Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 10 - Phần 2

Bức tranh thêu căng trên tấm bình phong rung rung trong cơn gió bấc. Hạ Liên sai cung nữ đi kiểm tra lại các cửa sổ, buông thêm rèm để khí lạnh không tràn vào phòng rồi quay lại, đấm bóp hai vai cho Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Cô im lặng mãi rồi cũng mở lời, nói ra những suy tư trong lòng:

- Lệnh bà, người thực sự quyết định như vậy sao? Mới hôm rồi người còn sai nô tì đi gọi thủ hạ ở Lạng Sơn về bẩm báo…

- Ngươi nghe hết rồi đấy thôi. Sức đàn bà đến đây đã tận, quan lại trong triều giờ một mặt kiêng nể ta, một mặt nhìn gương Nguyễn Xí, Đinh Liệt mà làm theo, ta không còn nhiều mối quan ngại nữa. Đám tép riu có ý định can qua đều là những kẻ có miệng nói nhưng không có gan làm, từng có ý đợi những bậc đại quan cây cao bóng cả lên tiếng dẹp mẹ con ta trước rồi hùa theo đó, té nước theo mưa. Nay Trịnh Khả, Trịnh Khắc Phục đều đã chết. Hai vị đại thần quyền cao trức trọng tên Xí, tên Liệt lại không khuấy động triều chính, một lòng phụng sự Hoàng thượng là đủ để trấn áp triều đình rồi. Ta không cần biết họ có phục mình hay không, ta chỉ cần họ trước sau một lòng với quan gia là đủ.

- Người tin? – Hạ Liên nhanh tay rót trà nóng ra chiếc chén ngọc, dâng mời Tuyên Từ.

- Ta tin họ như tin Ngọc Dao. – Người đàn bà mỉm cười, ánh mắt điềm nhiên nhìn xuống mặt nước lặng trong chiếc chén. – Khúc mắc cá nhân giữa ta và hai vị ấy không giải quyết được, nhưng họ đều là bậc chính nhân quân tử. Đang yên đang lành, Hoàng thượng lại được tiếng nhân từ quảng đại, họ dù có căm ghét ta cũng sẽ không mưu chuyện phế lập không có nguyên do. Hơn nữa, muốn làm việc ấy thì phải có người để tôn phò. Tân Bình vương không cần xét đến. Cậu ta và mẫu thân đã biết nhìn trước ngó sau mà an phận thủ thường thì ta cũng mở cho một con đường sống. Còn… Bình Nguyên vương… đứa trẻ này thực sự rất thú vị. Khí chất hơn người, dung mạo hơn người, tài trí cũng hơn người… nhưng ta ưng nhất ở một điểm… là thằng bé ấy có ý chí, nghị lực hơn người.

Đôi môi đỏ màu son cong lên, nụ cười ấy chắc chắn không phải là trìu mến, cũng thoảng qua đôi phần tán thưởng nhưng lấn át tất cả vẫn là sự lạnh lùng khác hẳn dáng vẻ vồn vã, yêu chiều ban nãy. Hạ Liên hiểu ẩn ý trong lời của Nguyễn Thị Anh. Những người bẩm sinh sinh ra trong nhung lụa, không phải lo cái ăn cái mặc, quan lộ sắp sẵn, đường đời thẳng băng, chuyện học hành, sách vở, chữ nghĩa dường như là điều hiển nhiên thong dong mà làm, lắm khi nghĩ cũng như một món đồ trang trí cho bản thân thêm hiển hách, sang trọng, quyền uy. Cái gọi là động lực thực ra rất khó xác định. Nhưng với Bình Nguyên vương thì khác, Ngô Tiệp dư đã cố tình chọn cho con trai mình một hoàn cảnh chẳng giống ai để đứa bé đó tự nguyện buộc bản thân không ngừng cố gắng. Những bài tập chất chồng, những câu hỏi khiến những học trò lớn tuổi hơn tại Kinh Diên phải chau mày, nhăn mặt, chưa chắc đã dám nhận là làm được vẹn toàn nhưng Tư Thành chẳng hề lộ ra một chút lo lắng, an nhiên đón nhận, lẳng lặng thực hiện để cuối cùng khiến người ta không khỏi ngạc nhiên. Thị Anh biết lớp vỏ bọc kinh sách bao xung quanh đứa bé, và nàng cũng biết rõ ẩn dưới tất cả những thản nhiên, khiêm nhường ấy là một sức mạnh rất lớn của con chiến mã muốn chứng minh bản thân giỏi hơn tất cả, không dễ dàng chịu khuất phục trước khó khăn. Trần Phong không thể ép Tư Thành bộc lộ tài năng trên lớp nhưng đầu óc tinh ranh của ông ta đủ sắc bén để đọc ra điều ấy trong những trang viết đứa bé đều đặn nộp chưa lúc nào trễ hẹn. Nhưng điều ấy không làm Tuyên Từ lo lắng bởi con chiến mã ấy là con chiến mã tình nguyện thuần phục Hoàng đế.

