Độc Huyền Cầm (Phần I) - Ngoại Truyện 1 - Phần 1

[Ngoại truyện: Quân cờ - 1]

Thể loại: Truyện ngắn

Tình trạng: Đã hoàn thành

Rating: PG- 13

Disclaimer: Câu chuyện này do tôi sáng tác và tôi chịu trách nhiệm với những gì mình viết ra. Bối cảnh: thời Lê Sơ (thế kỷ XV), xoay quanh nhân vật Lê Tư Tề (con trai trưởng của Lê Lợi). Tác giả sử dụng một vài yếu tố nhất định từ sử sách nhưng dù vậy, đây vẫn chỉ là một tác phẩm hư cấu không hơn không kém; thể hiện sự phỏng đoán, tưởng tượng, thêm thắt của cá nhân tác giả. Hoàn toàn không nên đánh đồng nó với những điều thực sự xảy ra trong thực tế cách đây mấy trăm năm.

Đây là ngoại truyện đầu tiên của Độc huyền cầm, diễn ra vào năm Diên Ninh thứ hai (1455) khi Nguyễn Hải Triều mười bốn tuổi. Dù vậy, hoàn toàn không cần đọc Độc huyền cầm để theo dõi Quân cờ.

Với những người đã theo dõi Độc huyền cầm, ngoại truyện này được tách ra để không làm loãng mạch truyện chính (nói cách khác là để thỏa thú vui bắt bướm hái hoa của tác giả), chỉ nhằm làm rõ thêm một số chi tiết nhỏ trong truyện chính.

Tài liệu tham khảo:

- Wikipedia

- Đại Việt sử kí toàn thư

- Đại Việt thông sử – Lê Quý Đôn

- Bên lề chính sử và Thảm án các công thần khai quốc đời Lê – Đinh Công Vĩ

***

[QUÂN CỜ]

Họa phúc hữu môi, phi nhất nhật

Anh hùng di hận kỷ thiên niên

Càn khôn kim cổ vô cùng ý

Khước tại thương lang, viễn thụ yên[1]

(Quan hải – Nguyễn Trãi)

Đông Kinh, mùa hè năm Diên Ninh[2] thứ hai (1455).

[1] Dịch nghĩa (theo cuốn Thảm án các công thần khai quốc thời Lê):

… Họa phúc có nguyên cớ, không phải một ngày

Anh hùng để hận mấy nghìn năm

Lẽ của trời đất xưa nay thực vô cùng

Vẫn là chỗ sắc nước bát ngát, cây khói xa vời.

[2] Niên hiệu thời Lê Nhân Tông từ năm 1454 – 1459.

Kinh thành nóng bức, mãi mới có một cơn gió nồm nam thổi mát cả trưa hè.

Trời đang nắng gắt đột ngột đổi gió, đổ trận mưa rào. Thiếu nữ mặc chiếc áo tứ thân xanh nhàn nhạt tựa hồ gần như chuyển sang sắc trắng bên ngoài cái yếm màu quan lục cổ tròn, tay cầm ô đứng trú dưới gốc đa già. Thân hình nhỏ nhắn hơi run lên trong gió ướt lạnh. Gương mặt còn mang những nét ngây thơ, chắc chỉ chừng mười ba, mười bốn tuổi ngước lên nhìn bầu trời xám xịt, mây đen vần vũ. Nàng chau mày một cái, đôi môi hồng mím lại nhưng không buông nửa câu than thở.

- Trạch rằng trạch đẻ con đa… Sáo đẻ dưới nước… Con ta con mình. Mặt trời mọc ở đằng Tây, trời này thành đất, đất kia thành trời… Sao gì mọc giữa ban ngày, nước này chảy ngược, công kia cũng hoài. Chuông khánh còn chẳng ăn ai, nữa là mảnh chĩnh vứt ngoài bờ tre…Chuông khánh còn chẳng ăn chè, nữa là mảnh chĩnh rò rè ăn xôi. Ở đâu có sự lạ kì, đem thân dâng cá để đòi ngôi cao? Này thì châu chấu đá xe, cá bò trên đất, gà này bơi sông… Này thì nắng giữa mùa đông, này thì đang hạ gió đông thổi về…

