Độc Huyền Cầm (Phần I) - Chương 04 - Phần 2

Thu những ngón tay lại, cô cung nữ cúi đầu như có ý nhận mình đã quá mạo phạm long uy. Nhưng Bang Cơ từ nhỏ đã quen có Hạ Liên và Đào Biểu bên cạnh, cử chỉ này của họ làm cậu thấy vui hơn nên không để tâm, không bắt tội, càng không kể với mẫu hậu. Lắc lắc cổ tay Hạ Liên, Bang Cơ nằng nặc hỏi:

- Sao lại không? Trẫm nói sai sao?

Đưa mắt nhìn Đào Biểu, cô cung nữ không biết đáp sao cho phải, đành cúi xuống vò vò gấu áo. Người đàn ông trầm tư hồi lâu, những nếp nhăn xô lại làm gương mặt hiền lành hay pha đủ thứ trò khiến đứa bé vui già đi thêm mấy tuổi.

- Quan gia, người còn nhỏ, có nhiều chuyện người chưa nên biết. – Ông nhìn lên, từ tốn nói, ánh mắt nhìn thẳng vào đứa bé đang ngồi trên giường. – Thần chỉ có thể nói với người rằng, Hoàng thái hậu đã phải đánh đổi rất nhiều để giữ gìn tính mạng này cho người. Để quan gia có thể sống, để lệnh bà có thể sống, người nhất định không được từ bỏ ngôi thiên tử.

Trầm hương tàn mát. Rèm lụa khẽ đung đưa trong cơn gió chiều đượm hương sen và mùi nước mát lành. Hàng lông mày của đứa bé cau lại mãi, cậu suy nghĩ rất lâu, rất lâu rồi nhảy xuống khỏi giường:

- Hạ Liên, đi chọn dưa hấu với trẫm. À, giờ đang là mùa hè, nóng thế này thì nên nấu chè đậu xanh nữa.

- Nô tì tuân chỉ! – Cô cung nữ mỉm cười rồi đon đả đi theo sau vị Hoàng đế nhỏ tuổi.

Trời về khuya, không khí oi nồng cũng tan bớt. Những ô cửa sổ lớn ở cung Diên Khánh mở rộng đón những cơn gió mát lành. Tán cây đung đưa làm những dãy đèn lồng treo dưới mái hiên các cung điện khác lúc ẩn lúc hiện trông cũng vui mắt. Hạ Liên nhẹ nhàng thắp thêm mấy ngọn nến rồi múc thêm một bát chè nữa dâng lên Tuyên Từ Hoàng thái hậu. Nàng dùng chiếc thìa sứ men xanh khuấy nhẹ, từ từ thưởng thức, vị ngọt thanh không hiểu sao trôi xuống cổ họng lại thấy mằn mặn.

- Lần này lại làm khó ngươi rồi! – Tuyên Từ chầm chậm nói, tay vẫn lật giở tấu chương.

- Nô tì không dám. Là quan gia đã nghĩ thông, đã dần hiểu tấm lòng của lệnh bà.

- Vẫn là con trai đối xử tốt nhất với người mẹ này! – Phẩy tay ra hiệu cho cung nữ dọn dẹp những đĩa thức ăn trên bàn rồi lui ra hết, đôi mắt lúc nãy trong ánh nến dường như còn loang loáng nước giờ đã nhìn lên đầy uy quyền – Chiếu chỉ quan gia ban xuống đã đi chưa?

- Theo như thần tính toán, chỉ nội trong sáng mai quan truyền chỉ sẽ đến Đô Kỳ.

- Vẫn tại Cung thành, người cũ lại gặp nhau rồi! – Đôi môi đỏ nhếch lên cười đường bệ, ánh mắt đen êm như nhung ánh lên những tia nhìn giá lạnh, thản nhiên.