- Đào Biểu nói quan hệ của quan gia và Bình Nguyên vương rất tốt đúng không? – Tuyên Từ lơ đãng hỏi, tiện tay chỉnh lại mấy đóa hoa cắm trong chiếc bình men ngọc đặt trên bàn.

- Dạ! – Hạ Liên gật đầu xác nhận, ánh mắt lén nhìn về phía chủ nhân. Đào Biểu dặn cô phải quan sát cho kĩ xem thái độ của Hoàng thái hậu thế nào. Ông sợ chuyện Bình Nguyên vương giúp quan gia giải quyết một số chuyện chính sự nho nhỏ đến tai Hoàng thái hậu sẽ khiến người tức giận, không vừa ý. Nhưng điều cô cung nữ quan sát được chỉ là một vẻ bình thản ung dung, thậm chí còn như hài lòng.

- Quan gia biết dùng đúng người vào đúng việc, xem ra ngài đã trưởng thành rồi. Đặt lòng tin vào Bình Nguyên vương thì được! – Người phụ nữ cười nhẹ, lau tay vào chiếc khăn gập gọn đặt trên bàn. – Ta từng đề phòng Tư Thành. Nhưng giờ, ta nghĩ người cần phải quan tâm thực sự là Dương Thị Bí và Lạng Sơn vương Lê Nghi Dân kia. Ta đã mắt nhắm mắt mở cho qua chuyện ả lên Lạng Sơn sống với con trai, nhưng xem chừng ả không biết điều được như Ngô Tiệp dư và thân mẫu của Tân Bình vương.

- Giấc mơ năm xưa của Ngô Tiệp dư người không tính nữa sao?

Lắc nhẹ đầu như đuổi một con côn trùng nhỏ xíu, vô hình, nàng cười, đôi mắt đen ánh lên những tia nhìn sắc lạnh:

- Một giấc mơ không nói lên điều gì cả. Người ta vẫn nói mẹ nào con nấy, Tiệp dư như vậy, con trai của cô ta cũng tỏ ra là người được giáo dục đàng hoàng, hiểu lẽ hơn thiệt. So với Ngô Thị Ngọc Dao, Dương Thị Bí ngu ngốc hơn nhiều. Đôi lúc, người cần đề phòng không phải là kẻ thông minh mà là lũ tóc dài nhưng óc ngắn. Kẻ thông minh, rõ lẽ quân tử sẽ biết không nên đùa với lửa, còn kẻ ngu thì…

- Lệnh bà… – Hạ Liên nhỏ giọng, quỳ xuống sạt cạnh Thị Anh. – Người còn nhớ có lần đại nhân Trần Phong thưa lại với người những lời Bình Nguyên vương nói ở tòa Kinh Diên khi có học trò đem chuyện ma quỷ ra kể chứ ạ? Nô tì nghĩ từ lúc đó, có khi nào điện hạ đã biết chuyện giữa lệnh bà và Ngô Tiệp dư?