Lời lẽ hỗn loạn đảo điên, thơ không ra thơ, hát chẳng ra hát, lẫn vào giữa đó còn là những tiếng cười khanh khách cao vút đến rợn người. Mưa rơi rào rào trên tán lá mà âm thanh kia vẫn vang lên thật rõ, thật đanh trong buổi quá trưa. Thiếu nữ giật mình nhìn sang, nhận ra người đàn bà nom quá ngũ tuần, ăn mặc rách rưới bẩn thỉu, mái tóc muối tiêu rối bù dính đấy những chiếc lá khô đang ngồi dựa lưng vào căn chòi rách gần mé sông, ngâm nga khúc hát lộn xộn ấy.

Hóa ra là mụ điên ở chợ Đông.

Nàng có nghe đám đàn bà con gái kể rằng, ở khu chợ phía Đông kinh thành có mụ đàn bà dở dở điên điên sống bằng nghề hành khất, chuyên lảm nhảm những chuyện ngược đời, khi cười lớn, lúc lại khóc gào vật vã. Nếu như mọi bận phải vội vàng làm cho kịp việc của mình, không đời nào nàng dừng lại. Nhưng hôm nay rõ ràng trời xui quỷ khiến làm ra trận mưa khiến từng lời điên dại kia vọng thẳng vào tai, rơi vào lòng thiếu nữ. Cười đấy, trống rỗng điên rồ nhưng sao vẫn nghe ra lắm nỗi đắng cay, hờn tủi của một kẻ hoàn toàn đang tỉnh?

Là nàng đa sự hay thực tình chỉ vì một chút chạnh lòng mà dừng bước lại?

Mụ lắc lắc mái tóc, ngửa mặt ra hứng mưa, hai vai rung rung theo điệu hát ngang ngang không ra vần điệu:

- Cóc ghẻ mà mặc áo vàng, điểm son trát phấn quấn quanh ngọc ngà. Bao giờ thiên hạ hóa gà, quạ đen cũng dễ phượng hoàng bay cao. Người ngay lăn lộn ngược xuôi, không bằng thằng nhãi ấm êm lụa là. Ai đem thân lát lấy đường? Ai đem trắng đấy đổi thành ra đen? Là rằng lưỡi chẳng có xương, miệng ta ta nói, đau thương mặc người… Ông đây áo gấm vẻ vang, mày thì xó bếp cam tâm làm mèo… Cây cao thì mặc cây cao, hô người đến chặt cây cao chẳng còn…

- Bà kể cho cháu nghe chuyện của mình được không?

Âm thanh “keng” một cái vang lên khi thiếu nữ thả đồng xu vào cái bát sứt mẻ cáu bẩn làm mụ dừng lại không ngâm nga nữa, ngước mắt ngơ ngẩn lên nhìn rồi cười hềnh hệch:

- Kể gì? Cái gì kể cơ? Ta có hoa này. Hoa đẹp. Hoa xinh.

Người đàn bà nghiêng người cười cợt, vung vẩy mấy cọng cỏ dại cùng mấy đóa hoa héo rũ nắm hờ trong ngón tay, giơ ra trước mặt cô gái hiếu kì tử tế nọ. Giờ nàng mới nhìn kĩ hai chân người đàn bà bị liệt, gầy trơ chỉ còn da bọc xương, hoàn toàn thừa thãi. Còn hai cánh tay tuy đung đưa đấy nhưng thực ra không có mấy sức lực. Mọi cử động đều từ đôi vai gầy mòn kia mà ra. Mụ không những điên mà chắc chắn là một kẻ tàn phế đến độ một chút giá trị cũng chẳng còn. Quăng quật đám lá cây một hồi, người đàn bà cúi đầu xuống, dùng răng bứt lấy từng cánh hoa xuyến chi rồi nhổ ra, mỗi lần như thế lại đếm:

- Tha này… Giết này… Tha này… Giết này…

Quanh nhị hoa cuối cùng chỉ còn một cánh, mụ ngửa cổ cười sằng sặc rồi ho rồi lại cười sằng sặc, ánh mắt mờ đục dài dại nhìn về phía thiếu nữ hàm ẩn nét cười đến lạnh sống lưng. Cái miệng người đàn bà đột nhiên há ra, rống lên:

- Là… giết đấy! GIẾT ĐẤY! A ha ha ha ha ha…

- Cháu muốn nghe chuyện của bà. Chuyện gì cũng được! – Cô gái ngồi xuống, xếp hai tà áo trước trong lòng, nhẫn nại lặp lại từng chữ.

