Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 17 - Phần 4
Trong lòng bàn tay để mở là đóa hoa đào úa tàn, màu hồng thắm đã nhạt. Bang Cơ rũ tay áo, quay lại:
- Những điều hoàng huynh nói về việc cần bổ sung quân lên Lạng Sơn và những vùng trọng yếu khác ở phía Bắc để thanh trừng thổ phỉ và phòng bị trước các động thái gây hấn của nhà Minh, em nhất định sẽ lưu ý.
- Thần xin thay mặt dân chúng tạ ơn quan gia! – Nghi Dân nâng vạt áo, quỳ xuống lạy tạ rồi thưa – Thời gian qua lưu lại kinh thành được sự hậu đãi của bệ hạ và Hoàng thái hậu, trong lòng thần vô cùng cảm kích.
- Anh đứng dậy đi! – Hoàng đế cúi người, dùng hai tay đỡ người thanh niên đứng dậy, thoáng chút thất vọng trong giọng nói vì sự xa cách phô bày ra trước mặt.
Cơn gió thổi qua, hồng đào rụng rơi lả tả tựa như một cơn mưa, vương đầy lên áo người lữ khách. Đôi hia đen dẫm lên con đường rải sỏi trắng nghe lạo xạo, xéo nát những cánh hoa mỏng, Nghi Dân chắp tay:
- Cũng không còn sớm nữa, thần đến xin từ biệt quan gia để quay về Lạng Sơn. Trọng trách của người mang huyết thống đế vương không hề nhẹ nhàng, cũng không thể tùy tiện đặt lên vai ai. Nay đó là việc của quan gia, thần thân làm anh trưởng nhưng lại không giúp được gì, trong lòng thấy vô cùng hổ thẹn. Sau này, nếu người cần, thần nhất định sẽ lập tức quay về Đông Kinh phụng sự.
Bóng người nhanh chóng biến mất sau những rặng cây, tựa như một cơn gió lớn. Bang Cơ lặng lẽ nhìn theo rồi chậm rãi quay mình, bước trên con đường ngược lại, vòng qua hòn non bộ. Trên bộ bàn ghế bằng đá xanh tạo tác có phần hoang dã, tự nhiên, cậu thiếu niên vận bộ áo gấm tím, thắt đai lưng trắng đang thong thả thưởng trà, bên cạnh có Đào Biểu hầu hạ.
- Hoàng huynh! – Tư Thành định đứng dậy đã thấy Hoàng đế phẩy tay ý bảo thôi.
- Sao lại ngồi đây? Ban nãy anh Nghi Dân đến từ biệt, nếu em đã đến cũng nên ra mặt chứ? – Chàng cau mày, tỏ ý không vui trước sự lãnh đạm xa cách của cậu em.
- Em cũng vừa mới đến, lại thấy anh đang dở câu chuyện nên cũng không tiện.
Tư Thành trơn tru đáp. Đào Biểu biết rõ vị thân vương này nói dối nhưng vì trong lòng cũng tán đồng nên không hề vạch trần, lại còn thưa:
- Bẩm quan gia, đúng đấy ạ! Thần chuẩn bị xong trà thì Bình Nguyên vương đến, thấy quan gia đang nói chuyện nên thần mới mời điện hạ ngồi nghỉ tạm, đằng nào chút nữa các chủ nhân cũng cùng thưởng trà. Vừa sắp thêm một chén mới ai ngờ đâu Lạng Sơn vương đã hồi phủ mất rồi.
Không muốn đôi co với hai người trước mặt, Bang Cơ thở ra rồi nhấp chút nước trà nóng rồi mới nói:
- Cả em và Khắc Xương huynh đều có thái độ rất lạ với anh Nghi Dân. Không phải có điểm gì đáng chê trách, anh chỉ thấy lạ thôi. Mẫu hậu không thích anh ấy đã đành, còn chúng ta…
- Quan gia, thứ cho thần đệ nói thẳng… – Tư Thành đặt chén nước xuống, nhìn về phía trước không chớp mắt, vẻ bình lặng thường ngày thay thế bằng sự lạnh lùng quả quyết Bang Cơ chưa thấy bao giờ. – Người như Lạng Sơn vương tuyệt đối không thể tin được!