Bờ vai dưới lớp lụa vàng rung lên từng hồi khi nàng ngửa cổ cười lanh lảnh. Thị Anh liếc nhìn Hạ Liên, cất lời:

- Không phải nghĩ. Ta chắc chắn Tư Thành đã biết. Những lời ấy thằng bé thừa hiểu sẽ được đám học trò đem về kể cho thân phụ, thân mẫu. Những người đó không phải con em hoàng tộc thì cũng là đại quan trong triều. Nó càng rõ Trần Phong sẽ mang chuyện đến tâu với ta. Hạ Liên, Tư Thành thực sự rất thông mình, thông minh hơn tuổi thật của thằng bé nhiều! Quả nhiên nó không làm ta thất vọng. Như những đứa trẻ bình thường khác, khi biết được chuyện giữa ta và Ngô Thị Ngọc Dao, giả dụ Tư Thành thực sự có dã tâm với Hoàng đế, nó sẽ thay đổi cách đối xử, sẽ cố gắng thân thiết hơn rồi lập mưu ám hại chẳng hạn. Hoặc không, vì sự tức giận của mình, thằng bé hoàn toàn có thể chọn cách né tránh quan gia. Nhưng Bình Nguyên vương không hề chọn cả hai điều đó. Như những gì Đào Biểu thưa lại, thái độ của thân vương nhỏ tuổi hoàn toàn chẳng thay đổi chút nào, luôn biết nên làm gì, nói gì. Chính thế nên ta mới có lòng tin với đứa trẻ này, tin sự trung thành của nó dành cho quan gia là thật.

Gật đầu tỏ vẻ đã hiểu, Hạ Liên cắn nhẹ bờ môi, ngập ngừng mãi rồi mới thưa, giọng rất nhỏ như e sợ nghe xong, Tuyên Từ sẽ nổi trận lôi đình:

- Lệnh bà, nếu có một ngày quan gia biết được những chuyện đã xảy ra giữa người với thân mẫu của Bình Nguyên vương… Nội quan Đào Biểu luôn lo lắng chuyện này… Nếu có ngày đó…

- Ông ta luôn đối xử với quan gia như với con mình, ta rất yên tâm! – Tuyên Từ hào phóng ban khen, trong đáy mắt thoáng chút xao động nhưng rồi lại lặng yên như cũ, miễn cưỡng nghĩ về tương lai – Kim trong bọc chẳng giấu mãi được. Đến lúc nào quan gia biết thì sẽ biết thôi… Hạ Liên, ngươi nghĩ sao về Lạng Sơn vương?

Lặng lẽ bước theo sau người phụ nữ quyền lực nhất Đại Việt, cô cung nữ ngầm hiểu Tuyên Từ muốn đổi đề tài. Giúp chủ nhân thay đổi xiêm y, cân nhắc từ ngữ cẩn thận rồi cô mới thưa:

- Theo tin mật thám báo về, có vẻ như điện hạ không bận luyện tập cung kiếm, dùi mài kinh sử mà đang mải trêu hoa ghẹo nguyệt. Người ta đồn điện hạ phong lưu phóng đãng nhưng nô tì e chỉ là giả. Năm nay Lạng Sơn vương mới mười bốn tuổi, đâu lẽ nào lại… Màn kịch này sao qua mắt được Hoàng thái hậu.

Đặt chiếc trâm phượng hoàng cẩn hồng ngọc vào chiếc hộp đồi mồi, người phụ nữ ngắm nhìn hình bóng mình trong tấm gương đồng, trầm ngâm mãi. Rõ ràng sự yên lặng này chẳng hề liên quan đến những lời cô cung nữ thân tín vừa nói ra. Đôi môi đẹp đẽ cử động duyên dáng khi Nguyễn Thị Anh cất lời:

- Ai nói với ngươi mười bốn tuổi thì không thể trêu hoa ghẹo nguyệt? Hạ Liên, ta hiểu rất rõ điều ngươi nghĩ trong lòng mà không dám nói ra. Ngươi theo hầu ta ngần ấy năm, có chuyện gì có thể giấu được? Là ngươi nghĩ ta làm vợ Tiên đế, thế nào là phong lưu đa tình thực sự, ta là người rõ nhất, đúng không?

- Nô tì không dám!

- Dám hay không thì có khác gì nhau? – Tuyên Từ cười, ánh mắt nhìn thoắt cái trở nên sắc lạnh. – Thế nên ta mới nói Bình Nguyên vương thông minh hơn.

