Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 07 - Phần 2

Đám trẻ con vỗ tay rào rào tán thưởng. Đấy là thú vui của lũ nhóc khi chúng đã chán thả diều, đáng trận giả hay chọi dế, bịt mắt bắt dê… Trong đám chúng nó, Thế Vinh và Hải Triều có một biệt tài, đứa thì có thể chơi nhạc cụ, đứa thì có thể chỉ cần xem tích chèo dăm ba lần là có thể thuộc hết điệu hát, thỉnh thoảng lại diễn lại cho cả đám xem. Nhìn người lớn diễn đã đành nhưng xem bạn cùng tuổi lại là một phong vị khác. Lam Ninh ngồi xếp bằng trên nền gạch, mắt chỉ dám liếc ngang một cái khi thấy cậu bé tên Vinh kia đặt chiếc trống xuống, ngồi cạnh mình. Trong tay cậu giờ là cây đàn nhị với cây vĩ kéo qua đưa lại tạo ra những nốt nhạc dạo đầu.

- Này chị em ơi! – Một giọng nữ cất lên như ngậm tiếng cười.

- Sao? – Đám trẻ đáp lại.

- Nay tư mai đã là rằm, ai muốn ăn oản thời năng lên chùa đấy chị em ơi! Thế… các già lên chùa từ bao giờ nhỉ?

- Mười tư rằm! – Có đứa cười cười hùa vào đáp.

Giọng nửa hát nửa nói cao vút, trong vắt cất lên làm Lam Ninh giật mình. Trên tấm chiếu rách trải trước mặt đám trẻ chưa hề thấy xuất hiện bất kì ai, mới chỉ nghe thấy tiếng nhưng cả lũ vẻ như hào hứng lắm. Nếu không phải đang tận mắt xem, không đời nào Lam Ninh tin cô bé đang bước ra chiếu chèo với cây quạt che mặt ấy là người ngày ngày vẫn học với mình. Lam Ninh biết Hải Triều hát rất hay, lại biết cả chơi đàn, nhưng đóng một người hoàn toàn khác xa bản thân lại là điều hoàn toàn khác. Cây quạt hạ xuống, gương mặt đằng sau không lưu dù chỉ là một vết tích mơ hồ của sự trầm lặng xa vắng. Miệng cười như hoa, cặp mắt lúng liếng đảo qua đảo lại đong đưa, lẳng lơ theo lời hát lúc nhanh, lúc chậm lả lướt, rộn ràng. Những ngón tay cong cong xoay tròn mềm mại hợp cùng chiếc quạt chỉ cần vẩy nhẹ cổ tay là khi mở, khi khép như cánh bướm chao liệng càng làm dáng vẻ của Hải Triều thêm phóng khoáng, đa tình. Hông đánh qua lắc lại như mây cô nàng đỏm dáng trên chợ huyện vẫn hay làm, bước chân uyển chuyển làm vạt áo để buông lẫn chiếc váy bạc màu phơ phất, quấn lấy nhau. Tuy chỉ có hai màu nâu – đen nhưng trong một lúc đầu óc người ta mơ hồ lại thấy như chúng chuyển sắc thành nào màu hoa hiên[4], màu quan lục, màu hoa đào không thua gì những bộ cánh của mấy người làm nghề hát xướng chuyên nghiệp. Đám trẻ há miệng, dán mắt theo mỗi bước đi, theo cái nghiêng người, cau mày, liếc mắt sắc như dao cau của đứa bé gái, hoàn toàn quên sạch con người vốn có của Hải Triều.

[4] Màu vàng thư (vàng đậm).

- Tụi con gái toàn tranh nhau đóng đào thương[5]. Chỉ có Huyên trước giờ là hay nhận vai đào lệch[6]. Kể cũng thú vị! – Thế Vinh nhìn vẻ mặt ngạc nhiên của Lam Ninh, bâng quơ đôi câu coi như tiếp chuyện.

[5] Một vai nữ trong chèo, thể hiện dạng nhân vật tuân theo mọi quy định của lễ giáo phong kiến: tứ đức, tam tòng, đảm đang, nết na, chung thủy… Họ là tấm gương trong sáng cho mọi người soi vào học tập, noi theo.

