Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 09 - Phần 1
Chương 9: Khán Xuân[1]
“Xuân sang thắm sắc đào hồng
Tuế hàn tam hữu nhủ lòng trúc mai.”[2]
[1] “Khán” là nhìn. “Khán Xuân” là nhìn ngắm mùa xuân.
[2] Ca dao.
Ông trùm Tuân đang ngồi uống nước trên chiếc sập gỗ chạm trổ tinh vi, từ mũi tỏa ra làn khói thuốc lào trắng xanh, đôi mắt nhắm hờ khoan khoái, ung dung lắm. Cái điếu bát bằng sứ trắng họa hình hoa cúc màu lam trước mặt ông là hàng thượng hạng, nhìn qua đủ biết tiền trong túi không hề ít, công việc làm ăn hẳn vô cùng trôi chảy, xuôi chèo mát mái lắm nên ông mới có thời gian ung dung, thư thả tận hưởng một buổi sớm yên lành thế này. Chuyện, giáo phường[3] Khán Xuân nổi tiếng thứ hai đất kinh kỳ thì lấy giáo phường nào đứng thứ nhất? Trong tay người đàn ông luôn có những cô đào giỏi giang nhất, xinh đẹp nhất; cuộc hát xướng nào cũng đông vui rộn ràng khiến từ vương công quý tộc đến quan lại trong triều, rồi hạng thương buôn lắm tiền nhiều của hay nho sinh dài lưng tốn vải không thể không mở hầu bao, tiền vung như mưa. Nghĩ cũng thật nực cười khi người ta vẫn coi con hát là đồ xướng ca vô loại, chẳng xếp vào chỗ nào trong tứ dân[4] nhưng một tiếng hát, một tiếng đàn, một ánh mắt nhìn của các đào nương lại có thể làm lắm nam nhi đại trượng phu điên đảo, si mê. Si mê? Phải, mê hát ả đào, mê các ca nương như ông trùm Tuân yêu thuốc lào vậy, là cái thói đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên[5] chứ đâu.
[3] Một cơ cấu quản lý và đào tạo các đào nương, kép đàn trong một khu vực, phường, xóm nhất định. Nghĩa nôm có thể được hiểu như phường xóm dạy những người đi hát.
[4] Phân chia xã hội làm bốn tầng lớp từ cao xuống thấp là sĩ, nông, công (thợ thủ công), thương.
[5] Lấy từ câu ca dao: “Nhớ ai như nhớ thuốc lào/Đã chôn điếu xuống lại đào điếu lên”.
Từ trong nhà vọng ra tiếng hát thánh thót, tiếng gảy đàn, gõ phách của các cô gái làm người đàn ông đang lim dim mắt đắc ý vỗ đùi đánh “đét”. Ông Tuân đang ngầm nhẩm tính xem sắp tới, khi làm lễ mở xiêm áo[6] cho con bé Huyên, tiền sẽ còn chảy vào túi nhiều đến thế nào, danh tiếng giáo phường Khán Xuân sẽ còn bay xa đến đâu.
[6] Được coi như “lễ tốt nghiệp” của người học tại giáo phường, từ đây người đó chính thức mặc áo đào nương, được đi hát kiếm tiền.
Chẳng có ông trùm nào lại không mơ tưởng một ngày được dẫn người của mình vào trong Cung thành hầu Hoàng thượng. Ấy là cái vinh hạnh lớn nhất, càng làm cho danh tiếng của chốn này to thêm ra, danh giá nào ai sánh được. Hồi năm Thái Hòa thứ bảy (1449), Hoàng đế ban yến cho các quan, lại cho múa nhạc Bình Ngô phá trận. Đận ấy là giáo phường phía Tây kinh thành nhờ lo lót mà nẫng được tay trên vị trí múa chầu múa ngự chắc như đinh đóng cột của giáo phường Khán Xuân, làm người đàn ông lẫn các cô đào tức lắm. Nhưng giờ thì khác rồi. Từ nơi tôn quý đến chốn phố chợ, nào có ai chưa từng nghe danh cô đào Kim Oanh của giáo phường này, người được coi là đệ nhất ca nương đất kinh thành. Đấy là còn chưa nói đến những thiếu nữ khác đương phơi phới xuân xanh, muôn hồng nghìn tía hay những nụ hoa hãy còn e ấp chỉ đợi nắng lên là sẽ nở xòe.
