Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 21 - Phần 1
Chương 21: Trở mặt
.I.
“Chu để” chỉ phủ đệ của phiên vương.
“Chu” là sắc đỏ.
Phân biệt nhà của vương tôn với nhà của dân thường,
lấy cánh cửa sơn son làm dấu[1].
[1] Theo Đại Việt thông sử của Lê Quý Đôn
Ngày mồng 7, tháng 10 năm Kỷ Mão (1459), Lạng Sơn vương Nghi Dân tự lập, lên ngôi Hoàng đế, đại xá, đổi niên hiệu là Thiên Hưng (Từ mùng 3 tháng mười trở về trước là Diên Ninh năm thứ sáu, từ mồng 7 trở về sau là Thiên Hưng năm thứ nhất của Nghi Dân). Ban ân rộng rãi cho các quan văn võ trong ngoài mỗi người một tư[2].
[2] Một bậc nhỏ trong thang bậc quan lại, chưa bằng một trật.
Bài văn đại xá bố cáo thiên hạ viết rằng:
“Trẫm là con trưởng của Thái Tông Văn hoàng đế, trước đây đã giữ ngôi chính ở Đông Cung. Chẳng may Tiên đế đi tuần về miền đông, bỗng băng ở bên ngoài. Nguyễn Thái hậu muốn giữ vững quyền vị, ngầm sai nội quan Tạ Thanh dựng Bang Cơ làm vua, bắt trẫm làm phiên vương. Sau Tạ Thanh tiết lộ việc ấy, lây đến cả Thái úy Trịnh Khả và Tư không Trịnh Khắc phục, Thái hậu bắt giết cả đi để diệt hết người nói ra. Cho nên từ đó đến giờ, hạn hán sâu bệnh liên tiếp xảy ra, tai dị luôn luôn xuất hiện, đói kém tràn lan, trăm họ cùng khốn.
Diên Ninh tự biết mình không phải là con của tiên đế, hơn nữa lòng người ly tán, nên ngày mồng 3 tháng 10 năm nay đã ra lệnh cho trẫm lên thay ngôi báu. Trẫm nhờ trời trông xuống, tổ tông phù hộ, cùng các vương, đại thần, các quan văn võ trong ngoài đồng lòng suy tôn, xin trẫm nên nối đại thống, hai ba lần khuyên mời, trẫm bất đắc dĩ đã lên ngôi vào ngày mồng 7 tháng 10 năm nay, đổi niên hiệu là Thiên Hưng”.
***
Dưới ánh nến nhạt, gương mặt người phụ nữ hiện vẻ âu lo khiến những nếp nhăn nơi đuôi mắt hằn in xuống thêm rõ nét. Đung đưa, dỗ dành đứa bé con trong tay để nó khỏi khóc quấy, nàng chỉ dám lặng lẽ nhìn vào tấm lưng rộng của người đàn ông đang đứng ngoài cửa lớn. Hai vị phu nhân còn lại nhìn nhau, khe khẽ thở dài.
- Đêm khuya rồi, em bế cháu vào trong nhà đi nghỉ sớm đi. Lo lắng cũng chẳng giải quyết được gì. Đại nhân ắt đã có chủ định trong lòng. – Đích phu nhân rũ tay áo, từ từ bước lại, cúi xuống nhìn đứa bé với hai cái má bầu bầu ửng hồng đang mút mát ngón tay. Trên gương mặt bà, khó khăn lắm mới nở được một nụ cười.
