Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 10 - Phần 1
Chương 10: Diên Ninh
“Ba quan một chiếc thuyền nan
Trầu xanh, cau trắng, môi hồng, mắt ai…”
Đêm hè, vang lên từ những bụi cỏ là tiếng côn trùng rả rích. Gió từ sông thổi vào mát rượi mang theo mùi phù sa, hình như còn lẫn cả mùi lúa non, mùi đất, mùi khói rơm của mấy nhà thuyền chài đương nhóm lửa nấu nướng. Lam Ninh ngồi trên lớp cỏ hãy còn ươn ướt vì cơn mưa rào lúc chập tối, vuốt dọc cây sáo trúc trên tay, chầm chậm đặt lên môi rồi tấu khúc nhạc quen thuộc năm xưa Huyên thường thổi cho nàng nghe. Cô bạn đó giờ đi xa quá rồi, bặt vô âm tín. Trong cơn gió, kí ức chợt trải dài ra miên man. Cái lần thầy phù thủy ghé lại nhà, quan lớn và đích phu nhân mừng rỡ lắm. Bình thường Lam Ninh không bao giờ bén mảng đến chỗ người lớn nói chuyện, thế mà lần ấy nàng đã làm một điều hoàn toàn khác. Cuối cùng, những lời nghe lén được khiến thiếu nữ dần dần hiểu ra nguồn cơn của những yêu chiều ông bà nội dành cho mình suốt những năm tháng đã qua. Hóa ra những điều trước nay tin tưởng đều là giả dối, điều thật nhất trong cuộc đời nàng chỉ có những kí ức tuổi thơ với người bạn thoắt buồn, thoắt vui ấy. Ông thầy ăn mặc quái gở ấy vừa vào nhà, nhìn quanh quất một hồi đã lắc đầu bảo: “Phúc tinh đi mất rồi. Tiếc quá, tiếc quá!”. Mấy lời ấy thôi làm ông bà lớn bần thần mất mấy ngày, không hiểu thực hư ra sao khi đứa cháu gái vẫn còn đây. Và cũng mấy lời ấy làm cuộc đời của Lam Ninh có ít nhiều đổi khác.
Nàng trở nên giống mẹ, vô hình trong dinh thự rộng lớn ấy. Điều ấy ngẫm ra cũng không phải điều gì quá tệ hại vì ít nhất, khi không còn là cô tiểu thư được bao bọc trong nhung lụa, nàng có thể dễ dàng lẻn ra ngoài vào lúc đêm hôm thế này, làm gì tùy ý. Trăng bập bềnh trên sóng nước, lẫn vào bóng những bụi tre mọc dài theo triền sông.
“Cô bé này vận mệnh không tồi. Sau này cũng một bước lên bà, nở mày nở mặt. Ầy da… lại có tướng vượng phu ích tử nữa… Bé con, con cố mà đợi sợi tơ hồng của mình nhé!”
Những lời ấy ông bà nội hoàn toàn chẳng hay biết nhưng Lam Ninh lại nhớ rất rõ cái cảm giác lạnh sống lưng khi nàng đứng nép sau cây cột gỗ mà vẫn không thoát được ánh mắt nhìn như xoáy nước của ông thầy phù thủy ấy. Mơ hồ, mộng mị và… vớ vẩn. Cô gái đã luôn tin thế khi soi gương, nghĩ về bản thân mình đến mở miệng nói một lời cũng là giấc mơ chẳng thể nào thành hiện thực.
Ánh trăng trên mặt nước chòng chành rồi vỡ tan khi có một bóng người từ đâu ngoi lên, chầm chậm bơi vào bờ. Thiếu nữ nghiêng đầu, nheo nheo mắt nhìn nhưng nhanh chóng bị tiếng người cười nói phía sau làm xao nhãng. Trong ánh sáng vàng nhạt, nàng chỉ trông thấy lờ mờ những bóng người nghiêng ngả đi trên triền đê, nghe giọng đoán là đám trai làng rượu say, chân nam đá chân chiêu kéo nhau trở về. Tiếng nôn ọe của họ làm Lam Ninh rùng mình.
