Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 14 - Phần 1

Chương 14: Hội ngộ

Từ cung Quang Huy nhìn ra có thể thấy một phần hồ Dâm Đàm gợn sóng nước mênh mang như biển. Tà dương lộng lẫy nhuộm lên nên trời như tấm lụa trắng một màu tím nhạt ngả hồng trong ánh chiều đỏ ối. Mây trắng xốp từng cụm, từng cụm trôi đi trong gió thu lồng lộng, vẽ ra một bức tranh rộng lớn, bề thế mà lãng mạn. Một chú chim sâm cầm vỗ cánh bay về phía mặt trời, điểm vào không gian trên thì vô hạn, dưới là những mái đền đài cung điện cao thấp chen nhau một nét màu đen mảnh mai, bé nhỏ. Mái ngói ống hoa sen đều tăm tắp nhuộm màu vàng cam, những hàng cột gỗ chạy dài như vô tận dưới hàng hiên ngả sang sắc đỏ thẫm mỹ lệ. Cung thành đẹp đẽ nhưng thâm nghiêm, yên tĩnh đến nỗi nghe được cả tiếng mấy cô tiểu thư cười đùa nho nhỏ ngoài đình Thu Phong sát mép nước Dâm Đàm.

Hạ Liên rót trà, quạt cho nguội rồi dâng mời Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Cô thưa:

- Bẩm Hoàng thái hậu, chuyện người sai nô tì dò xét đã tra ra rồi ạ. Quan lại trong triều đúng là có người muốn gả con gái mình cho Bình Nguyên vương nhưng cả điện hạ lẫn Ngô Tiệp dư trước sau đều tìm cớ thoái thác. Bình Nguyên vương thực sự rất được các gia đình có tiếng, có thế ở Đông Kinh để mắt đến, mong có thể kết thông gia nhưng người hình như đều không để tâm đến ai hết.

- Chuyện này không lạ! – Nguyễn Thị Anh cởi chiếc áo khoác ngoài ra cho mát, nhàn tản tựa người vào thành ghế – Đứa bé đó tự tin vào bản thân mình, tự tin thì sẽ không đặt mình vào thế phụ thuộc kẻ khác. Còn hai vị thân vương kia thì sao?

- Phủ Tân Bình vương xưa nay vẫn rất yên ắng. Nô tì nghe nói ngài ấy đang qua lại với con gái thị giảng Quốc tử giám họ Trịnh. Sự việc cụ thể thế nào, xin Hoàng thái hậu thư thư cho nô tì thêm ít bữa nữa. Còn, Lạng Sơn vương thì… Quan quân trong triều không ai dám tơ tưởng đến chốn đó chứ đừng nói đến chuyện kết thân.

Nguyễn Thị Anh hiểu sự ngập ngừng trong giọng nói của Hạ Liên. Nàng để Bình Nguyên vương Lê Tư Thành quay lại kinh sư chính là đặt đứa trẻ đó cùng những mối quan hệ của nó trong tầm mắt của mình. Nhưng với Lê Nghi Dân thì khác. Năm xưa khi Tiên đế giáng Dương Thị Bí xuống làm thứ dân, truất phế toàn bộ tước phong, bổng lộc, lại đẩy con trai người ấy từ chỗ là Đông cung Hoàng thái tử thành phiên vương ở nơi xa xôi, đó không phải là nhổ đi cái gai trong mắt, nhưng cũng tạm coi là đẩy được một mối nguy cơ ra xa khỏi Đông Kinh. Giờ những đứa trẻ ngày ấy đã lớn, đất Lạng Sơn lại ở nơi địa đầu, Nguyễn Thị Anh ngờ rằng những điều mình thấy không hẳn đã là sự thật. Dương Thị Bí không an phận, con của ả càng không thể an phận như Tân Bình vương Lê Khắc Xương kia. Trong suốt thời gian buông rèm nhiếp chính, Hoàng thái hậu biết chắc mình cũng làm ra vài chuyện khiến lòng người không phục, chẳng qua chưa có ai thực sự có tiếng, có thế, có danh để đám người không thuận kia dựa vào mà làm loạn. Nay Hoàng đế tuổi còn trẻ đã đích thân chấp chính, việc chuệch choạc trong trị nước dù được cái đại thần ra sức giúp đỡ cũng khó tránh khỏi con mắt ưng diều soi mói của những kẻ bụng dạ hẹp hòi. Lòng người nay thế này, mai thế khác, lòng người nơi quan trường lại càng không thể tin được hơn nữa, tham vàng bỏ ngãi cũng đâu phải việc gì lạ lùng. Nàng lo là lo chuyện ấy, lo không biết chắc được những kẻ hàng ngày vẫn sụp mình hô: “Quan gia vạn tuế, vạn tuế, vạn vạn tuế” bao nhiêu kẻ dám nuôi lòng phản trắc, tráo trở.