- Phụ thân không thể cứ cáo bệnh như thế được. Không sớm thì muộn tân hoàng đế cũng sẽ lôi kéo cha con ta cùng với những đại thần khác vào phe cánh của hắn. Bằng lòng thì không sao, nhược bằng trái lại thì…
Buông bàn tay đang chắp sau lưng, Nguyễn Xí sai mấy con bé người ở rót trà, còn mình chầm chậm mở túi đựng trầu đeo bên thắt lưng lấy ra một miếng. Dáng điệu ung dung của người đàn ông làm những cậu con trai cùng ba vị phu nhân sửng sốt. Đón lấy đứa bé hãy còn quấn tã trong tay vợ, ông nựng nịu gì đó khiến đứa bé cười khanh khách. Hồi sau, Nguyễn Xí mới quét ánh mắt uy nghiêm, điềm đạm của mình xuống, trầm giọng:
- Việc trong phủ Thiếu bảo trước thế nào thì sau vẫn thế. Ai làm việc nấy, chớ có nhiều lời. Lui cả đi. Sư Hồi ở lại.
Thấy người nhà, gia nhân đi cả, người đàn ông lúc ấy mới cất lời:
- Con còn nhớ lời ta dạy khi xưa về thế nào là trung quân ái quốc không?
- Thưa, con nhớ. Là bề tôi phải hết lòng phụng sự Hoàng đế, giữ gìn giang sơn xã tắc cho được vững bền. Có điều… – Chàng trai chắp tay, cúi mình, nói đến đấy đột nhiên lại ngước nhìn lên, đôi lông mày đen rậm chau lại. – Trung quân cũng có năm bảy đường, không thể cứ nhắm mắt tôn phò bất kì ai ngồi lên long ngai.
Vỗ bàn tay to rộng của mình lên vai đứa con trai trưởng, Nguyễn Xí cất tiếng cười sảng khoái:
- Phải. Chính là như vậy. Có điều ta cũng dạy con, biết thời thế mới là tuấn kiệt, cứng quá thì dễ gãy. Việc nhà binh phải biết thoái để có thể tiến. Những lời này có hiểu hay không?
Sư Hồi im lặng, chăm chú nhìn vẻ nhàn hạ dâng lên trong mắt cha mình. Chàng đoán được trong lòng Nguyễn Xí ắt không thể hoàn toàn bình lặng, thản nhiên như vẻ bên ngoài. Chàng cũng biết ông cố làm vậy để trấn an những người trong phủ, cốt để tĩnh tâm tính những kế sách tiếp theo. Từ trước cuộc đảo chính, Nguyễn Xí luôn tìm cách né tránh những cuộc gặp gỡ, qua lại với Lê Nghi Dân. Nhưng lúc đó, hắn chỉ là một thân vương. Giờ đây đế vị đã đổi chủ, dù trong lòng không muốn cũng không thể tìm cớ thoái thác mãi. Cha chàng tạm thời không thể công khai theo hay không theo kẻ ấy bởi dù sao, Nguyễn Xí vẫn là một trong số ít những đại thần quyền cao chức trọng bậc nhất trong triều. Phàm đã là những người như vậy, trước những biến cố lớn sẽ án binh bất động, bởi mỗi động thái dù là nhỏ nhất đều sẽ dẫn đến nhiều sóng gió. Mình ngoài sáng, người ta trong tối, tâm địa khó dò thì sao có thể tùy tiện hành sự. Trong đạo dụng binh, không chắc thắng thì không được đánh để rồi uổng cả binh lẫn tướng.
Điều khiến Nguyễn Xí không yên lòng chính là sự nóng vội, nhiều khi làm mà chẳng nghĩ sâu của Sư Hồi. Nay chàng là tai mắt của ông để nghe ngóng tình hình trong cung, tình hình trăm quan, hẳn nhiên trách nhiệm không hề nhỏ. Chắp tay, cúi mình, Sư Hồi đáp:
- Con hiểu, thưa phụ thân. Chuyện người giao cho, con cho người điều tra. Hóa ra, Lê Đắc Ninh đã qua lại với tân hoàng đế được vài năm, bắt đầu từ sau khi Tuyên Từ Hoàng thái hậu gạt hắn ra, nâng đỡ một người khác vào vị trí thống lĩnh toàn bộ cấm binh trong Cung thành. Chính hắn là người khởi xướng việc cấu kết với các chỉ huy khác, tiếp ứng cho vị kia lật đổ Đại hành hoàng đế. Ngoài hắn và Lê Hoằng ra, hiện giờ con chưa tra được thêm còn kẻ nào cấu kết nữa hay không. Việc đảo chính này… chẳng có nhẽ chỉ đơn giản như thế?
