Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 13 - Phần 2
Nét chữ bay bổng, khoáng đạt mà tươi đẹp này có trong mơ người đàn ông cũng vẫn có thể nhận ra. Mấy đầu ngón tay thoáng siết chặt làm trên nền giấy xuất hiện thêm vài nếp nhăn. Kín đáo nhìn đứa bé gái đang quỳ dưới đất, Đinh Liệt ngầm ước chừng tuổi tác, ngầm đối chiếu những đường nét trên gương mặt ấy với những người trong quá khứ, cũng thấy vài phần tương đồng. Đang yên đang lành, không ai lại tự đi tìm đường chết, chuyện này ông hiểu, nhưng đột ngột lật lại những chuyện ầm ĩ trong quá khứ, nhất là khi những điều ấy liên quan mật thiết đến quan trường, đến hậu cung, đến ngai vàng của Hoàng đế tất sẽ ảnh hưởng đến an nguy của xã tắc.
- Sau khi cố đại nhân qua đời, những tác phẩm người chấp bút tản mát khắp nơi, hai tờ giấy mỏng này… chẳng nói lên điều gì cả. Ngươi tự nhận mình là con gái của Ức Trai tiên sinh với thứ thiếp họ Phùng, được, cứ tạm cho là vậy đi, ta hỏi ngươi một câu: Bài thơ này có một bí mật, ngươi biết đó là gì chứ?
Ánh mắt đen trầm lặng trở lại nhìn lên không hề lay động khi nàng gật đầu xác nhận.
- Đó là gì?
- Đại nhân, liệu người có thể cùng con viết ra điều đó không? – Thiếu nữ cất lời, nhỏ nhẹ và bình tĩnh hơn lúc trước nhiều.
- Ngươi sợ ta đổi trắng thay đen? – Ông cất lời, ẩn trong giọng nói có chứa chút thú vị vì cách hành xử của cô gái nhỏ.
Hải Triều nhìn xuống, hai bàn tay nắm chặt lấy nhau, tuyệt nhiên không đáp.
- Được rồi, ta viết!
Hương trầm trong chiếc lư đồng be bé đặt trên chiếc bàn gỗ tỏa hương man mác. Ấm trà đã nguội, nắng ngoài hiên sớm nhuộm sắc đỏ ối lúc chiều tà. Gác cây bút lên cạnh nghiên mực, người đàn ông nhìn nét chữ dần hiện lên trên tờ giấy trải trước mặt cô đào nhỏ tuổi, không khỏi sững sờ. Nàng nhìn mực dần khô trên tờ giấy trắng, nói khẽ, khẽ đến nỗi chỉ để Đinh Liệt nghe thấy:
- Trong bài thơ này của cha có hai câu không phải người viết. Hai câu đó… của mẹ con làm. Là… “Đã buồn vì trận mưa rào…Lại buồn vì nổi ào ào gió đông[3]”.
[3] Nguyên văn bài thơ của Nguyễn Trãi:
“Chiếc thuyền lơ lửng bên sông
Biết đem tâm sự ngỏ cùng ai hay
Chắc chi thiên hạ đời nay
Mà đem non nước làm rày chim bao
Đã buồn vì trận mưa rào
Lại buồn vì nổi ào ào gió đông
Mây trôi nước chảy xuôi dòng
Chiếc thuyền hờ hững bên sống một mình.”
Nàng đã nghe đi nghe lại những lời ấy không biết bao nhiêu lần suốt cả những năm tháng tuổi thơ, biết đó chỉ là một câu thơ nào đấy mẹ tùy hứng nghĩ ra rồi quen ngâm mỗi lúc trời đột ngột đổ mưa. Đến khi tận tay cầm hai tờ giấy mỏng Mai Loan nâng niu còn hơn mạng sống, Hải Triều cũng không thể tin là thật.
- Chuyện này đã là một bí mật, ở đây ngoài hai kẻ tự cho là biết điều đó là ta và ngươi ra không còn người thứ ba để kiếm chứng. – Đinh Liệt đưa tay vuốt chòm râu, nheo mắt nhìn xuống gương mặt không rõ vui buồn, trầm sâu như nước của Hải Triều. – Ngươi có vẻ rất thông minh, nhưng ngươi không nghĩ ta có thể viết ra bất kì điều gì, khăng khăng cho mình là đúng, nói ngươi là sai sao?
