Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 12 - Phần 2

Nhìn đứa người ở từ ngoài chạy vào, hai vai áo ướt đẫm, vừa dìu vừa cõng người đàn ông trong vòng tay mình liêu xiêu ra về, cô gái nhếch môi cười, đưa tay gỡ mấy chiếc trâm hoa trên mái tóc xuống rồi uể oải tựa người vào khung cửa. Ánh mắt xa vắng chứa cả một màn đêm tịch mịch được điểm lên ánh sáng của những chiếc đèn lồng trong đêm mưa dẫn ra đến ngoài cổng. Ánh đèn lồng đỏ tô hồng tà áo của người thiếu phụ cầm ô đứng đợi bên ngoài cánh cửa của giáo phường Khán Xuân. Nhác trông thấy người ấy dìu đỡ người đàn ông nằm xuống võng, Phượng đã làm một việc khiến Hải Triều sững sờ. Trong mắt nàng, người chị này là cô gái luôn dùng những từ ngữ sắc nhọn đến mức có thể làm bị thương người khác, đanh đá, lắm lúc rất đành hanh. Vậy mà hôm nay, chị đã cúi đầu vừa có ý như chào, vừa có ý gì như xin lỗi người vợ của vị khách của mình.

Gió ướt hơi mưa thổi vào tà áo làm hương rượu tan vào không khí. Cô Phượng là đào nương phong lưu nhất giáo phường Khán Xuân. Không thông minh, khiêm nhường trong cách ăn nói như Hải Triều, không thanh nhã như Kim Oanh, nhưng kiểu đáo để, ương bướng của Phượng lại làm nhiều người thích thú. Cách đuổi khách kì quặc của nàng cũng là một trong những nét hấp dẫn ấy.

- Khách quan dù có yêu thích đào nương đến mấy, cuối cùng cũng vẫn trở về bên người vợ đầu gối tay ấp của mình. Chúng ta chỉ là những sắc hoa mang lại niềm vui cho họ khi đã quá no xôi chán chè, chán ngán cuộc sống thường ngày. Nhưng rồi khi đói bụng, họ sẽ lại chọn cơm tẻ nhà mình mà thôi.

Phượng nhạt giọng nói, vỗ vỗ vai Hải Triều rồi xiêu xiêu bước vào trong, lúc vấp phải bậu cửa còn loạng choạng suýt ngã nhưng nhất quyết không để ai đỡ. Nàng nhìn cảnh ấy mà nghĩ đi tận đâu. Ái tình dù là bậc đại quan uyên bác, bụng đầy chữ nghĩa hay là kẻ thất phu chắc cũng chỉ như nhau khi vây xung quanh mình một bầy thê thiếp. Nhưng cả thiên hạ đều như vậy nên mọi chuyện đương nhiên sẽ thành lẽ thường tình. Có khi như chị Đào, cả đời vọng tưởng về người yêu đã chết nơi sa trường có lẽ hạnh phúc hơn vì anh chết vào lúc yêu chị nhất, cũng chỉ yêu mình chị mà thôi. Mẹ nàng, bà có uống bát canh để quên đi hết những hồi ức trên dương thế không hay đến lúc thành hồn ma vất vưởng, bà vẫn muốn yêu người đó đến cùng? Thứ tình yêu của mẹ giống như tình yêu thiếu nữ đầy mơ mộng, lý tưởng, nên đến khi đối diện với sự thật mới tạo nên nhiều u uẩn. Không phải chính thất, càng không phải tri âm tri kỷ. Giữa hàng vạn người, mẹ đã gặp cha. Giữa hàng vạn người, cha lại là người đầu tiên bảo vệ mẹ, là người đầu tiên trân trọng sợi dây tơ trên cây độc huyền cầm bà mang theo bên mình. Chỉ vì hai chữ “đầu tiên”. Và chỉ cần như thế, bà chọn yêu ông cả đời.

- Vừa uống rượu xong, em đừng đứng chỗ gió máy, mặc áo lên đi! – Kim Oanh cúi mình nhặt chiếc áo lụa Phượng tiện tay ném xuống sàn lên, chẹp miệng.

- Để em đi nấu canh giải rượu!

Hải Triều đứng dậy, vừa định quay đi thì cổ tay đã bị Phượng túm lại. Cô ngả đầu lên vai nàng, nhếch môi cười:

- Hôm nay chúng ta uống với nhau đi!

