Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 05 - Phần 1

Chương 5: Trâu lá đa

“Đàn bầu ai gảy nấy nghe

Làm thân con gái chớ nghe đàn bầu.”[1]

[1] Ca dao.

Phe phẩy chiếc quạt mo xua đi cái oi nóng của những đêm đầu hè, Phùng trầm ngâm nhìn gương mặt Hải Triều nghiêng nghiêng trên chiếc chõng. Trẻ con lớn mau thật, ngoảnh đi ngoảnh lại đã hơn một năm nữa trôi qua, con bé đã lên sáu, còn người đàn bà lại già đi một chút. Có thể vì nhìn thấy Hải Triều hàng ngày nên lắm lúc bà chẳng hiểu rõ tại sao có nhiều người khen con bé ưa nhìn. Con gái xinh xắn một chút cũng có lợi hơn, nhưng với thân phận lúc này, tất cả đều chỉ là vọng tưởng. Chính thế nên người đàn bà chỉ còn cầu xin để đứa trẻ mình dứt ruột đẻ ra có thể sống bình an đến đầu bạc răng long cùng một người đàn ông bình thường nào đó mà bản thân bà cảm thấy đủ tin tưởng để giao phó đứa con gái này. Thỉnh thoảng Phùng cũng đếm, đếm xem những ngày còn lại của mình còn được bao nhiêu. Mỗi lần Đào phát hiện ra điều ấy đều bực bội gạt đi, bảo như vậy là gở miệng. Con bé còn trẻ, chỉ thấy cuộc sống trải dài trước mắt, còn với Phùng, sống đến thế này lại là quá dài.

Thổi tắt ngọn đèn, người phụ nữ khe khẽ mở ô cửa sổ cạnh giường cho gió mát có thể lùa vào rồi ôm cây đàn bầu bước ra ngoài hiên. Lại một đêm trăng nữa, là trăng mười sáu, là trăng sắp tàn. So chỉnh lại sợi dây, que tre gẩy nhẹ tạo nên âm thanh trầm buồn rung rung. Chỉ một nốt nhạc ngân lên nhưng dư âm lại loang ra mãi như sóng trên mặt hồ, để rồi từng nốt nối tiếp làm những thanh âm đan vào nhau như những hạt mưa rơi tí tách, như muôn triệu dây tơ rối lòng. Khúc nhạc gợi lại những ngày xưa cũ.

- U chưa ngủ sao?

Một vòng tay ôm choàng qua cổ làm người phụ nữ giật mình.

- Con lại không vâng lời rồi. – Phùng ngẩng lên bắt gặp đôi mắt trong veo của con bé nhưng dù miệng có mỉm cười, trong đáy mắt sâu vẫn ánh lên những xao động như nhuốm chính nỗi buồn của mẹ. Con bé không hiểu rõ tầng tầng tâm tư ấy cụ thể là gì nhưng lại nghe ra trong khúc nhạc lặp đi lặp lại hàng đêm, nối dài từ trong kí ức lúc nó có thể ghi nhớ được đến giờ.

- Con chơi đi! – Phùng đặt que tre vào tay con bé rồi dịch sang bên, nhường lại vị trí trước cây đàn cho Hải Triều. – Cứ chơi bất kì thứ gì con muốn.

Vẫn cây đàn ấy, vẫn sợi dây ấy nhưng khi cái que thoăn thoắt di chuyển theo cổ tay mềm mại cử động tựa như đưa mũi kim thêu của con bé, một khúc nhạc khác vang lên. Vẫn là dư âm, vẫn là lắng đọng nhưng lại là lắng đọng một niềm vui giản dị, trầm sâu trong từng âm thanh rất dày. Đôi mắt khép hờ, khóe môi hơi nhếch lên tựa như đang cười, cô bé chơi theo trí nhớ, để những kí ức từ ngày còn là đứa bé con nấp sau cánh cửa bức bàn nhìn Nguyễn Trãi tuôn chảy tựa như một dòng suối nhỏ nước trong vắt. Đến giữa chừng, bàn tay Hải Triều đã hạ xuống để đầu que tre chạm lên sợi dây đàn nhưng chẳng một âm thanh nào phát ra nữa.

