Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 12 - Phần 1
Chương 12: Cảnh vắng
- Bẩm cô, nước ngâm tay đã được chuẩn bị xong ạ!
Hai con bé người ở thưa xong liền đẩy cửa, lễ mễ bưng vào hai chiếc thau đồng đựng đầy thứ nước màu cánh gián được nấu bằng những vị thuốc bắc tốt nhất cùng với nước hoa cúc. Nước ngâm không phải chỉ để cho thơm tho, cho bàn tay mười ngón mềm mại như lụa, thầy Nguyễn nói ấy còn là để cho quan viên hiểu tấm thịnh tình, sự nghiêm cẩn của các đào nương mỗi khi so dây đàn, tiếp khách[1]. Một ngày ít nhất hai bận ngâm tay: trước giờ luyện tập buổi sáng và trước mỗi canh hát hầu. Ấy đã thành cái lệ từ bao đời. Khoảng thời gian yên tĩnh như khi tọa thiền lúc Hải Triều và Kim Oanh nhắm mắt, buông lỏng bàn tay trong thứ nước thơm ấy chậm chạp trôi qua làm hai đứa bé mỏi chân lắm nhưng vẫn phải kiên nhãn đứng đợi sai bảo.
[1] Theo nghệ nhân Hà Thị Cầu.
Nhìn những hạt nước nhỏ xuống từ đầu ngón tay mình, Hải Triều nhẹ đứng dậy, trút bỏ bộ đồ bên ngoài. Cái yếm lụa điều cổ tròn ôm lấy khuôn ngực đầy đặn, phô ra tấm lưng thon trắng nõn. Nàng đưa tay xếp hai đầu dải yếm vắt qua vai. Con bé người ở giúp Hải Triều mặc thêm một lượt rồi lại thêm một lượt áo, kết thúc bằng chiếc áo sa đen mỏng mảnh phủ ngoài áo tứ thân bằng lụa cũng màu điều. Thoắt cái sắc đỏ rực đến nhức nhối chợt trở nên đằm thắm, huyền ảo lạ lùng. Sợi xà tích bách hoa, chiếc kiềng bạc nơi cổ, đôi dép mũi cong ẩn dưới chiếc váy lĩnh hoa chanh. Thức đồ nào tinh vi quý giá, rồi the La, lĩnh Bưởi, chồi Phùng, lụa Vân Vạn Phúc, nhiễu vùng Mỗ bên[2] chẳng phải thứ chỉ ra vào chốn nhà cao cửa rộng, dành riêng cho các bậc tiểu thư quyền quý. Nhìn qua phục sức trên người cũng đủ biết các cô đào ăn sung mặc sướng ra sao, nào có thua chị kém em bao giờ. Một canh hát phong hoa tuyết nguyệt, nhưng người tham gia vào cuộc vui ấy cũng phải bỏ công tốn sức không ít, để là chơi nhưng là chơi lấy sang, lấy đẹp, lấy cái ý vị sâu xa.
[2] (Ca dao) Tên các loại vải nổi tiếng.
Người ta mê tiếng đàn tì bà của Kim Oanh, mê mẩn dung mạo mặn mà, sắc sảo ấy bao nhiêu thì lại càng chú tâm đến thiếu nữ đi cùng nàng bấy nhiêu. Đứa bé gái lặng lẽ, mờ ảo như cánh hoa mỏng dưới trăng thoắt trưởng thành, khiến người ta không khỏi ngỡ ngàng vì thời gian thấm thoát đưa thoi. Hải Triều là một sự đối sánh hoàn mỹ với Kim Oanh, trong vắt như nước, mềm mại như lụa, nửa thực nửa hư. Cười đấy, mắt liếc lúng liếng đấy nhưng đưa tay ra khách quan mới thấy mình ngô nghê, ngốc nghếch khi cố chụp bắt một màn sương mỏng.