Cũng vào một đêm như đêm này gần một năm về trước, mật thám Hoàng thái hậu cử đi đã mang về một tin không biết là lành hay dữ. Đúng là cái kim trong bọc lâu ngày cũng lòi ra, Nguyễn Trãi, Nguyễn Xí, Đinh Liệt cố sức cứu giúp, che đậy cho Ngô Thị Ngọc Dao đến thế cuối cùng cũng vẫn đến ngày này. Hạ Liên chỉ thấy lạ khi Hoàng thái hậu đối diện với cái gai trong mắt, cái đinh trong thịt không nhổ ra được này hoàn toàn bình thản, để mẹ con vị Tiệp dư ấy sống yên ổn thêm một năm nữa. Ngay sau tin đó, người chỉ làm duy nhất một việc là bắt giam Thái phó Đinh Liệt cùng gia quyến. Vị đại nhân này là họ hàng ruột thịt tính về đằng ngoại của Ngô Thị Ngọc Dao, trải qua biến cố triều chính từ thời Thái Tổ, Thái Tông không những không bị cuốn vào như Nguyễn Văn Xảo, Trần Nguyên Hãn, Lê Sát, Lê Ngân… giờ còn đường đường là lão thần quyền cao chức trọng trong triều. Loại người này không thể bỏ nhưng cũng cần phải răn dạy để họ nhớ rõ hiện nay, chủ nhân của Cung thành là ai. Những chuyện lén lút năm xưa đám người đó gây ra để cản trở kế hoạch của Nguyễn thần phi giờ không thể không tính, không thể để chúng nghĩ muốn làm gì thì làm.

- Bẩm lệnh bà, cung Khánh Phương đã được dọn dẹp xong. Cung nữ, hoạn quan hầu hạ cũng được điều đến theo đúng ý chỉ của người! – Hạ Liên cúi mình khẽ thưa.

- Vật hoàn cố chủ. Ta thực sự mong cuộc gặp gỡ này! – Nàng cười, nhấp môi vào chén trà vẻ như sáng khoái lắm.

- Hoàng thái hậu xin thứ cho nô tì nhiều lời, thực sự người an tâm khi để mẹ con Tiệp dư Ngô Thị Ngọc Dao… – Cô cung nữ lo lắng đưa mắt nhìn, hoàn toàn không hiểu hết tâm ý của người phụ nữ trẻ đang an nhàn thưởng thức âm thanh vi vu của gió hè vuốt nhẹ trên những viên ngói mũi hài.

- Ngươi cứ từ từ đợi xem!

***

Giờ không còn ai là Lê Hạo nữa.

Đứa bé dần dần làm quen với ý nghĩ đó khi một người đàn ông mặc bộ đồ bằng lụa xanh đắt tiền, đầu đội cái mũ trông ngồ ngộ, dáng vẻ trang nghiêm, kính cẩn mang đến một hộp gỗ sơn son tuyệt đẹp phủ bên trên một tấm lụa vàng, bên trong đựng một cuộn giấy làm thay đổi hoàn toàn cuộc sống yên lành của cậu lúc trước. Khi chị Gái chạy ra ngoài bãi sông gọi Hạo về, tay chân luống cuống kéo gầu nước từ dưới giếng lên giúp cậu rửa chân tay, đứa bé đã mơ hồ nhận ra có điều gì không ổn. Người mẹ xinh đẹp vẫn giữ nguyên vẻ bình tĩnh, đoan trang mực thước muôn thuở nhưng trong ánh mắt lại lộ ra những nét thất thần, sửng sốt.

Ngọc Dao không ngờ ngày này lại đến như vậy. Tiếng là “Phụng thiên thừa vận, Hoàng đế chiếu viết” nhưng ai cũng hiểu một vị Hoàng đế mới lên bốn làm sao có thể xếp đặt được đến thế này. Mọi thứ chu đáo đến nỗi khiến nàng cảm thấy Tuyên Từ Hoàng thái hậu đã biết rõ mọi chuyện từ lúc người bắt giam Thái phó Đinh Liệt, chỉ là muốn tránh điều tiếng và như muốn chơi thêm với con cá đã nằm gọn trong nơm nên mới dùng dằng đến tận lúc này mới ban chỉ xuống.

“Thân là con trai của Thái Tông Văn hoàng đế, lại xét theo tổ chế từ xưa, nay phong Hoàng tử thứ tư của Tiên đế là Lê Tư Thành làm Bình Nguyên vương, vào ở kinh sư, cùng học tập tại Kinh Diên như các vương khác để sớm ngày trưởng thành, phụng sự quốc gia. Đó là ân điển cũng là trách nhiệm không thể nào đổi khác.

Xét thấy Ngô Thị Ngọc Dao, con gái Thái bảo Ngô Từ một lòng trung trinh, tận tâm tận lực nuôi dạy Bình Nguyên vương nên người, nay phục vị Tiệp dư, ban cung Khánh Phương, mọi việc vẫn theo nếp cũ”.

