Độc Huyền Cầm (Phần I) - Ngoại Truyện 1 - Phần 2

Một năm sau ngày Tư Tề và Kim Nga thành hôn. Quý Mão (1423) mùa đông, tháng 11, ngày 21, con thứ của Bình Định vương và Phạm Thị Ngọc Trần là Lê Nguyên Long ra đời.

Ai cũng nói Bình Định vương với phu nhân Ngọc Trần là đôi uyên ương đẹp nhất trong trời đất, là trai anh hùng xứng với gái thuyền quyên. Năm nay Bình Định vương đã sắp tứ tuần lại được trời ban cho quý tử. Mới năm ngoái đây là hỷ sự của con trưởng Lê Tư Tề, cưới được ái thiếp đoan chính, giỏi giang làm đẹp lòng cha mẹ nhà chồng. Tính qua tính lại thế nào cũng thấy quả là điềm may, là phúc đức, được bao nhiêu người chúc tụng, chia vui. Con trai được sinh ra bởi vị phu nhân đang được yêu chiều nhất, trên đời còn việc gì viên mãn hơn? Mẹ vinh hiển là nhờ con, lý lẽ này trong trời đất có khi nào đổi khác?

Tin ấy ắt làm nhiều kẻ cả mừng.

- Mẹ đi thong thả! – Kim Nga cúi đầu tiễn Trịnh Thị Lữ, thấy bóng bà đi khuất đã lâu mà vẫn chưa trở vào trong. Từ khi về làm dâu nhà họ Lê, trừ việc phòng the nàng không phải đụng tay, hàng ngày trôi qua khá đều đặn với những việc không tên của người phụ nữ như giặt giũ, cơm nước, thêm vào đó còn là theo mẹ chồng nàng, thân mẫu của Tư Tề cũng là bà Trịnh Thị Lữ lo những chuyện nấu nướng, may vá trong quân doanh rồi chăm sóc thương binh. Hôm nay tin vui của Bình Định vương truyền đến trong cơn gió đông làm người người phấn chấn, chúc tụng không ngớt. Họ lấy chuyện mừng của chủ tướng là chuyện mừng của bản thân mình.

Thiếu nữ ngửa cổ ngắm nhìn bầu trời màu trắng sữa, thoáng mỉm cười. Mùa đông ở Lam Sơn không lạnh buốt như ở quê nàng.

- Ngài thấy lạ không? – Kim Nga rót nước đưa cho Tư Tề, đôi mắt trong sắc sảo liếc nhìn. – Cái tên của em trai ngài…

- Đó là một cái tên đẹp. – Chàng ôn tồn đáp, chậm rãi đưa tay cởi chiếc áo khoác ngoài xuống để nàng giúp thay thuốc đắp trên vết thương sau lưng. – Làm phiền nàng rồi.

Bàn tay lăn cuộn băng sạch dừng lại, cô gái nghiêng đầu đáp:

- Không có gì. Mà… tôi không nói chuyện đẹp xấu. Ngài đợi một chút… – Nàng nhẹ tay buộc hai đầu dải băng lại rồi chấm ngón tay vào một chén nước khác, viết ra cái tên đó, hỏi – Tôi viết đúng chứ?

Tư Tề nhìn vệt nước trên bàn liền gật đầu. Kim Nga tiếp lời:

- “Nguyên” là ban đầu, khởi đầu, đứng đầu. “Long”… năm nay không phải năm Thìn mà phụ vương của tướng quân lại lấy chữ này đặt làm tên, ghép lại chẳng phải nghĩa là “con rồng đứng đầu thiên hạ” sao? Ẩn ý này… Người đừng cho tôi tọc mạch, lòng dạ hẹp hòi. Chuyện mưu tính của thân phụ cùng vây cánh nào đó xung quanh, tôi vốn không quan tâm… Chỉ sợ rằng sau này chúng ta không thể sống yên được nữa. Người ta từ trước chẳng phải vẫn tin chắc như đinh đóng cột rằng ngài sẽ là người…

- Kim Nga, Kim Nga, nàng nghĩ quá nhiều rồi đấy! – Tư Tề cười ngay, lờ đi những điều cô gái nói. Chàng nhẹ nhàng ngăn câu nói dang dở kia vuột khỏi đầu môi nàng rồi đưa tay kéo tuột cô theo mình. – Đứng lên, đi luyện kiếm với ta.