- Đại nhân, đứa bé này… khá chứ ạ? – Kim Oanh cười tươi, ngọt ngào rót đầy chén rượu giữa những ngón tay lơi lỏng của người đàn ông ngồi cạnh. Nàng không cần như mấy ả đào rượu ngả nghiêng dùng thân xác để mê hoặc lòng người, chỉ cần giữ chút khoảng cách, một ánh nhìn, một lời nói cũng đã khiến người ta mê đắm
Trong ánh nến nhàn nhạt, trên chiếc chiếu hoa trải trên phản gỗ lim đặt trong Lan đình, Hải Triều ngồi xếp bằng, bên cạnh là anh kép Thuận, bên kia là quan viên cầm chầu, chốc chốc lại dùng roi chầu đánh mạnh xuống mặt trống những tiếng toong toong cắc toong toong vang vọng tứ bề, rất đanh, rất đắc ý. Tiếng phách gỗ trơn nảy lách cách, tiếng đàn đáy lúc khoan lúc nhặt, lúc lại thẳm sâu cùng giọng hát rung rung, ém hơi vào trong thuần thục khiến khách quan được khoản đãi trong Lan đình nhắm mắt mà thưởng thức, phiêu theo những vần thơ họ đã thuộc nằm lòng.
“Bến Tầm Dương canh khuya đưa khách
Quạnh hơi thu lau lách đìu hiu
Người xuống ngựa, khách dừng chèo
Chén quỳnh mong cạn, nhớ chiều trúc ti…[3]”
[3] Tỳ bà hành – Bạch Cư Dị.
- Trước chỉ nghĩ tại Đông Kinh có mình nàng hát Tỳ bà hành là hay nhất. – Vị đại nhân mình mặc áo gấm được Kim Oanh hầu rượu he hé mở mắt, nói: – Nhưng giờ xem ra cô bé này đúng là hậu sinh khả úy rồi… Ta thưởng cho ngươi.
Nhìn thẻ tre trong tay người đàn ông, Hải Triều chỉ liếc qua gương mặt ấy rồi hướng ánh mắt hơi chếch xuống dưới, lễ phép đưa tay ra nhận:
- Đa ta đại nhân ban thưởng.
Tấm thẻ trẻ vừa mỏng vừa nhẹ, là phần thưởng, cũng là tiền. Khách chơi đổi bạc lấy thẻ để thưởng cho đào nương. Đào nương lại đổi thẻ tre ra tiền để sinh sống. Trong cuộc vui này, tuyệt đối không được có mùi tiền bạc thô lậu, không được đem những đồng xu ra để sánh với âm nhạc của đào nương.
- Tôi nghĩ trùm Tuân phải đổi tên dãy nhà sau ở giáo phường Khán Xuân đi thôi. Đổi thành lầu Đồng Tước mới xứng. – Có người lên tiếng, cười cười nâng chén rượu về phía hai cô đào – Chẳng phải giờ Khán Xuân đã có nhị Kiều sao? Là Đồng Tước xuân thâm tỏa nhị Kiều[4]. Đại Kiều của Đông Kinh nhất định phải là Kim Oanh, Tiểu Kiểu chẳng phải sẽ là nàng sao?
[4] Nhị Kiều: tức Đại Kiều, vợ của Tôn Sách, và Tiểu Kiều, vợ của Chu Du. Cả hai đều là những mỹ nhân. Khi Khổng Minh khích Chu Du đánh Tào Tháo, có nói rằng: Tháo thường nói xây đài Đồng Tước để khi chiếm được Đông Ngô, sẽ bắt Đại Kiều và Tiểu Kiều về ở đây để mua vui lúc tuổi già.
Hài Triều nhìn thấy cánh tay vươn ra định kéo mình lại trêu đùa của nam nhân ấy liền làm bộ như thẹn, lùi lại sau lưng Kim Oanh. Thấy dáng vẻ đó, cô đào Oanh liền cười ngay, khỏa lấp sự ngượng ngập chợt thoảng qua:
- Đại nhân quá lời rồi. Kim Oanh sắp thành con hát già, đâu dám nhận là Đại Kiều, càng không dám sánh với tiểu mỹ nhân này. Ngọc Huyên tóc chưa cài trâm, xin các vị để từ từ cho em nó lớn hẵng!
- Giọng điệu này… hóa ra Kim Oanh cũng biết giận dỗi sao?