- Lệnh bà, trong số các tiểu thư quan gia chẳng chấm một ai. Cả nô tì lẫn ngài Đào Biểu đều đã thử dò xem ý tứ bệ hạ thế nào nhưng… – Hạ Liên nhỏ giọng nói thêm.

- Quan gia vẫn qua lại với con bé Tô Mộc nhà ngự y họ Dương đúng không? – Hoàng thái hậu hỏi, không rời mắt khỏi trang sách trên tay. Những lời người nói ra dường như chẳng liên quan lắm đến tin tức mà cô thị nữ thân tín vừa bẩm báo. Hạ Liên tưởng chừng chủ nhân của mình sẽ phải rất nóng lòng trong chuyện thành hôn, lập phi của Hoàng đế vì đó chính là một cách để tạo dựng vây cánh, củng cố quyền lực. Nhưng hóa ra lại chẳng phải, dường như Hoàng thái hậu vẫn đang lặng lẽ quan sát, vẫn đang cân nhắc và như vẫn còn hồ nghi một điều gì đó.

- Dạ vâng. Thỉnh thoảng quan gia có xuất cung, khi thì đi cùng Tân Bình vương, khi lại đi cùng Bình Nguyên vương, nhưng lần nào cũng ghé qua gặp Tô Mộc. Nô tì thấy quan gia có vẻ thực sự rất ưng cô bé này nhất.

- Vậy cùng tốt! – Gập cuốn sách lại, những ngón tay thon của nàng nhấc chén trà lên, từ từ thưởng thức, ung dung tự tại.

Bóc mấy múi cam đặt vào chiếc đĩa sứ, Hạ Liên cất lời:

- Nô tì thấy tính tình con gái ngự y Dương Đán rất tốt, lanh lợi, thông minh lại thật thà. So với những tiểu thư cành vàng lá ngọc chắc hấp dẫn quan gia hơn. Nhưng thân phận của cô bé ấy nói cao không cao, thấp không thấp, dù quan gia có ưng đi chăng nữa cũng khó có thể tấn phong lên những vị trí quan trọng trong hậu cung.

- Ta chỉ muốn quan gia có thể vui vẻ một chút, không phải lo nghĩ hay đề phòng. – Nhấm nháp miếng cam ngọt mát, Tuyên Từ liếc mắt nhìn những cô bé áo khăn mỗi người mỗi sắc, xiêm y tề chỉnh ngoài đình Thu Phong. – Ta đâu nói sẽ đồng ý để người lập Dương Tô Mộc làm tần thiếp. Hoàng hậu, Tam phi, cửu tần hay lục chức đều phải là những người có thể qua hôn nhân giúp quan gia củng cố giang sơn, đều phải là những vị tiểu thư xuất thân từ những gia đình có thế lực. Chỉ là hiện giờ chưa thật có ai đủ nổi bật để chọn ra thôi.

- Nhưng lỡ như quan gia muốn lập Tô Mộc thì phải làm sao ạ? – Hạ Liên bồn chồn hỏi bởi tính khí của Hoàng đế trẻ tuổi cô vốn không lạ gì. Người đơn giản, chân thành, chính thế nên mới thật khó để xếp đặt những nước cờ chính trị.

Cất tiếng cười thoải mái, Hoàng thái hậu phe phẩy chiếc quạt lông trắng mềm mịn như tơ, thong thả thưởng thức sắc hoa cúc vàng tươi trồng trong những bồn hoa dọc lối đi lát gạch hoa chanh trong ánh hoàng hôn dẫn ra ngoài bờ hồ rồi mới nói:

- Người được Hoàng đế yêu thích thực sự thì không nên leo lên những vị trí quá cao để cả thiên hạ chú ý đến, thành tâm điểm cho kẻ khác chĩa mũi nhọn vào. Điều này ắt quan gia hiểu rõ, sẽ tự cân nhắc được.

