Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 17 - Phần 2
Hoàng đế công khai triệu kiến Lạng Sơn vương, lại cho bày yến ở cung Đan Phượng, quần thần ai cũng ngầm hiểu trong lòng vị chủ nhân nhỏ tuổi của họ hẳn đã có những tính toán, hẳn đã muốn sử dụng người anh trai này. Vì tình thân cũng được. Vì năng lực cũng được. Thậm chí chỉ để vỗ yên nỗi hận thù của người anh trưởng đã bị chính Bang Cơ cướp đi vị trí ở Đông cung cũng chẳng sao. Làm thần tử không cần phải suy nghĩ sâu xa đến thế, để được lâu dài chính là phải biết đón ý đế vương, biết dựa vào người nên dựa. Những người đang đứng tại cung Đan Phượng đều là những vị đại thần, những viên quan nhiều năm lăn lộn giữa chốn quan trường, lý lẽ đơn giản ấy có khi nào lại không hiểu. Nếu là ngày trước, họ ắt sẽ vì Tuyên Từ Hoàng thái hậu và đám người hậu thuẫn, phục tùng mà không dám làm bừa. Nhưng từ khi Hoàng đế chấp chính, thế sự đã dần đổi khác.
- Lần này điện hạ lai kinh chắc thấy kinh thành có nhiều đổi khác? – Một người đàn ông lại gần bắt chuyện.
Nhìn trang phục trên người, đoán chừng kẻ đứng trước mặt mình vào hàng quan tam phẩm trong triều, Nghi Dân liền quay sang, từ tốn đáp:
- Lúc rời kinh thành, ta tuổi còn nhỏ nên cũng không nhớ được nhiều. Giờ quay lại, thấy tất cả đều mới mẻ.
- Tới đây điện hạ đã có dự định gì chưa? – Viên quan nọ hỏi tiếp, lời lẽ như thể đang nói chuyện thời tiết nhưng dụng ý thật thì hoàn toàn khác.
- Ta định sẽ xin ý kiến của quan gia về một số việc ở Lạng Sơn. Chung quy vẫn là chuyện củng cố binh lực, giữ vững biên giới để đề phòng nhà Minh gây hấn.
Nghi Dân đón nhận những lời hỏi han, thăm dò bằng sự cởi mở xã giao, thân thiện. Chàng cũng biết lời đáp của bản thân làm nhiều người hụt hẫng vì tưởng có thể lợi dụng được gì nếu chàng quay lại kinh thành Những chân đèn sứ trắng trang nhã vẽ hình long phượng sum vầy, lưỡng long tranh châu… bằng men lam tươi đẹp, cao đến hơn nửa cây cột chống, tỏa ánh sáng vàng ấm áp. Giữa những người là người, Lạng Sơn vương cảm thấy gáy mình bị nhiều ánh mắt lặng lẽ dõi theo không chút kiêng nể. Tuyên Từ Hoàng thái hậu không thể ngồi yên. Dù dáng vẻ bà ta trưng ra ban chiều lúc Nghi Dân đến thỉnh an tại cung Diên Khánh có đường bệ, ung dung thế nào chăng nữa, thì giờ ắt trong lòng ả dâm phụ đang như lửa đốt. Đuôi mắt lướt qua ngự tọa dát vàng trống không đặt chính giữa cung Đan Phượng, trong một thoáng rất nhanh mới thấy sự ôn hòa bị xé rách bởi ngọn lửa ngùn ngụt đầy sát khí.
- Xem ra tối nay có vài người ăn không ngon rồi! – Đinh Liệt nhẹ mỉm cười, nhỏ tiếng cất lời đủ để mình Nguyễn Xí nghe thấy.
Người đàn ông vuốt chòm râu, nhìn dáng vẻ trầm ngâm không màng thế sự của Bình Nguyên vương, tự thấy vị chủ nhân này càng ngày càng giỏi. Chàng dễ dàng trưng ra vẻ thư sinh nhạt nhẽo, vô hại, làm một đứa em ngoan đi sau Tân Bình vương tham gia vào những cuộc chuyện trò rôm rả nhưng vô giá trị.
