảnh hưởng rất lớn từ người mẹ này.

Mai Loan cùng quê với Nguyễn Thị Lộ. Điều này gây ra vài so sánh nhỉ? Nhất là khi Nguyễn Trãi lại lấy cái tên Hải Triều để đặt cho đứa con gái Mai Loan sinh ra. Về cái chết của người phụ nữ này, hiểu bà mất vì bạo bệnh đột ngột cũng được, hiểu là bà tự tử cũng được, không cần phải quá rõ ràng.

Nguyễn Trãi hiệu Ức Trai: cha ruột của Nguyễn Hải Triều, từng giữ chức Nhập nội hành khiển kiêm Hàn lâm viện thừa chỉ.

Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ

Lương Thế Vinh, tự Cảnh Nghị

Lê Thái Tông Lê Nguyên Long (Thái Tông Văn hoàng đế) – vị vua thứ 2 của nhà Lê Sơ: Con thứ của Lê Lợi, cha đẻ của Lê Nghi Dân, Lê Bang Cơ, Lê Khắc Xương và Lê Tư Thành.

Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao sau là Quang Thục Hoàng thái hậu: Con gái của Thái bảo Ngô Từ và bà Đinh thị. Bà là mẹ đẻ của Lê Tư Thành.

Dương Thị Bí (Dương thị, Dương chiêu nghi): Mẹ đẻ của Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân. Xuất thân bình dân.

Tuyên Từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh (Nguyễn Thần phi rồi Nguyễn Thái hậu): Mẹ đẻ của Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ, từng buông rèm nhiếp chính, có liên quan đến huyết án Lệ Chi Viên và một vài việc xử tội chết công thần trong thời gian bà nhiếp chính. Bà có xuất thân bình dân, từ tầng lớp dân thường.

Lê Nghi Dân: Con trai trưởng của Lê Thái Tông.

Lê Khắc Xương: Con trai thứ hai của Lê Thái Tông. Mẹ là Bùi Quí Nhân – con gái văn thần Bùi Cầm Hổ. Có hai tước phong thân vương: Tân Bình vương (dưới thời Lê Nhân Tông) và Cung vương (dưới thời Thiên Hưng đế Lê Nghi Dân đến thời Lê Thánh Tông).

Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ (Nhân Tông Tuyên hoàng đế) – vị vua thứ 3 của nhà Lê Sơ: Con trai thứ ba của Thái Tông.

Đây là một trong số 3 nhân vật isis yêu thích, yêu thích nhất trong phần 1. Lê Bang Cơ trong Độc huyền cầm như thế nào mọi người đều đã được đọc, đều có những cảm xúc, suy nghĩ riêng. Thông qua câu chuyện này, isis chỉ có một mong muốn nho nhỏ là mang đến hình ảnh của Lê Nhân Tông trong lịch sử. Người chấp chính thực sự trong khoảng thời gian rất ngắn, thành tựu công bằng mà nói thì không nhiều. Nhưng dưới cái sự đọc, nghĩ ngợi của isis, Lê Nhân Tông trong lịch sử có 3 điểm rất đáng để ghi nhớ:

- Bối cảnh lúc người đăng cơ kế vị, những việc người làm với công thần.

- Cách người đối xử với anh em ruột thịt

- Việc người giao cho quan tu sử Phan Phu Tiên tiếp tục công việc chép sử, tiếp nối công việc của ngài Lê Văn Hưu.

Hy vọng cả ba điểm này đều đã được thể hiện một phần nào đó trong Độc huyền cầm.

Đào Biểu: hoạn quan hầu hạ Lê Nhân Tông.

Phùng Thục Giang

Lương Dật, Tạ Thanh: hoạn quan thuộc về phe Nguyễn Thị Anh

Nguyễn Xí, Đinh Liệt, Trịnh Khả: khai quốc công thần, đều vì liên quan đến vụ án Lệ Chi Viên cùng mẹ con Ngô Tiệp dư mà vướng vào rắc rối, thậm chí mất mạng.

