Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 20 - Phần 2

Siết bàn tay quanh chuôi kiếm giờ đã nóng rực, Nghi Dân ra hiệu cho người của mình đợi bên ngoài. Dấn thêm một bước, chàng chưa hề lưỡng lự. Dấn thêm một bước, chàng chưa từng băn khoăn. Nơi này đã đợi quá lâu, đợi chàng quay lại, đường đường trở thành chủ nhân chân chính.

“Phụ hoàng, năm xưa người bị con tiện nhân ấy lừa dối. Hôm nay, nhi thần sẽ dùng bàn tay này gột rửa hết những nhơ nhớp ả tưới lên huyết mạch họ Lê nhà chúng ta!”

Lư hương lớn bằng đồng đặt giữa căn phòng nhè nhẹ tỏa ra một làn khói mỏng. Trên bàn gỗ đặt gần đó đã sắp sẵn một bộ ấm chén, trà hình như cũng đã được pha. Còn trên án thư bày ra những hộp vàng, hộp bạc chạm trổ tinh vi, cẩn thêm ngọc quý, bên trong hẳn đều đựng ấn báu. Bang Cơ điềm nhiên phê duyệt tấu chương. dường như chỉ dứt mình khỏi công việc khi thanh âm của cánh cửa bị người ngoài dùng chân mở toang truyền tới. Gác bút, chàng ngẩng lên, mỉm cười:

- Cuối cùng hoàng huynh cũng đến rồi.

Thận trọng quan sát xung quanh rồi nhìn đứa em từ trên xuống dưới, Nghi Dân lạnh giọng cất lời:

- Cũng coi như ngươi chưa quá hèn hạ.

- Hoàng huynh quá lời rồi. Khắp Cung thành này giờ đều là người của anh, trẫm có mọc cánh cũng không thoát được. Hơn nữa, chạy trốn anh đâu khác gì trẫm tự chạy trốn mình? – Bước ra từ sau án thư, chàng chầm chậm bước tới, rót đầy chén trà – Hoàng huynh đường xa đến kinh thành, từ từ uống trà rồi chúng ta nói chuyện.

Không chút lúng túng khi người thanh niên đối diện chỉ bằng một cái hất tay đã làm chén sứ rơi xuống sàn vỡ nát, Bang Cơ vẫn thong thả thưởng thức trà của mình.

- Xem ra hoàng huynh nhập cung không gặp nhiều khó khăn. Chỉ bằng một trăm người đã có thể khống chế toàn bộ cục diện. Anh thật làm đứa em này ngưỡng mộ. – Chàng cất lời, vừa mềm mỏng vừa chứa cả sự nể phục trong giọng nói.

Chuyển thanh kiếm từ tay này sang tay khác như cầm món đồ chơi, cố tình để kẻ trước mặt nhận ra sự quen thuộc của món đồ, Nghi Dân cất tiếng cười vang vọng rồi mới nói:

- Phải cảm ơn Đô chỉ huy Lê Đắc Ninh, chỉ huy Lê Hoằng cùng các vệ sĩ dưới trướng của quan gia đây không quản khó khăn giúp sức. Ta không có nhiều thời gian cho một kẻ dơ bẩn như ngươi. Hoàng bào đã cởi, ngươi xem có phải đã đến lúc rời khỏi ngai vàng rồi không?

Nhìn lưỡi kiếm kề sát cổ mình, ánh mắt lặng lẽ của Bang Cơ chuyển dọc theo sống kiếm lên gương mặt của người mà chàng vẫn một hai gọi “hoàng huynh”:

- Trẫm chưa từng tự ý ngồi lên ngai vàng này!

- Cái ngai vàng mà mẹ ngươi dùng vải thưa che mắt thánh để cướp về, có gì mà vẻ vang đến vậy? Ngươi không sợ những oan hồn vì ngươi mà chết sẽ hàng ngày hiện về đòi mạng sao? – Nghi Dân cười gằn, ấn mạnh lưỡi sắc xuống một chút để máu đỏ loang trên nền vải chiếc áo trắng Bang Cơ mặc trên người – Thứ tạp chủng không mang huyết thống đế vương lại dám giữ ngôi cai trị thiên hạ, ta nghĩ từ vô liêm sỉ vẫn còn quá nhẹ cho mẹ con nhà ngươi.