Rít thêm một hơi thuốc lào, đôi môi thâm mỉm cười đắc ý. Ông Tuân giờ càng tin hơn con bé được Đào Thịnh đưa về là một khoản đầu tư chỉ có lãi chứ không thiệt, một đồng cũng không thiệt. Hồi ấy nhìn con bé cũng gọi là xinh xắn, ưa nhìn ấy, ông trùm cho ý chê vì nó nhỏ người, gầy gò quá, đào tạo một đứa bé vừa dễ cũng lại vừa nhọc công. Trẻ con trừ những đứa gia đình phải tội khiến chúng bị buộc sung vào chốn đàn ca này, chỗ còn lại là chúa nhõng nhẽo, nay khóc, mai lại đòi về với thầy u. Nhưng Huyên thì không thế. Ông Tuân sẽ chẳng thể nào quên được nụ cười trên đôi môi hồng hồng ấy, quên ánh mắt phẳng lặng hơi sáng lên lấp lánh khi con bé nhìn thấy những nhạc cụ để trong ngôi nhà.
Lần ấy hỏi qua quýt vài câu chiếu lệ, dù Đào Thịnh đã có lời, trùm Tuân vẫn không mặn mà gì với đứa bé gái cho đến khi con bé nhìn ông, nói mình đã từng học hát và có thể chơi được độc huyền cầm. Đàn tranh người chơi được từ thành thạo đến mức tài hoa trong giáo phường ít nhất đã có hai, ba cô; sáo cũng vậy; đàn tì bà cũng thế nhưng độc huyền cầm lại là một câu chuyện khác. Con gái chơi loại đàn chỉ có một dây, âm thanh như tiếng thở dài sầu thảm, như tiếng khóc triền miên trong đêm bất tận tự nhiên làm người đàn ông sành sỏi thấy hứng thú. Quả nhiên con bé chơi được, chơi rất hay, là chơi thật chứ không phải chỉ là ghi nhớ và tái hiện lại âm thanh từng nghe thấy trong đời. Giọng hát tuy còn non nhưng nghe ra cũng bài bản, có trầm có bổng, có khoan có nhặt và nhất là hát bởi niềm yêu thích. Nhưng nếu chỉ đơn giản có thế ông Tuân cũng chưa ưu ái Huyên đến vậy. Còn là vì đứa bé biết đọc, biết viết, học vấn lại không hề tầm thường. Điều ấy khiến người đàn ông có chút băn khoăn lẫn tò mò nhưng rồi cũng đã đồng ý nhận, để đến hôm nay trồng cây sắp đến ngày được ăn quả ngọt.