Mấy lời ấy trong thánh chỉ vua ban tuy chỉ tuyên đọc một lần nhưng để lại những dấu vết không phai trong lòng người phụ nữ và đứa trẻ. Quãng đời dưới những tán cây đất Đô Kỳ mà Ngọc Dao nhắc đi nhắc lại với bản thân rằng đấy chính là hiện thực hóa ra lại là một giấc mơ ngắn ngủi. Nàng để mặc cung nữ hầu hạ mình thay áo, để những giác quan được ve vuốt trong cái mịn màng của lụa, trong mùi hương của phấn sáp, sắc vàng của kim thoa còn tâm hồn thì ở đâu đâu. Hoàng cung trước mắt vẫn như năm xưa, vẫn đẹp đẽ, lộng lẫy nhưng phong kín, u hoài. Ngọc Dao chẳng còn là thiếu nữ ngày ấy và người đang đợi nàng cũng không còn là một Nguyễn Thị Anh sắc nước hương trời với tiếng cười lanh lảnh, dáng vẻ uyển chuyển đầy tự tin, kiêu hãnh, bẩm sinh đã thu hút ánh nhìn của kẻ khác, khiến người ta ngơ ngẩn không thôi.

- Tư Thành, con lại đây! – Nàng khẽ gọi.

Cậu bé hơi nhãng ra một chút rồi nhanh chóng nhận ra mẹ đang gọi mình. Chút sửng sốt, thắc mắc khi cậu hỏi: “Mẹ ơi, ai là Lê Tư Thành?” giờ đã không còn, trẻ con vốn nhanh quên, nhanh nhớ, cũng nhanh quen với những thay đổi đột ngột trong đời như thế. Nàng hiểu rõ Tư Thành hoàn toàn không ý thức được hoàng cung là nơi thế nào, cái tước “Bình Nguyên vương” trên vai ra sao, rồi thân phận “hoàng tử thứ tư của Tiên đế” là gì nhưng chí ít, con trai nàng hiểu rất rõ nỗi bất an trong đáy mắt Ngọc Dao nên tự giác biết phải cư xử cho đúng mực.

- Từ nay về sau… – Nàng nhỏ giọng nói, dùng hai bàn tay mình nắm lấy bàn tay nhỏ nhắn của đứa trẻ, tần ngần.

- Chuyện gì cũng phải để ý trước sau, cẩn trọng như bước trên băng mỏng. – Tư Thành hơi cúi đầu về phía trước, thì thầm nhắc lại những từ vẫn phải nghe hàng ngày đó vào tai mẹ mình, miệng nở nụ cười. – Con nhớ mà!

Hoàng cung rộng lớn, rộng hơn nhiều lần những cánh đồng thẳng cánh cò bay với lầu gác nối tiếp nhau, thứ gì cũng đẹp đẽ, to lớn, bóng bẩy. Đứa bé hiếu kì lắm, muốn nhìn xung quanh cho đã nhưng vẫn phải cố làm ra vẻ đàng hoàng, mắt nhìn về phía trước, lưng giữ thẳng. Những ngón tay nắm quanh bàn tay cậu khẽ run lên, lòng bàn tay ươn ướt mồ hôi lạnh. Liếc mắt nhìn gương mặt lần đầu trang điểm của Ngọc Dao, lòng thằng bé không khỏi tự đắc bởi mẹ nó thật đẹp. Bặm môi lại, cái siết tay đột ngột của đứa bé làm người thiếu phụ có chút giật mình nhưng lại khiến trái tim đập chậm đi một chút.

Mới sáng ra mà trời đã nóng bức nhưng chỉ cần bước chân qua thềm điện, không khí mát lành thoang thoảng hương thơm thanh nhã đã ùa đến, làm người ta sảng khoái. Nhẹ bước về phía trước, Tư Thành nhìn mẹ quỳ xuống thế nào thì cũng bắt chước làm theo, không dám ngẩng đầu nhìn thẳng dù trong lòng ham muốn đó đang cồn cào.

- Thần thiếp Ngô Thị Ngọc Dao bái kiến quan gia, bái kiến Hoàng thái hậu. Quan gia vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế, Hoàng thái hậu thiên tuế thiên tuế, thiên thiên tuế.

- Thần đệ Bình Nguyên vương Lê Tư Thành bái kiến quan gia, bái kiến Hoàng thái hậu. Quan gia vạn tuế vạn tuế vạn vạn tuế, Hoàng thái hậu thiên tuế thiên tuế, thiên thiên tuế.