Ra hiệu cho con trai ngồi xuống, người đàn ông thong thả rót trà, thong thả khơi than hoa trong chậu đồng đặt giữa căn phòng lên. Nguyễn Xí ôn tồn nói, ánh mắt sáng quắc:
- Bây giờ, việc truy cứu tại sao hắn lại làm việc bán đứng chủ nhân như vậy chẳng còn quan trọng. Nhiều khi con đừng tự phức tạp mọi chuyện lên. Con còn nhớ đại yến tại cung Đan Phượng chứ? Ngay từ thời điểm đó, Hoàng thái hậu đã ngấm ngầm cảnh cáo quan lại trong ngoài không ai được qua lại với Lạng Sơn vương. Uy tín của người ấy trong triều vốn chẳng có, cấu kết được với Lê Đắc Ninh đã là quá giỏi rồi. Hắn cũng là người thông minh, cũng biết mình thân cô thế cô thì phải đánh vào điểm trọng yếu nào để chiến thắng. Giờ, ta chỉ muốn xem khi gió đã đổi chiều, những kẻ nào sẽ té nước theo mưa.
- Quyết định của phụ thân? – Sư Hồi nóng ruột hỏi.
- Chưa cần phải vội. Con lui đi!
Những lời ngắn gọn ấy làm chàng trai hiểu cuộc nói chuyện thực sự đã kết thúc. Nâng tấm mành mành lên, chàng trai còn ngoái lại nhìn bóng cha mình in trên bức vách hồi lâu. Thái Tổ, Thái Tông đã nhiều lần trừ khử vây cánh, công thần khai quốc để thâu tóm toàn bộ quyền lực vào tay. Việc cha chàng bắt tay với Đình thượng hầu Đinh Liệt (vốn là cháu gọi Thái Tổ bằng cậu) chính là để giữ thân. Về sau, cha lại nhận lệnh dạy dỗ Bình Nguyên vương. Phần là theo ý của Hoàng thái hậu, phần là vì vị thân vương đó có họ hàng với ngài Đinh Liệt[3].
[3] Xem lại chương 02: Thành mộng.
Bình Nguyên vương được cả Tuyên Từ Hoàng thái hậu lẫn Đại hành hoàng đế coi trọng, đương nhiên chỗ dựa của Nguyễn Xí trong triều càng thêm vững chắc. Tâm sức đổ vào nhiều như thế, giờ trong phút chốc trắng tay, thậm chí có khi dính phải họa diệt thân, không từ từ suy nghĩ cho thấu đáo thì không được.
Ánh trăng mờ đục rọi xuống làm những vũ khí dùng để luyện tập dựng trong khu vườn trống có chút ma quái. Ngoài cửa chợt rộ lên mấy tiếng ồn ào, huyên náo khiến bước chân Nguyễn Sư Hồi đang định về lại phòng riêng đột ngột chuyển hướng.
- Ngoài cửa có chuyện gì vậy?
Giơ cao chiếc lồng đèn trên đầu, thằng nô ậm ừ trong họng rồi theo lệnh của cậu chủ, ba chân bốn cẳng chạy về phía cửa chính. Ngoài phố hóa ra có một đám cãi nhau. Sự việc nghe nói qua nói lại vốn chẳng có gì, chẳng qua cô gái kia quá đanh đá, không chút kiêng dè liền gân cổ lên chửi người thanh niên vô tình va phải mình. Người trên phố không hẹn mà cùng đổ xô về phía ấy, quây lại thành vòng tròn. Kẻ chỉ chỏ, người nói thêm vào một, hai câu thành ra một đám náo nhiệt.