- Con cũng đã nghĩ đến điều ấy, nhưng… – Hải Triều từ tốn đáp, hai bàn tay đặt yên vị trên đùi, mắt theo thói quen nhìn chênh chếch xuống dưới, nơi mũi giày của người đàn ông – … con muốn thử đánh cược một lần xem sao. Bốn chữ “Quang minh chính đại” kia người treo chắc chắn không phải để làm vì. Nếu như người với cha con không còn chút ân nghĩa nào, chắc chắn người sẽ không đích thân đến chùa Huy Văn mười sáu tháng tám hàng năm làm lễ cầu siêu.
Nói đến đấy, nàng liếc nhìn Đào Thịnh, khóe môi hơi đẩy lên thành một nụ cười biết ơn những tin cô dò la được giúp nàng. Đinh Liệt cúi mình, trải tờ giấy với những con chữ mình viết ra lên trên tờ giấy của Hải Triều. Từng chữ, từng chữ giống nhau như hệt. Đôi lông mày cau lại, thiếu nữ mím chặt môi, cúi đầu thấp hơn một chút rồi gập cả hai tờ giấy lại. Nàng hơi cúi người lúc bước qua trước mặt Đinh Liệt, tiến về phía cái bàn nhỏ kê ở góc tường, nơi có ngọn nến đang cháy dở. Lưỡi lửa vừa liếm lên, tờ giấy đã bùng cháy, chớp mắt tàn tro rời chạm nền gạch bị gió thổi tan nát cả. Nhấp môi vào chén trà, Đinh Liệt điềm đạm chờ đợi, trong lòng dường như dâng lên chút thanh thản. Đứa bé này thực sự rất khôn khéo, rất biết trên đời có những chuyện không thể đàng hoàng nói ra miệng nên phải dùng đến chữ viết. Nhưng giấy trắng mực đen, bút sa gà chết, xử trí tiếp theo thế nào để người đối diện thấy thoải mái, con bé cũng biết rất rõ.
- Đại nhân, con đường đột đến tìm người thế này, là con không phải. Con cũng biết thân là đại quan trong triều, người không thể nói tất cả những điều mình biết về cái chết của cha cho con hay. Mẹ chỉ nói con phải tin cha và tam phu nhân không làm cái việc trời không dung đất không tha ấy. Con tin mẹ nhưng con vẫn phải xin người cho con biết một chút sự thật. Người có thể nói cho con nghe đến đâu, con xin vâng đến đấy!
Nàng quỳ rạp xuống, nói.
- Ta cần thời gian để tìm hiểu những điều ngươi vừa bẩm báo! – Đinh Liệt nhìn nàng, cất lời rành mạch.
***
Cây gậy tre vung lên thành một vòng cung rồi giáng xuống. Đòn đánh ra nhanh gọn, vững chãi, chủ động nên đầu gậy chỉ cách trán của người thanh niên trẻ ngã nhào dưới đất hai đốt ngón tay.
- Điện hạ, giờ thần không địch lại được với người rồi! – Nguyễn Sư Hồi, con trưởng của Nguyễn Xí, gạt đầu gậy đang chĩa thẳng vào mặt mình sang bên, cười cười.
- Là anh nương tay thôi! – Tư Thành chống cây gậy xuống đất, tháo vạt áo trước được giắt vào thắt lưng xuống, lịch sự đáp lại.
- Nương tay? – Sư Hồi nheo nheo mắt, hàng lông mày rậm cau lại rồi dãn ra – Điện hạ nói vậy là giữ thể diện cho thần rồi. Mười mấy anh em thần giờ đều bị điện hạ đánh bại, sau này không dám tìm người thách đấu nữa, xin nhường lại vị trí này cho phụ thân.
- Anh có chắc sau này không đến tìm ta nữa không? – Chàng hỏi lại rồi cười lớn, thong thả ngồi xuống bờ gạch xây quanh cái ao hình bán nguyệt thả đầy hoa súng. Nguyễn Sư Hồi là người thông minh, tuy còn trẻ tuổi nhưng dáng dấp, cách hành xử không thua những tướng quân dày dạn kinh nghiệm nơi quân doanh là bao. Có điều anh ta là người kiêu căng, cố chấp, thích tự coi mình là đúng. Nếu không phải chàng hết lần này đến lần khác từ luận binh thư, bày binh bố trận đến đấu tay đôi đều tỏ ra vượt trội hơn, ắt Sư Hồi cũng không chẳng nể nang cái tước vị Bình Nguyên vương kia chút nào. Con người này nói dùng được thì cũng đúng, nói cần uốn nắn và để mắt đến cũng đúng, loại người như con ngựa chứng ấy thực sự nhiều khi làm người ta đau đầu.