- Muốn gặp ma thì phải đợi tối giời. Giờ ma còn bận áo gấm cân đai rồi, không rảnh rỗi chơi với con ranh con nhà người đâu!

Lăn ra đất, cả cơ thể gầy mòn giãy lên như cách người ta hay làm lúc ăn vạ nhưng vì hai chân, hai tay người đàn bà đều tính như đồ bỏ nên đến cử động ấy cũng khiến mụ giống con cá mắc cạn chỉ biết ngáp ngáp chờ chết. Cô gái không ngần ngại vươn tay xốc người đàn bà ngồi thẳng dậy nhưng cử chỉ đó chỉ làm cho mụ không vui, đôi mắt rực lên những tia nhìn hằn thù, tức tối:

- Buông ta ra! Buông ta ra! Chớ có đụng vào ta! Ta là con gái Ngọc hoàng thượng đế, ai cho đám người trần mắt thịt các ngươi đụng vào? Ta sẽ sai thiên binh thiên tướng xuống bắt ngươi, bắt ngươi ôm cột đồng, bắt ngươi cắt lưỡi, mổ bụng, moi gan…

- Cháu không đụng vào bà là được. Bà cứ bình tĩnh! – Cô gái rụt tay lại, giọng nói ôn tồn còn đôi mắt đen hoàn toàn bình thản như thể đây là cuộc chơi mà vì tò mò nàng nhất định sẽ đi đến cùng.

Mụ điên thoắt cái coi như chẳng còn nhận ra sự có mặt của thiếu nữ, tiếp tục đùa nghịch với những cánh hoa rơi vương trên nền đất ẩm dính lép nhép bởi cơn mưa. Thỉnh thoảng mụ còn ngửa cổ, há miệng hứng những giọt nước trong veo nhỏ xuống từ mái tranh của căn chòi xập xệ.

- Tối cháu sẽ quay lại! – Nàng nói khẽ rồi đứng dậy. Lướt qua đuôi mắt người đàn bà là sợi xà tích với ống trầu tinh xảo bằng bạc đung đưa dưới thắt lưng lụa màu trắng ngà của cô gái.

Mụ lại hát, lại cười như bao lâu nay vẫn thế, đến nỗi người ta chẳng còn ái ngại mà trông theo.

Y như lời hẹn, lúc trời ngả về chiều, chợ tàn, cô gái nọ lặng lẽ quay lại, lặng lẽ đứng giữa những người đang hối nhau dọn hàng nhanh nhanh chóng chóng để còn về nhà cơm nước quan sát người đàn bà hâm dở nọ. Giờ mụ không hát nữa, cũng chẳng cười nữa, càng không để tâm đến cái bát đựng mấy đồng xu lẻ cạnh mình. Trong đôi mắt trống rỗng là cả một buổi tà dương tịch mịch.

Tiếng trẻ con lít nhít vọng lại ngày một gần làm nàng nhãng ra khỏi người đàn bà kì lạ nọ, tạm gác những hoài nghi chợt dấy lên trong trong khi nghe khúc hát nhộn nhạo ban chiều sang bên. Là một đám trẻ ăn mày tuổi sàn sàn nhau, đứa nào cũng đen đúa, bẩn thỉu, áo quần chẳng thèm vá nữa mà sờn rách lung tung. Chúng nô đùa rồi chạy nhanh đến chỗ mụ điên, có đứa nhanh tay cúi xuống đổ mấy đồng xu trong bát của bà vào cái bị rách khoác trên vai. Đôi chân dợm bước đến vội dừng lại. Hóa ra đám trẻ ấy và mụ đàn bà quen nhau. Một đứa xem chừng là lớn nhất khom người cõng thân hình gầy rạc đi của mụ lên rồi theo lối ngược lại dần đi khuất khỏi tầm mắt nàng.