Ả đào có thể làm người ta say quên trời, quên đất. Cái suy nghĩ ấy cùng những ấn tượng trăng gió vào lần đầu tiên nhìn thấy các cô đào vào buổi sớm sau những đêm tiếp khách đến khuya đã in sâu vào đầu óc Hải Triều.

Chỉ đến đêm nay nàng mới hỏi, ai là kẻ có thể khiến các cô đào say. Thầy Nguyễn bảo, trái tim của đào nương vừa nên yêu, sống chết yêu lấy một người để cho trọn vẹn một kiếp hồng nhan, vừa không nên rung động trước bất kì ai. Người ta có thể chọn cô đào, còn các cô đào thì muôn đời vạn kiếp không được chọn khách quan cho mình.

- Chị Phượng, nếu chị yêu một người rất nhiều nhưng không được đáp lại, chị có chọn xóa sạch đi những kí ức về người đó không? – Nàng chợt hỏi.

Tựa khuỷu tay lên mặt bàn, xoay chiếc chén con qua lại trong những ngón tay thon tuyệt mỹ, Phượng liếc mắt sang:

- Đào nương cũng là con người nhưng thứ quý giá nhất của chúng ta, theo chị, không phải là tính mạng mà là hồi ức. Không thể có một gia đình bình thường, không thể yêu một cách bình thường, không thể nếm trải cái gọi là thủy chung son sắt, nếu đến cả kí ức cũng không còn thì sống đế làm gì?

***

Từ mười bốn, người ta đã rậm rịch lên chùa dâng lễ nhưng đúng rằm tháng bảy xá tội vong nhân, chùa Huy Văn vẫn đông như hội. Bên cạnh các bà, các mẹ không thiếu những tiểu thư xinh đẹp, áo khăn rộn ràng đến tỏ lòng sùng mộ Phật pháp. Phu nhân Minh Nguyệt chắp tay lạy tạ thêm một lần nữa, vừa định xoay người rời đi lại dừng bước, cúi xuống nhặt giúp thiếu nữ trước mặt bọc đồ bị rơi ra.

- Con xin phu nhân! – Cô gái đưa hai tay nhận xâu tiền, cỗ phách cùng miếng gảy đàn của mình, cho lại vào tay nải nhưng rồi như chưa yên tâm, lại mím môi buộc thêm một nút nữa.

Nhìn dáng vẻ cẩn thận thu xếp cùng cách nói chuyện lễ phép, giọng nói rất dễ nghe của cô bé, Minh Nguyệt liền vì hiếu kì mà bắt chuyện:

- Cỗ phách này… con là đào nương?

- Thưa vâng! – Thiếu nữ đáp, nhìn người đối diện bằng đôi mắt trong nửa mừng, nửa lại tò mò, tần ngần mãi mới lên tiếng – Phu nhân vừa nhìn đã biết, vậy ra người… cũng biết ca trù?

- Ta có biết hát một chút. Chúng ta ra ngoài hẵng, đừng đứng đây nói chuyện làm phiền người khác lễ Phật.

Cái bóng nhỏ của cô gái đổ trên sân gạch mờ mờ với những đóa hoa đại rụng rơi. Người phụ nữ nhìn người đứng cạnh, đoán chừng con bé chưa quá được tuổi mười ba. Tuổi này đã vào ra chỗ giáo phường hẳn cũng cực khổ không ít, có thể vì gia cảnh nghèo túng, cũng có khi vì mắc nạn mà bị buộc sung vào đội nữ nhạc.

- Con là người của giáo phường nào?

- Thưa, là giáo phường Khán Xuân ạ.

- Khán Xuân? – Phu nhân Minh Nguyệt không khỏi ngạc nhiên – Còn trẻ như vậy mà đã trở thành đào nương của giáo phương đó rồi sao? Vậy con biết Kim Oanh chứ?

- Con vừa là em, cũng vừa là học trò của cô Kim Oanh. Phu nhân biết rõ giáo phường như vậy, chẳng hay người là?

- Mấy lần các đại quan mở tiệc đều mới người của giáo phường Khán Xuân đến góp vui. Ta cũng từng nghe Kim Oanh hát vài lần, cũng có nói chuyện đôi câu. – Người phụ nữ chau mày, nhìn đứa bé gái thêm một lượt nữa – Con… có phải đứa bé hay đi cùng cô đào ấy không? Ta cũng không nhớ rõ lắm, chỉ thấy quen quen.