Nhớ đến đó, đầu óc còn đưa đẩy đến một câu chuyện khác. Ông trùm Tuân của giáo phường Khán Xuân là người mê tín. Làm cái nghề này liệu có thể không như vậy được không, khi mà cái gọi là nhan sắc, tài năng đều là được ban cho đến đâu là tùy ý thương xót của trời đất? Trong giáo phường, ca nương, kép đàn lớn tuổi ngoài việc đi hát còn phải truyền dạy cho đám hậu sinh đủ các ngón nghề. Trong số những người ấy phải kể đến cụ Nguyễn mà ai cũng phải tôn kính gọi một tiếng “thầy”. Ông cụ vừa giỏi chơi đàn, tinh thông âm luật, kinh sử, lại rất rành xem tướng số. Trùm Tuân từng dẫn Huyên đến gặp thầy để xin ông cụ kiểm tra thêm và chỉ dạy đôi đường. Cụ Nguyễn nhìn đứa bé gái hồi lầu, bảo nó dùng cây đàn tranh tấu một khúc chứ không hề nghe nó chơi đàn bầu rồi nói nhỏ vào tai ông Tuân rằng: “Tướng mạo cô bé này rất tốt, thanh nhã lại đường hoàng, có thể mang lại may mắn cho người khác, nên giữ lại bồi dường, sau này ắt được nhờ. Chưa kể mắt đứa bé này chứa nước, nước mênh mông, lưu chuyển nhưng yên ả, rất tốt, rất tốt”. Nghe đến thế, ông trùm mừng lắm bởi năm xưa, cụ Nguyễn cũng đã nhìn mặt Kim Oanh nói nhiều điều tốt đẹp, về sau những lời ấy đều thành sự thực cả.
Vì trùm Tuân đã có lời kính cẩn xin mình đặt cho con bé một cái tên như năm xưa từng đặt cho đào Oanh, cụ Nguyễn nhìn cô bé hỏi:
“Tên con là gì?”
“Lạy cụ, tên con là Nguyễn Thị Huyên ạ!”
“Là Huyên à… chữ này cũng tốt đấy nhưng nghe cả tên vẫn thường quá. Giờ ta đặt thêm cho con một chữ ‘Ngọc’ phía trước, là ‘Ngọc Huyên’ nhớ chưa?”
Cái tên đó giờ nghĩ lại thực sự rất đắt!
Năm đầu ngón tay nhịp nhịp lên đùi, người đàn ông lắc lư ngâm ngợi lại bài thơ năm xưa từng đưa cho Huyên đọc thử, không ngờ con bé sống ở một miền quê lại có thể nhận ra đó là thơ của Thượng hoàng Trần Nhân Tông. Thơ viết:
Dương liễu hoa thâm điểu ngữ trì,
Họa đường thiềm ảnh mộ vân phi.
Khách lai bất vấn nhân gian sự,
Cộng ỷ lan can khán thuý vi[7].
[7] Bài thơ Xuân cảnh. Dịch thơ: (không rõ người dịch)
Chim kêu hoa liễu nở đầy
Họa đường thềm rợp bóng mây may
Khách vào chẳng bàn chuyện thế sự
Đứng tựa lan can ngắm cảnh trời.
Ông trùm thích tiếng đàn của con bé, rất thích và cũng rất sợ bởi thanh âm có thể thoắt vui, thoắt buồn, ám ảnh người ta đến mãi về sau. Một đứa bé có thể tạo ra những rung động như vậy hẳn nhiên khiến người ta sợ hãi. Vì những lí do ấy nên người đàn ông dặn Huyên hiện giờ nên ít dùng đến độc huyền cầm, bởi người ta đến giáo phường đa phần là để mua vui, bán buồn, tìm bạn thơ chứ hiếm người đến mua nỗi sầu của kẻ khác. Độc huyền cầm dùng để tự sự nỗi niềm thì hợp hơn. Nhưng đầu óc nhanh nhạy của người lèo lái giáo phường Khán Xuân, quản lý đến cả chục ca nương bảo với Tuân rằng, cũng như trong lời thơ kia, cô bé ấy là “khách” mà ông không nên hỏi, không thể hỏi, không cần hỏi những chuyện thế sự chìm nổi xung quanh. Ông chỉ cần chờ, chờ đứa bé lớn lên thành thiếu nữ giỏi giang tầm cỡ Kim Oanh, bằng tiếng đàn thẳm sâu, trầm mặc và đặc biệt ấy mê hoặc lòng người là đủ. Nhưng cũng có khi người đàn ông tự hỏi những thanh âm Huyên dệt nên trên sợi dây tơ đơn độc ấy sẽ làm ai say mê thực sự, ai là kẻ sẽ cùng con bé “cộng ỷ lan can khán thúy vi”?