Dự tính ấy của Bình Định vương một cô gái như Kim Nga có thể nhìn ra thì Tư Tề không thể không hiểu, những người xếp đặt cho Phạm Thị Ngọc Trần càng không thể không hay. Chàng thúc ngựa đuổi theo cô gái, gương mặt và tâm sự trong lòng hoàn toàn khác nhau. Mái tóc đen buộc lên cao của nàng phơ phất trong gió, tà áo màu chàm bay tung theo vó ngựa phi trong một chiều hanh khô gió bụi. Với Tư Tề, Kim Nga luôn là một ẩn sổ bởi nàng quá rõ ràng, mâu thuẫn thế đấy. Chàng không phải một người thông minh hay tinh tế trong việc đoán biết lòng dạ phụ nữ nên sự thẳng thắn của người con gái ấy khiến cuộc sống của chàng trở nên dễ chịu. Nhưng nhiều khi chính sự bộc trực ấy của nàng đã ném một hòn sỏi vào lòng người thanh niên vốn như mặt hồ nước ngủ, trầm sâu vẻ như rất yên bình. Tư Tề vốn quen tự làm bạn với những suy tư của bản thân, ít khi trao đổi với người ngoài nên khi Kim Nga lên tiếng nói trúng những điều chàng nghĩ, cảm giác như thể nàng đi guốc trong bụng chàng vậy. Một chút e dè, một chút đề phòng nhưng sau nhường lại một cảm giác êm ái và như… không còn một mình nữa.

- Đưa tay đây! – Tư Tề xuống ngựa, sải bước đến chỗ Kim Nga, đưa tay ra như đợi để giúp nàng.

- Tôi tự làm được! – Nàng cười ngất, toan níu yên ngựa nhảy xuống thì đã bị cánh tay rắn rỏi của chàng vòng qua eo. Chỉ cần dùng chút sức lực, Tư Tề đã có thể bế cô gái xuống, vững chãi đặt nàng lên nền đất. Mái tóc đen vắt qua vai, cọ lên má chàng nhồn nhột, đôi mắt đen sóng sánh ánh nhìn luống cuống kia chưa lúc nào gần đến thế.

Lưỡi kiếm lạnh chĩa vào nhau. Tiếng những lần chạm kiếm có khi còn nhiều hơn những lời hai bên nói ra trong suốt hơn một năm qua.

- Phu nhân, xin thất lễ! – Tư Tề đùa khi vung thanh kiếm đã theo chàng chinh chiến lên, dáng điệu đường hoàng, không chút nhường nhịn.

- Tướng quân, xin nương tay! – Khóe môi thiếu nữ nhếch lên thành nụ thoải mái, phóng khoáng như gió, như cỏ cây. Nàng thủ thế, sẵn sàng nghênh chiến.

Từng đường kiếm mạnh bạo nhưng đẹp đẽ xuất ra trong gió ngày đông. Chỉ có hai người bên bờ sông năm ấy, khi tiến, khi thoái cạnh cây hoa gạo trơ cành lá khẳng khiu, đen thẫm, gầy guộc làm cảnh tượng thêm hiu hắt. Tiếng cười của Kim Nga lanh lảnh tựa như vui lắm. Nàng vốn là như vậy, nghĩ gì nói nấy, thích cười là cười, muốn khóc là khóc. Có điều, đó là Tư Tề suy ra thế từ tính cách nàng chứ chưa thực thấy nàng ấy rơi lệ bao giờ. Đặt hai thanh kiếm cạnh nhau, chàng đưa tay lau nhưng giọt mồ hôi lăn trên nước da màu đồng khỏe mạnh, khách sáo nhận bầu nước từ tay Kim Nga:

- Cảm ơn!

- Sao ngày ấy ngài lại thuận theo ý của Bình Định vương, chọn… lấy tôi. Làm gì có chuyện ngài không biết đó là một cuộc hôn nhân sắp đặt? – Kim Nga nghiêng đầu, đưa tay tháo băng vải màu nâu buộc mái tóc xuống, thong thả dùng những ngón tay của mình chải tóc.

Ngụm nước trôi xuống cổ suýt bị phun ra khi nghe mấy câu đó. Tư Tề húng hắng ho rồi chậm rãi quay người, đôi mắt đen thật thà nhìn nàng khi chàng nói:

- Ta nghĩ… lấy nàng cũng tốt. Nàng biết dùng kiếm, chúng ta không thể giống những cặp vợ chồng khác thì cũng có việc để làm.

- Ngài nhận ra hôm đó tôi mang theo đoản kiếm? – Đôi mắt cô gái nhìn sang, mở lớn không che đậy sự sửng sốt. Nhưng chàng không trả lời, chỉ nhún vai một cái nhẹ tênh. – Rất ít người chú ý đến việc ấy. Nói chung ở với ngài cũng rất vui, không phiền hà gì cả.