- Điện hạ, người có thấy trong triều cần một sự thay đổi nào đó không? Không thay đổi cũng được nhưng cần có điều gì đó mơi mới một chút. – Rót nước vào chiếc bát chiết yêu đưa cho Tư Thành, Sư Hồi nghiêm túc nhìn thẳng, mở lời.
- Ý anh là sao? – Chàng nhận lấy, hỏi lại, trong lòng tuy có chút quan tâm nhưng giọng nói lại không hề tỏ ra một chút xíu gì hứng thú. Tư Thành đã có kinh nghiệm đối phó với con người này, nếu chàng tỏ ra sốt sắng, anh ta sẽ khua tay múa chân ăn nói đại ngôn, nhiều khi rất phi thực tế, cốt chỉ để khuếch trương thanh thế, ra vẻ ta đây. Nếu chàng tỏ ra lãnh đạm, anh ta đã mở lời tức là muốn kể cho người khác nghe điều mình đang nghĩ, vì thái độ dửng dưng của người đối diện mà sẽ tiết chế cảm xúc lại một chút, ăn nói cũng có suy nghĩ hơn.
- Nhân tài trong thiên hạ không thiếu nhưng người được bổ dụng không bao nhiêu. Khoa cử thì ảm đạm. Trong triều toàn những lão già đi qua đi lại, dựa vào công trạng mà giúp quan gia cai trị dân chúng, thần thấy với cách suy nghĩ cũ mòn của họ, sẽ chẳng đi đến đâu hết. Chưa kể già rồi, tham quyền cố vị, người trẻ đâu thể tiến thân được nữa. Chưa nói đã bị họ mang phẩm trật, tuổi tác ra để chẹn họng rồi. – Sư Hồi tựa lưng vào gốc gây hồng xiêm sau lưng, gối đầu lên hai cánh tay, chăm chú nhìn bầu trời.
- Người ta vẫn bảo chuyện chính trị, chuyện quan trường thì nên chuộng người cũ – Tư Thành đáp theo kiểu vô thưởng, vô phạt.
- Điện hạ, người thực sự nghĩ thế?
- Ta chưa cho nghỉ mà đã dám ngồi đây buôn chuyện như đám đàn bà sao?
Tiếng Nguyễn Xí sang sảng vang lên từ trên bậc thềm làm đám thiếu niên vội đứng dậy, chỉnh lại trang phục cho tử tế. Mười lăm cậu con trai của Thiếu bảo từ khi lên ba đã được rèn luyện không khác gì những binh lính của triều đình, ở nhà không khác gì doanh trại, quân lệnh như sơn, kỉ cương như sắt. Nhiều lúc Tư Thành vẫn đùa bảo Nguyễn Xí có ở trong tay một đội quân nhỏ vô cùng thiện chiến, trung thành. Chàng lớn lên với những cậu con trai này từ nhỏ, có người là anh, có người là em, tạm gọi là thân thiết nên cách cư xử cũng thoải mái, ít câu nệ hơn.
- Xuống tấn! – Nguyễn Xí ra lệnh, tay chắp sau lưng cầm cây roi da thúc ngựa. Viên gia nô đánh một hồi trống báo hiệu giờ luyện tập bắt đầu.
Mặt trời đã lên quá con sào làm những bóng đen thu lại ngay dưới chân. Trên nền vải áo thô, những khoảng sẫm màu do ngấm mồ hôi càng ngày càng lan rộng. Ánh mắt tưởng như chăm chú nhưng kì thực lại lơ đãng, mải nghĩ ngợi về những trang sách đang để mở trong thư phòng của Tư Thành đột nhiên dừng lại ở đứa bé trước mặt. Cậu con trai thứ mười lăm này mới cao đến hông chàng, chân hãy còn bị đau do lần ngã ngựa trước nhưng vẫn kiên trì luyện tập. Nhìn những hạt mồ hôi to bằng hạt đỗ thi nhau lăn xuống, nhìn cách thằng bé mím môi, hai chân hơi run lên, Tư Thành cũng có chút ái ngại. Nhưng như Nguyễn Xí vẫn bảo, bị thương như vậy chưa đáng để bận tâm, ở nơi chiến trường chẳng nhẽ bỏ cả gươm giáo vì một vết trầy xước sơ sơ?