Từng chữ, từng chữ nói ra làm chàng sững người, mất một lúc mới có thể cất tiếng:
- Bằng chứng. Em có bằng chứng chứ?
Đào Biểu len lén đưa mắt nhìn Bình Nguyên vương, hồi hộp chờ đợi nhưng chàng chỉ lắc đầu. Tư Thành dịu giọng đi một chút, bớt gay gắt nhưng không hề thỏa hiệp:
- Chưa có. Em mong là không có, cũng mong cảm giác của mình là sai. Nhưng tỉnh táo mà xem xét, thực sự em chỉ có một câu vừa rồi để nói với anh thôi.
- Tại sao? – Bang Cơ chất vấn, cao giọng và dường như không mấy bình tĩnh.
- Lạng Sơn vương không phải là người an phận. Những xích mích hậu cung không phải chỉ giữa Hoàng thái hậu với mẫu thân của em. Hoàng huynh, chuyện phế lập ngôi Đông cung của Tiên đế khi xưa, anh phải rõ hơn em chứ!
Bờ vai Bang Cơ trùng xuống. Chàng khó nhọc nhếch môi cười, ngửa cổ nhìn vòm trời xam xám, nói:
- Đặt mình vào vị thế của huynh trưởng, hoàn cảnh đó dù bao nhiêu năm trôi qua cũng rất khó chấp nhận. Được tất cả rồi mất tất cả. Những hận thù, không phục trong lòng ấy có thể thông cảm được.
- Thần đệ lại thấy quan gia nói vậy sai rồi. – Tư Thành nói ngay, không mấy kiêng nể – Ý Tiên đế đã quyết, thân vừa là con ruột, vừa là thần tử thì phải biết phận vị mà phục tùng. Đế vị đã an bài thì không nên tơ tưởng đến những chuyện từng xảy ra trong quá khứ. Cả đời ngoái lại phía sau thì sao còn thấy được gì phía trước. Quan gia, người đừng tự dối mình nữa. Trong lòng, người rõ hơn ai hết Lạng Sơn vương không phải kẻ có thể vui vẻ với tước vị là một phiên vương ở nơi xa xôi như vậy.
Lời lẽ sắc bén như một lưỡi kiếm vung tới, nhát nào cũng rất dứt khoát. Bang Cơ thấy hơi lạnh của thép nguội được trui rèn cẩn thận, mài sắc cạnh đâm sâu vào lòng mình, chạm cả đến thứ linh cảm mơ hồ từ ngày đầu gặp Nghi Dân chàng đã cố phủ định đi bằng hơi ấm của dòng máu cùng huyết thống. Bàn tay khẽ nắm chặt lại, chàng nhìn Tư Thành, cười khổ:
- Em nói huynh trưởng hận anh, em nói huynh trưởng không an phận. Còn em thì sao, không phải em cũng có thể bỏ qua cho mẫu hậu của anh, không phải em từng nói cả đời này sẽ là cánh tay phải của anh sao?
Nhìn những lay động rạn vỡ trong đôi mắt đối diện, Tư Thành chợt nhắm mắt lại, khẽ lắc đầu. Bang Cơ không phải kẻ ngốc, cũng không ôm những mộng tưởng hoang đường. Có điều, nhân gian lý tưởng anh ấy muốn xây dựng là thứ ngoài đời thực với đầy rẫy lừa lọc, tráo trở này không thể tồn tại. Lòng tin đâu dễ đặt vào người ngoài đến thế?
- Không phải em bỏ qua cho Hoàng thái hậu. Em đã nói rồi, em chưa bao giờ hận bà. Vấn đề của em không phải với bà. Vấn đề của thân mẫu em cũng không phải với bà. – Tư Thành trầm giọng nói – Anh hỏi em có bằng chứng gì không khi nói về Lê Nghi Dân như vậy… Em không có. Em chỉ biết một điều: em và người ấy giống nhau, đều là những kẻ không an phận. Chẳng qua thời thế ép buộc, vì còn mẹ già nên buộc phải làm việc này, việc kia để giữ thân. Nhìn Lạng Sơn vương, giống như em nhìn thấy chính mình vậy!