- Ai… đấy? – Có một thanh niên đột nhiên dừng lại, nhìn xuống chỗ có bóng người, lè nhè hỏi.
- Lẽ nào… là Hằng Nga… Hằng Nga tiên tử? – Một kẻ khác lảo đảo toan bước lại gần.
- Để tao lại xem! – Một thanh niên lực lưỡng khác trong giọng nói chỉ thoảng hơi men, dường như là người tỉnh táo nhất lừ lừ bước xuống bãi sông.
Sợ cứng người, đến thở cũng không dám thở mạnh, Lam Ninh đang tính xoay mình bỏ chạy thì bị một bàn tay ướt nước áp chặt lên miệng, lực ở đâu ấn lên nửa người buộc nàng phải nằm bẹp xuống nền cổ. Trước mắt chỉ còn thấy loáng thoáng một mảng trời xanh tím than và những cây cỏ mọc cao. Tim trong lồng ngực đập hơn trống trận.
- Nằm im! – Người con trai đó thì thầm vào tai thiếu nữ, giọng nói hoàn toàn bình tĩnh.
- Mày quáng gà à? Làm gì có ai. Thôi đi, về nhà tao làm thêm chầu nữa. Đêm nay… không… say… là… là không về!
Tiếng người xa dần, xa dần. Mồ hôi lạnh lấm tấm trên vầng trán, trong lòng bàn tay khi Lam Ninh cố dùng sức vùng vẫy để thoát khỏi cánh tay quàng trên vai mình.
- Xin lỗi đã mạo phạm! – Người kia vội buông cô gái ra, tự giác lùi lại, ánh mắt nghiêm chỉnh nhìn thẳng ra bờ sông, đến liếc ngang một cái cũng không dám – Cô là con gái, sao nửa đêm nửa hôm ra bờ sông làm gì? Đám rượu chè say khướt ấy không chuyện gì là không dám làm đâu.
Người con trai đợi mãi, đợi mãi mà không thấy có tiếng đáp liền đánh bạo nhìn sang. Trong đầu chàng thoáng nghĩ đến câu chuyện hồi chiều đám trẻ chăn trâu mới kể cho nghe, là chuyện về bóng ma thiếu nữ lởn vởn ở quãng sống này. Tự nhiên trong lòng thấy cũng hơi rờn rợn. Cảnh tượng trước mắt thực cũng khiến người ta giật mình đôi chút khi dưới ánh sáng trắng lạnh của trăng không phải là một gương mặt người. Phải nói là cô gái dùng cả hai tay bưng mặt, chỉ len lén nhìn qua kẽ ngón tay rồi nhanh chóng quay đi, vờ như chẳng trông thấy gì hết. Nhìn xuống người chỉ có độc một cái khố quấn ướt nhẹp, cậu thiếu niên ngay lập tức vỡ lẽ ra mọi chuyện.
- Cô là… – Chàng e hèm, tự quơ đống áo quẳng gần đó tròng vào người, lảng sang chuyện khác – …tiểu thư… nhà quan lớn họ Phạm?
Thiếu nữ ngẩng phắt lên, không kể lễ nghĩa nam nữ thụ thụ bất thân mà nhướn người về phía trước để nhìn rõ người trước mặt. Cũng không phải ai xa lạ gì, là cậu bạn của Huyên, người không những giỏi chơi đàn nhị, giỏi làm những con diều tuyệt đẹp mà tài học thì nức tiếng, được mệnh danh là thần đồng nhà họ Lương. Lam Ninh cũng chỉ nghe người ta đồn thế vì có muốn hỏi kĩ cũng chẳng biết hỏi ai, hỏi thế nào. Sau khi Huyên rời đi, thỉnh thoảng nàng cũng đôi lần lén đến chỗ căn nhà trên cánh đồng, đứng ngoài nhìn vào đến khi hết tích diễn mới ra về. Kí ức nhạt nhòa đến vậy mà cậu thiếu niên trước mặt có thể nhớ được nàng, điều ấy không biết có nên vui?