Ánh mắt Kim Nga ngước lên nhìn bầu trời bị chia cắt bởi những cành cây khô héo của cây gạo, thoáng hồi tưởng sắc đỏ rực đằm thắm khi lần đầu tiên Tư Tề dẫn nàng đến đây. Cả một trời sắc đỏ tươi thắm, lộng lẫy, huy hoàng nhất nhưng lại có gì như cô độc nhất. Tiếng sóng nước ì oạp vỗ vào bờ đất vẫn thế, yên tĩnh đến lạ lùng. Sau lần ấy, như một thói quen, nàng dần để ý đến người cùng chia sẻ căn phòng nhỏ với mình, bắt đầu chú tâm đến từng cử chỉ của chàng lúc luyện võ, khi chỉ huy binh lính diễn tập trong doanh trại hay lúc nghiêng đầu bên trang sách. Có lần vì cái sự ngẩn ngơ ấy mà chậm trễ chuyện đun nước nấu cơm, nàng đã bị mẹ chàng quở trách.

Gió thổi men theo triền sông làm mùi cỏ khô tràn vào buồng phổi. Tư Tề thoải mái nằm xuống nền đất, đưa tay vào trong áo rút ra một chiếc trâm bạc nhỏ nhắn, xinh đẹp. Đôi mắt Kim Nga lấp lánh cười cười khi nhác trông thấy vật đó:

- Là tín vật trao cho hôn thê của ngài?

- Không! – Tư Tề lắc đầu, xoay vật đó giữa những ngón tay rồi cẩn thận cất lại vào trong ngực áo. – Nàng chớ đem chuyện này kể với mẫu thân ta. Bà sẽ lại khóc cho xem. Thứ này là quà cho em gái ta. Nếu như nó còn sống… giờ chắc cũng bằng tuổi nàng. Giá như ngày đó khi con bé đòi, ta tặng nó sớm hơn…

- Tôi xin lỗi. Chuyện của em gái người, tôi có nghe nói… – Kim Nga bối rối cúi đầu, lảng tránh ánh mắt của chàng. Trong chiến loạn, em gái Tư Tề nghe đồn đâu tên là Lê Thị Đào Nữ đã mất tích. Tin tức từ ngày đó đến nay hoàn toàn đứt mối, có người còn nói cô bé bị giặc Ngô bắt rồi giết đi.

- Sao ánh mắt nàng buồn vậy? – Đôi môi chàng mỉm cười ái ngại, bàn tay đưa ra vén sợi tóc vào sau mang tai giúp nàng. – Đào Nữ lanh lợi thông minh, phúc lớn mạng lớn, ta không tin con bé đã chết. Mẹ ta cũng tin vậy. Có khi giờ có người tốt bụng đã nhận nuôi con bé rồi không chừng. Ta vẫn nghĩ không tìm thấy xác nghĩa là người còn sống. Còn sống… mà tránh được tất cả những chuyện thị phi là hay nhất, sống thật yên ổn qua ngày.

Giọng chàng nhỏ dần, tựa như đang nói với chính mình. Kim Nga ngoái đầu nhìn ngược lại con đường ban nãy hai người cưỡi ngựa đi qua, nhớ lại trước đây, cũng một lần luyện kiếm trong ánh chiều tà muộn màng như thế, đó là lần đầu tiên Kim Nga nhìn thấy Trịnh Thị Lữ sau khi nàng trở thành vợ của Tư Tề. Cuộc gặp gỡ ngắn ngủi ấy không lưu lại gì nhiều trong kí ức trừ sự thắc thỏm vô cớ ngôn nguôi khi bà đặt tay Tư Tề vào tay nàng, nhắc đi nhắc lại:

“Ta giao con trai mình cho con. Sau này trăm sự nhờ cả vào con, nhờ con chăm sóc Tư Tề giúp ta, Kim Nga”.

Những lời dứt ruột dứt gan ấy chỉ nên nói vào lúc sinh ly tử biệt, biết chắc không thể gặp lại nhau. Thế mà rõ ràng bà còn đang sống sờ sờ ra đó lại trao lên vai đứa con dâu hờ như nàng gánh nặng đến thắt lòng ấy. Sau này Kim Nga mới hiểu, người mẹ có những linh cảm mà người ngoài như nàng không thể hiểu hết. Trên đời, không phải vì cái chết ngăn đôi mà đau khổ nhất lại là dù sống dưới một bầu trời, hít thở cùng một bầu không khí nhưng vĩnh viễn không thể gặp lại, vĩnh viễn nghìn trùng cách trở. Số phận của Lê Tư Tề và Trịnh Thị Lữ về sau chính là như thế.