- Nếu như không phải vì những chuyện đã qua thì cuộc đoàn viên hôm nay thực sự vô cùng mĩ mãn! – Thiếu bảo hơi cúi đầu, cất giọng. Từng lời ông nói ra, Đinh Liệt đều hiểu cả. Bốn người con trai kế thừa dòng máu sục sôi, cương nghị của gia đình đế vương, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều tỏa ra thứ khí chất đáng để người đời nể trọng. Cảnh tượng xa hoa, lộng lẫy và tuyệt mĩ tại cung Đan Phượng này thực đáng để tổ tiên thì tự hào mà người đời thì trầm trồ thán phục.
Vờ như không thấy ánh mắt của Nguyễn Xí, Tư Thành chậm rãi ngồi xuống vị trí về bên phải ngự tọa đã được chuẩn bị sẵn cho mình, liền kề bàn của Khắc Xương. Nhìn chếch sang bên kia, bàn của người anh cả Lê Nghi Dân hãy còn bỏ trống.
- Điện hạ, người dùng trà chứ ạ? – Đào Biểu khom người, nói khẽ vào tai chàng.
- Những lời ta nói không sai đúng không? – Chàng đưa chén ra, cất giọng vui vẻ.
- Điện hạ dạy phải ạ! – Xem chừng viên hoạn quan già có vẻ vui khi những lời Tư Thành nói đều thành thật cả, không tránh khỏi trong lòng có chút cảm kích.
Xoay chén nước trong tay, cái khiến chàng tập trung vào không phải bầu không khí xung quanh, cũng chẳng phải chuyện của Nghi Dân hay những điều liên quan đến Tuyên Từ. Nhìn những gương mặt mình từng gặp tại nhà Đinh Liệt hồi bữa tiệc cuối năm ngoái, trong đầu Tư Thành nổi lên suy nghĩ về những việc hoàng huynh đã làm. Từ khi Thái Tổ Cao hoàng đế dùng võ công định yên thiên hạ, điều hay cũng nhiều mà điều dở cũng chẳng kém. Ai nói tiếng lành đồn xa thì chàng không biết, chỉ biết tiếng xấu đồn còn xa hơn. Người đời cũng chỉ nhớ điều thị phi chứ mấy ai nghe tiếng tốt. Như chuyện khai quốc công thần lần lượt bị trừ khử, hạ bệ trải suốt từ thời Thái Tổ, qua đời Thái Tông rồi dây dưa đến tận đương kim thánh thượng bây giờ làm trong dân gian ngoài mặt thì kính sợ, nhưng sau lưng, trong lòng lại nhỏ to tán đồng với nhau rằng, hoàng thất được chim thì bẻ ná, được cá thì quăng nơm, thỏ chết treo cung, ăn ở chẳng có trước sau chi hết.
Chuyện triều đình, chuyện quan trường có nhiều điều không phải lúc nào cũng có thể công khai, theo đường thẳng mà đi, Hoàng đế cũng có cái khó của Hoàng đế. Nhưng những lý do ấy chẳng cấm được dân chúng dị nghị, đàm tiếu, tự nhiên đứng về phía những người làm thần tử bị khinh bạc. Quan gia là bậc hậu sinh nhưng dám truy phong, trả lại điền sản cho những trọng thần khai quốc từng bị Thái Tổ rồi chính Hoàng thái hậu xử chết vì tội mưu phản như Trần Nguyên Hãn, Phạm Văn Xảo, Trịnh Khả. Đến cả những quyền thần ức ấu chúa bị Thái Tông dẹp bỏ như Lê Sát, Lê Ngân, Bang Cơ cũng rất quan tâm, con cái những người đó ai có năng lực vẫn được bổ dụng như thường. Người chết rồi thì thôi, những điều làm bây giờ chỉ còn mang tính xoa dịu, thể hiện lòng nhân từ của người đang sống mà thu phục nhân tâm trong thiên hạ.
- Quan gia giá đáo! Hoàng thái hậu giá đáo! – Nội thị vừa lên tiếng, quần thần liền quỳ xuống hành đại lễ. Không khí đột ngột ngưng kết lại, trở nên tĩnh lặng.