Trời đang nắng chang chang đấy chợt nổi gió lạnh. Cơn mưa rào cuối cùng của mùa hạ đổ xuống khu vườn rộng. Từng hạt từng hạt mưa to, nặng rơi xuống vai áo, làm khoảng sân đất loang lổ những vết chấm tròn. Trừ những anh lớn, mấy cậu nhóc con không tránh khỏi liếc mắt nhìn trời rồi nhìn cha như có ý muốn hỏi liệu chúng có thể nghỉ được chưa.
- Mưa to tức là mưa nhỏ. Mưa nhỏ tức là không mưa. Tiếp tục luyện tập cho ta!
Nguyễn Xí nói, giọng đanh thép, chắc gọn. Trong làn mưa hắt chéo sân ngày một nặng hạt, quất vào da thịt người ran rát, dáng xuống tấn vững như tượng đồng của người đàn ông chớm đến lục tuần làm đám thiếu niên không đứa nào dám ho he gì thêm. Mưa trắng trời. Mưa tuôn xối xả. Nước chảy vào mắt, chảy ròng ròng trên gương mặt, nhỏ xuống từ tay, từ vạt áo. Trông xa, người ta tưởng như đang được chiêm ngưỡng những pho tượng tạc bằng đá xanh tuyệt mỹ, đứng im lìm trong mưa gió. Nước bắn lên làm ướt gấu váy người phụ nữ cầm ô đứng im lặng phía xa xa, chăm chú nhìn những người đàn ông. Dáng vẻ nhẫn nại, chờ đợi đó của vị phu nhân thứ năm làm Tư Thành thoáng nghĩ đến thân mẫu Ngọc Dao đang đợi chàng ở nhà.
- Hôm nay đến đây thôi!
Những lời ấy của Nguyễn Xí làm những bờ vai gồng lên được buông lỏng một chút. Đứa bé đứng ngay trước mặt chàng ngã nhào xuống đất. Người phụ nữ kia dợm bước đến nhưng không nhanh bằng chồng. Ánh mắt người đàn ông nhìn xuống nghiêm khắc nhưng ấm áp. Chàng những tưởng Nguyễn Xí sẽ nói ra những lời như quân lệnh, nhưng cuối cùng, ông chỉ lặng lẽ chìa tay ra. Đứa bé chống hai tay xuống đất, khó khăn lắm mới có thể tự loạng choạng đứng dậy. Bàn tay nhỏ của nó phủi sách những bùn đất, hạt cỏ dính trên nền vải ướt rồi mới ngước lên, mỉm cười toe toét khoe hàm răng sún:
- Phụ thân, con tự đứng dậy được.
- Giỏi lắm! – Ông cười đáp lại, nơi đuôi mắt hiện lên những nếp nhăn. Xoa đầu đứa con trai nhỏ, ông dặn – Con vào nhà thay đồ đi, chút nữa phụ thân xoa thuốc cho con.
Lời vừa dứt, Nguyễn Xí trông sang thấy ánh mắt có vài phần chăm chú của Tư Thành đang quan sát cha con mình, nói:
- Điện hạ, chúng ta luyện tập tiếp được không?
- Ta sẵn lòng! – Chàng đưa tay vuốt nước trên mặt, chút ánh sáng lóe lên nơi đáy mắt ban nãy tắt ngấm, nhường chỗ cho màu đen thẳm lạnh như nước mưa rào.
Cuộc tỉ thí đến hồi gay cấn, đột ngột Nguyễn Xí vòng ra sau lưng, một tay kéo căng tay trái của chàng rồi dùng cùi chỏ ấn mạnh vào chỗ hõm trên bả vai ấy. Xong xuôi, ông buông tay, nhìn Tư Thành chau mày, xoa nắn bờ vai mình.
- Điện hạ càng ngày càng giỏi trong việc che đậy bản thân rồi. Thần quả nhiên không uổng công dạy dỗ người!