[6] Một vai nữ trong chèo. Là vai thể hiện dạng nhân vật có tư duy, tình cảm, hành động trái với lễ giáo phong kiến, không tuân theo phép tắc của Thánh hiền.

Cô bé ngẩn ra nhìn dáng vẻ bừng bừng sức sống, rực rỡ như đóa đỗ quyên của người đang hát, đang múa trước mắt, thầm hỏi sao một người lại có thể dễ dàng thay đổi đến thế. Cả Lam Ninh lẫn Thế Vinh đều không biết rằng, tất cả chẳng qua bởi Hải Triều quá giỏi đóng kịch mà thôi. Chiếc quạt trong tay cô bé lúc là chiếc quạt, lúc lại là bó hương, khi lại là cây bút hay trang sách, tùy nghi biến hóa, xoay qua xoay lại mềm mại giữa những ngón tay khéo léo. Thế Vinh đưa cây vĩ trên sợi dây đàn, chăm chú nhìn từng cử chỉ nhỏ của cô bạn, miệng mỉm cười, bất giác nghĩ ra hai câu thơ:

- Khứ giả hoa khai song cước hạ

Lai giả hồi hoàn tổng thị xuân.[7]

[7] Hai câu thơ thể hiện yêu cầu một nghệ sĩ chèo cần phải có. Nghĩa là: “Đi thì hoa nở dưới hai chân/ Lại quay vòng mọi vẻ đầu xuân”. Trích trong Hý phường phả lục (một tác phẩm nghiên cứu về hát chèo) được Lương Thế Vinh viết sau này, hoàn thành trước khi ông qua đời không lâu.

Trong một thoáng, cậu hoàn toàn quên mất đang ngồi cạnh một người lạ nên khi nhác trong thấy nụ cười của Lam Ninh, hai vành tai chợt đỏ dần lên như quả nhót chín. Ngón tay của Hải Triều điệu đàng vuốt lọn tóc đuôi gà, ánh mắt đảo qua, khóe môi nhếch lên cười tình ý. Chiếc quạt trong tay đương xoay tròn đột nhiên rơi xuống đất làm đám trẻ lao xao, nhưng nó vẫn bình tĩnh, tự nhiên nhìn giả vờ thẹn thùng, nũng nịu. Ngón tay con bé mới vươn ra thì vọng vào từ cây đa đầu làng một tiếng người thất thanh.

- Ba hồn chín vía chị Phùng ở đâu thì về! Ba hồn chín vía chị Phùng ở đâu thì về với con cái Huyên!

Tiếng người hú gọi hồn ấy như con dao đâm thẳng vào trái tim đứa bé gái. Nụ cười tuột xuống khỏi đôi môi, để lại một gương mặt bàng hoàng như hóa đá. Bám tay vào hàng cột gỗ cong queo ngoài hiên, con bé nhìn người đàn bà cũng là một nô tì trong nhà quan lớn với chiếc khăn mỏ quạ vắt hờ trên vai phơ phất khi bà vung tay lên kêu trời. “Là đùa đúng không?” – Hải Triều nghĩ thế suốt cả quãng đường nó guồng chân chạy về đến nhà.

Nó lại tự dối mình.

Trước dãy nhà của đám người ở có độ dăm bày người đang đứng bàn tán nhỏ to. Con bé không nhìn thấy ai, cứ thế chân trần chạy vào trong, quýnh quáng đến mức vấp phải bậu cửa mà ngã dúi dụi. Lay lay bàn tay lạnh ngắt của Phùng, Hải Triều run giọng gọi:

- U, u tỉnh dậy đi! U đừng dọa con, u đừng dọa con mà!

Một cánh tay ai ôm lấy người nó vỗ về, hơi thở của người ấy phả vào gáy con bé nóng ấm. Đào nén tiếng nấc, thì thầm:

- Huyên, bình tĩnh em! Cô đi rồi…

- KHÔNG! Chị nói dối!