- Kim Oanh cũng chỉ là đàn bà con gái thôi. – Cô làm bộ quay đi, đưa tay tần ngần nghịch lọn tóc, thờ dài, chau mày một cái. – Thấy đàn em được khen như vậy, lòng sao không sinh chút hoài thương thuở xuân xanh chứ?
- Cái miệng này đúng là ngọt như đường ấy!
Hải Triều đừng hầu cạnh Kim Oanh, dáng vẻ ngoan ngoãn, nhu mì nhưng gần như mọi việc không hề lọt khỏi đôi mắt đen thẫm ấy. Trùm Tuân đã dạy, con hát không phải chỉ biết mỗi việc đàn ca, điểm trang sao cho hoa nhường nguyệt thẹn, mà học vấn không được thấp để đến mức nghe các vị đại nhân nói chuyện văn chương mà ngây ra như phỗng, không bình được nổi một câu. Loại người nông cạn như vậy ai còn thích được nữa. Không được lộ ra cái phong lưu thô tục, nhưng lại phải thực sự phong lưu để nên nỗi người ta đã mê thì không dứt được, ấy là cái lẽ của các cô đào. Hát đã hay nhưng lời nói phải thâm sâu khó dò, nửa đùa nửa thật, đàn bà bí ẩn một chút, khi ngây thơ, lúc lại chín chắn làm người ta không biết đâu mà lần, cứ thế bị cuốn vào. Đó là nghệ thuật để kiếm cơm, nhiều người cho là hay nhưng cũng lắm kẻ cho là dở. Có khi vì vậy nên Kim Oanh chưa bao giờ để Hải Triều tiếp khách. Dù ngoài miệng có nói ra hay không, trong mắt chị, cô bé này trước sau vẫn là tiểu thư khuê các, những việc chốn rừng son núi phấn này tuyệt không được làm.
- Xinh đẹp, giỏi giang cũng để làm gì? – Nhìn chén rượu được rót đầy tràn trong tay mình, đào Oanh cau mày. Mỹ nhân mỉm cười đã làm khuynh thành khuynh quốc, mỹ nhân u buồn còn khiến bao người ngẩn ngơ. – Hồng nhan bạc phận, hồng nhan bạc phận cả thôi. Năm xưa đến cả Lễ nghi học sĩ như vậy còn chết cả một đời má hồng, huống hồ Kim Oanh chỉ là một đào hát.
Mấy vị đại nhân trong Lan đình nhìn dáng vẻ sầu thảm đó của cô gái, người cười, người xì xầm bàn tán. Vị đại nhân rót rượu cho nàng tự nhấp môi vào cái chén trong tay mình, trầm ngâm một hồi rồi nói:
- Ta biết Thị Lộ làm không ít người dưới gầm trời này thấy vẻ vang thay cho phái nữ. Nhưng nói xuôi nói ngược, đó vẫn là nghịch thần tặc tử của triều đình, sau này nàng chớ nhắc lại cái tên này như vậy rồi chuốc họa vào thân… Đời người như bóng câu, chớp mắt một cái cũng mười bốn, mười lăm năm rồi.
- Tài học của bà Lộ không biết sau này có ai vượt qua được không. Năm xưa đôi phu thê ấy ra vào trong cung thật làm nhiều người ngưỡng mộ. Ai ngờ đâu được trọng dụng như thế, cuối cùng lại…
- Được tin dùng, được trọng vọng đã chắc là hay? Chỉ tổ thành mục tiêu cho người ta nhắm đến. Vụ án Lệ Chi Viên đó, khổ nhất chỉ có cố Hành khiển Nguyễn Trãi thôi. Khi không lại bị thiếp yêu lôi vào cái tội trời tru đất diệt. Đúng là hồng nhan họa thủy.