Đứng dậy khỏi ghế, chàng xoay mình, chắp tay sau lưng, tạm thời im lặng để Bang Cơ có thể chấp nhận những điều khó nghe vừa nãy. Tư Thành chỉ không ngờ, Hoàng đế nhanh chóng mở lời, lặng lẽ nói:
- Cuối cùng em cũng nói ra những điều đó. Nói hết những khó chịu, ấm ức vì bị mẫu hậu canh chừng. Rồi… sao nữa? Tại sao em lại hứa như vậy?
- Cũng có nhiều lý do! – Chàng mỉm cười, bốc một nắm hạt dưa rồi nhảy lên lan can thủy đình gần đó, tựa người vào cột gỗ, thòng một chân xuống thoải mái – Em không được Tiên đế hứa hẹn điều gì cả, đế vị là thứ chẳng liên quan đến em… Và nhất là, chúng ta cùng lớn lên với nhau. Là em tự hứa sẽ trở thành thần tử của anh. Hứa thì nhất định sẽ làm!
- Lòng tin… Anh còn nghĩ em không có lòng tin vào người khác cơ đấy! – Bang Cơ đột nhiên bật cười. Gương mặt dãn ra, trở nên thoải mái hơn một chút. – Nếu có một ngày anh hay Hoàng thái hậu muốn em chết thì sao?
Hạt dưa đưa lên đến môi, tai nghe những lời ấy nhưng răng vẫn điềm nhiên cắn xuống. Thưởng thức vị bùi bùi tan trong cổ họng, nhấp thêm một ngụm trà, Tư Thành nghiêng đầu, đáp:
- Mẫu thân em vẫn nói nhiều khi con người hành xử hoàn toàn chỉ theo cảm tính. Hoàng thái hậu theo linh cảm của mình để chọn tin em. Em cũng theo linh cảm mà tin rằng, cả anh và Hoàng thái hậu sẽ không bức tử một phiên vương như mình. Chẳng cần lý do hay bằng chứng gì cả!
Thả lại đống hạt dưa chưa cắn vào chiếc đĩa men ngọc, Bình Nguyên vương vươn vai, trên môi là một nụ cười thoải mái:
- Em về đây! Những điều em nói, mong anh sẽ suy nghĩ.
- Anh có thể tin em, sao không thể tin huynh trưởng?
Khi tà áo tím lướt qua, Bang Cơ đột ngột hỏi. Ánh mắt chàng tĩnh lặng, nhìn thẳng về phía trước, ngược hướng với Tư Thành. Nơi đáy mắt dường như dần thẫm lại.
- Em tin anh, nhưng anh thì không nên hoàn toàn tin tưởng em. Hoàng huynh, anh là Hoàng đế! – Chàng ung dung đáp. – Thiên mệnh đã định, địa vị đã an bài. Những chuyện đã qua chỉ như xác chết thôi, có làm gì cũng không sống dậy được đâu. Anh đừng nghĩ mình làm gì sai, càng không nên nghĩ bản thân nợ Lạng Sơn vương điều gì. Chẳng phải quan gia vẫn muốn trở thành một Hoàng đế tốt sao. Thần đệ nghĩ đó mới là việc người cần quan tâm lúc này, làm để người kia biết vị trí thực sự của mình ở đâu.
Gió xuân lướt qua làm những tấm rèm mỏng khẽ phồng lên, cuốn những cánh hoa rơi đầy mặt cỏ. Bang Cơ đan hai bàn tay vào nhau, ngồi yên như vậy đến lúc chiều tà.
- Quan gia, trời trở lạnh rồi, người nên về điện Trường Xuân thôi. – Đào Biểu cuối cùng cũng bước lại, đánh bạo lên tiếng.
- Tư Thành thực sự rất giỏi, điểm nào cũng giỏi! – Chàng đứng dậy, đón lấy chiếc áo khoác trên tay viên hoạn quan.
- Quan gia, thứ cho thần nhiều lời. – Người đàn ông chầm chậm bước sau lưng Hoàng đế, mắt hướng xuống vạt áo đung đưa theo mỗi bước chân của chàng trai trước mặt. – Thần nghĩ những điều Bình Nguyên vương nói không phải không có lý. Dù ngài ấy có giỏi đến đâu thì thần tin cả đời này, ngài ấy cũng như Tân Bình vương không bao giờ nuôi mộng can qua. Ngài ấy đợi quan gia trở thành Hoàng đế bệ hạ để ngài ấy phụng sự.