Đôi mắt phượng của Tuyên Từ nhìn xuống, ngắm nghía hồi lâu hai người đang quỳ dưới điện, thoáng nở một nụ cười hài lòng. Đứa bé kia tuy còn nhỏ tuổi nhưng đã được dạy dỗ đến nơi đến chốn, ăn nói trơn tru, từ giọng điệu đến dáng vẻ trông rất vừa mắt. Quả nhiên là con trai của Tiên đế, đến cả khí chất cũng được kế thừa. Người phụ nữ khẽ nghiêng mình, vỗ nhẹ lên tay Bang Cơ như có ý nhắc nhở. Cậu bé lắc lắc đầu, chỉ chờ có thế liền cười cười rồi khoát tay, bảo:

- Trẫm miễn lễ!

- Tạ ơn quan gia, tạ ơn Hoàng thái hậu! – Ngọc Dao từ từ đứng dậy, đưa tay đỡ đứa con trai nhỏ. – Hôm nay thần thiếp cùng Bình Nguyên vương trước là đến để xin thỉnh an quan gia và Hoàng thái hậu, sau là xin tạ ơn ân điển trời bể của quan gia.

- Đều là người nhà cả, hoàng thượng chỉ theo đúng phép tắc của hoàng tộc, của triều đình mà phong tước, Tiệp dư quá câu nệ rồi! – Tuyên Từ mỉm cười, liếc mắt nhìn Hạ Liên. – Ban ghế, ban nước cho Bình Nguyên vương và Ngô Tiệp dư.

Ngọc Dao đưa mắt nhìn đứa trẻ ngồi trên chiếc ghế chạm rồng đặt chính giữa điện, vẻ mặt đáng yêu trong sáng ấy cùng cái hiếu động con trẻ bị giấu sau tấm hoàng bào làm nàng thấy dễ gần. Một đứa trẻ lên ba, một đứa lên bốn, nếu như không phải vì những tranh đoạt, những sắp đặt của người lớn, có thể vui vẻ lớn lên bên nhau thì thật tốt. Ngọc Dao kín đáo quan sát gương mặt của Hoàng đế và Hoàng thái hậu thế nào thì họ cũng làm y như vậy với nàng. Bang Cơ thích đứa trẻ mới đến lắm, cậu có nghe mẫu hậu nói đó chính là em trai mình, từng sống ở bên ngoài một thời gian. “Bên ngoài”, mới chỉ nghe đến thế đã thấy hấp dẫn lắm rồi. Từ hồi nào tới giờ trong cung chỉ toàn người lớn hơn cậu. Đào Biểu đã già, vui tính thì vui tính thật nhưng chẳng thể cùng Bang Cơ chơi đùa; Hạ Liên tuy rất biết chiều chuộng nhưng lúc nào cũng nghiêm nghị, phép tắc. Đám cung nữ, hoạn quan thì vừa trông thấy bóng đứa trẻ đã quỳ vội xuống hành lễ chán chết. Giờ trong cung có thêm một đứa bé nữa thế này có phải vui hơn không? Bang Cơ muốn níu níu tay áo mẫu hậu xin ra ngoài chơi lắm nhưng không dám, đành ngồi im trên ghế. Cái ngày Tuyên Từ mở hộp đựng kim ấn rồi tự tay giúp Bang Cơ đóng dấu triện son lên tờ chiếu chỉ phong tước cho Tư Thành, cuộc đời của hai đứa trẻ đã rẽ theo những hướng khác nhau. Câu hỏi ngây thơ: “Mẫu hậu đón em ấy vào cung chơi cùng con được không?” không hề có lời đáp.

- Quan gia, chẳng phải người vẫn luôn muốn gặp Bình Nguyên vương sao? Giờ người là hoàng huynh, cũng nên dẫn thân vương đi thăm thú hoàng cung một chút, anh em một nhà nên thân thiết với nhau!

Những lời ấy của người phụ nữ làm hai đứa trẻ giật mình, làm cả Ngọc Dao giật mình như không tin nổi. Phẩy tay ra hiệu cho Đào Biểu cùng mấy cung nữ theo hầu hai vị chủ nhân, cuối cùng trong điện chỉ còn hai người phụ nữ.

- Là nhân duyên đúng không? – Tuyên Từ cười nhẹ, khóe môi hơi nhếch lên. – Cuối cùng chỉ còn lại chúng ta gặp lại nhau ở hoàng cung này.