Cô gái lặng lẽ bám theo, một âm thanh thừa thãi cũng không vang lên. Chiếc váy lĩnh quấn vào chân theo mỗi bước đi gấp gáp và chỉ dừng lại khi một con bé chừng năm tuổi ở đâu chạy qua, chặn nàng lại, hất hàm:

- Chị đi theo chúng tôi là có ý gì? Nom dáng vẻ này…

Ánh mắt đen láy ngờ vực của con bé nhìn nàng từ trên xuống dưới, hai tay khoanh lại cố làm ra vẻ thách thức.

- Cô ấy là người quen của ta. – Mụ đàn bà ngoái lại, ngữ điệu bình ổn khác hẳn dáng vẻ điên dại bất cần thiếu nữ trông thấy hồi nãy. – Ranh con, còn không mau đi theo?

Ven sông Hồng, gió thổi qua mặt sông mang mùi nước, mùi phù sa luồn vào các khe hở trên những tấm liếp dựng sơ sài thành một thứ không biết nên gọi là nhà hay lều, xua đi mùi ẩm mốc bí bách. Đám trẻ thả người đàn bà xuống một đống rạ trong góc rồi hè nhau đi kiếm thứ gì ăn. Cô gái đưa mắt nhìn rồi thoải mái ngồi xuống một chỗ có vẻ khô ráo nhất. Con chuột to bằng bắp tay lục sục trong đống quần áo rách nghe động liền chạy vụt qua ngay trước mũi chân nàng nhưng chỉ thấy dáng người mảnh mai ấy hơi giật mình một chút rồi thôi. Từng cử chỉ nhỏ của cô gái không lọt khỏi mắt người đàn bà.

- Người muốn nghe chuyện của ta? Không sợ chết sao? – Mụ nói, cười mỉa mai.

- Người sợ chết sao? – Đôi mắt đen lặng lẽ lại có gì sắc sảo liếc ngang, nàng từ tốn đáp – Coi như cháu là kẻ qua đường hiếu kì đi.

- Ăn mặc thế này trông thì giống đấy nhưng nhất định không phải con nhà quan hay chỗ thế gia. – Mụ nhìn dáng vẻ nhàn nhã của cô bé trước mặt ngầm như ước đoán rồi nói thẳng – Ngươi là ai mà tò mò chuyện không đâu đến vậy?

- Là đào hát ạ! – Cô đáp ngay không cần suy nghĩ, trên đôi môi thoáng một nét cười – Ngoài chuyện ngồi lê đôi mách để tìm cảm hứng chơi đàn, ngâm thơ, họa tranh ra, cháu đâu còn biết làm gì. Cháu có mang theo trầu cau, bà muốn ăn không?

Chưa cần sự đồng ý của người đàn bà, đôi tay thon đã thoăn thoắt lấy ra một chiếc túi vải màu điều dắt trong thắt lưng đựng mấy miếng trầu đã têm rất khéo rồi đưa cho người đàn bà. Mụ ngắm nghía một hồi rồi há miệng để nàng bỏ vào. Đôi mắt nhìn gương mặt xuân xanh ấy không dứt, thoáng thấy những kí ức năm xưa lướt qua trên đôi gò mà hồng hồng, trong đôi mắt êm êm kia. Con bé nói nó tò mò, mụ cho chẳng phải. Rõ ràng là nó nghe ra trong lời thơ, câu hát ngang ngược của mụ có điều gì, nghe ra và hẳn nhiên hiểu những thâm ý ẩn trong đó của một kẻ vứt đi sống bên vệ đường.

- Đúng là được dạy dỗ đến nơi đến chốn. Ngươi têm trầu rất khéo, coi như ta có phúc phận. – Người đàn bà ngâm nga một mình, mỉm cười. – Ngươi không cần nói tên cho ta biết, ta chẳng nhớ, càng không quan tâm. Còn ta… ta là Lý Thị Kim Nga, vợ của người đang nằm dưới ba tấc đất được cả thiên hạ biết đến là Quận Ai vương Lê Tư Tề.