Con đường từ cổng chính bên ngoài, qua cửa chính giữa của cung Đan Phượng dẫn thẳng đến ngự tọa được trải thảm đỏ. Cung nữ, nội thị, cấm binh đi trước dẫn đường, Hoàng đế cùng Hoàng thái hậu chậm bước đi sau. Cờ tán, võng lọng tuy không uy nghi rợp trời như những lúc làm đại lễ nhưng cũng là sự phô bày quyền lực của người đương nắm giữ đế vị. Dừng ánh mắt của mình trên người Nghi Dân, Bang Cơ mỉm cười rồi nhìn khắp lượt cung điện được Đào Biểu thu xếp ổn thỏa, tỏ ý hài lòng rồi ban tọa cho các thân vương cùng quan lại. Chỉnh lại vạt áo hoàng bào, chàng nghiêng người hướng về phía anh trai, vui vẻ:
- Hoàng huynh mới lai kinh mà đã bắt anh dự yến thế này, thật có chút gấp gáp.
- Ân điển của quan gia thần cảm tạ còn chưa hết, sao dám có những suy nghĩ ấy. – Nghi Dân chắp tay, hơi cúi người xuống, kín đáo đưa mắt liếc nhìn biểu cảm trên gương mặt đẹp đẽ của Nguyễn Thị Anh.
- Anh em hòa mục, quân thần trên dưới một lòng, đúng phận vị mà cúc cung tận tụy là phúc của quốc gia. Những buổi đoàn viên thế này rất có ý nghĩa, sau nếu có điều kiện quan gia nên lưu tâm hơn. – Nàng nhếch miệng cười, tiết chế và đoan chính. Những lời nói ra thấu tình đạt lý nhưng từng chữ đều như mũi tên nhọn nhắm thẳng vào Lạng Sơn vương.
- Thái hậu dạy phải. Thần xin ghi tạc trong lòng!
Ánh nhìn không chút né tránh của Nghi Dân hướng đến đôi mắt nhung của Thị Anh không chứa ác ý nhưng lạnh lùng, sắc bén chợt khiến người phụ nữ thấy khó chịu. Hoàng đế khoát tay, giọng chàng cất lên nghe gần gũi hơn hẳn những lúc thượng triều:
- Chủ ý của trẫm coi đại yến hôm nay là dịp gặp mặt tân xuân. Các ái khanh không cần quá câu nệ lễ quân thần, cứ thoải mái ăn uống chuyện trò.
Chàng vừa dứt lời, Đào Biểu truyền xuống dưới: “Tấu nhạc!”. Giai điệu trầm bổng nhất loạt cất lên, đồ ăn cũng được cung nữ sắp hàng bưng ra. Cái người ta nghe được là tiếng rót rượu, tiếng chén bát va vào nhau, tiếng cười nói rôm rả, thân tình hòa trong âm thanh của dàn đại nhạc. Đầu đũa chạm vào miếng thịt gà trên chiếc đĩa sứ men trắng ngà, nhưng thay vì trơn láng lại mang vẻ mộc mạc. Trên nền ấy, thợ thủ công vẽ hoa mai màu chàm, nét nào cũng mềm mại, mỏng mảnh thay vì sắc lam quen thuộc làm chàng ngẩn người. Đến một cái đĩa cũng là hàng thượng phẩm, phải là gốm Chu Đậu tinh hoa bậc nhất. Đem vật ấy so với cuộc sống ở Lạng Sơn, Nghi Dân chợt thấy nực cười.
- Chẳng hay Ngô Tiệp dư vẫn được an khang chứ ạ?
Tư Thành hơi ngạc nhiên khi Nguyễn Đức Trung hỏi vậy, liền nhã nhặn trả lời:
- Mẫu thân ta nhờ phúc của quan gia và Hoàng thái hậu nên vẫn mạnh giỏi.
- Nói đến chuyện sức khỏe, thân mẫu con dạo này thế nào? – Tuyên Từ đặt bát xuống, nhìn Khắc Xương rất quan tâm.
- Thưa, năm nào cứ đến mùa xuân, bệnh cũ của thân mẫu con cũng tái phát. Xin Hoàng thái hậu chớ bận lòng. Qua hết tháng giêng thì mọi chuyện lại ổn thôi.
Đưa chiếc khăn lụa lên lau miệng, người phụ nữ khẽ lắc đầu, thở dài rồi chẹp miệng:
- Ta đã sai Nhập nội thiếu úy Lê Lăng đợt này đi thị sát Tây đạo, tranh thủ tìm về vài loại thuốc quý trong dân gian để thân mẫu con dùng. Cả con nữa ấy, hiếu thuận là tốt nhưng cũng phải biết khuyên thân mẫu của mình. Tuổi tác bà ấy cũng lớn rồi, vì tụng kinh niệm Phật mà ăn chay trường mãi thì bao giờ bệnh mới khỏi được? Phật tại tâm, lòng thành sẽ được chứng, đừng nên tự làm khó mình như vậy.
