Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 21 - Phần 4
Những người còn lại trên đời dám dùng bốn chữ “Đại hành hoàng đế” để gọi Bang Cơ thực sự không nhiêu. Đằng sau đôi mắt đen bình thản đến mức nhơn nhơn kia, Tư Thành thực sự cảm phục người anh trai cả đời tiêu dao, không màng chính sự này. Đặt bàn tay mình lên bàn tay Khắc Xương, chàng cười cợt nói:
- Chúng ta là thần tử, phải trung quân ái quốc. Hoàng huynh, xưa nay anh vẫn nói em đề phòng quá nhiều người. Quan gia hiện giờ là huynh trưởng của chúng ta, em theo người ấy có điểm nào là không đúng? Những gì Diên Ninh đối đãi với em, em nghĩ mình đã trả hết ơn rồi.
Không phải bỗng dưng chàng nhấn mạnh vào hai chữ “Diên Ninh”. Gương mặt đỏ lựng vì tức giận của Khắc Xương chuyển sang sắc tím rồi lại trắng bệch. Chàng cười dài, hai bàn tay nắm chặt cổ áo Tư Thành hơi nới lỏng ra một chút.
- Anh luôn nghĩ em thông minh hơn anh, hiểu chuyện hơn anh. Hóa ra anh nhầm. Đại hành hoàng đế và Hoàng thái hậu không bạc đãi em, anh tưởng trong lòng em sẽ có chút hàm ơn. Thật không đáng. Đến người bên ngoài còn động lòng trắc ẩn, trong khi em thì… Uổng công năm xưa Đại hành hoàng đế làm mọi chuyện để em có thể hiểu hai chữ “tình thân”.
- Hoàng huynh, hoàng tộc liệu có thể có tình thân không? Anh thôi tự dối gạt mình đi! Buồn cười lắm!
Tư Thành hướng đôi mắt đen lạnh về phía trước, không ngần ngại bác bỏ những lời tốt đẹp của Khắc Xương. Dùng sức lôi đứa em đứng dậy, chàng định nói thêm điều gì đó nhưng cuối cùng lại buông tay, đẩy nhẹ Tư Thành về phía sau. Ánh mắt đau đáu dừng lại trên gương mặt sáng sủa nhưng vô cảm kia, Khắc Xương thở dài, quăng cuốn sách đặt trên bàn xuống:
- Sách thành hiền? Bỏ hết đi. Tư Thành, chẳng nhẽ em không hiểu quân tử thà chết chứ không chịu nhục? Sau này, nghĩ lại những việc mình làm, em không hối hận sao?
Khom người cần mẫn phủi sạch lớp bụi mờ dính lên chiếc áo khoác ngoài, chàng vờ như không nghe thấy. Đến khi Khắc Xương chán nản dời đi, người thanh niên mới lạnh nhạt gọi với theo:
- Hoàng huynh, anh cứ thanh cao như anh muốn, cứ giữ lấy lý tưởng như anh muốn. Em lớn lên trong dân gian nên ngoài đạo lý của kẻ quân tử, em còn biết câu tránh voi chẳng xấu mặt nào. Người chết rồi với người đang sống, em chọn người đang sống. Với em, mẹ và bản thân quan trọng hơn. Hoàng huynh, Bùi Thái phi với anh có quan trọng không?
Đôi giày gấm dẫm lên những chiếc lá khô rồi đột ngột xoay gót lại. Khắc Xương chăm chú nhìn đứa em đang đứng dưới mái đình, sự tức giận trong mắt nhạt đi một chút.
- Anh. – Tư Thành trầm giọng nói, thôi trưng ra vẻ cười cợt ban nãy. – Sống ở đời phải thức thời.
Bàn tay vừa buông, cành cây vin xuống theo đà bật ngược trở lại vị trí cũ. Thục Giang khe khẽ thở dài. Nàng thấy đầu óc mình ong ong, tuy chẳng nghe được nhưng nhìn thôi cũng đủ đoán việc giữa hai vị thân vương chẳng hề đơn giản, thuận hòa. Xưa nay nàng chưa từng phải hoài nghi ai, chưa từng phải đề phòng ai, nên đối diện với sự nghi ngờ của người khác, sự nghi ngờ đến mức khắc nghiệt, thực sự chẳng dễ dàng mà chấp nhận.