- Bà con cô bác xem, giữa đường giữa chợ có kẻ giở trò, vờ va phải con gái nhà lành rồi cướp đồ đây này! – Cô gái dùng cả hai tay giằng kéo người thanh niên cao lớn mặc áo lam nọ. Ả chua ngoa tru tréo lên: – Ngươi có đưa trả túi tiền cho ta không? Không ta lôi ngươi lên quan phủ!
- Này, ăn nói cho cẩn thận, đừng thấy người sang bắt quàng làm họ. Ai thèm lấy túi tiền của ngươi! Nhìn cho kĩ, là túi tiền của ông đây! – Gã đàn ông xô mạnh cô gái đang đeo bám mình khiến ả ngã sấp xuống đất. Ánh mắt khinh miệt quét xuống.
- Ối giời cao đất dày ơi! Dưới chân Thiên tử mà có kẻ ngang nhiên cướp của, hiếp đáp đàn bà con gái đây này! – Cô nàng đưa tay vén mái tóc bị xổ ra xõa xượi, hai tay hết giơ lên kêu trời rồi lại vỗ mạnh xuống mặt đất. Ả vén cái váy đụp lên một chút, chân giãy đành đạch, nhìn qua là biết ăn vạ.
Sư Hồi khẽ nhíu mày rồi ra hiệu cho thằng nô đóng cửa. Khi cánh cửa gần khép lại, ánh mắt chàng cũng kịp nhìn thấy vài tên có vẻ là mật thám của tân đế vốn chầu chực bên ngoài phủ Thiếu bảo, giờ đã di chuyển khỏi vị trí canh chừng của mình, hướng sự chú ý vào đám đông huyên náo kia.
Trong ánh trăng mờ hòa cùng ánh đèn của vài nhà dân gần đấy, những đôi mắt tinh tường kia nhận ra cô ả đang bù lu bù loa nọ chính là nô tì hầu hạ cạnh Bình Nguyên vương. Đêm hôm thị lén lén lút lút rời chùa Huy Văn đến dinh thự của Nguyễn Xí hẳn nhiên không thể là chuyện thăm viếng đơn thuần. Đám tay sai nhất thời không đoán được kẻ va vào ả là ai, thuộc phe phái nào, chỉ biết chắc thứ con bé ấy nhăm nhăm muốn lấy lại chính là tờ giấy gấp làm tám được người đàn ông áo lam kia nắm chặt trong tay. Cú va chạm vừa nãy làm tờ giấy ấy rơi ra từ ống tay áo của ả nô tì, cùng lúc với túi tiền của gã. Là vở kịch của cả hai bên. Con bé tuổi còn nhỏ nhưng rất thông minh, cũng biết tương kế tựu kế, mượn đám đông mà giữ chân kẻ kia lại.
Giữa tiếng xào xạc cành lá trong cơn gió đông khô khốc, giữa tiếng bàn tán, bình phẩm xôn xao, thanh âm leng keng trong vắt của chiếc chuông đồng truyền đến rất khẽ, nửa thật, nửa không. Đến khi tận mặt nhìn thấy người thanh niên mình vận chiếc áo đen tuyền, quỳ một chân xuống nền đất để vuốt ve con chó lớn, sau lưng người ấy, cửa hậu được mở ra từ bên trong giờ khép hờ, Sư Hồi mới tin tiếng chuông ban nãy mình nghe là thực.
- Thông minh lắm! Không uổng công ta chăm sóc ngươi! – Những ngón tay chuyên cầm bút gãi nhẹ cằm con vật, vẻ rất cưng nựng, yêu chiều.
- Điện hạ! – Sư Hồi nghe thấy mình lên tiếng, giọng nói bị đè xuống chứa nửa cung kính lẫn trong nửa bất ngờ.
Lê Tư Thành chầm chậm ngước lên, nụ cười phớt qua môi nhanh đến nỗi dường như không thật. Cổ tay lắc nhẹ, chiếc chuông nhỏ lại kêu lên những tiếng lanh canh trong vắt. Con chó săn thường ngày hung hãn là thế, vốn chỉ nghe lời Nguyễn Xí giờ lại vui vẻ, mừng rỡ quẩn lấy chân vị chủ nhân trẻ tuổi ấy.