- Con xin thay mặt mẫu thân cảm tạ ý tốt của Hoàng thái hậu! – Khắc Xương vội đứng lên, toan cúi mình hành lễ.
- Hạ Liên, ngươi mau đỡ điện hạ đứng dậy.
Thị Anh liếc mắt ra lệnh cho thị nữ theo hầu rồi nói tiếp:
- Là người nhà cả, con không nghe quan gia nói sao, hôm nay không cần câu nệ lễ tiết. Lễ Thượng nguyên[4] này ta muốn cùng Bùi Thái phi[5] và Ngô Tiệp dư, vốn đều là bậc bề trên trong hậu cung, đi dâng hương cầu quốc thái dân an ở chùa Sùng Khánh Báo Thiên. Các con về nhớ thưa lại với thân mẫu như vậy.
[4] Rằm tháng giêng.
[5] Mẹ đẻ của Tân Bình vương Lê Khắc Xương là Bùi Quý Nhân – con gái giám quan ngự sử Bùi Cầm Hổ (một vị quan dưới thời Lê Thái Tổ, Lê Thái Tông). Theo nội dung của Bùi thế phổ trong cuốn Bên lề chính sử thì Bùi Quý Nhân được phong làm phi của vua Lê Thái Tông. Ở đây gọi là Bùi Thái phi.
Những điều ấy nếu đặt ở một bối cảnh khác, một thời điểm khác thì chẳng có gì để bàn nhiều. Nhưng Tuyên Từ Hoàng thái hậu lại chọn đúng lúc đại yến có mặt Hoàng đế, các phiên vương cùng quần thần, ở giữa cung Đan Phượng nói ra những lời ấy chắc chắn có tính toán. Những ngón tay siết quanh đế ly rượu của Nghi Dân trắng bệch. Vẻ thản nhiên bên ngoài kia phải nhìn kĩ mới thấy có chút gượng gạo. Liếc mắt sang Nguyễn Xí, nhìn bộ râu ông hơi rung rung khi mỉm cười, Tư Thành điềm nhiên cho miếng nem vào miệng. Cách làm này của Nguyễn Thị Anh không hiểu sao lại khiến chàng cảm thấy rất thú vị. Ngoài mặt thì thờ ơ, lãnh đạm nhưng thực chất trong bụng, cậu thiếu niên đã cười thầm. Những người dự yến không phải là lũ ngốc, nghe những điều Hoàng thái hậu nói hẳn đã hiểu ý tứ bên trong. Phi tần hậu cung danh chính ngôn thuận của tiên đế nói đi nói lại chỉ còn ba người. Hôm nay có thể cùng vui vẻ nhưng không có nghĩa sự thật về địa vị của mẹ, địa vị của con trong chớp mắt có thể thay đổi.
“Đúng là không phải hạng đàn bà tầm thường!” – Tư Thành nghĩ thầm, tiếp túc thưởng thức đĩa nem công chả phượng được Ngự thiện phòng làm rất khéo đặt trước mặt mình.
- Thần là võ tướng thô kệch, thơ phú không thông thạo nên chẳng dám múa rìu qua mắt thợ. Nhưng trước hoa đào thắm sắc giữa đêm xuân, trộm nghĩ nếu không có thơ, có rượu thì đúng là tiếc lắm! Nhân cảnh đẹp hôm nay, dám xin Tân Bình vương hạ bút làm một bài thơ để hạ thần được mở mang tầm mắt!
Một vị tướng tuổi ngoài tứ tuần, trong thì rượu đã ngấm, ngoài lại có cảnh đẹp, liền bạo gan đề nghị. Nghe tài xuất khẩu thành chương của Tân Bình vương đã lâu, biết tiếng thơ văn chàng ý tứ thâm sâu nhưng lại có cái thanh cao thoát tục của thần tiên nên vừa có người lên tiếng, chúng đại thần đã hồ hởi hưởng ứng ngay. Đặt đôi đũa xuống, Khắc Xương khẽ liếc điệu bộ ung dung của Tư Thành rồi lại nhìn Hoàng đế, ngập ngừng:
- Chuyện này…
- Khởi bẩm quan gia, thần đệ thấy ý kiến này rất hay! – Tư Thành mỉm cười, hướng về phía Bang Cơ – Nhưng tiệc rượu chưa tàn, Khắc Xương huynh theo thói quen nhất định sẽ không làm thơ vào lúc này. Liệu chúng ta có thể để sau được không ạ?