Trong nhà vọng ra tiếng người húng hắng ho không lấy gì làm thân thiện. Con bé ngoảnh lại, so vai cười trừ rồi buông que xuống, lắc lắc đầu làm lọn tóc đuôi gà quệt qua quệt lại.

- Sao con không chơi nữa? – Phùng chậm rãi hỏi, trên gương mặt chỉ có sự bình lặng vô tận như bao nhiêu năm nay đã thế và sẽ vẫn mãi như thế.

Hàng lông mày hơi chau lại, Hải Triều phồng má trong lúc suy nghĩ rồi nói:

- Con không thể chơi khúc nhạc vừa nãy bằng cây đàn của u. Không biết tại sao nhưng… con lại cảm thấy nếu chơi bằng đàn tranh chẳng hạn rồi có thêm tiếng sáo hòa tấu cùng thì mới thực sự hoàn mĩ. Còn cây đàn này… chắc chỉ không hợp với duy nhất khúc nhạc ấy thôi.

- Khúc vừa nãy con chơi vui như vậy, nhắm mắt lại có thể thấy cảnh sắc cuối xuân đầu hạ cỏ cây mơn mởn nên đương nhiên không hợp với đàn bầu. Bởi, thanh âm của cây đàn… mà thôi, bỏ đi… Huyên vào nhà ngủ đi con, mai còn phải theo hầu tiểu thư nữa. – Người đàn bà định nói gì đó nhưng cuối cùng lại chọn im lặng, lại chọn chẳng bao giờ nói hết mọi lẽ.

Khúc nhạc quyến luyến vừa nồng thắm ái tình, vừa tri âm tri kỉ ấy là kí ức tươi đẹp của cô bé và cũng là hoài niệm của bản thân Mai Loan. Tiếng đàn trong trẻo Hải Triều gảy lên chỉ mô phỏng lại xúc cảm của người xưa năm cũ. Người đàn bà vẫn nghĩ nếu có một ngày, cô con gái nhỏ có thể chơi lại giai điệu ấy bằng chính những tình cảm đẹp đẽ, thênh thang nảy nở trong lòng thì thật tốt bởi như vậy nghĩa là con bé hạnh phúc hệt như những người đã cùng tạo nên những cung bậc ấy.

Còn khúc nhạc Mai Loan vẫn thường chơi, chơi cho bản thân mình, chơi suốt năm này qua năm khác, quên đi là hay nhất. Từng nốt nhạc là từng giọt thời gian, là từng hồi ức lúc nào cũng chập chờn hiện ra trước mắt, nhưng cả người thiếu phụ ngày xưa ấy, cả người đàn bà bây giờ vẫn muôn kiếp là kẻ đứng ngoài chiêm ngưỡng.

Trăng mọc trên hàng cau tỏa ánh chênh vênh. Vọng lại từ cõi hư ảo nào đó tiếng bước chân chầm chậm, khoan thai, vang lên bên tai là giọng nói dịu dàng mà ái ngại của đích phu nhân:

“Những lời lần trước chị thay phu quân nói với em, em không chút để tâm sao?”

“Đại nhân bận trăm công nghìn việc, em chẳng giúp được gì, đâu dám làm ngài bận lòng như thế. Cũng chỉ là một cách gọi, ‘phu quân’, ‘chồng’ hay ‘đại nhân’ với em đều như nhau cả. Phu nhân đừng để ý làm gì cho thêm phiền. À, tháng sau còn có hai cái giỗ dưới quê, phu nhân đã thu xếp chưa? Có việc gì người cứ giao, em nhất định sẽ hoàn thành”.

Hình như lúc những lời ấy thốt ra, tay người đàn bà không ngừng nhịp quay sợi, đôi môi lại còn mỉm cười.

“Mai Loan, em đóng kịch rất tài. Nếu không phải chúng ta sống với nhau lâu như vậy, chị cũng không dám tin điều ấy. Các ca nương đều như thế, trong lòng có thế nào thì ngoài mặt vẫn cười, vẫn nói, vẫn thản nhiên bất biến?” – Đích phu nhân thở dài không rõ là có chút đồng cảm hay đang thương hại người trước mặt. – “Người đã đưa tay ra, sao em nhất định không đặt tay mình vào, sao nhất định phải làm tổn thương bản thân cho kì được?”

