Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 16 - Phần 1

Chương 16: Thính vũ[1]

“Mưa sa giọt nhỏ giọt ngừng

Tuổi em còn nhỏ chưa từng nhớ thương.”[2]

[1] Nghe mưa. Đây cũng là tên một bài thơ của Nguyễn Trãi.

[2] Ca dao.

Bước chân người dẫm trên nền gạch nghe nặng nề, hết ra lại vào. Những cánh tay nổi gân, gồng sức khiêng hết hòm nọ đến rương kia vào trong nhà. Tuy chẳng nói ra nhưng trong mắt đám hạ nhân đều hiện lên sự ngạc nhiên, tò mò bởi hầu hạ ở vương phủ bao lâu, chưa khi nào họ được trông thấy nhiều hòm xiểng quý giá được quan sai áp tải đến tận đất Lạng Sơn trịnh trọng đến thế. Đưa tay áo chùi mồ hôi hạt mẹ hạt con chảy ròng ròng trên mặt, một người đàn ông thưa:

- Bẩm lệnh bà, chúng con đã chuyển hết đồ vào rồi ạ.

Những ngón tay của người phụ nữ siết quanh tờ chiếu chỉ run lên, cái run rẩy của sự căm tức lúc nào cũng sôi sục trong lòng, chỉ cần chút sơ ý là có thể bùng phát. Bờ môi mỏng mím lại, cặp mắt sáng mở lớn, trừng trừng khiến đám người dưới sợ hãi mà lảng tránh đi. Sự im lặng đặc quánh khiến người ta thấy sợ, thấy tiếng gió luồn qua những tàu lá chuối, qua những tán cây mọc cao thêm vi vút, buốt giá.

- Các ngươi lui cả đi.

Cuối cùng, người thanh niên mình vận áo đen, họa tiết thêu nổi trên cổ áo đơn giản nhưng tỉ mỉ buông cuốn sách trên tay xuống, trầm giọng ra lệnh. Nghi Dân biết tính khí thân mẫu mình nên trước cơn thịnh nộ của bà, chàng thường chọn im lặng rồi mới từ từ phân giải.

- Con tiện nhân ấy, nó định ra oai với ai? Mẫu nghi thiên hạ? Ra vẻ nhân từ? Ta nhổ vào! – Dương Thị Bí cất giọng chửi mắng, tờ chiếu trong tay được vung lên nhằm thẳng hướng chậu than sưởi nhưng bị bàn tay rắn rỏi của Nghi Dân ngăn lại.

- Mẫu thân, không đáng đâu! – Chàng trầm giọng nói, ánh mắt bình tĩnh nhìn vẻ mặt căm hờn, phẫn uất của mẹ.

Lồng ngực người đàn bà cử động gấp gáp như thể vừa chạy một quãng đường dài, mắt trợn trừng nhưng rồi cũng từ từ dịu lại. Tựa vào tay vịn ghế, Dương Thị Bí từ từ ngồi xuống, lắc đầu:

- Con nói phải, nói phải.

- Ân điển của quan gia, dù thế nào cũng nên nhìn qua một chút. – Nghi Dân cười nhẹ, ánh mắt tối thẫm lướt qua những chiếc hòm sơn son, khóa đồng bóng loáng trước mặt rồi hạ lệnh cho đám nô tì lần lượt mở ra.

- Lũ giả nhân giả nghĩa! – Người đàn bà cười gằn, trong mắt hiện lên sự khinh miệt, mỉa mai lồ lộ khi thấy nào gấm vóc lụa là đều là hàng thượng phẩm, nào đồ trang sức trân châu, mã não tinh xảo bày ra. So với những gì ngày trước Thái Tông ban thưởng cho Dương Thị Bí, chỗ này chẳng đáng để mắt đến nhưng lại là sự đả kích lớn vào sự kiêu hãnh của người đàn bà dù giờ chỉ mang thân phận là phế phi của Tiên đế.