- Chuyện này trẫm hiểu nhưng trẫm cũng muốn nghe thơ của hoàng huynh. Tư Thành, ý em thế nào? – Hoàng đế vui vẻ tiếp lời.
Ngẫm nghĩ một hồi, cuối cùng chàng nói:
- Nhất thời thần đệ chưa nghĩ ra có chỗ nào trong cung vừa có hoa đào, vừa có cả không gian thoáng đãng hơn cung Đan Phượng. Thơ của Khắc Xương huynh gặp cảnh đó mới thật xứng.
- Thế này đi. – Bang Cơ chợt nhớ ra điều gì bèn ra lệnh – Đào Biểu, ngươi thu xếp lầu Vọng Nguyệt trông xuống vườn đào bích cho trẫm. Trẫm muốn sau đại yến cùng các thân vương và chúng ái khanh thưởng hoa, uống rượu, ngâm thơ. Nghi Dân, nhất định hoàng huynh không được khiêm tốn, phải phô diễn hết tài nghệ của mình đấy!
- Thần không dám không tuân theo ý chỉ của quan gia – Lạng Sơn vương hơi giật mình khi đột nhiên Hoàng đế trẻ con lên tiếng kéo sự chú ý của mọi người đổ dồn lên chàng – Có điều, thần không giỏi văn chương, mong quan gia và các vị ở đây đừng chê cười.
Tự tay mình múc một bát canh có nước dùng trong vắt với mấy miếng măng khô cắt vừa ăn, rồi sai Hạ Liên bưng đến cho Bang Cơ, Thị Anh liếc nhìn các thân vương, ngọt giọng nói:
- Quan gia tuổi không còn nhỏ, cũng nên nghĩ đến việc lập hậu cung rồi. Có tu thân, tề gia thì mới nói đến chuyện trị nước, bình thiên hạ được. Chưa kể đó cũng là đạo hiếu của con cháu với tiên tổ.
- Mẫu hậu, nhi thần biết mà! – Đón lấy bát canh nóng hổi từ tay Hạ Liên, chàng cười thoải mái, nhìn Nghi Dân và Khắc Xương rồi nói – Nhưng huynh trưởng còn chưa kết hôn, con nào dám trước.
- Quan gia! – Nguyễn Thị Anh nói vẻ như giận lắm rồi nhìn mấy vị thân vương, cười khổ – Đấy, các con xem quan gia nói vậy có nghe được không?
- Hoàng thái hậu, chúng con vẫn còn nhỏ mà! – Khắc Xương trông vẻ mặt có phần khổ sở và chịu đựng của Hoàng đế, nhẹ giọng an ủi, lái câu chuyện theo hướng khác.
- Lại còn nói mình nhỏ nữa! Nghi Dân, con là con trưởng của Tiên đế, con nói cho ta nghe xem thế nào mới phải!
Cách nói chuyện mềm mỏng lại như ẩn chút trêu đùa, giận dỗi thường tình của một người mẹ của Thị Anh khiến chàng hơi bất ngờ. Mới trước bà ta còn ngọt nhạt mỉa mai cạnh khóe, sau đã đổi giọng ngay được. Ngồi thẳng lưng lại, chàng đáp:
- Riêng chuyện này thần nghĩ Hoàng thái hậu dạy phải. Quan gia là vua một nước, hậu cung định sớm ngày nào thì tốt ngày ấy.
- Con là huynh trưởng, nói vậy thì phải vậy rồi! – Nàng mỉm cười, dường như chỉ chờ để nghe những lời ấy – Vậy chuyện yên bề gia thất của con đến đâu rồi?
- Thần tài hèn đức mỏng nên đến giờ vẫn chưa chọn được ai xứng với vị trí vương phi.
Nghi Dân thong thả đáp, cuối cùng cũng hiểu thâm ý của người đàn bà cung trang lộng lẫy kia. Thị Anh điềm nhiên nói tiếp:
- Là con cháu hoàng tộc, chuyện hôn nhân đại sự vừa là việc riêng nhưng cũng là việc chung của nước nhà, nhất định phải chọn người xứng đáng để bách tính trông vào làm gương. Ở đây các vị đại thần đều có sự nghiệp hiển hách, là rường cột của nước nhà. Con gái họ xuất thân danh môn, tam tòng tứ đức, cầm, kì, thi, họa đều đủ cả. Nghi Dân, con thử xem thế nào, biết đâu có thể chọn được mối tơ hồng vừa ý. Ta nhất định sẽ tác thành cho các con.