Mới đầu đông mà trong chớp mắt trời đã sập tối. Sắc xám của trời thêm dày, mây dựng đứng như tạc ra từ đá, lạnh lẽo, vô cảm. Nguyễn Thị Anh hơi so vai, thở đều đều khi lật qua những tấu chương trước khi cho Đào Biểu mang về dâng lên Hoàng đế. Tư Thành và Nghi Dân, hai con hổ con đều tàng ẩn uy vũ của rồng, đều là những đứa trẻ giống Tiên đế: đầy tham vọng. Nàng không tự mãn đến nỗi nghĩ mình có thể thuần dưỡng được mãnh thú, nhưng nàng tin ở con mắt nhìn người của bản thân. Người ta không thể vắt tay lên trán cả đời, những điều không thật thì dù có khéo che đậy đến mấy cũng sẽ có ngày lộ ra, sẽ có ngày bị người khác phát hiện. Đó chính là kẽ hở trong sự tính toán của Nghi Dân. Thằng bé đó biết rõ Hoàng thái hậu lặng lẽ quan sát, lặng lẽ cô lập đứa con trưởng của Tiên đế với trăm quan, để dường như ba chữ Lạng Sơn vương chỉ là một nét bút phẩy qua trang giấy, người ta từ chỗ không dám nhắc lại chuyện xưa rồi dần dần cũng quên lãng mất, nói gì đến chuyện ra làm quan, có chỗ đứng trong triều. Tuyên Từ muốn nhìn thấy điều gì để có lòng tin, Nghi Dân sẽ cho người đàn bà ấy nhìn thấy thứ đó. Tiếc rằng Dương Thị Bí đã không nói với con trai mình một điều, loại chuyện nam – nữ ân ân ái ái, Nguyễn Thần phi là người lão luyện.

Còn Lê Tư Thành, thằng bé đủ khôn ngoan để lựa chọn một cung cách nửa mở nửa khép, làm người ngoài tưởng như hiểu được nhưng thực ra lại chẳng hiểu gì. Đứa bé năm xưa đối đáp Trần Phong đã là kẻ biết xem mặt người mà đối đãi, rất tinh ý và biết cân nhắc hơn thiệt. Nó biết bản thân mình không phải dạng người có thể giả ngây giả ngơ che đậy tài năng vốn có, nhưng cũng đủ tỉnh táo để biết nên phô diễn ra đến đâu để người khác không phải đề phòng. Đám trẻ ở Kinh Diên hẳn đã nhìn Bình Nguyên vương bằng con mắt khác; cha mẹ của đám học trò cũng sẽ tự nhiên hiểu ra rằng, thân vương dù mặc áo vải thì mãi mãi là thân vương, là người kế thừa huyết thống vàng ngọc của Hoàng tộc. Còn với nàng, với Tuyên Từ Hoàng thái hậu, thằng bé không dại gì che giấu tư chất của bản thân. Tư Thành rõ bản thân vẫn là một đứa bé con, còn nàng là người đàn bà ở hậu cung đã từng ra tay hãm hại mẹ nó. Cuộc đối đầu này, ai là trứng, ai là đá đã quá rõ ràng. Cách thể hiện bản thân khiêm nhường, kín kẽ của Tư Thành cùng vở kịch tình sâu nghĩa nặng mỗi lần nhập cung thằng bé vẫn diễn chung với Nguyễn Thị Anh chính là cơ sở của niềm tin nàng đặt nơi đứa bé trai đó. Nó không hề che đậy bản thân mình trước mặt nàng, ít nhất là không che đậy phần con người có thể dùng để mưu tính những chuyện dính dáng đến ngai vàng của Bang Cơ. Mỗi lần nhìn vào đôi mắt đen phẳng lặng ấy, dường như Thị Anh đều đọc được một thông điệp duy nhất: “Ta là như vậy nhưng ta không đấu với con trai người!”.

“Họa hổ, họa bì, nan họa cốt

Tri nhân, tri diện, bất tri tâm”

“Câu này điện hạ muốn gửi cho ta, xem ra phải để ta dành lại cho điện hạ mới đúng!” – Người đàn bà thầm nghĩ trong đầu trước khi đứng dậy, hạ lệnh:

- Di giá đến cung Khánh Ngọc. Quan gia nói muốn dùng bữa với ta. Cũng lâu lắm rồi mới có thể an nhàn như vậy!