Khắc Xương đi khuất, Tư Thành lại leo lên lan can gỗ, thòng cả hai chân xuống gần mép nước. Sau lưng chàng, Đức Vượng đã đứng hầu từ lúc nào. Người trong cung tiềm để mặc nhiên hiểu rằng, hai người được Gia vương tin tưởng nhất bây giờ chính là viên nội quan này và cô tiểu thư tên Thục Giang vô cùng khéo tay kia.
Cái lần chàng đường đột nhập cung xách theo Đức Vượng, hắn đã chuẩn bị tâm lý cho cái chết mười phần chắc chín của mình. Thế mà sự việc lại diễn ra theo một hướng hoàn toàn khác. Tư Thành dễ dàng biến hắn thành một kẻ vô can, thậm chí còn có công khi bảo vệ danh tiếng của tân đế. Hiềm một nỗi, đầu óc Đức Vượng với những chuyện triều chính này rất chậm chạp. Hắn không hiểu tại sao ngay lúc ấy, Gia vương không vạch trần bộ mặt của Nghi Dân để đến nỗi bây giờ, hắn vẫn phải đóng vai gián điệp hai mang này.
- Điện hạ! – Đức Vượng nhè nhẹ ướm lời, luôn sẵn sàng thủ thế vì sợ cơn thịnh nộ của vị chủ nhân mới. Đại hành hoàng đế dễ hầu hạ bao nhiêu, đơn giản bao nhiêu thì người em này của ngài ấy đối lập lại hoàn toàn.
- Ngươi nên đi làm việc của mình rồi đấy! – Chàng mệt mỏi nói, không quên dặn kĩ: – Nhớ kể cho tỉ mỉ, đừng để những kẻ khác được lợi rồi lại mang họa vào thân.
Tay chân Phạm Đồn gài tại cung điện này không chỉ có mình hắn. Tại sao Gia vương dặn dò như vậy, Đức Vượng hoàn toàn có thể hiểu được. Có điều, hắn còn băn khoăn. Chẳng nhẽ chủ nhân mình không hề quan tâm đến an nguy của Cung vương? Một khi những lời vừa nãy của Cung vương đến tai Nghi Dân, hậu quả…
Viên nội quan lo nghĩ quá nhiều, cuối cùng nhận ra mình toàn lo thừa. Trước đã thế, giờ vẫn thế. Hắn quả thực không theo kịp những dự liệu trong đầu của Tư Thành. Nghe hết những lời bẩm tấu, Nghi Dân chỉ nhạt giọng bảo:
- Đức Vượng, ngươi làm tốt lắm. Tạm thời cứ tiếp tục lấy lòng Gia vương, nhất cử nhất động của hắn phải theo cho sát. Cả vị tiểu thư tên Thục Giang kia nữa, dù ả chẳng thuộc về phe nào nhưng đừng để ả trở thành tay chân của Gia vương.
- Thần hiểu ạ! – Viên hoạn quan thưa, thầm nghĩ mình nên tỏ ra chút nhiệt thành, tận tụy liền bổ sung thêm: – Còn chuyện quan gia và đại nhân Phạm Đồn muốn thần làm, liệu bao giờ có thể… Gia vương là mối lo trong lòng quan gia, thần tuy tài hèn đức mọn nhưng xin xả thân vì người.
- Năng nổ là tốt nhưng giờ chuyện đó giờ chưa cần vội. Ngươi lui đi.
Lúc rời khỏi điện Trường Xuân, cánh cửa chưa khép lại, Đức Vượng còn nghe thấy loáng thoáng Nghi Dân cười thoải mái, bảo rằng:
- Khắc Xương không phải kẻ đáng lo. Hắn thích nói gì cứ để hắn nói. Cũng chỉ là văn nhân dài lưng tốn vải thôi, chẳng nên cơm cháo gì đâu!
Lén đưa mắt nhìn Hoàng đế, Phạm Đồn gãi gãi hàng ria mép rồi mới thưa:
- Quan gia, chuyện của vị tiểu thư họ Phùng kia là do vi thần sơ xuất, xin quan gia trách tội.