Được lời như cởi tấm lòng, chén rượu trong tay Nghi Dân chớp mắt đã được người ta rót đầy. Chàng nhất thời chưa hiểu thì người đàn ông trung tuổi vừa rót rượu kia đã cười cười nói trước:
- Thần xin kính điện hạ một chén. Thần họ Trình, đang làm ở bộ Lại. Hôm nay tuy mới gặp điện hạ nhưng trong lòng đã vô vàn cảm kích, ngưỡng mộ. Con gái hạ thần tuy hãy còn ít tuổi nhưng sách vở, chữ nghĩa cũng có chút thông hiểu. Hạ thần không biết con mình có nhân duyên được nâng khăn sửa túi cho điện hạ hay không?
- Điện hạ, thần họ Nguyễn làm ở…
Chẳng mấy chốc bên cạnh những quan lại đang đi chúc rượu, luận thơ, có những người lại gần Lạng Sơn vương để giới thiệu con gái mình, nuôi mộng kết thành thông gia với hoàng tộc.
- Thiếu bảo, chẳng phải ngài cũng có một đứa con gái sao? – Tư Thành nhạt giọng nói, nghe như gợi ý nhưng ẩn sâu bên trong có thể thấy sự châm biếm lạnh lùng.
- Điện hạ, người đừng trêu thần nữa! – Nguyễn Xí cười đáp, đưa mắt nhìn đám quan lại rồi kín đáo nhìn biểu cảm trên gương mặt Tuyên Từ. Hoàng đế mừng lắm nhưng nụ cười trên đôi môi đỏ màu son của Hoàng thái hậu thì không chứa dù chỉ một chút thiện ý.
Nàng phẩy tay ra hiệu cho Hạ Liên bưng liễn thức ăn đậy kín nắp sứ mà vẫn có thể ngửi thấy mùi béo ngậy của chân giò hầm quyện với mùi của các vị thuốc bắc. Cô cung nữ khéo léo lách mình qua đám đông, cẩn thận đặt khay gỗ sơn son thếp vàng xuống trước mặt Nghi Dân, kính cẩn thưa:
- Bẩm điện hạ, Hoàng thái hậu nói điện hạ đi đường xa mệt nhọc nên đã đích thân dặn Ngự thiện phòng chuẩn bị món ăn này. Đây là thành ý của lệnh bà, mong điện hạ nhận ạ!
- Ngươi về nói với Hoàng thái hậu, Nghi Dân ta vô vàn cảm kích người! – Chàng nhìn liễn sứ trước mặt, nhìn cô cung nữ theo sát cạnh Thị Anh như hình với bóng rồi lịch sự trả lời.
- Vậy nô tì xin lui.
Hạ Liên khom mình, bước lùi lại một bước rồi mới quay lưng rời đi. Không hiểu sao cô cung nữ cực kì khéo léo ấy lại va phải viên Lại bộ thị lang họ Trình. Cảnh tượng ấy không lọt khỏi mắt Tư Thành. Chàng đặt tay lên đầu gối, lặng lẽ quan sát vở chèo hay, chỉ tiếc vì những người vây xung quanh Nghi Dân làm chàng không nhìn được biểu cảm trên gương mặt ấy. Tư Thành cũng tiếc vì Trần Phong không diễn trò cho chàng xem. Bộ dạng ông thầy nhấp nhổm, muốn lại gần Lạng Sơn vương để bắt chuyện lắm nhưng xem ra đầu óc vẫn còn đủ tỉnh táo.
- Nô tì vô phép, xin môn hạ[6] xá tội! – Cô cung nữ vội cúi gập người tạ lỗi.
- Không sao, không sao! – Người đàn ông phẩy phẩy tay, đương trong lúc cao hứng nên chẳng thèm nhìn Hạ Liên lấy một cái.