- Vẫn bị Thiếu bảo nhận ra đấy thôi! – Chàng cười nhạt đáp lại, vai trái vốn nhức nhối mấy hôm nay xem ra đã trở lại bình thường.
- Là do thần quen điện hạ bao năm rồi nên mới đoán vậy, người ngoài chắc chắn không nhìn ra điện hạ đang có vấn đề – Nguyễn Xí cười sảng khoái, chắp tay sau lưng – Cũng muộn rồi, người ở lại dùng cơm với gia đình thần luôn, tiện để thần xem lại vết thương trên vai người có gì nghiêm trọng không.
- Không cần đâu! – Chàng khách sáo đáp, chỉnh lại vạt áo ngoài của mình cho ngay ngắn, đứng thẳng người – Ta…
- Điện hạ, đúng là thần có dạy người khi đứng trên chiến trường, việc củng cố lực lượng, trước sau kín kẽ không để kẻ địch nhận ra yếu điểm là điều hết sức quan trọng. Nhưng đó cũng chỉ là chuyện trên chiến trường. Còn cuộc sống thường ngày lại là việc khác. Ngô Tiệp dư giao phó người cho thần và Đình thượng hầu vốn không phải chỉ vì chuyện học võ, luận binh thư, người…
- Phụ thân, mẫu thân nói con ra mời điện hạ và phụ thân vào nhà dùng cơm cho nóng! – Cô con gái lên mười hai của Nguyễn Xí đứng dưới hàng hiên, giơ tay che đầu cho khỏi mưa, nghển cổ nói lớn. Đương nhiên ánh mắt của con bé dù làm ra vẻ vô tình cũng vẫn khiến người ta biết nó cố ý nhìn Tư Thành một cái, nhìn rồi thì hai má ửng hồng.
- Ta không làm phiền gia đình đại nhân nữa. Dù sao hôm nay phu nhân Minh Nguyệt cũng dặn ta qua bên đó dùng cơm. Lời mời này để khi khác vậy. – Chàng thong thả bước về phía trước, nghiêng mình tránh cành dương liễu mọc xiên về phía hồ bán nguyệt, thầm nhấm nháp vẻ mặt thất vọng của cô bé nọ. Đoạn, Tư Thành ngoái lại – Hôm nào ta với Thiếu bảo đi câu cá đi, nghe nói ở hồ Ngọc Liên cảnh sắc thú vị, cá cũng nhiều nữa.
Cúi đầu tuân mệnh, người đàn ông đứng lặng trong mưa, nhìn Tư Thành rời đi, chợt nghĩ đến câu chuyện đứa con gái thật lạc giờ đột nhiên xuất hiện của Nguyễn Trãi. Ông còn nhớ rõ ngày đầy tháng cô bé ấy, ông đã khen sợi xà tích bạc bách hoa đích phu nhân chuẩn bị khéo ra sao, đã có ý hỏi tại sao Nguyễn Trãi nhất định đặt cho con bé cái tên kì lạ đến thế. Không phải lấy tên hoa, càng không lấy những chữ tốt lành nữ tính đặt cho, là lấy tên đất để đặt tên người – cái cách xưa nay chỉ có nam nhân hay làm vậy.
Một cuộc bể dâu, con tạo xoay vần, sinh li tử biệt. Thế gian hóa ra quá nhỏ, những đứa trẻ ngày ấy cuối cùng từng chút một đều tề tựu dưới bầu trời Đông Kinh.
Vừa nhìn thấy bóng cậu thiếu niên ướt lướt thướt bước qua cổng, phu nhân Minh Nguyệt liền sai mấy đứa ở chuẩn bị khăn và quần áo khô để sẵn cùng với nước rửa tay. Bà nhìn đứa thư đồng theo hầu chàng tay cầm ô mà không mở ra, vừa định quở trách thì đã bị Bình Nguyên vương gạt đi. Bữa cơm trưa vui vẻ cuối cùng cũng xong với những câu trêu đùa Đinh Liệt dành cho Nguyễn Xí và đám trẻ lít nhít ở nhà ông ta, cứ dăm bữa nửa tháng lại lôi nhau ra chí chóe bắt phụ thân phân xử hơn kém. Chàng hưởng ứng vừa phải, thong thả cầm đũa, suốt bữa không bình luận gì nhiều, chỉ chợt cảm thấy cảnh đông đúc ở phủ Thiếu bảo thực sự khiến người ta thấy thích thú. Nhưng cảnh tượng đó Tư Thành luôn cảm thấy không dành cho mình. Không phải Nguyễn Xí và các vị phu nhân không hiếu khách, là chàng tự cảm thấy mình giống khách không mời thì đúng hơn.