Đôi hia gấm thêu rồng đứng lại. Bang Cơ ngoảnh sang, chau mày:
- Ông nghĩ thế sao?
Người đàn ông gật đầu xác nhận, nói:
- Quan gia, người biết thần hầu hạ người cũng là canh chừng những kẻ ngày ngày tiếp xúc với người. Thần sống trong cung mấy chục năm rồi, những chuyện chìm nổi thấy không ít. Bình Nguyên vương chính là mãnh hổ. Hoàng thái hậu sớm nhìn ra nên có ý đề phòng. Nhưng cuối cùng, lệnh bà nói không cần nữa vì mãnh hổ ấy chọn được chủ nhân để trung thành rồi. Lệnh bà cũng nói, ngài ấy nếu được bồi dưỡng, đặt vào đúng chỗ, nhất định sẽ trở thành Hưng Đạo đại vương của bản triều ta.
Thấy Bang Cơ đột nhiên rẽ sang phải thay vì đi thẳng, Đào Biểu vội hớt hải chạy theo:
- Quan gia, người muốn di giá đến cung nào?
- Ta còn một vài tấu chương nữa, đương nhiên phải đến điện Cần Chính rồi! – Chàng bật cười rồi nhanh chân tiến về phía trước.
Lật qua lật lại nhành cỏ xanh mơn mởn mãi cũng chán, Tư Thành vươn vai, nằm xuống con dốc thoai thoải dẫn xuống bến sông. Gió thổi ngược mang theo mùi phù sa, mùi khói rơm của mấy nhà thuyền chài men theo triền đê, bay ngược vào trong làng. Gối đầu lên cánh tay, chàng chăm chú nhìn bầu trời cao rộng, chợt thấy thiếu một chút xanh của nền trời, thiếu một chút sinh động của cánh diều chao liệng, một chút thanh âm của tiếng sáo trúc mục đồng. Nghĩ vậy rồi tự bản thân chàng lại cười ngay. Vẫn chưa ra giêng, vẫn chưa hết tết, giờ hội hè đình đám trong dân gian mới là lúc nô nức nhất.
- Lâu lắm mới đi xa khỏi kinh thành như vậy. Ở chùa Huy Văn mãi thật ngột ngạt! Cảm ơn người, thiếu bảo.
Nguyễn Xí vén vạt áo, thong thả ngồi xuống, trong miệng còn ngậm cọng cỏ.
- Điện hạ quá lời rồi. Ngô Tiệp dư chỉ có mình điện hạ là chỗ dựa. Lúc người ra ngoài, Tiệp dư không biết người đi đâu, sinh lo lắng nên mới khắt khe như vậy. Hồi thần còn nhỏ, thầy thì mất sớm, nhà lại làm nghề buôn muối nên anh cả cũng đi suốt, chẳng mấy khi ở nhà. Những lúc ấy có muốn chạy ra sông tắm, u cũng không cho. Thần bị cấm cản thì tức lắm, đá thúng đụng nia, mắng chó chửi mèo suốt.
Người đàn ông mỉm cười, nơi đuôi mắt in hằn những nếp nhăn tuổi tác nhưng trông lại hiền từ hơn hẳn những lúc ra lệnh cho đám con trai luyện tập ngoài thao trường. Gác khuỷu tay lên đầu gối, hai bàn tay thô ráp đan vào nhau, trên gương mặt vị trọng thần khiến Hoàng thái hậu cũng phải kiêng nể vài phần thoảng qua những nét êm ả khi hồi tưởng lại quãng đời thanh xuân nào đấy.
- Đến lúc theo Thái Tổ làm gia thần, vào sinh ra tử, rồi sau này có con mới hiểu được hết những cảm giác của u ở nhà.