Trần Lăng, Lê Đắc Ninh, Phạm Đồn, Phan Bang

Lê Lăng, Nguyễn Đức Trung, Lê Niệm…

Nguyễn Sư Hồi: con trai trưởng của Nguyễn Xí

Quận Ai vương Lê Tư Tề: con trai trưởng của Thái Tổ Cao hoàng đế Lê Lợi. Nhân vật chính trong ngoại truyện Quân cờ.

*Các nhân vật hư cấu

Phu nhân Minh Nguyệt: vợ của Đình thượng hầu Đinh Liệt. Theo wiki, phu nhân Minh Nguyệt có thân phận như vậy. Nhưng sau khi isis tìm hiểu, đối chiếu qua vài tài liệu thì thấy trong lịch sử đúng là có một người phụ nữ tên Lương Minh Nguyệt, bà có công lớn trong kháng chiến chống giặc Minh trong trận ở thành Cổ Lộng, biết hát ả đào nhưng bà không phải vợ Đinh Liệt. Để phục vụ cho cốt truyện Độc huyền cầm nên isis đã hư cấu ra nhân vật này, phu nhân Minh Nguyệt của mình không đồng nhất với bà Lương Minh Nguyệt trong lịch sử.

Giáo phường Khán Xuân: ông trùm Tuân, thầy Nguyễn, anh kép Thuận, con Lê, cô Phượng, cô Kim Oanh (Đại Kiều).

Ở nhà quan lớn năm xưa Hải Triều từng sống: Tiểu thư Phạm Lam Ninh, chị Đào

Ngự y Dương Đán và con gái thứ ba Dương Tô Mộc

Ngô Quân, Ngô Ngọc Hồ

Cung nữ Hạ Liên theo hầu Tuyên Từ hoàng thái hậu, cung nữ Thụy An theo hầu Ngô Tiệp dư, hoạn quan Đức Vượng theo hầu Lê Tư Thành.

Lễ bộ thị lang Phan Tuấn Ngọc

Nguyễn Kiệt: họ hàng bên nội của Hải Triều.

Vương phi Lý Thị Kim Nga (Lý Thị Nam/chính phi Lý thị): Vợ của Quận Ai vương Lê Tư Tề, xuất hiện trong ngoại truyện Quân cờ.

*Đôi dòng lảm nhảm:

Cảm giác sau khi post xong chương 23 là… PHÊ. Một người vừa lười, vừa chậm chư isis cuối cùng cũng đã lết được nửa con đường mình định ra cho Độc huyền cầm. Dù thử thách to lớn, thử thách thực sự là [phần 2] Sơn hà cẩm tú kia, nhưng giờ cứ ăn mừng đã.

Đầu tiên, mình muốn gửi lời cảm ơn sâu sắc, chân thành, thống thiết *khua tay múa chân vì bất lực ngôn từ* đến Totoro- chan, Vân Anh (aka Tử Lung) và người đẹp Băng Tâm Phù Cừ vì tất cả những giúp đỡ, tâm huyết các bạn bỏ ra vì mình, vì câu chuyện này. Cảm ơn Bí Ngô vì luôn cười hi hi và hô hô với mình. Cảm ơn chị Hiền, bạn Huỳnh Vũ và em Đặng Linh vì đã là những độc giả trung thành, cổ vũ và chấp nhận được một thùng chữ của isis mà không oán thán. Chúng ta sẽ tiếp tục vui chơi với nhau nữa, nhỉ?

Cảm ơn tất cả những ai đã, đang đọc Độc huyền cầm, sự kiên nhẫn của mọi người khi cần cù lội, không chết ngất trong một đống chữ, trong một mạch truyện siêu chậm rãi và chả có tí tình cảm lãng mạn nào làm mình thực sự vô cùng, vô cùng xúc động *chấm nước mắt*.

Tất cả những dòng in nghiêng trong Độc huyền cầm là tên tác phẩm, sách, phim… hay những câu, đoạn văn… không phải của isis.