Cho nô tì lui hết, Đinh Liệt vừa thưởng trà, vừa hỏi han chuyện học hành của cậu thiếu niên nhưng ngụm nước chưa trôi xuống cổ đã nghẹn lại khi Tư Thành ung dung mở lời trước:
- Đình thượng hầu, người có thể kể cho ta chính xác và chi tiết việc Thái tông hoàng đế băng hà ở Lệ Chi Viên như thế nào không? Người làm quan Đề hình xử vụ đó chắc biết nhiều chuyện thú vị hơn cả những lời dân gian đồn đại, hơn cả chuyện người từng nói Trịnh Khả thực ra cũng có mặt bên cạnh Tiên đế lúc lâm chung chứ không phải chỉ có mình Lễ nghi học sĩ.
- Điện hạ, chuyện này… – Người đàn ông đặt chén trà be bé xuống bàn, không khỏi thấy trong lòng bồn chồn.
- Ta không quan tâm chuyện đại nhân và Thiếu bảo đã thỏa thuận những gì với thân mẫu ta. Cả ta và ngài đều hiểu rõ bản án Lệ Chi Viên ấy vốn rất thiếu thuyết phục. Đó không phải chỉ là chuyện Tiên đế băng, càng không phải chuyện giết một Nhập hội Hành khiển cùng một Lễ nghi học sĩ. Chuyện bè phái nơi quan trường, chuyện đấu đá nơi hậu cung… ngài nói xem, có thể không bàn được sao, có thể không liên quan đến an nguy xã tắc được sao?
Giọng nói cậu thiếu niên thốt ra ôn hòa, mềm mỏng, khóe miệng còn thấp thoáng một nụ cười nhưng ánh mắt nhìn qua miệng chén trà thì sắc lạnh. Đinh Liệt không nhìn ra Tư Thành đã biết được gì, chỉ chợt nhớ hầu cận bên cạnh cậu thiếu niên còn có một cung nữ sống trong Cung thành tương đối lâu năm, vô cùng trung thành tên Thụy An. Nhắm chừng ý Bình Nguyên vương muốn dò xét tâm tư của mình, ngẫm lại số tuổi của chàng, Đinh Liệt thở dài, chầm chậm thuật lại hết những chuyện đêm đó. Chén trà hạt mít be bé hết cạn lại đầy. Tư Thành ung dung nghe những điều người đàn ông đối diện kể, trên gương mặt không lộ ra một chút biểu cảm. Lần này không phải chàng che giấu, là thực sự trong lòng chẳng mảy may rung động thì đúng hơn.
- Như lời đại nhân nói – Tư Thành nhìn lên, ngẫm nghĩ một lúc như thể đang thưởng thức vị trà tan trong cổ họng – … theo ông là Tiên đế trước khi đến chỗ Nguyễn Trãi đã không khỏe, chuyện người thình linh băng có thể do bạo bệnh, có thể do… Nguyễn Thị Anh ngầm sai người ám hại để bảo vệ ngôi vị Đông cung cho con trai mình?
Đôi lông mày chợt cau lại khi Đinh Liệt nghe vị thân vương gọi thẳng tên húy của Hoàng thái hậu. Xem chừng đứa bé này quan sát đủ lâu để biết rõ thái độ thật của ông với vị chủ nhân cung Diên Khánh ấy nên mới dám làm cái việc đó.
- Nói không phải không có lý. Luận tuổi tác, Lễ nghi học sĩ khi đó gấp đôi tuổi của Thái Tông, chuyện trêu hoa ghẹo nguyệt nghe chừng… Tiên đế là người có tiếng đào hoa phong lưu, hậu cung không thiếu mỹ nhân, nói người yêu thích Lễ nghi học sĩ đến thế xem ra không giống tác phong thường ngày. Hơn nữa ta cũng không thấy có động cơ nào đủ thuyết phục để lý giải chuyện Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ làm ra cái việc ám sát ấy. Mấy chuyện hoang đường, quái quỷ nói bà Lộ là hóa thân của con rắn đem ra lòe trẻ lên ba thì được, nói ở giữa chốn quan trường toàn học trò Khổng Mạnh nghe thật nực cười.