Bỏ những lời rủa xả của mẫu thân ngoài tai, Nghi Dân chầm chậm xem xét từng món đồ, dừng lại rất lâu ở chiếc hộp gỗ dài, bên trong đựng thanh kiếm được rèn cẩn thận, chuôi và vỏ đều có những họa tiết chạm trổ tinh vi bằng vàng, tương xứng với thân phận một thân vương. Một thanh kiếm tốt, đẹp đẽ nhưng không quá phô trương, xem ra người chọn quà thực sự bỏ vào đó rất nhiều tâm sức. Lắng tai nghe tiếng lưỡi sắc miết vào vỏ, nhìn tia sáng lạnh màu kim loại nhá lên khi vung tay đưa một đường kiếm khoáng đạt, mạnh bạo, khóe miệng người thanh niên hơi nhếch lên, đôi mắt đen nhìn dọc theo sống kiếm ẩn chứa một thứ cảm xúc gì đó có vẻ giống với sự hài lòng.

- Điện hạ quả nhiên thân thủ phi phàm! – Người đàn ông với hàng ria rậm đen nhánh mới bước vào đã vỗ tay tỏ ý khen ngợi, rồi cúi mình hành lễ trước mặt người thanh niên và người đàn bà phía sau.

- Là nhờ một thanh kiếm tốt. Phạm Đồn, ngươi đến cũng vừa hay, mau ngồi đi. Mỹ tửu quan gia ban thưởng mới được đưa đến, chúng ta cùng uống thử xem sao. Người đâu, ban rượu! – Nghi Dân thoải mái ra hiệu về phía chiếc ghế được trải đệm gấm đã được chuẩn bị sẵn, nhìn thế cũng đủ biết mối quan hệ giữa vị thân vương này và người đàn ông mới xuất hiện không hề tầm thường.

Cúi mình tạ ơn, dùng cả hai tay nhận chiếc ly sứ, mắt Phạm Đồn dừng lại rất lâu trên thanh kiếm trong tay Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân.

- Rượu từ Đông Kinh có khác, quả nhiên hảo hạng. Tạ ơn điện hạ ban thưởng. Thần trộm nghĩ nhân chuyện vui hôm nay, thanh kiếm trong tay điện hạ… không biết người có thể cho hạ thần nhìn kĩ được không?

Tra kiếm vào bao, Nghi Dân không suy nghĩ nhiều trước khi đặt vật đó vào tay người đàn ông đứng cạnh, thong thả ngồi xuống như có ý chờ đợi lời nhận xét. Phạm Đồn từng làm quan tại Đông Kinh đến chức tướng quân của vệ Phùng Thánh[3], nhưng do liên quan đến bè phái trong triều nên khi Tuyên Từ hoàng thái hậu nắm quyền nhiếp chính, xuống tay dẹp bỏ thì không tránh khỏi liên đới[4]. Bị biếm chức, điều chuyển đến đất Lạng Sơn, người đàn ông nhận được sự cưu mang, trọng dụng của bà chiêu nghi bị phế Dương Thị Bí cùng phiên vương Nghi Dân, tuy không sánh được với thời làm quan trong triều nhưng cuộc sống cũng không đến nỗi túng thiếu, bần hàn. Lật qua lật lại lưỡi sắc, miết nhẹ ngón tay lên những hình chạm nổi hồi lâu, cuối cùng ông mới cung kính trả lại thanh kiếm cho Nghi Dân cùng lời khen:

- Điện hạ, đây quả nhiên là một thanh kiếm tốt, được rèn khéo léo, kĩ thuật rất cao.