- Phụ thân ngươi… – Tư Thành nhạt giọng nhắc nhở, có ý kéo Sư Hồi đang ngẩn ra vì ngỡ ngàng về hiện thực.
- À… thần sơ xuất. Điện hạ, mời người đi lối này! – Người thanh niên giật mình, nghiêng người nhường đường cho Bình Nguyên vương đi trước.
Bóng người đổ dài trên nền sân nhạt màu trăng, hòa cùng bóng tối dựng đứng thành một sắc đen thẫm. Người lặng lẽ dời đi, để lại một khoảng không im lìm, hiu hắt.
“Vở diễn của Ngô Quân và Ngọc Hồ đã đến lúc kết thúc được rồi”.
Người thanh niên thầm nghĩ, ánh mắt đen thẳm phảng phất sự an nhiên hàm ẩn ý cười. Lê Tư Thành vốn rất ung dung, giờ còn ung dung hơn nữa.
***
Khép cánh cửa lại, dù trong lòng nổi lên cơn tò mò như những đợt sóng lớn, Sư Hồi cũng biết phép tắc mà lẳng lặng trở về thư phòng. Đêm hôm khuya khoắt, mùi máu tanh còn chưa tan hết trong cung, Bình Nguyên vương đột ngột đến phủ Thiếu bảo đương nhiên không phải để uống trà rồi ngắm một vành trăng mỏng.
Ngồi xuống chiếc ghế của mình, Nguyễn Xí cẩn trọng đưa ánh mắt qua miệng chén, quan sát phong thái của người trước mặt. Ông làm vậy rồi thầm cười bản thân bởi, những điều trong lòng vị thân vương mà người đàn ông có thể nhìn ra được ngày một ít đi. Không dám nghĩ sẽ thấy được sự đau lòng, thương tiếc trong mắt Tư Thành, nhưng sự thản nhiên đến sắt đá tỏa ra từ người thanh niên trẻ vẫn làm Nguyễn Xí thực sự sửng sốt. Sửng sốt và cả e ngại nữa. Tình thân xem ra là một thứ quá xa xỉ, còn không bằng chiếc lá vàng lìa cành khiến người ta thương tiếc một sắc thu trong trời đất. Phong thái này quả nhiên giống Thái Tông Văn hoàng đế như đúc.
- Ta nghe nói Thiếu bảo cáo bệnh không lên triều, trong lòng rất lo lắng. Giờ thấy ngài vẫn được bình an, ta yên lòng được rồi. – Tư Thành đặt chén xuống, thầm tiếc trà ngon như vậy nhưng pha không khéo, làm cả sắc lẫn hương nhạt nhòa mất. – Các hạ là rường cột của triều đình. Giang sơn xã tắc về sau có được yên ổn hay không đều nhờ vào những lão thần như ngài cả.
- Điện hạ quá lời rồi!
Nguyễn Xí vội đứng dậy, chắp tay cung kính. Ngữ điệu của thân vương ôn hòa, mềm mỏng, nhưng nghe kĩ ra cái việc giữ gìn giang sơn kia lại không thấy đề cập đến vai trò của Hoàng đế. Ông chau mày, tự hỏi có lẽ nào Bình Nguyên vương cố ý. Thiếu bảo quả muốn thăm dò ý tứ của Tư Thành. Giờ, vị chủ nhân trẻ tuổi kia cũng mang một mục đích y như thế trong lòng. Vị thế hiện tại của người ấy rất chênh vênh, tìm một nơi để nương tựa mà đương đầu với bão táp cũng là điều hợp lý.
- Ta từ An Bang lai kinh hôm mùng năm, có ý muốn nhập cung yết kiến Tân hoàng đế ngay. Nhưng hoàng huynh bận rộn chuyện triều chính nên đành phải chờ đến ngày kia. – Chàng ôn tồn kể, trong giọng nói còn như chứa sự vui mừng. – Ta là phận dưới, với tân đế là anh em máu mủ ruột già, có chuyện dễ, có chuyện khó hơn người ngoài. Còn Thiếu bảo đây… không biết đã có dự liệu gì hay chưa?