“Phu nhân nói gì cơ? Em thực sự không hiểu”.

Bàn tay người đàn ông ấy đưa ra, lúc nào Mai Loan cũng muốn nắm lấy để có thể cảm thấy hơi ấm lan vào trong mạch máu, hơi ấm khiến bản thân mỉm cười. Ấy là thứ cảm giác giống nắng xuân rơi trên những nụ hoa còn đương phong kín, vừa vỗ về, vừa thúc giục. Nhưng đó chỉ là nghĩa phu thê, còn tình… thứ mơ ước theo đuổi người phụ nữ ấy từ lúc còn xuân xanh dường như đã hết? Nguyễn Trãi vốn đâu chỉ là chồng của Mai Loan, người còn là bậc đại quan mà chỉ cần nhìn vào đôi mắt ấy có thể thấy giang sơn trùng điệp. Bà luôn yêu tiếng sáo của ngài, nghe qua thì giản đơn như ruộng đồng bờ bãi, như con sông ở Cổ Mai Đàm nhưng chỉ cần ngẫm nghĩ là thấy ẩn trong những âm sắc lúc là nỗi chơi vơi của bậc thức giả bị ép an nhàn; lúc lại là sự phấn chấn hào sảng; khi là ưu tư như con thuyền không trên sóng nước đêm xuân. Người thường không nói nhiều, chỉ chậm rãi thưởng thức thứ trà người vợ pha rồi cầm cây sáo lên, thả hồn mình vào từng thanh điệu. Mai Loan không thể cùng ngài nói chuyện giang sơn, chuyện triều chính nhưng có thể qua những thứ vô hình ấy mường tượng thế giới của ngài. Chuyện đời chìm nổi, ân ân oán oán, khi quân tử lúc tiểu nhân, còn tiền còn thế thì huynh đệ tình thâm, lúc tay trắng thì cũng chẳng anh em chi nữa… Những lẽ ấy Mai Loan chẳng lạ gì, đều hiểu cả, đều có thể dùng những nốt nhạc của mình để sẻ chia với người nhưng tuyệt nhiên, bà chẳng thể làm vơi bớt hay nghĩ ra cách gì giải quyết những mối tơ vò ấy.

“Khúc nhạc phu quân nói muốn cùng chúng ta ứng tác rõ ràng là người có ý đợi em. Nhưng sao cuối cùng em lại…” – Đích phu nhân vẫn kiên trì nhưng càng lúc càng thấy bản thân không thể hiểu nổi người phụ nữ trước mặt.

“Phu nhân, người không thấy bà ba và đại nhân đã tạo ra một khúc nhạc để đời sao?”

Giá như có thể dối lòng, giả ngây giả điếc thì thật tốt. Tiếc rằng người phụ nữ sinh ra đã là ca nương, bẩm sinh có thể nghe trong từng âm sắc những điều có khi bản thân người đang chơi cũng không hề hay biết. Một thanh nhã, một du dương nâng đỡ nhau để dệt nên bức tranh muôn sắc vừa rộng dài, vừa thấm đẫm tâm tư tuy hai mà một. Ấy chính là cảnh giới cao nhất trong nhạc lý khi chẳng còn ranh giới nào nữa, khi người có thể tìm thấy trong khắp nhân gian một tri âm tri kỷ để sẻ chia muôn dặm đường đời, sẻ chia từng khắc trôi qua dưới bầu trời thăm thẳm mà không cần đến dù chỉ là một lời, một chữ. Đẹp đẽ đến thế, hoàn mỹ đến thế, bản năng của Mai Loan đủ mạnh để ngăn người lại, để mãi mỉm cười đứng từ xa chiêm ngưỡng cảnh tượng ấy. Người là đào nương, đến chết cũng là đào nương, nên như vậy là đủ rồi.