Cắt đặt cung nữ thắp sáng nến trong cung Quang Huy rồi chuẩn bị bữa tối, Hạ Liên không nói gì thêm nhưng lòng cũng ngầm đoán ra tính toán của Hoàng thái hậu. Tuyên Từ vừa muốn thăm dò tâm ý của Hoàng thượng, vừa muốn từ từ uốn nắn đứa con này theo mong muốn của mình. Giờ quan gia đã lớn, Hoàng thái hậu không thể nhất nhất lúc nào cũng nói “con phải thế này”, “con phải thế kia”, cũng không còn có thể ép buộc Bang Cơ như lúc giết Trịnh Khả và Trịnh Khắc Phục. Hoàng đế có uy nghiêm của Hoàng đế, chàng giờ dù tuổi còn trẻ nhưng sẽ nhanh chóng nhận ra điều ấy. Bao năm qua Tuyên Từ bao bọc đứa con trai này, lúc nào cũng nơm nớp lo sợ ai đó sẽ đến, giằng lấy cuộc sống này khỏi tay thằng bé. Vì sợ nên gần như nàng cắt đứt mọi mối liên hệ tiềm ẩn nguy cơ bắt nguồn từ bên ngoái của con trai. Chàng hình như cũng hiểu được điều ấy phần nào nên lâu dần cũng dễ dàng chấp nhận cuộc sống kiểu đó. Dương Đán là người biết sợ nên không dám ho he những điều xưa cũ, cũng gọi là thông hiểu lễ nghĩa nên con gái ông ta không gây ra chuyện gì thất thố, lại có thể khiến Bang Cơ vui vẻ như vậy, không phải nhìn trước ngó sau những mưu tính chốn quan trường, thế âu cũng là một chuyện tốt.

***

Gió thổi lồng lộng làm những tấm rèm lụa tuy đã được buộc gọn lại nhưng chốc chốc lại bị thổi căng phồng như cánh buồm. Tư Thành chầm chậm thưởng trà, bình thơ với các quý tiểu thư trong đình Thu Phong, ngắm cảnh hoàng hôn diễm lệ buông trên mặt nước Dâm Đàm. Đâu đấy trong cơn gió thu hanh hanh có hương sen nhàn nhạt, tựa như dư âm còn lại từ những ngày hè ẩn trong mùi nước, trong cái nắng ngọt như mật. Quanh đi quẩn lại cũng chỉ có từng ấy câu thơ, từng ấy gương mặt nhìn đã phát nhàm nhưng đến ngáp một cái, hay trưng ra những cái nhìn thờ ơ chàng cũng không làm. Anh trai Hoàng đế của Tư Thành đã ra chỉ dụ: “Em mà dám để anh lại một mình với đám tiểu thư ấy thì cứ liệu mà chịu phạt. Đừng nghĩ anh không dám làm!”. Không hẳn chàng sợ lời đe dọa ấy, phần nhiều là vì thấy ái ngại cho tình cảnh: làm con hiếu thảo không nỡ khiến mẫu hậu phiền lòng của Bang Cơ nên lần nào Tư Thành cũng nán lại đến những khắc cuối cùng. Chàng cũng tiếc thời gian của mình lắm chứ, từng ấy thời giờ trôi qua đủ để đọc thêm vài cuốn sách, viết thêm vài bài luận, vài bản tấu rồi. Nói qua nói lại với mấy vị tiểu thư đây không làm sáng tỏ thêm điều gì trong sách vở, phần nhiều chỉ là những lời hoa mỹ, khuôn sáo điểm tô cho nhan sắc, địa vị mà thôi. Họ chừng như chỉ nhại lại những điều thầy dạy đã mớm sẵn để ra vẻ có học hành trước mặt Thiên tử chứ chẳng đưa đến kiến giải nào mới mẻ, thế nên câu chuyện cứ dần dần nhạt nhẽo đi theo cơn gió. Mượn cớ phải chuẩn bị bàn cờ cho Hoàng đế, Tư Thành nhanh chóng đứng dậy, dời đi ngay khỏi chỗ hoa xuân tranh khoe sắc ấy, thở hắt ra rồi đột nhiên dừng bước trên cây cầu đá bắc qua một hồ cá nhỏ giữa vườn cây um tùm.