Lúc trà dư tửu hậu, xung quanh chỉ có đám con hát, chỉ cần khéo gợi chuyện là những việc muốn nghe đều có thể nghe được ít nhiều. Kim Oanh biết thế nên đã buông lời, giúp cô tiểu thư của mình nghe ngóng thêm chút chuyện. Vừa rót rượu, vừa gật đầu hầu chuyện khách quan, đôi mắt chị liếc nhìn vẻ mặt bình lặng của thiếu nữ. Hải Triều ngầm đoán sau những lời than thở ấy, mấy vị khách của mình lại sắp xoay ra câu chuyện rắn báo oán đến giờ vẫn kinh động Đông Kinh.
- Nhiều khi việc là vậy nhưng chưa chắc đã là vậy. – Có người chen vào, chén rượu trong tay vung tít lên trong cơn say. – Đại nhân Nguyễn Trãi cũng đắc tội với đâu ít người giữa chốn quan trường. Tự nhiên bà Lộ vướng vào chuyện ấy, ông không bị liên đới mới là lạ!
- Chưa kể vợ chồng Ức Trai tiên sinh cũng có liên quan đến xích mích hậu cung của Tiên đế, thì là chuyện giữa Ngô Tiệp dư với…
- Chúng ta cũng chỉ là người ngoài, việc không rõ chớ nói càn. – Vị đại nhân ngồi cạnh Kim Oanh thấy câu chuyện bắt đầu đi quá xá liền đập mạnh chén rượu trong tay xuống, nói át đi – Đến cả nguyên lão tam triều, đại thần khai quốc như Đình thượng hầu Đinh Liệt hay Thiếu bảo Nguyễn Xí còn chưa lên tiếng, người như chúng ta nên giữ miệng giữ thân thì hơn.
- Nói đến Đình thượng hầu… năm xưa, người làm chánh án xử Hành khiển Nguyễn Trãi chẳng phải chính là ngài ấy sao? Cùng là bằng hữu theo Thái Tổ phục quốc, cuối cùng lại phải tự tay xử chết đồng liêu của mình, thật khó nghĩ.
Hàng lông mày của thiếu nữ kín đáo nhướn lên. Mấy khớp ngón tay thoáng trắng bệch khi nàng dùng sức nắm chặt cỗ phách gỗ trong tay. Hàm răng nghiến mạnh một cái trước khi Hải Triều mỉm cười, rót thêm rượu cho khách quan.
- Không nói chuyện tiền nhân nữa. Để em rót thêm cho các ngài! – Kim Oanh cười, đuôi mắt cong xuống vờ như đã chán chuyện chính trị của mấy người đàn ông.
Đặt thẻ tre vào trong cái tráp khảm trai, Hải Triều giao vật ấy cho con bé người ở rồi lặng lẽ đi theo sau Kim Oanh khi canh hát đã tàn. Khách khứa vẫn còn ở lại trong Lan đình nói thêm chút chuyện, nhưng vị đại quan chủ trì bảo việc của mấy cô đào của giáo phường Khán Xuân đến đây là xong. Xem chừng họ còn bàn bạc riêng điều gì nhưng không muốn để người ngoài biết nên mới làm vậy. Gió thổi làm hai chiếc võng điều đợi sẵn để rước hai cô về đung đưa. Nhìn ánh trăng lay động trên mặt sân gạch, Hải Triều thầm suy tính, sắp xếp lại hết những điều nghe thấy suốt mấy năm trời ở Đông Kinh của mình.
- Cô Kim Oanh về rồi sao? – Tiếng người thanh niên vang lên trong cơn gió xào xạc lá cành làm hai cô gái ngẩng lên. Người cất lời chính là Lê Đắc Ninh, hình như làm đến chức chi huy giữ cấm binh trong cung thì phải. Một lần gặp gỡ ở hội hát xuân, cuối cùng người ấy trở thành khách quen của giáo phường.
- Đại nhân đến rồi. Tiếc quá, giờ em phải về. – Kim Oanh cười đáp lại không phải bằng nụ cười chị vẫn hay phô ra khi tiếp khách. Bớt lộng lẫy đi một chút, bớt suy tính đi một chút, cảm giác hiền lành yên ả, lại thêm chút bén lẽn ấy làm Hải Triều thấy thích hơn nhiều.
Tặc lưỡi một cái, Đắc Ninh nhìn trời rồi quay sang:
- Vậy hẹn nàng lần khác tiếp tục khúc nhạc của chúng ta.