Nói thế nào nếu tìm được người như vậy cũng là phúc phận của một cô gái làm nghề hát xướng.
***
- Em có thể tự làm được! – Hải Triều hơi đỏ mặt khi đưa tay lấy lại cái khăn gai dùng để kì lưng trong tay Kim Oanh, che trước ngực mình rồi ngụp sâu xuống nước.
- Tiểu thư, giờ người là thiếu nữ rồi, là người lớn rồi! – Cô gái xinh đẹp trước mắt gác tay lên thành chậu tắm bằng gỗ, nghiêng nghiêng đầu nhìn con bé, mỉm cười.
- Em không thích bị gọi như thế! – Nó chun mũi, tiếng nói thoát ra chen cùng tiếng lụp bụp của nước suýt tràn vào miệng.
Kim Oanh cười khẽ, ngân nga hát một khúc hát nào đó khi xoay lưng bước ra ngoài, thả buông tấm rèm mỏng xuống để cô bé thấy thoải mái hơn. Ngoài mặt, người trong giáo phường không hiểu tại sao khi Đào Thịnh đưa con bé tên Huyên về, ông trùm Tuân lại nhanh chóng gật đầu đồng ý. Họ càng không hiểu tại sao Kim Oanh lại đứng ra làm người đỡ đầu cho đứa trẻ mới chân ướt chân ráo đến Đông Kinh, chưa rõ tiền đồ ấy. Ngoài giờ học, việc của Hải Triều là theo hầu để được cô đào tài sắc này chỉ dạy thêm nhiều điều, thế xét ra cũng là vinh hạnh. Con bé hoàn toàn không hiểu cung cách hành xử cũng như sự ưu ái của cô gái này dành cho nó vào ngày gặp mặt. Đầu óc Hải Triều từ lúc rời phủ Nghĩa Hưng lên kinh thành đến giờ không thể xóa nhòa dáng vẻ phong lưu đẹp đẽ, nõn nà của Kim Oanh. Ngày ấy nó tuy thẹn nhưng vẫn he hé mắt nhìn tấm lưng thon với dải yếm lụa đào thắt chặt nhưng vẫn hờ hững của cô gái ấy, ngơ ngẩn ngắm đôi mắt sắc lóng lánh kiêu kì của chị nhìn đi đâu đó trong lơ đãng trước khi buông một câu chẳng rõ thâm ý: “Đi theo ta, từ nay em là người của ta”. Cũng cánh cửa căn buồng này hôm ấy khép lại, đứa bé gái còn sửng sốt hơn nữa khi Đào Thịnh bảo nó ngồi lên chiếc sập gỗ trải chiếu trắng để nhận cái lạy của cô gái kia, miệng người ấy không ngớt gọi nó hai tiếng “tiểu thư”.
“Cô không nhớ em là đúng thôi. Hồi ấy cô còn nhỏ, mỗi lần bà hai bận việc nọ việc kia trong phủ là để em trông cô và cô Hạ Huệ. Giờ Kim Oanh được đến thế này là do năm xưa được phu nhân Mai Loan dạy dỗ. Xét cả tình cả lý, bằng giá nào em cũng sẽ chăm sóc cô cẩn thận để trả ơn, trả nghĩa người!” – Ấy là điều chị nói khi nắm lấy bàn tay của Hải Triều. Cái tên của mẹ, được nghe người không phải mình nhắc đến chợt làm lòng đứa bé gái có chút xao động bâng khuâng.
- Chị Oanh… là người lớn… là thế nào? – Bám tay vào thành gỗ của cái chậu, Hải Triều xoay người lại, gò má ửng hồng vì hơi nước nóng.