Trên mặt nước ngả màu xanh lục bập bềnh những viên bỏng trắng. Chỉ trong một thoáng sau mấy tiếng vỗ tay, những con cá chép vảy rồng thân vàng cam lấp lánh vảy bạc thi nhau nhau ngoi lên, tranh cướp miếng ăn làm mặt nước xáo động trông cũng vui mắt. Tư Thành nghiêng người nhìn qua tán cây ngâu mọc quây bên bờ hồ, tìm kiếm nơi phát ra tiếng vỗ tay ấy. Trên hòn đá xám trắng được mài nhẵn một mặt làm chỗ ngồi là cô bé chừng mười một, mười hai tuổi, mái tóc đen vấn cao, phục sức nhã nhặn. Nằm giữa lớp lụa màu phấn hồng của cô là một gói bỏng hãy còn nguyên. Đôi gò má bầu bĩnh ửng hồng nắng chiều, trong đáy mắt chăm chú ngắm nhìn đọng những vệt long lanh trong vắt. Chắp tay sau lưng, ngắm nghía người ta một hồi, cuối cùng Tư Thành mới tằng hắng mấy tiếng thay cho lời chào. Giật mình ngoảnh lại, vội vàng, luống cuống nhảy khỏi hòn đá, cô bé bối rối đưa tay chỉnh lại mái tóc rồi cúi đầu:

- Thần nữ xin thỉnh an điện hạ.

- Sao tiểu thư không vào đình Thu Phong ngắm cảnh mà lại ra đây? Tiểu thư thích cá hơn sao?

Ngước lên nhìn vẻ mặt cậu thiếu niên đứng trên cầu, vẻ nửa đùa nửa thật ấy của Tư Thành làm cô bé không biết trả lời thế nào cho phải, đành thật thà thưa:

- Thần nữ… không giỏi thơ phú, sợ làm mất nhã hứng của điện hạ nên…

So với những vị tiểu thư kia, người lúc này Tư Thành trông thấy dung mạo đáng yêu hơn hẳn bởi ít nhất, nàng không cố làm cho mình đặc biệt hay vờ trưng ra một vẻ uyên thâm nào đó. Mấy đầu ngón tay vần vò vạt áo vẻ như lo lắng lắm của cô gái làm Tư Thành chợt bật cười, nghiêng đầu nhìn:

- Tiểu thư khiêm tốn thôi!

Lời khen ấy làm gò má cô bé ửng hồng hơn nữa, càng cúi mặt thấp xuống. Những lần nhập cung trước, phần vì quá chán nản, phần vì luôn nghĩ những cô gái đối diện nhan sắc tầm thường, học vấn càng tầm thường hơn nữa nên Tư Thành chẳng mấy khi để tâm, chỉ thỉnh thoảng buông ra vài câu chuyện hài hước để không khí đỡ nhạt nhẽo, sượng sùng. Mọi thứ khi đó lướt qua vùn vụt nên chàng không ấn tượng gì mấy với người đối diện. Chính thế nên cái nhìn ngày hôm nay mới thi vị, bất ngờ đến thế.

- Ta cũng muốn cho cá ăn. Tiểu thư có thể cho ta mượn một ít bỏng được không? – Tư Thành vui miệng đề nghị.

Cô bé nhất thời ngây ra một lúc rồi mới gật đầu, bước về phía chàng. Nắm bỏng trong tay cô được thả vào lòng bàn tay để mở của Tư Thành nhưng cả năm đầu ngón tay đều giữ cách xa một chút, tuyệt đối không đụng chạm đến người đối diện.

- Chẳng hay quý tính của tiểu thư là… – Chàng mở lời, điềm đạm đưa mắt nhìn.

- Thần nữ họ Phùng, tên Thục Giang ạ. – Nàng đáp, giọng nói có chút run run ngượng ngập. Con ngươi đảo trong tròng mắt bồn chồn vì không biết tâm ý vị thân vương ra sao khi người đột nhiên không giữ im lặng nữa, lại nhắm đến mình.