- Tướng quân, hay tôi giả nam theo ngài ra trận nhỉ? – Kim Nga bâng quơ buông lời.

- Nàng đừng đùa! – Chàng nhỏm dậy, chau mày nhìn cô gái.

- Ngài cho tôi không đủ khả năng?

- Phu nhân, ta không dám! – Tư Tề làm bộ chắp tay tạ lỗi rồi ngẩng lên, cốc nhẹ lên trán Kim Nga. – Ta nói thế nào cũng là chồng nàng, những chỗ ấy tuyệt đối không để nàng lai vãng đến.

- Là tôi muốn thấy ngài toàn thân giáp trụ, đánh Đông dẹp Bắc thôi!

Nàng bỏ lại một câu ấy rồi đu mình lên lưng ngựa, phi về bản doanh để lại sau lưng một kẻ ngẩn ngơ như nghe mà không hiểu điều nàng nói.

***

Năm Ất Tỵ (1425), Bình Định vương vây thành Nghệ An, khi đến Triều Khẩu ở Hưng Nguyên, thấy đền thờ thần Phổ Hộ. Tục truyền rằng thuyền bè qua đó nếu không giết vật cúng sẽ khiến thần nổi cơn thịnh nổ mà hất lật thuyền. Sự việc ấy nói tới nói lui, bàn ra tán vào thế nào cuối cùng lại thành thần xin Bình Định vương hiến cho một người vợ thì sẽ phù hộ cho cuộc bình Ngô phục quốc tất thắng lợi. Lại có người nói thêm rằng, chuyện xảy ra này giống hệt như năm xưa Trần Duệ Tông đi đánh Chiêm Thành, Thần phi Nguyễn Thị Bích Châu vì nghĩa lớn mà hy sinh, dâng mình cho thần đổi lại trời yên gió lặng cho quan quân nhà Trần dong buồm thẳng tiến vào đất Chiêm. Lệ cũ đã thế, nay quân ta cứ theo đó mà kính cẩn làm theo.

- Con đến rồi sao? – Lê Lợi nghe tiếng bước chân của Tư Tề vang lên sau lưng liền trao đứa bé mới hơn hai tuổi trên tay mình cho nhũ mẫu, đôi mắt thâm trầm vờ như bình ổn nhưng không che đậy nổi những tia nhìn chua xót.

Đứa bé tên Nguyên Long vươn vươn người về phía chàng, hai tay vẫy vẫy như có ý đòi được bế. Tư Tề gượng cười, đưa tay vỗ nhẹ lên đôi má bầu bĩnh của thằng bé, thì thầm:

- Anh còn chút việc bận, tẹo nữa sẽ qua chơi với em. Ngoan!

Mưa rơi xuống từ mái hiên trong một ngày nắng nhạt. Hơi nước bốc lên mang theo mùi ngai ngái. Chàng lặng yên hồi lâu cuối cùng mới lên tiếng:

- Phụ vương, người chấp nhận chuyện dùng phu nhân Ngọc Trần làm vật tế thần?

- Con cũng dự buổi họp ban nãy, sao giờ còn hỏi lại ta? – Lê Lợi không nhìn lên, lặng lẽ nói, từng chữ đều rất rõ ràng.

- Ban nãy con là tướng sĩ dưới trướng phụ vương, ý người đã thuận, đến các đại nhân cũng không can được, con nào dám lên tiếng thêm. Còn ở đây, con không dùng thân phận tướng quân để xin người, con dùng phận kẻ làm con để xin người tính đường khác. – Tư Tề nhìn thẳng, chậm rãi nói, từng lời từng lời đều cân nhắc rất lâu. – Năm xưa là mẫu thân con mất Đào Nữ. Bây giờ người lại khiến Nguyên Long mất phu nhân Ngọc Trần. Nguyên Long mới hơn hai tuổi, người với phu nhân cũng đâu phải tình nghĩa đôi ba ngày…

- Con nghĩ ta không đau sao? – Ngài ngẩng lên, gay gắt nói lớn, ánh mắt trừng trừng nhìn người thanh niên trước mặt.

- Con cũng có ý giống Thừa chỉ Nguyễn Trãi, lần này có thể dùng những vật giống cái khác như trăm họ từng làm để tế thần, không nhất thiết phải dâng phu nhân. – Tư Tề hít vào một hơi rồi tiếp tục mở lời, ánh mắt nhìn thẳng không chớp.