Trong số những phi tần của Tiên đế, quả nhiên những người còn có thể ra vào Cung thành giờ chỉ còn Nguyễn Thị Anh và Ngô Thị Ngọc Dao. Những lời kia ám chỉ những thăng trầm năm xưa hay chỉ đơn giản là gợi lại chuyện cũ, nhất thời nàng chưa dò ra ẩn ý nên chỉ cúi đầu không đáp. Có người nói Hoàng thái hậu ban ơn, ở ngôi cao không quên đứa con trai nhỏ lưu lạc của Thái Tông; cũng có người nói Hoàng thái hậu ân hận vì năm xưa quá vội vàng quy kết cho Ngô Tiệp dư tội dùng bùa ngải ám hại đương kim Hoàng đế lúc đó đang là Thái tử nên mới làm vậy… Nhưng dù là lý lẽ gì, Ngọc Dao cũng đều biết là chẳng phải. Một người như Nguyễn Thị Anh thực sự có trong lòng hai chữ ‘hối hận’ hay sao? Chẳng qua nếu để mẹ con nàng sống ở Đô Kỳ hay lưu lạc trong dân gian, Hoàng thái hậu không thể quản hết hành tung hay những lời đồn đại. Ai chẳng biết cái gì đồn qua đồn lại quá nhiều, nhiều người cùng nói giống nhau thì từ giả cũng thành thật được. Vậy thì chi bằng đón họ về lại kinh sư, dưới chân thiên tử không phải dễ kiểm soát hơn sao, lại được thêm tiếng nhân từ, quảng đại. Một mũi tên trúng hai đích, đơn giản mà cao thâm hơn nhiều chuyện lẳng lặng cho người trừ khử.

- Những năm qua Tiệp dư ở bên ngoài hẳn không dễ dàng gì? – Tuyên Từ nhấp môi vào chén trà, nhìn xuống. – Để giọt máu của Tiên đế phải sống cực khổ như vậy, ta rất áy náy. Nhưng giờ thì tốt rồi, gia đình đoàn viên, anh em như thủ túc, cuộc sống từ nay về sau sẽ dễ chịu hơn.

- Tạ ơn Hoàng thái hậu đã quan tâm, cuộc sống bên ngoài của mẹ con thần thiếp cũng tạm ổn, không quá thiếu thốn. – Ngọc Dao điềm đạm đòn nhận ánh mắt dò xét của người phụ nữ mình mặc xiêm y lộng lẫy kia, thưa: – Thần thiếp nhập cung lần này cũng muốn xin Hoàng thái hậu ban ơn chuẩn y cho một chuyện.

- Chúng ta là người nhà, cũng đều là phi tần hầu hạ Tiên đế, Tiệp dư không cần khách sáo dùng đến từ “ban ơn”. – Người phụ nữ cười cười, vẻ như chờ đợi.

Ngọc Dao siết hai bàn tay vào nhau rồi quỳ xuống, kính cẩn, từ tốn thưa:

- Ân điển trời bể của quan gia, của Hoàng thái hậu trong lòng thần thiếp vô cùng cảm kích nhưng thực không dám nhận. Thần thiếp sống ở ngoài đã lâu, quen với cung cách dân gian nên giờ vào cung e rằng không tiện. Hơn nữa mẫu thân ở trong cung, Bình Nguyên vương hãy còn nhỏ tuổi lại ở phủ đệ bên ngoài, thực lòng thần thiếp không an tâm.

- Tiệp dư làm khó ta rồi! – Tuyên Từ đứng dậy, từ từ bước xuống, dùng cả hai tay đỡ người phụ nữ trẻ đang quỳ đứng dậy, ngọt ngào nói: – Đường đường là phi tần của Tiên đế, ta để Tiệp dư sống ở ngoài đạm bạc như vậy há chẳng để thiên hạ chê cười quan gia hay sao. Còn Bình Nguyên vương, điện hạ cũng như con trai ta, ta nhất định lưu tâm, cử những người tâm phúc nhất, chu đáo nhất đến chăm sóc, dạy dỗ ngài.