Lưỡi kiếm kề sát cổ từng chút, từng chút một bị thanh kiếm trong tay Hoàng đế đẩy sang bên. “Hóa ra tên nhóc này không mang theo vật đó để ra oai.” – Ý nghĩ ấy làm Nghi Dân mỉm cười. Con mồi bó tay chịu trói thì còn gì là thú vị nữa. Không phải có một chút phản kháng, một chút quằn quại, buổi đi săn mới thú vị hay sao?

- Trẫm không có bằng chứng gì về huyết thống của mình. Những điều mẫu hậu nói, những điều mọi người nói cũng chỉ là lời gió bay mà thôi. – Bang Cơ rút thanh kiếm khỏi bao, ngắm nghía lưỡi sắc sáng lên dưới ánh sáng của những chân đèn đặt dọc theo những hàng cột của điện Cần Chính, rồi chĩa về phía Nghi Dân.

Dùng chính mũi kiếm của mình gạt nhẹ vật đang hướng vào mặt ra như thể đang chơi đùa mới một món đồ vô hại, chàng mỉa mai:

- Trẻ con thì không nên nghịch đao kiếm. Coi chừng đứt tay. Ngươi nghĩ với vật này có thể đấu lại ta sao?

Lướt qua gương mặt tĩnh tại của Bang Cơ là một nụ cười nhã nhặn. Chàng lắc đầu, những ngón tay siết chặt lại quanh chuôi kiếm:

- Không. Nhưng nếu không có nó, hoàng huynh chắc chắn sẽ không nghe ta nói. Hoàng huynh có niềm tin của mình. Trẫm cũng có niềm tin của trẫm. Khi nghe những điều mẫu hậu nói, trẫm đã rất băn khoăn không biết đâu là thật, đâu là giả. Không biết có thật trẫm là con của phụ hoàng hay không. Không biết việc trẫm ngày ngày ngồi lên ngai vàng là đúng hay không. Giữa sự thật thực sự và thứ trẫm muốn tin, trẫm hằng tin liệu có trùng khít?

Nghiêng đầu nghiền ngẫm vẻ mặt bình tĩnh của đứa nhóc trước mặt, Nghi Dân vờ thu kiếm rồi lại vung lên nhoang nhoáng, nhát nào chém xuống cũng rất hiểm độc, rất dứt khoát, không vương dù chỉ là một sợi tơ thương xót.

- Đáp án chỉ có một. Lòng ngươi tự biết mình không phải con của phụ hoàng, đừng tự dối gạt bản thân trong những lời ngọt ngào của Nguyễn Thị Anh. Hôm nay ta thay mặt tổ tông, thay mặt xã tắc, thay mặt bách tình đòi lại công đạo, nối lại huyết thống thanh sạch của hoàng thất họ Lê.

Từng lời nói ra là từng đường kiếm xông tới. Bang Cơ hiển nhiên không phải đối thủ của Nghi Dân, ngoài việc chống đỡ và né tránh, chàng không thể làm được gì hơn. Nhưng trên gương mặt ấy, dù nhìn từ góc độ nào cũng không hề thấy dù chỉ một chút hoảng hốt, một chút lung lạc.

- Trẫm đã nghĩ rất nhiều, cuối cùng đã nghĩ ra một chuyện. Niềm tin mãi mãi là niềm tin. Đã nhận di chiếu của phụ hoàng thì phải hết lòng giữ gìn giang sơn tổ tiên gây dựng. Những chuyện mẫu hậu nợ người trong thiên hạ, trẫm nhất định dùng cả đời mình để trả. – Chàng ngước nhìn, đôi bàn tay run lên khi gắng sức đỡ mũi kiếm của Nghi Dân nhấn xuống, nhằm thẳng ngực mình.

- Tốt! Ta cũng chỉ cần lời này của ngươi! – Nghi Dân cười, cơ bắp dưới lớp áo giáp gồng lên, mạch máu nơi thái dương giần giật khi chàng nghiến răng, ấn mạnh mũi kiếm xuống. – Dùng máu ngươi rửa sạch những nhơ bẩn, tế cho những linh hồn oan khuất. Đó là việc tốt đẹp duy nhất ngươi có thể làm!

