Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 23 - Phần 2

Ngay khi hay tin ngoài cửa Sùng Vũ có biến, dù Nghi Dân nhanh đến mấy cũng không thể triệu tập được cấm binh nằm trong tay Trần Lăng và Lê Đắc Ninh để hộ giá. Khi tất cả ý chỉ ban xuống các vệ ngự tiền đều một đi không trở về, chàng biết thế cuộc đã đảo lộn. Khi những tử sĩ trung thành lần lượt ngã xuống, chàng biết nửa bước rời khỏi điện Cần Chính cũng là điều hoang đường. Cất tiếng cười sang sảng, đôi mắt sắc lạnh lóe lên sự tức tối pha lẫn quyền uy, Nghi Dân đập mạnh tay xuống bàn, đứng dậy:

- Lũ nghịch thần tặc tử các ngươi to gan lớn mật thật, còn dám vác xác đến gặp ta sao?

- Ta nghĩ là một khi tay không nắm được binh quyền, ngài nên bình tĩnh một chút để cân nhắc nặng nhẹ, tránh để mang tiếng cuồng ngôn! – Đinh Liệt mỉm cười, vui vẻ cất lời.

- Không có lệnh mà dám mang quân bao vây Cung thành, uy hiếp Hoàng đế, mưu đồ soán ngôi đoạt vị thì đáng tội gì? – Chàng cười gằn, chầm chậm bước xuống. – Các ngươi có bao nhiêu cái mạng mà dám nghĩ đến việc can qua?

- Vậy ta xin hỏi ngài có mấy cái mạng mà dám đang đêm bắc thang trèo tường ám sát Đại hành hoàng đế và Quốc mẫu? – Lê Niệm cao giọng hỏi lại, mắt sáng quắc.

Bờ vai rắn rỏi run lên theo tiếng cười không dứt. Liếc đôi mắt đen thẳm, bình tĩnh và cao ngạo về phía những gương mặt in hằn những dấu vết năm tháng, chàng hít vào một hơi, nhạt giọng nói:

- Các ngươi có tư cách gì mà dám xông vào đây? Định buộc ta thoái vị? Đừng nằm mơ giữa ban ngày.

Buông thanh kiếm đeo bên hông ra, hai bàn tay to lớn, chai sạn của Nguyễn Xí vỗ vào nhau ra chiều tán thưởng, thanh âm vang vọng khắp cả tòa điện rộng vắng người. Ông từ từ ngoái lại, chăm chú nhìn người thanh niên mình vận long bào đi lướt qua mình:

- Giết người đã là bất nhân, đằng này người ngươi hạ sát lại là em trai ruột, là Hoàng đế của Đại Việt. Đấy là bất trung, bất nghĩa. So với ngươi, mấy lão già ở đây đâu xứng với cái danh “nghịch tặc”. Loại tiểu nhân vô liêm sỉ như vậy trong trời đất này ai chẳng có tư cách để trừ bỏ. Huống hồ bọn ta đều là bậc tể thần hưởng bổng lộc của triều đình, ân điển của Thái Tổ, tuân theo di chiếu của Thái Tông Văn hoàng đế mà phò tá Thiên tử.

Chắp tay sau lưng, Nghi Dân từ từ ngoảnh lại, nhấm nháp vẻ mặt nghiêm nghị của Lê Lăng, Đinh Liệt, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận, Trịnh Văn Sái rồi dừng lại trên vẻ mặt khinh bỉ của Nguyễn Xí.

- Tưởng ai, hóa ra là Thiếu bảo. – Chàng cười, không ngại chắp tay vái một cái – Hy sinh đứa con trai út của mình để thuyết phục ta rằng ông thực sự bị mù… Chà chà, ta phải bày tỏ sự ngưỡng mộ sâu sắc đến ngài đấy, Thiếu bảo. Ta chưa đến mức lạnh nhạt vô tình đến vậy vì ta biết, người ta giết tại đây, tại điện Cần Chính này là kẻ dám mạo nhận huyết thống hoàng tộc họ Lê, làm nhơ bẩn hoàng bào. Còn ngài? Đứa trẻ vô phúc ấy chẳng phải là khúc ruột mềm bị ngài dẫm lên để bảo vệ cái lý tưởng điên rồ của bản thân sao?