- Ngươi không biết hết quan lại trong triều nên chuyện đó bỏ qua được. Huống hồ phụ thân cô ta chỉ có ý muốn dựa dẫm chỗ thế gia hoàng tộc, chưa đáng lo ngại. – Chàng đặt xấp tấu chương sang bên, gác cây bút hãy còn nhuốm mực son xuống. – Vấn đề lúc này là làm thế nào để triệt hạ Lê Tư Thành. Con hổ con này tuyệt đối không thể để sống.
Quỳ xuống trước mặt Hoàng đế, Phan Bang khảng khái thưa:
- Quan gian, xin người hạ lệnh, thần chỉ bằng một kiếm có thể kết liễu mối bận tâm này cho người.
- Không được! – Chàng lừ mắt, đập tay lên bàn để trấn áp ngọn lửa ngùn ngụt trong lòng những cận thần. – Lê Tư Thành không hay biết chuyện trong kinh, hoàn toàn bị động mà những sát thủ ta phái đi giữa lúc chính biến còn chẳng giết được hắn. Huống hồ là lúc này.
Nói đến đấy, tất cả những người đang đứng hầu trong điện Trường Xuân đều nhớ lại cảm giác sững sờ vào ngày hôm ấy, khi Gia vương bất chấp quân ngự tiền ngăn cản, xông thẳng vào giữa điện Kinh Thiên. Hắn chọn đúng lúc bá quan văn võ tề tựu đông đủ nhất, quỳ xuống mà thưa lớn rằng:
- Khởi bẩm quan gia, có kẻ âm mưu hạ sát thần đệ. Hôm nay tên hoạn quan này theo lệnh quan gia mang sơn hào hải vị đến cung tiềm để, làm thần đệ vô cùng cảm kích. Ai ngờ con chó của thần vô phép, nhảy lên cướp lấy. Thần đệ vô cùng hoảng sợ, sợ mình phạm tội khi quân, khinh nhờn long uy. Đang định nhập cung thỉnh tội, thần sửng sốt nhận ra, con chó mình nuôi trúng độc trong đồ ăn chết từ lúc nào. Thần đệ lúc ấy rất sợ hãi, tự vấn lương tâm xem có làm gì đắc tội với quan gia hay không mà phải nhận cái chết như thế. May có tên hoạn quan tỉnh táo này nhắc nhở thần đệ rằng, quan gia trước sau vô cùng hậu đãi thần. Chuyện như thế ắt do có kẻ tiểu nhân ngấm ngầm giăng bẫy nhằm chia rẽ hoàng tộc, đổ vấy tiếng xấu cho Thiên tử. Xin quan gia đèn trời soi xét, lập lại kỉ cương, giữ gìn tôn nghiêm của hoàng thất. Ngay giữa Cung thành lại xảy ra việc thích sát thế này sẽ làm trăm họ hoảng sợ!
Hắn biết rõ, hất đổ một mâm cơm chỉ giúp tránh được cái chết một lần, không thể tránh được hai lần. Những lời Lê Tư Thành nói ra giữa triều đường không phải để cho Nghi Dân nghe mà để cho bá quan văn võ trong ngoài nghe. Vô hình chung những kẻ đã tin hay chưa tin đều đặt câu hỏi về Hoàng đế. Chả sớm thì muộn những tin đồn thất thiệt sẽ lan ra khắp Đông Kinh.
Tựa lưng ra sau chiếc ghế chạm rồng, tự tay khơi bấc đèn lên khỏi đĩa dầu, Hoàng đế mềm mỏng cất lời:
- Nói cho cùng, một tên hoạn quan nhỏ nhoi không thể xoay sở trước Gia vương đa mưu túc trí. Cơ hội đã qua, đành chấp nhận cho nó qua vậy. Giờ chỉ cần chúng ta động thủ, quan lại trên dưới từ chỗ hoài nghi sẽ đều khẳng định đó chủ ý của trẫm. Diên Ninh lại vừa mới chết. Thêm một vụ um sùm nữa sẽ làm lòng người không thuận. Một khi Lê Tư Thành còn ở trong cung tiềm để, một cọng tóc của hắn cũng không được đụng vào.
Suy nghĩ một hồi, Lê Đắc Ninh bèn thưa:
- Quan gia, còn lời tâu của các đại thần về việc ban chức quan cho Gia vương? Chẳng phải những người vẫn còn luyến tiếc Diên Ninh, muốn mượn tay Gia vương để uy hiếp quan gia sao?