Ngọc Dao thoáng sững người nhưng rồi vẫn kiên trì, tha thiết mở lời:

- Lệnh bà cũng là thân mẫu, hẳn cũng không muốn giao việc nuôi dạy quan gia cho người ngoài. Xin người đèn trời soi xét cho tấm lòng của thần thiếp. Thần thiếp biết quan gia và Hoàng thái hậu có ý hậu đãi mẹ con thần thiếp nhưng Bình Nguyên vương còn nhỏ, chưa lập được công trạng gì cho xã tắc, e rặng nhận phủ đệ lớn sẽ khiến thiên hạ không phục, lại làm trẻ nhỏ chưa hiểu chuyện sinh lòng ỷ lại, huênh hoang. Thần thiếp xin Hoàng thái hậu chuẩn y cho phép mẹ con thần lui đến sống ở chùa Huy Văn như lúc trước, ngày ngày tụng kinh niệm phật cầu quốc thái dân an, để Bình Nguyên vương dùi mài kinh sử. Sau này đạt được chút thành tựu, lúc ấy mới dám dùng hai tay nhận ân điển của quan gia mà lòng không thẹn với tổ tiên, với xã tắc.

- Chuyện này… – Ánh mắt sắc của Tuyên Từ liếc ngang, đôi môi đỏ hơi cong lên. – Ta cũng không muốn là người chia rẽ tình mẫu tử, cũng không phải không hiểu ý tứ của Tiệp dư. Nhưng Bình Nguyên vương nói thế nào cũng là hoàng tử, sống đạm bạc quá e rằng không hay. Thôi được rồi, miễn cưỡng là không nên, cung Khánh Phương ta cứ lưu lại đó, Tiệp dư lúc nào cũng có thể quay về. Ta sẽ cho dựng bên cạnh chùa một ngôi nhà để mẹ con người có thể sinh sống, sai đến thêm vài người hầu hạ. Tấm lòng này của ta, Tiệp dư nhất định không được chối từ.

- Thần thiếp tạ ơn người còn chưa kịp, sao dám từ chối!

Dưới tay áo lụa, bàn tay Ngọc Dao lạnh ngắt, trên vầng trán cũng lấm tấm chút mồ hôi. Lời dặn năm xưa của nữ nghi học sĩ Nguyễn Thị Lộ giờ nàng đã làm theo nhưng sao vẫn cảm thấy bất an. Dường như Nguyễn Thị Anh có thể nhìn ra hết, nhìn thấu mà vẫn thuận ý đồng tình, vậy mới đáng sợ, mới không biết rõ những ngày sắp tới sẽ là nguy hay an.

***

- Quan gia đi nghỉ chưa? – Tuyên Từ xếp gọn những tấu biểu lại, nhìn lên.

- Quan gia đi nghỉ rồi ạ. Từ khi Bình Nguyên vương lai kinh đến nay thỉnh thoảng lại vào cung thỉnh an, chơi đùa rất vui vẻ làm tâm trạng của quan gia rất tốt. – Đào Biểu thưa, trên gương mặt hiện lên vẻ nhẹ nhõm, mừng rỡ.

- Quân thần mà được như vậy thì còn gì bằng. – Nàng buông một câu vô thưởng vô phạt rồi cho viên nội thị ấy cũng đám cung nữ lui ra hết, chỉ giữ lại Hạ Liên. – Ngươi thấy chuyện lần này thế nào?

Cô cung nữ nhẹ nhàng giúp Hoàng thái hậu thay áo, rút từng chiếc trâm vàng, trâm bạc trên tóc xuống, thưa:

- Từ lúc “vô tình” tìm thấy hình nhân yểm bùa trong cung Khánh Phương của Ngô Tiệp dư đến giờ, nô tì thực không nghĩ có thể xảy ra cuộc gặp gỡ này. Nô tì cảm thấy Ngô Tiệp dư đã có sự chuẩn bị khi nhập cung nên mới từ chối hết những ân điển của người.

- Hẳn nhiên rồi. – Tuyên Từ nhếch miệng cười. – Ngọc Dao là người lương thiện nhưng không ngốc nghếch, rất tỉnh táo và chừng mực. Chắc đã biết rõ ta định giữ cô ta lại trong cung làm con tin uy hiếp Bình Nguyên vương sống ở bên ngoài để sau này, đứa trẻ ấy lớn lên giả như có mưu đồ thoán nghịch cũng không dám ngông cuồng, tùy tiện nên mới khăng khăng xin ra chùa Huy Văn như vậy. Chỉ giữ tước vị cho con trai, không nhận vương phủ, bổng lộc, là cô ta muốn nói cho ta biết mình không tơ hào một chút địa vị nào trong cung, không có ý kéo bè phái hay dính dáng đến quan trường. Quả nhiên rất kín kẽ, rất chu đáo!

- Lệnh bà tin sao? – Hạ Liên khẽ hỏi, nâng từng lọn tóc của chủ nhân lên chải cẩn thận.