Ngừng lại để hít vào một hơi, chàng tiến nhanh ra cửa, vạt áo hoàng bào bay phấp phới theo những bước chân. Những cánh cửa bức bàn sơn son lần lượt được mở rộng. Chỉ tay vào mặt những người đàn ông đứng trong điện Cần Chính rồi đến những phục binh đứng bên ngoài, Lê Nghi Dân lớn tiếng:

- Ta nói cho các ngươi biết, Nguyễn Thị Anh lừa trời dối đất, đem con riêng của ả là Lê Bang Cơ đặt lên ngai vàng. Ta thân là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng đế, ra tay trừ bỏ hậu họa, nối lại đại thống, giữ gìn tôn nghiêm của huyết thống đế vương. Hôm nay các ngươi dám nghe lời xàm ngôn, kết bè kéo đảng tạo phản, các ngươi nghĩ có thể thoát được sao?

- Xàm ngôn? Ai mới là kẻ xàm ngôn giảo biện đây? – Lê Lăng nhếch môi cười mát, không thèm đưa mắt nhìn kẻ đứng sau lưng mình dù chỉ một cái.

- Ta thật không hiểu nổi một người từng bị Nguyễn thị tống vào lao ngục như Đình thượng hầu, như Thiếu bảo đây hôm nay ăn nhầm phải thứ gì mà quay ra bênh vực mẹ con ả. Chuyện huyết thống của Bang Cơ, chẳng nhẽ những vị huân cựu đại thần như các ngươi lại không biết hay sao? – Nghi Dân trừng mắt nhìn Đinh Liệt, nhìn sâu vào đôi mắt đã nhuốm màu thời gian ấy.

Trước sau Đinh Liệt vẫn tin huyết thống của con trai Nguyễn Thị Anh có nhiều điểm đáng ngờ. Nhưng một khi thừa nhận điều ấy tức là việc đoạt ngôi của Nghi Dân là thuận theo ý trời, tức là chính biến hôm nay ông cùng những người khác khởi xướng là làm phản. Chăm chú đọc những câu đối treo trên những cây cột sơn son dọc theo điện Cần Chính, câu thì ca ngợi giang sơn, câu thì khuyên đế vương phải giữ mình, trọng người hiền tài, người đàn ông điềm đạm nói:

- Lạng Sơn vương đã hùng hồn nói như vậy thì mạn phép cho ta hỏi một câu: Bằng chứng? Bằng chứng nào đảm bảo cho những điều ngài nói là sự thật? Không có tức là ngài ngậm máu phun người, giá họa cho người ngay, bôi nhọ hoàng thất. Tội chồng tội, ta không biết phải xử ngài thế nào đâu.

Phẩy phẩy tay ra vẻ chán nản, Nghi Dân phất tay áo thêu rồng, nhạt giọng nói:

- Việc của Đinh Thắng, Đinh Phúc, Tạ Thanh, Lương Dật còn chưa đủ làm bằng chứng hay sao?

- Ngài nhầm rồi. – Đinh Liệt nhìn sang, nhẹ nhàng nói nhưng từng lời đều vững như núi đá. – Ta xưa nay xét án phải có tang chứng, vật chứng đàng hoàng. Lời nói gió bay, suy đoán không căn cứ thì ai chẳng nói được. Giờ ta thích cũng có thể bảo ngài không phải con của Thái Tông đấy. Người chết không đối chứng, ngài muốn chỉ hươu bảo ngựa thì sao ta và quần thần tin được. Chưa kể di chiếu Thái Tông Văn hoàng đế truyền ngôi cho Hoàng thái tử – con trai của Thần phi Nguyễn thị – là do ta, Thiếu bảo Nguyễn Xí, cố đại nhân Trịnh Khả, Lê Thụ, Lê Bôi nhận mệnh tuyên đọc. Hay ngài nghi ngờ năm người mười con mắt lại đọc nhầm, không nhận ra bút tích của Tiên đế?

Lê Niệm nghe đến đấy liền bổ sung:

- Hạ thần có thể nghi ngờ vì đại nhân Lê Thụ có liên quan đến việc phò tá Đại hành hoàng đế, tận mắt nhìn thấy di chiếu của Thái Tông nên mới bị Lạng Sơn vương mượn cớ giết người diệt khẩu, xóa trắng nhân chứng hay không?

- Các ngươi… – Nghi Dân nghiến răng, xương hàm bạnh ra khi chàng phừng phừng lửa giận nhìn những kẻ đứng dưới mái điện, ngang nhiên nói lời càn rỡ như ở chỗ không người.