- Con đã nghe Lê Sát nói rồi đấy, cách đó không được. Ý ta đã quyết, chớ bàn nhiều!

Cùng câu chuyện hiến thần ấy đưa ra bàn bạc, trong số những người vợ của Bình Định vương chỉ có Phạm Thị Ngọc Trần dám tuẫn tiết vì sự nghiệp của thánh chúa. Những lời người nói trước mặt phụ vương Tư Tề trong chốn màn trướng không có cánh cũng tự bay đến khắp chốn tựa một sợi thòng lọng lăm le thít lấy cổ kẻ xấu số bị lôi vào. Lúc Kim Nga cúi mình nhóm lửa nấu cơm đã nghe đám đàn bà con gái diễn lại cảnh tượng ấy vô cùng sinh động. Chị bếp hùng hồn thuật lại như thể được chính mắt trông thấy, tuy chỉ là nghe hơi nồi chõ nhưng sau kiểm tra lại cũng không khác sự thật là mấy:

- Lúc ấy phu nhân Ngọc Trần khảng khái quỳ xuống trước mặt Bình Định vương thưa rằng: “Thiếp nguyện vì sự nghiệp của chúa thượng mà xả thân. Sau này đại nghiệp thành công, chỉ mong con thiếp có thể nối ngôi thiên tử. Xin người đừng phụ con thiếp!”.

Những lời ấy tựa lá khô trong gió đông hàn cào lên bức tường đất nơi quê hương của Kim Nga, khiến nàng trầm mặc mãi. Buổi lễ tế thần long trọng ấy sớm được thu xếp bên bờ sông sóng lớn vỗ bờ, cuồn cuộn chảy trôi. Trong tiếng trống đổ dồn trầm vang, trong tiếng sụt sùi ai oán và tiếng khóc ngằn ngặt thất thanh của con trẻ, giữa cảnh toàn quân nghiêng mình trước người phụ nữ cao cả ấy, nàng đã lén đưa mắt nhìn Tư Tề. Vẫn bình thản thế, vẫn dáng người vững chãi thế, trong đôi mắt đen lặng dường như dâng lên điều gì chua chát. Lê Tư Tề không tranh, hoặc đã dẹp những tơ tưởng năm xưa sang bên nhưng giờ có kẻ công khai tranh với chàng, coi chàng là vật cản lớn nhất, mượn vào ba chữ Lê Nguyên Long kia để tính đến những nước đi này. Thân hình yểu điệu xinh đẹp ấy như cánh bướm gieo mình xuống lòng sông sâu thẳm, trong chớp mắt đã không còn thấy đâu. Một chút cảm xúc lướt qua lòng Lý Thị Kim Nga dường như là sự đồng cảm của những quân cờ vì nước đi của kẻ đang thâu tóm thời cuộc mà thân bất do kỷ.

- Phụ vương ngài vẫn đang ở bên linh cữu của phu nhân Ngọc Trần sao? – Nàng khép cánh cửa sổ lại, đặt vào lòng bàn tay Tư Tề chén trà nóng rồi kéo ghế ngồi gần lại. Từ sau khi người phụ nữ đó tuẫn tiết đến khi vớt được xác bà, trong quân doanh trùm lên một màu tang tóc. Không ai dám nói to, chẳng kẻ nào dám cười lớn mà chỉ cặm cụi, chuyện tâm hơn nữa vào việc của mình.

Gương mặt vuông chữ điền của chàng cố nhiên luôn giữ vẻ bình tĩnh nhưng không nén được một cái thở dài. Đưa tay xoa xoa hai hốc mắt nhức nhối, chàng đáp:

- Ta vừa từ chỗ Nguyên Long về. Thằng bé khóc mãi, giờ đang ở cùng mẹ ta.

- Mọi chuyện cuối cùng đã được an bài rồi! – Đôi môi nàng nhếch lên, ánh mắt sắc rơi vào đáy nước. – Người sau này kế thừa đại thống chắc chắn là em trai người. Tướng quân, từ nay về sau người nên cẩn thận thì hơn.