Người phụ nữ trong tấm gương nghiêng nghiêng đầu, đưa những ngón tay thon được chăm sóc tỉ mỉ lên tháo đôi bông tai ngọc trai xuống, tự ngắm nghía hình bóng mình rồi nhạt giọng nói:

- Người lương thiện đến mấy một khi đã vào cung chỉ có hai con đường: giữ sự thiện lương rồi bị người ta giết chết hoặc trở nên tinh ranh, thủ đoạn để tự bảo vệ mình. Nhưng các cụ cũng có câu đánh kẻ chạy đi chứ không ai đánh người chạy lại, cô ta đã xin hai chữ “bình an” nên lần này ta thử theo đó xem sao. Mẹ con họ ở trong tầm mắt của ta, cứ từ từ quan sát rồi định liệu cũng chưa muộn. Giờ Bình Nguyên vương mới ba tuổi, độ vài năm nữa đã có thể đi học tại Kinh Diên, lúc ấy mới có nhiều điều để xem xét.

Tuyên Từ chỉ nói ra miệng là thế còn những suy tính khác đều cất ở trong lòng. Hạ Liên đột nhiên nhắc đến hình nhân vải làm nàng nhớ đến màn kịch năm xưa được giăng ra để trừ khử Ngọc Dao. Tang chứng vật chứng rành rành, lại may đúng lúc ấy Nguyễn Thị Anh và Thái Tông hương lửa đương nồng, ái tình quyến luyến nên chỉ bằng dăm câu nói, đôi ba hàng nước mắt thêm vào, Thái Tông có không muốn xử cũng buộc phải xử. Nếu ngày đó Nguyễn Trãi và Thị Lộ không tự nhiên can dự vào, cỏ ắt đã được nhổ tận rễ, đâu dây dưa đến tận lúc này. Giờ thời thế đã đổi thay, những chuyện năm xưa không còn chỉ là thâm cung bí sử mà đã đồn ra cả dân gian, thậm chí có kẻ còn dám bảo Bang Cơ không phải con trai của Tiên đế nên Hoàng thái hậu mới tàn bạo giết hết người này đến người khác để bịt miệng. Nghĩ đến đấy, Thị Anh đột nhiên nhếch mép cười khinh bỉ, bàn tay siết chặt làm chiếc khăn lụa nhàu nhĩ đi. Nàng có thể sai người ngấm ngầm giết mẹ con Ngọc Dao nhưng đến lúc đó, Thái úy Đinh Liệt và những kẻ liên quan ắt không ngồi yên nữa; chưa kể chỉ cần như thế lập tức những lời đồn đại chướng tai kia sẽ có thêm bằng chứng hùng hồn họa thêm vào. Lúc ấy sợ rằng ấu chúa không ngồi vững nổi trên ngai vàng. Chuyện đã lỡ, đành thử một lần đánh cược vào sự lương thiện của Ngô Thị Ngọc Dao xem sao. Ván cờ này là Thị Anh chủ động, nương tay một chút, hậu đãi một chút cho cả thiên hạ trông vào, sau này từ từ giết đi cũng không đến nỗi thiếu nguyên cớ, nguyên do.