Câu chưa kịp nói ra cho trọn, một tên lính đã vào cấp báo, tiếng nào cũng rành rọt:

- Bẩm Thiếu bảo, Thiếu úy, một trăm tên phản nghịch theo phe Lạng Sơn vương kẻ bị bắt sống, người bị chém đầu cả rồi ạ.

- Thế cuộc đã đến thế này, Lạng Sơn vương nghĩ xem có phải nên buông tay chịu trói rồi hay không, coi như giữ lại chút tôn nghiêm? – Lê Lăng cười mỉa, kiếm đã rút khỏi bao.

Kim loại va vào nhau tạo thành những thanh âm chói tai. Đường kiếm loang loáng, tuy trong lúc thất thế nhưng chiêu nào Nghi Dân xuất ra cũng sắc bén, quyết liệt. Nhưng một người không thể địch nổi cùng lúc những cao thủ kinh nghiệm trận mạc còn nhiều hơn số tuổi trên đầu Nghi Dân. Chàng cười gằn, vẫn nắm chắc thanh kiếm trong tay:

- Quả không hổ danh lão tướng theo Thái Tổ Cao hoàng đế vào sinh ra tử. Có điều, một đám người vây hãm một người xem ra không phải cách của người quân tử?

- Bọn ta đặc biệt chuẩn bị điều này cho ngươi đấy! – Nguyễn Xí trầm giọng nói: – Hệt như những gì ngươi từng làm với Đại hành hoàng đế. Rất thú vị, đúng không?

Bàn tay cứng như đá của Lê Lăng giáng xuống cổ tay Nghi Dân, dễ dàng đoạt lấy thanh kiếm trong tay chàng. Người đàn ông nheo mắt, vuốt chòm râu, chua chát cất lời:

- Thanh kiếm này là Đại hành hoàng đế sai ta chọn lựa thật kĩ để làm quà tặng hoàng huynh mình đang ở Lạng Sơn. Một thanh kiếm dù tốt nhưng lại làm ra những việc trời không dung đất không tha thì phải hủy đi thôi!

Tất cả ánh mắt đều đổ dồn về phía ấy, đổ dồn theo thanh kiếm trượt dài trên sàn nhà, bị quẳng đi không khác gì một thứ đồ tầm thường đã đến hồi cũ hỏng, mục ruỗng. Nuốt nước bọt xuống cổ họng dần khô cháy, chàng lạnh lùng nhìn vật bị tước khỏi tay, ngẩng cao đầu mà rằng:

- Các ngươi chỉ vào hàng công thần khai quốc, dựa vào chiến công, dựa vào địa vị trong triều cũng chưa có tư cách để xử ta. Đừng có làm càn.

Chắp tay sau lưng, Lê Lăng ồm ồm cất giọng, hoàn toàn không chút lúng túng trước những lời Nghi Dân nói ra:

- Lạng Sơn vương, kịch hay vẫn còn chưa hết, người hà tất phải nóng vội như vậy. Bay đâu, giải Lạng Sơn vương vào ngục Thiên lao, đợi ý chỉ của Tân đế.

- Tân đế? Tân đế nào? – Chàng ngoảnh lại, lớn tiếng hỏi không giấu sự giễu cợt.

- Những người mang huyết thống của Thái Tông hoàng đế đâu phải chỉ có mình ngài! – Người đàn ông đáp, nhìn kẻ bị đưa đi bằng đúng nửa con mắt.

Mặt trời đứng bóng, hun không khí ngày một oi bức. Trời không nổi gió khiến bóng lá in bên thềm chẳng hề lay động, tựa như đã khảm mình lên nền đá xanh mất rồi. Mọi việc trôi qua thuận lợi, gọn gàng, sạch sẽ không nằm ngoài dự liệu nhưng vẫn khiến lòng người lặng đi trong chốc lát. Thế sự chuyển dời cuối cùng vẫn bắt đầu và kết thúc tại điện Cần Chính này.

Nguyễn Xí hắng giọng, hướng mắt về phía Lê Niệm:

- Ngài chỉ huy cấm binh giữ vững an ninh trong Cung thành cho đến lúc định được Tân đế sẽ đăng cơ kế vị. Việc hệ trọng, ý các vị đại nhân giờ thế nào?

Trước câu hỏi này, không phải ai cũng dám tùy tiện lên tiếng. Dừng ánh mắt lại trên gương mặt đăm chiêu của Đinh Liệt, Nguyễn Xí có phần thất vọng khi ông không cất lời, thay vào đó lại nghe thấy giọng Lê Lăng:

- Chuyện này chẳng phải đã quá rõ ràng rồi sao? Cổ nhân đặt ra trưởng – thứ chính là để tránh việc tranh giành. Ta và các ngài đương nhiên phải ngay lập tức đến phủ Cung vương, rước điện hạ nhập cung, tôn phò ngài đăng cơ.