Mũi kiếm của Nghi Dân ấn xuống trượt khỏi sống kiếm Bang Cơ giơ ra làm lá chắn, cắm ngập vào ngực trái của chàng. Trên nên lụa trắng, máu đỏ thẫm loang dần, loang dần như một đóa hoa bừng nở. Thanh kiếm trong tay Hoàng đế rơi xuống, vang động một tiếng lạnh buốt, trầm đục. Nghi Dân trừng mắt nhìn đứa trẻ dưới lưỡi kiếm của mình dùng bàn tay trần nắm chặt lưỡi sắc. Thứ đang đối diện với kẻ chiến thắng là đôi mắt đen bình lặng, an nhiên đón đợi. Khóe miệng dường như còn phảng phất một nụ cười:

- Trẫm chưa từng cầu sống ra được khỏi đây. Có thể chết như thế này là được hoàng huynh chiếu cố. Không còn gì nuối tiếc!

Nghiên chặt hàm răng làm xương hàm bạnh ra, gương mặt Nghi Dân trong một thoáng mất hết vẻ bình thản đắc thắng. Cơn đau buốt thấu tâm can lan ra làm cơ thể Bang Cơ khẽ run lên khi người trước mặt gọn gàng, dứt khoát rút lưỡi kiếm sắc khỏi lồng ngực chàng. Đau đớn thế rồi cũng nhạt nhòa theo bóng người phất tà áo rời khỏi điện Cần Chính.

“Thái Tổ Cao hoàng đế lấy lại giang sơn từ trên lưng ngựa. Cả người và phụ hoàng con một đời hiên ngang, lẫm liệt. Con là con cháu của những người vĩ đại như thế, nên dù có bị dồn vào bước đường cùng, tuyệt đối không được làm ra những điều khiến tổ tiên hổ thẹn!”

Nguyễn Thị Anh nghiêm mặt nói lúc cúi xuống chỉnh lại cổ áo cho đứa nhóc mới tròn sáu tuổi.

- Mẫu hậu… nhi thần không làm người hổ thẹn… nhưng đành làm đứa con… bất hiếu rồi.

Máu trào ra như nước lũ, len qua những kẽ ngón tay chàng, rơi xuống nền gạch từng giọt, từng giọt.

“Hoàng huynh không được quên bản thân mình cũng có rất nhiều điểm đáng để tự hào. Là em hứa sẽ trở thành thần tử của anh. Hứa thì nhất định sẽ làm!”

- Tư Thành… lời hứa này… xem ra…

Gió đông thổi tới làm chiếc áo lụa trắng khẽ bay lên. Lạnh thấu xương. Bập bềnh hiện ra trước mắt Bang Cơ là mặt nước xanh xanh, vuông vắn, dập dềnh những đóa hoa gạo đỏ rực, đỏ đến mỗi khiến mắt người nhức nhối. Hoa lìa cành hãy còn tươi nguyên, trải một thảm màu như lửa cháy dưới gốc cây già nua. Mộc miên đã nở thì độc tôn duy nhất một màu, đến sắc xanh mỏng manh nhất của lá cũng bị thiêu trụi trong cái màu đỏ ấy. Tháng ba, trên nền trời trắng đục, mộc miên thành kẻ dẫn đường cô độc, chỉ lối cho bước chân người quay về chốn cũ.

“Này, anh đọc bao nhiêu sách thế, có biết truyền thuyết hoa mộc miên không?” – Tô Mộc lắc qua lắc lại mái tóc buộc cao, xoay xoay những đóa hoa lớn trong tay, háo hức nhìn Bang Cơ. Nàng không những không thất vọng, lại còn hớn hở khi thấy chàng lắc đầu.

“Là có câu chuyện thế này. Ngày xưa, lâu lắm rồi, có một anh chàng đen đủi, chuẩn bị xong hết sính lễ cưới xin thì một trận lũ tràn qua, cuốn phăng tất cả. Dân làng thương tình, dựng một cây nêu cao thật cao để chàng trèo lên trời, hỏi Ngọc Đế tại sao lại làm vậy. Trước khi đi, chàng trai buộc vào cổ tay người yêu một dải lụa đỏ thay cho lời thề chung thủy. Đáng tiếc, Ngọc Đế giữ chàng trai lại làm thần mưa, lại còn nâng bầu trời lên cao, cách xa mặt đất để sau này không còn người phàm nào có thể trèo lên trời nữa. Phần cô gái, nàng đợi mãi, đợi hoài không thấy người yêu trở về nên đã quyên sinh. Nguyện ước duy nhất của cô ấy là trở thành thứ cây ngọn thẳng, vươn cao, dải lụa ở cổ tay hóa thành đóa hoa đỏ rực như lửa, hướng về phía bầu trời, tiếp tục đợi chờ.