- Chuyện này không phải việc nàng nên bàn! – Tư Tề nghiêm giọng nói, đặt chén trà xuống. Ánh mắt đen nhìn nàng thoáng lạnh lẽo. Dường như chàng đã ngầm đoán được Kim Nga lại cải trang đi nghe ngóng binh tình dù chàng đã cấm. Giả như nàng làm thế vì mục đích riêng thì đi một lẽ, đằng này, tất cả những điều nàng làm hoàn toàn là do hiếu kì, thậm chí còn như muốn dùng đôi tay kia cào rách, lột bỏ những tấm mặt nạ giả nhân giả nghĩa đến buồn nôn, để nàng có thể ngửa cổ cười lớn mỉa mai.

Kim Nga thản nhiên đón nhận ánh nhìn trách tội của Tư Tề, ngón tay di theo miệng chén nước tròn, cười nói:

- Trước đây, tộc nhà tôi chịu không nổi ách đô hộ của giặc Ngô, muốn đánh nhưng không đủ thế, càng chẳng đủ sức nên mới vạn dặm đường tìm đến Lam Sơn. Nghĩa quân của phụ vương ngài là cây cao bóng cả nên chúng tôi đến nương nhờ, mượn đó đạt mục đích của mình. Nhưng sau thì… chẳng ai đem xương máu mình ra cược mà không ngầm tính toán thiệt hơn, tính kế vinh thân phì gia. Ngài nhìn tôi xem, chẳng phải tôi được gả cho ngài cũng vì lẽ ấy hay sao?

- Nàng đã nghe ngóng được gì rồi? – Chàng thẳng thừng dò xét cô gái, thong thả rót trà ra chén, thong thả thưởng thức.

- Thứ cho tôi nói thẳng, cái gọi là hy sinh ấy nói trắng ra chỉ là một cuộc ngã giã, một cuộc mặc cả không hơn, không kém. Ai cho đó là vẻ vang, cảm động thì tùy, tôi chỉ thấy chuyện đó thật nực cười. Xin châu báu ngọc ngà, tập ấm phong hầu thì có thể hiểu được, còn giữ ngôi cai trị thiên hạ, xưa nay không phải dựa vào tư chất, tài trí hay sao? – Kim Nga liếc mắt nhìn, giọng nói rất nhỏ nhưng rõ ràng. – Câu nói của phu nhân Ngọc Trần trước lúc mất, tôi không biết đó là thực tâm xin vậy hay là do có kẻ mớm lời. Có điều, giờ đã có thể nhìn ra rõ phe bên ấy có những ai. Phạm Vấn đã sớm thông đồng với Lê Sát và một số kẻ khác. Chẳng phải chính vị đại nhân Lê Sát kia là người bác bỏ kiến giải của Thừa chỉ tên Trãi, cho rằng dùng vật giống cái thay người để tế thần là báng bổ thần linh sao? Chính ông ta cũng là người khăng khăng nói phải dùng người sống. Chà, Phạm Vấn là anh trai phu nhân, chuyện này ông ta im lặng vì nghĩa lớn như vậy kể cũng là chuyện đáng lưu tâm.

- Xung quanh đây tứ bề đều là người của nàng nên nàng mới có thể an tâm nói ra những lời này, đúng không? – Đến lượt Tư Tề đột ngột lên tiếng, đưa tay khơi lên bấc đèn để ngọn lửa cháy sáng hơn chút nữa. Những lời nàng nói ra, chàng không một mảy may động lòng.

- Bị tướng quân phát hiện rồi. – Kim Nga ung dung đáp. – Tôi cũng đang đoán xem, lúc nào ngài sẽ thừa nhận mình phát hiện ra điều ấy. Con gái đi lấy chồng xa, thầy mẹ không yên tâm, mong ngài thứ lỗi. Lê Tư Tề, những điều tôi nói cũng là những điều ngài nghĩ, đúng không?

Chàng không đáp, ánh mặt đăm đăm nhìn bấc đèn cháy lép bép. Kiểu cách hành xử thẳng thừng, vuốt mặt không nể mũi của Kim Nga phơi bày tất cả những điều Tư Tề vốn giữ trong lòng, cả những suy tính, cả những tâm tư sâu kín nhất. Một bên là việc nước, là chốn quan trường, một bên là em trai; một đằng là tham vọng bản thân, một đằng là nghĩa tình ruột thịt. Tư Tề không chối chính mình từng nghĩ đến việc sau này sẽ làm chủ Đông cung[3], nhưng đúng như Kim Nga nói, vào lúc phụ vương hạ bút ban cái tên Lê Nguyên Long cho em trai chàng, phần lý trí tỉnh táo nhất đã lên tiếng bảo với chàng rằng: Hiện thực đã được an bài từ lúc ấy. Cục diện này, thế trận này trong một khắc đổi sang một hướng hoàn toàn khác mà bản thân chàng lúc thấy rõ, lúc lại mờ mịt.