- Ta cũng thấy vậy nên đang nghĩ phải dâng biểu tạ ơn thế nào cho xứng với sự quan tâm của quan gia và Hoàng thái hậu. – Cất món đồ quý giá vào hộp, chàng đáp nghiêm túc, đưa mắt nhìn vẻ mặt bất nhẫn của Thị Bí – Con biết mẫu thân không vui nhưng thần tử phải giữ lễ nghĩa của mình. Con không thể để người ta chê cười mẫu thân được. Lần này quan gia đích thân ban thưởng, lại viết thư triệu kiến gọi về kinh sư, người nên mừng cho con mới phải. À, trời trở lạnh nên con đã sai người hãm thử một ấm trà nóng bằng lá trà ngự ban, mẫu thân dùng thử xem.

- Quan gia triệu kiến người? – Phạm Đồn nghe những lời ấy không tránh khỏi bất ngờ, nhổm dậy khỏi ghế, hỏi dồn.

Phong thư đỏ kẹp giữa hai ngón tay của chàng vừa giơ lên đã thu hút ánh mắt của những người thân tín trong phòng, nhưng tuyệt nhiên không kẻ nào dám hỏi nội dung bức thư là gì, chỉ biết nghe điều Nghi Dân thuật lại:

- Mùng ba Tết Nguyên Đán. Quan gia ban đại yến ở cung Đan Phượng.

[3] Một trong 14 vệ Thiết đột – quân trong kinh (Cấm quân), là lực lượng quân thường trực chính của triều đình

[4] Phạm Đồn cùng với Phan Bang là những nhân vật có thật, là tâm phúc của bà chiêu nghi họ Dương và Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân. Tuy nhiên trong Độc huyền cầm, những thông tin về thân thế, sự nghiệp của hai nhân vật này là hư cấu vì bản thân chính sử không đề cập rõ.

Sự yên lặng đột nhiên bị phá vỡ khi con bé nô tì vừa lại gần định rót trà vào chiếc chén sứ đặt trên bàn thì cái ấm bị người đàn bà hất tung, rơi xuống sàn vỡ choang một tiếng. Nước nóng đổ lên khiến mu bàn tay tấy đỏ nhưng con bé không dám kêu tiếng nào, chỉ biết sợ hãi sụp lạy, cầu xin:

- Con vụng về, xin lệnh bà tha tội!

- Chớ có để ta nhìn thấy thứ đồ nhơ bẩn của hai kẻ tiện nhân ấy! – Dương Thị Bí sẵng giọng.

Mấy đứa nô tì xúm lại nhặt mảnh vỡ, lau dọn vũng nước cùng lá trà trên sàn, chen giữa những tiếng đồ đạc còn là tiếng sụt sịt nho nhỏ. Nhìn cảnh tượng ấy, Nghi Dân chỉ im lặng, trầm ngâm nhìn theo lưng áo lụa của mẹ mình. Những người phụ nữ khác ru con bằng những khúc hát, bằng những câu chuyện cổ, còn Dương Thị Bí ru chàng bằng câu chuyện tình duyên nơi Cung thành hoa lệ năm xưa, bằng những giọt nước mắt uất nghẹn khi nhắc đến ả điếm Nguyễn Thị Anh chuyên nghề đầu mày cuối mắt, quỷ kế đa đoan. Nụ cười nhạt thếch lướt qua môi khi chàng chầm chậm thưởng thức hương sen gần như xa lạ tan trong miệng. Bao lâu nay Tuyên Từ hoàng thái hậu đối đãi với chàng như thế nào, chẳng nhẽ bản thân Nghi Dân còn không rõ. Ba chữ Lạng Sơn Vương cơ hồ chỉ là hữu danh vô thực, những bổng lộc ban xuống cũng rất chiếu lệ, chưa kể nhất cử nhất động luôn có người theo dõi sát sao. Ả đàn bà đó sợ, sợ chàng sẽ dùng địa vị con đích của Tiên đế mà đòi lại giang sơn, để vạch trần những điều ghê tởm ả đã nhúng tay vào.