Ẩn ý trong lời nói của chàng, Nguyễn Xí không phải không hiểu. Đưa tay vuốt chòm râu, người đàn ông vờ rót thêm trà vào chén, kéo dài thêm chút thời gian để suy nghĩ. Bình Nguyên vương chọn nhún nhường trước Hoàng đế Nghi Dân. Chàng đã nhún xuống thần phục thì những người xưa nay qua lại với chàng nên thế nào để biến từ khó thành dễ đâu cần phải nói nhiều. Vị chát của trà dần tan hết trong miệng, Tư Thành tựa người về phía sau, thoải mái gác tay lên tay vịn gỗ, nhẹ nhàng tiếp lời:
- Thế sự xoay vần, ta nghĩ chuyện bỏ của chạy lấy người, thân ai nấy giữ là điều bình thường. Trần Phong ở tòa Kinh Diên dạy bao nhiêu đạo lý trung quân ái quốc, rồi cái gì mà tôi trung không thờ hai chủ, giờ thì sao? Chẳng phải ông ta dùng cả hai tay nhận ân điển của tân đế? Được cất nhắc như thế, ưu ái như thế, không tận trung cũng không được. Thiếu bảo thấy có đúng không?
Không phải vô tình mà ánh mắt người thanh niên dừng lại trên chiếc hòm gỗ khép hờ đặt trên bàn. Bên trong cái hòm ấy chứa đầy trân châu, bảo ngọc mà Nghi Dân nói ban thưởng cho lão thần cũng đúng, nói mua chuộc cũng đúng. Nguyễn Xí liếc nhìn theo ánh mắt lạnh lẽo ấy nhưng tuyệt nhiên không biết rõ trong lòng Tư Thành là khen hay chê, là hài lòng hay giận dữ. Đặt chén nước xuống, người đàn ông khom lưng, chắp tay hướng về phía chàng, thưa:
- Điện hạ, thần là võ tướng, không quen với cung cách của văn nhân, xin được nói thẳng. Trước đây, thần từng dạy điện hạ: cầm quân đánh giặc, người chiến thắng không phải kẻ giết được nhiều địch thủ, hay có võ nghệ hơn người. Kẻ chiến thắng là kẻ dụng binh mà tổn thất ít nhất, là kẻ biết rõ mình cầm vũ khí chiến đấu vì điều gì. Hạ thần luôn cho văn nhân nói nghe rất hay nhưng nhiều khi có kẻ… cái lưỡi không xương lắm đường lắt léo. Còn võ tướng, một là một, hai là hai, quyết không được mới nới cũ, hai chân hai thuyền. Thần qua lại với điện hạ ngần ấy năm, dù muốn dù không cũng đã lọt vào tầm mắt của tân đế. Giờ điện hạ chọn thế nào, thần cũng xin một lòng phụng sự.
Vẻ ngạc nhiên, khách sáo quá nửa là giả tạo trùm qua đôi mắt đen. Tư Thành cười nhạt, đứng dậy đỡ hai cánh tay của người đàn ông trước mặt. Chàng nói:
- Thiếu bảo với Đình thượng hậu suy nghĩ thật giống nhau. Hai người làm ta khó nghĩ quá rồi. Ta chỉ là một thân vương, chuyện phò tá đó nên là chúng ta phò tá Hoàng đế mới đúng. Việc nào trên đời cũng cần biết thời thế mà quyền biến. Hai chữ “quyền biến” này các hạ dạy ta thực sự rất đắt!