- Một cái tên đẹp! – Chàng cười thoải mái, ném chỗ bỏng trong tay xuống nước – Tên là “Giang” thẩm nào tiểu thư lại thích cá như vậy.

Im lặng hồi lâu, say sưa ngắm những chú cá quẫy mình trong nước, điểm vào màu xanh lục những sắc màu rực rỡ, lấp lánh, Thục Giang cất tiếng nho nhỏ:

- Nhìn cá bơi lội thần nữ cảm thấy chúng rất thư thái, an nhàn.

- Cho đến khi có mồi ngon thôi.

Những lời ấy Tư Thành nói cho riêng mình nghe, đoạn quay sang cô bé bên cạnh:

- Tiểu thư không phải là cá, sao biết cuộc sống này của chúng là thư thái, an nhàn? Không phải câu đố mẹo hay có ý gì đâu, ta chỉ muốn nghe ý kiến của tiểu thư thôi.

Giữa lúc người con gái còn đang mải suy nghĩ, viên hoạn quan từ đâu xuất hiện, dáng vẻ gấp gáp lắm. Mới nhác trông thấy bóng Tư Thành, anh ta đã bước thấp bước cao chạy đến, thi lễ rồi thưa:

- Bẩm điện hạ, Hoàng thượng đang đợi người ở điện Trường Xuân ạ!

Đi được mấy bước, gập chiếc quạt trong tay lại, Tư Thành hơi ngoảnh mặt về phía sau, cười:

- Thứ ta mượn tiểu thư, sau này nhất định hoàn trả!

Hoàng hôn chuyển dần từ sắc đỏ cam sang tím hồng, chẳng mấy chốc nền trời đã thành một màu lam thẫm. Trăng non mới nhú vẽ một nét mờ mờ trên nền trời lúc ánh dương sắp tàn. Con đường dưới chân không dẫn đến điện Trường Xuân mà dẫn thẳng đến Bí thư các. Tư Thành đoán chừng viên hoạn quan vì thấy Thục Giang nên không dám nói thẳng Bang Cơ đang đợi chàng ở đây, đành phải nói tránh đi.

- Vị tiểu thư họ Phùng ban nãy ngươi có biết xuất thân thế nào không? – Chàng chợt hỏi theo kiểu vô thưởng vô phạt, dường như thuần túy chỉ là tò mò, kiếm điều để nói cho quãng đường bớt xa.

- Thưa… – Viên hoạn quan ngoảnh lại, bước chân chậm đôi chút – … thần nghe tổng quản Đào Biểu nói tiểu thư ấy là người lộ Hóa Châu, họ đằng mẹ cũng thuộc dòng dõi quý tộc nhà Trần khi xưa. Còn thân phụ… thần chỉ biết thân phụ tiểu thư mới được bổ nhiệm vào làm ở Tả ty môn hạ sảnh, còn đến chức quan nào thì không rõ ạ.

Gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, Tư Thành không nói gì thêm nữa. Môn hạ sảnh, một trong tam sảnh[1], kề cận cạnh Hoàng đế, xem ra Hoàng thái hậu thực sự rất cân nhắc về xuất thân của những người sẽ được chọn để trở thành con dâu mình. Chẳng mấy chốc sau những hàng cây sum suê đã hiện lên đầu đao rồng phượng cong cong của Bí thư các. Cấm quân, nội thị, cung nữ đứng hầu bên ngoài im như tượng càng làm khung cảnh lúc xâm xẩm tối ở nơi này thêm tĩnh mịch, thâm u. Tiếng gió heo may luồn qua tán lá nghe xào xạc, thổi dọc dãy hành lang dài. Bên trong lọt ra chút ánh nến ấm áp nơi Hoàng đế đang ngồi. Để hoạn quan bẩm báo xong xuôi, Tư Thành tự đẩy cửa bước vào. Trái ngược với ý nghĩ của chàng, trên tay Bang Cơ không phải là cuốn sách mà là một quân cờ.