- Thẩm nào người từng dạy ta phụ cơm thì đói, phụ muối thì nhạt. Hóa ra đều có nguyên do. Thiếu bảo, có chuyện này ta không hiểu, muốn được các hạ[16] chỉ bảo cho. – Tư Thành nhổm dậy, ngắt lời. – Là chuyện của Ức Trai tiên sinh. Ta nghĩ mãi không biết một người tài học như thế, cương trực như thế đã làm gì để đến nỗi có thời không được trọng vọng. Đành rằng có chuyện phe võ tướng các ngài thắng thế so với phe văn thần sau chiến thắng Lam Sơn của Thái Tổ hoàng đế đi chăng nữa.
[16] Nguyễn Xí được phong chức Thiếu bảo, vào hàng tòng nhất phẩm của võ giai. Theo quy định về cách xưng hô thì được gọi là “các hạ”.
Ngẫm nghĩ một hồi, cuối cùng người đàn ông vuốt chòm râu, đáp:
- Bởi trong mắt nhiều người, Nguyễn Trãi là đối tượng nguy hiểm. Tuy là văn thần của Thái Tổ, chuyên việc viết thư, thảo hịch, trù liệu kế sách nơi màn trướng, ngài ấy chẳng cầm kiếm giết được tên giặc nào nhưng ngòi bút hạ xuống lại có thể làm ra điều thần kì. Kế tâm công của Ức Trai tiên sinh, điện hạ chẳng phải đã được nghe các hạ Đinh Liệt giảng rồi sao?
- Chuyện này ta nhớ. Việc giết giặc vốn là độc quyền của võ tướng, nay lại sinh ra một người như vậy, chẳng trách khiến nhiều kẻ không vui! – Tư Thành cười – Với tính khí của người sinh ra để làm việc lớn, lưu danh thiên cổ, ngài Ức Trai ắt không được lòng lắm vị trọng thần. Hồi ở Lam Sơn, tám chữ “Lê Lợi vi quân, Nguyễn Trãi vi thần” viết lên lá cây bằng mật để cho kiến đục giúp thanh thế quân ta lên cao, cũng khiến sự tức khí của nhiều người chắc cũng lên cao.
Cười khà khà, Nguyễn Xí nhìn vẻ mặt lanh lợi của Bình Nguyên vương, trong lòng có chút tán thưởng suy nghĩ của chàng.
- Điện hạ nói phải. Vì tám chữ ấy, ngài Lê Sát đã nổi giận đùng đùng, quát rằng có phải mình Ức Trai tiên sinh biết tôn phò minh chủ đâu. Cuối cùng chính Đình thượng hậu Đinh Liệt phải đứng ra hòa giải, sửa đi mấy chữ thành “Lê Lợi vi quân, bách tính vi thần” thì sự việc mới êm được. Giờ nghĩ lại, có khi sự đối đầu của ngài Lê Sát với Ức Trai tiên sinh về sau bắt đầu từ việc cỏn con ấy.
- Ý ngài còn là… – Chàng quay sang, cân nhắc từ ngữ rồi mới tiếp lời – những chuyện bè phái xoay quanh ngôi vị Đông cung thái tử giữa Thái Tông hoàng đế lúc còn là Lương quận công với Quận Ai vương? Rồi chuyện định nhã nhạc phải làm chung với bọn hoạn quan rồi đủ việc chữ nghĩa khác?
- Điện hạ cũng biết cả rồi đấy thôi, người đâu còn cần hỏi vi thần nữa! – Nguyễn Xí cười lớn.
- Ta chỉ muốn nghe suy nghĩ của người trong cuộc thôi. Những điều này Đình thượng hầu rất hay nói với ta, nhưng ngài ấy là họ hàng đằng ngoại của thân mẫu, tức là mang ơn Ức Trai tiên sinh và bà Lễ nghi học sĩ. Ta sợ có chút không thật công tâm nên mới muốn tham khảo ý kiến của các hạ.
- Thần vẫn nghĩ Ức Trai là người tài giỏi nhưng nhiều khi quá nguyên tắc, quá cứng nhắc. Nếu mọi việc ngài ấy có thể mềm mỏng lựa theo hướng gió một chút chắc đã khác. Như thần thấy, ban đầu, Ức Trai tiên sinh ủng hộ Quận Ai vương trở thành Hoàng thái tử theo đúng lẽ trưởng – thứ. Nhưng về sau, khi Thái Tổ định phụ hoàng của điện hạ là người kế thừa đại thống, ngài ấy cũng không nói gì thêm, tận tâm phụng sự theo đúng phép quân – thần. Đó chính là biết thời thế, biết tâm ý đế vương. Nhưng về sau, có nhiều việc Ức Trai có thể tránh hoặc nhịn đi một chút, không nhất thiết phải đối đầu Lê Sát, Lê Ngân cho kì được. – Nguyễn Xí chầm chậm nói.