Đào sững người khi thấy con bé vốn luôn ôn hòa gào lên như thế, mắt trợn trừng ráo hoảnh. Chống tay xuống nền đất, Hải Triều ngồi lên cái chõng tre, dùng hai tay lắc mạnh bờ vai gầy gầy của mẹ, lẩm bẩm:

- Chị Đào nói dối! U không đi được… Con xin u! U không thương con cũng không sao… nhưng… đừng bỏ con lại một mình… Đừng bỏ con lại… một mình!

- Huyên, đừng thế em! – Vòng tay qua eo con bé, cô gái dùng sức lôi nó ra khỏi người Phùng. Cái thân hình nhỏ bé ấy không biết lấy đâu sức lực để nhoài ra, cố vươn về phía mẹ đến mức Đào phải dùng cả hai tay mình tóm chặt lấy hai cổ tay gầy nhẳng của Hải Triều. Chị cắn răng nhìn con bé vùng vẫy, để nó đánh mình hết vào mặt lại vào ngực.

- Chị buông em ra! Chị buông em ra!

Những lời ấy từ từ nhỏ dần lại. Hai cổ tay gồng lên trong chốc lát rồi đột nhiên mềm nhũn không còn chút sức lực. Hải Triều sụp xuống nền đất. Con bé vốn đã nhỏ nhắn, khi nó thu người lại còn nhỏ hơn lúc bình thường. Bờ vai run lên. Ấy là lần đầu tiên Đào thấy con bé khóc, muốn ôm nó vào lòng nhưng lại cảm thấy như không thể. Từng giọt, từng giọt nước mắt lã chã rơi xuống, loang những vệt nước tròn nối tiếp nhau. Hải Triều không gào thét, cũng không nức nở, càng không nói thêm dù một tiếng, cứ để mặc nước trào ra khỏi bờ mi.

Hôm ấy là một chiều hè lộng gió.

Hai ngày sau, tang lễ xong xuôi. Lời cuối cùng Đào nhớ đứa bé gái tên Huyên nói với mình chỉ có vỏn vẹn một câu rằng:

“U em đi thanh thản chứ chị?”

“Ừm. Lúc chiều cô vừa hong tóc xong có nói với chị là thấy hơi mệt nên đi nằm. Cô còn dặn khi nào em về thì gọi cô dậy… Ai ngờ…”

“Vậy cũng tốt!” – Con bé thờ ơ đáp.

***

Đào đã đi ngủ từ lâu. Ngoài hiên chỉ có đứa bé gái trên đầu vẫn còn chít khăn tang ngồi lặng trong ánh trăng nhàn nhạt, lạnh lẽo. Hải Triều nhớ lại mấy bữa trước, cũng tại cái sân này, người ta theo tục lệ đem đốt bỏ những thứ đồ Phùng dùng ngày trước khi chết. Thực ra nào có gì ngoại trừ một cái chõng tre, một chiếc chăn mỏng. Con bé nhớ ánh mắt kinh hãi của Đào khi nó lao vào nhà, lật tung chiếc hòm cũ bạc màu sơn, lôi ra tất cả đồ đạc của mẹ ném thẳng ra sân, vào đống lửa cháy rừng rực ấy mà không hề chớp mắt. Chỉ có mấy manh áo, đến cả một chiếc trâm cài tóc cũng không hề có. Hai trang giấy mỏng kia Hải Triều vẫn gập lại, cất kĩ trong bọc quần áo của mình, đến giở ra một lần cũng chưa hề. Còn cây đàn này…

Bất giác, nó nhớ về lời đề nghị của người phụ nữ lạ mặt từng đến gặp mẹ vào buổi trưa hôm ấy. Người đó tên Đào Thịnh, là nô tì năm xưa của đích phu nhân, nay đang làm ở một giáo phường tại kinh thành. Lần này người đàn bà đến phủ Nghĩa Hưng[8] mục đích là đi tìm vài đứa bé có tài trong dân gian để đưa về giáo phường dạy dỗ. Trời xui đất khiến thế nào để Đào Thịnh đến huyện Thiên Bản lại gặp Phùng. Lúc đầu bà còn ngờ ngợ vì năm tháng trôi qua, mẹ con bé cũng đã thay đổi nhiều, lại thêm ốm đau bệnh tật, nhưng Đào Thịnh bảo dáng vẻ trầm buồn của Phùng là thứ không thể lẫn với bất kì ai. Giờ nhị phu nhân đã qua đời, người đàn bà có ý muốn đón Hải Triều về chăm sóc theo đúng lời ủy thác của đích phu nhân ngày trước.