Tần ngần một hồi khi nghe những lời ấy, một lúc sau thiếu nữ mới cúi đầu xác nhận. Phu nhân Minh Nguyệt thấy vậy liền cười, hỏi tiếp:

- Trí nhớ của ta cũng không phải quá tệ. Lúc nãy ta thấy trong tay nải của con có miếng gảy đàn, là cầm hộ ai hay là…

Suy nghĩ một thoáng, cô gái đáp:

- Là của con, con chơi được đàn đáy. Một chút thôi ạ!

- Con cũng là đào đàn[7] sao? Giáo phường Khán Xuân xem ra càng lúc càng khiến thiên hạ nể phục rồi. Thế này đi, nếu được, hôm nào con qua phủ Đình thượng hậu Đinh Liệt chơi đàn cho ta nghe, được không?

[7] Con gái làm nghề hát xướng thì gọi là đào nương, ả đào, cô đầu… Con gái chơi đàn đáy trong ca trù thì gọi là đào đàn. Nhưng chuyện này rất hiếm bởi đào nương thường chỉ hát, nếu có chơi cũng không chơi đàn đáy, vậy nên phu nhân Minh Nguyệt mới ngạc nhiên và chú ý đến Hải Triều.

Ba chữ “Đình thượng hầu” làm đứa bé gái luống cuống, toan quỳ xuống thì đã bị vị phu nhân nọ ngăn lại.

- Phu nhân cao quý như vậy, là con không biết nên… – Thiếu nữ run run đáp.

- Không cần đa lễ. Lời đề nghị của ta, con đồng ý chứ?

- Đó là diễm phúc của con.

Đúng lúc ấy, một thiếu phụ hãy còn xuân sắc bước lại. Người ấy dáng vẻ thanh tao, nhã nhặn, gương mặt dịu hiền, ăn vận đơn giản nhưng lại khiến cho phu nhân của Đinh Liệt phải vội cúi mình thi lễ. Hải Triều không thắc mắc, chẳng tò mò, chỉ lẳng lặng cúi đầu chào rồi xin phép cáo lui sau khi đã nói cho vị phu nhân tên của mình.

Nhìn bóng cô gái tên Ngọc Huyên đi khuất, phu nhân Minh Nguyệt thoáng mỉm cười vì cuộc gặp gỡ bà cho là tình cờ rồi quay sang người bên cạnh:

- Tiệp dư, hôm nay ngày rằm, sao điện hạ lại để người một mình sang chùa dâng lễ thế này?

- Xưa nay điện hạ không thích chuyện nhà Phật, từ sáng sớm đã không biết đi đầu rồi. Phu nhân đã đến đây vãn cảnh chùa thì quá bước sang nhà ta uống chén trà rồi hẵng về. Đằng nào cũng phải đợi hết hương mới hạ lễ được. – Ngọc Dao đề nghị.

- Xin vâng. – Vị phu nhân từ tốn đáp lời, ánh mắt nhìn lên long lanh khó tả. – Như thần thiếp thấy, mấy vị tiểu thư đến thắp hương lễ Phật thì ít mà… hình như chỉ mong gặp Bình Nguyên vương thì phải.

- Phu nhân quá lời rồi. Tư Thành hãy còn nhỏ, chuyện trăm năm cứ từ từ hẵng.

Ngọc Dao chỉ nói đến đó rồi đưa tay có ý mời phu nhân của Đình thượng hầu theo mình. Nàng biết rõ tính khí của Tư Thành, ít lời đấy, thường tiêu thời gian vào sách vở, nghĩa lý thánh hiền nhưng chắc chắn đứa con trai của nàng không phải loại người chỉ biết đến mỗi chuyện học hành. Nếu quả thực Tư Thành là một con mọt sách, sẽ chẳng có chuyện một đồn mười, rồi các tiểu thư rủ nhau đi lễ chùa mà mắt cứ hướng về phía dãy nhà nơi mẹ con họ ở như vậy. Những lúc như thế này, quả thực Ngọc Dao không biết Tư Thành đi đâu, gặp những ai, chỉ biết tin tưởng đứa trẻ này chắc chắn không gây ra họa mà thôi.