[Truyện ngắn] Quân cờ (2): Trùng phùng

Trên đời đã từng có một người con gái mạn ngược là Lý Thị Nam, sau khi kết hôn được biết đến với cái tên Lý Thị Kim Nga. Nghe đồn đâu chính chồng nàng đổi cho như vậy, nói cái tên đó mới xứng với nàng.

Lý Thị Nam cho rằng cuộc hôn nhân của mình là sự nực cười nhất trong những sự nực cười. Khi đó, nàng mới mười bảy tuổi. Giờ sống qua bao nhiêu năm tháng mới ngẫm ra rằng, chuyện ấu trĩ năm xưa ấy thực ra chỉ là sự bắt đầu của một chuỗi nực cười nối tiếp nhau, cười đến rơi nước mắt. Lý Thị Nam vẫn nghĩ rằng, may mình ít tuổi hơn Thái Tổ Cao hoàng đế[1] (lúc đó đang được biết đến với danh xưng Bình Định vương) quá nhiều, nếu không chắc bố nàng cũng sẽ học người ta, dâng nàng lên làm vợ lẽ cho ngài, hy vọng chấm mút được gì từ những phe phái đang dần hình thành.

[1] Tức Lê Lợi.

“Chim khôn chọn cành mà đậu. Không chọn một phe cho mình thì sớm muộn gì cũng sẽ bị đè chết.” – đó là lý lẽ của bố nàng.

Theo nghĩa quân Lam Sơn đã vài năm, nhận mệnh lo lương thảo, ghi được chút công trạng, có khi tất cả những lẽ ấy đã làm nảy ra trong đầu bố Lý Thị Nam – lúc đó đang là tù trưởng cai quản một vùng miền núi phía Bắc – những mưu toan đó. Hẳn nhiên ai cũng biết người được nhiều kẻ nhắm đến nhất để đón ý, muốn làm cho đẹp lòng chính là vị thủ lĩnh thao lược họ Lê tên Lợi. Nhân việc Bình Định vương lúc ấy mới chỉ có một vị phu nhân là Trịnh Thị Lữ, Phạm Hoành, Phạm Vấn người là bố, kẻ là anh đã nhanh tay dâng con gái, em gái mình là Phạm Thị Ngọc Trần cho ngài. Miệng nói là thành ý, muốn tác thành lương duyên tốt đẹp nhưng ai cũng ngầm đoán định ra những mưu tính ẩn đằng sau bước đi ấy. Một hòn sỏi ném xuống mặt hồ tưởng như phẳng lặng liền làm dậy lên những đợt sóng vốn chỉ ngấm ngầm, tạo ra muôn vàn những vòng tròn đồng tâm loang ra mãi. Những người xưa nay không tính toán hay đóng kịch vờ như chỉ lo chuyện quân, chuyện nước bắt đầu rì rầm bàn tán, bắt đầu cái sự người ta gọi là chia bè kéo cánh, tính kế chia chác lợi lộc về sau sao cho có lợi nhất cho mình.

Lý Thị Nam biết tỏng bố tự nhiên dẫn con gái theo trong lần xin yết kiến tại quân doanh năm ấy là mong kết thông gia với Bình Định vương, gả nàng cho người đang có tiền đồ nhất còn lại trong nghĩa quân. Hình như người mà ông nhắm đến là Lê tướng quân, cũng là con trai trưởng của Lê Lợi. Nước cờ này ông cụ tự cho mình là thông mình, là thức thời. Cái sự tiến thân của đám đàn ông xem ra có rất nhiều cách và đàn bà, con gái bao giờ cũng là một nước đi an toàn, được là được mà mất thì cũng chẳng gọi là mất.

Sở dĩ Lý Thị Nam chỉ biết lờ mờ người đó là Lê tướng quân bởi dân địa phương vì oai dũng nức tiếng của chàng mà không ai dám gọi thẳng tên. Người đó tròn méo, tuổi tác, tính cách ra sao nàng cũng chẳng biết, càng không quan tâm. Thực lòng, Lý Thị Nam mong người thanh niên ấy nhìn thấy nàng thì nên chán ghét, nếu có ai đó vừa mắt rồi thì càng hay. Nàng không muốn biến mình thành một quân cờ, càng không muốn biến người khác thành kẻ ngốc cho mấy lão già xâu xé, chia nhau chấm mút, mưu chuyện bè phái xung quanh.