[8] Một phần Nam Định hiện nay, thuộc vào thừa tuyên Thiên Trường. Huyện Thiên Bản (quê Lương Thế Vinh) thuộc phủ Nghĩa Hưng.

- Tiểu… thư Lam Ninh? – Con bé nhỏm dậy, mắt tròn xoe nhìn dáng người nấp sau dậu cây. Nếu không phải cô ấy ép ngón trỏ lên môi, chắc chắn con bé đã to tiếng hơn rồi.

Nhìn trước ngó sau một hồi, Lam Ninh mới lại gần Hải Triều, vội vàng nằm lấy bàn tay ấy. Cô bé khua tay một hồi, viết tràn ra hết hai mặt giấy rồi đưa cho người đối diện, mắt ngân ngấn nước.

- Hóa ra là vậy sao? – Nó cười nhạt sau khi đọc kĩ nhưng con chữ trên tờ giấy dó. – Lam Ninh, thế này thì mình thực sự không thể ở lại được nữa rồi… Kể cũng buồn nhỉ, mình rất thích chỗ này. Mà… có gì đâu, sao phải buồn đến rơi nước mắt thế này chứ?

Bặm môi lại khiến giọt nước mắt đang lăn trên má rơi xuống mặt giấy ngà, cô bé viết lên mấy chữ: “Vì Huyên không khóc!”. Giọng nói như ẩn tiếng cười ngừng lại ngượng ngập, bối rối. Những giọt nước trong veo chảy ra từ đôi mắt yên ả của Lam Ninh làm phần con người nào đó ở rất sâu trong thế giới của Hải Triều khẽ run lên, cái run rẩy nó đã buộc bản thân từ khi Mai Loan nằm xuống phải dùng sự tỉnh táo của mình để trấn áp.

- Thật may… vì có cậu ở đây! – Đôi mắt mệt mỏi khẽ nhắm lại khi Lam Ninh quàng tay ôm cổ Hải Triều, để cô bé có thể ngả đầu xuống bờ vai mình một chút.

Thật lâu, thật lâu sau đó, khi tiễn cô tiểu thư về đến tận buồng ngủ, con bé mới rút ra một ống sáo trúc dúi vào bàn tay mềm mại kia, thì thầm:

- Thứ này tuy không đáng giá nhưng… coi như là kỷ niệm đi. Sau này… hy vọng còn có thể gặp lại!

Trong ánh trăng nhạt, Lam Ninh không thể nào quên nụ cười trên gương mặt ấy, nhẹ bẫng, trong veo nhưng cũng buồn da diết như gió thổi trên mặt sông vừa rộng, vừa dài.

Vì đã được biết trước nên sớm hôm sau, khi gà mới gáy, Hải Triều không lấy làm ngạc nhiên khi bà tổng quản bảo nó nhanh tay nhanh chân thu dọn đồ đạc rồi lên gặp bà lớn. Sự việc đúng như những gì Lam Ninh đã bảo, nhà quan lớn viện hết cớ nọ đến cớ kia nói rằng giờ không thể nuôi một nô tì chưa được việc gì như con bé, nào là dù rất thương nó, cũng rất quý Phùng nhưng không thể chứa chấp thêm được nữa. Bà lớn còn lôi ra cả việc tiền thuốc men suốt một năm qua, rồi chuyện đã cho Hải Triều tiền lo ma chay ngầm bảo rằng thế đã là tình nghĩa lắm rồi. Con bé vờ như chăm chú nghe, cái đầu gật gật nhưng chẳng để lời nào lọt tai. Nó biết thừa dù là người ăn kẻ ở nhưng tự nhiên chết trong nhà chủ mà không rõ nguyên do thì chẳng phải điềm tốt lành gì, huống hồ xưa nay nó có thể được ưu ái đến thế là bởi mẹ rất được lòng các vị phu nhân. Mẹ Hải Triều ít lời, không biếng nhác, không bàn tán đơm đặt chủ nhân, không gây ra hay hùa vào các vụ thị phi, giờ bà đi rồi, chẳng ai hơi đâu để ý đến một đứa tứ cố vô thân như nó. Lạy tạ bà lớn, con bé lẳng lặng khoác tay nải lên vai. Lòng nó cũng hơi day dứt khi không từ biệt chị Đào cho tử tế nhưng quả thực, nó sợ, sợ sẽ không đi nổi nếu nhìn thấy chị, sẽ vì sự bao bọc ấy mà không thể rời khỏi nơi này được nữa.