Đêm ấy, trăng tròn vành vạnh tỏa xuống thứ ánh sáng mờ mờ ma quái. Là người ta tự ám thị bản thân như vậy vì tháng bảy theo tục truyền là lúc Diêm Vương mở cửa ngục để các linh hồn tràn lên mặt đất ngao du nên mới gọi là tháng cô hồn. Âm khí xung thiên khiến việc buôn bán, làm ăn khắp nơi cũng trùng hẳn xuống. Đêm rằm tháng bảy là lúc người ta sắp lễ cho những người không được ai thờ cúng, chết bờ chết bụi. Đám trẻ con trong giáo phường đứng sau mấy cây cột nhìn nào ngô, khoai, sắn luộc vàng ươm, nào bỏng giòn tan, kẹo dồi, kẹo chè lam mỏng như cái lưỡi mèo, kẹo bột, rồi cả những viên kẹo trong trong như miếng cau bổ sáu bày ra trên cái mâm đồng mà nuốt nước bọt ừng ực. Mấy cô đào phải căng mắt ra nhìn, không phải vì sợ ma trêu mà sợ đám trẻ con táy máy thó mất đồ lễ.

- Đứa nào dám ăn thì ma nó bắt đi đấy nhớ! – Phượng dí tay lên trán một đứa, nạt. Gương mặt chị chắc phải đáng sợ lắm nên mới khiến thằng bé mếu máo, chạy biến đi.

- Hết hương rồi chị cho ăn! – Hải Triều ngơi tay nhìn lên, xoa đầu một đứa. Nàng cuốn những chiếc lá đa lại thành như cái loa rồi múc cháo hoa[8] đổ vào để tẹo nữa cúng. Chợt trong kí ức lại hiện ra những chuyện hồi xưa lúc còn ở quê, cứ đứa nào nghịch phá, thầy u bảo không được là các mẹ lại lăn ra khóc, bảo: “Chúng mày có định để tao chết có chỗ chôn không? Hay chúng mày tính để thầy u chết rồi phải đi cướp cháo lá đa hả con?”. Khoắng chiếc muôi vào nồi cháo lõng bõng chỉ có gạo với nước, thứ cháo chút nữa được rẩy ngoài đường bố thí cho các cô hồn vất vưởng không người thân thích, lòng Hài Triều chợt trùng xuống.

[8] Cháo trắng, nấu không, không có gia vị.

- Chị Huyên, chị nhìn này, em làm được con trâu đấy.

Thiếu nữ giật mình đưa mắt nhìn con vật với đôi sừng cong cong ấy, chợt mỉm cười. Dám giờ này Lương Thế Vinh lại đang dựng trò giả ma giả quỷ dọa bọn trong làng không chừng. Kí ức như cơn gió mùa hạ, mát lành mà lại ấm áp. Giờ này không biết Thế Vinh thế nào rồi, cả Lam Ninh nữa. Người ấy lớn lên chắc chắn sẽ trở thành một tiểu thư vô cùng xinh đẹp, đoan trang, chuyện gì cũng làm thật giỏi.

- Đi nhanh rồi về đấy! Đêm hôm rồi, đừng có đi đâu rồi để ma nó bắt! – Kim Oanh cắm hương, nghển cổ gọi với theo nhưng chỉ nhận được cái vẫy vẫy tay của Hải Triều.

Nàng thả bước mông lung, chẳng mấy chốc đã dừng lại ở Thi đình bên bờ hồ Ngọc Liên. Hoa chưa tàn hẳn, hương sen quyện với mùi bùi non, mùi nước vào một đêm thanh cảnh vắng tạo thành thứ dư vị đằm sâu. Cảnh sắc bàng bạc dưới lất phất mưa bay. Mây mỏng trùm qua trăng khiến ánh sáng thêm mờ đục, lạnh lẽo. Những chuyện của Mai Loan, những chuyện của những đào nương trong giáo phường chợt hiện ra rõ nét khi Hải Triều tùy tiện cầm bút, viết mấy câu thơ lên trang giấy trắng. Nhìn những con chữ óng ánh sắc mực của mình, nàng khẽ mím môi rồi quay đi.

Mẹ yêu cha nhưng cha có yêu bà nhiều như vậy không thì Hải Triều không biết. Nàng chỉ dám chắc ái thiếp của ông là Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ. Phải, đàn bà có học nếu được nâng niu thì ai có thể sánh bằng. Mặc nhiên trong mắt thiếu nữ, Nguyễn Thị Lộ – tam phu nhân ấy – vừa là người đáng kính, vừa là người khiến nàng không hề thoải mái khi nghĩ về. Mai Loan giữ gìn giọt máu còn lại này rút cuộc là vì lẽ gì? Bà không thể sánh được với Thị Lộ, không thể có cha. Bao nhiêu yêu thương tuyệt vọng đều dồn cả lên đứa con gái này. Vậy nên nhiều lúc, Hải Triều biết đích xác bà chẳng yêu bản thân nàng quá nhiều. Biết thế nhưng rồi lại tự vỗ yên mình trong thứ niềm tin giả dối mà nàng tự tạo ra để cảm thấy dễ chấp nhận hơn.