Đan hai bàn tay lại, người thanh niên nghiêng đầu, cười mỉm:
- Trao quyền vào tay Gia vương – một kẻ kế thừa huyết thống hoàng gia – chính là để quyền lực phân tán. Trẫm đương nhiên không để chúng đắc ý. Nhưng sẽ có kẻ sẽ mượn cớ Thái Tổ từng phong chức Hữu tướng quốc cho con trai trưởng là Quận Ai vương Lê Tư Tề để bắt bẻ. Việc này, trẫm sẽ xem tâm ý Gia vương đến đâu. Giờ Tư Thành chỉ loanh quanh trong cung tiềm để, muốn đường đường chính chính dẹp bỏ hắn không hề dễ dàng. Trao quyền cho hắn, chưa chắc đã là việc dở.
Đứa em này đã giương vuốt công khai đối đầu với Hoàng đế, để lâu ắt thành họa. Nó vốn không phải con thú cùng đường mà cắn bậy. Mọi nước cờ hạ xuống rất đơn giản, rất ngẫu nhiên nhưng đều chính xác. Ván cờ này Nghi Dân từng nghĩ có thể dễ dàng thao túng, cuồi cùng nhận ra đối thủ vừa cao số, vừa rất khôn ngoan. Nếu chỉ đơn giản là một kẻ có đầu óc, chưa chắc chàng đã phải dồn đứa em này vào chỗ chết. Tiếc rằng, ai bảo Gia vương không những được thiên phú, lại được lòng những đại thần trong triều. Cứ nghĩ lại thái độ cứng rắn, dồn ép của Đinh Liệt, Lê Lăng, Lê Niệm, Lê Nhân Thuận… trên triều hôm ấy, Nghi Dân hiểu rõ để đứa em này sống tức là còn để cho mấy lão già kia tơ tưởng bất trung, đứng núi này trông núi nọ.
Lê Tư Thành, Lê Tư Thành…
Dòng đời trôi chảy, thế sự xoay vần. Từ đại yến tại cung Đan Phượng, nhắm mắt mở mắt mới qua mấy năm mà đứa bé lãnh đạm, thờ ơ ngày ấy đã trở thành một kẻ khó khống chế thế này. Cũng may, Nghi Dân đã sớm nhận ra Bình Nguyên vương không phải kẻ an phận, dễ bề thao túng. Hắn càng không phải kẻ thờ ơ với đời như những gì từng trưng ra lừa dối người ngoài. Bao năm dưới thời trị vì của Nguyễn Thị Anh cùng Bang Cơ, xem ra đứa em út này cũng phải che giấu bản thân mình không ít.
Không vì Diên Ninh, càng không vì bất kì một lý tưởng gì to tát, Nghi Dân thực sự muốn biết Gia vương định dùng thứ gì để đấu với mình.
***
- Giờ cô là sướng nhất đấy nhớ! Giờ thích ăn gì thì ăn, thích uống gì thì uống!
Phượng cười lớn, nói thẳng tuột những lời ấy xong mới biết mình nhỡ mồm. Xếp những miếng cơm nếp giã nhuyễn, phơi khô rồi cắt thành từng khoanh mỏng vào tàu lá chuối rồi ấn vào tay cô đào, Hải Triều lẳng lặng đứng dậy. Nàng cũng có chút tần ngần, có chút hoài niệm khi nhìn thấy chỗ cơm ấy. Chúng chẳng có vị gì đặc biệt, ăn cốt để quyện trôi đờm nơi cổ họng cho tiếng hát được trong trẻo mà thôi. Thế mà giờ, nàng lại đâm ra nhớ những thói quen ấy.
- Giận chị đấy à? – Phượng chột dạ hỏi rồi ngãng ra ngay khi thấy nụ cười trên môi thiếu nữ. – Chà bố cô, dám lừa tôi. Ngồi xuống đây bổ cau, têm trầu cho chị đi em.
Ngày xưa còn có việc đi hát, giờ thỉnh thoảng Hải Triều chỉ hầu đàn quan viên. Toàn bộ thời gian còn lại, nàng trông coi đám trẻ con trong giáo phường, chuyên tâm vào việc ướp trà rồi têm những miếng trầu cánh phượng cong cong tuyệt đẹp. Các cô đào rỗi việc ngồi trên những sập gỗ, miệng nhai trầu, nói đủ thứ chuyện giời bể. Hẳn nhiên, những điều họ đang bàn tán lúc này chỉ có thể xoay quanh đế vị trong Cung thành.