- Tôi… có nghe Huyên kể về tiểu thư. Lúc nãy lỗ mãng, mong tiểu thư thứ cho! – Thế Vinh thoáng lúng túng bởi từ nãy đến giờ chỉ có mình cậu nói. – Tôi họ Lương, tự Cảnh Nghị.
Lam Ninh gật đầu tỏ vẻ mình đã hiểu, rồi như nhớ ra điều gì liền áp ngón trỏ lên miệng rồi lắc đầu. Đó là điều nàng luôn làm khi gặp người lạ, người không biết về khiếm khuyết trên con người nàng. Những lúc ấy, thường người ta sẽ nhất thời không hiểu hoặc hào phóng dành cho thiếu nữ một cái nhìn ái ngại, thầm chuyển đến cái thông điệp rõ ràng: “Tội nghiệp. Trông nào đến nỗi mà lại bị câm!”. Lam Ninh quen như thế, quen đến nỗi thầm đoán trong đầu người trước mặt sẽ thể hiện thái độ thương hại thế nào. Nhưng Lương Thế Vinh nhìn cảnh đó liền xua vội tay:
- Không sao, không sao. Tôi… không phiền gì cả. Tiểu thư… tôi đưa cô về nhà. Con gái đi đường buổi tối không an toàn.
Câu này Lam Ninh không hề nghe thấy vì cô đang khom người, vội vàng đưa tay dò dẫm từng ngọn cỏ tìm vật gì, chốc chốc lại nhìn lên vẻ ân hận lắm. Là vừa nãy khi đứng dậy, do bất cẩn nàng nhỡ gạt phải đồ trên tay chàng trai trước mặt khiến cái vỏ trứng nằm trong chiếc áo cánh rơi nhẹ xuống đám cỏ. Đốm sáng nhìn vui mắt trong vỏ trứng mỏng từ từ tản ra rồi như biến mất vào khoảng không.
- Cô bỏ đi, có mấy con đom đóm thôi mà. Loại đèn này làm lúc nào chẳng được! – Thế Vinh cười thoải mái.
Nhưng Lam Ninh chỉ lắc đầu, vẫn cần mẫn vạch từng bụi cỏ tìm kiếm. Một đốm sáng chợt lóe lên giữa lớp lá ngả màu xanh đen nhẹ nhàng chuyển lên bàn tay để ngửa của thiếu nữ. Nhìn cách cô tiểu thư khum khum tay để giữ con côn trùng nhỏ bé bên trong, Thế Vinh không khỏi thấy thích thú, liền chìa cái vỏ trứng ra, hỏi mà không nghĩ gì quá sâu xa:
- Cô thích đom đóm?
Trước nay trừ Huyên, trừ mẹ, không ai hỏi nàng thích gì. Họ mặc nhiên quan sát mà tìm ra thói quen để chiều chuộng như cách người ta vẫn làm khi nuôi chó, nuôi mèo ở nhà. Trong đáy mắt đen có đốm sáng nhỏ lấp lánh khi Lam Ninh gật đầu. Nàng chỏ lên bầu trời rồi chỉ vào con đom đóm trong vỏ trứng, bất giác mỉm cười, đuôi mắt cong xuống hạnh phúc lắm, thứ hạnh phúc người ta thường chỉ thấy ở những đứa trẻ nhà làm ruộng.
- Là… – Thế Vinh cau mày suy nghĩ rồi ngập ngừng cất lời – Sao và đom đóm giống nhau? Ánh sáng của bầu trời rơi xuống mặt đất? Cách so sánh thật thú vị!