Thế nên, cái gọi là hận trong lòng vì ba họ bị tru di trong một bản án có quá nhiều nghi vấn có khi cũng chẳng đúng lắm. Lúc vận mệnh thay đổi, Hải Triều còn quá nhỏ. Những chuyện đáng lẽ phải xảy ra nếu Nguyễn Trãi còn sống giờ đều hư ảo như cầu vồng, bọt nước nên chẳng có gì đáng để hoài thương, tiếc nuối. Chỉ là… mẹ đã dành cả đời để yêu một người, nàng thực không cam tâm để người mẹ yêu mang nỗi ô nhục không dễ gì gột rửa. Bà vốn không thể cùng cha làm nên công danh sự nghiệp như tam phu phân, về sau hàng trăm, hàng ngàn năm nữa người ta cũng chẳng biết Phùng Thị Mai Loan là ai. Nhưng cái tình, cái nghĩa bà mang trên vai cả đời, Nguyễn Hải Triều là con gái bà, sẽ thay bà làm nốt. Không cần biết bằng cách nào, bàn tay này sẽ xóa đi nhưng oan uổng đó của cha, sẽ thay mẹ làm một điều gì đó cho ông.

Miết nhẹ ngón tay lên lớp gỗ, lên sợi dây độc huyền cầm, thiếu nữ nghiêng nghiêng đầu nhìn bóng mình đổ dài trên nền nhà dưới mái lầu bát giác. Nàng luôn sợ, sợ sẽ quên dáng vẻ của Mai Loan lúc chơi đàn, sợ sẽ quên mất những thanh âm duy nhất bà để lại, để nàng tin bà đã từng sống và bản thân nàng cũng thực sự đang sống. Một bản nhạc có thể làm giang sơn nở hoa, một khúc ca có thể làm đất trời đổ lệ, giang sơn của đào nương nằm cả trên một sợi dây đàn, Nguyễn Hải Triều tin thế, mong đợi thế nhưng nàng cũng hiểu, loại người như mình cả đời chỉ có thể tấu lên những khúc nhạc cô độc mà thôi. Những thanh âm tươi vui không phải thiếu nữ không thể chơi, chỉ là tự tận sâu trong tim hiểu rõ, vẫn luôn thiếu một chút thật lòng, vẫn chỉ là ánh sáng vào một ngày đông chứ chẳng hề mang dù chỉ là bóng dáng của mùa xuân trong trời đất.

***

Chiếc thuyền con nắm khuất lấp sau những cánh lá sen mọc xòe trên mặt hồ phẳng lặng. Nếu không phải vì mu bàn tay chợt ươn ướt nước, Tư Thành chắc cũng không nhận ra trời đang mưa. Nâng cuốn sách úp trên mặt lên, chàng lười nhác từ từ chui trở vào bên trong khoang thuyền, khơi ngọn đèn sáng thêm chút nữa. Lật thêm vài trang sách, tựa người vào thành gỗ, Tư Thành trầm tư, nhớ lại câu chuyện hồi hôm với Thụy An. Từ rất lâu rồi, không hẳn là quen hay không quen chuyện bản thân không có cha bên cạnh, chàng đã tự xác lập nguyên tắc không bao giờ nhắc đến Tiên đế trước mặt mẹ. Với bản thân mình, người mà đáng lẽ chàng phải gọi một tiếng “phụ hoàng” thực ra hoàn toàn xa lạ, đến cả chút hình ảnh, chút cảm xúc khi nghĩ về cũng không hề có. Cái kính cẩn mỗi lần nhắc đến chẳng qua cũng chỉ là một chữ “lễ” trong sách thánh hiền. Nhấp môi vào chén trà đã nguội lạnh, ánh mắt đen thẫm nhìn ngọn lửa cháy sáng trên đĩa, nhìn bấc đèn thỉnh thoảng lại lép bép lèo xèo mà chẳng hề rung động.

“Thụy An, Tiên đế với mẫu thân ta cuối cùng là thế nào?”

Khi Tư Thành hỏi vậy, hẳn nhiên người phụ nữ rất băn khoăn nhưng rồi cũng lựa lời nói hết những gì mình biết.