Chiếc võng điều đung đưa theo nhịp bước của phu khiêng. Xếp lại tà ào trong lòng, bất chợt Kim Oanh lặng lẽ mở lời:
- Huyên, đã bao giờ em nuối tiếc chưa?
- Nuối tiếc chuyện gì mới được chứ ạ?
- Cuộc đời lúc trước.
Kim Oanh thực sự thấy tiếc, thấy oán thay Hải Triều. Nếu không phải vì mưu ma chước quỷ, cô bé đó có thể bình yên lớn lên, trở thành kim chi ngọc diệp người người theo đuổi. Hôm bữa, anh kép Thuận bảo riêng với nàng rằng: “Chữ nghĩa của tôi có bao nhiêu đã dạy hết cho Ngọc Huyên rồi. Giờ người có thể bảo ban con bé thêm chỉ còn có thầy Nguyễn thôi. Kể cũng tiếc thật, giả mà được sinh ra trong gia đình có tí danh tiếng, không chừng có thể thực sự trở thành bậc quốc sắc thiên hương!”.
- Em không biết cuộc đời đó như thế nào thì sao mà tiếc được chứ? – Hải Triều nghiêng đầu, cười nhẹ. – Chị Oanh này, trong phủ Đình thượng hầu Đinh Liệt có một vị phu nhân rất giỏi hát ca trù đúng không? Em nghe đâu là… nhất phẩm phu nhân Minh Nguyệt thì phải?
- Huyên, em lại đang nghĩ đến đâu rồi đấy? – Kim Oanh cảnh giác khi thấy nàng đánh trống lảng.
Ở giữa chốn quan trường, việc hiềm khích, chia bè kéo đảng không phải điều gì lạ lùng. Những lời hôm nay mấy vị đại nhân nói ra đều khớp với những gì Hải Triều từng nghe thấy về mâu thuẫn của cha mình với đồng liêu nảy sinh từ thời kháng chiến ở Lam Sơn rồi dây dưa đến thời ông làm quan dưới triều Thái Tổ rồi Thái Tông. Nguyễn Trãi là văn thần, dâng Bình Ngô sách với kế tâm công[5] mà được Thái Tổ tin dùng, tuy được dự bàn việc quân, viết thư thảo hịch nhưng xét công trạng lại chẳng bằng được võ tướng xông pha nơi hòn tên mũi đạn.
[5] Đánh vào lòng người.
Luận công ban thưởng người cũng chỉ được Thái Tổ xếp đứng thứ tám trên chín bậc phong, ban đến tước Quan phục hầu nhưng sau cũng bỏ sang bên. Giang sơn được võ tướng uy dũng lấy lại từ trên lưng ngựa, bằng gươm bằng kiếm, hẳn nhiên về sau những người ấy dựa công trạng mà lấn át văn thần chiếm thiểu số cũng là điều dễ hiểu. Hoàng đế trước cục diện ấy ngả theo phe công thần võ tướng đang lên để không làm nội bộ triều đình xung đột, giúp củng cố xã tắc lại là điều càng dễ hiểu hơn nữa. Nói đâu xa, như ở giáo phường Khán Xuân chẳng hạn, Kim Oanh là cô đào sáng giá nhất, một canh hát mang về không biết bao nhiêu thẻ tre. Giả như chị có chèn ép đám con hát ít tuổi hơn, hay gây ra chuyện thị phi gì, hẳn ông trùm Tuân cũng vì danh tiếng, vì lợi lộc chị mang lại mà mắt nhắm mắt mở cho qua những chuyện um sùm ấy. Lợi ích luôn là thứ không thay đổi, còn anh em, quân thần gì cũng có thể gạt hết sang bên. Ai không như vậy tất nhiên sẽ làm số đông ngứa mắt mà tìm cách trừ khử, thế thôi.
Hải Triều tin Mai Loan nhưng nàng cũng biết tin là chưa đủ. Cuộc đời này đã có quá nhiều điều mờ ảo, một lần thôi, chỉ riêng chuyện này thôi, thiếu nữ muốn tận tai nghe, tận mắt nhìn để cảm thấy dù chỉ là chút lay động của cái gọi là tình thân.