Nằm úp sấp trên cái chõng, chốc chốc Hải Triều lại đưa mắt nhìn ra ngoài hiên, nhìn tấm lưng gầy gầy của mẹ tựa vào cây cột gỗ, gần lắm mà vẫn cứ xa lắc. Con bé ậm ừ trong cổ họng khúc nhạc ban nãy, khúc nhạc của những ngày thơ bé. Một cách mơ hồ, nó dừng lại, ngẫm nghĩ rồi tự nhiên cảm thấy như mình đã làm sai, chính vì khúc nhạc của mình nên mẹ mới buồn. Lắm lúc Hải Triều cũng muốn mở miệng nói những lời thật dễ nghe, thật ngọt ngào để Phùng để ý đến nó hơn một chút nhưng đều uổng công cả bởi dù con bé có ôm lấy mẹ, dù nghe tiếng trái tim người đập trong lồng ngực nhưng vẫn chỉ có xa xôi.

- Nhan sắc chỉ có từng đấy, nếu không dựa vào danh tiếng gia đình quan lớn, đời nào một người đành hanh như vậy có thể trở thành phu nhân quan trạng? – Một cô hầu gái trở mình, nhỏ giọng thì thào, chiếc quạt trên tay phe phẩy mạnh hơn chút nữa.

- Phải. So nhan sắc, nữ công của tiểu thư còn chẳng bằng chúng ta. – Có người hùa vào.

Đám nô tì thường nhân lúc đêm khuya rỗi việc ôm gối nói xấu chủ nhân, bụng thì nơm nớp lo sợ nhỡ ra ai nghe được chắc chắn sẽ bị đánh tuốt xác nhưng miệng lại không thể ngừng bình phẩm. Nỗi ấm ức của họ là thứ không ai có thể hiểu được. Nỗi ganh ghét, đố kị của họ cũng là thứ không ai có thể chấp nhận nếu không thực sinh ra với số phận này hay bị ném xuống làm một hạ nhân như thế. Hải Triều còn nhỏ, mấy lời của các chị lớn đều để trôi từ tai nọ ra tai kia. Chị Đào cũng bảo thế là phải, chẳng việc gì phải để ý cho nặng đầu. Thỉnh thoảng vẫn bị đánh đòn, thỉnh thoảng cũng bị ăn chửi vào lúc chủ nhân không vui nhưng con bé vốn chẳng có chỗ khác để về, gì thì gì có một mái nhà che mưa che nắng, cơm ngày hai bữa thì dù vất vả một chút, cam phận làm nô bộc cũng chẳng phải điều gì quá đáng. Đám người ở có thể khóc vì nhớ nhà, vì tủi thân, khóc vì thầy u đau ốm… Còn Hải Triều, từ lúc nhớ được đã biết mình là nô tì, đã mặc nhiên chấp nhận thứ vận mệnh này mà không hề thắc mắc. Chưa từng mơ ước gì, thậm chí nghĩ một cuộc sống nhàm chán vất vả như thế cũng không phải là tệ, con bé bị đám con gái xung quanh cho là quá thờ ơ, lãnh đạm. Thậm chí có người còn nói đầu óc nó không được bình thường. Nhưng chuyện ấy cũng chẳng quan trọng. Những lời bàn tán kia lướt qua chẳng lưu lại chút dấu vết. Ngón tay lướt trên thanh tre kết lại thành cái chõng tựa như đang gảy đàn, Hải Triều mường tượng trong đầu những giai điệu và cả sự háo hức muốn nhỏm dậy chơi thử trên cây đàn bầu của mẹ.

- Chị Đào này… – Con bé xoay mình, ngáp một cái rồi thấy mắt díu lại.

- Sao em? – Cô gái trở mình để có thể đối diện với đứa bé, ngái ngủ đáp lấy lệ.

- Em ở với chị và u mãi được không?

Mấy chữ ấy làm cô gái trẻ tỉnh hắn, đăm đăm nhìn đôi mắt đen láy nom tựa mặt hồ của Hải Triều. Ôm nó vào lòng, Đào xoa xoa cái lưng ấy, nhẹ giọng nói:

- Đừng hâm đi cô. Con gái lớn thì phải đi lấy chồng.