Khi mạo hiểm đến đây, chỉ cần có sơ xuất, Lê Nghi Dân sẽ biết rõ quan hệ thực sự giữa Tư Thành với Nguyễn Xí không chỉ dừng lại ở mức thầy dạy với học trò. Chàng biết vậy nhưng vẫn đánh cược một lần, vì chàng biết mình không thể thua. Luận tình thân, luận quan hệ, chàng hơn hẳn người đó. Hai vị đại nhân quyền cao chức trọng bậc nhất đều chưa ra mặt ủng hộ hay chống đối Nghi Dân, bởi họ đang ngầm tính toán mưu lợi ích cho mình. Cả thiên hạ này có ai làm gì mà không nghĩ đến hai từ “lợi ích” đâu? Lê Tư Thành xếp đặt mọi việc, cốt để mình và mẫu thân có thể toàn mạng, yên ổn sống ở Đông Kinh. Và, để đạt được điều đó, lôi kéo đại thần chống lưng là việc nhất định phải làm.
Chưa kể, Đình thượng hậu và Thiếu bảo đang lăn tăn, lưỡng lự điều gì, Tư Thành cũng nắm trong lòng bàn tay. Một bên là bảo vệ cho gia quyến, thăng tiến nơi quan trường; một bên đạo lý quân – thần. Danh dự hay lợi lộc, không phải lúc nào cũng có thể chọn dễ dàng. Chàng biết rõ Bang Cơ đích thân chấp chính chưa lâu, quan hệ với các đại thần chưa thật thân thiết, giờ đòi hỏi trung nghĩa tiết liệt xem chừng quá hoang đường rồi. Không dám khen người là quân tử, chưa dám chê kẻ là tiểu nhân, một chút khích tướng nói ra miệng cốt hướng người xung quanh theo con đường có lợi cho mình. Cảm giác được lợi nhưng vẫn thanh cao, kiêu hãnh với đời là thứ các nguyên lão đại thần luôn luôn thích thú.
- Chén trà này… – Tư Thành cười thoải mái, dốc ngược cái chén rỗng trong tay – thật không quen. Ta và các hạ không phải cứ nên theo nếp cũ sao?
Nếp cũ mà Bình Nguyên vương nhắc đến chính là uống nước chè trong chát chiết yêu, ngồi ngoài hiên nói chuyện. Nguyễn Xí thấy tảng đá đặt trong lòng được người ấy mang đi, thoải mái sai gia nhân mang đến cái ấm đất đựng nước chè xanh nấu bằng nước mưa rào trữ trong chum sành từ những ngày hè. Vị thân vương nhàn hạ ngồi cạnh ông là người ít lời, tâm ý khó dò. Nửa đêm nửa hôm người ấy đến tận phủ tìm, ngoài chuyện dò la ý định, xem ra còn có mục đích khác. Đình thượng hậu Đinh Liệt tuy là họ hàng rất thân, qua lại với Tư Thành từ khi chàng còn nhỏ nhưng lại không có được sự tin tưởng như Nguyễn Xí. Ý nghĩ này làm lòng người đàn ông không khỏi dâng lên chút tự mãn. Đưa bát nước chè về phía Tư Thành, ông nói thẳng vào việc chính:
- Điện hạ, bài chiếu đại xá thiên hạ của tân đế, người nghĩ thế nào?
- Các hạ nghĩ thế nào? – Chàng uống một ngụm nước lớn, chậm rãi lấy tay áo lau miệng, hỏi lại ngay.
- Điện hạ, người biết thần và Đình thượng hầu trong việc của Nguyễn Thái hậu có quan điểm khác nhau. Thần cho quá nửa những điều tân đế đưa ra là dối trá.