Chiếc quạt trúc mở rộng, nhè nhẹ quạt khi Tư Thành cất lời.
- Việc Thái Tông băng, nếu truy cứu trách nhiệm đến cùng đáng lẽ phải tra khảo, bắt tội đến đám hạ nhân đi theo xa giá, từ quan quân, ngự y đến nội thị, cung nữ. – Đinh Liệt nhếch môi cười cay đắng – Nhưng hai vị hoạn quan theo hầu Tiên đế khi ấy là Lương Dật, Tạ Thanh đều là người của Hoàng thái hậu, chúng đứng ra làm nhân chứng, trên dưới nhất loạt tố cáo bà Lễ nghi học sĩ ám sát đức vua. Trong cung ép xuống, quan lại ép lên, nhiều người cùng nói một ý thì là sự thật.
- Là cố tìm cho ra một kẻ phải chịu trách nhiệm về việc Tiên đế băng hà. – Tư Thành đứng dậy, xoay cây quạt giữa những ngón tay mình. – Ta chỉ cảm thấy hơi lạ khi ngài cho rằng Nguyễn Thị Anh chủ mưu hạ sát Tiên đế. Thời điểm ấy Lạng Sơn vương không còn được sủng ái, bị biếm đi xa. Thân mẫu ta bị đuổi khỏi Cung thành. Tân Bình vương không được Thái Tông để mắt đến. Thực sự không có ai tranh nổi cái ghế Đông cung ấy với con trai Thị Anh, chuyện này thực ra là ý gì?
- Điện hạ – Đinh Liệt vuốt chòm râu, chăm chú nhìn tấm lưng thẳng trong chiếc áo gấm trắng của cậu thiếu niên, ôn tồn – Không nhất thiết phải tranh địa vị chủ nhân Đông cung. Thứ đó Hoàng thái hậu đã tranh được rồi, đã gạt Dương thị ra rồi. Ám sát Tiên đế, sau này giết cả tay chân là Lương Dật, Tạ Thanh, giết Đinh Thắng, Đinh Phúc, rồi mới đây là xử Trịnh Khả chẳng qua là để bảo vệ một bí mật động trời khác.
- Như chuyện… người đang ngự ở điện Cần Chính không mang huyết thống đế vương? – Tư Thành ngoảnh lại, nhếch môi cười, nói nhẹ không.
Vẻ mặt thản nhiên, dửng dưng của Tư Thành làm Đinh Liệt sững người. Ông chăm chú quan sát từng cử chỉ nhỏ của chàng nhưng không nhìn ra một điều gì khả dĩ. Đứng dậy khỏi ghế, người đàn ông lảng sang chủ đề khác.
- Điện hạ, không phải người còn phải nhập cung theo lời triệu của quan gia sao? Thần có mấy cuốn sách ở đây, điện hạ có thể cầm về xem thêm, khi khác chúng ta cùng thảo luận tiếp.
Cánh cửa thư phòng vừa khép, Tư Thành nhìn lướt qua tựa đề mấy cuốn sách trong tay, quá nửa là những cuốn chàng đã đọc qua vài lần. Nhưng rồi, cuối cùng ẩn ý của Đinh Liệt cũng lộ rõ. Giữa những cuốn sách ấy là một xấp giấy được đóng cẩn thận nhưng ngoài bìa không đề tên, bên trong lật ra mới thấy bốn chữ: “Bút kí Hồng Mai”. Tư Thành chưa bao giờ nghĩ Đinh Liệt lại làm thơ, càng không nghĩ sẽ có ngày đọc được những dòng chữ đầy thú vị ấy. Chàng liếc nhìn ra ngoài cửa sổ, vờ như ngắm cảnh vườn rồi thong thả, ung dung khép cửa lại. Ngồi xuống chiếc ghế gần đó, những ngón tay giở nhanh những trang sách, chàng đọc rất mau nhưng từng chữ đều sắc bén đến nỗi không thể nào quên được. Những bài thơ liên quan đến án Lệ Chi Viên đều không có tựa đề, được xếp gần nhau, chữ tuy ít nhưng những gì không thể nói đều hiện lên rõ ràng trên trang giấy trắng.