- Đa tạ môn hạ! – Nàng nhún xuống một cái rồi hơi ngước mắt lên, thưa – Nô tì thấy Lại bộ thị lang thật là người thức thời. Con gái lớn của môn hạ được Hoàng thái hậu yêu thích, liền được triệu vào cung làm bạn với quan gia. Giờ ngài còn định se duyên cho ái nữ thứ hai với Lạng Sơn vương hiển hách từng ấy. Đúng là được cả táo lẫn sung[7], thật khiến người ta ngưỡng mộ.
[6] Người đối thoại với Hạ Liên giữ chức Lại bộ thị lang – vào hàng tòng tam phẩm. Theo quy định về xưng hô thời Lê Sơ thì kẻ dưới phải gọi những quan lại thuộc hàng nhị, tam phẩm là “môn hạ” (Theo ĐVSKTT).
[7] Hàm ý từ câu: Ăn cây táo, rào cây sung.
Lời lẽ nhũn nhặn, dáng vẻ khép nép nhưng từng lời từ đôi môi ấy làm Lại bộ thị lang họ Trình lạnh toát sống lưng. Hạ Liên không nói to, chỉ vừa đủ cho những người đứng gần cô nghe thấy. Không khí đương ồn ào đột nhiên thoáng lặng như tờ. Một cung nữ nhỏ nhoi nhưng ai chẳng biết đó là người tâm phúc kề cận cạnh Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Bỗng dưng một ả hầu dám nói những lời như thế không phải do ăn gan hùm, gan báo. Lời của Hạ Liên chẳng qua cũng là chuyển tâm ý của Nguyễn Thị Anh mà thôi.
Đặt chén rượu xuống bàn, bờ môi tô son đỏ vẽ thành nụ cười thân tình nhưng lại sắc như dao:
- Ta tự nhiên nhớ ra, hình như có vài tù trưởng người Tày, người Nùng muốn gả con gái họ cho con, đúng không Nghi Dân? Về mặt quốc gia đại sự mà nói, những cuộc hôn nhân ấy nếu thành được là chuyện tốt. Năm xưa, chẳng phải Quận Ai vương – hoàng huynh của phụ hoàng các con – cũng nên duyên với chính phi Lý thị vốn là người man[8] đó sao? Ta nghe Tiên đế nói Thái Tổ Cao hoàng đế rất vừa ý người con dâu này. Xem ra không phải chỉ có nữ nhân dưới xuôi mới tốt.
- Thần nghĩ nhân duyên cứ thuận theo ông Tơ bà Nguyệt thôi ạ.
Trong một khoảnh khắc rất nhanh, Nghi Dân đã trừng mắt nhìn lại Nguyễn Thị Anh. Ả đàn bà ấy cũng điềm nhiên đón nhật, trong đáy mắt sóng sánh ý cười.
[8] Từ người Kinh gọi các dân tộc thiểu số.
***
Bữa tiệc mới kéo dài đến nửa buổi.
Lấy cớ muốn về cung Diên Khánh nghỉ ngơi, lại nói thêm không muốn vì sự có mặt của mình mà anh em quan gia cùng các vị khanh tướng, đại thần phải giữ lễ thành ra kém vui, Nguyễn Thị Anh liền đứng dậy. Người rời đi nhưng Hạ Liên vẫn ở lại, phụng chỉ phải cùng Đào Biểu hầu hạ quan gia. Nhạc ngừng, dưới thềm những ca nương thuộc đội nữ nhạc lần lượt đứng dậy, khom lưng lui cả ra ngoài làm mọi người được phen xì xào bàn tán.
- Đi thôi! – Kim Oanh vỗ nhẹ lên vai Hải Triều, nhỏ giọng nhắc.
Từ nơi nàng đứng chỉ có thể ghé mắt nhìn thấy bóng áo vàng kim của Tuyên Từ Hoàng thái hậu từ từ đi khuất, tuy không nhìn rõ mặt nhưng có thể thấy dáng vẻ cao sang, quyền quý toát ra trong từng cử chỉ nhỏ nhất của người ấy. Ánh đèn trong cung Đan Phượng được bỏ bớt để dồn toàn bộ sự chú ý qua những dãy cửa được mở rộng, hướng ánh mắt người ra khoảng sân gạch lộng gió sáng trưng đèn đuốc.
- Là khúc Bình Ngô phá trận[9] sao? – Có người thảng thốt cất lời khi trông thấy tấm lụa điều phủ lên chiếc trống lớn dựng lên giữa sân điện được kéo xuống.