Anh xem, có phải vì Ngọc Đế có tình ý chàng trai đó nên mới làm kẻ rẽ thúy chia uyên không?”

Câu hỏi ấy của Tô Mộc cùng vẻ mặt đăm chiêu suy nghĩ vô cùng nghiêm túc của nàng suýt làm chàng chết sặc.

- Xưa nay đàn ông năm thê bảy thiếp, thay lòng đổi dạ là chuyện thường. Chỉ có đàn bà con gái là ngu ngốc, cả đời chỉ yêu một người thôi! – Tô Mộc chống tay đỡ một bên má, chẹp chẹp miệng: – Như tôi ngu ngốc, điên dồ ngóng anh suốt một năm vậy!

- Cô… đợi tôi?

- Ờ. – Nàng quay ngoắt đi, hình như gò má có chuyển sắc hồng, à không, là đỏ lựng mới đúng – Ai bảo anh thiếu nợ tôi tiền tò hè từ đợt trung thu năm nào, mãi không thấy trả!

Một trời hoa đỏ. Đất cũng nhuộm đỏ xác hoa. Thiếu nữ áo đỏ tay cầm cuốn sách thuốc, tựa lưng vào gốc cây gầy gò, xù xì, chốc chốc lại hướng ánh mắt về một phía như ngóng trông ai.

Mộc miên như lửa, rực rỡ, say mê.

Mộc miên như lửa, đến khi lìa cành vẫn không thôi rực đỏ.

- Có phải thế ngốc nghếch lắm không?

Khóe miệng Bang Cơ dường như phảng phất một nụ cười mơ hồ khi gương mặt đăm chiêu ấy ngoái lại, chăm chú nhìn chàng, đợi mãi, đợi mãi. Tô Mộc đợi chàng trả lời. Nàng gần lắm, chỉ cần vươn tay ra, chàng có thể dễ dàng bẹo đôi má bầu bầu ấy.

- Này Lê Tuấn, anh là con trai, lại thông mình như vậy, nói cho tôi xem, thế có phải ngốc nghếch lắm không? Đợi một người kiếp này qua kiếp khác. Trả lời tôi đi, đừng có im lặng rồi cười cười như vậy, tôi không hiểu đâu.

- Đừng… như hoa… mộc miên.

Trời đứng gió.

Những ngón tay khẽ nhúc nhích nhưng không cất nổi lên. Đôi mắt nhẹ khép lại. Cái đợi chờ Bang Cơ không phải màn đêm vô cùng vô tận. Là mênh mang sắc trời tháng ba Đông Kinh có màu trắng đục, điểm lên đó hẳn nhiên là màu đỏ rực của cây hoa gạo bên cái hồ vuông với thủy đình người ta hay diễn trò rối nước. Giờ, chàng có thể ngồi dưới gốc cây kia đợi Tô Mộc được rồi. Nàng sẽ thôi so bì, tính toán vì trước nay toàn phải làm người chờ đợi, đúng không?

Không cần phải vội.

Nàng đợi được, chàng cũng đợi được.

Mộc miên như lửa, đỏ rực một trời.

Mộc miên như lửa, đời đời kiếp kiếp…

***

- LUI XUỐNG! TA BẢO CÁC NGƯƠI LUI XUỐNG!

Bờ vai gầy của Hạ Liên run lên từng cơn. Cả thân hình cô cung nữ cũng run lên từng cơn trong gió đông ào ạt. Hai bàn tay siết chặt, đôi mắt ráo hoảnh mở lớn trừng trừng nhìn những kẻ án ngữ trước cửa cung Diên Khánh. Bộ dạng như hóa điên, sẵn sàng liều mạng nhảy vào đánh người ấy làm mấy tên đàn ông lực lưỡng ngoảnh mặt nhìn nhau.

- Để cho ả vào.

Đặt tay lên cánh cửa sơn son, Hạ Liên ngoái lại, vành môi cong lên chua chát:

- Các ngươi là quân ngự tiền hưởng bổng lộc của quan gia mà nay cấu kết với phản tặc, làm ra cái việc đảo lộn luân thường này. Các ngươi không sợ quả báo à?

Tiếng đao kiếm lách cách. Mấy kẻ định sấn lại nhưng bị một người can ngăn:

- Chó sủa là chó không cắn. Cứ để cô ta nói thêm vài câu, sau này có muốn cũng không nói được nữa đâu!