Tống Thai mạc kiến nguy ký hiện
Nịch ái Thịnh Y nhật nhật tăng
Mỹ sắc điểm ngôn gia phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp hải hà băng.[4]
[4] Dịch thơ theo cuốn Các bậc khai quốc triều Lê, Đinh Công Vĩ, NXB Văn hóa thông tin, Hà Nội, 2003
“Thái Tông chẳng thấy nguy đã hiện
Say đắm Thị Anh cứ mãi tăng
Sắc đẹp, lời ngon, kèm phỉ báng
Cơ đồ sự nghiệp có ngày băng.”
Cách nói lái chữ Thái Tông thành Tống Thai, Thị Anh thành Thịnh Y cùng nội dung y như những gì Thụy An từng thuật lại cho Tư Thành nghe về những tranh đoạt hậu cung năm xưa, xem ra Đình thượng hầu cũng thay đứa cháu gái Tiệp dư ấm ức không ít và lá gan của vị khai quốc công thần này quả nhiên không hề nhỏ. Chàng khẽ cười, lật sang những trang sau, ngoài bài thơ không chỉ đích danh nhưng có ý tiếc thương ba họ nhà Nguyễn Trãi bị giết oan, có mấy dòng thơ dang dở đề:
Lục nguyệt khai hoa quái dị hình
Niên nguyệt nhật thời Thăng Đinh ký
Hoàng bào ô nhiễm vạn niên thanh.[5]
[5] Nguyên văn có thêm câu đầu là: “Nhung tân hà hứu Tống Thai tinh” nhưng được isis lược bỏ vì bài thơ này làm sau khi Lê Nhân Tông Lê Bang Cơ qua đời, Đinh Liệt dùng miếu hiệu Nhân Tông đã nói chệch đi.
Dịch thơ:
“Nhân Tông đâu phải máu Nguyên Long
Sáu tháng hoài thai cảnh lạ lùng
Năm, tháng, ngày, giờ Đinh Thắng chép
Hoàng bào dơ bẩn tiếng ngàn năm.”
Gập cuốn sách lại, Tư Thành chầm chậm thở ra. Với chàng, chuyện Thụy An nghe ngóng được dù hiện thời tạm coi như được Đinh Liệt xác nhận là sự thật cũng không quan trọng. Trắng hay đen không phải vấn đề ở đây. Cục diện đã an bài, ngai vàng đã an bài, cái chàng cần chính là điều Ngọc Dao hàng ngày đọc kinh cầu xin đức Phật: hai chữ “bình an”. Chàng tin ở cách đối đãi Bang Cơ dành cho mình nhưng tin Nguyễn Thị Anh thì không đời nào. Là giờ bà ta chưa sờ đến cả chàng lẫn mẫu thân, là giờ bà ta tạm thời không nghi kị, không đề phòng nữa nhưng Hoàng thái hậu đã từng thả cho Trịnh Khả sống ngần ấy năm, cuối cùng vẫn giết đi đấy thôi. Huyết thống của Hoàng đế là thật cũng được, giả cũng được, cái Tư Thành muốn có là tấm bùa hộ thân cuối cùng để nếu có ngày Hoàng thái hậu không nhân từ nữa, chàng có thể dùng để bảo vệ bản thân cũng như thân mẫu. Dựng chuyện để trắng đen lẫn lộn không phải là điều chỉ có mình Tuyên Từ Hoàng thái hậu biết làm.
- Bẩm điện hạ, đến giờ nhập cung rồi ạ! – Đứa thư đồng khoanh tay đứng ngoài cửa nói vọng vào.
Cất bước trên những phiến đá trơn to như lá sen xếp quanh co trên con đường dẫn ra đến cổng, Tư Thành thuận tay đưa trả mấy cuốn sách cho Đinh Liệt, nhìn sang:
- Những cuốn sách này ta đã đọc qua. Chúng đều là thư tịch quý giá, Đình thượng hầu nên giữ gìn cẩn thận. Khi nào cần, đích thân ta sẽ qua mượn.
Phải rất lâu, rất lâu sau cuộc gặp mặt ấy, người ta mới lại nhìn thấy Bút kí Hồng Mai trên đời lần nữa để xác thực lại những chuyện li kì nơi Cung thành đất Đông Kinh khi xưa.