Ngây ra nhìn vẻ thản nhiên của người đối diện hồi lâu, cuối cùng cô gái mới gật đầu xác nhận.
- Nếu tiểu thư thích, tôi sẽ làm tặng tiểu thư một cái đèn như thế này. Tất nhiên là nhiều đom đóm hơn, cũng sáng hơn.
Gật đầu lia lịa, Lam Ninh nghe vậy vui lắm, đôi mắt sáng rực lên.
- Nhưng… phải đổi lại bằng một thứ khác – Thế Vinh nheo nheo mắt nhìn, ngầm tính toán trong đầu – Tiểu thư thổi sáo rất hay, lần sau thổi cho tôi nghe một khúc đi.
Vân vê gấu áo lụa, Lam Ninh ngượng ngập đưa trả vỏ trứng cho cậu thiếu niên rồi gật đầu một cái thật nhanh. Bước chân đã rời đi nhưng như nhớ ra việc gì, cô dừng lại, nhặt một cành cây rồi chạy về phía bãi đất gần mép nước được chiếu sáng dưới ánh trăng. Thế Vinh khoanh tay trước ngực, nhìn Lam Ninh tự chỉ vào mình rồi cúi xuống hí hoáy viết. Chàng lại gần, kiên nhẫn đọc từng chữ, từng chữ.
- Phạm… Lam… Ninh? Đó là tên của tiểu thư? Là một cái tên đẹp! – Nụ cười nhẹ nhàng lướt qua bờ môi, nhưng Thế Vinh chưa kịp nghiền ngẫm cho hết nhẽ cái tên ấy thì đã thấy trên đất một dòng chữ khác. Đọc xong, chàng gật đầu tán đồng – Phải, chiếc đèn này là tôi học theo trạng nguyên Nguyễn Hiền.
Lấy mấy chiếc lá xóa đi cái tên tiền nhân, Lam Ninh chỉ vào người trước mặt. Trên khoảnh đất cạnh nàng chỉ còn lại duy nhất hai chữ “trạng nguyên”.
- Nếu có thể… vào một ngày nào đó! – Lương Thế Vinh nhún vai, cười nhẹ bẫng.
***
Đầu đông năm Thái Hòa thứ mười một (1453).
Những hoạn quan, cung nữ đứng hầu ngoài cung Diên Khánh chốc chốc lại so vai, phồng má hà hơi nóng vào hai bàn tay rồi xoa lấy xoa để cho đỡ rét. Trên sân rộng lát gạch hoa cúc trước tẩm cung, gió mùa Đông Bắc thổi từng cơn lạnh buốt, cuốn theo những hạt mưa li ti càng làm cái lạnh như lưỡi đao sắc bén vung xuống, thấm vào sâu trong da thịt. Những chiếc áo sa đã được thay bằng những tấm áo sợi thô dày hơn nhưng xem ra cũng chẳng ăn thua. Đám người dưới đều không dám buôn chuyện qua lại, chỉ thỉnh thoảng nghiêng sang người đứng gần nhất nói một hai câu rồi thôi. Mới thấy bóng áo chủ nhân ngoài cửa chính, những kẻ vừa nãy còn co ro theo bản năng đã ngay lập tức đứng thẳng tắp lại, dáng vẻ vô cùng nghiêm chỉnh, đàng hoàng. Đôi giày gấm màu lam bước những bước thong thả trên con đường ngả sang sắc cam đậm do ướt nước mưa dẫn thẳng đến chính điện cung Diên Khánh. Bình Nguyên vương Lê Tư Thành nổi tiếng là người ít nói, dường như vô cùng lạnh lùng, khó tính nhưng thực ra lại là người rất dễ hầu hạ. Đám hạ nhân cứ đồn đại như thế, đến khi gặp mặt mới biết lời đồn đều là thật cả, tỉ dụ như viên hoạn quan đang khom lưng che ô cho chàng chẳng hạn. Trên thềm điện, Hạ Liên biết ý đã đứng đợi ngay cửa cung, vừa thấy Tư Thành bước vào liền cúi mình thi lễ:
- Kính chúc điện hạ an khang.