- Là… đến tuổi biết đến chữ “ái tình”, “tương tư”, là có thể sinh em bé – Đôi môi nhạt màu son đỏ cười cười ra vẻ bí ẩn khi cô đưa tay xoa đầu đứa bé gái.
Biểu cảm ấy trên mặt Kim Oanh cả Hải Triều lẫn mấy đứa nhóc trong giáo phường chẳng lạ gì. Mấy chị lớn lúc nào chả rúc rích tụm năm tụm ba thì thào, cười cười nói như thế, cứ nhác trông thấy bóng chúng nó đến là im bặt, cứ nghe đám trẻ thắc mắc là lại bảo: “Lớn rồi khắc biết!”. Làm người lớn thật là phiền, con bé thở phì ra một cái khi múc nước bằng hai tay, soi bóng mình trong đó. “Ái tình” có giống như tình cảm mẹ giữ trong lòng cả đời hay không? Cũng buồn như thế, cũng da diết, tuyệt vọng như thế?
Lắc lắc đầu xua ý nghĩ ấy đi, cái khăn gai kì cọ mạnh hơn một chút khắp người. Lần đầu tiên hành kinh là một kí ức mờ nhạt trong đầu óc con bé trừ một việc, Kim Oanh và Đào Thịnh dặn nó những ngày ấy phải kiêng chạy nhảy, kiêng nước. Thật nhớp nháp khó chịu, giờ được tắm giặt không khác gì lên tiên! Cái khăn đưa qua đưa lại trên nước da trắng ngần chợt ngừng, hàng mi hơi rũ xuống khi Hải Triều nhớ tới cái đêm nó ngồi cạnh thi hài mẹ trong ánh đèn leo lét xanh xanh. Run run đưa tay hất chiếc khăn trắng phủ trên mặt Phùng, vẫn mái tóc đã lốm đốm bạc vấn gọn, chẳng đồ trang sức nhưng cái nó nhìn thấy là sự thanh thản nhẹ nhàng như thể bà mới chỉ chợp mắt một lúc, sự thanh thản mà khi còn đương sống chưa lúc nào mẹ được trải qua. Lúc ấy con bé đã nghĩ: “Hải Triều là gánh nặng của u, giờ u có thể bỏ gánh nặng đấy xuống được rồi. U đã luôn muốn chết, đúng không? Con chưa lúc nào hiểu u, cũng chưa làm được gì, những điều u dặn, nhất định con sẽ làm… Người đàn ông con gọi bằng thầy, u yêu người đến thế sao? Hóa ra u luôn luôn yêu người ấy hơn cả yêu con”.
Khom lưng chuẩn bị những cánh hoa bưởi giúp con bé xông người, cái nghề này là vậy, ngoài lời hát, tiếng đàn, tư dung luôn phải xinh đẹp, ưa nhìn, chưa kể da thịt lúc nào cũng phải thơm tho để người đến thưởng ngoạn được ve vuốt tất cả những giác quan, chìm đắm trong cái đẹp tuyệt mỹ, Kim Oanh vừa nghĩa thế vừa ngoảnh lại nhìn Hải Triều đang tự mặc đồ cho mình. Cô tiểu thư của nàng chưa lúc nào làm người khác phiền lòng vì những thói đỏng đảnh con trẻ, càng chẳng ỷ lại dựa dẫm. Ai cũng bảo đó là một đứa bé ngoan nhưng lắm lúc nhìn Hải Triều, Kim Oanh chỉ thấy sự cô đơn. Nói trả nghĩa, trả tình cho phu nhân Mai Loan thì cũng đúng, nhưng dần dần sống lâu với nhau, lẽ chủ – tớ đổi ra tình chị em, vì là chị em nên nàng bối rối khi đứa bé gái nửa bình tĩnh, nửa sợ hãi túm váy mình bảo: “Chị Oanh, em bị… chảy máu. Em chẳng biết tại sao lại như thế nữa”. Kinh nguyệt lần đầu tiên, dấu mốc để một đứa trẻ thành người lớn – nàng vẫn luôn nghĩ thế – cùng những chuyện liên quan đáng nhẽ nên là điều mẹ với con gái tâm sự với nhau. Thế mà… “Chị nói với em cũng được, có sao đâu!” – Đứa bé ngước mắt lên, cười cười khi nói vậy.