***

Thanh kiếm gỗ giáng xuống, đập mạnh vào một thanh kiếm khác giơ lên thành thế đỡ, tạo ra những âm thanh khô khốc, trầm đục. Trong cơn gió bấc, hai cậu thiếu niên đứng đối diện nhau, mắt nhìn không chớp đến độ nếu không phải hai chiếc áo gấm kia đang khẽ cất mình bay lên trong gió, trong một thoáng tưởng như cả hai người đó là những bức tượng đá. Tư Thành chỉ ngừng lại trong thoáng chốc rồi nhanh chóng xoay mình, thanh kiếm vung lên thành một đường cong tuyệt mỹ nhưng lực lại đủ mạnh để hất vật trên tay Bang Cơ rơi xuống đất. Hoàng đế định giật lùi lại mấy bước thủ thế, nhưng vì không lường hết được lực cậu em sử dụng nên ngã nhào xuống đất.

- Quan gia! – Cậu hoạn quan mới được điều đến hốt hoảng định chạy lại chỗ Hoàng đế nhưng hành động đó nhanh chóng bị Đào Biểu ngăn lại.

Ông giữ thẳng lưng, chăm chú nhìn về phía đó, trong đôi mắt già nua ẩn chứa những tia nhìn kiên nhẫn, trìu mến.

- Cháu đừng can thiệp vào chuyện giữa anh em quan gia. Là tôi tớ hầu hạ chủ nhân, phải biết liệu nhìn nét mặt mà phán đoán xem nên làm gì. Không phải lúc nào sốt sắng, nhanh nhẹn cũng là khôn ngoan đâu, nghe chưa?

Đôi mắt đen thoáng động, Tư Thành thu kiếm lại, chìa bàn tay của mình ra.

- Em đúng là cao thủ! – Bang Cơ lơ đãng phủi phủi chiếc áo thêu rồng của mình, không biết vì lẽ gì mà một lúc sau mới mỉm cười ngẩng lên nhưng lại từ chối không để Tư Thành kéo mình đứng dậy.

- Anh quá lời rồi! – Chàng đáp, tự nhiên thu tay về, ánh mắt nhìn xoáy vào biểu cảm trên gương mặt cậu thiếu niên đối diện nhưng ngữ điệu vẫn rất bình ổn. – Kỹ thuật hoàng huynh đã nắm vững, vấn đề là luyện tập thôi.

- Năm xưa phụ hoàng từng thân chinh đem quân đi đánh bọn người man quấy nhiễu vùng biên giới, là bậc trí dũng song toàn. Thân tuy kế thừa ngôi báu, ngẫm lại những chuyện đó, anh thực sự tự thấy thẹn.

Vạt áo tím phủ xuống lớp cỏ khô héo đổ rạp về một phía trong cơn gió lớn, Tư Thành chống mũi kiếm xuống nền đất, cúi mình nói:

- Quan gia có con đường của riêng mình. Những chuyện của tiền nhân chỉ là tấm gương, là bài học không hơn không kém, không thể là hòn đá ngáng trở bước chân của người, càng không thể là bóng cây rủ xuống che hết ánh sáng. Quan gia cũng có những điểm mạnh của riêng mình. Nhất định người phải nhìn ra, không được quên những điều đó để… trân trọng bản thân mình một chút.

Đôi mắt ngước lên không chớp. Một chút gì thoảng qua như lớp sương mỏng của chán chường, ngờ vực chợt tan đi hết, nhường lại một vẻ điềm tĩnh, trưởng thành.

- Năm xưa, nhà Lý sau đời Nhân Tông tuy không còn người kiệt xuất kế thừa nhưng có thể đứng vững mà truyền đến chín đời là vì trong triều có những bậc trung lương như Tô Hiến Thành. Nhà Trần giữ được cương vực lãnh thổ khỏi vó ngựa Nguyên Mông là vì có Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại Vương và những người khác trong tôn thất trên dưới một lòng.

Đường hoàng chống gối đứng dậy, Bang Cơ hơi vươn ưỡn ngực ra phía trước, uy nghiêm nhìn xuống, tiếp lời:

- Trẫm tài hèn đức mỏng, không hiểu có phúc phận được người hiền tài phò giúp như tiền nhân hay không?

- Thần đệ không hiểu rõ chuyện tướng số, chuyện duyên phận càng không hiểu, chỉ biết một điều, thân vừa là thần tử của quan gia, vừa là hoàng đệ, ân huệ xưa nay nhận không ít, những chuyện làm được nhất định sẽ tận lực làm.