Đóng chặt cửa gỗ, Hạ Liên theo thói quen liền khơi những bấc đèn lên cho lửa cháy sáng. Sắc vàng của ánh nến chảy tràn đến đâu, cái âm u trong cung Diên Khánh bị đầy lui đến đấy nhưng sự im ắng đặc quánh vẫn ngự trị.

- Ngươi nghe ngóng được chuyện gì rồi? – Truyền tời từ trên chiếc ghế vàng chạm hình loan phượng là giọng nói bình thản, lạnh lùng khiến toàn thân Hạ Liên run bắn lên. Nàng sụp xuống, tiếng nức nở tắc nghẹn trong cổ họng.

- Quan gia… đi rồi sao?

Những lời thản nhiên, bình tĩnh ấy vang lên cùng tiếng vải áo xột xoạt theo mỗi bước đi khiến cô cung nữ đang quỳ trên nền gạch lạnh người. Vươn hai cánh tay ra ôm lấy chân Tuyên Từ Hoàng thái hậu, nàng run run thưa:

- Lệnh bà… quan gia… Xin người… xin người…

Mấy lời van vỉ “đừng quá đau lòng” không thoát ra được khỏi bờ môi nhợt nhạt. Nước mắt từng hạt trong vắt lăn dài, nhỏ xuống hai mu bàn tay nắm chặt đặt trên sàn nhà. Tuyên Từ nhẹ mỉm cười, vén tà áo màu vàng kim ngồi xuống đối diện Hạ Liên, đưa những ngón tay mình lên lau đi những giọt nước ấy.

- Người khóc gì chứ?

Hàng lông mày cau lại, đôi mắt rạn vỡ loang loáng một lớp nước dày khiến cảnh tượng xung quanh chao đảo hết cả. Khóe miệng Hạ Liên run lên từng chập mãi mới cất nên lời:

- Lệnh bà, chẳng mấy nữa Nghi Dân sẽ đến đây tìm người. Để nô tì giúp người… giúp người chải tóc, cài trâm, thay xiêm y.

- Vẫn là ngươi hiểu ý ta nhất. – Nàng cười – Thứ hắn muốn nhìn thấy, đến chết ta cũng không cho. Sao ta có thể để hắn hả hê, sung sướng suốt phần đời còn lại khi nghĩ về đêm nay kia chứ?

Đêm đông rất dài. Đợi mãi, đợi mãi màu đen sánh đặc mới chậm chạp, nặng nề tản đi, nhường chỗ cho sắc xám nhờ nhờ với những vệt nắng nhạt nhòa, yếu ớt nơi đường chân trời. Ngước mắt nhìn tấm biển đề mấy chữ “Diên Khánh cung”, người thanh niên mỉm cười ngạo nghễ. Đứa con trai bao năm là tấm lá chắn giúp Nguyễn Thị Anh có thể tung hoành, vênh vang lừa trời dối đất cuối cùng đã chẳng còn. Sự tủi hờn, uất ức của mẫu thân suốt năm năm tháng tháng, cuối cùng, chàng cũng đã có thể gói lại trọn vẹn, trả cho con tiện nhân ấy. Đặt hai bàn tay lên cánh cửa son, Nghi Dân nhẹ đẩy bước vào.

- Nguyễn Thái hậu, chúng ta lại gặp nhau rồi. Thú vị quá đúng không? Cái ngày ngươi lập mưu khiến phụ hoàng hiểu nhầm, giáng mẹ ta xuống làm thứ dân, hẳn ngươi chưa từng nghĩ sẽ có ngày này.

Chàng cất giọng sang sảng, át đi những đợt sóng lăn tăn dậy lên trong lòng khi thấy sự gọn gàng, bình tĩnh tràn ngập cung Diên Khánh. Tất cả các ô cửa sổ đều mở rộng để ánh sáng buổi mai tràn vào trong những cơn gió lạnh nhưng trong lành.

- Điện hạ đi đường xa đã mệt. Hoàng thái hậu lệnh cho ngự trù chuẩn bị chút đồ ăn sáng cùng trà ướp hoa, xin điện hạ thưởng thức! – Hạ Liên mỉm cười nền nã lúc tiến lại, cúi mình kéo ghế tỏ ý mời.