- Sao phải đi lấy chồng chứ? Lấy chồng thì có gì hay? Em cứ muốn thế này cơ…

Đến đó thì Đào chẳng biết phải đáp lại thế nào, đành ậm ừ trong cổ họng rồi thôi. Con gái cứ đến tuổi là được gả bán cho nhà này nhà khác môn đăng hộ đối, ấy là sự hiển nhiên muôn đời nay vẫn thế nên cũng chẳng mấy ai rỗi hơi hỏi điều ngược lại. Gái ế là mối quan ngại của xóm giềng, là câu chuyện thêm vào đầu thôn cuối xóm. Cô nàng không xinh xắn ưa nhìn, cô đểnh đoảng thì cô phải chịu, nhược bằng không thế, người ta sẽ nhè mặt thầy u, tổ tiên cô mà bảo rằng không biết dạy con, chẳng biết ăn ở mà để nên nỗi thất đức như vậy. Cuộc đời của đám con gái nghĩ ra thực rất đơn giản, quanh đi quẩn lại chỉ có làm lụng cho cái bụng được no, hết thờ cha mẹ rồi đến sinh đẻ, cung phụng nhà chồng, đổi lại may ra được mấy chữ trong cuốn gia phả nhà bên ấy, không thì cũng sinh sao chết vậy. Chiếc quạt mo trên tay Đào đưa qua đưa lại chậm dần, đứa bé con trong lòng cô cũng đã ngủ từ lúc nào.

***

Ngoài trời, sau mấy tàu lá chuối mỡ màng, bóng bẩy, ánh ban mai chẳng mấy chốc dâng lên tô hồng cả một chân trời đầu hè tím nhạt.

- Huyên, dậy, dậy con. Sáng bảnh mắt ra rồi! – Phùng vấn tóc xong xuôi rồi đưa tay lay con bé, vẻ như gấp gáp lắm.

Ngáp dài một cái rồi ngó sang bên thấy chỗ cạnh mình đã chẳng còn ai, con bé ngoan ngoãn ngồi dậy, dụi dụi mắt rồi chầm chậm tròng cái áo cánh vào người. Vừa định bước xuống giường thì Phùng đã đẩy một cái rổ ra trước mặt nó, bên trong nào có nhãn, có mận, có cả một cái bát đựng rượu nếp thơm nồng, mới ngửi đã thấy người lâng lâng.

- Ăn đi, diệt sâu bọ, diệt sâu bọ! – Đào vén váy ngồi xuống, đưa tay nhón một quả mận, mới cắn một miếng đã làm mặt cô gái nhăn hết cả lại mà vẫn cười hì hì.

Nghiêng đầu ngơ ngẩn nghĩ một chốc, cuối cùng con bé cũng nhớ ra, cười toe toét:

- À, hôm nay mùng năm tháng năm nhỉ? Là Tết Đoan ngọ.

- Gọi là tết diệt sâu bọ đi em, nói chữ làm gì! – Một cô gái đế thêm vào, nhìn con bé một hồi dường như có ý mỉa mai nhưng thấy mấy bà, mấy bác bước vào nhà dưới nên thôi, lảng đi chỗ khác.

Bặm môi dùng tay bóp lên vỏ nhãn màu nâu khiến nó nứt toác, để lộ lớp thịt cùi trắng đục, Hải Triều để im cho mẹ chải đầu giúp mình, nghe bà nói nhỏ bên tai:

- Đi học vui đúng không? U đã bảo rồi mà. Con gái cũng phải biết chữ, biết đọc sách, biết làm thơ. Thầy con là người rất có học nên tuyệt đối không được làm thầy mất mặt.

- U ơi, tại sao nhất định phải học chữ? – Đứa bé trong miệng lúng búng thức ăn ngoái lại, thấy mẹ lừ mắt liền vội vàng nhai nốt rồi mới nói tiếp: – Con thấy người ta bảo con gái học lắm làm gì, chỉ tổ thành ngữ cứng đầu, khó bảo.

- Con cho thế là đúng? – Phùng đặt chiếc lược gỗ xuống, xoay cô con gái lại, tỉ mỉ chỉnh lại tà áo cùng dải thắt lưng đã bạc màu của con bé. Giọng nói người êm êm như thể đang nói chuyện trời mưa rồi nắng.