Cánh cửa gỗ kẽo kẹt khép lại. Ngọn tre cong cong như chiếc cần câu vắt qua bầu trời màu tím hồng của buổi rạng đông trong trẻo.

- Tiểu thư, người đã quyết định rồi? – Đào Thịnh đứng đợi bên ngoài cúi đầu, lễ phép thưa.

- Từ nay… – Con bé ngẩng lên, nhẹ mỉm cười nhưng trong đáy mắt đen chỉ thấy một màu tối thẫm. – Cô đừng bao giờ gọi cháu là “tiểu thư” nữa, người đó không tồn tại. Cháu cứ tiếp tục là Nguyễn Thị Huyên thôi. Về sau những việc ở giáo phường mong cô sẽ chiếu cố cháu!

Người phụ nữ sửng sốt nhìn dáng điệu bình thản của đứa bé gái, ngập ngừng mãi mới mở được lời:

- Tiểu thư, không được. Thân phận người như vậy sao có thể vào giáo phường, trở thành đào hát kia chứ. Ông bà mà biết nhất định sẽ trách phạt nô tì.

- Làm đào hát có gì không tốt? – Ánh mắt con bé dịu lại khi đôi bàn tay vuốt nhẹ lên lớp gỗ của cây độc huyền cầm. – Cô cũng đâu giàu có dư giả, sao có thể nuôi cháu được chứ. Những điều hồi trước u dạy cháu chắc cũng đủ để kiếm cơm… Chúng ta đi thôi.

Con đường quanh quanh nhỏ hẹp giữa những ngôi nhà nấp sau những vườn cây đang vào độ kết trái. Con đường quen thuộc về sau sẽ không còn được đi qua nữa. Vào một chiều mưa nào đó, hình như Hải Triều đã núp dưới vành nón quai thao của mẹ, chạy lạch bạch về nhà, trong tay còn cầm giỏ ốc. Giả như Phùng còn sống, chắc chắn người cũng chẳng bao giờ nói hết cho con bé hay mọi chuyện. Cái gọi là sự thật dường như không thể truy vấn đến cùng. Mẹ có thể không yêu con bé lắm, yêu nó như những người khác yêu đứa con đẻ của mình. Nhưng bà chắc chắn rất yêu cha, thứ tình yêu sau này lớn lên Hải Triều mới hiểu là vô cùng tuyệt vọng, lay lắt, câm lặng nhưng nặng cả chữ nghĩa, chữ tình. Liệu trên đời có ai không trải qua sinh, lão, bệnh, tử? Liệu có ai chưa từng si mê, chưa từng ái biệt ly[9], chưa từng sở cầu bất đắc[10]? Con người thực sự rất cô đơn trong sự lựa chọn của mình cũng như của người khác, nên chắc chẳng thể có con đường chung nào cho tất cả mọi người đều hạnh phúc. Phùng có yêu Hải Triều không? Con bé từ ngày ấy đã có đáp án rõ ràng. Nếu đời là bể khổ trong khi vẫn phải sống tiếp, chi bằng tô hồng lên đó vài ba nét bút để tự huyễn hoặc bản thân mình, để làm mọi chuyện đơn giản đi đôi chút. Với Hải Triều, có lẽ như vậy dễ chấp nhận hơn.

[9] Một trong bát khổ (tám nỗi khổ cơ bản) được Phật Giáo đề cập đến. Nghĩa là: Yêu nhau mà phải xa rời.

[10] Như trên. Nghĩa là: Cầu mong, mong muốn mà không đạt được.