- Vây cánh của những người đó không chỉ có quan lại trong triều, thủ hạ ngoài thành, lại còn cấu kết được với cả hoạn quan. Làm một đống người như vậy ôm hận, vụ án Lệ Chi Viên xảy ra đúng là miếng mồi ngon để tất cả nhất loạt nhảy vào xâu xé. – Chàng nhếch môi cười, lại nằm dài xuống nền cỏ mượt – Tiểu nhân thị oai, quân tử sa cơ, đúng là thảm cảnh! Cũng mong ông trời có đức hiếu sinh, để lại cho nhà họ Nguyễn ai đó còn sống.
Tiếng chuông chùa ngân dài, trầm vang trên mặt sông đỏ phù sa vào mùa nước cạn, để lộ những bãi đất nổi ngay giữa lòng sông. Bứt bừa mấy cọng cỏ, Tư Thành nói sang chuyện khác:
- Có bốc mấy thang thuốc thôi, các hạ sai người ăn kẻ ở trong nhà làm được rồi, đâu cần đích thân đi làm gì cho nhọc?
- Bình thường bận bịu trong triều thì đúng là phải thế thật. Nhưng giờ việc đang vãn, thần muốn tự mình đưa con trai đi khám rồi bốc mấy thang thuốc cho nó. Phu nhân cả năm chẳng ngơi tay rồi, để nàng ấy đầu xuân thư thả đi vài đám hội cho khuây khỏa thì hơn. Với cả nhà thầy lang gần dinh Bồ Đề, chùa Thiên Sơn ngày xưa Thái Tổ từng đóng quân trước khi vào Đông Quan. Con trai thần muốn nhìn thấy những nơi đó nên tranh thủ dịp này đưa thằng bé đi luôn. Nuôi một đứa trẻ còn khó hơn luyện quân. Sau này điện hạ có con, người sẽ hiểu thôi.
Nguyễn Xí nghiêm khắc với Sư Hồi bao nhiêu thì lại dịu dàng với đứa con này bấy nhiêu. Cứ nghĩ đến thằng bé dăm bữa nửa tháng lại ốm một trận nhưng lúc nào cũng chăm chỉ luyện tập ấy, Tư Thành liền mỉm cười. Dường như đoán được ý nghĩ trong đầu chàng, người đàn ông vuốt chòm râu, nói ngay:
- Sư Hồi phải làm quan, phải phụng sự quan gia nên không thể nuông chiều nó. Còn đứa bé này, thần dạy võ cho nó không phải vì truyền thống gia đình, càng không phải để nó thành võ tướng. Thần chỉ mong thằng bé có thể lớn lên khỏe mạnh là đủ rồi.
Từng lời, từng lời giản đơn nhưng ấm áp ấy bất giác khiến bàn tay chàng siết lại. Tư Thành cười, nheo nheo mắt:
- Ngài đoán được ta nghĩ gì sao?
- Thần đoán được. Thần biết điện hạ từ năm người mấy tuổi chứ?
- Nói cũng phải! – Tư Thành vắt chân chữ ngũ, tùy hứng huýt sáo theo một điệu nào đó. Những âm thanh ấy làm người đàn ông thấy vui, cũng hòa âm cùng. – Thiếu bảo, người với ba vị phu nhân… là thế nào?
- Ý điện hạ là…
- Người yêu ba vị phu nhân chứ?
Sự thẳng thắn của chàng khiến đại tướng quân Nam chinh Bắc chiến đâm lúng túng. Húng hắng ho, Nguyễn Xí lảng tránh ánh mắt của Tư Thành, nhìn ra Nhĩ Hà một dải lụa điều, một lúc lâu sau mới cất tiếng:
- Ba vị phu nhân cùng thần trải qua gian khó từ khi nước nhà chưa lấy lại được, rồi cả những lúc thăng trầm công danh sự nghiệp. Nói là tình thì chưa đủ, còn cả nghĩa nữa. điện hạ, sao tự nhiên người hỏi vậy?