[9] Khúc Bình Ngô phá trận được chép trong chính sử nhưng nội dung, hình thức thể hiện của điệu múa như thế nào thì tác giả hiện thời chưa tìm hiểu được. Mọi miêu tả về Bình Ngô phá trận trong Độc huyền cầm đều là hư cấu.
Trùm Tuân đưa mắt sang hai bên nhìn những đào hát, kép đàn của mình, khẽ gật đầu. Cánh tay ông nổi gân khi siết mạnh dùi trống. Một tiếng động rền vang như tiếng sấm khi dùi gỗ đánh xuống mặt da. Một tiếng trống, một tiếng chiêng làm người người im bặt, trang nghiêm ngắm nhìn. Những tiếng rền, chắc, vang động, những âm thanh hối hả khi gõ vào tang trống hợp với tiếng hô đanh, mạnh của những cậu thanh niên khỏe khoắn, nửa người để trần, cơ bắp cuồn cuộn. Họ dậm chân, vung tay diễn lại cảnh luyện tập, cảnh xung trận tựa thiên quân vạn mã, khí thế ngút trời, trăm người như một của nghĩa quân Lam Sơn khi xưa.
- Điệu múa phụ hoàng sáng tác ý tứ thật sâu xa! – Nghi Dân không tránh khỏi xúc động, đột ngột lên tiếng.
- Năm xưa trẫm từng xem điệu vũ Bình Ngô phá trận này một lần, công thần khi ấy có người xúc động đến phát khóc[10]. Giờ được xem lại cùng với anh em của mình, cảm giác đúng là rất khác nhau! – Bang Cơ đáp, miệng mỉm cười nhìn những cánh tay rắn rỏi của những chàng thanh niên giơ lên, tái hiện lại bước tiến quân vững chắc, quyết liệt.
[10] Sự kiện vào mùa xuân, tháng giêng năm Thái Hòa thứ 7 (1449).
Giọng điệu thân thiết, chân tình của Hoàng đế làm Lạng Sơn vương thấy không thoải mái. Sự mừng rỡ hiện lên trong đôi mắt thật thà khi Bang Cơ nhìn chàng nhập cung thỉnh an hồi sáng khiến Nghi Dân thấy nực cười. Chàng không khỏi hoài nghi xem trong từng cử chỉ, từng lời nói kia bao nhiêu là thật. Phần lại thấy kẻ đối diện mình chỉ là một thằng nhóc ngây ngô đội một chiếc mũ quá rộng. Kẻ như thế vốn không đủ sức để lèo lái thiên hạ khi không biết đề phòng, không biết ngờ vực.
Kẻ dưới vốn không được phép nhìn thẳng vào long nhan nhưng khoảng cách từ sân điện bên ngoài đến ngự tọa của Hoàng đế trong cung Đan Phượng khá xa nên dù ngẩng đầu cũng chỉ có thể thấy một người mặc áo hoàng bào ngồi ngay ngắn, chăm chú dõi mắt trông theo. Xen vào giữa hàng ngũ của những chàng trai là những người vận áo ngắn thân màu đỏ, thắt dải lụa hồng quanh eo, chân quấn xà cạp[11] để ống quần không loe ra mà ôm vào cổ chân gọn ghẽ. Người khi đứng dậy, kẻ lúc lại khom lưng xuống nhịp nhàng như sóng nước. Nổi lên trên tiếng trầm vang của trống sấm, tiếng tùng tùng của trống cái là những âm thanh đanh giòn của những chiếc trống con cầm trên tay những người áo đỏ. Mặt trống tựa trăng rằm che trước những gương mặt ấy, những cánh tay cầm chiếc dùi hết gõ vào mặt da lại gõ vào tang trống son nhanh nhẹn, hoa lên đẹp như múa. Những chiếc trống được đưa lên cao theo đường vòng cung mềm mại, để lộ ra dung mạo tuy đã cải nam trang nhưng vẫn tươi tắn, rạng rỡ của các cô đào. Quả là một cảnh tượng biến ảo trong khoảnh khắc, khi tiến, khi thoái, khi lại xoay mình tạo thành một tổng thể hùng tráng, dứt khoát mà vẫn nên thơ.
[11] Dải vải chéo dài quấn kín ống chân; hoặc ống vải hở hai đầu may sẵn, bao lấy ống chân hoặc ống quần cho gọn gàng để bảo vệ chân của nông dân làm ruộng nước, một số dân tộc miền rừng núi, lính xưa.