Cái nhốn nháo ngoài dân gian đơn giản xuất phát từ nỗi lo chính biến sẽ làm ảnh hưởng đến bát cơm bát gạo của họ. Mặt thiên tử dân đen chân đất mắt toét nào có thấy bao giờ mà quan mới chả tâm. Mặc nhiên trong dân chúng, chuyện ngai vàng là chuyện riêng của gia đình nhà vua, đừng khiến họ khổ theo là được.
- Này Huyên, em còn giữ tiền riêng không thì bỏ ra. Mai anh với ông trùm đi đổi tiền mới cho cả giáo phường. – Anh Thuận ngồi xuống cạnh, cất tiếng nói nhưng không dám nhìn thẳng vào mắt nàng.
Sự tồn tại của một người cuối cùng chỉ còn lưu lại trên một đồng tiền ghi niên hiệu. Hoàng đế thay đổi, tiền cũng đổi theo. Thế mà đã có lúc Hải Triều quên mất. Tiền riêng còn được mấy đồng, Kim Oanh nghĩ nàng đã đưa cả cho mình rồi. Chỉ có Hải Triều biết giấu dưới đáy hòm, cạnh mấy tờ giấy ghi bút tích của phụ thân và bà Thị Lộ là vài đồng tiền Diên Ninh nàng không nỡ bỏ để đổi qua tiền Thiên Hưng.
- Lê, mày nhe răng ra cho anh xem!
Anh Thuận cười hi hi, rõ ràng là muốn trêu chọc con bé. Nhìn đôi mắt đã ngân ngấn nước của cô nhóc, Hải Triều vừa thấy thương, vừa thấy buồn cười. Vì đang áp thuốc nhuộm răng, không được ăn gì ngoài húp cháo nên tâm trạng con Lê không được tốt. Quẳng cây bút xuống, nó xông tới, bặm môi bặm lợi véo mạnh vào mạng sườn khiến anh Thuận la lên oai oái. May mà đã qua đợt mồm miệng sưng phồng vì rượu pha chanh làm răng mềm ra trước khi nhuộm, không thì không biết con Lê còn tức đến thế nào nữa.
- Các anh các chị mày đều đã nhuộm qua cả, thỉnh thoảng cũng phải áp lại thuốc mà có ai chết đâu! Quen hết cả thôi em! – Chị Phượng nháy mắt, cắn ngập hàm răng đen nhánh như hạt na vào quả táo xanh xanh, rõ ràng là muốn chọc tức con bé ham ăn ham uống này.
Chỉ tay vào tớ giấy, Hải Triều làm mặt nghiêm ý nhắc con Lê nên tập trung vào việc luyện chữ cho đẹp. Nhìn con bé khom khom lưng ngồi trên sập gỗ, mím môi bắt chước cách nàng cầm bút, tự nhiên thiếu nữ nhớ lại ngày xưa, khi lần đầu tiên nàng nhuộm răng theo lời của mẹ. Lúc ấy, Hải Triều cũng từng làm mình làm mẩy như Lê lúc này. Giờ nghĩ lại, có khi đấy là lần đầu tiên, cũng là lần duy nhất Mai Loan dịu dàng, chăm bẵm nàng như thế. Bà từng vuốt nhẹ mái tóc nàng, thủ thỉ:
- Răng trẳng ởn khác gì răng chó, khác gì răng của bọn người Ngô. U biết là đau đấy nhưng phải cố chịu, nghe chưa. Thầy con làm mọi việc, chẳng phải để sau này con được vấn tóc đuôi gà, nhuộm răng đen đi trẩy hội hay sao? Ngoan, mấy bữa nữa rồi u mua bánh gio cho ăn, nhớ!
Chớp chớp đôi mắt, Hải Triều giật mình khi thấy anh Thuận vẫy vẫy bàn tay qua lại trước mặt mình. Thu lại nụ cười đùa cợt trên miệng, anh nói khẽ:
- Anh nghe lời cô, dạy chữ cho con Lê y như ngày xưa anh dạy cô. Cô xem trả công anh thế nào đi chứ?