Những cung nữ tuổi mới trăng rằm cầm những chiếc đèn lồng đỏ đi qua khu vườn trước mắt. Gió động tà áo bay bay, nâng tiếng cười trong trẻo của thiếu nữ lên giữa trưa hè, thanh khiết và mơ mộng. Tựa cằm lên mu bàn tay, người phụ nữ khẽ nhắm mắt lại, nhớ về mình ngày trước, cũng trẻ trung như thế, cũng vô tư như thế. Là ông trời trêu ngươi khi để nàng nhập cung vào lúc Thái Tông đang sủng ái Dương Thị Bí vô cùng, Dương thị kia còn sinh được cho ngài đại hoàng tử Lê Nghi Dân. Dựa vào cả hai lẽ ấy, chuyện thị kiêu ngạo, chèn ép những phi tần khác cũng là hợp lẽ. Những ngày ấy không chỉ là hờn tủi mà còn là lo sợ. Đến khi được sủng ái bậc nhất hậu cung, mang thai Bang Cơ, Nguyễn Thị Anh cũng chưa lúc nào được yên. Lê Nghi Dân được phong Hoàng thái tử, Dương thị sẽ có ngày nhớ lại nỗi hậm hực khi sự yêu chiều của Hoàng đế chuyển sang người khác mà xuống tay cho thỏa cơn ghen. Một đường sống, một đường chết, phải chọn thứ gì lòng nàng đã rõ. Nói như Hạ Liên, vì Dương Thị Bí quá hẹp hòi, nghĩ quá nông, bị một chút tự ái đàn bà làm mờ mắt nên dễ dàng rơi vào thế trận đã sắp sẵn của Nguyễn Thần phi khi ấy. Cũng đâu khó khăn gì để Thái Tông hết lần này đến lần khác trực tiếp mắt thấy tai nghe Dương thị hiếp đáp mẹ trẻ con thơ, nói ra những lời tức giận không phân trên dưới, nặng nhẹ. Hẳn Thị Bí không thể ngờ sao Nguyễn Thị Anh mới trước còn vênh vang mỉa mai, khích bác, ngay sau đã làm ra vẻ đáng thương, nhu nhược như thể là nạn nhân của chuyện hậu phi tranh sủng. Là thị không chấp nhận nổi chuyện ngày trước mình vẻ vang, người người tôn kính, giờ địa vị ấy lại đổi cho một ái thiếp năm xưa bị chính thị khinh thường nên chỉ vì đôi ba câu châm chọc, gây sự của Nguyễn Thần phi đã không giữ được cái miệng mình.

Thái Tông đã nhân nhượng hết lần này đến lần khác nhưng những chuyện gai mắt đó vẫn xảy ra. Nguyễn Thần phi trước sau vẫn diễn trọn vai ái thiếp bao dung, nhân hậu của mình, đứng ra đỡ lời phân giải cho Dương Thị Bí. Cuối cùng chuyện gì đến cũng phải đến, Dương thị bị giáng xuống làm thứ dân. Việc mẹ sai liên lụy cả đến con, Lê Nghi Dân cũng bị truất ngôi tại Đông cung, giáng xuống làm Lạng Sơn vương, nhường lại vị trí Hoàng thái tử cho Bang Cơ.

Phụ nữ trăm người cả trăm luôn mơ tìm được một đấng nam nhi như cây tùng, cây bách để có thể che chở cho mình cả đời, cả kiếp. Nhưng Hoàng đế có thể làm được việc ấy sao? Lắm lúc Nguyễn Thị Anh cũng không chắc ở tình cảm của bản thân mình, ở tình cảm của Thái Tông. Là yêu hay chỉ là yêu thích? Người phong lưu như vậy, từng yêu chiều Dương Thị Bí đến thế rồi cũng đổi qua nàng. Sau nàng sẽ còn là ai, ai nữa? Tình nghĩa phu phụ nơi cung cấm hóa ra chỉ nhạt nhẽo thế thôi. Cuối cùng, trên đôi môi đỏ màu son tươi là nụ cười chua chát khi ngẫm ra rằng, không thể tin kẻ khác, càng không thể dựa vào kẻ khác mà chỉ có thể tin chính mình, ấy là chân lý của người đàn bà của hoàng đế.

Giờ nghĩ lại, là Ngô Thị Ngọc Dao xui xẻo. Sau khi Nghi Dân và Thị Bí bị phế truất, Tiệp dư có mang làm Nguyễn Thị Anh sợ số phận kia sẽ lặp lại với mình. Nàng không tin giấc mơ Ngọc Hoàng thượng đế ban tiên đồng làm con trai Ngọc Dao. Nàng càng không lo sợ đứa bé sinh ra nếu là hoàng tử sẽ đe dọa đến ngôi vị của Bang Cơ con mình. Tân Bình vương Lê Khắc Xương – con thứ hai của Thái Tông – cũng là hoàng tử nhưng vốn không phải đối tượng khiến Thị Anh phải dè chừng bởi Thái Tông vốn không hề yêu thương mẹ của đứa trẻ đó. Những chuyện phế lập ngôi vị chủ nhân Đông cung dường như phức tạp nhưng tựu chung lại chỉ có mấy chữ “yêu mẹ thì bế con”. Điều khiến Thị Anh sợ chính là lẽ ấy, chính là bởi trong lòng Thái Tông dường như có chút vương vấn, có chút động lòng trước vị Ngô Tiệp dư xinh đẹp như đóa hoa mai ấy.

Nàng không cam tâm, càng chẳng cam chịu. Giả như Nguyễn Thị Anh bao dung với kẻ khác, liệu có chắc kẻ khác sẽ bao dung với mẹ con nàng?