Khóe miệng Tư Thành kín đáo nhếch lên thành một nụ cười. Chàng hài lòng khi nghe những lời ấy, biết rõ người đàn ông kia đã nói trúng tâm tư mình. Nước trong đáy bát phản chiếu ánh sáng hắt ra từ những ô cửa sổ sau lưng, lấp lánh át cả ánh trăng. Xoay tròn chiếc bát trong tay, chàng nói:
- Chuyện Diên Ninh đế có thực là con của Thái Tông hay không giờ chẳng còn nghĩa lý gì nữa. Chẳng qua chỉ là một cái cớ mà thôi. Nguyễn Thái hậu đắc tội với không ít người, làm dân gian oán giận nên nhiều người không nghĩ lại xem, có hẳn tất cả những điều tân hoàng đế nói ra có là hợp lý. Nói chuyện năm xưa Nguyễn Thái hậu mang thai sáu tháng mà đã sinh ra Diên Ninh khỏe mạnh, ta không nghĩ Thái Tông… si mê người đàn bà đó đến nỗi không nghi ngờ. Tiên đế đa tình, có khi mây mưa chán chê rồi mới đưa Nguyễn thị nhập cung, tấn phong thành phi tần. Mấy chuyện phòng the ấy ai muốn thêu dệt thế nào chẳng được. Chuyện đã qua, người đã chết, nói nhiều cũng chẳng được gì. Chỉ có những việc mẹ con Nguyễn Thái hậu làm là không ai có thể phủ nhận.
- Nói thế nào… – Nguyễn Xí gật gù tán đồng, trầm giọng nói: – Mười mấy năm qua thiên hạ thái bình, là công của Nguyễn Thái hậu và Đại hành hoàng đế. Một người đàn bà có thể giết hại được người như Ức Trai tiên sinh, cuối cùng lại chết như vậy, thực có chút bất ngờ.
Đặt cái bát đã uống cạn xuống thềm gạch, Tư Thành thoải mái chống tay ra sau, ngửa cổ nhìn vành trăng mờ qua tán lá nhãn trong vườn nhà Nguyễn Xí. Chàng lắc đầu:
- Nguyễn Thái hậu không phải là người đàn bà muốn làm chính trị để lưu danh sử sách. Cả tân đế, cả một đống quan lại đều tin cái bà ta tranh chính là quyền giám quốc. Thực ra, ta luôn nghĩ Thái hậu chỉ muốn giành cái ghế Đông cung để con trai mình được sống. Chuyện buông rèm nhiếp chính kia còn nằm ngoài toàn bộ dự liệu của bà ấy kia. Từ khi Nguyễn thị chấp chính, nào có thấy họ hàng nhà bà ta được hưởng nửa phần lợi lộc, đến cả tay chân như Lương Dật, Tạ Thanh cũng bị giết chết đấy thôi. Cuối cùng, đó cũng chỉ là một người đàn bà ghê gớm, không hề giống những người từng can dự triều chính như Linh Nhân Hoàng thái hậu[4] hay Thiên Cực công chúa[5]. Nguyễn Thái hậu mà thực sự có vây có cánh thì mẹ con bà ta đã chẳng chết thảm như vậy. Việc giết Nguyễn Trãi năm xưa, đại nhân không thấy đơn giản chỉ là bèo nước gặp nhau sao?
[4] Tức Hoàng thái hậu Ỷ Lan nhà Lý, từng hai lần buông rèm nhiếp chính.
Con trai của Ỷ Lan là Lý Càn Đức, mới sinh đã được tấn phong Đông cung hoàng thái tử. Về sau Lý Thánh Tông qua đời, Ỷ Lan (chỉ là Thần phi, sau là Hoàng thái phi) tranh quyền buông rèm nhiếp chính với Hoàng thái hậu Thượng Dương. Theo tác giả đánh giá, Ỷ Lan chính là mẫu phụ nữ làm chính trị, muốn thể hiện sự tài giỏi của mình. Về cơ bản khác xa Tuyên Từ hoàng thái hậu Nguyễn Thị Anh, dù hình thức sự việc hai người có vẻ rất giống nhau.
[5] Tức Trần Thị Dung, hoàng hậu của Lý Huệ Tông, mẹ của Lý Chiêu Hoàng. Về sau bị phế xuống làm công chúa, Thị Dung lấy Trần Thủ Độ. Bà đóng một vai trò quan trọng trong việc chuyển giao quyền lực êm thấm từ nhà Lý sang nhà Trần.