- Anh đúng là luôn còn có em! – Thoắt cái, Bang Cơ cất ngay dáng vẻ hoàng đế của mình đi, hơi khom người xuống, nhoẻn miệng cười khi đưa tay vỗ vai đứa em đang cung kính chắp tay hành lễ – Đi, đi với anh đến một nơi.

- Dạ?

- Đào Biểu, di giá đến Bí thư các! – Hoàng đế ngoảnh lại, ra lệnh.

- Hoàng huynh, không được đâu! Nội quan, ông dừng lại hẵng! – Tư Thành đột ngột lên tiếng làm Đào Biểu vừa định quay người đi truyền lệnh vội đứng lại. Người đàn ông tuy cúi đầu đợi chủ nhân sai bảo nhưng mắt tự động liếc nhìn vị thân vương đứng phía trước, ngầm đoán định những hành động tiếp theo của người ấy thật giả đến đâu.

- Sao lại không được?

Tư Thành nhìn vẻ mặt thản nhiên nhẹ nhàng của Bang Cơ, chầm chậm nói:

- Bí thư các là nơi lưu giữ các thư tịch, kinh sách… vốn chỉ truyền lại cho đương kim thánh thượng, xưa nay không phải nơi để người lạ ra vào, dù cho thần đệ có là em ruột của quan gia đi chăng nữa. Sự ưu ái của hoàng huynh em xin nhận, còn chuyện này xin hoàng huynh rút lại.

Trái ngược với sự nghiêm túc của chàng, Hoàng đế nhìn vẻ mặt nghiêm trọng ấy rồi cười lớn, thoải mái:

- Bình Nguyên vương là nhân tài của trẫm. Trẫm muốn trọng dụng cũng không được hay sao? Bí thư các đúng là nơi dành cho đế vương, nhưng về luật lệ mà nói, đâu có điểm nào cấm hoàng đế không được để người khác bước vào? Tư Thành, riêng khoản này thì em đúng là không hiểu rõ thật rồi.

Người ta vẫn bảo ý Hoàng đế là ý trời, một khi người đã muốn, không ai có thể cản quả nhiên là thật. Bí thư các là lãnh địa vốn chỉ dành cho đế vương, xung quanh quân cấm vệ đứng thành hàng thẳng tắp, vũ khí lăm lăm, hoạn quan, cung nữ nếu không được truyền gọi thì không được phép bén mảng lại gần nên đều đứng phục dịch bên ngoài.

- Bẩm quan gia, chậu sưởi, đèn, trà và chút đồ ăn nhẹ thần đã chuẩn bị xong, xin người ngự lãm. – Đào Biểu xoa hai tay vào nhau, cúi xuống thưa.

- Được rồi. Ông lui đi, chỉ cần để hai hoạn quan, hai cung nữ ở lại, khi có việc cần ta sẽ gọi họ. – Bang Cơ quay sang, nhẹ giọng nói: – Những người khác không cần đứng đây hầu hạ làm gì cho thêm khổ, rét mướt thế này…

Lạy tạ ân điển của Hoàng đế, điều Đào Biểu còn nhìn thấy trước khi cánh cửa sơn son của Bí thư các khép lại chính là vạt áo tím của Bình Nguyên vương nhẹ nhàng lướt qua bậu cửa cao, điềm nhiên tiến vào bên trong. Ông có chút đắn đo, cân nhắc xem chuyện này có nhất thiết phải báo ngay cho Tuyên Từ Hoàng thái hậu hay không. Từ lâu lắm rồi, có nhiều việc Hoàng thượng cùng làm với Bình Nguyên vương, nhưng nếu xét thấy đó là việc riêng, không ẩn chứa vấn đề gì nghiêm trọng, viên nội quan đều thực hiện trọn vẹn lời hứa của mình với Bang Cơ: tuyệt nhiên không hé răng nửa lời. Nhưng chuyện hôm nay lại là một vấn đề khác.