- Chị… thực sự thân phụ em và tam phu nhân không hề giết Thái Tông đúng không? – Hải Triều ngồi xổm xuống sát cạnh cô gái, thì thầm hỏi sau khi kiểm tra kĩ các cửa ngõ.
Vụ án Lệ Chi Viên, cái đêm quan binh đến nhà bắt người ngày ấy, những gì Kim Oanh biết, nghe ngóng được suốt ngần ấy năm đều đã kể hết cho cô bé nghe vào ngày gặp mặt nhưng đến tận bây giờ, nó mới khơi lại. Cánh hoa trắng rơi xuống cái nong, nàng chăm chú nhìn Hải Triều rồi gật đầu:
- Đương nhiên rồi. Sao có chuyện vô lý như thế được kia chứ? Cô… à… em định làm gì?
- Em chỉ hỏi vậy thôi! – Con bé nhoẻn miệng cười, trên đôi má hồng lúm đồng tiền hiện lên mờ mờ.
Giết người đã là một điều ghê sợ, Phùng trước sau nửa câu cũng không hề nhắc đến những chuyện trong nhà Hành khiển Nguyễn Trãi nên khi Đào Thịnh cùng Kim Oanh bảo với con bé rằng, gia đình nó bị tru di tam tộc là bởi cha nó và bà ba vướng vào cái án giết vua, Hải Triều cảm tưởng như thấy sét đánh ngang tai. Là Phùng sợ đứa con gái của mình vì không hiểu chuyện nên dễ sinh ra ngờ vực phụ thân hay người lo nó sẽ bị cuốn vào vòng xoáy hết tranh đoạt lại trả thù? Hải Triều được sinh ra làm người, còn sống đến bây giờ qua bao nhiêu thăng trầm, người ta bảo rằng ấy là do ông trời còn có đức hiếu sinh, không nỡ tuyệt diệt gia đình họ Nguyễn. Đào Thịnh đôi lần cũng thở ngắn than dài bảo, con bé đã được định trở thành tiểu thư khuê các rồi bỗng dưng sau một đêm, càn khôn chuyển dời thành ra kiếp nô tì cho người ta sai khiến. Chuyện đó dù là thật đi chăng nữa đứa bé cũng chẳng để trong lòng. Ai khiến nó sớm mồ côi cha, không họ không hàng, thành cô nhi không người thân thích? Là địch họa hay nhân họa? Địch họa, thiên tai đổ tại trời, đành cắn răng mà chịu. Nhân họa thì bằng giá nào nó cũng phải tính. Cái chết của mấy trăm mạng người, máu chảy thành sông, tiếng báo oán không động trời xanh, thử hỏi ai có thể chấp nhận một chuyện nực cười đến thế?
- Ngọc Huyên, đằng ấy vào đội tớ đi, thi với bên kia xem ai thắng. Lần này chỉ thi độc tấu thôi được không chị Phượng? – Một đứa bé níu níu tay Hải Triều, kéo xềnh xệch về phía mấy cô đào rỗi việc đang đứng gần đó.
- Thi thì thi chứ chị sợ gì mấy đứa! – Cô đào Phượng vén tà áo lụa ngồi xuống sau cây đàn tranh, những ngón tay thon vuốt nhẹ lên những sợi dây đàn tạo thành những âm thanh rung rung trong trẻo – Chị trước hay em trước đây Huyên?
- Kính lão đắc thọ ạ! – Con bé cười toe toét.