Chăm chú nhìn biểu cảm trên gương mặt chàng nhưng cuối cùng, cái duy nhất Nguyễn Xí nhìn ra được chỉ có một sự thản nhiên xa cách, vô tâm đến nỗi như thể Tư Thành chỉ vui miệng hỏi vậy. Thâm tâm mình, người đàn ông hiểu rõ lý do, không phải đang yên đang lành đứa bé kia lại cất lời như thế. Có chăng, thế giới ấy là nơi không ai có thể bước vào dù cho người đó có là Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao đi nữa. Bẻ một thân cỏ gà ngậm vào miệng, Tư Thành nheo mắt:
- Tự nhiên ta nhận ra trong số những phi tần của Tiên đế chỉ có hai người thân thế rất bình thường, lại đến từ dân gian. Một người là Hoàng thái hậu đương triều, một người là Dương thị. So với những nữ nhân xuất thân từ gia đình công hầu khanh tướng như thân mẫu ta, Bùi Thái phi, con gái của Lê Sát, Lê Ngân… người có được tình cảm thực sự của Thái Tông hoàng đế hóa ra lại là hai người đàn bà đó. Không phải hôn nhân chính trị, không phải tính toán, chỉ có chân tình. Ít nhất chân tình hơn những gì mẫu thân ta được nhận… Mà thôi, bỏ cả đi, nhạt nhẽo lắm!
Nguyễn Xí lặng thinh hồi lâu rồi mượn cớ vào làng đón con trai ở nhà thầy lang liền đứng dậy. Cuối cùng chỉ còn lại mình Tư Thành với sông dài, trời rộng cùng mấy con thuyền nan lờ lững. Cùng một bầu trời mà chỉ qua một con sông, bên này là thôn dã, bên kia là kinh thành đô hội, rộn ràng. Kể cũng là điều thú vị.
- Nhong nhong nhong
Ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề
Cho ngựa ông ăn
Nhong nhong nhong…
Mấy câu đồng dao của con trẻ từ thời Thái Tổ dựng dinh, xây tháp ở nơi này truyền đến nghe vui tươi, rôm rả. Tư Thành hiếu kì liền chống tay xuống nền cỏ, ngoảnh lại. Đứng cách chàng một quãng không xa lắm, giữa đám trẻ con đang công kênh nhau, khua loạn những cây cỏ dài là thiếu nữ mình vận áo tứ thân màu hồng nhàn nhạt, dải lưng lụa điều tung bay trong gió. Có chút lạ lẫm khi bao lần vô tình trông thấy ở nhà Đinh Liệt, chàng chỉ thấy nàng vấn tóc, bỏ đuôi gà như bao cô đào khác. Hôm nay, mái tóc đen mượt ấy để buông, thắt lại hờ hững bằng dải lụa mảnh, trông còn dịu dàng hơn thường ngày.
Chỉnh lại quai nón trên vai, Hải Triều trông xuống con đường dẫn ra bến sông ở tả ngạn Nhĩ Hà. Trên nền xanh ấy là một người áo trắng, dáng điệu thư thả an nhàn nhưng ánh mắt ngước nhìn lại có gì như vui thích lắm. Vờ cúi đầu đề chỉnh lại mấy sợi tóc bay xòa, nàng thầm tính toán. Bình Nguyên vương đã nhìn thấy nàng, giờ đổi đường đi cũng không được, vờ coi như không thấy thì thất lễ quá. Mà nói đi nói lại, Hải Triều có làm gì đâu mà phải tránh mặt ngài ấy. Ý nghĩ ấy khiến nàng mạnh dạn bước về phía trước, lúc đi qua cũng đứng lại, cúi đầu chào:
- Điện hạ.
- Cô có việc ở làng bên này sao? – Tư Thành hỏi, chỉ lướt mắt qua gương mặt đẹp đẽ nhưng lãng đãng ấy. Thế mà chàng lại thấy dáng vẻ này hợp với nàng hơn là vẻ lộng lẫy hôm đại yến tại cung Đan Phương.