Với Độc huyền cầm, isis muốn, hy vọng, và cố gắng đạt được hai điều:

Mang đến một chút, một chút không khí, văn hóa đặc trưng, bản sắc của Đông Kinh (tức Thăng Long, Hà Nội) nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Đó vừa là quê hương, vừa là người tình vừa là một điều vô cùng ám ảnh isis.

Viết càng sát sử càng tốt, sát được bao nhiêu là sát tối đa, từ nhân vật, sự kiện, bối cảnh, trang phục…

Lịch sử là một chuỗi các sự kiện nối tiếp nhau. Có thể viết theo một cái khung có sẵn, tự buộc mình phải tuân thủ tối đa, phải cân nhắc, cẩn trọng trong từng tình tiết nhỏ sẽ khiến nhiều người cảm thấy khô cứng, hạn chế sáng tạo… Nhưng với isis, đó lại là một trải nghiệm thú vị. Bởi, trong một thế giới do mình tô vẽ từ đầu đến cuối, bạn muốn A thì sẽ là A, muốn B thì sẽ là B, nhưng khi đặt mình vào một thế giới mọi thứ đã an bài, bạn tự thử thách bản thân trong việc suy nghĩ, luận giải, giải thích tất cả những điều đã xảy ra, buộc phải xảy ra đó. Các sự kiện nối tiếp nhau san sát, nhưng giữa những sự kiện ấy, người trong cuộc nghĩ gì, tại sao sự kiện này lại dẫn đến sự kiện kia… là những câu hỏi vô cùng hay ho. Khoảng trống giữa những điều đã diễn ra ấy là chỗ để cho cả nhà nghiên cứu lẫn người viết đặt bút vào.

Việc xử lý tài liệu, lý giải tài liệu ra sao là cách của từng người. Cái mình đưa ra ở đây chỉ là sự kiện, con người có thật đã được một lần giải thích, nhận xét, sắp xếp qua góc nhìn nghiên cứu + cảm xúc, hư cấu của cá nhân. Khoa học cho mình tiếp cận phần lý trí, lý tính, cái logic của lịch sử, của đối tượng; còn văn chương cho mình tiếp cận phần cảm xúc với đủ vui buồn, hờn giận… của con người.

Những sự kiện có thật được sử dụng trong câu chuyện này có thể tìm thấy, kiểm tra lại trong Đại Việt sử ký toàn thư và Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn. Riêng với chi tiết liên quan đến con trai út của Nguyễn Xí và việc ông giết Phạm Đồn, đây không phải là chi tiết hư cấu của isis. Mình căn cứ vào nội dung trong gia phả họ Nguyễn Cương quốc công được công bố trong bài tham luận “Người có công đầu trong việc tạo dựng vương triều Lê Thánh Tông” của GS. Nguyễn Đình Chú, Đại học sư phạm, in trong kỷ yếu hội thảo nghiên cứu khoa học kỷ niệm 500 năm ngày mất của Lê Thánh Tông, tổ chức tại trường ĐH KHXH và NV, ĐHQG Hà Nội (1997).

[PR: USSH thuộc VNU là trường thân yêu của mình]

Những điều isis lựa chọn thể hiện trong giai đoạn 1442 – 1460, những đánh giá, những suy nghĩ, những cảm nhận… đều đã được nói hết trong 23 chương đầu tiên của Độc huyền cầm. Một cách cá nhân, sự yêu thích, quan tâm nhất của isis là dành cho 3 nhân vật: Lê Bang Cơ, Tuyên Từ Hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh và Phùng Thị Mai Loan.

Đó, mình chỉ muốn lảm nhảm bấy nhiêu thôi. Hẹn gặp lại ở phần 2 *vẫy tay*.

Thân ái và cảm ơn!

isis, Hà Nội, mưa, 28/07/2013

Thực hiện bởi

nhóm Biên tập viên Gác Sách:

Thảo Little – Kaitoukiddo1412 - Tiểu Bảo Bình

(Tìm - Chỉnh sửa - Đăng)