Hải Triều lắc đầu ngay mà chẳng cần nghĩ quá lâu. Người đàn bà mỉm cười vừa ý, đưa tay vỗ nhẹ lên tóc nó:

- Con gái có học vấn thì sẽ có được hạnh phúc.

Lúc ấy, đứa bé không hiểu tại sao mẹ mình lại bị ám ảnh chuyện học hành, đèn sách đến vậy. Những người khác ở xung quanh nó chẳng ai giống thế, người ta chỉ nhăm nhăm dạy con gái nữ công gia chánh, ăn nói sao cho nhỏ nhẹ, đoan trang, gọi dạ bảo vâng. Còn chuyện chữ nghĩa kia là một thứ xa vời, xa xỉ, tốn công hoài của mà chẳng mài ra để ăn được. Hải Triều không biết rõ mẹ mình biết bao nhiêu chữ nhưng bà ngâm thơ và hát rất hay, tựa như tất cả những thứ ấy đều thấm đẫm vào con người Phùng đến mức nó hiển nhiên như việc hít thở, ăn uống. Không hiểu hết ẩn tình nhưng con bé vẫn ngoan ngoãn nghe lời, thực lòng thấy chuyện học chữ tuy có phiền phức nhưng cũng rất thú vị. Cúi đầu chào mẹ và mấy người còn lại trong nhà dưới, ôm bút nghiên trong tay, bước chân thoăn thoắt của nó bước xuống thềm.

Hình như sau tấm liếp có ánh mắt trông theo? Hình như là cái Trinh? Mà con bé cũng chẳng thừa thời gian để ý đâu đâu làm gì rồi lại thành ra cãi vã.

Trời xanh, mây trắng, nắng tươi nhưng chưa gay gắt, lọt qua kẽ lá thành từng đốm sáng rung rinh. Nghĩ ra Hải Triều thật may mắn, mẹ muốn cho nó đi học chữ nhưng với thân phận là một nô tì, chuyện ấy chỉ nghĩ thôi cũng đã thấy nực cười. Chẳng hiểu sao đứa cháu gái của bà lớn đến tuổi đi học lại nằng nặc muốn có một thư đồng, chọn tới chọn lui thế nào lại nhắm đúng Hải Triều. Trong đám gia nhân, nhờ mẹ nó tỏ ra là người nổi trội nhất, làm vừa ý ông bà lớn nhất nên cái vinh dự này mới đến lượt con bé. Cô tiểu thư tên Lam Ninh nó theo hầu chính là đứa bé hồi năm kia đã chạy xuống bếp đứng nhìn chị Đào và nó vét chõ xôi, miệng cứ mỉm cười không ngớt vẻ như thích lắm. Chuyện ấy Hải Triều không hiểu, chuyện Lam Ninh khăng khăng muốn nó theo hầu càng không thể hiểu được.

- Con lạy phu nhân ạ! – Bước chân tung tăng của con bé đột nhiên ngập ngừng dừng lại. Nó khoanh tay, khom người cúi đầu chào người thiếu phụ khoảng ngoài hai mươi đang đứng trên thềm. Tà áo tứ thân màu hồng đào khẽ phơ phất trong gió, nhìn qua đã biết là hàng thượng hạng. Đây là con dâu thứ của quan lớn, là người được yêu chiều nhất trong dinh thự này.

- Mau mồm mau miệng lắm. Đám kia bằng được một nửa ngươi thì tốt! – Người thiếu phụ cất giọng, cố ý nói to như để người khác có thể nghe thấy. – Lanh lợi một chút có phải không khiến người ta bực mình không?