- Lạng Sơn vương không cần mới sáng ra đã diễu võ giương oai như vậy. – Trên gương mặt điểm trang mĩ lệ hào phóng ban ra một nụ cười nhàn nhã. Nguyễn Thị Anh gập chiếc quạt ngọc, liếc mắt – Cuộc đột kích của điện hạ danh đã vang khắp Cung thành, ta đã nghe qua. Trong lòng đột nhiên nghĩ, người đêm hôm bắc thang trèo tường vào cung như vậy hẳn rất nhọc công, tốn rất nhiều sức lực, nên mới có nhã ý chuẩn bị chút đồ lót dạ.

- Thái hậu – Nghi Dân ngẩng mặt, điềm nhiên cười đáp lại – Người nghĩ có thể dùng mấy lời mỉa mai ấy để châm chọc hay làm ta nổi giận? Đừng tốn công vô ích.

Mặt bàn gỗ rung lên khi chàng thanh niên tuốt kiếm, chống mũi nhọn xuống mặt bàn. Trên lưỡi sắc loang màu máu đỏ hãy còn chưa khô hết. Hạ Liên thất sắc, đưa mắt nhìn Nguyễn Thị Anh. Máu của Hoàng đế, máu của con trai người tựa như những mũi giáo nung đỏ đâm ngập vào da thịt. Miệng vẽ thành nụ cười nhàn nhạt, Nghi Dân chầm chậm, chầm chậm thưởng thức đằng sau đôi mắt đen ngang ngược, kiêu hãnh kia, Nguyễn Thị Anh đang phải gồng mình lên trấn áp những chấn động dữ dội trong lòng.

Bàn tay gác lên ngai phượng, dưới những lớp lụa óng ả nắm chặt lại. Đôi môi đỏ màu son nhoẻn cười:

- Phải, điện hạ là người chiến thắng, là người giết được đương kim Hoàng đế. Nhưng ngươi mãi mãi là con của một kẻ tiện nhân bị Tiên đế phế bỏ, mãi mãi chỉ có thể là một phiên vương.

- Ngươi có tư cách nói vậy sao? – Đôi mày đậm, sắc nét nhướn lên khi chàng cất lời – Loại đàn bà lăng loàn, chung chạ với đàn ông bên ngoài, đem máu lươn trạch giả máu rồng mà dám buông lời như vậy? Nực cười.

- Ngươi nhìn thấy à? Mẹ ngươi nhìn thấy à? Nếu không nhìn thấy thì đừng to mồm. – Tuyên Từ đứng dậy, chiếc cổ thon vươn cao kiêu hãnh, ánh mắt quét xuống vẫn giữ nguyên vẻ dìu dịu vờ vịt nhưng oai nghiêm, sắc lẻm hệt như cái đêm ban đại yến tại cung Đan Phượng – Để ta nói cho ngươi biết, mẹ ngươi chưa từng để ta và quan gia được một ngày nào yên lành. Cái tin đồn ngu xuẩn nói quan gia không phải con của Thái Tông hoàng đế, ngươi biết ở đâu ra không? Là từ mồm mẹ ngươi ra cả. Chính ả đã đút lót tiền cho Đinh Thắng, Đinh Phúc để chúng sửa sổ sách, nửa kín nửa hở ra cái chuyện ấy đấy!

Cúi gập người xuống để cười, Nghi Dân cười mãi, cười đến nỗi chảy nước mắt:

- Nguyễn Thị Anh, ngươi đừng ở đó hoạt ngôn giảo biện! Mẹ ta bày ra việc ấy? Bà ấy được lợi gì khi đã bị giáng xuống làm dân thường?

Chiếc quạt xòe ra che đi nụ cười đã dâng đầy trong mắt. Tuyên Từ ngả người, tựa tay lên chiếc gối vuông vức bọc gấm đỏ đặt trên ngai phượng.

- Dương thị hình như chưa kể hết cho ngươi nghe thì phải. Ả vì xúc xiểm ta, oán vọng Thái Tông nên bị giáng xuống làm Chiêu nghi. Nhưng thay vì tu tâm dưỡng tính hoặc làm cho đầu óc mình khôn ra, ả lại bày tiếp những tin đồn thất thiệt ấy. Lợi ích hả? Lợi thì chẳng lợi, nhưng mẹ ngươi vì căm tức ta, không bày kế giở trò thì cục tức trong họng nuốt không trôi. Thế nên ta mới nói hiếm gặp ở đâu một ả đàn bà ngu ngốc và nông cạn như vậy. Đem so đầu óc Dương thị với cái cơi đựng trầu[4] xem ra… Công bằng mà nói, nếu không nhờ sự dại dột của ả, ta khó tống cổ cả hai mẹ con ngươi khỏi Cung thành. Lạng Sơn vương có thấy đây quả là một vở kịch hay không?