“Nhỡ người ta không thích con thì sao? Bố không thấy như thế rất mất mặt à?”

“Nhan sắc của con đâu đến nỗi. Chỉ là xem mặt cho đôi bên lấy chỗ qua lại. Chuyện không đến đâu thì ta lại về. Con đừng quan trọng quá như vậy!”

Lời nói nhẹ như không trong nụ cười vỗ về hóa ra chỉ là dối trá.

Nàng khấn trời nhưng trời có tính toán riêng nên chẳng chiều lòng. Bình Định vương trông nàng vừa mắt; bố nàng không biết đã lo lót, quen thuộc làm sao mà để nhiều người xung quanh Lê Lợi gợi chuyện thành hôn, giới thiệu nàng thế nọ thế kia rồi lên tiếng có ý rằng: Lê tướng quân tuổi không còn nhỏ, cũng nên yên bề gia thất để chuyên tâm lo việc nhà binh. Cô gái tên Lý Thị Nam này xuất thân không kém, cũng kể như vừa lứa xứng đôi… Bình Định vương nghe thế cho rằng phải nên truyền gọi Lê tướng quân đến.

Đó là lần đầu tiên Lý Thị Nam gặp người con trai ấy, mới biết tên chàng là Lê Tư Tề.

Lần đầu tiên chạm mặt không quá một canh giờ nhưng lại đưa đẩy đến một quyết định hôn lễ chóng vánh. Chàng nói thích nàng, thích vì lẽ gì thì nàng chịu, có khi đó chỉ là một lời xã giao không chừng. Chàng cũng thuận theo cuộc hôn nhân xếp đặt rõ rành rành này khiến Lý Thị Nam hoàn toàn không lý giải nổi. Là Tư Tề thờ ơ để người ta mặc nhiên lo liệu chuyện trăm năm của mình hay thực ra hắn là kẻ võ biền chỉ quen đánh đấm, bỏ qua hết những suy tính sâu xa?

Tiếng pháo nổ rộn ràng

Sắc đỏ đằm thắm viên mãn rực lên giữa núi rừng Lam Sơn.

Tiếng cười. Tiếng nói. Tiếng chúc tụng. Bố hẳn lấy làm vui lắm, đúng không?

Năm đó, Lê Tư Tề hai mươi tuổi, danh vang thiên hạ nên duyên với Lý Thị Nam mới tròn mười bảy – con gái một tù trưởng tận tụy, trung thành với Bình Định vương Lê Lợi. Tuy nói là nói thế nhưng ngài vẫn muốn chàng bỏ ngỏ chỗ chính thất phu nhân, có ý như đợi một cô gái tương xứng hơn với con trai trưởng của mình xuất hiện. Lý Thị Nam đàng hoàng trở thành con dâu Bình Định vương, là thứ thiếp của Lê Tư Tề như thế.

Đôi nến đỏ mới cháy được non nửa tỏa ánh sáng mờ ảo sau những lớp rèm buông làm hiện ra rõ ràng căn phòng vuông vắn, vững chãi, sạch sẽ nhưng bày biện đơn sơ. Nàng ngồi trên giường, gò má ửng hồng lên hoàn toàn do ánh nến. Lắng tai nghe tiếng chúc tụng, tiếng cười hỉ hả vọng lại từ đám tiệc tùng, Lý Thị Nam thoải mái ngáp một cái rồi đưa tay gỡ những món đồ trang sức bằng bạc trắng muôn phần tinh xảo mế[2] cất công chuẩn bị cho nàng ngày xuất giá xuống, cười nhạt. Bộ quần áo màu chàm trên người, chắc sau này không có cơ hội mặc lại được nữa, nàng thoáng nghĩ thế khi nhìn chiếc váy lụa, bộ áo tứ thân cùng chiếc yếm đào được gập gọn đặt ở đầu giường. Rót cho mình một chén nước, chưa kịp thưởng thức thì cánh cửa gỗ được người bên ngoài thong thả đẩy vào.