[3] Nơi ở của Hoàng thái tử.

- Ngài không thấy đang tự mình làm khó mình sao? – Kim Nga lơ đãng nhìn bóng cây in lên bức rèm buông rủ.

Tư Tề nhất thời không hiểu ý của cô gái trước mặt, lặng yên đợi nàng nói thêm. Kim Nga hít vào một hơi, tiếp lời:

- Giờ ai cũng biết trong quân chia làm hai phe. Những người gốc ở kinh thành[4] ủng hộ ngài giữ ngôi thái tử. Còn những người ở Lam Kinh thì theo em trai ngài, lại thêm chuyện tuẫn tiết của phu nhân Ngọc Trần… Tôi chưa nói đến chuyện thiệt hơn gì, chỉ là… ngài lúc nào cũng thể hiện rõ ràng bản thân kính trọng, có ý cất nhắc những người có học như đại nhân Nguyễn Trãi, Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Lưu Nhân Chú… dù họ không quê gốc ở Thanh Hóa, có người mãi về sau mới xuất đầu lộ diện theo phò Bình Định vương. Chuyện đó người ngoài cuộc như tôi cho rằng phải, là hợp lẽ, thức thời. Nhưng người trong ắt không nghĩ thế. Họ cùng quê với tướng quân nay lại thấy ngài đối xử như vậy ắt sinh lòng khác. Ngài làm thế không phải lấy tay trái đánh tay phải, quân ta đánh quân mình sao?

[4] Ám chỉ Đông Quan (tên gọi khác của Thăng Long thời thuộc Minh).

- Nhưng dung dưỡng loại đó không phải là chuyện tốt. Bây giờ giang sơn chưa lấy được về, họ đã không cần biết trời cao đất dày, huống hố sau này đại nghiệp thành thì còn ra đến thế nào? Hơn nữa, đạo trị nước mà nói không thể dùng chân tay của kẻ thất phu ít học mà phải dùng cái đầu của kẻ thức giả. Đó là tính kế lâu dài. Ta có chủ ý của mình, không vì một chút hẹp hòi đó mà gió chiều nào che chiều ấy. Chuyện gì có lợi cho sự nghiệp của phụ vương, cho đại cuộc, ta nhất định làm. – Tư Tề ôn tồn đáp, ngữ điệu cũng giống như cách chàng hay dùng lúc bàn việc quân.

- Là khôn hay dại đây? – Kim Nga cười, nghiêng nghiêng đầu – Ngài và những người dám công khai đối đầu, dám chống lại chủ ý của những bậc đại thần quyền cao chức trọng như Phạm Vấn, Lê Sát, Lê Ngân… Tự biến mình thành cái gai trong mắt, cái đinh trong thịt những kẻ đó, Lê tướng quân, ngài thật có phong thái!

- Ta nghĩ nàng nên nhanh chóng rời khỏi đây, quay trở về cuộc sống của nàng lúc trước! Chuyện của ta, ta tự khắc lo liệu ổn thỏa.

- Tôi còn có thể về đâu?

Nàng tự cười bản thân khi cánh cửa phòng khép lại. Là thói quen nhìn bóng người trên vách? Giờ chàng đi khuất tầm mắt, lại để trong lòng một cảm giác mất mát mông lung đến thế này?

Một người trưởng thành, có chủ ý riêng đồng thời đã kinh qua chiến trận, cũng gọi là biết hết những người trong bộ tham mưu của nghĩa quân ưu – khuyết đến đâu như Lê Tư Tề hẳn nhiên là một mối đe dọa những kẻ định vin vào công trạng để leo cao trong triều đình. Người như chàng chắc chắn không phải hạng bảo sao làm vậy, để yên cho người khác giật dây. Với quân tử, họ chọn phò tá người hiểu chuyện bởi dân gian đã nói: Làm tớ kẻ khôn còn hơn làm thầy thằng dại. Còn với những kẻ định lăm le lấy tay che trời, cũng vẫn con người ấy chợt lại trở thành mối nguy hại thường trực.

Sau cuộc nói chuyện, những lời lưu lại chỉ còn từng ấy. Cả hai càng lạnh nhạt với nhau hơn lúc trước, chuyện luyện kiếm kia dần dần chỉ còn là dĩ vãng. Là Tư Tề đề phòng Kim Nga? Nàng đã từng nghĩ thế, cũng cho những lời mình nói dù ít dù nhiều cũng đụng chạm, mỉa mai phụ vương người nên khiến Tư Tề không vui. Kim Nga chưa biết rằng, tất cả những lạnh lùng ấy chỉ là cách chàng giữ nàng xa mình một chút, để những rối ren kia không vô tình, hữu ý quàng lấy người con gái ấy.