Quay tới, quay lui, cuối cùng nàng nhẹ nhàng đặt miếng trầu têm vào bàn tay để ngửa ấy, nhìn như có ý hỏi: “Vậy có được không?”.
- Người ta vẫn bảo xanh lá, bạc vôi[4]. Nhưng trầu của em thì được! Thực ra… thì cũng hơi thiệt cho tôi đấy nhé!– Anh dịu dàng nhìn thiếu nữ, khẽ mỉm cười.
- Mà chuyện trong cung thế là xong đấy hả? – Tự nhiên một cô đào hỏi.
- Thế cô còn muốn thế nào?
- Thì ý tôi là… triều đình cũng phải lo hậu sự cho vua trước và Nguyễn Thái hậu chứ. Nghĩa tử là nghĩa tận, đâu thể cứ im ỉm như vậy được.
[4] Lấy ý từ câu “Đừng xanh như lá, bạc như vôi” của nữ sĩ Hồ Xuân Hương.
Rít vào một hơi thuốc lào, ông trùm Tuân đến giờ mới lên tiếng:
- Mấy đứa nói cũng đúng. Nguyễn Thái hậu làm ra mấy chuyện oan ức, nhất là vụ án ở Trại Vải. Nhưng vua trước thì… Dù sao đó cũng là một người nhân từ. Mà thôi, bớt mồm bớt miệng đi ấy. Họa là ở ngay mồm chứ chẳng ở đâu xa đâu.
So vai trong chiếc áo dệt bằng vải thô, Hải Triều biết Kim Oanh đang nhìn mình nhưng vẫn vờ như không hay. Nàng biết suốt từ hôm trong cung có biến, nhiều lần chị đã muốn ướm lời dò xem tâm ý nàng đến đâu. Tuyên Từ hoàng thái hậu qua đời, coi như một nửa điều nàng mong đợi đã thành hiện thực. Nhưng cảm giác trong lòng Hải Triều chắc chắn không phải là niềm vui, càng không phải sự hả hê. Có thể một phần vì cái chết của Lê Tuấn. Còn phần kia, có lẽ do nàng chưa hề mặt đối mặt với người đàn bà ấy, chưa có được lời đáp khiến nàng thấy thỏa đáng.
Đại nhân Nguyễn Xí và Đinh Liệt từng bảo rằng, để lật lại vụ án Lệ Chi Viên, sức một đứa con gái là không thể. Nàng không phải người hoang đường đến mức nuôi hi vọng ở chỗ Lê Tuấn. Người ấy rất đàng hoàng, rất tử tế nhưng bảo người ấy chống lại mẹ đẻ mình, chống lại chính ngai vàng của mình, đời nào.
Còn giờ, giang sơn đổi chủ. Tân hoàng đế nói ra đủ lý lẽ hay ho nhưng cuối cùng chỉ để biện minh cho sự phế lập của mình, biến nó trở nên hợp lý. Nếu Lạng Sơn vương chưa từng đến tìm Hải Triều ở giáo phường, có khi nàng sẽ tin vào chiếu thư bố cáo thiên hạ đó không chừng. Lúc việc chưa thành, người ta có thể nói ra đủ lời ngon ngọt, to tát, quang minh chính đại để mê hoặc nhân tâm. Nhưng đã ngồi lên ngai vàng, nắm chắc lợi ích trong tay, những lời từng nói chỉ như mây trôi gió cuốn. Một vụ án oan nếu không còn có lợi cho Hoàng đế trong cuộc tranh đoạt thì chẳng ai điên dồ đến mức dính vào.
Cuối cùng, nàng sống đến từng này tuổi, việc duy nhất muốn làm vẫn chẳng đến đâu.
Nổi lên giữa không gian đen thẫm là một dải màu đỏ hồng uốn mềm ven con đường cây. Dưới mái hiên, những chiếc đèn lồng đung đưa trong gió.
- Tiến xe. Bên kia… lui pháo.