[4] Lấy ý từ câu ca dao: Đàn ông nông nổi giếng khơi. Đàn bà sâu sắc như cơi đựng trầu.

- Con đàn bà rắn rết dùng nhan sắc mê hoặc Tiên đế. Ngươi… – Nghi Dân đứng bật dậy.

- Đừng nói mẹ ngươi không dựa vào nhan sắc mà có được sự yêu thích của Tiên đế. – Thị Anh ngửa cổ, cất tiếng cười lanh lảnh – Ta cảm thấy rất buồn. Buồn vì Dương thị nuôi dạy ra một đứa con chẳng hơn ả là mấy. Ngươi không thấy mệt khi suốt ngày đổ lỗi cho người khác à? Đúng là ngươi không có tội tình gì để bị truất khỏi ghế Đông cung, nhưng… Sao ngươi chưa từng nghĩ Thái Tông Văn hoàng đế đã ngấy đến tận cổ sự ấu trĩ và nhạt nhẽo của mẹ ngươi rồi? Vì đã chán, chưa cần đến ta quyến rũ, Tiên đế cũng tự bỏ đi thôi.

Bóng người nhàn nhạt đổ xuống bậc cấp trải thảm đỏ. Tuyên Từ đưa những ngón tay cong cong lên chỉnh lại mái tóc búi cao, chỉnh lại những chiếc trâm vàng, kim thoa nạm ngọc trên đầu, đôi môi đỏ nhếch cười.

- Hôm nay ta lấy cái mạng chó này của người để tế cho những người chết oan uổng. Huyết án Lệ Chi Viên, vì ba họ nhà cố đại nhân Hành khiển Nguyễn Trãi, cố Thái úy Trịnh Khả, Tư khấu Trịnh Khắc Phục… Đảo lộn luân thường, lừa dối Tiên đế, ức hiếp công thần. Việc ngươi làm thì ngươi phải chịu báo ứng!

Lưỡi kiếm trên tay vung tới nghe “vụt” một tiếng, chớp mắt đã kề trên cổ người đàn bà.

- Nói hay lắm! Cũng tạm coi ngươi có chút chủ kiến. – Hai bàn tay vỗ nhẹ vào nhau làm chiếc vòng ngọc đung đưa trên cổ tay trắng ngần, thon thả. – Báo ứng? Đó là việc của Ông Trời. Chưa đến mẹ con nhà người nhúng tay vào. Đừng lôi Nguyễn Trãi, Nguyễn Thị Lộ, Trịnh Khả hay bất kì ai vào đây. Nghi Dân, đừng để đến lúc chết ta vẫn phải cười đến đau bụng như vậy. Ta giết người khác vì con mình. Ta chẳng sợ gì mà không dám nhận.

Tay áo phất cao khi Thị Anh bước tới, chỉ thẳng vào mặt người thanh niên trước mặt, cao giọng:

- Loại tiểu nhân nuôi dã tâm, mượn vào những chuyện ấy để ra vẻ thanh cao, đạo mạo, thực chất là bao che cho ham muốn đoạt lấy đế vị, thỏa cái lòng dạ ti tiện thì không có tư cách lên mặt giáo huấn ta. Dương thị tin chỉ có ả mới xứng làm chủ nhân cung Diên Khánh, xứng là Quốc mẫu của Đại Việt. Tin chỉ có ngươi mới xứng làm Hoàng đế cai trị sơn hà xã tắc. Được, các người đã thích đến vậy thì mời nhận lấy. Năm xưa, đáng lẽ ta nên giết chết tươi hai mẹ con nhà ngươi mới đúng. Đáng nhẽ phải nhẫn tâm như vậy. Thắng làm vua, thua làm giặc. Lê Nghi Dân, hôm nay ta thua ngươi!

Lưỡi kiếm vung lên, kéo theo sau ánh sáng lóa của kim loại là vệt máu đỏ thẫm. Hai đầu gối Hạ Liên đập mạnh xuống nền gạch. Cô cung nữ run rẩy bò lại, kinh hãi nhìn máu trào ra từ cái cổ tuyệt đẹp của vị chủ nhân mới nãy còn cao cao tại thượng. Đôi mắt người đàn bà trợn trừng. Nhưng, trên đôi môi đỏ còn phảng phất ý cười.