Những chiếc chậu đựng than bằng đồng sáng lên dưới ánh lửa tỏa từ những chân đèn sứ men lam hình rồng ngậm ngọc, cao đến ngang những cây cột gỗ. Trên bộ bàn ghế chạm khảm công phu hình đào tiên, hình chữ thọ hàm ý tốt lành trải những tấm đệm lông hổ vừa dày vừa ấm. Tư Thành nhè nhẹ thở ra, đôi mắt mở lớn ngắm nghía kĩ càng từng giá sách không vương dù chỉ là một hạt bụi xếp cạnh nhau san sát, giá nào cũng chất đầy những cuốn sách, những hộp gỗ dài sơn son thếp vàng đựng những mật chỉ bên trong. Bí thư các dù có thật nhưng những điều huyền ảo, kì bí xung quanh khiến nó tồn tại như một huyền thoại ngay trong mắt những học giả chứ đừng nói đến người thường. Người ta vẫn đồn tại đây chứa những trang sử mà các sử quan không được phép công bố, chứa những cuốn sách quý hiếm, chứa cả những bí mật của vương triều. Những ngón tay của Tư Thành thoáng run lên vì phấn khích khi chạm nhẹ vào những lớp giấy mỏng tang ấy.

- Cứ đọc những gì em muốn. Từ nay về sau khi nào anh đến đây, nếu rảnh rỗi, em có thể đi theo. Cái miệng… lại sắp nói những lời khách sáo rồi đấy. Anh không muốn nghe! – Bang Cơ vừa nhác thấy vẻ mặt của cậu thiếu niên kia liền phẩy tay ra hiệu không cần đa lễ rồi ngồi xuống chiếc ghế gần nhất, thong thả tự rót cho mình một chén trà. Trong căn phòng rộng với những giá sách cao ngất, ánh sáng ngự trị là ánh lửa từ những chân đèn vừa to vừa vững chãi, tuyệt nhiên chỉ thấy ánh sáng mờ nhạt ảo não của thế giới bên ngoài hắt vào qua những cánh ô sổ khép kín. Hương trầm tản mát. U tịch đến mức nghe được tiếng gió thổi vi vút lạnh lùng qua những viên ngói mũi hài. Thời gian trôi qua là nhanh hay chậm cả hai người đều chẳng hay, ai cũng cắm cúi vào trang sách trên tay mình. Hiếm hoi lắm chen giữa tiếng lật sách là tiếng một tờ giấy đã viết kín đặc chữ được cẩn thận đặt sang bên.

- Hoàng huynh… thứ này… chẳng phải là…

Giọng nói hơi lạc đi của Tư Thành khiến Bang Cơ chú ý, vội đứng dậy chạy lại gần. Trên tay Tư Thành là cuốn sách vẫn còn như mới nguyên, ngoài bìa đề ba chữ ngay ngắn, đẹp đẽ: “Dư địa chí”.

- Đây cũng là lần đầu tiên ta nhìn thấy nó. – Bang Cơ nuốt nước bọt xuống cổ họng khô khốc, nhìn chăm chăm vào cuốn sách kia nửa tin vào sự thật bày ra trước mắt, nửa lại bàng hoàng – Lại kia, chúng ta cùng đọc.

Ham muốn được lật ngay trang bìa ra làm ngón tay đặt trên tờ giấy của Tư Thành hơi run lên, đến mức chàng phải bấm mạnh đầu ngón tay xuống để trấn áp sự mừng rỡ trong lòng. Ai cũng biết sau khi ba họ nhà Hành khiển Nguyễn Trãi bị xử tử, toàn bộ tác phẩm của ông trong chớp mắt đều hóa thành một đống tro tàn. Bậc thức giả, nho sinh toàn cõi nuối tiếc đến mấy cũng chỉ biết để trong lòng, buông thêm mấy tiếng thở dài. Cuộc đời con người dễ bị định đoạt như thế. Sự nghiệp cả một đời người cũng dễ hóa tàn tro như thế. Chính vậy nên người đời chỉ còn nhớ tên những tác phẩm Nguyễn Trãi từng viết để hoài niệm về một cái gì vẻ vang, kì vĩ đã qua. Tư Thành vẫn tin dưới gầm trời này lệnh của triều đình không thể quét xuống mọi ngóc ngách, vẫn tin những môn sinh, bằng hữu, gia quyến của Hành khiển đại nhân vì mến tài, vì xót người mà lén lút giữ lại những thư tịch vô giá ấy. Tiếc rằng dân gian mênh mông quá, chẳng ai rõ những bảo vật ấy giờ trôi nổi ở chốn nào.

Dư địa chí, tìm được ra nó ở Bí thư các quả nhiên là một chữ duyên, là duyên phận với quá nhiều người.