Tư Thành tựa đầu vào cây cột gỗ, liếc mắt nhìn bàn cờ rồi lười nhác khua cây quạt trúc mấy đường. Ngô Quân chẳng lộ ra thái độ gì đặc biệt, điềm đạm làm theo lời chỉ bảo của chàng. Kể ra cũng có chút buồn cười khi người cao lớn, đàng hoàng như anh ta lại phải khoác lên mình bộ quần áo hoạn quan cũn cỡn mà Đức Vượng thu xếp được. Tư Thành muốn bật cười lớn lắm nhưng cứ nhìn bản mặt sắt khó đăm đăm của Ngô Quân, đành phải nuốt tiếng cười xuống bụng.
Nói là hầu cờ Gia vương, thực ra chỉ có mỗi việc di chuyển những quân cờ trên bàn theo lời Tư Thành bảo. Người thanh niên chẳng biết làm gì ngoài quan sát tỉ mỉ vị chủ nhân của mình. Đến cả hồi ở chùa Huy Văn, cũng hiếm khi nào Ngô Quân thấy Tư Thành nhàn rỗi, vui vẻ đến vậy. Dường như vụ ám sát kia là nhằm vào ai chứ chẳng nhằm vào chàng.
- Người đã nhún xuống nhưng… tân đế thực sự vẫn muốn ép điện hạ vào đường chết. Cung tiềm để lúc này hóa ra lại là nơi an toàn nhất.
- Vậy nên không phải bỗng dưng ta không hận Tuyên Từ! – Tư Thành cười, xoay xoay quân cờ trong tay. – Năm xưa ta chỉ là đứa bé con vắt mũi chưa sạch, bà ấy lại nắm cả thiên hạ trong tay, chỉ cần muốn là có thể giết được, còn dễ hơn giết một con kiến. Tai tiếng? Một năm, năm năm, mười năm… đàm tiếu, dị nghị mãi rồi chuyện cũng sẽ chìm vào quên lãng.
Dù không nói ra miệng, ai cũng thấy đích xác Lê Nghi Dân dồn Lê Tư Thành vào bước đường cùng. Giả như sau này đứa em kia vì bảo vệ mạng sống của mình mà vùng lên, thiên hạ cũng chẳng ai trách được. Vẫn giữ nguyên vẻ mặt không biểu cảm, đưa chén trà tới trước, Ngô Quân thưa:
- Điện hạ, đại nhân Trần Phong dẫn đầu đoàn sứ bộ Đại Việt ta sang Đại Minh cầu phong cho tân đế.
- Không ngạc nhiên. Tiến mã đi! Loại người như hắn không vẫy đuôi chó ta mới lấy làm lạ. Ngày trước là thẽ thọt với Nguyễn Thị Anh, giờ thì…
- Còn chuyện này nữa… Thiếu bảo Nguyễn Xí cáo bệnh, nói hai mắt đã lòa nên không thể tiếp tục vào triều phụng sự Tân đế.
Chiếc quạt đang mở dở trên tay Tư Thành đột nhiên dừng lại. Hàng lông mày hơi nhướn lên nhưng chàng chẳng nói thêm điều gì. Ban đầu, người thanh niên cũng chỉ tính đến việc lôi kéo vị đại thần đó chống lưng cho mình. Không ngờ bây giờ, người ấy còn khảng khái công khai đối đầu, công khai không phục tùng Nghi Dân như thế. Tiến triển này, thực sự không phải ném cả hòn đá xuống mặt hồ đang yên ả sao?
- Điện hạ, người có định đi thăm Thiếu bảo hay không để thần thu xếp?
- Không. Sao ta phải làm vậy chứ? Mấy vị đại thần đó giờ ta không có hứng thú gặp mặt!
Chàng nhún vai, nói nhẹ tênh.
- Ngô Quân, quân đỏ chiếu tướng rồi. Xếp lại bàn cờ cho ta!
Đôi lời lảm nhảm của tác giả:
Mục đích đầu tiên (trước cả nhân vật, tình tiết…) khiến isis bắt tay vào viết tất Độc huyền cầm chính là truyền tải, tái hiện một phần nào đó văn hóa, linh hồn của Thăng Long nói riêng và đồng bằng Bắc Bộ nói chung. Isis si mê, phát cuồng vì Hà Nội mà. Chỉ cần có cơ hội, tôi muốn thử xây dựng cho riêng mình một cái nhìn đa chiều nhất về cả không gian lẫn thời gian của mảnh đất tôi vẫn gọi là “người tình”.