- Thưa không. Là bà trùm sai em đi chợ mua ít cua đồng. Chợ trong kinh chưa họp nên phải sang tận bên này! – Hải Triều đáp, lễ phép nhưng nhạt nhẽo, cố ý để chấm dứt cuộc gặp gỡ này càng nhanh càng tốt. Có điều, nàng muốn là một chuyện, người ta có thích hay không lại là chuyện khác.
Nghiêng đầu nhìn mấy con cua đang bò ra ngoài giỏ của nàng, Tư Thành cau mày:
- Nắp bung ra rồi kìa!
Đặt cái giỏ xuống, vỗ vỗ vào thành rồi buộc lại nắp cho cẩn thận, chẳng hiểu sao Hải Triều lại ngứa miệng mà thưa rằng:
- Điện hạ chớ lo. Lũ cua này đồng tâm hiệp lực lắm. Cứ có con nào sắp bò ra được khỏi giỏ thì sẽ có con khác ở dưới giơ càng kéo xuống ngay.
Câu nói ấy của nàng không hiểu có gì vui nhưng lại khiến vị thân vương kia cười lớn, cười sảng khoái, lại còn khen:
- Nói hay lắm! Cô đúng là rất đáo để. Ai tưởng cô hiền lành, ít lời, nhu mì thục nữ thì chắc chắn họ nhầm rồi.
Đứng dậy, sau một hồi cân nhắc, cuối cùng Hải Triều cũng nói nhưng mi mắt chẳng nhích lên để nhìn cho rõ người trước mặt, cứ để ánh mắt là là ở đâu đó chỗ cánh tay, mũi giày của người ấy:
- Câu thơ năm ngoái điện hạ cho, Ngọc Huyên thực sự rất cảm kích.
- Có thật không? – Tư Thành nheo mắt, hỏi lại theo kiểu rất cắc cớ rồi xua xua tay – Được rồi, được rồi. Cô nên về đi kẻo muộn.
Sóng nước vỗ vào bờ cát đỏ thành từng dải thẫm màu. Hải Triều nhẩm tính tình hình này thì bao giờ mới về đến giáo phường. Bánh chưng, xôi gấc, giò lụa, nem rán đã ngán đến tận cổ rồi nên cứ đến độ mùng năm, mùng sáu Tết là dẹp hết. Các cô nấu nồi bún riêu cua chua chua, thanh thanh với lớp gạch nâu nổi lên trên nồi nước đỏ hồng, ăn với bún rối, xì xụp húp lấy húp để vui lắm. Nàng gọi khản cả cổ, mãi mới thấy con đò bên kia sông chầm chậm chèo qua. Chờ đợi đâm ra lại nghĩ linh tinh, có chút chột dạ khi người vừa nãy dễ dàng nhìn ra sự rỗng tuếch trong lời cảm ơn của nàng. Những vị khách Hải Triều từng tiếp, chẳng ai tinh ý đến vậy.
Chống tay vào một bên má, Tư Thành nhìn cô đào như một nét màu trong suốt giữa trời đất, lay động giữa gió xuân khi nàng bước trên tấm ván gỗ dẫn lên chiếc thuyền con. Hóa ra điểm không hợp mắt khiến chàng cứ băn khoăn mãi chính là ở đó, ở màu của chiếc áo tứ thân. Nếu nàng ấy mặc một sắc khác, lạnh hơn thì mới thật đẹp.
- Nào, mấy đứa có muốn chơi đánh trận giả không?
Tư Thành cao hứng vẫy tay gọi đám trẻ con đầu còn để chỏm chơi gần đó lại gần.
Con thuyền chầm chậm rẽ nước sang ngang. Vẳng đưa lại từ trên triền đê mướt xanh màu cỏ là tiếng đọc bài đồng dao ngân nga của lũ nhóc, thỉnh thoảng lại rộ lên tràng cười lanh lảnh. Bài đồng dao ấy ngày xưa, Hải Triều cũng từng thuộc. Là…
Nhong nhong nhong
Ngựa ông đã về
Cắt cỏ Bồ Đề
Cho ngựa ông ăn
Nhong nhong nhong…