- Lê Lăng, ta nhắc lại cho ngài nhớ, đế vương trị thiên hạ phải dựa vào tài đức, vào tầm nhìn, vào trí tuệ. Trong hai vị điện hạ, ai có thể cáng đáng được xã tắc chỉ có kẻ mù mới không thấy.

- Ngài hà tất phải một hai đứng về phía Gia vương như vậy. Ai cũng biết Thiếu bảo có quan hệ mật thiết với điện hạ, những lời này nói ra sợ sẽ làm quần thần dị nghị ông định kết bè kéo đảng có lợi cho mình đấy.

- Ông đừng có suy bụng ta ra bụng người!

Nói chưa được năm câu mà kiếm đã xuất khỏi bao. Hai người đàn ông mới lúc trước còn đứng cùng về một phía giờ đã chĩa mũi nhọn vào nhau, gườm gườm mắt nhìn không khác gì đối diện kẻ thù. Thở hắt ra một cái, Đinh Liệt dùng cả hai tay để ấn hai thanh kiếm xuống, sẵng giọng:

- Hai vị đường đường là đại thần huân cựu, định để người ngoài nhìn vào cười chê đấy hả? Chuyện ngai vàng chưa đến lượt chúng ta sắp xếp. Tôi nghĩ cứ nên theo ý của Thiếu úy Lê Lăng là hơn.

Nguyễn Xí trừng mắt nhìn vẻ bàng quan của Đinh Liệt, thật bụng không hiểu người đàn ông này định tính toán điều gì. Ngai vàng chỉ cách Gia vương có một bước chân, chẳng nhẽ giờ lại dâng cho người khác. Cung vương không phải không tốt nhưng để làm Hoàng đế trước trùng trùng những vấn đề hiện nay thực sự quá sức hoang đường. Lờ đi ánh mắt tức tối của Thiếu bảo, Đinh Liệt đĩnh đạc, bình tĩnh nói rõ:

- Chúng ta là phận thần tử, không ai có tư cách xếp đặt vị thân vương nào ngồi vào ngai vàng. Cung vương là hoàng tử lớn tuổi nhất của Thái Tông hoàng đế, tôi nghĩ chúng ta cứ nên đến phủ yết kiến ngài trước, bày tỏ tâm ý, lòng thành rồi rửa tai lắng nghe lời điện hạ dạy bảo. Thế có phải tất cả đều rõ ràng, công bằng hay không?

***

Chiếc áo ngoài mới cởi đến nửa chừng, thằng ở đã bước thấp bước cao chạy vào buồng, nói muốn hụt hơi:

- Bẩm điện hạ, bên ngoài… bên ngoài… có mấy ông gươm đao đầy mình đến xin gặp điện hạ đấy ạ! Lệnh bà bảo con vào mời… vào mời điện hạ ra.

Nheo mắt nghĩ ngợi một hồi, Khắc Xương biết những người đến gặp mình lúc này chỉ có thể là các vị huân cựu đại thần. Việc trong cung đã giải quyết xong, chàng chỉ không ngờ mấy người bọn họ lại đến tìm sớm vậy. Nhìn đội nghi trượng, xe ngựa, cấm binh đã chuẩn bị theo đúng lễ nghi, lại thêm cả mấy hoạn quan, cung nữ, chàng hơi mím môi lại, ra hiệu cho người ở trong nhà dọn bàn, pha nước tiếp khách. Đưa tay vuốt lại cổ áo, người thanh niên hít vào một hơi, định bước ra ngoài thì nghe thấy tiếng gọi sau lưng.

- Mẹ! – Bước chân chậm lại, chàng quay người, mỉm cười trấn an khi nhìn thấy vẻ mặt lo lắng của Bùi Thái phi.

Vỗ nhẹ lên bàn tay con trai, người phụ nữ ngẩng lên, trong đôi mắt phảng phất những hoài niệm của những ngày xưa năm cũ lúc còn là phi tần của Thái Tông. Nàng khẽ nói:

- Mấy vị đại thần đã nói qua cho mẹ biết ý định của họ. Con có cuộc đời của mình, dù con chọn điều gì, mẹ cũng ủng hộ. Có điều, đừng bao giờ đặt mình vào nơi không có đường thoái lui. Phải biết mình biết người, hiểu không con?