Cẩn thận dẹp bình trà, lư hương sang bên, Tư Thành thận trọng đặt cuốn sách lên bàn, ngay trước mặt Bang Cơ. Lấy thêm một chiếc đèn cho sáng, cậu nói:

- Anh đọc trước đi.

- Anh đọc cho cả hai chúng ta cùng nghe! – Hoàng đế cười, kéo gọn hai tay áo rộng thêu chỉ kim tuyến lên.

- Vậy để em ghi chép! – Chàng đáp lại bằng một vẻ mặt háo hức, tươi tỉnh.

Ánh sáng chiều đông mờ đục dần nhạt đi nhường chỗ cho sắc lam thẫm lúc hoàng hôn. Chấn song hoa mai trên ô cửa sổ in bóng xuống trang giấy làm hai cậu thiếu niên nhận ra trời cũng đã muộn. Bang Cơ vươn vai, thoải mái ngáp một cái rồi tựa lưng ra sau, bàn tay xoa xoa bụng:

- Đói rồi. Nghỉ tay ăn gì hẵng. Này…

Bẻ chiếc bánh làm đôi, chàng vươn người đặt vào tay Tư Thành rồi thuận tiện lấy cuốn sách ra khỏi mấy ngón tay của đứa em, nghiêm giọng:

- Ăn uống, sinh hoạt phải có quy củ. Chúng ta ghi chép cũng được nhiều rồi đấy nhỉ?

Trên mặt bàn la liệt những tờ giấy, tờ họa lại hình, tờ lại ghi chữ. Qua mấy trang giấy mỏng mà địa lý mọi vùng chợt hiện ra rõ nét, đủ đông, tây, nam, bắc, tên gọi lẫn thổ sản đặc trưng. Không ít lần hai cậu dừng lại, ngẫm ngợi về những sản vật nào vải thiều, nào nhãn lồng, nào chuối ngự… rồi bật cười với nhau.

- Cố Nhập nội Hành khiển đại nhân quả thật là người uyên bác, trong mười ngày đã có thể hoàn thiện một cuốn sách với nội dung đồ sộ, tỉ mỉ thế này để dâng lên Tiên đế! – Tư Thành lật qua lật lại cuốn Dư địa chí trên tay, ánh mắt không giấu vẻ ngưỡng mộ.

Gật đầu đồng tình, Hoàng đế nhỏ lắng nghe những lời ấy liền hơi cau mày một cái khi cậu em lại dùng từ “Tiên đế”. Không sai, không vô phép nhưng nó cứ sao sao ấy. Rồi, rất nhanh thôi, Bang Cơ tự lý giải tất cả trong đầu mình, là em ấy không hề biết đến phụ hoàng nên chẳng trách được trong lòng có chút xa cách. Đung đưa chân trên ghế, chàng nghiêng nghiêng đầu, khoanh tay đặt lên bàn, ánh mắt lém lỉnh:

- Tư Thành, em là người thông minh, có biết tại sao Ức Trai tiên sinh lại viết Dư địa chí dâng lên phụ hoàng không?

- Chẳng phải ngài ấy làm vậy là để giúp Tiên đế có thể nắm vững cương vực lãnh thổ của Đại Việt một cách nhanh nhất, hệ thống nhất sao? – Chàng đáp ngay, trong giọng có chút ngờ vực.

Đôi môi mỉm cười, cái đầu lắc lắc, Bang Cơ nhảy xuống khỏi ghế, bắt chước người ta chắp tay sau lưng đi đi lại lại vẻ như đang suy tư rồi đột nhiên quay ngoắt lại, chỏ vào Tư Thành:

- Đúng nhưng thiếu rồi!

Nhìn đôi mắt sáng lên lấp lánh của anh trai tựa như đang tự mãn vì nắm được một chuyện mà chàng không biết, Tư Thành bắt chước cúi mình cho giống mấy văn nhân, kính cẩn rửa tai lắng nghe.

- Mẫu hậu kể hồi xưa khi phụ hoàng còn nhỏ, tầm tuổi chúng ta ý, chuyện nghịch phá gì người cũng đã từng thử qua: trèo tường, chọi gà, câu cá,… Vì người ham vui như vậy nên cố đại nhân Nguyễn Trãi mới quyết định nhanh chóng soạn rồi dâng Dư địa chí lên để giúp phụ hoàng trị nước, trở thành minh quân. Thế nên là…