- Cô cứ nhớ cái mặt tôi đấy nhé! – Đôi mắt lá dăm của cô gái lườm yêu con bé một cái trước khi quay lại vẻ nghiêm trang thường ngày khi những đầu ngón tay đã đeo móng gảy, đặt lên sợi dây đàn.
Những cung bậc đầu tiên vang lên làm Hải Triều sững người. Nó cũng không rõ là mình nghe chị Phượng đàn hay đang tự dệt lại những thanh âm trong kí ức. Những ngón tay xinh đẹp kia đang tấu lên trọn vẹn khúc nhạc ám ảnh con bé suốt những năm tháng tuổi thơ, tươi đẹp, rực rỡ mà ý nhị. Trong khúc nhạc ấy có cha và một người đàn bà khác lâu nay Hải Triều chỉ nhớ láng máng chứ chưa thật chú tâm hồi tưởng hay tìm hiểu bao giờ. Nó còn mải say sưa với cái đẹp đẽ trong những thanh âm ấy.
- Chị Phượng… khúc nhạc này là của ai sáng tác? – Giọng nói cố làm ra vẻ bình thường nhưng hình như nghe vẫn hơi lạc đi một chút.
- Em không biết hả? Nói cũng đúng, dù sao em cũng không phải người ở đây. – Cô gái gật gù thông cảm rồi mới đáp – Ở kinh thành rất thịnh điệu này. Người ta dù ngoài miệng không dám công khai nói to nhưng đều đồn đại đây là khúc nhạc năm xưa đại nhân Nguyễn Trãi và Lễ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ cùng ứng tác. Để gọi là hoàn mỹ thì phải có đàn tranh cùng sáo trúc song tấu kia.
- Mình cũng nghe thấy người ta đồn thế! – Một cô đào khác hùa vào, mắt sáng lên khi kể – Hôm bữa đi mua đôi chiếu, ra đến chợ thấy một nhà xẩm tự nhiên chơi khúc này, thế là làm đám người xung quanh xôn xao bàn tán, nhắc lại cả chuyện năm xưa đại nhân Nguyễn Trãi có trêu đùa Lễ nghi học sĩ rằng:
Ả ở nơi nào, bán chiếu gon?
Chẳng hay chiếu ấy hết hay còn?
Xuân xanh nay độ bao nhiêu tuổi?
Đã có chồng chưa, được mấy con?
- Xong nữ học sĩ đáp lại cũng rất hay nên sau đó hai người mới nên vợ nên chồng còn gì! – Một chị khác e hèm lấy giọng, miệng cười cười tiếp lời cho trọn ý:
- Thiếp ở Tây Hồ bán chiếu gon,
Cớ chi ông hỏi hết hay còn?
Xuân xanh vừa độ trăng tròn lẻ
Chồng còn chưa có, hỏi chi con!
Giọng thơ đùa vui mà thông minh, rộng rãi khiến đám con gái trong giáo phường khúc khích cười với nhau. Những vần điệu ấy… quả nhiên là một thiên truyền kì về những bậc tài tử, giai nhân.
- Chị Phượng… em có thể đáp lại khúc vừa nãy của chị bằng độc huyền cầm được không?
- Ừ… được thôi! – Cô gái gật đầu đáp, trong lòng cũng có chút thắc mắc vì xưa nay chưa từng thấy con bé trước mặt dùng đến loại đàn ấy bao giờ.
Có cô huých nhẹ vào eo Phượng, hỏi:
- Này, ngày xưa bà Thị Lộ từng đi bán chiếu thật hả?
- Thật chứ sao không. Quê người ở làng Hới, chiếu Hới chẳng nổi tiếng quá còn gì. Mà cái làng ấy có tên chữ nghe cũng hay lắm cơ nhưng giờ mình chẳng nhớ ra.
- Là Hải Triều – Một người đáp.