- Con hiểu mà mẹ! – Khắc Xương cười đáp lại rồi bước ra ngoài đại sảnh. Phong tư đạm bạc, dáng vẻ trầm ổn, giản dị toát ra từ bộ quần áo xanh nhạt trên người, từ đôi mắt ôn hòa kín đáo bao năm nay vẫn vậy.

Nhận lễ của các vị đại thần, chàng đích thân mời trà rồi yên lặng lắng nghe Lê Lăng lên tiếng trước:

- Chúng thần xướng nghĩa đã dẹp được Lạng Sơn vương nhưng giờ ngai vàng bỏ trống, quốc gia không thể một ngày không có vua. Nay cúi xin điện hạ nhận lấy trách nhiệm của đế vương, vì tổ tông, vì xã tắc mà cai trị bách tính, đăng cơ kế vị.

Nhìn những gương mặt kính cẩn, lo lắng pha lẫn hồi hộp đang hướng cả về phía mình, Cung vương không khó để nhận ra ẩn trong phong thái của vài vị lão thần có chứa mấy phần miễn cưỡng, xa cách.

- Các vị công việc bận rộn từ sáng đến giờ, cứ thưởng trà đi hẵng rồi chúng ta nói chuyện.

Từ khi còn nhỏ, chàng đã hiểu rất rõ địa vị của mình trong hoàng cung, càng hiểu rõ hơn nữa địa vị của mẫu thân. Dù hiện giờ bà có cái danh là Thái phi đương triều nhưng vốn không thể so sánh được với phi tần xuất thân hiển hách như Ngô Tiệp dư, càng không thể ỷ vào sự sủng ái của phụ hoàng như Nguyễn Thái hậu và Dương thị. Đằng ngoại của chàng là dòng dõi văn thần, không thế không lực. Hơn cả, chàng biết mình có thể làm văn nhân, cả đời tiêu dao bên ngoài thế cuộc tranh giành nhưng tuyệt đối không thể làm một Hoàng đế tốt. Bang Cơ có thể ép bản thân mình vì em ấy lên ngôi khi mới hai tuổi, còn giờ, chàng không thể làm kịp nữa rồi. Những chuyện trong triều không phải Khắc Xương không hay, càng không phải chàng không thấy nhiều người ngả về phía Đinh Liệt, Nguyễn Xí mong được phò tá cho Tư Thành. Những sóng gió đó, những nâng đỡ như con dao hai lưỡi kia, phàm phải là những người xuất chúng, kiên định mới có thể chống đỡ được.

- Thành ý cũng như mong mỏi của các vị, ta rất hiểu! – Khắc Xương mỉm cười. Thoáng nhìn thấy tia sáng vụt lên trong mắt Lê Lăng nhưng chàng cũng không mấy bận tâm, điềm đạm nói tiếp, rõ ràng không chút câu nệ. – Nhưng ta đành phụ lòng các vị vậy. Bản thân ta gần hai mươi năm nay chưa khi nào quan tâm đến chính sự, cũng quen với cuộc sống yên ả của một thân vương bình thường nên tự biết mình không đủ sức gánh vác thiên hạ. Nay trong số các hoàng tử của phụ hoàng, người xuất sắc nhất chính là Gia vương. Ta mong các vị có thể đồng lòng tôn phò hoàng đệ lên ngôi Hoàng đế. Đó là tâm nguyện của ta và Bùi Thái phi.

- Điện hạ, chuyện này… người không nên nhường như vậy. Cổ nhân đã đặt ra lệ trưởng – thứ, sao có thể… – Thiếu úy Lê Lăng nghe những lời nói mềm mỏng từ miệng Khắc Xương mà không khỏi sững sờ. Ngai vàng đã dâng đến tận tay, thế mà Cung vương lại mỉm cười, dùng cả hai tay mình đón lấy rồi trao cho người khác. Cái ngai vàng khiến bao kẻ sẵn sàng bày mưu tính kế để tranh cướp cho kì được, vậy mà trong mắt người ấy chẳng đáng giá là bao.

- Thiếu úy – Đinh Liệt nhếch môi cười, đánh mắt sang ngang. – Ngài phải nghe điện hạ nói hết đã chứ.

Rót đầy chén trước mặt người đàn ông hãy còn chưa hết sửng sốt, Khắc Xương đưa mắt nhìn như có ý bảo Lê Lăng bình tĩnh uống trà rồi nghe chàng nói tiếp.