[2] Cách gọi mẹ của người dân tộc miền núi.

“Một cảnh tượng kì khôi”, cả Lý Thị Nam và Lê Tư Tề đều nghĩ thế. Trăng thanh gió mát, trai gái được hai bên gia đình ưng thuận mà thành đôi giờ bốn mắt nhìn nhau không chớp, hoàn toàn là hai kẻ xa lạ bị phụ mẫu nhét vào chung một chỗ. Tư Tế nhìn thiếu nữ xinh đẹp đang ngước mắt nhìn mình không chút e dè, tự mỉm cười rồi kéo ghế ngồi xuống trước mặt nàng. Chiếc ấm tích được nâng lên rồi đặt xuống tạo ra những âm thanh duy nhất trong không gian vắng lặng. Tiếng cười nói bên ngoài nhạt đi, không thắng nổi sự trống rỗng dâng lên trong lòng đôi trẻ, thấm cả ra ngoài cảnh vật. Đôi tay nàng đặt hờ lên đầu gối, đôi mắt chăm chú nhìn người thanh niên đang điềm nhiên uống trà. Nàng chưa từng nhìn thấy chàng toàn thân giáp trụ, dẫn binh đánh giặc nên không mường tượng nổi lúc ấy, Tư Tề oai phong thế nào. Giờ trong mắt Lý Thị Nam, đó chỉ đơn giản là một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, điềm tĩnh với nước da có màu nắng gió, không giống là kẻ được bế ẵm, nâng niu hay là hạng thư sinh trói gà không chặt. Đôi mày rậm, sắc của chàng làm người ta ngỡ như đây là người lạnh lùng, sắt đá nhưng thực ra ánh mắt lại rất yên ổn, dịu dàng. Điều ấy làm nàng đánh bạo lên tiếng trước:

- Giờ tôi là vợ ngài, chuyện bố tôi mong muốn coi như đã thành hiện thực nên giờ ngài phải nghe tôi nói.

- Ta đang nghe đây. – Tư Tề hơi xoay người lại để ngồi ngay ngắn đối diện thẳng với Lý Thị Nam, tư thế hệt như lúc chàng tiếp chuyện những vị đại nhân dưới trướng Bình Định vương Lê Lợi: luôn nghiêm túc, tôn trọng và ôn hòa.

- Lý Thị Nam được gả đến đây thực ra là vì bố tôi và một số người đã có tính toán, hy vọng rằng sau này đoạt lại giang sơn, Bình Định vương phụ thân ngài đăng cơ, lúc đó ngài sẽ là Hoàng thái tử. Có tôi ở cạnh ngài, coi như là họ có chỗ dựa.

- Ừm…

Lý Thị Nam tiếp nhận phản ứng lãnh đạm của Tư Tề, thấy có chút khó chịu nhưng vẫn dằn lòng xuống, nói tiếp:

- Ngài với tôi không thù không oán, không quen không thân nên tôi không muốn vì mình mà sau này ngài vướng bận, phiền lụy. Đành rằng tôi danh chính ngôn thuận được cưới về nhưng ngài không cần có trách nhiệm gì với tôi, cứ coi như tôi vô hình. Sau này khi sự việc lắng xuống, mong tướng quân dàn xếp một vở kịch gì đó để trả tự do cho tôi, ngài lấy người mình yêu hoặc ai đó có lợi cho việc tiến thân của ngài, vậy là ổn.

- Ừm. – Chàng đáp, mắt vẫn nhìn nàng chăm chú nhưng chỉ là nhìn để nhìn rồi thôi.

- Ngài là tướng quân mà chỉ biết “ừm” thôi à?

- Thế nàng muốn ta nói gì? – Tư Tề bật cười vui vẻ như thể Lý Thị Nam mới kể cho chàng nghe chuyện gì hài hước lắm. – Tất cả đều chỉ là dự định của bọn họ, đều chưa thành hiện thực. Ngoài việc đợi ra, chúng ta còn có thể làm gì?