“Điện hạ, những chuyện bên trong nô tì không biết nên không dám nói. Hoàng đế đăng cơ, chuyện tam cung lục viện là lẽ bình thường, chuyện các vị chủ nhân các cung thỉnh thoảng có xích mích cũng là điều không lạ lẫm gì. Cung nhân phụng sự quan gia, quan gia ban ơn mưa móc rồi hạ sinh vương tử kế thừa đại thống, ái ân thật sự đến đâu chúng nô tì không dám nhiều lời nhưng chuyện nghĩa vụ, chuyện trách nhiệm thì là chắc chắn!”

“Là… trách nhiệm?” – Chàng lặp lại, nhếch môi cười. – “Nói cũng phải, người là Hoàng đế, đâu phải một người đàn ông bình thường. Là ta lại dùng cách suy nghĩ dân gian để đoán định rồi. Thụy An, vậy chuyện giữa Tiên đế và Nguyễn Thị Anh khi ấy là sao?”

“Điện hạ hẳn nghe đến cái tên Dương Thị Bí thân mẫu của Lạng Sơn vương rồi? Ban đầu, phụ hoàng người rất sủng ái Dương thị nhưng sau, rất nhanh thôi chuyển qua độc sủng Hoàng thái hậu bây giờ, chuyện gì cũng rất yêu chiều lệnh bà. Đương kim hoàng thượng khi ấy mới được hạ sinh chưa bao lâu đã được sách phong làm Hoàng thái tử, gạt Lạng Sơn vương ra khỏi Đông cung”.

“Là phế trưởng lập thứ. Sách phong đó đã có lần ta được nhìn qua, cũng có vài điểm đáng lưu tâm.” – Tư Thành lặng lẽ nói, nhớ lại lần vào Bí thư các cùng Bang Cơ – “Nguyễn Thị Anh gièm pha thân mẫu ta cũng chỉ là chuyện đàn bà tranh sủng mà bày ra một vở kịch lâm li quái dị. Mẹ nào chẳng thương con, bà ấy vì tính mạng của con trai mình mà xuống tay với kẻ khác, chuyện đó ta có thể hiểu được. Vấn đề nằm ở chỗ người tin vào vở kịch đó mà thôi!”

Đặt cuốn sách xuống, chàng chợt nhận ra ngón tay cái của mình trong vô thức đã bấm mạnh vào lòng bàn tay đến mức tạo ra một vệt hằn sâu. Hàng lông mày hơi nhíu lại, bờ môi hơi mím, nhưng giả có ai trông thấy biểu cảm ấy trên mặt Bình Nguyên vương cũng rất khó gọi tên thứ cảm xúc này của chàng. Thậm chí có khi người ta còn lầm tưởng Tư Thành đang suy tư vì điều gì đó trong sách vở không chừng.

“Điện hạ, nô tì còn nghe thấy một lời đồn này nữa, tuy không rõ thực hư nhưng xin người cũng lưu tầm. Trong cung có đồn… đương kim hoàng thượng không phải con đẻ của phụ hoàng người. Có người nói Hoàng thái hậu có thai trước khi nhập cung. Sau khi giết được đại nhân Nguyễn Trãi và phu nhân Nguyễn Thị Lộ vì hai người này can dự vào mâu thuẫn giữa thái hậu và Ngô Tiệp dư, lệnh bà đã hạ lệnh giết cả Đinh Thắng, Đinh Phúc là hai nội quan từng theo hầu Tiên đế. Nô tì biết hai người này giữ sổ sách ghi lại thời gian Tiên đế đến cung nào, lâm hạnh phi tần nào nên từ đó có thể tính ra chuyện hoài thai là thật hay giả”.