- Ta đến theo triệu kiến của Hoàng thái hậu! – Chàng đáp, ngữ điệu ôn hòa, ánh mắt nhìn cũng loáng thoáng thấy đôi chút ấm áp. Dung mạo này, dáng vẻ ung dung phủi những bụi nước vương trên mái tóc, trên chiếc áo gấm dễ làm người đối diện thấy an toàn nhưng Hạ Liên đủ sành sỏi để hiểu tất cả những hòa nhã ấy đều chỉ là xã giao mà với ai, Bình Nguyên vương cũng đều cư xử y như thế.
- Xin điện hạ đợi một chút để nô tì vào bẩm báo.
Cánh cửa vừa khép lại chưa được bao lâu đã mở ra. Hạ Liên khom người nói khẽ để mình Tư Thành nghe thấy:
- Bẩm điện hạ, hiện giờ Hoàng thái hậu vẫn đang nói chuyện với các vị đại thần, phiền điện hạ đợi thêm một chút.
- Ta biết rồi! Cảm ơn cô, Hạ Liên.
Đứng trong thời tiết này mới ngoảnh đi ngoảnh lại đã thấy tất cả đầu ngón tay, ngón chân dần dần đông cứng, mất đi cảm giác. Đám người hầu kẻ hạ hiểu rõ lẽ ấy nhưng trước sự bình thản của vị thân vương nhỏ tuổi, họ không dám công khai làm những việc để tự sưởi ấm mình như mọi khi, đành cắn răng đứng thẳng lưng cho nghiêm chỉnh. Vạt áo khoác ngoài khẽ đung đưa trong cơn gió lạnh, còn dáng đứng của Tư Thành trước sau không đổi. Chàng đợi được một lúc liền quay ra ước chừng trong đầu rằng chỉ cần mình đếm đến mười, cánh cửa gỗ sơn son trước mặt sẽ lập tức mở ra. Quả nhiên thế thật, khi cánh cửa hơi động một chút, khóe môi ấy đã nhếch lên. Hoàng thái hậu không bao giờ để Tư Thành phải đợi quá lâu, nhất là trong thời tiết thế này. Người đang đứng ở bên kia ngưỡng cửa không phải ai xa lạ, có điều đây không phải tòa Kinh Diên nên người đó chắc chắn phải khom lưng, nhường bước cho Tư Thành.
- Cung nghênh điện hạ! – Trần Phong dừng lại, khẽ nói.
- Thầy vất vả rồi! – Tư Thành khách khí đáp, điềm nhiên nhận lễ của người đối diện, điềm nhiên bước vào trong, đến buông thêm một ánh mắt liếc sang cũng không hề có.
- Con lạnh lắm không? Nhanh lại đây cho ấm! – Tuyên Từ Hoàng thái hậu ngẩng lên khỏi chồng tấu chương đã được Hoàng đế đích thân phê duyệt, trên đôi môi thậm chí còn điểm một nụ cười dịu dàng – Bình Nguyên vương thích trà ướp hoa, Hạ Liên, mau đổi bình trà khác cho ta.
- Người không cần làm vậy đâu ạ. Con thế nào cũng được! – Trao chiếc áo khoác ngoài cho viên hoạn quan, Tư Thành thoái mái tiến lại, ngồi xuống chiếc ghế đã được chuẩn bị sẵn cho mình ngay sát cạnh Hoàng thái hậu. – Dạo này người vẫn được an khang chứ ạ?