[1] Tam sảnh gồm: Thượng thư sảnh, Trung thư sảnh, Môn hạ sảnh. Tam sảnh có trong bộ máy hành chính trung ương từ thời nhà Trần. Môn hạ sảnh là cơ quan thân cận của nhà Vua, có nhiệm vụ giữ bảo ấn, chuyển lệnh của Vua tới các quan, nhận lời tấu của Vua và các công việc lễ nghi trong cung.

- Thần đệ bái kiến quan gia.

- Em ngồi xuống đi, để ta bày lại bàn cờ. – Bang Cơ cất lời, có vẻ gì xa cách hơn thường ngày. Cũng đã khá lâu hai người mới lại gặp mặt thế này, không tính những lúc ở tòa Kinh Diên nên thái độ của Hoàng đế khiến Tư Thành có chút suy nghĩ.

Nhìn qua mấy cuốn sách để mở trên bàn, nhìn những con chữ uể oải trên trang giấy, Tư Thành lén quan sát sắc mặt của Hoàng đế rồi mới vén tà áo, ngồi xuống chiếc ghế đối diện. Mấy câu chuyện tiếu lâm định mang ra kể cho vui xem chừng phải gác lại thật rồi. Trên bàn cờ, những quân cờ bằng ngọc đen và ngọc trắng được điêu khắc tinh xảo, sáng bóng lên lần lượt được điều đi hết góc này đến góc khác. Không có tiếng người, chỉ có tiếng gió ngoài song cửa, tiếng lá cây trong một ngày hanh hao xao xác giữa đêm thu, tiếng quân cờ đập lên mặt gỗ khô khốc, trầm đục. Hết ván này đến ván khác. Đào Biểu đôi lần đứng bên ngoài bẩm đã đến giờ dùng bữa tối nhưng Bang Cơ cũng chỉ ra lệnh bảo họ lui cả đi.

Đây không phải lần đầu tiên Bình Nguyên vương hầu cờ Hoàng đế nhưng lại là lần đầu tiên chàng thấy người đối diện chơi những nước đi như vậy. Xưa nay Hoàng đế cầm cờ thường dùng những bước chắc chắn, cẩn trọng nhưng đôi lúc Tư Thành vẫn phải dẫn cờ sao cho buộc được Bang Cơ xuất ra những nước đi hiểm hóc. Với chàng đây không phải chỉ là một trò chơi, nó là chiến trường, là quan trường thu nhỏ nên sự nhân từ, khoan dung nhiều khi rất nguy hiểm. Nhưng Hoàng đế lại nghĩ khác. Dù cầm quân trắng hay quân đen, khi đã đấu ngang không nhường, không chấp, Bang Cơ thua nhiều hơn thắng nhưng lần nào lúc thu dọn bàn cờ, chàng cũng đều cười. Đinh Liệt dạy cờ cho cả Hoàng đế lẫn Bình Nguyên vương, nhưng một người chỉ cho là chơi lấy vui, một người lại rất coi trọng. Bang Cơ vẫn thường bảo: “Cờ tướng lấy việc sát phạt đối phương, hủy hoại thế trận phía bên kia để mưu chiến thắng cho mình. Với một trò chơi, chuyện đó có gì tốt đâu?”.

Thế nhưng hôm nay, dù những nước cờ có phần bạt mạng nhưng lại sắc sảo hơn ngày thường, Bang Cơ đã ép được Bình Nguyên vương phải dốc hết tâm sức để đoán định thế trận, tìm cách chống đỡ, cũng không ít lần ép được chàng vào thế tiến thoái lưỡng nan.

- Chiếu tướng! – Những ngón tay mới rời khỏi quân xe, Bang Cơ lạnh nhạt cất lời.

Tư Thành chau mày nhìn cục diện, mấy đầu ngón tay nhịp nhịp khe khẽ trên mặt bàn gỗ tính toán xem trăm cửa tử có thể có một cửa sống hay không. Hoàng đế ung dung tựa người ra sau, xoay qua xoay lại quân mã mình mới “ăn” được trong tay, chăm chú quan sát gương mặt người đối diện. Cung thành là nơi tôn nghiêm nhất dưới bầu trời này và cũng là nơi lắm chuyện thị phi gian trá nhất. Bang Cơ hồi tưởng lại nhưng điều mình nghe được, không khỏi thấy bàng hoàng.