Nguyễn Xí, Đinh Liệt thì kín như bưng. Xem chừng hai người họ với Ngọc Dao đã có thỏa thuận ngầm càng để Tư Thành biết ít chuyện xảy ra năm xưa càng tốt. Đưa tay xoa xoa hai bên thái dương nhức nhối, cậu thiếu niên tựa đầu ra sau, mắt nhắm lại. Tự bản thân Tư Thành cũng thấy ngạc nhiên về mình. Chàng vốn không hiểu cảm xúc của bản thân thực ra là thứ gì khi biết năm xưa, chàng chưa ra đời đã bị chính phụ hoàng ra lệnh giết chết. Chàng càng không hiểu tại sao nghe những lời kinh thiên động địa từ miệng Thụy An xoay quanh huyết thống thực sự của Bang Cơ, bản thân lại càng dửng dưng hơn nữa. Giống như một bàn cờ cục diện đến lúc này đã rõ ràng, lẽ được mất hiện lên vốn chẳng liên quan đến mình nên bản thân cũng không có hứng thú can thiệp. Ngai vàng khi xưa là do Nguyễn Thị Anh lo xa, sợ chuyện phế lập ngôi vị Đông cung đã xảy ra một lần, với tính cách của Thái Tông rất dễ lặp lại thêm lần nữa nên mới nhanh tay dẹp bỏ cả chàng lẫn Ngô Thị Ngọc Dao. Nhưng luận thứ bậc, từ xưa đến nay, có tranh cũng chưa đến lượt chàng – đứa con út đến mặt mũi ra sao Thái Tông còn không biết, thân mẫu xuất thân không kém nhưng chẳng được lòng Tiên đế. Chuyện khiến Tư Thành băn khoăn chính là điều Thụy An nghe ngóng được, nói lại cho chàng cũng có thể đã lan đến tai người khác. Xét về động cơ, người có lợi nhất, cần những tin đồn ấy nhất chính là Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân – người anh trưởng Tư Thành chưa từng gặp mặt.

Thở ra chầm chậm, bàn tay chợt sờ lên ngực áo. Sau lớp vải gấm trắng là tớ giấy gấp tư cùng dải lụa nhỏ buộc tóc của cô gái nào đấy tên Hải Triều hãy còn vương mùi hoa bưởi. Tiếng cá quẫy nước, hương hoa sen phảng phất hư hư thực thực trong khói sóng khiến Tư Thành nổi nhã hứng, chầm chậm mở bức tranh kẹp cùng bài thất ngôn bát cú của mình dạo trước ra xem. Bút pháp mờ ảo vẽ lại một hồ sen hồng cùng câu thơ họa lại câu kết trong bài thơ Tư Thành chấp bút. Một đằng là “Mười trượng hoa thì mười trượng hương”, một đằng lại viết “Ngàn dặm hồng hoa, ngàn dặm hương” cũng kể là ý vị, nên thơ. Nét chữ ấy tuy không quá thanh thoát, đẹp đẽ nhưng ngay ngắn, rõ ràng. Xem ra người hạ bút là một cô gái đơn giản, không mấy khoa trương. Ý nghĩ đang miên man chợt ngắt quãng vì vọng đến âm thanh của một bản nhạc. Qua vài nốt ngân, cuối cùng Tư Thành cũng nhận ra đó là âm sắc của cây độc huyền cầm.

Thứ thanh âm trầm, rung rung tha thiết có thể họa ra chiều sâu lẫn bề dài của không gian, có thể nhuốm sầu lên cảnh vật vẳng đến trong tiếng gió nhè nhẹ như hơi thở. Bản nhạc này nghe thì lạ nhưng lại là quen, trong dân giản chẳng phải vẫn đồn đại đây là khúc nhạc năm xưa Nguyễn Trãi và Nguyễn Thị Lộ cùng ứng tác sao? Sờ đến thắt lưng, Tư Thành thở ra tiếc nuối vì không mang cây sáo theo bên mình, để cùng hòa âm với khúc nhạc đang giăng ra muôn nghìn sợi tơ mỏng mảnh hệt như tơ ngó sen, càng kéo càng dài ấy. Với người bản tính hiếu kì như Lê Tư Thành, có thể kiên nhẫn đến hết khúc nhạc rồi mới lặng lẽ xuất hiện để xem ai là người diễn tấu đã là một điểm đáng ngạc nhiên. Lúc ấy, chàng đã nghĩ việc mình để quên sáo có khi lại là một điểm hay. Khúc nhạc là tâm sự của người, đột nhiên chen vào có khi lại là thất thố. Sau những đóa hoa sen đương tàn, sau những phiến lá xanh thẫm lại dưới trăng là bóng một thiếu nữ ngồi dưới lầu bát giác. Nàng ngừng tay, đặt cây độc huyền cầm sang bên, suy nghĩ gì lâu lắm rồi mới chầm chậm châm trà vào chén, chầm chậm thưởng thức mùi hương dưới cánh mũi, thong dong đến độ làm thời gian sánh đặc lại.