Than cháy trong chậu đồng rất đượm khiến cả căn phòng ấm áp hơn hẳn không khí giá buốt bên ngoài, lại thêm cách xưng hô, đối đãi muôn phần tình cảm giữa Nguyễn Thị Anh và Bình Nguyên vương càng khiến cho người ngoài trông vào lấy đây làm mẫu mực. Quan lại, quý tộc từ trên xuống dưới đều biết vị thân vương này không những được Hoàng đế yêu quý, lại còn được Hoàng thái hậu vô cùng sủng ái, tài trí cũng được xếp vào hàng trên trong đám học trò tại Kinh Diên. Thật không hổ danh người mang huyết thống của hoàng tộc! Ở Đông Kinh, ai cũng nói Tuyên Từ Hoàng thái hậu may mắn vì có những hai đứa con trai: một người hẳn nhiên là đương kim hoàng đế, người còn lại đâu thể là ai khác ngoài thân vương Lê Tư Thành. Tự tay rót trà dâng mời người phụ nữ trước mặt, chàng lắng tai nghe Hoàng thái hậu than thở:
- Khỏe thì vẫn khỏe nhưng ta lại cảm thấy mình già rồi. Nói thế nào ta cũng chỉ là là mẹ góa con côi, theo phép tổ tiên truyền lại mà buông rèm nhiếp chính, so với tiền nhân thì không bằng được thái hậu họ Mã, họ Đặng hay bà Tuyên Nhân của phương Bắc; càng không thể sánh với Linh Nhân Hoàng thái hậu triều Lý của nước ta[1] khi xưa. Với chuyện trong nhà, chuyện xã tắc vẫn còn nhiều điều chưa trọn.
[1] Tức Ỷ Lan (vợ vua Lý Thánh Tông, mẹ đẻ vua Lý Nhân Tông), bà đã từng hai lần buông rèm nhiếp chính, đích thân trị nước.
- Hoàng thái hậu quá lời rồi. Hoàng huynh đăng cơ khi hãy còn ít tuổi, nhờ người cáng đáng lo liệu trước sau nên trong nước hơn mười năm mới được yên bình. – Tư Thành cười đáp – Người coi con và những thân vương khác như con đẻ, chúng con được như thế này cũng là nhờ phúc của người cả, đâu dám đòi hỏi, nghị luận không đâu.
Vỗ nhẹ lên bàn tay đứa bé đặt trên bàn, Tuyên Từ gật nhẹ đầu, ôn tồn nói:
- Tấm lòng này của ta, con hiểu được như thế khiến ta rất cảm động. Quan gia giờ cũng đã trưởng thành, so với năm xưa lúc Tiên đế đích thân chấp chính còn lớn tuổi hơn[2]. Đàn bà hậu cung không nên can dự vào việc triều đình là lẽ xưa nay… nên ta đang thu xếp để trao lại quyền trị nước cho quan gia. Nhưng… còn có điều này… ta cứ canh cánh mãi trong lòng…
[2] Lê Thái Tông (Lê Nguyên Long) lên ngôi năm 1433 khi mới 10 tuổi.
Thị Anh ngập ngừng, đưa mắt nhìn đứa bé ngồi đối diện. Trong ánh mắt đen sắc ấy là sự tha thiết nhưng hẳn nhiên cũng ẩn kín những mũi dao. Tư Thành điềm nhiên đón nhận, quan tâm đến mức liền mở lời ngay:
- Xin người cứ nói, nếu có chuyện gì con có thể làm để giúp người giải mối bận tâm ấy, nhất định con sẽ tận lực làm.
- Điểm mạnh nhất của quan gia chính là sự lương thiện, là lòng tin vào người khác. Nhưng đã ngồi ở ngôi cửu ngũ, điểm mạnh ấy cũng có khi lại là yếu điểm để kẻ có dã tâm nhắm vào. Giang sơn này của tổ tiên giao lại cho quan gia, ta thực sự lo lắm. Con cứ nhìn quần thần thì thấy… Kẻ gian ngoan, cơ hội, lừa trên dối dưới đâu hiếm. Tư Thành, với quốc gia, với sơn hà, với Hoàng đế, con nghĩ thế nào?