Từ trong nhà vọng ra tiếng có người van xin lẫn trong tiếng quăng ném đồ đạc nào bình sứ đến hộp gỗ. Ngước mắt nhìn trời vẻ như ngán ngẩm, cô con dâu phẩy phẩy tay qua loa ý bảo con bé vào trong thu dọn tàn cuộc. Đôi môi mỏng hơi nhếch lên cười khinh khỉnh, mắt liếc ngang một cái kiêu kì. Gật đầu vâng lời, Hải Triều khom lưng bước qua người phụ nữ đó rồi mới dám đứng thẳng lên một chút, bước qua bậu cửa, nghiêng đầu ngó vào trong. Đúng như nó đoán, Lam Ninh mỗi lần không vừa ý việc gì lại vơ tất cả đồ đạc trong tầm tay ném thẳng về phía kẻ làm cô bé ngứa mắt. Lần này người làm cô tiểu thư nhỏ tức giận là cái Trinh. Đứng sau lưng Lam Ninh là một phụ nữ trẻ khác, định can ngăn nhưng bất lực, cánh tay hết đưa lên lại hạ xuống. Đó chính là thân mẫu, cũng là con dâu trưởng của quan lớn. Ánh mắt người thiếu phụ mới nhác trông thấy bóng Hải Triều đổ trên sàn gạch đã mừng hơn bắt được vàng.

- Tiểu thư, chuyện gì cũng từ từ… từ từ nói! – Con bé níu tay cô chủ nhỏ lại, cười lấy lòng, đoạn quay sang nhìn Trinh. – Chị để đấy để em làm nốt.

Đứa con gái bặm môi lại, tuy không dám công khai tỏ thái độ nhưng cũng cố tình dằn thau nước xuống nền gạch mạnh hơn mức bình thường.

- Tiểu thư thích thau và khăn phải thật sạch, lần sau chị chú ý một chút. Hơn nữa, chúng ta là người dưới, dù tiểu thư có thế nào thì cũng đừng tỏ ra bất tuân như vậy! – Hải Triều đặt tập giấy, bút nghiên lên cái ghế gần đó rồi khom người nhấc cái thau lên, nhỏ giọng nhắc nhở. Trinh lườm nó một cái thay cho việc bảo thẳng: “mày đừng nghĩ được làm thư đồng mà lên mặt với ai” rồi ngủng nguẩy đi thẳng.

Đám người làm cũng biết nhìn mặt chủ nhân để xem ai là người cần khúm núm, xun xoe nịnh bợ, ai là người dù họ mắt nhắm mắt mở làm mọi việc qua loa một chút cũng không sao. Ví như cô con dâu thứ chẳng hạn, chưa cần mở miệng đám nô tì đã biết ý khi dâng cái nọ, lúc hầu hạ cái kia. Còn cô con dâu trưởng của quan lớn phải đích thân sai bảo thì đám nô bộc mới lết xác đi làm, không dám chống đối nhưng cũng chẳng nhất nhất vâng lời. Lý do đơn giản lắm: vì phu nhân không sinh được con trai, giờ chỉ có độc tiểu thư Lam Ninh. Chưa kể, Lam Ninh lên sáu nhưng không nói được, ai cũng cho là câm; tính tình lại quái gở, cứ không vừa ý là thẳng tay đánh đập kẻ dưới. Thế nên lắm người cười dài vờ như ái ngại khi Hải Triều trở thành thư đồng của cô bé ấy. Họ còn đánh cược với nhau xem được mấy bữa thì con bé sẽ bị ăn đòn, nó làm sao nhất định Phùng cũng không tránh khỏi bị trách phạt. Nhưng cái ngày đó mãi chẳng đến.

Nghiêng người xem thân mẫu của cô chủ đã đi chưa, con bé thò tay vào túi áo cánh móc ra một quả mận, hai ba quả nhãn thả vào tay Lam Ninh, cười cười bảo:

- Tiểu thư ăn đi. Hôm nay là Tết Đoan Ngọ, ăn mấy thứ này vào sẽ diệt được sâu bọ trong bụng làm người không vui đấy!

Tần ngần xoay qua xoay lại mấy thứ đó trong tay, cuối cùng cô bé cũng cười tươi hơn một chút, ngoan ngoãn ngồi xuống ghế, khoanh tay đợi thầy dạy đến. Người ta ngờ vực lắm bởi không biết một người không nói được thì sẽ học chữ kiểu gì. Nói như Phùng, ông trời chẳng lấy đi của ai cái gì mà không bù lại cái khác. Lam Ninh bị câm nhưng thông minh, học nhanh nhớ nhanh, chữ viết lại rất đẹp. Trong tập giấy dó của Hải Triều luôn kẹp một tờ giấy mỏng, trên đó có ba chữ “Nguyễn Thị Huyên” chính Lam Ninh viết vào ngày con bé trở thành thư đồng của cô bé. Nét chữ mềm mại, thanh nhã, tươi đẹp ấy chẳng phải thứ gì đáng giá nhưng về sau nghĩ lại luôn khiến đứa bé gái mỉm cười.