Ông lão cho Tư Thành thuê thuyền đã lắc đầu lè lưỡi vì thú vui của chàng vào cái ngày ma quỷ đi lại nghênh ngang này. Chàng không tin vào quỷ thần, nếu quỳ thần có thể thanh nhã được nhường kia thì đây coi như một cuộc hội ngộ thú vị. Bắc loa tay, cậu thiếu niên nói lớn:

- Tiểu thư, trăng đêm nay đẹp như vậy, người độc ẩm[9] thưởng lãm cảnh sắc không phải quá đáng tiếc sao?

[9] Uống trà (rượu) một mình.

Mấy ngón tay cầm chèn trà hơi run lên. Hải Triều quay đầu tìm kiếm, nheo mắt nhìn ra con thuyền nhỏ với một người mình vận áo trắng đang chăm chú nhìn mình, trong đầu chỉ có duy nhất một ý nghĩ: “Ma cũng mạnh miệng nhỉ?”. Dù có là người hay âm hồn bất tán gì đi chăng nữa, nàng không có hứng cũng sẽ không tiếp, càng không mở lời đáp lại để họ được thể lấn tới. Thong thả thưởng thức chén trà ấm nóng của mình, sự phớt lờ của Hài Triều xem ra không ăn thua gì với nam nhân đó.

- Ta cũng có trà, có thể cùng tiểu thư đối ẩm được không?

Dáng vẻ phong nhã phóng khoáng ấy khi Tư Thành khoát tay, xách cái ấm đất lên rót vào cái chén thô kệch trong tay mình rồi kính cẩn hướng về phía Hải Triều như có ý mời khiến nàng chú ý. Đôi môi điểm nhẹ một nụ cười, nàng cũng lịch sự nâng chén về phía người ấy. Tuần trà chưa hết, thiếu nữ đã mang cây đàn rời đi, vẳng lại trong đêm thanh vắng là lời của vị khách lạ:

- Dù tiểu thư là người trần, tiên nữ hay ma quỷ, ta cũng rất vui vì đêm nay gặp gỡ được người. Cây độc huyền cầm đó… mong còn ngày tái ngộ.

Quá nửa đêm Tư Thành mới thong thả chèo thuyền về phía Thi đình. Bộ đồ trà vẫn còn nguyên đó nhưng ấm chén chỉ còn vương lại chút xíu hơi ấm. Tựa người vào cây cột gỗ, mượn ánh trăng, chàng lẩm nhẩm đọc bài thơ xem chừng là của cô gái ban nãy để lại trên mặt bàn đá:

Tiêu dao nguyệt hạ uổng huề cầm

Sơn thủy bằng thùy giải ngũ âm

Kim nhật tương phùng nguyện cựu ước

Hà khâm cô phụ tích nguyên tâm.[10]

[10] Bài thơ trích theo thần tích xã An Lão, huyện Vũ Thư, Thái Bình trong tác phẩm Nguyễn Trãicủa Bùi Văn Nguyên (NXB Văn hóa – 1989), thường được dùng để nói về mối duyên tình tiên đồng – ngọc nữ giữa Lê Thánh Tông Lê Tư Thành và Trường Lạc hoàng hậu Nguyễn Thị Huyên.

Dịch thơ:

Hoài công dưới nguyệt ôm cầm

Nước non ai thấu tri âm cho cùng?

Thề xưa nay mới trùng phùng

Tình ai há nỡ phụ lòng năm xưa.”

Một nụ cười thoáng qua khi Tư Thành đọc lại những vẫn thơ ấy. Chàng nói khẽ:

- Là đợi cố nhân dưới ánh trăng sao?

Nguyễn Hải Triều từng mong có thể tránh được nhân duyên để đừng trở thành một người giống Mai Loan. Nàng luôn nghĩ mình không đủ can đảm để sống một cuộc đời như thế. Nhưng sư cụ ở chùa Huy Văn khi nghe thấy điều thắc mắc ấy đã cười, bảo rằng: “Nhân – quả một chuỗi vô cùng. Trong nhân có quả, trong quả có nhân. Mỗi điều con làm vừa là quả của điều gì phía trước, vừa là nhân của những chuyện phía sau, sao có thể nói tránh duyên là tránh được. Huống hồ kiếp trước, kiếp trước nữa phải có tu thì kiếp này mới được một lần gặp gỡ, chớ nên để uổng phí!”.

Cái gì là nhân?

Cái gì là quả?

Chuyện Hải Triều hết lần này đến lần khác gặp người ấy, đâu là nguyên do? Gặp rồi, đi đến hết cả một kiếp người, vậy quả trong tay nàng cuối cùng là thứ gì?