- Hoàng thái hậu? Trên đời thật không thiếu những kẻ vô liêm sỉ. Ta thật không hiểu sao ả có thể ăn ngon ngủ yên rồi vênh váo làm ra những chuyện như ban ơn, bố thí cho kẻ khác như thế! – Những ngón tay Thị Bí siết mạnh quanh chuỗi ngọc trai hạt nào hạt nấy bóng bẩy, lấp lánh màu xa cừ rồi thẳng tay ném xuống. Đám nô tì giật mình thon thót khi sợi dây đứt tung làm những viên ngọc rơi nảy trên nền đất, vung vãi khắp nơi.

Nói đến đấy, Dương Thị Bí ngoảnh lại, nặng nhọc thở ra. Bàn tay nàng chạm lên từng đường nét trên gương mặt Nghi Dân, đôi mày cong cong lá liễu cau lại làm gương mặt xinh đẹp một thời hằn in những nét khắc khổ, khô khốc như những bức tượng hãy còn để mộc, chưa được sơn son thếp vàng. Khóe môi nàng run run khi nói:

- Là mẫu thân không thể bảo vệ được con. Ngôi vị tại Đông cung, ngai vàng ấy, chủ nhân của Cung thành ấy… đáng nhẽ tất cả phải là của con. Đàng nhẽ con phải được sống một cuộc đời tốt đẹp hơn chứ không phải chịu cùm tay bó gối ở cái xó xỉnh chó ăn đá gà ăn sỏi này… Mẫu thân sai rồi, thực sự sai rồi!

Những ngón tay gầy guộc, thô ráp trượt xuống. Người phụ nữ gục đầu trên tay vịn ghế, bờ vai run lên trong tiếng nức nở. Nghi Dân vừa đưa mắt nhìn, Phạm Đồn cùng đám người dưới đã hiểu ngay ý, liền tránh mặt đi.

- Thánh thượng… tại sao người lại đối xử với thần thiếp như thế? Tại sao người lại đối xử với con trai ruột của mình như thế? Tại sao người lại si mê Nguyễn Thị Anh để rồi ruồng rẫy mẹ con thần thiếp? Tấm lòng chân thật của thần thiếp hóa ra… hóa ra không bằng ả đàn bà dám lấy lươn trạch giả rồng, đùa giỡn long uy hay sao?

Từng lời từng lời ấy dù có nghe bao nhiêu lần cũng vẫn là những lưỡi dao sắc khắc vào trái tim Nghi Dân những vết sâu hoắm, ứa máu tươi. Dùng hai bàn tay đỡ lấy bờ vai của Thị Bí, vực mẹ đứng dậy, chàng nhỏ giọng nói, ôn tồn hơn nhiều:

- Mẫu thân, người đừng quá đau lòng. Con hiểu cả mà. Sự công bằng của mẫu thân, con nhất định sẽ đòi lại. Con nói được thì sẽ làm được! Chủ nhân cung Diên Khánh, bậc mẫu nghi thiên hạ nhất quyết không thể là hạng đàn bà lòng dạ rắn rết đó!

Đặt những ngón tay mình lên bàn tay của con trai, Thị Bí ngước lên, trong đáy mắt đau đáu phản chiếu hình ảnh bình tĩnh của Nghi Dân. Nén tiếng nức nở, nàng run giọng:

- Phải, mẫu thân còn có con để nói đến lẽ phải trái công bằng. Lần lai kinh này không ai biết mẹ con nhà ấy định bày mưu tính kế gì, con vạn nhất phải cẩn thận trước sau. Người Nguyễn Thị Anh muốn đối phó nhất định là con. Ngoài ra… ngoài ra còn có đứa con trai của Ngô Thị Ngọc Dao. Mẹ chỉ nghe nói chuyện ghen tuông lồng lộn của Thị Anh với cung nhân này đến mức suýt chút nữa đã giết chết được hai mẹ con họ. Con cũng nên lưu tâm đến đứa bé đó xem có lợi gì cho mình hay không.