- Cô đợi cháu một chút! – Con bé cất giọng nói, rút ra từ trong tay nải trên vai một con trâu lá đa với đôi sừng cong cong. Cẩn thận đặt con vật nhỏ xinh vào cái hốc cạnh cái cổng gỗ mòn vẹt của một ngôi nhà nào đó, nó lặng người đi một chút rồi bước nhanh theo Đào Thịnh.

Những lời nói của trẻ con năm ấy nói là chân thật thì cũng là chân thật, nói là đùa vui thì cũng là đùa vui. Đơn giản chỉ vì thế giới sau lũy tre xanh bao trọn lấy ngôi làng thực sự chẳng rộng lớn gì, người ta thân thiết nhau từ nhỏ, thầy mẹ gán ghép, bạn bè gán ghép rồi tự nhiên lớn lên sẽ có những người nên vợ nên chồng.

Lời nói gió bay…

Nhưng sau này nghĩ lại, ít nhất tại nơi ấy, dưới bầu trời ấy, đã có một người từng thực sự sống, đã có một người có trong tay đôi ba hồi ức tươi đẹp trong cuộc đời như cuốn sách để mở trước ô cửa sổ chẳng bao giờ khép, để mặc cho gió thổi vào. Mực trên trang giấy còn chưa kịp thấm xuống đã bị lật qua, viết đè lên trong hối hả.

Cái bóng nhỏ xiêu xiêu đổ dài trên con đường ngập nắng mới.

Hải Triều chẳng hề ngoảnh lại lấy một lần.

*** Một vài lưu ý ở chương này:

1. Đôi nét về chèo (tham khảo theo Wikipedia, Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh và một vài tài liệu khác):

- Kinh đô Hoa Lư (Ninh Bình) là đất tổ của sân khấu chèo, người sáng lập là bà Phạm Thị Trân, một ca vũ tài ba trong hoàng cung nhà Đinh vào thế kỷ 10, sau phát triển rộng ra đồng bằng Bắc Bộ. Địa bàn phố biến từ Nghệ – Tĩnh trở ra. Chèo bắt nguồn từ âm nhạc và múa dân gian, nhất là trò nhại từ thế kỷ 10. Qua thời gian, người Việt đã phát triển các tích truyện ngắn của chèo dựa trên các trò nhại này thành các vở diễn trọn vẹn dài hơn.

- Vào thế kỷ 15, vua Lê Thánh Tông đã không cho phép biểu diễn chèo trong cung đình, do chịu ảnh hưởng của đạo Khổng. Chèo trở về với nông dân, kịch bản lấy từ truyện viết bằng chữ Nôm. Tới thế kỷ 18, hình thức chèo đã được phát triển mạnh ở vùng nông thôn Việt Nam và tiếp tục phát triển, đạt đến đỉnh cao vào cuối thế kỷ 19.

- Trong chương này, tác giả có sử dụng tư liệu từ trích đoạn Thị Mầu lên chùa trong vở Quan Âm Thị Kính – một tích chèo khuyết danh, được ghi nhận là xuất hiện vào thế kỷ XIX (không rõ là đến thế kỷ XIX mới được sáng tác hay đến lúc này mới tiến hành ghi chép tích chèo đã có từ trước). Có sự miễn cưỡng về mặt thời gian như vậy là vì tác giả không thể tìm được tích chèo nào xuất hiện vào thế kỷ XV trở về trước đáp ứng được diễn biến, dụng ý trong Độc huyền cầm. Rất mong được độc giả thông cảm!

2. Từ nay trong Độc huyền cầm có thể có đôi chỗ sử dụng những câu thơ trích ra từ các tác phẩm được nhân vật sáng tác vào thời điểm sau thời điểm đang diễn ra trong bối cảnh câu chuyện (Ví dụ như trường hợp Hý phường phả lục của Lương Thế Vinh trong chương 07).

Điều này được lý giải là: Trong một lúc tức cảnh sinh tình, các nhân vật có thể làm đôi ba câu thơ để bộc lộ suy nghĩ của họ vào đúng thời điểm ấy. Sau này, những suy nghĩ tức thời ấy là kỉ niệm, là tư liệu… được các nhân vật sử dụng để sáng tác các tác phẩm của mình một cách hoàn chỉnh vào đúng thời gian được ghi nhận trong lịch sử.

Thân ái!