- Thiếu úy, ta mong về sau không phải nghe thấy bất kì ai nói ta “nhường” đế vị cho Gia vương. Anh em thủ túc, chuyện trong nhà có thể nhường nhịn lẫn nhau. Nhưng chính bản thân thiếu úy cũng nói, giang sơn tổ tiên giao lại, chuyện triều chính gắn với an nguy của muôn dân không phải cái bánh chưng để muốn gắp cho ai miếng nào thì gắp, muốn chia ai thì chia. Long ngai phải để cho người hùng tài đại lược ngồi lên, không nên cứng nhắc tuân theo lệ trưởng – thứ.

Đan hai bàn tay lại, chàng nhìn những vị đại thần, nhìn gánh nặng họ mang đến phủ đệ của mình giờ đã được cất đi, cảm thấy bánh xe đã lăn vào đúng con đường của nó liền mỉm cười hòa nhã, tiếp lời:

- Ngày trước, Thái Tổ nhà Lý vì muốn người kế vị mình biết việc của dân gian, biết đau, biết xót cho trăm họ, thay vì nghĩ ngồi lên long ỷ là ngồi lên vàng bạc châu báu, chỉ có mỗi việc hưởng phúc mà cho xây cung Long Đức ngoài cửa Tường Phù làm nơi ở cho Hoàng thái tử[3]. Nay bản triều ta cũng có một vị thân vương như thế, nếm trải nhiều thăng trầm, biết việc trong dân chúng, chẳng phải là phúc sao?

[3] Theo Đại Việt sử ký toàn thư. Nhắc đến sự kiện Lý Thái Tổ xây cung Long Đức cho Đông cung hoàng thái tử Lý Phật Mã (tức Lý Thái Tông) ở. Cung Long Đức nằm ngoài cửa Tường Phù (cửa phía Đông của thành), giữa nơi tầng lớp bình dân sinh sống.

- Điện hạ, nhưng Gia vương tuổi đời còn ít, e rằng… – Lê Lăng vẫn cố vớt vát.

- Ta chỉ hơn em ấy một tuổi thôi. – Chàng cười, mắt hơi nheo lại. – Các vị ở đây liệu có ai làm được bài thơ vịnh con cóc không?

- Ý điện hạ là…

- Điện hạ, chúng thần là võ tướng, sao tự dưng người lại ra đề hóc búa như vậy? Thần trộm nghĩ đến văn thần còn chưa chắc làm được một bài thơ hay nữa là.

Những người đàn ông nhìn nhau, tuyệt nhiên không ai hiểu ý tứ của Cung vương. Có người hỏi nhưng chàng chỉ đáp:

- Ta nghĩ trước một đề tài tầm thường, người có thể làm được một bài thơ không những hay mà còn chứa được cả khí chất khuynh đảo thiên hạ thì không cần nghi ngờ tài năng của người ấy nữa. Gia vương chính là nhân tài như vậy. Sau này có dịp, các vị nên bảo điện hạ đọc lại cho nghe. Ta không quá thân thiết với hoàng đệ như Đại hành hoàng đế nhưng đã cùng em ấy học ở Kinh Diên rất nhiều năm. Hoàng đệ là người tài giỏi như thế nào, có tầm nhìn xa đến đâu, ta nghĩ là mình biết rõ.

Lúc sáng, khi ván cờ đã tàn mà tin tức trong cung vẫn chưa truyền ra, Khắc Xương với Tư Thành đành giết thời gian bằng cách làm thơ. Chính chàng đã chỉ vào con cóc núp mình trong hốc đá bên kia bờ hồ, ẩn dưới lá khoai nước để ra đề cho đứa em trai. Quả tình, chàng không nghĩ có thể làm khó Tư Thành nhưng mấy câu vịnh ấy quả nhiên vô cùng xuất sắc, khẩu khí đế vương lộ rõ mồn một không cần che đậy. Thơ rằng:

“Bác mẹ sinh ra vốn áo sồi

Chốn nghiêm thǎm thẳm một mình ngồi

Tắc lưỡi dǎm ba con kiến gió

Nghiến rǎng chuyển động bốn phương trời…”

Với đế vị, chàng đã rõ ràng, em ấy cũng rõ ràng, vậy thì cớ gì không thuận theo lẽ trời đưa đẩy?

- Điện hạ, ý người đã quyết, chúng thần cũng không dám bàn thêm. Duy chỉ có việc xử lý Lạng Sơn vương… chúng thần muốn xin ý chỉ của cả hai vị điện hạ. – Lê Niệm băn khoăn cất lời.