***
- MẤY CON ĐIẾM NÀY, CHÚNG MÀY HÙA VÀO VỚI NHAU MỒM LOA MÉP GIẢI ĐÓ PHỎNG?
- Phu nhân, xin người tự trọng! – Kim Oanh nhẫn nhịn thưa. Dưới chân chị, chiếc lọ sứ men xanh vỡ nát đến độ người ta không hình dung nổi lúc trước dáng vẻ xinh đẹp của nó vốn là thế nào.
- Lại còn già mồm! – Người phụ nữ mới ngoài hai mươi mắt long sòng sọc chỉ tay vào thẳng mặt mấy cô đào, đay nghiến: – Cái lũ mèo mả gà đồng chúng mày chỉ giỏi đong đưa thôi, tranh vợ cướp chồng của người khác là hay lắm đấy phỏng? Lôi con Phượng ra đây cho bà, không đừng trách bà không nể mặt.
- Ông trùm đã để phu nhân lục soát cả giáo phường Khán Xuân rồi, người cũng thấy rõ quả thực phu quân người không hề đến đây. Giáo phường có lề thói của giáo phương, con hát cũng có quy định của con hát, chúng con quả thực không làm gì trái lẽ với khách quan chứ đừng nói đến…
Hải Triều chầm chậm cất lời nhưng người trước mặt hoàn toàn không có ý muốn nghe nàng nói mà phăm phăm bước qua cơi trầu bị ném xuống, nằm chỏng trơ trên sàn, giẫm nát những miếng trầu têm cánh phượng mới lúc trước còn đẹp đẽ.
- Phu nhân, giữa trưa người đã đến chốn này làm ầm lên như vậy có phải hơi… – Phượng đứng tựa vào thành cầu thang, làm bộ ngáp dài một cái như thể ngủ chưa đủ giấc. Xiêm áo trên người cô tề chỉnh, mái tóc đen giắt chiếc kim thoa bằng bạc trắng hình hoa mai khảm những viên đá màu hồng phơn phớt bé xíu. Dáng vẻ này rõ ràng là muốn chọc tức người đối diện.
- Mày giấu chồng bà ở đâu? – Người phụ nữ tay chống hông, nói lớn.
- Phu nhân, người là vợ ngài ấy còn không biết thì một con hát như con biết sao được? Ở khắp Đông Kinh này có biết bao nhiêu giáo phường, người lại chỉ tìm ở Khán Xuân, người xem, chúng con phải trả lời thế nào cho phải? Chồng phu nhân là thương gia, thương gia vốn phong lưu nay đây mai đó, con cũng chỉ là một bông hoa thôi, sao quản hết được!
Thấy cũng đã đuối lý, người đàn bà mặt mũi đỏ phừng phừng lia đôi mắt hẹp đầy thù hằn của mình nhìn khắp lượt đám người đứng trong nhà khiến mấy cô đào ít tuổi sợ hãi luống cuống. Phất tà áo tứ thân bằng gấm thượng hạng, chân mới bước được qua cửa đã ngừng lại khi vang lên sau lưng tiếng người lảnh lót:
- Phu nhân đi thong thả. Người muốn tìm ông nhà thì nên đến chỗ các cô đào rượu chứ đào hát thì chỉ được hát, được nói thôi. Những chuyện mà người đang nghĩ… chúng con… không dám làm. Mà kể có làm thì cũng là khách quan trả tiền, khách quan ép thế, thân con gái chống lại sao được.
- Mày…
- Người chửi cũng đã chửi rồi nhưng cái nghề này nó là vậy. – Cô Phượng cất tiếng lanh lảnh, đôi mắt sắc long lanh hàm ẩn ý cười khi cô đưa tay vuốt nhẹ lọn tóc đung đưa. – Lẳng lơ thì cũng chẳng mòn. Chính chuyên cũng chẳng sơn son để thờ[6]. Đi đôi co với đám con hát lẳng lơ như thế, thân là phu nhân đoan chính của đại gia buôn gạo nhất nhì đất Đông Kinh, e rằng không đáng.