Nhìn theo tà váy lụa của mẹ đi khuất, Nghi Dân điều chỉnh lại nhịp thở của mình rồi quỳ xuống, chầm chậm nhặt từng viên ngọc trai bỏ vào lòng bàn tay. Mỗi viên lại gợi nhắc đến một chữ trong tờ chiếu chỉ sắc phong Bang Cơ làm Hoàng thái tử. Cái gì là “Đặt Thái tử để vững gốc rễ, lập con đích để chính danh phận”, cái gì là “thể chất vàng ngọc, tư thái tinh anh, vừa có uy vọng của một bậc quân vương, lại đúng danh phận là con đích tôn quý”? Con đích ư, đứa trẻ ranh hãy còn ẵm ngửa khi xưa, thứ ô uế dám làm nhơ nhuốc huyết thống đế vương mà được nâng niu đến thế, để rồi trao trọn cả giang sơn mà Thái Tổ Cao hoàng đế cùng bao người phải đem tính mệnh mình ra để đánh đổi. Hiện thực quá sức nực cười khiến khóe miệng Nghi Dân nhếch lên, ánh mắt đen lạnh lùng nhìn ngọn lửa đỏ rực trong chậu đồng không hề lay động. Cũng chỉ vì một sự sủng ái, yêu chiều mà làm mờ mắt được cả Hoàng đế, để cho hạng đàn bà tráo trở đó dám ngang nhiên làm nhục người khác, chia bè kết đảng để xoay chuyển càn khôn, định đoạt cả sơn hà xã tắc. Mồ hôi, máu và nước mắt của tổ tiên là đồ bỏ. Công thần khai quốc, trung thần cương trực, kỉ cương phép nước cũng là đồ bỏ. Thật chua chát!

- Điện hạ… – Phạm Đồn nhẹ chân bước vào gian phòng, theo sau là một người đàn ông khoác áo chàm lấm bụi đường, xem chừng như vừa phi ngựa hỏa tốc trở về. – Phan Bang đã mang tin tức từ Đông Kinh đến rồi ạ.

Nắm trân châu trong tay rơi xuống chiếc hòm để mở, Nghi Dân đứng thẳng dậy, khoát tay ra hiệu cho hai người đàn ông có thể ngồi rồi ban trà. Cử chỉ của chàng chẳng tỏ ra vội vã. Lướt ngón trỏ lên thành những chiếc rương, vị phiên vương cất lời:

- Xem ra sau đây hai ngươi lại phải đi một chuyến rồi. Tất cả chỗ châu báu, lụa là này phải đổi ra bạc trắng để chi dùng trong quân, huấn luyện võ sĩ. Cũng sắp đến mùa giáp hạt, hai ngươi cho người dưới đem bạc mua lương thực dự trữ phòng khi cần đến. Tuyệt đối không được để dân đói, đói sẽ loạn. Kẻ nào dám tơ hào dù chỉ là một đấu gạo cứu trợ, không cần báo lại ta, cứ chặt một bàn tay của hắn xuống!

- Điện hạ sáng suốt. Thần sẽ đi làm ngay! Việc buôn bám thổ sản của chúng ta với dưới xuôi cũng khá thuận lợi, điện hạ có thể yên tâm. – Phạm Đồn chắp tay nhận lệnh, đoạn quay sang Phan Bang hãy còn đang thở hồng hộc, có ý nhắc cần phải bẩm báo tình hình.

Chùi mặt vào tay áo, người đàn ông da sạm đen hướng mắt về phía chàng trai trẻ, thưa:

- Hồi bẩm điện hạ, chuyến này lai kinh thần cũng nghe ngóng được một số chuyện. Việc quan gia sau khi đích thân nắm quyền đã trả lại điền sản, phục vị cho cố đại nhân Trịnh Khả, ban thưởng cho gia đình các công thần khai quốc theo Thái Tổ, rồi cả lời đồn về việc quan gia có ý khen ngợi tài năng của Ức Trai tiên sinh trước triều thần đều là sự thật. Còn nhiệm vụ điện hạ giao phó, chi tiết việc bố trí bên trong kinh thành, giờ lính thay phiên canh gác ở các cửa ngoài Hoàng thành thần đều đã ghi lại tỉ mỉ trong tấm bản đồ này, xin trình lên người.