Từ đầu đến giờ, khi miêu tả các nhân vật, isis chưa từng đề cập đến màu răng của họ. Mặc nhiên lờ đi một sự thật lịch sử là, người Việt Nam từ xa xưa đã nhuộm răng, ăn trầu. Việc né tránh này không phải vì tôi cho đó là man mọi (O___o). Là vì bản thân tôi không tự vượt qua được rào cản về quan niệm thẩm mỹ đương thời (tức quan điểm thẩm mỹ của thời đại chúng ta) mới đúng.
Hôm nọ, isis có đọc một stt rất hay trên FB của anh/chú Trần Quang Đức – tác giả cuốn Ngàn năm áo mũ. Đại ý stt ấy nói rằng, trang phục của tầng lớp trên trong xã hội Việt Nam (ở đây là vua quan, phi tần…) là sự mô phỏng có thay đổi một vài chi tiết từ nguyên mẫu trang phục của Trung Quốc. Đó là một hiện thực lịch sử mà khi đưa vào phim, vào tiểu thuyết… không thể giơ quan điểm cần phải Việt hóa, cần phải thuần Việt… ra để tùy ý thay đổi một cách thiếu khoa học. Trong khi đó, những dấu hiệu đặc trưng, căn cốt nhất của nền văn hóa chúng ta mà ở đây là nhuộm răng, ăn trầu lại bị lờ đi.
Điều đó làm isis suy nghĩ rất nhiều. Quan điểm về cái đẹp mỗi thời mỗi khác. Giờ mà bảo thế hệ chúng ta đừng cười ô hô hô lên vì một hàm răng đen thì cũng hơi khó. Tôi nghĩ thế này: Ngược lại dòng thời gian cách đây cả nghìn năm, các cụ nhà chúng ta ắt cũng vô cùng khó chịu, vô cùng chướng mắt khi nhìn thấy một hàm răng trắng. Răng đen không phải chỉ để cho đẹp hay vì dân ta ăn trầu. Răng đen còn là biểu hiện của tự do, cho sự tự tôn dân tộc, nhất là với bối cảnh của Độc huyền cầm – thời kì độc lập tự chủ rực rỡ sau 20 năm Minh thuộc với những đòn hiểm độc để đồng hóa văn hóa.
Nói một cách riêng tư, từ khi còn nhỏ, isis đã quen với mùi trầu thuốc, với màu bã trầu, với màu răng đen nhưng nhức hạt na của hai cụ bà (hai cụ ông, ông bà mình đều là trí thức học trường Tây nên để răng trắng). Răng đen, trầu thuốc, môi đỏ là những kỉ niệm rất đẹp của tuổi thơ. Cũng chính vì thế nên tôi luôn đóng đinh trong đầu như một thói quen rằng, chỉ có người già mới hợp với răng đen. Bây giờ, khi phải tưởng tượng ra thiếu nữ thanh xuân tuổi trẻ, mỹ nhân khuynh thành khuynh quốc răng đen thì nó cũng hơi…
Nhưng như những gì tôi viết ở trên, tôi đã thực sự công khai thừa nhận Nguyễn Hải Triều và tất cả những nhân vật khác trong Độc huyền cầm đều nhuộm răng. Nói to tát thì là vì đã chọn con đường khắc họa văn hóa thì phải đi đến cùng. Nói giời bể mà cái việc cơ bản nhất lại bỏ qua thì không được. Độc huyền cầm không tái hiện trung thực 100% lịch sử, thậm chí vì yếu tố văn hóa, vì sự hư cấu, một vài điều đã phải uốn nắn, thỏa hiệp đi, nhưng tôi muốn làm tốt tối đa những gì tôi có thể. Còn, nói một cách cá nhân, tôi muốn nghĩ về những nhân vật của mình bằng sự thân thiết. Ảnh thờ của các cụ, các cụ luôn cười rất tươi với hàm răng đen. Nếu như giờ bức ảnh đó thay đổi, tôi sẽ rất buồn, thậm chí cảm thấy những người ấy trở nên đôi chút xa lạ. Tôi cũng muốn dùng chính những tình cảm đó dành cho những nhân vật trên trang viết của bản thân mình, để họ thực sự sống trọn vẹn nhất trong không gian lịch sử tôi tái hiện lại
Đặc biệt cảm ơn Băng Tâm Phù Cừ đã nghĩ giúp isis câu đề từ hay như vậy!