- Nói cũng phải. – Cô gái nhún vai, ánh mắt có chút đề phòng khi thấy người con trai đang thong thả cởi chiếc áo ngoài vắt lên cây sào tre gần đó.

- Tên nàng là Lý Thị Nam? – Tư Tề hỏi, đến khi cô gái gật đầu xác nhận liền tiếp lời: – Nhiệm vụ mà bố nàng cùng mấy người kia giao cho, nàng đã làm xong. Nàng nói nàng không muốn ta vướng bận, ta rất cảm ơn. Ta cũng muốn nàng không bận lòng vì lý do mình đến đây nữa. Từ nay, nàng là Lý Thị Kim Nga, là phu nhân của Lê Tư Tề, cứ thoải mái sống như nàng muốn là được.

Ánh mắt người nhìn xuống bình ổn, ấm áp mênh mông làm cô gái ngẩn ra, thấy những mỉa mai giữ trong lòng dần nhạt từng chút, từng chút một. Loay hoay với chiếc chăn trên giường, nàng ậm ừ mãi không cất nổi lời. Ngẩng mặt lên khỏi trang sách, Tư Tề cười nhẹ:

- Nàng không phiền nếu ta chong đèn chứ? Còn chút việc chưa xong…

Lý Thị Nam lắc đầu, ngồi bó gối trong góc giường đầy cảnh giác.

- Nàng cứ ngủ đi. Ta nằm dưới đất được rồi.

- Không sao chứ? – Ba từ ấy vuột khỏi môi nhanh hơn tốc độ nàng suy nghĩ.

Lần này đến lượt chàng không đáp nổi, vài khắc trôi qua mới từ tốn trả lời:

- Ta là tướng quân, mấy chuyện này đâu xa lạ gì.

Lý Thị Nam

Lý Thị Kim Nga

Nàng xưa nay là người suy nghĩ đơn giản, một cái tên đổi hay không đổi cũng thế, cũng như chuyện nàng bị ép gả cho ai cũng chẳng phải điều quan trọng. Trong lòng, cô gái mơ hồ thấy không phải vì sự ép uổng của bố mình mà chỉ bằng bốn chữ ấy, cuộc đời nàng đã thực lật sang một trang khác trắng tinh. Bóng Tư Tề in trên vách cứ thế đến khuya, đến lúc bữa tiệc mừng đám cưới tàn hẳn, chỉ còn vẳng đưa lại tiếng côn trùng trong những bụi cỏ cây rậm rạp bên ngoài. Nhỏm dậy, đôi chân trần của nàng bước trên nền đất đến trước mặt Tư Tề. Màu vải chàm với những hoa tiết xanh đỏ hình con thú cách điệu, hoa văn kỷ hà được dệt rất khéo đột nhiên xuất hiện trước mắt làm chàng bối rối nhìn lên.

- Nằm dưới đất lạnh lắm. Tôi chẳng có gì cả, chỉ có tấm chăn này mang theo khi đi lấy chồng thôi. Ngài lấy mà dùng. Tôi… đi ngủ đây!

Hàng mi cong cong của thiếu nữ hơi rung rung, nàng liếc nhìn chàng rồi vờ như đang nhìn ngọn nến cháy gần hết rồi quay lưng trở về giường. Từ đó về sau, bên ngoài ai cũng biết Lý Thị Kim Nga là ái thiếp được Lê tướng quân Lê Tư Tề yêu thích nhất nhưng chỉ cần cánh cửa phòng khép lại, mỗi người mỗi góc, mỗi người mỗi việc, rất ít khi nói chuyện với nhau. Màn đêm chỉ cần buông xuống, nàng sẽ quay mặt vào tường ngủ kĩ. Còn chàng đọc sách, xem xét lại binh thư xong cũng thổi tắt nên, nằm xuống nền đất được trải một tấm chiếu, quay lưng về phía nàng.

Ánh trăng lọt vào qua ô cửa sổ tạo thành một ranh giới mong manh giữa chiếc giường gỗ và mép chiếu nhưng chưa bao giờ cả hai có ý định bước qua dù chỉ là một chút cho đến một ngày…

***