[6] Ca dao.
Cái chuyện ồn ào đó đến nhanh mà đi cũng nhanh, sớm đã trôi vào quên lãng thì kinh thành vào thu.
Chớp mắt đã đến tháng bảy mưa dầm sùi sụt. Tháng bảy mưa Ngâu, là tháng cô hồn sầu thảm nên việc ở giáo phường Khán Xuân cũng vãn, các cô đào, kép đàn tranh thủ về quê dăm bữa nên tứ bề xung quanh chợt trở nên yên ắng hơn lúc bình thường. Hải Triều đừng tựa vào khung cửa gỗ, nhìn màn mưa lác đác, nhìn những giọt nước thi thoảng nhỏ xuống từ rìa mái ngói nom như nước mắt. Người ta bảo mưa là nước mắt của trời, là nước mắt của ông Ngâu bà Ngâu vào ngày đoàn tụ, thế nên Thất tịch dễ làm người cô đơn thấy buồn thương, hoài niệm.
Phu thê đoàn viên vào một ngày mưa…
- Em thực sự định đến tìm Đình thượng hầu? – Kim Oanh nhỏ giọng nói, phá vỡ bầu không khí tĩnh lặng giữa hai người.
- Cô Đào Thịnh đã nghe ngóng được cho em rồi. Có một số chuyện em muốn biết rõ nên là… Chị yên tâm, em sẽ không để liên lụy đến ai đâu.
Nhìn nụ cười trấn an trên môi nàng, Kim Oanh thở dài:
- Chị không nói chuyện liên lụy… Phu nhân muốn em sống thật bình yên, có nhất thiết phải bới tung những chuyện quá khứ lên không?
- Chuyện đã qua đó có chút liên quan đến em. – Nàng ngồi xuống chiếc phản, nắm nhẹ lấy đôi tay đang têm trầu của Kim Oanh, mỉm cười tươi tắn. – Những chuyện của mình, những chuyện của mẹ, em muốn biết thật rõ.
- Chị vẫn nghĩ bàn tay này của em chỉ nên cầm bút, chỉ nên chơi đàn… – Kim Oanh thở dài, miết nhẹ lên lòng bàn tay của Hải Triều. – …những chuyện cầm kiếm, học võ thực sự không tốt lành gì đâu.
Là nàng suốt ngần ấy năm bao che cho con bé. Hải Triều khi đến Đông Kinh chỉ xin Kim Oanh giúp cho hai việc: học chữ và học võ như mong muốn lúc sinh thời của Mai Loan. Mũi kiếm sắc ấy làm cô đào sành sỏi thầm đoán ra những dự liệu trong đầu thiếu nữ, đoán ra nhưng không dám cản.
- Chị có thấy vị công tử thỉnh thoảng đi cùng Tô Mộc đến chỗ chúng ta có chút khác thường không? – Hải Triều vừa nói vừa đặt sáu miếng cau bổ đều chằn chặn vào cơi, ánh mắt chợt như hồi tưởng.
- Ý em là người Tô Mộc gọi là… Lê… Lê Tuấn? – Kim Oanh cau mày. – Cũng giống như những vị công tử tuổi thiếu niên khác thôi. Tính tình dễ chịu, cư xử hòa nhã nhưng khí chất thì…
- Khí chất bình thường, chính thế nên em mới thấy lạ. – Nàng định nói gì thêm nhưng lúc đó, từ trên lầu vang lên tiếng người cười nói sặc mùi rượu nồng say khướt.
- Ta muốn ở lại với nàng.
- Đại nhân… vui chơi như vậy là đủ rồi. Hôm nay là ngày Thất tịch, không nên lưu lại chốn này. Đừng để em mang tiếng xấu với phu nhân đang đợi ngài ở nhà.
- Ta không… không muốn…
- Ngài còn không biết tính em sao. Em đã nói không là không. Hẹn ngài hôm khác! – Phượng cười nhưng trong đáy mắt tuyệt nhiên không thấy dù chỉ là một chút ấm áp hay coi những lời mình nói ra vừa nãy chỉ là nói cho có.