Đan hai bàn tay vào nhau, chàng hơi cúi đầu tỏ vẻ suy nghĩ, cân nhắc lắm rồi ngẩng lên đáp bằng một giọng trầm, chậm rãi, ánh mắt nhìn thẳng không hề xao động:
- Tất cả những lo lắng trong lòng Hoàng thái hậu… con chỉ xin đáp: Phổ thiên chi hạ mạc phi vương thổ, xuất thổ chi tân mạc phi vương thần[3].
[3] Nghĩa là: Dưới gầm trời này, không đất đai nào không phải đất của Thiên tử, không con dân nào không phải con dân của Thiên tử.
Đôi mắt đen sắc đang chăm chú nhìn đứa bé dần dịu lại. Những món đồ trang sức cầu kì trên mái tóc đen nhánh hơi rung lên khi người phụ nữ gật nhẹ đầu. Đoạn, Thị Anh ra hiệu cho Hạ Liên mang tới một chiếc áo ấm đưa cho Tư Thành:
- Trời trở lạnh rồi, con nên quan tâm sức khỏe bản thân một chút. Chiếc áo gấm lót lông này ta đích thân bảo người làm cho con, màu sắc và chất liệu đều là những thứ tương xứng với thân phận thân vương. Tư Thành, con cũng đã lớn, sống trong dân gian giản dị tuy là tốt nhưng cũng không thể quên thân phận thật của mình.
Tư Thành dùng cả hai tay nhận chiếc khay gỗ khảm trai đựng chiếc áo màu trắng bạc, gấm in chìm hình rồng, kính cẩn cúi đầu thưa:
- Tạ ơn Hoàng thái hậu ban thưởng. Những lời người dạy bảo, con đều ghi nhớ trong lòng.
Những ngón tay mềm mại đưa ra đỡ lấy hai cánh tay của đứa bé, Hoàng thái hậu ôn tồn bảo:
- Đứng thẳng lên nào, chúng ta là người nhà, ta cũng như mẫu thân con, không cần khách sáo. À, hôm nọ ta nghe quan gia nói con bị ngã ngựa, vết thương đã lành rồi chứ? Nguyễn Xí cũng thật là… con dù là học trò thì cũng vẫn là thân vương, thân thể trân quý, sao ông ấy có thể bất cẩn đến thế?
- Vết thương ngoài da không có gì đáng lo ạ! – Bình Nguyên vương vỗ nhẹ lên đầu gối, khẳng định lại điều mình nói. – Trong lúc luyện tập, bị thương một chút đâu có là gì, xin người chớ lo lắng. Năm xưa Thái Tổ thân chinh cầm quân đánh dẹp giặc ngoài kiêu dũng như vậy, phận là con cháu, mới có chút khổ cực đã không chịu được thì con thực xấu hổ với tổ tiên, lại phụ tấm lòng quan tâm của Hoàng thái hậu mất rồi.
- Là con hiểu lễ nghĩa! – Tuyên Từ ban khen rồi ra hiệu cho viên hoạn quan đứng gần đó. – Trời cũng muộn rồi, ngươi theo hầu điện hạ về phủ cẩn thận nghe chưa? Tư Thành, quan gia và ta thực sự mong con sớm có ngày trở thành bậc đại quan đứng đầu trong triều, giúp quan gia củng cố giang sơn thái bình thịnh trị.
- Thần xin lĩnh ý! – Cậu thiếu niên cúi mình thi lễ rồi từ từ bước lùi lại ba bước rồi mới đứng thẳng, quay lưng rời đi.
Gió ngoài trời thổi thốc tới làm gò má ửng hồng vì rét. Bàn tay Tư Thành nắm nhẹ lớp vải lót bên trong chiếc áo dày đang khoác trên vai, đôi lông mày hơi nhíu lại một chút khi vết thương ở đầu gối nhói đau. Nhưng chỉ thoảng qua thế thôi, đến bản thân chàng cũng không nhận ra, người xung quanh càng không kịp nhận ra.
***