***

Lại hai năm nữa trôi qua.

Tháng mười một năm Đinh Mùi (1427), hai đạo viện binh của nhà Minh do Liễu Thăng, Mộc Thạnh chỉ huy bị phá tan. Vương Thông chấp nhận cùng Bình Định vương Lê Lợi nghị hòa, nhưng những viên quan người Việt theo nhà Minh là Lương Nhữ Hốt, Trần Phong khuyên Thông không nên tin theo Lê Lợi vì sẽ bị lừa giết. Vì vậy, để đảm bảo sự tin tưởng lẫn nhau, Lê Lợi chấp nhận cùng Vương Thông trao đổi con tin. Thông cử hai tướng Sơn Thọ, Mã Kỳ sang bên quân Lam Sơn, còn Lê Lợi sai con trưởng là Lê Tư Tề cùng tướng là Lưu Nhân Chú vào thành Đông Quan.

Dáng người ấy giờ trong mơ Kim Nga cũng có thể nhìn thấy rất rõ. Dù chàng đã cấm nhưng chân tay là của nàng, nàng muốn làm gì thì trời cản được. Không nói chuyện với nhau thì không nói chuyện với nhau, nàng chọn cách lặng lẽ đi theo Tư Tề, lặng lẽ nhìn lưỡi kiếm kia vung lên đoạt mạng từng tên, từng tên địch. Dáng vẻ oai phong dũng mãnh ấy thật khác phong thái thường ngày, khác cả dáng điệu của chàng lúc này. Khoác chiến bào lên vai, Tư Tề quay người, lời tạm biệt nói ra cũng rất nhỏ.

- Tư Tề, ngài nhất định phải trở lại! Những chuyện trước đây tôi nói có gì không làm ngài vừa lòng… thì ngài cứ bỏ ngoài tai.

Lời nói ấy vuột khỏi đầu môi Kim Nga khi nàng chạy xô tới, đưa tay níu lấy bàn tay đặt lên chuôi kiếm của chàng. Một chút xao động, một chút sững sờ.

- Ta sẽ về! Còn những chuyện lúc trước, nàng có nói gì không phải đâu nhỉ? – Chàng cười đáp, đưa tay cốc nhẹ lên trán cô gái đứng sau lưng mình, trong đáy mắt đen ẩn chứa những tia nhìn ấm áp, nhẹ nhõm. Dáng vẻ này của nàng làm chàng nhớ lại lần đầu tiên nhìn thấy Lý Thị Kim Nga. Tư Tề thuận theo xếp đặt chẳng qua vì nhìn ánh mắt nàng lúc ấy rất giống Đào Nữ: long lanh, thẳng thắn và bướng bỉnh. Nhưng lý do ấy chàng không nói với ai, kể cả mẹ mình, càng không nói với nàng. Bây giờ thế, sau này cũng vẫn thế bởi với cá tính của Kim Nga, những lời ấy chắc chắn sẽ làm nàng không vui khi biết mình từng là thế thân cho người khác.

- Tư Tề… – Nàng ngập ngừng nhìn lên.

- Chuyện gì nữa? – Chàng ôn tồn hỏi.

- Chàng là chồng thiếp, nhất định không được bỏ thiếp lại một mình. Còn có rất nhiều chuyện chúng ta phải làm.

- Nhiều chuyện chưa làm hả? – Hàng lông mày đậm chau lại như có ý trêu đùa cô gái thẹn thùng trong vòng tay – Đợi ta trở về rồi sẽ đền bù cho nàng hết… Kim Nga… tại sao người nàng chọn lại nhất định là ta?

Cái ôm gấp gáp, nụ hôn lướt qua đôi má hồng hồng, còn người nhanh chóng khuất sau đám bụi tung mù mịt cuộn vào vó ngựa.

Tại sao lại là chàng?

Kim Nga không biết bởi với nàng, mọi chuyện đều hiển nhiên phải thế. Có lẽ nào vì dáng vẻ ung dung vững vàng ấy? Hay vì những rắc rối bao quanh người? Hay bởi chàng luôn bao che, dễ dãi với tính khí ngang ngược của nàng? Tất cả tuy nói dài nhưng đều là chẳng đủ. Đơn giản chỉ có một điều: Lý Thị Kim Nga là người của Lê Tư Tề!