Đặt tờ giấy xuống bàn, Nghi Dân chau mày, nhìn mặt hai thuộc hạ, trầm ngâm:

- Các người có thấy lạ không khi hoàng đế trẻ con của chúng ta tự nhiên lại làm ngược lại hẳn những điều mẫu hậu của y đã có sống cố chết gây ra cho kì được. Đối đãi này của hắn với Trịnh Khả, với Nguyễn Trãi…

Phan Bang nhấp môi vào chén trà, gật gù tán đồng:

- Ở Đông Kinh phần đa dân chúng đều nói quan gia và Hoàng thái hậu nhân từ, công đức vô lượng. Chuyện này xem ra đằng sau có ẩn tình.

- Có thể là hắn nhân từ thật – Nghi Dân cười, ánh mắt sắc quét xuống tấm giấy được trải rộng trên bàn – Nhưng cũng có thể là chiêu mị dân. Tiếng xấu, những thiếu sót đổ cho một người đàn bà thì chẳng ai nói gì được. Người ta là mẹ góa con côi đành phải buông rèm nhiếp chính, thân nữ nhi sâu sắc đến mấy cũng chẳng quá được một cái cơi đựng trầu. Vấn đề là Hoàng đế lúc tự mình coi chính sự làm được gì, sửa đổi được lỗi lầm của thân mẫu hẳn nhiên là để lại tiếng tốt trong dân chúng.

- Vậy còn kế hoạch của điện hạ? – Phạm Đồn lên tiếng. – Thần nghĩ chúng ta vẫn có thể tiếp tục tìm kiếm người thân của các công thần bị Nguyễn Thị Anh hãm hại, nhất là người có tầm ảnh hưởng như Nguyễn Trãi. Nếu điện hạ có thể làm chỗ dựa cho họ, đòi lại công bằng cho họ, uy danh của người nhất định sẽ được củng cố.

Ngón tay rà theo những nét vẽ đường sông, đường bộ trên tấm bản đồ, người thanh niên không ngẩng lên, nhẹ nhàng nói:

- Đương nhiên là vậy. Dân chúng đứng về phía Nhập nội hành khiển Nguyễn Trãi nhưng không ai dám nói to. Ta sẽ lật lại vụ án Lệ Chi Viên, lật lại được sẽ vạch trần được âm mưu của Nguyễn Thị Anh cùng sự bất chính của thằng nhóc đang ngồi trên ngai vàng. Loại đàn bà dám trộm long tráo phụng, mưu sát Tiên đế đó nhất định phải để cho tứ mã phanh thây mới hả dạ.

Mấy chữ “mưu sát Tiên đế” ấy làm Phan Bang sửng sốt, quay sang người đàn ông ngồi cạnh để rồi nhận ra, người duy nhất trong phòng không hay biết đến chuyện ấy là mình.

- Điện hạ, thần… ngu dốt nên không hiểu lắm dụng ý của người.

Nghi Dân xoay mình, chắp tay sau lưng không đáp. Phạm Đồn hiểu ý liền nói khẽ:

- Ngài còn nhớ sau vụ án Lệ Chi Viên đó, những người bị nghi có dính dáng đến Nguyễn Trãi đều bị giết đúng không? Nhưng cả Lương Dật, Tạ Thanh tuy là tay chân của Nguyễn Thái hậu lại vẫn bị liên đới. Đó đơn giản là giết người diệt khẩu. Chắc chắn bọn chúng đã làm gì đó rồi đổ vấy cái chết của Tiên đế cho bà Lễ nghi học sĩ. Có tiếc là tiếc chúng thờ nhầm hạng chủ nhân táng tận lương tâm, quen thói vắt chanh bỏ vỏ thôi.