“Này, không biết đợt này quan gia sẽ chấm ai trở thành phi tần của mình nhỉ?” – Từ những cái miệng xinh xắn chuyên nói lời dịu ngọt, dễ nghe của những quý tiểu thư cuối cùng cũng thốt ra những điều mưu tính hệt như người lớn. – “Mà làm cung nhân có gì hay đâu, Hoàng thái hậu xếp đặt tất cả, không được người ưng ý thì sớm muộn gì cũng sẽ không được yên thân. Như năm xưa… tôi nghe đâu chính người đã gạt cả Dương thị mẹ Lạng Sơn vương lẫn Ngô Tiệp dư – thân mẫu của Bình Nguyên vương để đường hoàng trở thành…”

“Tôi có lần nghe lén được thân phụ nói chính lệnh bà là người tố cáo Ngô Tiệp dư dùng tà thuật ám hại quan gia. Lần đó cả Ngô Tiệp dư lẫn Bình Nguyên vương chẳng phải suýt chút nữa thì mất mạng sao?”

Những lời dị nghị ấy không phải xưa nay Bang Cơ chưa từng hay biết. Khi còn bé chỉ là nghe phong thanh, không ai dám nói lớn nên chàng cũng chỉ biết được vài phần, lại không cho là thật. Nhưng giờ không phải chỉ có đám cung nữ nhỏ to, đến các tiểu thư xuất thân danh gia cũng biết. Còn cái lần chàng tình cờ trông thấy Hạ Liên xuống tay đánh hai cung nữ lớn tuổi vì dám nói đến chuyện mẫu hậu mình với thân mẫu của Tư Thành một trận thừa sống thiếu chết, rồi chuyển họ xuống trại ngựa, hoài nghi trong lòng dường như đã được xác thực. Mẫu hậu của chàng có thể lạnh lùng, nghiêm khắc nhưng chưa lúc nào Bang Cơ nghĩ người có thể làm ra chuyện đổi trắng thay đen, hãm hại người khác. Còn Tư Thành, không cần một lý do nào hết, Bang Cơ tự nhiên có linh cảm đứa em này đã biết từ lâu, biết nhưng lại vờ như không biết. Sự bình thản của Tư Thành khiến Hoàng đế sững sờ, không biết phải đối diện ra sao mới phải, không biết những điều cùng nhau trải qua ngần ấy năm bao nhiêu phần là thật, bao nhiêu phần là dối trá. Nếu Bình Nguyên vương cố tình che đậy sự phẫn nộ trong lòng, vì lẽ quân thần mà đóng một vở kịch trước mặt chàng, em ấy có sai không? Còn chàng, bản thân chàng có đúng không?

Ngón tay đặt lên quân cờ của Tư Thành đột nhiên ngưng lại khi Hoàng đế lên tiếng:

- Tư Thành, anh muốn hỏi em một chuyện.

- Hoàng huynh cứ nói ạ. – Chàng đưa mắt nhìn, hơi ngạc nhiên nhưng rồi nhanh chóng ngồi thẳng lưng, nghiêm túc lắng nghe.

- Anh muốn hỏi… em có biết chuyện giữa mẫu hậu anh với Ngô Tiệp dư khi xưa không? – Bang Cơ nhìn thẳng, nói một lèo rất nhanh nhưng rõ ràng.

Đáp lại chàng chỉ có một ánh mắt đen bình lặng. Không hẳn Tư Thành không ngạc nhiên vì câu hỏi đó nhưng dường như, đứa em biết ngày này chẳng sớm thì muộn cũng đến nên đã chuẩn bị trước tâm lý ít nhiều.

- Em biết. Biết lâu rồi. – Chàng từ tốn đáp, nửa quan tâm, nửa thờ ơ. – Nhưng hoàng huynh, việc đó có quan trọng gì?

Câu hỏi ngược này của Tư Thành khiến Bang Cơ im lặng. Chàng đan hai tay vào nhau dưới tay áo rộng thêu hình rồng, trầm tư, đôi lông mày chau lại. Làn hương mỏng trắng đục từ chiếc lư đồng tỏa ra như tấm vải sa lay động trong cơn gió lọt vào qua khe cửa, phút chốc bị xé rách, tản mát thành từng sợi nhỏ trong không gian.

- Em không hận sao?

- Hận!