Bàn tay đang so chỉnh lại sợi dây đàn đột nhiên ngừng lại. Những ngón tay cầm que gảy bằng tre thoáng run lên. Ngẩn ra một hồi cho đến khi ai đó siết nhẹ bờ vai gầy, nhìn sang mới biết đó là Kim Oanh. Chuyện cũ đã qua, bị vùi lấp dưới tầng tầng máu tanh, bụi cuốn, những người có thể trả lời những khúc mắc trong lòng Hải Triều giờ đều đã chết, người từ ngày xưa tháng cũ còn sống đến giờ lại không hay. Khóe môi hơi nhếch lên khi đứa bé gái cúi đầu. Trong đôi mắt đen chỉ có một sợi dây đàn. Là nó ngốc nghếch nên đến tận bây giờ mới vỡ lẽ một điều: khúc nhạc trên cây độc huyền cầm Phùng chơi suốt năm năm tháng tháng chính là khúc họa lại từ bản song tấu kia, là khúc nhạc chỉ dùng để chơi một mình.
“U, chắc người đang rất giận con đúng không? Con mong là u sẽ như vậy khi biết con vẫn đang giữ cây đàn này.”
Que tre gảy xuống, cổ tay mềm mại uốn nhẹ cần đàn.
Cùng một khúc nhạc, người cười kẻ khóc…
Cùng một khúc nhạc, người hạnh phúc kẻ bi ai…
“Con đã đốt hết, chẳng giữ lại thứ gì của u trừ cây đàn bầu. Hải Triều chỉ không nghe lời một lần duy nhất này thôi. Cây đàn này, sợi dây này là nhân duyên của u, sao con nỡ đập vỡ? Con vẫn nghĩ… chỉ cần con còn gảy lên những nốt nhạc… thì con sẽ còn tìm được người!”
Âm thanh không hề chậm rãi nhưng sao nghe vẫn dài, vẫn xa hệt như tấm lụa dệt không thấy điểm kết, tung bay trong gió quấn lấy người. Nếu chỉ là buồn… thì đi một nhẽ. Đào Thịnh không dám lên tiếng, chỉ đứng tựa cửa trông vào. Cô tiểu thư của người đàn bà gần hai năm đã qua, dù ngoài mặt có thể cười đến thế nào thì bên trong vẫn là đứa bé con ngày đầu lạ cảnh lạ nhà đến Đông Kinh; vẫn là đứa bé ngồi thu lu trong góc ôm chặt tay nải, dõi ánh mắt trong, đăm đăm nhìn ra bầu trời ngoài song cửa.
Hương hoa nhài trên những bộ quần áo dù cố níu giữ đến mấy cũng dần nhạt nhòa đi theo năm tháng rồi tan biến hết. Trên nấm mộ sơ sài, cỏ cũng đã lên xanh. Nhiều năm nữa về sau nghĩ lại ngày mẹ nằm xuống, nghĩ lại lúc nắm đất trong tay mình rơi xuống huyệt mộ sơ sài, Hải Triều vẫn không biết đến lúc chết rồi, Phùng sẽ đi đâu. Bà liệu có sung sướng hơn lúc đang sống hay không? Liệu bà có thể tìm được cha? Nếu mẹ không si mê đến thế, phải chăng đó mới là hạnh phúc?
“U, cuối cùng u muốn điều gì?”
Giữa những nốt nhạc được gảy lên, hình như đã có lần con bé từng nghe thấy mẹ bảo với cụ tóc bạc, mắt lòa ở quê rằng:
“Là tình… là nghĩa… là nợ… là vay. Một ngày cũng nên nghĩa vợ chồng huống hồ… Cái tình của người năm xưa giờ có thể chẳng còn như cháu từng mong đợi, nhưng cái nghĩa ấy cả đời cháu không dứt được”.
Trong một thoáng, Hải Triều đã tưởng mắt mình nhòa lệ. Rồi cũng chính nó tự cười bản thân khi nhớ ra, đôi tròng mắt của mình vốn làm gì còn nước.
***