- Nguyễn Thị Anh, là ngươi nói thắng làm vua thua làm giặc. Ngươi hưởng phúc lâu quá rồi, chẳng còn gì đáng tiếc nữa đâu! – Nghi Dân lạnh nhạt nhìn xuống, điềm nhiên tra kiếm vào bao.

Trường bào vừa phất lên, sau lưng, bộ đồ trà đã rơi vỡ nát, lanh tanh bành trên nền gạch là những mảnh vỡ sắc nhọn. Phạm Đồn bước sấn tới, thanh đao bên hông đã rút đến nửa chừng:

- Con tiện nhân này, ngươi muốn chết phỏng?

- Nô tì không đủ sức giết Lạng Sơn vương nên tướng quân không cần sừng sộ lên như thế! Đằng nào sớm muộn điện hạ cũng sẽ giết nô tì, chi bằng đi trước một bước cho điện hạ đỡ ngứa mắt. – Hạ Liên nhếch môi cười, đôi mắt đã khô nước nhìn về phía trước, dán chặt vào tấm áo bào đen tuyền của người thanh niên cao lớn lừng lững. – Ban nãy, lệnh bà nói với ngài những lời quá nhẹ nhàng rồi. Ngài không bao giờ có thể làm Hoàng đế, đến cả quay lại làm một phiên vương giờ cũng chẳng còn đường nữa đâu. Uổng cho sự nhân từ của Đại hành hoàng đế[5], mở cho ngài và Dương thị một con đường sống. Uổng cả rồi… Lê Nghi Dân, thắng làm vua thua làm giặc.

[5] Từ để gọi Hoàng đế mới băng hà, chưa đặt miếu hiệu. Ở đây ám chỉ Bang Cơ.

Ngoảnh lại, cái chàng nhìn thấy là mảnh sử cắm ngập vào cổ họng cô cung nữ. Thân hình nhỏ bé của Hạ Liên đổ gục xuống nền đất lênh láng máu.

- Một con tiện nhân trung thành! – Nghi Dân phẩy tay, ra hiệu cho Phạm Đồn. – Hôm qua tổng cộng có bao nhiêu người chết?

- Thưa, bên ta chỉ thiệt hại hai mươi người. Những cấm binh không nghe theo lệnh của Đô chỉ huy Lê Đắc Ninh mà tôn phò điện hạ đều bị chém đầu ngay tại trận để răn đe. Số lượng cụ thể thế nào, xin điện hạ cho thần chút thời gian đi kiểm tra lại.

- Với những kẻ cứng đầu, giết không tha! – Chàng lạnh lùng nói, bước chân qua bậu cửa cao. – Còn với những kẻ đã biết quay lại là bờ, nhẹ tay với chúng một chút. Cho truyền người của Thái y viện vào cung lo liệu việc trị thương. Ngươi cắt cử người chỉ huy bọn nội thị thu dọn sạch sẽ những thứ nhơ nhớp này. Đừng làm ta bẩn mắt.

Buổi sớm tinh sương ngày mồng bốn, tháng mười, năm Diên Ninh thứ sáu (1459), Cung thành Đông Kinh chìm trong sự tịch mịch đến rợn người. Trong khí lạnh lởn vởn mùi máu tanh, mùi khét bốc lên từ những đám lửa tàn. Người cũ bàng hoàng về việc mới xảy ra trong chớp mắt. Người mới cũng không tin nổi cuộc đảo chính lại diễn ra lại chóng vánh đến vậy. Không khí lúc này dù làm lắm kẻ thấy hãi hùng nhưng lại khiến vài người thấy sảng khoái. Khoái cảm chứng kiến cái chết của đồng loại trong khi mình còn sống, không những thế còn sống mà đứng ở vị trí của kẻ chiến thắng mà trông xuống thật không dễ dùng bút nào tả được. Nó ấm áp, nó đê mê hơn men rượu. Nó khiến người ta thấy mình như lột xác, trở thành một điều gì lớn lao lắm.

Cái tịch mịch của Cung thành khi lan ra dân gian kéo theo màu xám, nhưng lại không phải màu xám của sự lặng yên, hoảng hốt. Đó là màu xám của sự hoang mang, của những lời bàn tán xôn xao.

***