Ông bà lớn tuy không thích mẹ đẻ của Lam Ninh nhưng lại rất cưng chiều đứa cháu gái này. Nghe đâu là vì năm xưa có thầy phù thủy qua làng xem tướng đã phán rằng, trong nhà quan có nữ nhân phúc lớn mạng lớn, sau này nhất định qua hôn nhân làm đằng ngoại được thơm lây. Chàng trai làm rể nhà này được định là nam nhân tài giỏi nhất cõi trời Nam, công danh rạng rỡ hơn người, lưu danh thiên cổ. Ông bà chủ có toàn cháu trai, chỉ độc Lam Ninh là nữ nên tin chắc chắn lời phán ấy ứng vào đứa trẻ này. Những điều đồn đại đó có khi bản thân Lam Ninh không hề hay biết, là Hải Triều ngồi lê đôi mách hóng hớt được nhưng không kể lại bởi một chút lợn gợn trong long. Con bé chỉ nghĩ nếu tiểu thư biết được nhất định sẽ rất buồn.

- Hai trò biết hôm này là ngày gì chứ? – Thấy giáo xếp lại sách bút, trước khi kết thúc buổi học lúc đã gần chính ngọ đột nhiên hỏi.

Hai cô học trò nhìn nhau, gật gật đầu, miệng đứa nào cũng nhoẻn cười háo hức.

- Nói thử thầy nghe.

Lam Ninh ngồi yên trên ghế giả vờ ngoan ngoãn nhưng chân lại đá nhẹ về phía Hải Triều như có ý thúc giục. Con bé ậm ừ rồi đành khoanh tay thưa:

- Bẩm thầy, tết Đoan Ngọ là để tưởng nhớ vị đại thần nước Sở là Khuất Nguyên do không can gián được Sở Hoài Vương nên uất ức gieo mình xuống sông Mịch La tự vẫn ạ!

Thấy giáo gật đầu tỏ ý hài lòng, còn nói thêm đôi ba câu gì đó về trung thần, nghĩa khí rồi mới cho nghỉ. Hải Triều để những lời đó trôi từ tai trái qua tai phải, thấy bóng thầy đi khuất mới thoải mái tựa lưng vào ghế, thở phì ra:

- Xì, Khuất Nguyên có thế nào thì cũng chẳng liên quan đến chúng ta. Trung thần dưới gầm trời này thiếu gì mà phải đi tưởng mới chả nhớ cái ông ở đẩu ở đâu xa lắc, lạ hoắc. Chúng ta là cứ giết sâu bọ thôi. Tiểu thư, tiểu thư…

Lam Ninh đang cười cười nhìn vẻ mặt của Hải Triều, thấy con bé bỏ lửng câu nói, đưa bàn tay ra trước mặt mình vẫy vẫy cả mười đầu ngón tay thì ngẩn ra không hiểu. Nheo nheo mắt tinh nghịch, nắm lấy cổ tay tiểu thư, con bé kéo tuột cô bé cùng tuổi theo mình, miệng liến láu:

- Hôm nay còn phải ăn bánh gio[2], phải nhuộm móng tay nữa mới đúng phong tục. Chị Đào chuẩn bị hết rồi, em với tiểu thư chỉ phải xuống nhà dưới thôi. Ơ, từ từ đã… giờ em còn phải ra chợ xách chai rượu nếp về cho bà quản gia. Tiểu thư đợi ở đây một lúc nhé?

[2] Bánh làm bằng gạo đã ngâm từ nước hòa tro (tro bếp thu được đốt bằng cách đốt củi các loại cây khô hay rơm). Bánh gói trong lá chuối. Loại bánh này dễ ăn, dễ tiêu làm mát ruột, thường ăn với mật mía.

Bàn tay kia vẫn nắm chặt không buông. Lam Ninh lắc đầu quầy quậy.

- Vậy phải nhanh lên kẻo phu nhân phát hiện ra là người mắng đấy!