- Nguyễn Thái hậu dám… làm cái việc đảo lộn luân thường đó sao? – Phang Bang hỏi lại, giọng có chút lạc đi.

- Người duy nhất có thể xử mẹ con ả là phụ hoàng ta. Sủng ái càng nhiều, đến khi sự thật Bang Cơ không phải kẻ có huyết thống đế vương lộ ra thì sự trừng phạt càng lớn. Nguyễn Thị Anh đâu phải là hạng đàn bà ngu ngốc. Đem lượn trạch giả giống rồng ả còn làm được thì việc bày kế hãm hãi Tiên đế hàng ngày đầu gối tay ấp cũng có là gì? – Nghi Dân ngoảnh lại, lạnh giọng đáp: – Chuyện này nếu bị phát giác ra, chưa cần chúng ta làm gì, trong kinh tất sẽ loạn. Ngôi vị kia liệu có thể yên ổn được không?

Đứng dậy, tiến sát lại gần chủ nhân, Phạm Đồn đưa mắt nhìn, bàn tay làm như thể thanh đao chém xuống, nói:

- Ý điện hạ là… chúng ta cần tạo một cái cớ để lan truyền sự việc đó, khuấy động lại vụ án Lệ Chi Viên năm xưa?

Đáp lại ông chỉ có một nụ cười như có như không.

Bước chân đã qua bậu cửa, chợt bọc trà sen trên mặt bàn lọt vào mắt Phan Bang khiến ông ta như sức nhớ ra điều gì, vội quay lại.

- Điện hạ, hạ thần quên mất một chuyện này nữa, tuy không rõ ràng lắm nhưng…

- Ngươi không cần rào trước đón sau. Có gì cứ nói thẳng! – Nghi Dân nghiêm giọng, lạnh lùng nhìn sang.

- Cháu họ thần đang là thị vệ kể, lần nào quan gia xuất cung cũng đến giáo phường Khán Xuân nổi tiếng nhất kinh thành. Người luôn được quan gia gọi vào hầu là Tiểu Kiều của giáo phường ấy.

- Tiểu Kiều? – Cái tên lạ lùng ấy khiến Nghi Dân bật cười, hỏi lại: – Có phải hơi khoa trương quá không?

Người đàn ông hơi khom người, thưa tiếp:

- Đó là một trong những ả đào đẹp nhất của giáo phường Khán Xuân, vì khách quan yêu quý nên gọi như vậy. Đã có lần hạ thần nhìn thấy cô gái ấy tặng một túi gấm rất đẹp cho quan gia, hai bên nhìn nhau tình tứ, quyến luyến lắm. Hơn nữa Tiểu Kiều nổi tiếng bởi cô bé ấy không hề phong lưu như những đào nương khác nên xem ra quan hệ giữa họ không hề bình thường.

Ra hiệu cho đám người dưới thu dọn rương hòm lên xe ngựa để dần dần chuyển đi trong đem, Nghi Dân làm như những lời ấy chỉ như gió thoảng qua tai. Chàng đưa tay vén tấm rèm, bâng quơ hỏi:

- Phan Bang, lần trước ngươi có nói hoàng tử thứ tư của phụ hoàng tên gì ấy nhỉ?

- Thưa, là Bình Nguyên vương Lê Tư Thành. Vị thân vương này rất được quan gia yêu quý, nhưng lại không có dinh thự riêng, sống rất khép kín nên ngoài tài học có tiếng ra cũng không có điểm nào nổi bật. Điện hạ có cần hạ thần lần này xuống kinh thành tìm hiểu thêm không ạ?

- Cứ vậy mà làm! – Nghi Dân nói mà không ngoái lại. Trong đáy mắt chàng là một dải núi xanh thẫm trùng điệp ẩn mình trong mây mờ. Hướng ấy chính là Đông Kinh, là mảnh đất chưa lúc nào chàng ngừng tưởng nhớ, ngừng mong muốn có thể đường hoàng quay lại.

***